PDA

View Full Version : Giấy dó


BoZoo
28-05-2013, 17:17
Trích dẫn từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A5y_d%C3%B3

Giấy dó là một loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó (như dó giấy, dó liệt...), theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề ở Việt Nam. Giấy dó được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.


185588

185589


Năm 1949, Họa sĩ Nguyễn Sáng đã thiết kế bộ tem "Kỷ niệm lần thứ 59 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" và bộ tem được in trên giấy dó. Xem tin về bộ tem này tại: http://www.vietstamp.net/vn/chuyen-de/nhan-vat/hoa-si-ve-tem/nguyen-sang-nguoi-thiet-ke-bo-tem-dau-tien-cua-nuoc-viet-nam-doc-lap/



Sản xuất giấy dó


Nghiên cứu tại các cơ sở sản xuất giấy dó ở Việt Nam cho thấy, về cơ bản, giấy dó sản xuất thủ công, không có tác động hoá chất tạo axít trong giấy. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò (chi Clerodendrum) tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp. Vì xốp nên giấy rất nhẹ. Sau cùng là phơi hoặc sấy.

Các công cụ sản xuất hầu như bằng tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy. Giấy dó được sản xuất theo quy trình này không có độ axít dẫn đến tuổi thọ cao. Một số tài liệu cho rằng giấy dó có độ tuổi thọ tới 500 năm.
Tiếng nện chày giã giấy dó đã đi vào ca dao:


Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ


Làng Yên Thái ở bờ nam hồ Tây (Hà Nội), tục gọi là làng Bưởi vào đầu thế kỷ 20 là nơi chính làm giấy dó dùng để viết hoặc in. Hai làng Hồ Khẩu và Đông Xã sát đó thì làm giấy dó khổ lớn hơn mà mịn mặt hơn dùng để làm tranh dân gian. Đến cuối thế kỷ 20 khoảng thập niên 1980 thì nghề thủ công làm giấy gần như bỏ hẳn.


Đặc tính lý hóa của giấy dó

Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc dòn gãy, ẩm nát.

Giấy dó xốp, nhẹ do nguyên liệu, cách chế biến, xử lý nguyên liệu và công nghệ sản xuất giấy dó quy định. Giấy dó có cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti cố kết với nhau tựa mạng nhện, nhiều lớp, không theo thứ tự sợi ngang, dọc như tấm lụa dệt, mà theo dạng chuyển động brown, đa chiều. Giấy dó có trọng lượng riêng bằng khoảng một nửa các loại giấy sản xuất công nghiệp.

Giấy dó Yên Thái đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới và được bạn hàng ưa chuộng. Các hoạ sĩ người Pháp đã sử dụng giấy dó Yên Thái (khổ lớn) để vẽ tranh bằng mực tàu theo phương pháp tranh cổ điển phương Đông. Một vài bảo tàng ở châu Âu cũng đã dùng giấy dó để lót bồi phía sau tranh vẽ. Với đặc tính chống ẩm rất cao, giấy dó giúp cho các tác phẩm nghệ thuật không bị ẩm mốc.

• Độ bền:
Tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, trong số những tài liệu giấy, thì tài liệu giấy dó có tuổi thọ cao nhất. Các tài liệu giấy dó là những loại tài liệu được sản sinh lâu đời nhất, từ khi các phương tiện bảo quản chưa được phát triển.
• Bắt màu, hút ẩm và thoát ẩm: Vì xốp nên giấy dó rất dễ bắt màu khi viết, in.
• Cách nhiệt, cách âm, thẩm âm, cháy kiệt: Cũng vì xốp nên giấy dó cách nhiệt, cách âm tốt, do có cấu trúc dạng sợi đa chiều.