PDA

View Full Version : Đón Giáng Sinh Này Tôi Nhớ Giáng Sinh Xưa


HanParis
04-12-2013, 20:15
Bài đầu sưu tập, còn bài sau mới là tùy bút của Hàn :)


Tùy Bút của Nguyên Huy

http://hopetees.blogspirit.com/media/00/00/1841730ac4da40fa14fbdc850e20c511.jpg

Vào những năm trước 1975, khi những tấm thiệp Giáng Sinh xuất hiện trên những sạp hàng lề đường Lê Lợi và nhiều nhà có đạo treo những lồng đèn ngôi sao trước cửa là người Saigon lại cảm thấy nôn nao sắp được đón mừng một ngày hội lớn.


Không biết từ bao giờ người dân Việt, dù không là tín đồ của Thiên Chúa, cũng đã đón ngày Chúa ra đời 25 tháng 12 mỗi năm thật tưng bừng.


Tuổi trẻ thì thôi, rất là tích cực.


Với các bạn trẻ ngày nay ở hải ngoại, Giáng Sinh là dịp để “shopping” vì hầu hết các nơi bán hàng đều có những chương trình “sale” đặc biệt.


Dù không có nhu cầu gì nhưng cũng rủ nhau rảo bước đến các khu như Fashion Island, South Coast Plaza, Westminster Mall... để rồi máu mua sắm lúc nào cũng sẵn dâng lên đẩy cho những bàn tay chọn lựa rồi “cà” thẻ vô tội vạ để trở thành một “công dân Hoa Kỳ tốt” khi chịu khó trả bills đều đặn và đúng hẹn.


Với các bạn trẻ Việt Nam trước thời gian 1975 thì không có được diễm phúc như thế. Bởi cứ vào các dịp Giáng Sinh, Tết “tây”, Tết ta hàng hóa thứ gì cũng lên giá. Cho nên khi đi “shopping vào lúc bấy giờ thường là dạo chơi ngắm cảnh, ngắm người nhiều hơn, nhưng cũng là góp chung niềm vui đang rộn rã trong lòng với mọi người.


Niềm vui ấy thường khởi phát từ những cuộc vui hứa hẹn sắp tới, kéo dài từ 20 tháng 12 cho đến hết Tết tây là đầu năm Dương Lịch rồi lại bắt qua Tết ta chẳng mấy chốc.


Ðó là những Bal de Famille. Nào là Bal của trường Dược đã như một truyền thống của các sinh viên dược khoa hàng năm. Nào là Bal của Tổng Hội Sinh Viên Saigon sau những ngày “Trâu Ðánh” lu bù hết chống chính quyền lại đến chống nhau.


Nay nhân mùa Giáng Sinh đã tạm gác những khác biệt chính trị mà cùng nhau hòa đồng vào một niềm vui của Mùa Ðông Ấm Áp. Trong số những Bal de Famille ấy, đông nhất vẫn là Bal của trường nữ trung học Marie-Curie.


Bởi vì trường này thường có nhiều “con ông cháu cha” theo học nên sự tổ chức vừa sang trọng lịch sự lại vừa là cơ hội cho các chàng trai “tứ chiếng” (nghĩa là theo học các trường khác) đến làm quen biết đâu chẳng vớ được một tiểu thư khuê các mà thay đổi được cuộc đời sắp phải “anh đi quân dịch là thương nòi giống”.


http://lh3.ggpht.com/_6xAX3yLu9cE/R418RTEsxuI/AAAAAAAAEe4/QO_cqRxiZDM/IMG_4759+-+Copy.JPG

Nhưng vui nhất là đêm Chúa Ra Ðời 24 tháng 12. Ngay từ 6 giờ chiều là khắp các ngả trong thành phố đều hực lên tiếng máy nổ của các loại xe gắn máy Honda, Suzuki, Vespa, Lambretta. Thanh niên nam nữ từng cặp, từng cặp ôm cứng lấy nhau trên yên những chiếc xe này để chạy quanh thành phố.


