PDA

View Full Version : Giới thiệu Tập san Viet Stamp số 5 (2012)


Poetry
12-12-2012, 23:39
Tập san Viet Stamp số 5 có khuôn khổ 17 x 24 (cm) gồm 64 trang in offset 1 màu, 4 trang bìa và 4 trang giữa in offset 4 màu, tất cả in trên giấy couche tiêu chuẩn.

>>> Thông báo về việc gửi tặng Tập san Viet Stamp số 5 (2012) - phiên bản đặc biệt (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=10933)


2 trang bìa số 4, 1

178867

2 trang bìa số 2, 3

178871

Trang đầu

178868

2 trang mục lục

178869

178870

The smaller dragon
02-04-2013, 12:11
Tạp Chí Viet Stamp số 5

Ngày 1 tháng Tư hôm nay tôi nhận được Tạp Chí Viet Stamp số kỷ niệm 5 năm thành lập Câu Lạc Bộ Viet Stamp (2007-2012) do bác Ðỗ Thành Kim và ông Thanh Nguyen ở Denton, Texas chuyển giúp. Xin cám ơn hai vị.

Tạp Chí số này rất phong phú. Ðiểm mạnh nhất có lẽ là sự đa dạng về đề tài và số lượng đông đảo người cộng tác khắp mọi miền đất nước ra tận hải ngoại.

Có tất cả 17 đề tài quốc tế là Chiến hạm Rạng Ðông Nga, Tem Mali về Việt Nam, The Colombian Exchange, Olympic 1944, Judo, Y tế, Pierre-Joseph Redouté, Malacca, Chim Hummingbird, Tem Nhật, Hướng Ðạo, Triển lãm Úc 2013, Pinocchio, Tem sao David, Tem thêu, Tem có hương, Tem đính vải. Ðề tài Việt Nam có 10 gồm Bì tem Ðông Dương in đè, Tế Nam Giao, Tem Việt Minh, Tem HCM gỉa, Ðiện Biên Phủ trên không, Bì thực gửi Nam Bắc, Chim bồ câu, Tem CHXHCNVN in thử, Ðàn bầu, Trần Quang Vỹ.

Có tác giả là những viên chức của Hội Tem Trung Ương, như bác Vũ Văn Tỵ, Lê Ðức Vân, Ðào Ðức Long, Hoàng Châu Kỳ. Tất cả thành viên Ban Chủ Nhiệm CLB đều góp mặt, Hoàng Anh Thi, Châu Ðỗ Trường Sơn, Nguyễn Tuấn Phong, Ðặng Ðức Huy, đặc biệt có cả “Bề Trên” của Chủ Nhiệm Hoàng Anh Thi, tức Khánh-Chi. Thủ đô Hà Nội có bác Ðàm Trung Thiện đã quá vãng, Mai Thế Nhượng, Nguyễn Tất Thành, Vũ Ngọc Thuý, Nguyễn Huy Thắng là hậu duệ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, và Nguyễn Minh Chí. Các tỉnh miền Bắc hơi ít, chỉ có Nguyễn Ðức Danh từ Thái Bình. Miền Trung nổi bật là Trần Hùng từ Ðà Nẵng, Lê Trương Nhật Khánh từ Cố Ðô, và bác Lê Văn Ðông từ Nha Trang. Ðóng góp từ miền Nam là Nguyễn Khánh Hồng, Lê Hoan Hưng, Ðặng Ðức Huy, Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Ngọc Ðông Tiên, Lâm Thanh Nhã, Phạm Thanh Hiệp, và Trần Thi Lan từ Tp Hồ Chí Minh, không kể toàn Ban Chủ Nhiệm. Nam Kỳ Lục Tỉnh có Nguyễn Hoài Thanh từ Cần Thơ mà nay tôi mới biết là một luật sư, và Trần Hữu Huệ ở An Giang. Hải ngoại thì có bài từ Ba Lan của Ðàm Hiếu Mạnh v à từ Nam California của bác Lữ Tích Nguyên, và bài tưởng niệm bác Trần Quang Vỹ. Tác giả đề tài Judo thì không biết thuộc địa phương nào.

