PDA

View Full Version : Du Lịch Mùa Hè


manh thuong
26-06-2008, 13:57
Du lịch vào mùa hè là sở thích của nhiều người, mình xin giới thiệu một tour du lịch mà không biết gọi như thế nào. Mời mọi người cùng xem:
Ngày 1: Sài Gòn - Dak song - Ban mê thuột

Sáng sớm xe khởi hành từ Sài gòn, vượt qua Bình dương và Bình phước, cách Daklak 70 km về phía nam sẽ gặp huyện Dak Song (thuộc tỉnh Dak Nông). Cách trung tâm D Song 7 km về phía bắc, có một địa điểm mà nơi này các cán bộ 2 miền nam bắc đi mở đường mòn Hồ chí minh gặp nhau (Phía bắc bắt đầu từ tỉnh Hà Tây vào Nam và phía Nam khời hành từ Bình Phước trở ra bắc)

7881

Toàn cảnh bia tưởng niệm

7879

7880

đây là bia chính

7901

còn tiếp...

manh thuong
26-06-2008, 17:19
Rời Dak Nông, đi tiếp về biên giới giáp ranh với Dak Lak, gặp con sông Serepok từ thượng nguồn đổ về tạo thành hệ thống thác nước. Trong đó hùng vỹ nhất là thác Dray Sap (theo tiếng Eđê là thác khói bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là là như màu sương khói).

Đường vào Thác Dray Sap khá đẹp

7907

Thác Dray Sap còn gọi là thác Chồng.

7908

Cách đó không xa là thác Dray Nu (còn gọi là thác vợ).

7909

tất cả nước ở đây lại hòa vào và tiếp tục làm thành dòng chảy của dòng sông Serepok

7910
(cám ơn hạt dẻ đã lưu ý kích thước)

thật ra việc gọi hệ thống thác ở đây xuất phát từ một huyền thoại của một tình yêu đẹp của một đôi trai gái eđê nhưng cô gái đã bị một con quái vật bắt đi mất.

còn tiếp

hat_de
26-06-2008, 17:39
tất cả nước ở đây lại hòa vào và tiếp tục làm thành dòng chảy của dòng sông Serepok


còn tiếp

tấm ảnh trên hình như chỉnh sai kích thước anh à

để em giúp 1 tay, mời bà con cùng xem

http://img291.imageshack.us/img291/3016/dsc09857wc7.jpg (http://imageshack.us)

sáng nay nhà em cũng nhận được bì (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?p=9195#post9195) anh gửi rồi

Cảm ơn và chúc chuyến đi của anh ngày càng có nhiều tiết mục hấp dẫn !:D

manh thuong
26-06-2008, 18:51
Vài phút ngắn ngủi với Banmeboy

8169

tuy chỉ là khoảng gặp ít ỏi nhưng cũng là kỷ niệm rất đẹp của MT ở Tây Nguyên.

manh thuong
26-06-2008, 19:07
Sau khi chia tay voi Banmeboy, MT được trực tiếp thưởng thức các tiếp mục âm nhạc tây nguyên.

8170

8171

Cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. cái có núm được gọi là cồng, còn không có núm được gọi là chiêng (hic hic bây giờ mới biết).

tiếp theo là dàn "giao hưởng" mang nét đặc trưng của Tây nguyên.

8173

Và một năng khiếu đang lả lướt cùng tiếng đàn

8172

những nghệ sỹ này đã làm xao xuyến lòng người bởi các bản nhạc từ nam ra bắc như trống cơm, nối vòng tay lớn,... chứ không chỉ là các bản nhạc của tây nguyên

còn tiếp

manh thuong
27-06-2008, 12:51
Tiếp theo là hát với nhau trên dàn nhạc đệm của nhạc cụ dân tộc tây nguyên

7937

và phút ngẫu hứng thêm tiếng guitar

7938

kết thúc là Đốt lửa lên

7942

Rượu cần được bê ra

7939

Nhìn kỹ sẽ thấy nghi thức rót nước vào ché rượu rất cầu kỳ.

7940

7941

manh thuong
27-06-2008, 12:56
trong khi đó mọi người bắt đầu giao lưu với các nghệ sỹ dân tộc theo điệu nhảy truyền thống của tây nguyên trong tiếng cồng chiên rộn rã.