Chưa có phong trào đua xe gắn máy như sau này, nhưng họ cũng giăng hàng ngang năm bẩy chiếc xe mà cười đùa vui nhộn chạy ngang nhiên không có mục đích gì ngoài việc thể hiện niềm vui đang rộn rã trong lòng. Phố phường lúc này là của họ, cảnh sát giao thông cũng phải chịu thua, có lẽ vì niềm vui chung không ai muốn phá vỡ.


Cả thành phố 4 triệu dân trong đó có hơn 1 triệu có xe gắn máy, thì đều đổ ra đường có đến 90%. Không hòa vào dòng sống với tuổi trẻ thì các gia đình cũng đèo vợ con lên chiếc xe gắn máy mà dạo quanh phố phường, chứ nếu ở nhà thì cũng không chịu được với cái cảnh xôn xao đang diễn ra khắp hang cùng ngõ hẻm.


Có nhiều gia đình đưa cả vợ con lên chiếc xe gắn máy. Phía trước là 2 em nhỏ đứng trong vòng tay lái của bố. Ôm eo phía sau là người vợ bế một đứa con thơ và sau chót là một cô hay cậu bé, có khi hai không chừng, trạc mươi tuổi ngồi lên cái “pọt ba ga” có chêm cả cái gối cho êm đít sắp nhỏ... Lớn bé chẳng có ai cần phải “seat belt” cả.


Trước cảnh tượng ấy ai mà không nôn nao, ai mà không muốn hòa nhịp vui chung để quên đi chiến tranh cứ mỗi ngày gia tăng mức độ, cuộc sống cứ lao đao với những kế hoạch kinh tế “Mùa Thu”, “trị giá gia tăng”, “Kiệm ước” khiến đồng lương công tư chức và quân đội chỉ còn để chi tiêu không đủ cho bữa ăn sáng.


Từ đó mới phát sinh một phương tiện giao thông mới trong thành phố là “chạy honda” sau này dưới “ánh sáng” của chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa được thực tế hóa bằng danh từ “Honda ôm”.


Cho đến 8 giờ tối thì mọi ngả đường đều hướng cả về ba nơi, đông nhất là Vương Cung Thánh Ðường, kế là nhà thờ Tân Ðịnh và kế nữa là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Ở quanh Vương Cung Thánh Ðường có thể nói có đến hàng trăm ngàn người tụ về.


Phần lớn là người không có đạo. Họ đến để dự Thánh Lễ nửa đêm cùng chia vui với tín đồ Ki Tô Giáo. Nhưng có lẽ cũng chính là chia vui với nhau. Họ ngồi trên những chiếc xe gắn máy được dựng tại bất cứ chỗ nào có thể dựng xe được. Họ ngồi ngắm nhìn mọi người và để mọi người ngắm mình.


Trong khi đó thì Vương Cung Thánh Ðường vào ngày lễ này được trang hoàng rực rỡ với đèn sao óng ánh tỏa sáng từ đỉnh nhà thờ xuống bốn chung quanh khiến cảnh sắc càng thêm tưng bừng.


http://photos.travellerspoint.com/68259/Vietnam_2006_237.jpg

Ðến đúng 12 giờ đêm thì tiếng một vị linh mục chủ lễ vang lên từ trong nhà thờ qua loa phóng thanh bắt trên các mái nhà thờ. Tiếng nói ấy như vọng từ thinh không trong phút Chúa Ra Ðời khiến cho nhiều người cùng có được cảm giác đang được nghe các thiên thần đến báo tin vui “Vinh Danh Chúa Cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Rồi thì từng hồi chuộng đổ hồi.


