PDA

View Full Version : Sách đỏ Việt Nam


Đêm Đông
04-12-2014, 09:39
Sách đỏ Việt Nam

Sách đỏ Việt Nam là danh sách các loài động vật, thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang bị giảm sút số lượng hoặc có đã nguy cơ tuyệt chủng. Đây là căn cứ khoa học quan trọng để Nhà nước ban hành những Nghị định và Chỉ thị về việc quản lý bảo vệ và những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển những loài động thực vật hoang dã ở Việt Nam.
Dự án Sách đỏ Việt Nam được công bố lần đầu tiên năm 1992. Đây là công trình do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thực hiện với sự tài trợ của Quỹ SIDA (Thụy Điển). Các tiêu chuẩn sử dụng trong Sách đỏ Việt Nam được xây dựng trên nền các tiêu chuẩn của Sách đỏ IUCN.
Kết quả thực hiện Sách đỏ Việt Nam 2004 cho thấy tổng số loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa đã lên đến 857 loài, gồm 407 loài động vật và 450 loài thực vật, tức số loài đang bị đe dọa đã tăng đáng kể. Trong phần động vật, nếu như mức độ bị đe dọa cao nhất trong Sách đỏ Việt Nam 1992 chỉ ở hạng Nguy cấp thì năm 2004 đã có 6 loài bị coi là tuyệt chủng trên lãnh thổ Việt Nam. Số loài ở mức Nguy cấp là 149 loài, tăng rất nhiều so với 71 loài trong Sách đỏ Việt Nam 1992. Có 46 loài được xếp ở hạng Rất nguy cấp.
Phiên bản mới nhất hiện nay là Sách đỏ Việt Nam 2007, được công bố vào ngày 26 tháng 6 năm 2008 , theo số liệu này hiện nay tại Việt Nam có 882 loài (418 loài động vật và 464 loại thực vật) đang bị đe dọa ngoài thiên nhiên, tăng 167 loài so với thời điểm năm 1992. Trong đó có 116 loài động vật được coi là "rất nguy cấp" và 45 loài thực vật "rất nguy cấp" (trong số 196 loài thực vật đang "nguy cấp"). Có 9 loài động vật trước kia chỉ nằm trong tình trạng de dọa nhưng nay xem như đã tuyệt chủng là tê giác 2 sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp, cá sấu hoa cà, hươu sao và hoa lan hài .
Ngoài Sách đỏ Việt Nam 2007, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam còn hoàn thành việc soạn thảo Danh lục đỏ Việt Nam 2007.

Danh mục sách đỏ động vật Việt Nam bao gồm các loài động vật có trong Sách đỏ Việt Nam dưới các mức độ đe dọa khác nhau. Trong số đó là các loài động vật chỉ tìm thấy duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, không tìm thấy ở nơi khác trên thế giới như: Gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis), Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini), Gà trĩ sao (Rheinardia ocellata), Gà so cổ hung (Arborophila davidi), Voọc mũi hếch Bắc Bộ (Rhinopithecus avunculus), Voọc ngũ sắc (Trachipithecus phayrei) và các loài lần đầu phát hiện trên thế giới tại Việt Nam, hiện tại chưa thấy hoặc ít thấy chúng ở các nước khác: Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Mang lớn, Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Bò rừng xoăn.



Sau đây Đêm Đông sẽ lần lượt giới thiệu các loài có trên tem Việt Nam

Đêm Đông
04-12-2014, 09:54
Gà lôi lam mào trắng



http://www.vietstamp.net/data/2009/05/02/17534343_Product_2387.jpg http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23363778_Product_96.jpg


Gà lôi lam mào trắng (danh pháp hai phần: Lophura edwardsi) là một loài chim thuộc họ Trĩ (Phasianidae), đặc hữu tại các khu vực rừng mưa nhiệt đới của Việt Nam. Loài này có chiều dài 58–67 cm, chân và da mặt đỏ. Con trống chủ yếu có màu xanh da trời-đen còn con mái có màu nâu.
Loài này có 2 biến chủng. Chủng danh định L. e. edwardsi có mào và trên đuôi trắng, trong khi chủng phía bắc L. e. hatinhensis được tìm thấy với các lông bay ở đuôi màu trắng với số lượng biến thiên. Sự khác biệt này trong hai chủng có thể là do giao phối cận huyết của một quần thể bị hạn chế và phân mảnh tại khu vực đó, và cũng đã được nhận thấy ở các cá thể L. e. edwardsi nuôi nhốt và lai cùng dòng. Chủng phía bắc đôi khi được một số tác giả coi là loài riêng biệt, gọi là gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis) (như Võ Quý, 1975).