7943

7944

7945


"Ban Mê không phải chiều nhuộm áo em mờ tím
Ban Mê không phải ngày tỏa sáng mãi ngàn năm
Ban Mê giữa đại ngàn không lời nguyền bóng cỏ
Ban Mê đêm huyền diệu
Anh mắt em thẳm sâu"

manh thuong
27-06-2008, 13:12
Cách Buôn Ma Thuột gần 50 km về phía Tây - Bắc có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ðó là Buôn Ðôn, nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái... Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch ĐăkLăk và Tây Nguyên nói chung.

Tuy nhiên, trước khi ghé Buôn Đôn, địa điểm nên đến là mộ vua săn voi.


Huyền thoại "Vua săn voi"...

Khu lăng mộ nằm trong một khu rừng thưa ven con đường đất đỏ thuộc xã K'rông Na, huyện Buôn Đôn. Không phải ai muốn "nằm" ở đây cũng được mà phải có "tiêu chuẩn" đàng hoàng. Đó là khi còn sống, nhân vật này phải đạt tới đẳng cấp "Gru" (kiện tướng săn voi, phải săn được cỡ vài chục con voi rừng trở lên). Bởi thế nên khu lăng mộ này chỉ chôn cất khoảng vài chục "Gru" mà nổi bật (và nằm ở trung tâm) chính là mộ của "Vua săn voi" - Khunjunob.

Khunjunob tên thật là T'thu K'nul, sinh năm 1828 và mất năm 1938 (thọ 110 tuổi). Ông chính là người khai phá và sáng lập Buôn Đôn (Buôn Đôn hiện có đến 45 dân tộc sống cộng cư, trong đó có 3 dân tộc chính là Lào, Êđê và M'nông. Bản Đôn là cách gọi của người Lào còn người Êđê và M'nông thì gọi là Buôn Đôn). T'thu K'nul đã săn bắt được hơn 400 con voi rừng, trong đó có một con bạch tượng. Ông tặng con voi trắng này cho vua Xiêm (Thái Lan ngày nay) và được vua này phong là "Khunjunob" (vua săn voi). Từ đó dân Buôn Đôn gọi ông là "vua". Tuy "vua" thọ đến 110 tuổi nhưng khi "băng hà" lại chẳng có ai nối dõi. Một người cháu gọi ông bằng cậu tên là R'Leo (cũng là một "Gru") đã xây cho ông một ngôi mộ hình vuông rất bề thế. R'Leo cũng từng săn được một con bạch tượng và đem tặng vua Bảo Đại. Mộ của R'Leo hình tháp chóp (kiểu Campuchia) nằm bên cạnh mộ Khanjunob.

7946

và đây là hình ảnh của lộ chính của Buôn Đôn

7947

Nhìn kỹ sẽ thấy một số "sản phẩm" của voi ở trên đường

manh thuong
27-06-2008, 13:25
gần cuối con lộ là một ngôi nhà cổ.

Ngôi nhà 124 năm

Đó là một ngôi nhà sàn nằm bên dòng sông Sérépok.

Thoạt nhìn nó cũng giống bao căn nhà khác của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nếu không được giới thiệu nó có đến 124 năm tuổi và là ngôi nhà độc đáo nhất Việt Nam.

7950

VÀI NÉT VỀ CĂN NHÀ CỔ BẢN ĐÔN (Dịch từ Tư liệu gia phả nguyên bản tiếng Pali-Căm Pu Chia. Có tham khảo, đối chiếu bản dịch tiếng Thái Lan của Ahan Djong Chayjutt).

Người dịch là Khămg Puôn Keo mi ni - sinh viên Trường Kỹ thuật Hàng không Nha Trang (không ghi ngày tháng dịch). Theo bản dịch thì nhà được thiết kế theo kiến trúc chùa tháp của phong tục Lào-Thái. Điểm đặc biệt của ngôi nhà là được làm hoàn toàn bằng gỗ (kể cả mái, mộng, đinh vít...). Nhà có 3 gian, 3 mái chóp nhọn. Được khởi công vào ngày 7.10.1883, hoàn thành ngày 19.2.1885 và cúng "tân gia" vào ngày 19.3.1885. Để hoàn thành ngôi nhà này cần đến 18 con voi đực được huy động vào việc khai thác và kéo gỗ. 14 thợ mộc lành nghề do ông Tha Vi Vông Khăm Sao (một nghệ nhân điêu khắc gỗ người Lào) chịu trách nhiệm thiết kế và làm thợ cả.