Tiếng chuông thật vui tai báo tin Chúa đã ra đời cứu cho nhân loại thoát khỏi lầm than. Từ đâu đó tiếng hát từ một chiếc radio transitor mà ai đó mang theo cũng phát ra tiếng hát “Xin Chúa đoái thương Việt Nam này đã bao nhiêu năm chinh chiến điêu linh...” như một lời cầu xin của dân tộc Việt Nam trong đêm Ðông lạnh lẽo có Chúa sinh ra đời.


http://chrisfharvey.typepad.com/photos/uncategorized/cimg1912_small.jpg

Cho đến nay, nhạc Giáng Sinh vào thời gian này không hiểu sao các nhạc sĩ đua nhau sáng tác rất phong phú.

Ðiều lạ là đa số các nhạc sĩ viết nhạc Giáng Sinh lại không là người có đạo, nên Phạm Duy mới phổ khúc “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ở trên cao...” Ðến nay thì ba bốn chục năm đã qua, nhạc về Giáng Sinh ít còn được nhạc sĩ Việt Nam sáng tác nữa.


Mỗi năm cứ đến mùa Giáng Sinh, cả trong và ngoài nước đều hát ca lại những bài nhạc Giáng Sinh thời trước 1975. Ðó là khoảng thời gian từ 1960 cho đến 1974.


Một điều hết sức đáng lưu ý là bài nhạc về Giáng Sinh nào lúc ấy được sáng tác ra cũng đều rất hay và được thính giả yêu thích và đến mùa vui này các đài phát thanh quốc gia, quân đội, các đài truyền hình của chính phủ đều phát những ca khúc Giáng Sinh ấy trong các chương trình nhạc của đài.


Tất cả những khổ đau, từ cảnh chia xa của đôi lứa cho đến cảnh chia lìa của chiến tranh, từ tâm tình của người cô phụ cho đến tình yêu tan vỡ đều được phổ vào những dòng nhạc mà khi hát lên đều có âm hưởng của nhà thờ.


Ðó là những tiếng kêu thống thiết của người dân Việt đã phải chịu đựng chiến tranh ròng rã suốt mấy chục năm trường, đã qua hết đời ông, đang tới đời cháu mà chiến tranh vẫn còn mịt mù trên quê hương đau khổ, chỉ vì cái tham vọng nhuộm đỏ toàn cầu của đế quốc cộng sản mà đảng CSVN đang tâm gây tang thương chết chóc đau khổ lên suốt hai miền Nam Bắc Việt Nam.


Chúa có nghe không mỗi lần Giáng Sinh đến trên đất nước mịt mù khói lửa! Những bài nhạc Giáng Sinh ấy đến nay vẫn còn tồn tại. Các trung tâm băng nhạc cho thực hiện lại với những giọng ca mới, với những phụ soạn hòa âm mới, vui tươi hơn, dồn dập hơn với nhịp điệu thời đại Hip-Hop.


Nhưng hình như không ăn khách cho lắm nên nhiều trung tâm đã sưu tầm lại những băng nhạc Giáng Sinh trước 1975 với những tiếng hát lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú, Elvis Phương... trong những nhịp điệu day dứt, buồn thê thiết của Slow Rock, của Boston hay của Bolero...



Kìa, tiếng chuông Giáo đường lại đang vang lên rộn rã. Cộng đồng người Việt hải ngoại lại một lần nữa đón Giáng Sinh nơi xứ người, lắng nghe lại tiếng nhạc Giáng Sinh xưa mà hồi tưởng những niềm vui quê hương đã chìm khuất.


Bây giờ, tại Orange County, Nam California hay ở Sata Clara, San Jose Bắc California hay ở vùng Eden tại Virginia, hay ở Houston, Texas... người Việt tha hương đang sửa soạn Mừng Chúa ra đời.


Cộng đồng Ki Tô giáo Nam California năm nay sẽ được dự các Lễ Nửa Ðêm tại các nhà thờ của Giáo xứ như Cộng Ðoàn Anaheim, St Barbara, St Columban, Costa Mesa, Ðức Mẹ La Vang, St Polycap, Tam Biên, Thánh Linh, Vô Nhiễm, Tustin và Westminster đều có các buổi Thánh Lễ mừng Chúa Ra Ðời trong khoảng thời gian từ 4 pm cho đến 9 pm ngày 24 tháng 12 tại các nhà thờ giáo xứ.