http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23435357_Product_104.jpg


Cả hai chủng gà lôi lam mào trắng tại thời điểm năm 2012 đều được liệt kê như là loài cực kỳ nguy cấp, do bị săn bắn, phá rừng và việc sử dụng hóa chất làm rụng lá trong chiến tranh Việt Nam.
Người ta tin rằng trong tự nhiên còn 50-249 cá thể, chủ yếu là chủng danh định, nhưng nó vẫn đang ở tình trạng tốt trong điều kiện nuôi nhốt, nơi nó là đối tượng của bảo tồn không tại môi trường sống tự nhiên. Loài chim này được đặt tên khoa học theo tên nhà điểu học người Pháp Alphonse Milne-Edwards

Đêm Đông
04-12-2014, 20:05
Gà lôi lam đuôi trắng

http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23391229_Product_98.jpg

Gà lôi lam đuôi trắng (danh pháp khoa học: Lophura hatinhensis) là một loài gà lôi được phát hiện năm 1964 và đặt tên khoa học chính thức năm 1975, động vật đặc hữu ở miền trung Việt Nam. Giống gà này sống ở tập trung xung quanh khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ở tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sinh cảnh ưa thích của chúng là các vùng rừng tre nứa, các vùng rừng thường xanh đất thấp (dưới 300m so với mặt biển).


http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23442410_Product_106.jpg


Gà lôi đực trưởng thành có mào lông ở đỉnh đầu màu trắng với mút lông đen. Đầu, cổ ngực và trên đuôi đen có ánh tím thẫm. Lông cánh đen, bao cánh đen có ánh xanh. Các lông bao cánh, lông ở lưng và bao đuôi có vệt ngang đen nhung ở gần mút lông. Đuôi đen và có 4 lông, ở giữa màu trắng tuyền (đặc điểm sai khác chủ yếu với gà lôi lam màu trắng). Chim cái trưởng thành có kích thước nhỏ hơn chim đực và nhìn chung bộ lông có màu hung nâu tối. Chân đỏ. Da mặt đỏ. Mỏ đen sừng.

Đêm Đông
05-12-2014, 08:39
Gà tiền mặt đỏ


http://www.vietstamp.net/data/2009/05/02/18024226_Product_2389.jpg http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23401564_Product_99.jpg


Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini) là loài chim thuộc chi Gà tiền. Đây là loài chim cỡ trung bình, dài khoảng 60 cm, bộ lông màu nâu tối, mào ngắn màu vàng cam. Con trống và con mái có hình thể giống nhau. Con mái có 18 đuôi, ít hơn con trống. Mỗi lứa con mái thường đẻ hai quả trừng màu trắng ngà.


http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23444090_Product_107.jpg

Đây là loài chim đặc hữu của miền Nam Trung Quốc. Loài chim này cũng phân bố ở các khu rừng khô thuộc miền nam Việt Nam và đông Campuchia.

Đêm Đông
05-12-2014, 18:35
Gà so cổ hung



http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23375975_Product_97.jpg

Gà so cổ hung ( Arborophila davidi) là một loài chim trong họ Trĩ (Phasianidae). Nó được tìm thấy ở miền đông Campuchia và Việt Nam. Môi trường sinh sống tự nhiên của loài này là các khu rừng, các trảng cây bụi và đồn điền ẩm thấp nhiệt đới và cận nhiệt đới hay các vùng chân đồi, tại độ cao khoảng 120–600 m. Hiện tại gà so cổ hung được IUCN đánh giá là nguy cấp với xu hướng đang suy giảm.

http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23440862_Product_105.jpg


Kích thước gà so dài khoảng 27 cm. Chim trưởng thành có trán, đỉnh đầu và gáy màu xám nâu lấm tấm đen. Một dải từ trên mắt có màu trắng nhạt chuyển dần thành màu hung kéo dài đến 2 bên cổ. Tiếp theo là dải đen tuyến sau tai kéo xuống hai bên cổ và nối với yếm ngực cũng có màu đen. Phía trước mắt có các màu đen, nâu và hung vàng nhạt xen kẽ. Ngực màu nâu, thỉnh thoảng có vệt đen. Bụng màu hung vàng nhạt. Sườn xám có vệt ngang đen trắng xen kẽ. Mắt nâu. Mỏ đen. Chân hồng.

