PDA

View Full Version : Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11-06-1912 - 10-03-1988)


Poetry
11-06-2012, 23:17
http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2012%5C05%5C19%5C12193199_product.jpg

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-06-1912, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Ông tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ trường học. Năm 1931, ông được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 06-1931, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 3 năm tù, 3 năm quản thúc. Trong lao tù, ông tiếp tục tổ chức tù nhân đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến. Ngày 20-09-1932, thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình tại tỉnh Mỹ Tho, kết án tử hình ông và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn. Trước cuộc đấu tranh mãnh liệt của nhân dân ta, của nhân dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản, thực dân Pháp buộc phải giảm án tử hình cho một số chiến sĩ cộng sản ở Việt Nam. Phạm Hùng được giảm xuống án khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo từ ngày 17-01-1934. Năm 1934, Phạm Hùng được bổ sung vào chi ủy nhà tù Côn Đảo, sau đó được cử làm Bí thư Đảng ủy. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông đã lãnh đạo anh em tù nhân chớp thời cơ giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (năm 1945).

http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2012%5C06%5C07%5C23535519_product.jpg

Tháng 09-1945, Phạm Hùng từ Côn Đảo trở về hoạt động cách mạng ở Sóc Trăng. Tháng 10-1945, ông được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ, phụ trách Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc. Năm 1947, ông được cử làm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ. Năm 1948, ông được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ Nam Bộ ra Việt Bắc.

Tháng 06-1950, Phạm Hùng trở lại miền Nam và được Xứ ủy cử phụ trách Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 02-1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 03-1952, ông được cử làm Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Phân Liên khu ủy miền Đông kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ.

Năm 1955, ông được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Kiểm soát Quốc tế tại Sài Gòn. Tháng 06-1956, ông được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tại Hội nghị lần thứ 10 (khóa II) của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1957, ông được cử làm Trưởng ban Thống nhất của Trung ương.

http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2012%5C06%5C11%5C23082334_product.jpg

Tháng 04-1958, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa I, ông được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách về kinh tế. Tháng 07-1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, ông tiếp tục được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 09-1960), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III (tháng 06-1964), ông tiếp tục được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách kinh tế, tài chính, ngân hàng, nội thương, ngoại thương.

Từ năm 1967 đến năm 1975, ông được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp vào chiến trường chỉ đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được giao trọng trách thay mặt Đảng, Chính phủ lãnh đạo, điều hành các công việc của Đảng và Nhà nước ở miền Nam.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, khóa VI (tháng 06-1976), ông được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1980, ông được Đảng, Nhà nước giao trọng trách Phó Thủ tướng phụ trách Nội chính, kiêm Bộ trưởng Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII (tháng 07-1981), ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (tháng 06-1987), ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ ); Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng của Quốc hội; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2012%5C06%5C07%5C23533619_product.jpg

Ngày 10-03-1988, ông đột ngột từ trần trên đường đi công tác ở các tỉnh Nam Bộ, để lại niềm tiếc thương, xúc động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Với 58 tuổi Đảng, 60 năm hoạt động cách mạng phong phú và hào hùng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã nêu một tấm gương mẫu mực về sự kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đảng và Nhà nước ta đã tặng ông Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương cao quý khác.

http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2012%5C06%5C07%5C23550697_product.jpg

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, để góp phần tôn vinh và khẳng định công lao cùng những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Phạm Hùng (11-06-1912 - 10-03-1988)” (http://www.vietstamp.net.vn/Product/2227/) gồm 1 mẫu do họa sĩ Vũ Kim Liên thiết kế.

Max Hiếu
11-06-2012, 23:32
Rất bổ ích cho người sưu tầm tem Việt nam. Cảm ơn Anh và CLB rất nhiều!!