PDA

View Full Version : Sài Gòn, Mãnh Đất Hội Tụ Xưa và Nay


HanParis
26-04-2015, 17:47
[/URL]

[URL="http://3.bp.blogspot.com/-7AtGz_VX6OE/U3ja_vW0F7I/AAAAAAAAACc/96tQJ-PYDyU/s1600/Anh+4.JPG"]http://3.bp.blogspot.com/-7AtGz_VX6OE/U3ja_vW0F7I/AAAAAAAAACc/96tQJ-PYDyU/s1600/Anh+4.JPG (http://www.blogger.com/comment.g?blogID=7184777360155646731&postID=654770523016357511)


Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn


Bùi Giáng tiên sinh người Quảng Nam, sau thời gian lang thang, phiêu lãng ở mãnh đất Sài Gòn “nắng mưa bất chợt” đã cảm khái hai câu thơ trên. Trong thơ cho thấy thi sĩ đã phân vùng rõ, Sài Gòn là Sài Gòn, Chợ Lớn là Chợ Lớn, Sài Gòn không bao gồm Chợ Lớn.


Người sống ở Sài Gòn thuộc các thế hệ trước hiểu Sài Gòn chỉ là khu trung tâm thành phố, chợ Bến Thành, quận 1, quận 3. Vô tới quận 10, quận 5, quận 6 đã là Chợ Lớn. Tạt qua quận 11, Tân Bình, Trường Đua là Phú Thọ. Qua Cầu Bông đến Bà Chiểu, Lăng Ông, quận Bình Thạnh là đã qua Gia Định. Ngó qua bên kia là Cầu Kiệu, Phú Nhuận. Từ khu Sài Gòn chỉ qua cái cầu là tới Khánh Hội, rồi về quận 8, Xóm Củi, Bến Bình Đông…


Ra Sài Gòn, vô Chợ Lớn, qua Khánh Hội, xuống Bến Bình Đông, về Gia Định… tất cả những động từ “ra”, “vô”, “qua”, “xuống”, “về” từ lâu được mặc định gắn với từng địa danh, không ai hiểu vì sao và cũng chẳng cần ai giải thích, có lẽ chỉ do quen miệng: “ra Sài Gòn chơi”, “qua Khánh Hội có công chuyện”, “vô Chợ Lớn thăm người quen”… Do vậy xét về mặt địa lý và theo cách hiểu lúc trước, Sài Gòn lúc trước không phải là cảTthành phố Hồ Chí Minh. Vì thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có cả Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn… và các vùng ven khác. Sài Gòn chỉ là “cục nhưn” của Thành phố Hồ Chí Minh.


“Cục nhưn Sài Gòn” đó mấy chục năm qua vẫn vậy, không có thay đổi nào đáng kể, hầu như còn nguyên. Nếu có, chỉ có vài con đường được mở rộng, nhiều cao ốc, nhà cao tầng mọc lên. Ví dụ: Các trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực Dinh Thống Nhất, hay theo đường Trần Hưng Đạo từ công trường Quách Thị Trang thẳng một lèo xuống đường Trần Hưng Đạo B (ngày xưa là Đồng Khánh) đến Chợ Lớn, đường này trước đây trong giới xe lam gọi là “tuyến đường giữa”, tuyến đường nhiều khách nhất, nối liền Sài Gòn – Chợ Lớn. Qui hoạch, đường sá ở các khu vực này hầu như quá chuẩn, không thể có một sáng tạo nào có thể áp dụng làm biến dạng khung cảnh. Nhưng Sài Gòn theo cách hiểu ngày nay đã khác, không còn là “cục nhưn” mà đã được hiểu rộng ra cho tất cả các khu vực trong nội đô.



http://3.bp.blogspot.com/-EjP-6knjT18/U3jbMq1Yn4I/AAAAAAAAACk/WqdQY7TsHbo/s1600/Anh+3.JPG (http://3.bp.blogspot.com/-EjP-6knjT18/U3jbMq1Yn4I/AAAAAAAAACk/WqdQY7TsHbo/s1600/Anh+3.JPG)



“Dân Sài Gòn”, “người Sài Gòn” cũng chỉ là những khái niệm tạm thời, tương đối. Người ở Sài Gòn dù có trên ba đời, nếu hỏi tới ông cố, ông sơ cũng có gốc ở nơi khác. Gần nhất cũng là Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm, Bình Dương... hoặc các tỉnh miền Tây… Như quê hương của nhà văn Sơn Nam – cũng là một lãng đãng du thần Sài Gòn chỉ bằng đôi chân cuốc bộ, một nhà Sài Gòn học có quê ở Rạch Giá – Kiên Giang. Với miền Bắc, miển Trung, nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người dân đã nhập cư “dzô” Sài Gòn, rồi để trở thành người Sài Gòn. Người Bắc ở khắp nơi, các giáo xứ, họ đạo. Người Trung, Quảng Nam ở khu vực Ngã tư Bảy Hiền dọc theo đường Lạc Long Quân, khu vực chợ Tân Bình, ở đây còn có chợ Bà Hoa chuyên bán hàng, thức ăn Quảng Nam. Hay cả người Chăm ở quận 1, khu vực chợ Nancy, Trần Hưng Đạo… Và không thể quên được Chợ Lớn, một China town ở Việt Nam. Người Hoa cũng có mặt rất sớm ở mảnh đất Sài Gòn, tên của Chú Ía, Chú Hỏa, từ tên người đã trở thành những địa danh lâu đời.


Do vậy, những người ở nơi khác mới đến làm việc, lập nghiệp ở Sài Gòn đừng tự cho mình là “người nhập cư” hay không phải là “người Sài Gòn gốc”. Vì “Người Sài Gòn gốc” hầu như không có thật. Chỉ là người đến trước (dù là đến trước đến mấy đời) và người đến sau. Chính “người nhập cư” hiện nay lại là người biết nhiều vùng đất Sài Gòn vì phải tìm hiểu, đối phó, phải thay đổi chổ ở thường xuyên. Có những người sinh sống lâu năm ở Sài Gòn chỉ ở một chỗ. Nhiều cụ ông, cụ bà, bà phò (bà già người Hoa) ở Chợ Lớn, quanh năm suốt tháng chưa ra tới đầu hẽm, nói chi ra chợ Bến Thành. Lâu lâu được con cháu đưa đi, các cụ nhìn đường phố cứ hỏi những câu như là Việt kiều mới về nước.

Đất lành chim đậu.
Đất không lành đất nhậu chim luôn.

Sài Gòn, mảnh đất hội tụ xưa và nay, nơi người tứ xứ đổ về tìm một cơ hội nào đó. Sài Gòn có tính cách riêng. Và những ai mới đến sống ở Sài Gòn sẽ dần hiểu, nhận biết và sớm hòa đồng với tính cách Sài Gòn. Hãy quên cụm từ “dân nhập cư” để trở thành người Sài Gòn và có tính cách rất Sài Gòn.


Nguồn : http://saigon-langthang.blogspot.fr/2014/05/saigon-cho-lon-rong-choi-i-leni-xuong.html