Đêm Đông
05-12-2014, 18:42
Trĩ sao


http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23411617_Product_100.jpg



Trĩ sao(Rheinartia ocellata Elliot, 1871) trưởng thành có lông mày rộng màu trắng, mào dài (60mm) từ sau đỉnh đầu đến gáy, da mặt màu hồng. Chim đực có đuôi và mào dài, bộ lông màu nâu tốt với các chấm trắng, nâu hung và đen. Mặt bụng gần giống lưng, trước họng trắng nhạt.
Chim đực 1 - 2 năm tuổi giống chim trưởng thành về màu sắc nhưng đuôi ngắn hơn. Chim cái có mào ngắn và thưa hơn chim đực, màu lông gần giống tự nhưng kích thước hơi bé hơn. Mắt nâu. Mỏ hồng. Chân nâu phớt hồng. Cả chim đực và cái đều không có cựa.
Vào mùa sinh sản chim đực khoe mã bằng động tác múa ở (bãi múa) trong chỗ rừng trống. Tổ thường làm ngay trên mặt đất, trong cùng sinh cảnh thường gặp một số loài cùng họ.

http://www.vietstamp.net/data/2008/04/15/23450101_Product_108.jpg


Hiện nay còn gặp trĩ sao ở Hà Tĩnh (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh), khu vự Đèo Ngang phía bắc Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế (A Lưới, núi Bạch Mã), Gia Lai (Kon Cha Răng) và Lâm Đồng (một vài cá thể gần vùng núi Bidup, Lạc Dương). Vườn quốc gia Bạch Mã hiện nay có thể coi là nơi còn lại quần thể trĩ sao lớn nhất (75 con/34 km2). Tuy nhiên vùng phân bố của chúng bị thu hẹp và bị tác động do tình trạng rừng của nước ta hiện nay ngày càng thu hẹp. Ngoài ra chúng còn bị săn bắt ở vài nơi. Mức độ đe dọa: bậc T.

dammanh
07-12-2014, 11:14
Cám ơn Phong rất nhiều!chú hiẻu thêm về phương pháp luận trong STT ,Đất nước mình quá đẹp và quý giá,cần bảo vệ môi trường ,môi sinh không chỉ cho con người mà cho muôn loài.

Đêm Đông
08-12-2014, 10:49
Cám ơn Phong rất nhiều!chú hiẻu thêm về phương pháp luận trong STT ,Đất nước mình quá đẹp và quý giá,cần bảo vệ môi trường ,môi sinh không chỉ cho con người mà cho muôn loài.
Rất Cám ơn anh đã ủng hộ em , qua topic nay em chỉ muốn góp phần nhỏ bé của mình để tuyên truyền cho nhiều người cùng biết về những cái hay , cái đẹp đáng trân trọng của đất nước Việt nam qua những con tem nhỏ bé thôi anh ạ

Đêm Đông
11-12-2014, 18:39
Voọc mũi hếch Bắc Bộ


http://www.vietstamp.net/data/2014/08/12/17253754_Viet%20Stamp_1049_Thu%20Linh%20truong%20V iet%20Nam_3625.jpg



Voọc mũi hếch Bắc Bộ còn gọi là Cà đác ( Rhinopithecus avunculus) là một loài voọc có đuôi dài và lỗ mũi hếch ngược.
Voọc mũi hếch Bắc Bộsống ở các khu rừng tre nứa các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang và Quảng Ninh. Đây là những thửa rừng cận nhiệt đới dưới cao độ 1.500 m với nhiệt độ mát mẻ. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam.
Hai khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang và Chạm Chu tỉnh Tuyên Quang là hai khu vực chính còn lại có voọc mũi hếch Bắc Bộ sinh sống. Riêng khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang được thành lập là với mục đích bảo vệ sinh thái cho loài voọc mũi hếch Bắc Bộ. Năm 2002 phát hiện thêm một đàn voọc mũi hếch Bắc Bộ ở khu bảo tồn thiên nhiên Du Già, tỉnh Hà Giang. Tháng Tư năm 2008 khoa học gia thuộc Fauna and Flora International (FFI, Động vật và thực vật Quốc tế) cũng phát hiện thêm nhóm Voọc mũi hếch Bắc Bộ nữa ở miền Tây Bắc, nâng tổng số lên khoảng 250 cá thể trên toàn thế giới.
Vì bị đe dọa nghiêm ngặt Voọc mũi hếch Bắc Bộ được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam.