Không biết chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là ai nhưng Khunjunob đã mua (bằng voi) lại nhà này từ một bà dì. Khunjunob mất, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của Ama Kông (cháu ngoại của Khunjunob). Trên vách tường ngôi nhà này có treo nhiều ảnh Ama Kông trong những chuyến săn bắt voi. Ở giữa nhà treo một mâm đồng lớn, chạm trổ rất tinh xảo, đính kèm mảnh giấy: "Kỷ vật còn lại duy nhất của ông tổ săn voi, người đã khai sinh ra nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Bản Đôn. Mâm được dùng để cúng voi nhà trước khi xuất quân đi bắt voi rừng và cúng những chú voi con mới bắt được về (thủ tục nhập Buôn). Mâm được đưa từ Lào qua Việt Nam năm 1959". Bên cạnh mâm đồng là thanh kiếm do vua Bảo Đại tặng Ama Kông.

Bản thân Ama Kông cũng là một huyền thoại (năm nay ông 92 tuổi, hiện còn sống). Ông cũng từng được xưng tụng là "vua săn voi". Tên ông còn là thương hiệu của một loại rượu chế xuất từ dược thảo. Rượu Ama Công (Việt hóa chữ Kông) trị nhức mỏi, tăng lực cường dương được bày bán khắp Buôn Mê Thuột. Khách vào tham quan ngôi nhà cổ, Me Lĩnh bán thuốc ngâm rượu mỏi tay vì mua ở đây không lo... hàng giả ! Nghe nói nhờ thứ rượu này mà năm 82 tuổi Ama Kông còn đủ sức cưới một bà vợ 30 tuổi và vừa có thêm một đứa con đáng tuổi... chắt, chít của mình! ghê chưa

7951
(nguồn thanhnien online)

còn đây không biết có phải một Ama Kông mới hay không????

7954

còn tiếp

manh thuong
27-06-2008, 17:21
Cầu treo ở Bản Đôn.

7984

7985

Cầu treo này thật sự là một hệ thống các cầu treo bắc qua con sông serepok. Đây là 1 trong 2 con sông kỳ lạ của Việt Nam là không chảy về phía đông để ra biển mà chảy ngược sang Lào (con sông kia hình như là sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn)

và điều thú vị nhất của Bản Đôn là cưỡi voi

7987

7988

7989

manh thuong
27-06-2008, 17:36
Rời bản Đôn, quay trở lại BMT, thăm chùa TỨ SẮC KHẢI ĐOAN

7996

"Đây Khải Đoan mái chùa yêu biết mấy
Rêu phong về tô đậm nét uy linh
Chiều tịch nhiên vang vọng mấy hồi kinh
Hồn nhân thế giật mình cơn mộng ảo"

Khải Đoan là ngôi chùa được vua ban hiệu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, là Ngôi chùa đầu tiên có mặt tại Dak Lak của tổ chức phật giáo.

Chùa hướng mât Tây Nam, nhìn xuống suối Đốc Học, lưng tựa thế của khu phố BMT. lối kiến trúc phỏng theo kiểu dáng của cung đình Huế, kết hợp với phong cách nhà sàn của dân tộc Tây Nguyên.

và ghé thêm bảo tàng dân tộc (trước đây là biệt điện của vua Bảo đại)

7992

cái cây phía sau 2 thằng nhóc này có gốc rất to (nằm trong khuôn viên bảo tàng)

7991

và cuối cùng là hình ảnh chiếc xe tăng ở bùng binh, biểu tượng cho chiến thắng mùa xuân 1975 ở BMT

7997

manh thuong
27-06-2008, 18:07
từ BMT tiếp tục theo quốc lộ 14 khoảng 190 Km về phía bắc sẽ gặp thành phố Pleiku

"Em đẹp thế Pleiku ơi
Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy
Đôi mắt Pleiku biển hồ đầy"

Nói đến pleiku thì chắc chắn phải đề cập dến biển hồ

7998

Biển hồ Tơ Nưng cách thành phố Pleiku chừng 10 km về phía Bắc, nguyên là một miệng núi lửa đã tắt từ lâu. Hồ mang tên Tơ Nưng, tên một làng cổ trong huyền thoại. Chuyện kể rằng, làng bản xưa to và đẹp lắm, dân bản sống yên vui, hòa thuận lâu đời. Bỗng một hôm, núi lửa ập tới vùi lấp làng. Những người sống sót khóc thương làng mình và người thân mãi không nguôi. Nước mắt chảy thành suối, các suối đổ về làng mà thành hồ. Hồ giữ lại tên Tơ Nưng – một kỷ niệm chung của bản làng. Hồ Tơ Nưng rộng 320 ha. Dân trong vùng gọi hồ là biển và thế là có tên Biển Hồ.