Về vật phẩm, tính chính thống trong làng tem trong nước cho thấy có hay không có “giá trị triển lãm” là thước đo sự thật gỉa của tem đối với tôi rất mới lạ. Nhưng ý kiến của bác Lê Ðức Vân, Cố Vấn CLB VS, về tem Việt Minh có kèm tài liệu đương thời thì rất hữu ích.

Bì thư dán tem MTDTGPMNVN trong bài viết của anh Lê Hoan Hưng rất tiếc lại không có nhật ấn của Bưu Ðiện, trong khi tem VNDCCH cùng thời lại có nhật ấn càng làm cho vấn đề thêm rắc rối. Nhưng xuất xứ bộ tem “Chu-Tich Ho-Chi-Minh” với cờ đảng mà tài liệu bác Ðàm Trung Thiện để lại thú thật chưa có sức thuyết phục mạnh vì sự khẳng định tiếc là không kèm theo chứng cớ. Tôi vẫn mong được biết ai là người chủ thực sự của bộ tem này và lý do nào bộ tem xuất hiện. Theo bác Thiện, đến năm 1999 thì bộ tem này dễ kiếm ở Hong Kong, nhưng bây giờ thì muốn có cũng không phải dễ, nhất là block of 4 cả hai dạng có răng và không răng. Tổng mục Michel của Ðức định giá bộ này 2.000 Ðức Mã thì đúng là quá cao.

Bì và thư gửi Trang Kim Loan nơi trang 20 nhất là khi nhìn hàng chữ viết tay “Em và con yêu qúy!” làm tôi giật mình. Tôi nhớ là không viết bài về bì thư này mà. Thực ra, đây là bì trước bì tôi có.

Bì thư cùng người gửi và cùng người nhận như
trong trang 20 của Tạp Chí. Nhưng sao những bì thư cá
nhân này phiêu lạc ở Mỹ ở Việt Nam? Ðọc thư còn trong
bì, tôi sợ đây là một chuyện tình buồn!

182945


Nhân nói về thời Quân Quản ở miền Nam, tôi chia sẻ với Diễn Ðàn một bì thư viết ngay trong ngày 1 tháng Năm năm 1975 tại Hà Nội, mở đầu bằng lời chào “Em vô kùng yêu quí kủa Anh!” và hào hứng kể chuyện Hà Nội đỏ rợp pháo hoa, Hà Nội ngày này chen chân không lọt...

182946


Có lẽ lạc loài là bài về các vật phẩm sưu tầm Hướng Ðạo. Tác giả đã không nói cụ thể về tem đề tài Hướng Ðạo và tôi rất ngạc nhiên vì tác giả, hiện là một trưởng Hướng Ðạo rất năng nổ trong các sinh hoạt tại Sài Gòn, từng đi nhiều nước Ðông Nam Á tham dự sinh hoạt Hướng Ðạo quốc tế mà sao không biết trong Phong Trào Huớng Ðạo có chuyên hiệu -tức bằng chuyên môn- về sưu tầm tem?!

Bốn trang offset mầu giới thiệu những vật phẩm quý hiếm là tiếp nối truyền thống từ Tạp Chí số 1 năm 2008, nhưng có thêm lời dẫn giải là một cải tiến cần thiết và chuyên nghiệp. Rất đáng khen. Bì quân bưu 1955 người nhận Phan Khắc Hy có dấu đi, dấu đến và cả dấu binh trạm chắc nay là Hội Viên Danh Dự của CLB? Bì này đã được chia sẻ trên Tạp Chí số 1, nhưng không rõ bằng hình ảnh lần này. Bì với tem Ðại Hội Thể Dục Thể Thao Quân Ðội 1962 của PL rất hay, nhưng sao chân lực sĩ cử tạ trong tem này không dẫm/đụng vào cờ? Tem này có hai ấn bản, hay chân dẫm/đụng cờ là tem in sai?

Cuối cùng, báo cáo tổng kết hoạt động của CLB nhiệm kỳ 5 năm 2007-2012 là một bản văn chính xác, cụ thể, và chi tiết giúp các thành viên Câu Lạc Bộ và Diễn Ðàn nhìn lại đoạn đường vừa qua, những thành quả đã đạt được để thêm lòng yêu mến con tem và chung niềm vui bên bằng hữu cùng thú sưu tầm.

