PDA

View Full Version : Nữ nhân vật lịch sử VN trên Tem bưu chính


Poetry
16-05-2008, 14:20
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã ghi lại những gương sáng của nhiều bậc anh thư, nữ kiệt làm rạng danh cho non sông, đất nước. Thế nhưng, cho đến nay, số lượng tem Bưu chính về họ vẫn chiếm một vị trí khá khiêm tốn trong mảng tem danh nhân VN.

Xin giới thiệu những nữ nhân vật lịch sử Việt Nam đã được lưu danh trên Tem bưu chính. Các nhân vật được sắp xếp theo trình tự thời gian.

Poetry
16-05-2008, 14:36
Quốc Mẫu Âu Cơ

http://www.vietstamp.net/data/2008/05/31/19082645_Product_352.jpg

Theo truyền thuyết, Bà là vợ của Lạc Long Quân, tổ tiên của dòng họ các Vua Hùng (tổ tiên người Lạc Việt).

http://www.vietstamp.net/data/2008/05/31/19101745_Product_354.jpg

Có thuyết cho rằng Bà quê ở động Lăng Xương (vùng Tam Thanh, nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).

http://www.vietstamp.net/data/2008/05/31/19093046_Product_353.jpg

Tương truyền Bà sinh một bọc trứng, nở được một trăm người con. Các con khôn lớn, Bà đem 50 người lên núi... Chính từ truyền thuyết này mà dân tộc Việt Nam có từ "đồng bào" có nghĩa là chung một bọc.

http://www.vietstamp.net/data/2008/05/31/19101745_Product_354.jpg

Người con cả trong số 50 con trai theo Bà lên núi được tôn làm Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang.

Poetry
17-05-2008, 12:18
Công chúa Mỵ Nương

Mỵ Nương là con gái của Vua Hùng thứ 18, vợ của Đức Thánh Tản, được nhắc đến trong truyền thuyết "Sơn Tinh - Thủy Tinh".

6584

Theo truyền thuyết kể lại thì Mỵ Nương là một nàng công chúa rất xinh đẹp nên Sơn Tinh (Thần núi Tản Viên, Đức Thánh Tản) và Thủy Tinh (Thần nước) cùng đến xin hỏi cưới... và một cuộc chiến giữa hai vị Thần đã xảy ra. Cuối cùng, Sơn Tinh là người chiến thắng và cùng Mỵ Nương sống hạnh phúc bên nhau.

Poetry
20-05-2008, 00:33
Mẹ Thánh Gióng

http://www.vietstamp.net/data/2009/09/11/20402263_Product_3822.jpg

Truyền thuyết kể rằng, vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở Kẻ Đổng, thuộc bộ Vũ Ninh (nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), có người đàn bà lớn tuổi, không chồng, một hôm ra vườn cà, thấy vết chân người to lớn, ướm thử chân mình vào, từ đấy thụ thai. Bà xấu hổ, bỏ làng lên rừng ở, sau mười hai tháng thai nghén, sinh ra một trai, mặt mũi khôi ngô, đặt tên là Gióng.

Poetry
22-05-2008, 21:08
Hai Bà Trưng (? - 43)

http://www.vietstamp.net/data/2009/04/02/12424584_Product_1720.jpg http://www.vietstamp.net/data/2009/04/02/12434454_Product_1721.jpg

Hai Bà Trưng là hai chị em ruột, chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị, vốn là con gái Lạc tướng ở Mê Linh (ngoại thành Hà Nội). Tương truyền gia đình Hai Bà chuyên nghề nuôi tằm, kéo tơ nên đặt tên cho chị em Hai Bà là Trắc (lứa đầu, lứa chắc) và Nhị (lứa nhì). Cha mất sớm, nhờ mẹ là Trần Thị Đoan (tục danh Man Thiện) nuôi dạy nên Hai Bà đều giỏi võ nghệ, nuôi chí lớn dựng lại cơ nghiệp Hùng Vương.