Một số hình ảnh:

tháp để ngắm BH:

8001

biển hồ nhìn từ tháp về 3 phía

7999

8000

8002

và nhìn về phía còn lại

8003

và ké thêm cái này nhé:

8004

còn tiếp

tomiboy
27-06-2008, 18:18
anh đi thế phải có quà cho mọi người chứ nhỉ :D đòi quà anh MT đi mọi người ơi^_^hehe

manh thuong
27-06-2008, 19:10
Rời Pleiku có chút gợn buồn vì không gặp được chị phố núi. Nhưng không sao, không vì thế mà hành trình phải ngừng lại.

Theo quốc lộ 19, xuôi về phía đông khoảng 160km là thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định)

Nằm giữa Bình Định và Gia lai chính là đèo An Khê.

An Khê nằm trên Quốc lộ 19 nối liền hai thành phố Qui Nhơn và Pleiku bằng đèo An Khê. Người Bahnar gọi đèo này là đèo Mang, có nghĩa là cửa ngõ. Đất An Khê thuở xưa còn gọi là đất Tây Sơn nhưng để phân biệt giữa vùng cao và vùng thấp, người ta gọi An Khê là Tây Sơn thượng đạo. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử mang nặng dấu ấn nhà Tây Sơn và có nhiều danh thắng hữu tình đáng được tham quan, nghiên cứu.

8013

Địa thế An Khê hiểm trở dường ấy nên thuở trước, người miền xuôi lên An Khê đâu phải dễ dàng:

Không đi thì mắc cái eo
Ra đi thì sợ cái đèo An Khê

8015

Những ai đã từng đến An Khê mới thấy hết được tầm quan trọng của địa thế núi non ở đây. Từ trên đỉnh đèo, du khách có thể trông thấy dễ dàng đường đèo quanh co uốn khúc quanh chân núi Ông Bình hiên ngang, sừng sững. Xa xa là dòng sông Côn thướt tha như dải lụa xuôi về Phú Phong, Kiên Mỹ - quê nhà của Tây Sơn tam kiệt. Ở sườn núi Ông Bình có hang sâu, ngày xưa quân Tây Sơn làm nơi tích trữ quân lương cho nên gọi là kho “binh lương đồ trận”. Ở phía Đông Nam đèo là núi Ông Nhạc hay Ông Nhược bề thế chẳng kém, ngày xưa là nơi nghỉ quân của quân đội Tây Sơn.

8007

8006

Ngày nay, Quốc lộ 19 đã được nâng cấp, đường đèo rộng thênh thang tráng nhựa phẳng lì. Từ trên đỉnh đèo, theo quốc lộ đi về hướng Tây, gặp chiếc cầu đầu tiên có một cái miếu nhỏ nằm bên đầu cầu, xưa gọi là miếu Xà, nơi Nguyễn Nhạc chém rắn tế cờ khởi nghĩa.

Qua bao nhiêu thăng trầm, rưng núi An Khê vẫn âm thầm phát triển, thay da đổi thịt để theo kịp với miền xuôi. An Khê là nơi “đi dễ khó về”, đúng như câu ca truyền tụng:

An Khê có núi hòn Kong
Có rừng Hảnh Hót, có dòng sông Ba
Có đồng cỏ mướt bao la
Vườn cây đơm trái nở hoa bốn mùa.

Về cách TP quy Nhơn 30km rẽ trái vào khoảng 1,5 km sẽ gặp Bảo Tàng Quang Trung
Nhà Bảo tàng Quang Trung - Bình Định
Xây dựng năm 1978, khánh thành năm 1979. Bảo tàng Quang Trung là điểm được khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm hơn cả với 9 phòng trưng bày các di chỉ, hiện vật của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771-17789 )