Xin chúc mừng Ban Chủ Nhiệm CLB Viet Stamp về một ấn phẩm phong phú về nội dung và mỹ thuật trong hình thức.

vnmission
02-04-2013, 19:24
Bác Rồng nắm quá chắc từng người và tình hình sưu tập tem VN. Tôi đọc bài viết của bác và thấy quá may mắn bài của mình chưa bị bác chê!

Bài viết về bì thư dán tem Đông Dương in đè, tôi viết vội nên không tránh khỏi nhiều lỗi, may đã được BBT chỉnh sửa một lần, vậy mà ngay sau đó đã lại muốn sửa thêm. Nhân dịp này, xin phép BBT đưa lại đây để các bác "ném đá".

Một bì thư nhỏ rộng mở khung trời
Tập san Viet Stamp #5, 12/2012

Với người sưu tập tem, bì thư nào cũng có nhiều ý nghĩa. Nhân dịp VS tròn 5 tuổi, xin giới thiệu với các bạn một bì thư khá đặc biệt.

Bì thư dán tem Đông Dương in đè thời kỳ 1945 – 1946 tương đối hiếm so với các loại bì thư Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này. Các bì thư ghi nhận được phần lớn đều được gửi trong nội thành Hà Nội. Vì vậy, tôi rất chú ý khi thấy một bì thư thực gửi từ Ninh Bình đi Hà Nội.

182953

Đây là một bì thư cỡ nhỏ, gửi thường, không có tên và địa chỉ người gửi. Có thể khi đó, chính quyền mới thành lập ở các địa phương chưa có quy định bắt buộc phải có thông tin này. Cũng có thể người gửi cố tình bỏ qua chi tiết vì một lý do đặc biệt nào đó?

Người nhận là Ông Khuất Duy Tiến, Thị chính Hà Nội. Ông Khuất Duy Tiến (1909 – 1984) khi đó là Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội.

Dấu hủy tem và dấu treo “NINH-BINH / TONKIN 1030 29-8 46” là dấu từ thời Pháp thuộc được Chính quyền tiếp tục sử dụng. Ninh Bình khi đó là một thị xã, cách Hà Nội chỉ khoảng 100 ki-lô-mét. Đáng chú ý là dấu đến “HANOI CHANH THAU CUC / BAC BO 1135 31-8 46.”

Theo thống kê của Jacques Desrousseaux, trong suốt các thời kỳ thực dân Pháp tạm chiếm Hà Nội, tính từ tháng 8-1876 đến tháng 10-1954 có tổng cộng 84 loại nhật ấn “HANOI” khác nhau. Do đó việc thời gian 1945-46, Chính quyền mới sử dụng nhiều loại nhật ấn cũng là điều bình thường. Riêng dấu HANOI CHANH THAU CUC (Hà Nội chánh thâu cục, có nghĩa là bưu cục chính của Hà Nội, tương ứng với dấu “HANOI R.P. / TONKIN” thời Pháp) đã ghi nhận có ít nhất có 5 loại khác nhau:

1. “HANOI CHANH THAU CUC / BAC BO”. Dấu hủy này được ghi nhận xuất hiện sớm nhất ngày 23-4-1946, muộn nhất ngày 10-10-1946 trên các bì thực gửi. Con dấu này cũng được sử dụng để hủy tem theo yêu cầu (CTO) trong khoảng thời gian 6 tháng trên. Cũng cần lưu ý, dấu hủy “HANOI R.P. / TONKIN” vẫn thấy được sử dụng trong thời gian khoảng 2 tháng, từ 29-1 đến 25-3-1946, trước ngày xuất hiện nhật ấn Chánh thâu cục. Vì vậy, ta có thể nhận định dấu “HANOI CHANH THAU CUC / BAC BO” được bắt đầu sử dụng để thay thế cho dấu “HANOI R.P. / TONKIN” từ khoảng tháng 4-1946.

Dấu “HANOI CHANH-THAU-CUC / BAC-BO”, có gạch nối giữa các từ ghép, cũng thấy xuất hiện khá nhiều trên các mạng mua bán toàn cầu với nhật ấn tháng 12-1946, ngay trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Tôi đã thấy một số bì thư với nhật ấn này cùng với biểu tượng hay con dấu “Hội giúp binh sĩ bị nạn”, nhưng hầu như chắc chắn cả con dấu và các loại khẩu hiệu, biểu tượng in trên bì thư đều là giả.