6788

Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách (con trai Lạc tướng Châu Diên) cũng là người nhiệt thành lo việc cứu nước, cứu dân. Năm 39, Thi Sách bị Thái thú Tô Định giết, Hai Bà chiêu mộ hào kiệt trong nước, phát động khởi nghĩa ở Hát Môn đầu năm 40, tiến về giải phóng Liên Lâu và cả nước. Khởi nghĩa thành công, bà Trưng Trắc lên ngôi vua, phong quan tước cho các thủ lĩnh, tướng sĩ.

6789

Được 3 năm, nhà Hán sai Mã Viện sang xâm lược nước ta lần nữa. Hai Bà cùng toàn quân, toàn dân kiên quyết kháng chiến. Nhưng do thế yếu, Hai Bà thua trận và gieo mình xuống Hát giang tử tiết vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch năm Quý Mão (năm 43).

http://www.vietstamp.net/data/2009/09/14/12353840_Product_4021.jpg

Hai Bà Trưng là nữ Anh hùng dân tộc, là người mở đầu cuộc đấu tranh giải phóng đất nước thời Bắc thuộc, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước của phụ nữ và dân tộc Việt Nam.

Poetry
24-05-2008, 13:07
Nữ tướng Lê Chân

Bà là nữ tướng giỏi thời Trưng Nữ Vương, quê làng An Biên (tục gọi làng Vẻn), huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, vốn người mạnh khỏe, xinh đẹp.

http://www.vietstamp.net/data/2008/05/24/16112782_Product_226.jpg

Thân phụ bà bị Thái thú Tô Định giết, bà ra vùng An Dương cùng dân khẩn hoang, lập làng (nay là phố Lê Chân - Hải Phòng). Quyết báo phục thù nhà nợ nước, bà cùng các nữ tướng theo giúp Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Trong các trận đánh, bà thường được cử đi tiên phong, dũng cảm có tiếng, lập nhiều công lớn.

Sau khi khởi nghĩa thành công, Trưng Nữ Vương rất trọng vọng bà, giao cho coi việc quốc phòng. Để nung chí chiến đấu của quân dân, bà thường mở cuộc thi võ và diễn võ hai ba ngày liên tiếp. Tương truyền bà đã nghĩ ra môn thể thao đánh phết còn lưu đến ngày nay.

Năm 41, Hán Quang Võ sai Mã Viện sang xâm chiến nước ta lần nữa. Bà quyết chiến với giặc nhiều trận ác liệt và hy sinh nơi cánh đồng làng Mai Động. Về sau, dân làng lập đền thờ bà. Các triều vua nước ta đều có ban sắc, phong bà là Thượng Đẳng Phúc Thần, Công chúa.

hat_de
24-05-2008, 21:27
***Sựa post dùm anh cái tờ triển lãm có hình Lê Chân nhé!

cái đó em tặng VS rùi anh scan lên đi, lười quá
em có cái này đặc biệt và thời sự hơn
đợi tí nha :>

vốn là 1 người dân HP cực kì yêu mến mảnh đất nơi mình đã được sinh ra, lớn lên và chơi tem :">

tôi cũng rất yêu thích các thắng cảnh của Tp

1 trong những thắng cảnh đó là Tượng đài Nữ tướng Lê Chân

đó chính là lý do tôi theo đuổi ý tưởng cho ra tờ kỉ niệm mà anh AT đã nhắc tới, ban đầu tôi có nhờ koala thiết kế theo ý tường của minh, mọi việc chưa hoàn thiện thì phải thay đổi, nhưng cuối cùng nó cũng ta đời kết hợp được 2 yếu tố chính mà tôi cân. Giá trị của nó ko thật cao nhưng tôi rất tự hào và hay sử dụng nó làm quà tặng những người bạn tem mà tôi găp.