8012

Trong khuôn khổ viện, rộng 9 ha bảo tàng còn có tượng đài, cầu cảnh, nhà khách... Đặc biệt bên phải nhà bảo tàng có điện thờ 3 anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và cây me, giếng nước- những dấu tích còn in đậm kỷ niệm gia đình người anh hùng dân tộc.
Đến tham quan bảo tàng, khách du lịch sẽ được tham quan một số vùng lân cận, nơi trước đây là dinh lũy, quán lương, bãi tập của một nghĩa quân Tây Sơn (núi Ông Bình, hòn Ấm, hòn Kiến, Tây Sơn thượng đạo...), xem biểu diễn võ Tây Sơn, nhạc trống Tây Sơn.
Hàng năm cứ vào ngày 5 tháng 1 (âm lịch) nhân dân quanh vùng tụ hội về nhà bảo tàng đề làm lễ tưởng niệm người anh hùng dân tộc (tục gọi là ngày lễ Đống Đa).

lúc này do vị trí của mặt trời nên phía trước tương quang trung không được đẹp

8010

và phía sau thì đẹp hơn (ha ha)

8011

còn tiếp

manh thuong
28-06-2008, 10:35
Tới cửa ngõ Tp Quy nhơn là KDL Ghềnh Ráng.

8101

Ghềnh Ráng là nơi có thắng cảnh đẹp với các bãi tấm kéo dài từ đường An Dương Vương vào bãi tắm Hoàng Hậu. Từ trên sườn núi Ghềng Ráng có thể ngắm nhìn bao quát toàn bộ phía Ðông của thành phố Qui Nhơn và xa hơn là bán đảo Phương Mai với đầm Thị Nại.

8105

Do cảnh quan ngoạn mục và điều kiện nghỉ dưỡng lý tưởng mà Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng danh thắng Quốc gia. Với những lợi thế đó tỉnh đang từng bước đầu tư nhằm nâng cấp, cải tạo các công trình hiện có và xây dựng một số công trình mới nhằm đưa Ghềnh Ráng trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cuả thành phố Qui Nhơn.

8103

8104

Trên sườn núi gần với mép biển phía Ðông là nơi an nghỉ cuả nhà thơ Hàn Mặc Tử, một tên tuổi nổi tiếng trong làng thi ca Việt Nam.

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm. Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sỹ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông được một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên đành đình lại.

"Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?"
vài câu thơ quen thuộc của HMT lại về khi lạc vào một đồi thơ của thi sỹ này

8106

"Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào biết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia
Trơì đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu?"

8109

còn tiếp

manh thuong
28-06-2008, 11:16
Thành phố Qui Nhơn nằm ở phía đông nam của tỉnh Bình Định, phía đông là biển Đông, phía tây giáp huyện Tuy Phước, phía bắc giáp Tuy Phước và Phù Cát, phía nam giáp huyện Sông Cầu của tỉnh Phú Yên. Thành phố có 16 phường và 4 xã, với tổng diện tích là 215 km².

8112

Thành phố chính thức thành lập cách đây trên 100 năm nhưng mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chămpa từ thế kỷ ll dưới triều đại nhà Tây Sơn và cảng Thị Nại từ đầu thế kỷ 18. Ngày nay Qui Nhơn được công nhận là đô thị loại II, với ưu thế về vị trí địa lý, có cảng biển và cơ sở hạ tầng đô thị phát triển. Qui Nhơn được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong ba trung tâm thương mại và du lịch của vùng duyên hải Nam Trung bộ (cùng với Đà Nẵng và Nha Trang).

Vì city tour nên xe gắn máy là phương tiện tối ưu nhất

8111

Tháp đôi

Đất Bình Định có nhiều tháp, cụm tháp Chàm nằm rải rác ở 8 địa điểm thuộc các huyện phía nam tỉnh, như cụm tháp Dương Long (3 tháp) ở huyện Tây Sơn; tháp Bánh Ít (4 tháp) ở Phước Lộc, Tuy Phước; tháp Cánh Tiên ở Nhơn Hậu, An Nhơn và một số tháp ở Phù Cát. Riêng Quy Nhơn có tháp Đôi (2 tháp) ở gần đường Trần Hưng Đạo, cửa ngõ vào thành phố.
Tháp Đôi Quy Nhơn tọa lạc tại làng Hưng Thạnh xưa, bây giờ thuộc phường Đống Đa, cách trung tâm thành phố chừng 3 km về phía tây bắc. Gần tháp Đôi là cầu Đôi trên quốc lộ 19, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại. Chẳng hiểu sao người xưa lại cứ "ghép đôi":

Cầu Đôi liền với Tháp Đôi
Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng

8115

Tháp Đôi cũng như các tháp Chàm khác ở Bình Định, là một di tích văn hóa nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo của người Chăm xa xưa. Các tháp có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Tháp cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài dũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc.