2. “HANOI CHANH-THAU-CUC / BUU-TIN”, có thể tương đương với dấu “HANOI ENTREPOT P.T.T.” hoặc “ENTREPOT DES DEPECHES DE HANOI” thời Pháp. Đây là loại dấu thấy xuất hiện nhiều nhất, suốt từ 4-12-1945 đến 12-12-1946. Tất cả các bì thư với nhật ấn này đều là bì thư sưu tập, hoàn toàn không thấy bì thực gửi. Khá nhiều bì thư giả xuất hiện trên thị trường, với chữ “A” trong “THAU” bị mất nét chân bên phải.

3. “HANOI CHANH THAU CUC / GHI SE 11” (hoặc 12, 13…). Trước đó, Hà Nội đã có dấu “HANOI R.P. / GUICHET…” kèm theo một con số. Thực tế chỉ thấy một vài bì sưu tập, không có bì thực gửi, nhật ấn 18-12-1945 (GHISE 11) hay 23-1-1946 (GHISE 12), v.v…

4. “HANOI CHANH THAU CUC / KIEM DUYET”. Dấu này rất lạ, chỉ thấy xuất hiện trong bộ sưu tập của ông Jack Dykhouse, nhật ấn 8-12-1945.

5. “HANOI CHANH THAU CUC / NGAN PHIEU”, chỉ thấy nhật ấn 17-12-1945, có thể tương đương với dấu “HANOI R.P. / ARTICLES D'ARGENT” thời Pháp.

Như vậy, cho đến cuối tháng 3-1946 có nhiều loại nhật ấn được sử dụng tại Hà Nội, kể cả trên một số bì thư thực gửi. Từ tháng 4-1946 đến ngày Toàn quốc Kháng chiến 19-12-1946, tất cả các bì thực gửi, dán tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ đầu (tem Đông Dương in đè), đều sử dụng dấu hủy và dấu đến “HANOI CHANH THAU CUC / BAC BO”, trong khi các bì sưu tập đều sử dụng nhật ấn “HANOI CHANH-THAU-CUC / BUU-TIN”.

Hy vọng sẽ có ngày chúng ta có đầy đủ thông tin gốc để xác minh các nhận xét có thể gây tranh cãi nêu trên. Một bì thư nhỏ nhưng là “hòn đá to, hòn đá nặng”.

The smaller dragon
03-04-2013, 01:05
Hoan nghênh Vnmission đã góp ý về Tập San Viet Stamp số 5. Ðây là một ấn phẩm do tâm huyết và công phu của nhiều người mới thành. Nếu độc giả chúng ta nhận rồi cất đó, hay xem qua rổi bỏ sẽ làm nản lòng những người có thiện chí!

Bài của Vnmission rất ngắn, nhưng từng con số từng ngày tháng là một sự khổ công tham khảo. Tôi đọc để biết, và để tham khảo đối chiếu khi cần. Thực ra, nếu không có tài liệu của Bưu Ðiện những năm 1945-46 thì ngày nay chúng ta rất khó kết luận một cách chính xác.

Poetry
03-04-2013, 13:49
Hoan nghênh Vnmission đã góp ý về Tập San Viet Stamp số 5. Ðây là một ấn phẩm do tâm huyết và công phu của nhiều người mới thành. Nếu độc giả chúng ta nhận rồi cất đó, hay xem qua rổi bỏ sẽ làm nản lòng những người có thiện chí!
Chân thành cảm ơn bác Rồng đã có những nhận xét sâu sắc, đầy tính học thuật về Tập san Viet Stamp 5. Ban Biên tập VSC sẽ cố gắng để có những ấn phẩm đẹp hơn, hay hơn trong tương lai, không phụ lòng bạn đọc đã quan tâm.

BoZoo
03-04-2013, 17:53
Hai bài viết của GS Trần Tuấn Anh và của anh VNmission viết hay quá, thể hiện sự dày công tìm hiểu. Bản thân tôi học được rất nhiều. Xin cảm ơn.