197306

Thức ăn Voọc mũi hếch Bắc Bộ khá đa dạng gồm lá và trái cây tùy theo từng mùa. Voọc mũi hếch Bắc Bộ sinh sống hoàn toàn trên cây, sống thành đàn khoảng 30 cá thể nhưng cũng có khi lên đến 100 con. Con đực cân nặng khoảng 13–14 kg còn con cái khoảng 8 kg. Lông Voọc mũi hếch Bắc Bộ sắc đen phần trên lưng nhưng phía ngực và bụng màu vàng nhạt. Mặt voọc màu trắng xanh chuyển sang xanh đen ở mõm. Môi Voọc mũi hếch Bắc Bộ ở tuổi trưởng thành sắc hồng tươi, xòe rộng giống như hề.
Voọc mũi hếch Bắc Bộ được phát hiện vào cuối thập niên 1860 khi giáo sĩ Armand David gửi cá thể đầu tiên sang Châu Âu nhưng mãi đến năm 1912 các khoa học gia mới đồng ý xếp Voọc mũi hếch Bắc Bộ vào chung với ba loài voọc Rhinopithecus roxellana, R. bieti và R. brelichi, chủ yếu phân phối ở Hoa Nam thuộc các tỉnh Vân Nam và Quý Châu. Các nhà sinh vật học cũng cho rằng Voọc mũi hếch Bắc Bộ có quan hệ họ hàng gần với các loài chà vá (Pygathrix).

Đêm Đông
14-12-2014, 20:03
Sao la



http://www.vietstamp.net/data/2008/05/31/21001121_Product_365.jpghttp://www.vietstamp.net/data/2008/05/31/21004884_Product_366.jpg



Sao la( Pseudoryx nghetinhensis) là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992. Sao la được xếp hạng ở mức Nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.



http://www.vietstamp.net/data/2008/05/31/21012078_Product_367.jpghttp://www.vietstamp.net/data/2008/05/31/21015712_Product_368.jpg


Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5 năm 1992 trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang. Sau đó, các nhà khoa học đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm 20 con sao la nữa cũng trong năm 1992.

http://www.vietstamp.net/data/2008/05/31/21025362_Product_369.jpg


Việc khám phá ra loài sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học đã cho rằng việc tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là chuyện khó có thể xảy ra. Sau này sao la cũng được tìm thấy ở các nơi khác trong phạm vi của rừng Trường Sơn thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và nhiều tỉnh thuộc Lào.

197322

Mãi đến năm 1996 người ta mới bắt và chụp ảnh được một con sao la còn sống tại Lào, nhưng sau đó vài tuần nó đã chết. Tháng 10 năm 1998 một lần nữa các nhà khoa học đã chụp ảnh được sao la trong tự nhiên, tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Đầu tháng 8 năm 2010, người dân tại tỉnh Borikhamxay của Lào bắt được một con sao la đực và chụp ảnh khi nó còn sống, nhưng sau đó, con vật đã chết trước khi các chuyên gia của Sở Nông lâm tỉnh kịp đến để tìm hiểu.


197318


Ngày 7 tháng 9 năm 2013, sau 15 năm biệt tăm ở Việt Nam kể từ năm 1998, hình ảnh sao la trong tự nhiên đã được ghi nhận ở Quảng Nam, thông qua máy ảnh của WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh; trước đó, lần cuối cùng sao la được trông thấy trong tự nhiên là vào năm 1999 tại Bolikhamxai, Lào cũng nhờ bẫy ảnh.