Riêng Cộng đoàn Tam Biên vào chiều tối hôm 19 tháng 12 vừa qua đã có buổi đại nhạc hội mừng Giáng Sinh tổ chức tại nhà thờ Tam Biên trong thị xã Garden Grove. Buổi đại nhạc hội này Cộng đoàn Tam Biên đã được nhiều cộng đoàn khác tới tham gia chung.


Trong không khí giá buốt của những ngày Ðông ở Nam California, nhiều Cộng đoàn các giáo xứ cũng tổ chức các buổi nhạc hội Mừng Giáng Sinh suốt từ ngày Thứ Sáu 19 tháng 12 đến ngày 23 tháng 12 đã thu hút không chỉ có giáo dân mà còn cả những người “ngoại đạo” muốn tìm một không khí vui tươi vào những dịp Giáng Sinh nơi quê cũ.

HanParis
04-12-2013, 20:59
Tạp Bút về Giáng Sinh của Hàn

http://seablogs.zenfs.com/u/WkMJMXeGAhan5C1MFwW2mWoqeM6lcIU-/photo/ap_20111211072738156.jpg

Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời
Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm


VINH Danh Thiên Chúa trên trời
DANH Cha cả sáng người người tôn vinh
THIÊN Thần loan báo cung nghinh
CHÚA Con nay đã hạ sinh thế trần
TRÊN cao Chúa đã không ngần
CÁC nơi hèn mọn hạ thân cứu đời
TẦNG tầng lớp lớp nơi nơi
TRỜI giao hòa đất, người người hoan ca

BÌNH yên đến khắp mọi nhà
AN vui tuổi trẻ, người già cùng chung
DƯỚI trần vang vọng khắp cùng
THẾ nhân sắm sửa đón mừng Giáng Sinh
CHO nhau qùa tặng xinh xinh
NGƯỜI ơi! sửa soạn hồn mình ra sao ?
THIỆN tâm Chúa sẽ ngự vào
TÂM hồn thanh tịnh, đón chào CHÚA SINH

Thật tình thì tôi theo đạo ông bà, thế nhưng những mùa Giáng Sinh năm xưa tại SaiGon là những kỷ niệm êm đềm khó quên. Chỉ còn vài tuần nữa lại là một mùa Giáng Sinh nơi xứ lạ quê người. Cứ mỗi độ Đông về thì bao hình ảnh quá khứ lại về trong tâm trí tôi. Khi mới qua Pháp và ngụ tại Paris tôi cứ tìm mãi thằng Gù ở nhà thờ Đức Bà tại Q5 kế bên dòng sông Seine nước chảy lững lờ. Vào dịp Giáng Sinh tôi thích đi bộ trên tuyết lanh quanh nhà thờ ấy vào đêm 24. Còn ở VN khi xưa thì làm gì có tuyết. Trời Saigon 20 độ là coi như lạnh lắm rùi, nhưng so với Âu Châu, nhờ khí hậu dễ chịu về đêm thì đêm Giáng Sinh, Tết Dương Lịch và Tết Truyền Thống thì xe cô qua lại đông nghẹt, rất vui, cái mà người Việt thường gọi là 'Ngựa Xe Như Nước, Áo Quần Như Nêm'. TPHCM ngày xưa không có nhiều thú tiêu khiển như bây giờ. Đại khái thì có Sở Thú (TCV) và vài quán ăn trong Chợ Lớn. Ở SG có quán kem Bô Na đường Lê Lợi, ra bến Tàu (ngó qua Thủ Thiêm) có thể thưởng thúc hột vịt lộn, kem Foremost của Mỹ... Và vào mùa Giáng Sinh gần khu Thường Xá Tax, trên đại lộ Nguyễn Huệ cũng giống như ngày nay, người ta hay bán nhiều vật phẩm về Giáng Sinh, nhất các cây thông dính tuyết trắng toát và nhỏ nhắn. Khác với HN, dân SG không từng thấy tuyết, cho nên có người bảo ước gì có thể sờ được 1 nắm tuyếtn, Hàn đã bảo cứ mở học nước đá tủ lạnh thì có ngay! :D Bọn tôi họ Tân Định nên sau giờ học hạt chạy ra Nhà Thờ Đức Bà mua các thiệp Nô En tuyệt đẹp của Mỹ, của Pháp... để tặng nhau. Tôi còn nhớ hai câu tủ ghi trên các thiệp cuối năm là Merry Xmast và Happy New Year. Dân trường Tây tuy không rành tiếng Anh cũng biết hai cụm này. Tây thì ghi là Joyeux Noel et Bonne Année, Giáng Sinh Vui Vẽ, Năm Mới (Chúc) Tốt Lành. Sau này sang Pháp, tôi thấy dân Lăng Sa chỉ chúc nhau 'Bonne Fêtes', kỳ nghĩ lễ vui vẽ. Tôi còn nhớ không xa nhà thờ Đức Bà và BĐ Saigon, ở Hồ Con Rùa (CT Chiến Sĩ / CT Quốc Tế), bọn tôi thích ngồi uóng nước dừa nghĩ trưa vào mùa Giáng Sinh rồi lẩm bẩm bài hát quen thuộc :

Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời, Chúa Sinh Ra Đời Nằm Nơi Hang Đá Nơi Mán Lừa...

Chả biết mán lừa ở đâu, chỉ biết thành Bê Lem Bê Lếch gì đó ở tận Do Thái xa xôi. Saigon khi ấy cùng lắm mới thấy ngựa (ít hơn Đà Lạt), lừa chả từng xuất hiện thì biết mán lừa ở mô? :D Nhưng bọn tôi rất thích thú nhớ ơn Thiên Chúa đã tặng HS 2 tuần lễ nghĩ để thư giản.:)) Như Hàn từng nói, khi ấy chưa có mạn nhện, các thiếu niên hay trao đổi thư từ với bè bạn năm châu qua các thư từ, bưu thiếp... Và vào mùa Giáng Sinh, bọn tôi rất hãnh diện khi nhận được các PC Giáng Sinh từ Mỹ, Pháp, Đức...

Lại một mùa Giáng Sinh, thứ 13 của thiên niên kỷ, không khi chờ loạt tem bì năm Bính Ngọ, xin mến chúc toàn Ace mùa Giáng Sinh An Lành nơi quê nhà hay hải ngoại. Một năm mới với đầy tem mới. :D

Ace nào tò mò muốn biết Giáng Sinh Xưa ở TP HCM như thế nào thì xin mời nghía loạt ảnh dười đây :


http://img803.imageshack.us/img803/7976/56525620233e7314767dz.jpg


http://img196.imageshack.us/img196/6467/56531303806cde838df1z.jpg


http://img854.imageshack.us/img854/9804/saigonxmaseve319641.jpg


http://img502.imageshack.us/img502/1780/saigonxmaseve1964.jpg


http://img812.imageshack.us/img812/8681/wwwcp.jpg


http://saigonecho.com/main/images/articles/2011_December/thiepgiangsinh_macv_a.jpg

http://saigonecho.com/main/images/articles/2011_December/thiepgiangsinh_macv_b.jpg
Thiệp chúc Giáng Sinh của Đại Tướng William Westmoreland, Tư Lệnh Lực Lượng Hành Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam gởi cho các chiến sĩ VNCH




http://i690.photobucket.com/albums/vv268/thanhnv_photo/SAI%20GON%20XUA%203/NoelSaigon1967.jpg



Nguồn ảnh : Nam Ròm