Bên cạnh tờ kỉ niệm đó tôi còn sưu tập các bì thư có in hình tượng đài nữ tướng
theo dòng TL lớn của HP thì:

2002 phát hành 1 bì
2005 phát hành bì 2

2007 vừa qua 1 bì kỉ niệm tuyệt đẹp đã được phát hành (nó nằm trong bộ 4 bì KN TL 2007)

và vào dịp 4 năm mới có 1 lần ( dịp 29.02.2008) tôi đã làm nó để tặng 1 người bạn tem đặc biệt, đó chính là bạn Hiệp - Yên Bái

6870

bạn ấy đây

:D

6871

chiếc bì trên được làm và giữ lại tại HP tới sáng nay trao trực tiếp cho Hiệp tại 395, chiều thì đèo Hiệp đi làm tấm hình trên trước khi tới thăm bác Đỉnh & coi đó như 1 kỉ niệm đặc biệt của bạn tem Hải Phòng :D

2 bì thư từ đợt TL lớn 2002 và 2005 sẽ giới thiệu sau :>

Lu Tich Nguyen
24-05-2008, 23:44
Trâugià cũng từng đến thăm Haiphong, có chụp tấm ảnh trước tượng Lê Chân

6911

Poetry
28-06-2008, 00:41
Đô đốc Bùi Thị Xuân (? - 1802)

http://www.vietstamp.net/data/2008/06/15/18442228_Product_651.jpg

Bà là nữ tướng nổi tiếng thời Tây Sơn, vợ tướng quân Trần Quang Diệu, quê làng Phú Xuân, xã Bình phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bà học võ nghệ từ nhỏ, tham gia khởi nghĩa Tây Sơn. Bà thường cưỡi voi ra trận, tay cầm song kiếm, lập nhiều chiến công. Năm 1801, khi thành Phú Xuân bị Nguyễn Ánh chiếm, Bà chỉ huy 5.000 quân tham gia trận phản công ở lũyTrấn Ninh. Bị thua trận, Bà phải lùi về Nghệ An và bị bắt cùng với chồng ở Thanh Chương (Nghệ An), rồi bị Nguyễn Ánh hành hình (cho voi dày đến chết) ở Phú Xuân năm 1802.

Poetry
10-07-2008, 22:40
Nam Phương hoàng hậu (1914 - 1963)

http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23542385_Product_109.jpg

Nam Phương hoàng hậu là vợ vua Bảo Đại, là vị hoàng hậu duy nhất của nhà Nguyễn được phong khi còn sống, cũng là vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.

http://www.vietstamp.net/data/2008/08/15/14020026_Product_1318.jpg

Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, quê Gò Công, Tiền Giang, xuất thân trong một gia đình Thiên Chúa giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ, là con gái của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào và là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ. Bà kết hôn với vua Bảo Đại năm 1934. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Huế, bà cùng các con sang Pháp định cư và mất tại đó vào năm 1963. Nam Phương hoàng hậu được nhiều người đánh giá là người thiết tha với đất nước. Bà là người tiêu biểu trong các bà mệnh phụ nhiệt tình với “Tuần lễ Vàng” do Việt Minh phát động tại Huế.

Lu Tich Nguyen
10-07-2008, 23:56
Nếu bạn nào muốn biết lịch sử chi tiết hơn về bà Nam Phương hoàng hậu, các bạn có thể vào trang web "Ca dao tục ngữ Việt Nam", ở bên trái, có mục nhân vật nữ, các bạn bấm vào thì sẻ thấy trong đó có bài nói về Nam Phương hoàng hậu rất chi tiết.

*VietStamp*
21-07-2008, 23:59
Anh hùng Mạc Thị Bưởi (1927-1951)

http://www.vietstamp.net/data/2009/04/01/19031409_Product_1663.jpg

Bà sinh năm 1927 tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bà tham gia công tác phụ nữ rồi tham gia lực lượng du kích tại địa phương. Năm 1949, quân Pháp xây dựng bốt Trung Hà ở xã Nam Tân, càn quét, lùng bắt cán bộ. Bà vẫn kiên trì bám đất, bám dân hoạt động, giữ vững liên lạc giữa Đảng và quần chúng, xây dựng cơ sở và vận động quần chúng.