197319

Năm 1993 những mô tả khoa học đầu tiên về loài sao la được xuất bản. Lúc đầu sao la được gọi là dê sừng dài và trong tiếng Anh được gọi là Vu Quang ox (bò Vũ Quang). Ở Nghệ An loài thú này được gọi là sao la có nghĩa là cái xe sợi. Các nhà khoa học đã đề nghị một tên giống mới thuộc một chi mới Pseudoryx, do sự tương tự với các loài linh dương (oryx), cùng với nghetinhensis là nơi khám phá sao la (tỉnh Nghệ Tĩnh trước đây).

197321

Kết quả nghiên cứu ADN năm 1999 cho thấy sao la thật sự thuộc về Phân họ Trâu bò (Bovinae) mà nếu nhìn thoáng qua thì rất ít có điểm giống nhau. Họ hàng gần của sao la là chi Bò (Bos) và bò rừng Bison.
Sao la dài khoảng 1,3 đến 1,5 m, cao 90 cm và có trọng lượng khoảng 100 kg. Da màu nâu sẫm, trên mỗi móng có một đốm trắng. Sừng sao la dài và mảnh dẻ, hướng thẳng về phía sau và có thể dài đến 51 cm.

197320

Sao la sống trong các khu rừng rậm chủ yếu gần nơi có suối trên độ cao 200 – 600 m trên mực nước biển dọc dãy Trường Sơn. Vì ít khi được quan sát nên khoa học không biết nhiều về tập quán sinh sống của chúng. Nhân khi tìm được xác chết của một con sao la lớn vào năm 1996, có độ tuổi dự đoán khoảng 8 đến 9 tuổi, khoa học có thể xác định rằng thời gian sinh đẻ của sao la là khoảng tháng 5 sang đầu tháng 6. Mật độ của sao la trong Vườn quốc gia Vũ Quang được dự đoán không quá 100 con. Mật độ tại Lào chưa được biết rõ nhưng phân bố không được liên tục.
Tháng Tư năm 2011 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sao la (Saola Nature Reserve) rộng 160 km²được thành lập ở Quảng Nam, mở rộng hành lang sinh thái nối liền Việt Nam và Vườn Quốc gia Xe Sap của Lào.Ước tính có khoảng 50-60 con sao la trong khu bảo tồn ở Việt Nam.Tổng số trên toàn cầu không hơn vài trăm con.

Đêm Đông
08-01-2015, 23:56
Báo gấm hay báo mây (Neofelis nebulosa)


http://www.vietstamp.net/data/2009/08/30/13294038_Product_2883.jpg



Báo gấm hay báo mây (Neofelis nebulosa) là một loài mèo cỡ trung bình, dài khoảng 60-110 cm và cân nặng khoảng 11 - 20 kg . Nó có màu nâu hay hung, dấu hiệu đặc biệt là các hình elip lớn, hình dạng không đều, gờ màu sẫm trông giống như các đám mây. Đây là loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Báo gấm có thân hình săn chắc và cân đối, có răng nanh thuộc loại dài nhất trong số các loài mèo hiện còn tồn tại. Chúng chủ yếu săn bắt các loài động vật có vú sống trên cây, cụ thể là vượn, khỉ đuôi lợn hay khỉ Proboscis và các động vật có vú khác như nai, nhím hay chim và các gia súc.
Vì nguồn thức ăn chủ yếu là các động vật sống trên cây, báo gấm là những kẻ leo trèo giỏi. Chân ngắn và mềm dẻo, bàn chân rộng và móng vuốt sắc. Báo gấm có đuôi dài gần bằng thân, tạo ra sự cân bằng rất tốt. Chúng có thể di chuyển khi treo mình lộn ngược đầu xuống, phía dưới các cành cây và các thân cây nghiêng.
Chúng sống ở các khu vực miền nam Trung Quốc, phía đông dãy Himalaya cho đến tận khu vực Đông Nam Á cũng như quần đảo Indonesia. Các khu vực sinh sống ưa thích là các cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới với cao độ lên tới 2.000 mét, người ta cũng nhìn thấy chúng ven các đầm lầy có đước mọc hay đồng cỏ.



http://www.vietstamp.net/data/2008/08/09/01532767_Product_1245.jpg



Báo gấm cái đẻ một lần từ 1 tới 5 con non sau khi mang thai khoảng 85 đến 93 ngày. Con non là mù và yếu ớt, giống như con non của các loài mèo khác.Các đốm của con non là "đặc"—sẫm hoàn toàn hơn là các vòng sẫm. Sau khi sinh khoảng 10 ngày, chúng có thể nhìn được và hoạt động được sau khoảng 5 tuần, có thể sau khoảng 10 tháng tuổi thì chúng trở thành các cá thể độc lập. Báo gấm đạt đến độ tuổi sinh sản sau 2 năm và con cái có thể mang thai mỗi năm một lần. Báo gấm bị giam cầm có thể sống tới 17 năm: trong tự nhiên, chúng có thể có tuổi thọ thấp hơn.
Nơi cư trú bị thu hẹp chủ yếu là do sự tàn phá rừng nặng nề cũng như việc săn bắn để làm thuốc theo y học cổ truyền. Điều này làm suy giảm số lượng báo gấm.

http://www.vietstamp.net/data/2008/04/17/01260143_Product_138.jpg





CITES, tức Hiệp ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã đang gặp nguy hiểm, đưa báo gấm vào các loài của phụ lục I. Điều này có nghĩa là báo gấm nằm trong số các loài đang gặp nguy hiểm nhất. Hiệp ước cấm buôn bán quốc tế các loài thuộc phụ lục I, trừ những trường hợp đơn lẻ như nghiên cứu khoa học.
Nước Mỹ cũng đưa báo gấm vào trong Chứng thư các loài đang gặp nguy hiểm, nhằm ngăn chặn việc buôn bán báo gấm hay các bộ phận cơ thể chúng. Trong các quốc gia có báo gấm sinh sống thì việc săn báo gấm cũng bị cấm, nhưng các biện pháp này có lẽ chưa đem lại hiệu quả đáng kể.

Đêm Đông
05-02-2015, 23:59
Báo Hoa Mai Panthera pardus (Linnaeus, 1758)

http://www.vietstamp.net/data/2009/04/05/10491630_Product_1931.jpg

Báo hoa mai thân dài, chân cao. Nền lông mầu vàng nhạt ở phần lưng, trắng bạc ở phần bụng. Trên toàn thân từ đầu, thân, đuôi kể cả dưới bụng có nhiều đốm đen. Những đốm ở lưng có hình hoa mai (giữa đốm mầu vàng chấm đen như nhuỵ hoa), đốm ở đầu nhỏ, phần nửa gốc đuôi đốm đen lớn. Ngoài dạng báo bình thường kể trên, còn có dạng báo đen toàn thân mầu đen đốm hoa mai lặn trong nền lông nên khó nhìn thấy. Đây là dạng biến dị cá thể cùng loài (P. paradus), rất hiếm gặp.

http://www.vietstamp.net/data/2009/09/16/16415409_Product_4202.jpg


Thức ăn gồm thịt thú rừng: lợn, hươu, nai, trâu, bò non, khỉ, voọc, kể cả gia súc, và các loài gặm nhấm lớn. Vùng sống và hoạt động bao gồm nhiều dạng rừng núi, chủ yếu rừng già ít tác động. Thú kiếm ăn đêm và cả ban ngày ở nơi vắng người, thường nằm nghỉ trên các cành cây. Báo hoạt động đơn lẻ, chỉ sống đôi vào mùa sinh sản. Chưa có tư liệu về sinh sản của Báo hoa mai ở Việt Nam. Theo Kanchanasakha et al. (1998), Báo hoa mai mang thai 90 – 105 ngày, mỗi lứa đẻ thường 2 – 3 con. Sau khoảng 1 năm tuổi báo con tách khỏi bố mẹ để sống độc lập.
Báo hoa mai có phân bố rộng ở các vùng rừng núi trong toàn quốc, nhưng số lượng rất ít.
Trên thế giới ta có thể gặp chúng ở Ấn Độ, Bănglađet, Nam Nêpan, Đông Nam Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Cămpuchia, Inđônêxia.
Báo hoa mai cho da lông chất lượng cao. Mật và xương làm dược liệu.
Báo hoa mai vốn ít gặp trong thiên nhiên. Hiện nay, do săn bắt quá mức và mất rừng nên trữ lượng của chúng còn rất thấp, có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ tích cực.
Báo hoa mai đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Nhóm IB Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Cần có chiến lược bảo vệ rõ ràng cho các khu vực đặc biệt là các khu bảo vệ còn báo gấm sinh sống. Cần tổ chức nhân nuôi sinh sản bán tự nhiên để bảo tồn loài và thả lại vào thiên nhiên khi có điều kiện phù hợp.