Tháng 11-1950, bà nhiều lần ra vào vị trí quân Pháp, làm liên lạc cho bộ đội đánh bốt Thanh Dung. Ngày 18-4-1951, bà bị quân Pháp phục kích bắt được. Mặc dù bị địch tra tấn tàn bạo, bà vẫn kiên cường bất khuất không khai báo một lời. Không khai thác được gì, địch đưa bà về làng và giết hại rất dã man (cắt cổ) vào ngày 23-4-1951, khi đó bà mới 24 tuổi. Trước khi chết, bà vẫn hiên ngang vạch mặt quân thù. Năm 1955, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng bà danh hiệu Anh hùng Quân đội và Huân chương Quân công hạng nhì.

Poetry
06-09-2008, 22:58
Liệt sĩ Nguyễn Thị Nghĩa (1909-1931)

11765
Mẫu tem về Nguyễn Thị Nghĩa phát hành ngày 15-8-1986


Nguyễn Thị Nghĩa tên thật là Nguyễn Thị Hẹn, sinh năm 1909 tại phố huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 20 tuổi, bà được giác ngộ cách mạng và gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1930, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử vào làm trong các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy để tuyên truyền vận động công nhân. Năm 1931 bà được giao làm giao thông liên lạc đặc biệt giữa Trung ương và Xứ ủy Trung kỳ.

Trong một chuyến đi công tác, bà bị thực dân Pháp bắt. Bị địch tra tấn hết sức dã man, chết đi sống lại bao phen, bà vẫn tự nhủ: dù có chết nhất định phải bảo vệ Đảng, bảo vệ công tác bí mật và các đồng chí lãnh đạo Đảng. Mọi thủ đoạn đều vô hiệu, cuối cùng địch phải đưa bà về nhà lao Vinh. Trong tù, bà vẫn tích cực tham gia những hoạt động cách mạng. Nhưng những đòn tra tấn khốc liệt và thuốc độc đã khiến bà lâm bệnh nguy kịch. Các bạn tù hết lòng chăm sóc bà, nhưng không thể nào cứu chữa được. Ngày 17-5-1931 bà hy sinh tại nhà lao Vinh. Bà có bài thơ “Hồn ta hãy còn” làm trong những ngày giam cầm để tỏ rõ ý chí cách mạng:

“Chúng ta liễu yếu thơ nhi,
Tinh thần cũng chẳng kém gì trượng phu.
Trên đầu đế quốc quân thù,
Còn ta, ta quyết đền bù giang sơn.
… Còn trời còn nước còn non,
Hãy còn quân giặc ta còn hy sinh.”

Hiện nay, tại phòng trưng bày cao trào đấu tranh năm 1930-1931 và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của Bảo tàng cách mạng Việt Nam, ảnh của bà được treo ở nơi trang trọng nhất.

Poetry
20-10-2008, 10:13
Nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh

http://www.vietstamp.net/data/2008/10/20/09490362_3464.jpg

Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh, còn gọi là Nàng Trinh, Triệu Trinh Nương, quê vùng núi Quân Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Bà là người giỏi võ nghệ, có chí lớn. Năm 19 tuổi, đáp lời người hỏi Bà về việc chồng con, Bà nói: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta!”.

Trước cảnh áp bức bất công, tham tàn bạo ngược của quân Ngô đối với dân ta, năm 248, tại vùng Núi Nưa và Quân Yên, Bà Triệu cùng anh trai chiêu tập nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa, quyết lòng đánh đuổi quân Ngô cứu nước, cứu dân, được đông đảo dân chúng theo phục.