Đêm Đông
06-02-2015, 00:01
Bồ nông chân xám ( Pelecanus philippensis Gmelin, 1789)




http://www.vietstamp.net/data/2013/06/01/09520669_1036_bloc_resize.jpg


Bồ nông chân xám ( Pelecanus philippensis Gmelin, 1789) là một loài chim thuộc họ Pelecanidae. Mùa hè lông trên cổ kéo dài thành mào lông màu nâu nhạt, các lông khác ở đầu và cổ màu trắng, gốc màu nâu. Lông bao cánh và cánh sơ cấp đen nhạt, lông vai, lông đuôi và lông cánh thứ cấp có màu nâu. Phần còn lại của Bộ lông màu trắng, phần cuối lưng, sườn và dưới đuôi phớt hồng tím. Mùa đông lông đầu, cổ và lưng có màu trắng, cánh và đuôi màu nâu. Bồ nông chân xám có kích thước tương đối nhỏ với các loài họ hàng, nhưng vẫn được coi là chim lớn. Loài này dài 125–152 cm và nặng 4,1–6 kg
Loài này phân bố ở Nam Á từ nam Pakistan qua Ấn Độ đến Indonesia.Trong nước chúng phân bố ở Nam Định (Cửa sông Hồng, cửa sông Đáy). Vùng duyên hải Thành phố Hồ Chí Minh, vùng ven bờ biển đồng bằng sông Cửu Long (Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang).
Loài chim này sống tại các vùng nước trong lục địa và ven biển, nhất là các hồ lớn. Kiếm ăn ở các vùng đất ngập nước như hồ, sông và ven bờ biển đặc biệt tại các cửa sông. Mùa sinh sản từ tháng 1 - 4, đẻ trung bình 2 trứng, ấp 31 ngày.
Loài chim này là nguồn gen qúy có giá trị khoa học cao, màu lông và hình dáng đẹp hấp dẫn cho du lịch sinh thái.

Đêm Đông
07-02-2015, 19:22
Bào Ngư Bầu Dục (Haliotis ovina Gmelin, 1791)

http://www.vietstamp.net/data/2009/04/20/18375787_Product_2126.jpg


Bào ngư có vỏ hình bầu dục dài khoảng 70mm màu xanh sẫm. Mặt ngoài thường hoen ố do các loại rong bám, Tổ giun (Sedentaria, Polychaeta), Thân mềm (Dendropoma). Trên mép vỏ có số lỗ ít hơn 10 lỗ và chỉ có 5 - 6 lỗ thông giữa mặt trong và ngoài vỏ. Mặt trong vỏ có gờ lồi lõm với lớp xà cừ óng ánh xanh ẩn đỏ, tím.
Bào ngư ăn rong biển như Sargassum, Gracilariav.v... Ưa độ mặn cao từ 25 - 32‰. Sống ở vùng triều ngập nước, sâu 2 - 10m. Thường sống bám trên rạn đá, nơi có rong bám.
Trong nước bào ngư có ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Khánh Hoà (vịnh Văn Phong, Hòn Tre, Hòn Nội); đảo Phú Quốc (Hòn Thơm, Hòn Vang, hòn Mây Rút, mũi Ông Dội, mũi Đất Đỏ); đảo Thổ Chu; Côn Đảo (hòn Tre Lớn, hòn Tre Nhỏ).Và bào ngư cũng có ở Nhật Bản, Philippin, Ôxtrâylia, Polynêsia
Thịt bào ngư ăn ngon, vỏ dùng để khảm trai rất đẹp, là mặt hàng mĩ nghệ rất được ưa chuộng. Thịt bào ngư có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn đặc sản và có giá trị dược liệu, vì vậy là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.
Bào ngư phân bố rộng, số lượng nhiều, nhưng đang bị khai thác mạnh, ước tính suy giảm khoảng 20%. Mỗi quần thể thường có số lượng dưới 10000 cá thể trưởng thành, nếu không có biện pháp bảo vệ dễ bị tuyệt chủng.
Bào ngư đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Cần bảo vệ vùng sinh thái của chúng, cần khai thác có hạn định. Nghiên cứu nuôi trồng nhằm nâng cao số lượng, trữ lượng, phục vụ cho mục tiêu bảo vệ nguồn gen quý hiếm và xuất khẩu thịt.

Đêm Đông
07-02-2015, 19:43
Bò Rừng ( Bos javanicus S’Alton, 1823)


http://www.vietstamp.net/data/2009/09/08/12141293_Product_3530.jpg

Bò banteng hay bò rừng (Bos javanicus) là một loài bò tìm thấy ở Myanma, Thái Lan, Cam pu chia, Lào, Việt Nam, Borneo, Java và Bali. Một số bò banteng đã được đem vào Bắc Úc trong thời kỳ đô hộ của người Anh năm 1849.
Bò banteng có vết lang trắng trên cẳng chân, mông trắng và các đường viền trắng xung quanh mắt và mõm, tuy nhiên đặc điểm hình thái của bò banteng phụ thuộc giới tính rõ rệt. Con đực có lông màu hạt dẻ sẫm hay lam-đen, sừng dài cong về hướng trên và có bướu trên lưng gần vai. Trong khi đó, con cái có lông màu nâu ánh đỏ, sừng nhỏ, cong vào phía trong ở chóp sừng và không có bướu.

http://www.vietstamp.net/data/2009/04/23/22082886_Product_2242.jpg

Bò banteng sống trong những cánh rừng thưa, ở đó chúng ăn cỏ, lá tre, quả cây, lá và cành non. Bò banteng nói chung hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng ở những nơi con người sinh sống đông đúc chúng quen với hoạt động ăn đêm.



Bò rừng có hình dáng, tầm vóc gần giống với bò nhà nhưng lớn hơn. Bò đực lưng gồ hơn. Bò rừng có lông màu nâu, 4 vó trắng và mông trắng đặc trưng. Thân dài 1,9-2,25 m, vai cao 1,55-1,65 m. Trọng lượng cơ thể khi trưởng thành 600–800 kg. Thường sống ở các khu vực rừng thưa, thoáng có trảng cỏ; rừng khộp. Bò rừng có tập tính sống theo bày đàn, mỗi đàn thường có từ 5 đến 25 con gồm 1 bò đực, còn lại là bò cái và bê; đầu đàn là một bò cái già. Con cái chửa 9,5-10 tháng, đẻ 1-2 con. Thành thục ở 2 tuổi (bò cái) và hơn 3 tuổi (bò đực). Ở điều kiện thuận lợi có thể sinh sản năm một. Tuổi thọ 20-25 năm.
Ở Việt Nam, trước đây bò rừng rất phổ biến ở Tây Nguyên, hiện tại do tình trạng săn bắn trái phép nên số lượng đàn và cá thể đã suy giảm đến mức báo động. Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô Đắk Lắk là một trong những nơi được xem là còn nhiều bò rừng nhưng cũng chỉ có vài đàn với số lượng khoảng trên dưới 10 con/đàn.

Đêm Đông
01-10-2015, 00:44
Tiếp tục :D

Bói cá lớn ( Megaceryle lugubris)

http://vietstamp.net/data/2008/08/03/00404041_Product_997.jpg

Bói cá lớn ( Megaceryle lugubris) là loài chim thuộc chi Megaceryle, Họ Bói cá. Loài này phân bố ở Ấn Độ, Bangladesh, Đông Nam Á, Nhật Bản, Nam Trung Quốc, bắc Đông Dương. Thân dài 41 cm. Nơi sống đặc trưng của loài bói cá này là sông suối lớn và đầm hồ ở vùng núi và trung du nơi có nhiều cây cối rậm rạp. Trong mùa sinh sản thường gặp đi đôi và kiếm ăn làm tổ trong vùng có bán kinh 1 - 1, 5 km.
Chim trưởng thành trước và dưới mắt, trên đầu và mào lông ở gáy đen có hình bâu dục trắng. Họng và vòng cổ màu trắng kéo dài đến gốc mỏ. Phần còn lại phía lưng, cánh và đuôi xám đen nhạt có vằn trắng ở ngực có dải đen đôi khi lẫm màu hung. Dưới cánh và nách trắng ở chim đực và hung ở chim cái. Mắt nâu thẫm. Mỏ nâu lục nhạt, chóp mỏ đen nhạt. Chân xám lục nhạt hay vàng lục nhạt.