Giữa lúc chiến đấu ác liệt với quân Ngô, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh mất, Bà được nghĩa quân tôn làm chủ tướng, gọi là “Nhụy Kiều tướng quân” (Vị tướng nữ yêu kiều), quân Ngô gọi Bà là “Lệ Hải bà vương” (Vua bà vùng biển mỹ lệ). Bà Triệu thường mặc áo giáp vàng, cưỡi trên mình voi trắng một ngà ra trận, chỉ huy nghĩa quân đánh thắng nhiều trận, giết Thứ sử Giao Châu, làm tan rã chính quyền đô hộ của quân Ngô. Quân Ngô sợ Bà, phải có câu:

Hoành qua đương hổ dị,
Đối diện Bà Vương nan.
(Múa ngang ngọn giáo dễ chống hùm,
Đối diện Vua Bà thì thực khó.)

http://www.vietstamp.net/data/2008/10/20/09500784_FDC975.jpg

Khiếp sợ trước sức mạnh của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, triều Đông Ngô cử tướng Lục Dận làm Thứ sử Giao Châu và đem 8.000 quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Bằng vũ lực kết hợp với dùng tiền của, Lục Dận mua chuộc được một số thủ lĩnh nghĩa quân làm phản. Chống Ngô được nửa năm, vì binh ít, thế cô, khởi nghĩa Bà Triệu thất bại. Bà Triệu lên Núi Tùng (nay thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tự vẫn để giữ tròn khí tiết. Tại đây vẫn còn lăng mộ và đền thờ Bà Triệu.

http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=17709&d=1224226122

Hình ảnh Bà Triệu, người con gái kiên trinh, bất khuất, người nữ Anh hùng dân tộc siêu việt quyết nối chí Bà Trưng “giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ” muôn thủa không phai trong tâm trí toàn dân tộc Việt Nam như thơ ca dân gian đã truyền tụng:

Tùng Sơn nắng quyện mây trời
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh.

Poetry
23-03-2016, 15:06
Nhà cách mạng - Liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941)

http://www.vietstamp.net/data/2012/11/30/22142846_18370245_product.jpg

Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941) sinh trưởng tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bà sớm tham gia cách mạng. Năm 1930, bà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành một trong những nhà lãnh đạo của Đảng trong những năm 1930 - 1940. Năm 1937, bà được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Bà là một trong những lãnh đạo của cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Sài Gòn và cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

*VietStamp*
17-03-2024, 13:35
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Võ Thị Sáu (1935-1951)

https://vietstamp.net/data/2009/04/01/21380374_Product_1694.jpg https://vietstamp.net/data/2009/04/01/21394309_Product_1696.jpg

https://vietstamp.net/data/2009/04/03/13085279_Product_1809.jpg https://vietstamp.net/data/2008/06/12/00504351_Product_617.jpg

Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1933 tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa.

Năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Tết Canh Dần (1950), chị tình nguyện tìm diệt bọn ác ôn chuyên vào chợ Đất Đỏ quê chị để cướp bóc. Diệt được bọn ác ôn này, nhưng chị lại bị bọn ác ôn khác đuổi theo, bắt được.

Tháng 04-1950, Võ Thị Sáu bị giam ở khám Chí Hoà. Bọn Pháp mở phiên toà xử chị án tử hình khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa chị ra Côn Đảo để hành quyết. Bốn giờ sáng ngày 21-01-1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo.

Ngày 23-01-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát bài Tiến quân ca. Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Đó là 7 giờ sáng ngày 23-01-1952, Võ Thị Sáu chưa đầy 25 tuổi.

Năm 1993, Liệt sĩ Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Võ Thị Sáu không chỉ hiện hữu trong lòng người dân như một vị anh hùng đã hy sinh tính mạng nhằm góp phần đem lại độc lập tự do cho tổ quốc, mà trong tâm thức của người dân Côn Đảo, “Nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu” đã được thiên hóa như một vị nữ thần bảo hộ cho cuộc sống muôn mặt của người dân xứ Đảo và hàng chục ngư dân khắp nơi hàng năm ghé vào Đảo tránh sóng, bão.