8117

8113

Quanh tường phía ngoài, các góc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc các hình tượng thần, chim, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm rất sinh động. Tháp Đôi một lớn một nhỏ đứng gần kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít. Tháp đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá khá nặng nề.

8114

Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Ba Lan và các chuyên gia khảo cổ trong nước, tháp Đôi đã được Nhà nước đầu tư hàng tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo. Từ 1991-1997, các cán bộ khoa học và những người thợ khéo ở Quy Nhơn đã miệt mài đục đẽo, tạo tạc với kỹ thuật mài gạch, lắp ghép khá thành công, trả lại gần như dáng vẻ ban đầu của tháp.

8181

Tháp Đôi Quy Nhơn không chỉ là nơi để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Chăm tiếp tục công việc mà còn là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Bình Định.

8180

và cho ké thêm hình cuối nhé

8118

còn tiếp

manh thuong
28-06-2008, 11:48
Đầm Thị Nại là một đầm nước mặn nằm trên địa phận thành phố Qui Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định, có diện tích hơn 5.000 ha. Một phần nhỏ của đầm Thị Nại được sử dụng làm cảng biển (Cảng Quy Nhơn). Địa danh này có âm gốc tiếng Champa gọi đầy đủ là Thi Lị Bi Nại, tên phiên âm chữ Cri-Banoi là tên hải cảng của Vương quốc Champa; người Hoa gọi cảng này là Tân Châu (新州).

Một góc của đầm Thị Nại

8119

Thời Pháp thuộc, có bài thơ hoài cổ rằng:
"Thị Nại xưa kia vũng chiến trường,
Nổi chìm thế sự mấy triều Vương...
Non mây nghi ngút nơi binh dữ,
Biển ráng chưa tan bọt máu hường.
Nhạn lãnh sóng vờn gương đế bá"

8120

Tháng 12 năm 2006, tỉnh Bình Định khánh thành cầu vượt đầm Thị Nại có tổng chiều dài 2.475 m, chiều rộng cả lan can 15,5 m, với tổng cộng 54 nhịp, đảm bảo cho xe có trọng trải 80 tấn qua lại. Đây là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam tính đến năm 2007.

8124

8121

8122

Tp Quy Nhơn nhìn từ Cầu thị Nại

8123

Và Cầu Thị Nại được nhìn dưới góc độ khác

8125

Nơi đây trong tương lai sẽ là một resort rất đẹp

8126

còn tiếp

manh thuong
28-06-2008, 11:55
Biển Quy nhơn thật sự được bao bọc bởi nhiều lớp núi từ xa nên sóng khá nhẹ, biển không dốc nên tắm rất thích. Tuy nhiên do khả năng quảng bá du lịch của địa phương chưa cao nên phần lớn người tắm biển vẫn là dân địa phương.

Vài hình ảnh chia sẻ

8133

8134

8135

8136

8137

8138

còn tiếp

manh thuong
28-06-2008, 15:00
Thật ra ngày này thì không đi đâu cả nhưng muốn giới thiệu với mọi người về tàu Golden Train.

đi tàu này thật sự giá thì mắc hơn tàu thống nhất nhưng nếu đi quy nhơn thì nó đón khách ngay ga Quy nhơn chứ không phải ở Diêu trì (cách Quy Nhơn khoảng 12km)

8139

Ga Quy nhơn nằm ngay trung tâm thành phố quy nhơn. Nhìn ra thấy tượng Quang Trung

8140

Tàu được sơn màu vàng (chắc để phân biệt với tàu thống nhất màu xanh)

8141

8144

Bên trong thì khá sạch và nhiều tiện nghi, phù hợp với đi du lịch

8143

8142

Mỗi khoang chỉ có 4 giường, trang trí lịch thiệp bằng hoa tươi. Khách đi tàu được phát miễn phí nước uống, các bữa ăn, bàn chải đánh răng, khăn giấy... WC thì rất sạch và đủ "đồ dùng" để phục vụ. (rất tiếc là không ghi lại được)

Sắp tới có festival tại Bình Định (đầu tháng 08.2008), mọi người nên đi tàu này vì sự tiện lợi của nó.

manh thuong
28-06-2008, 15:06
Sáng ngày thứ 7. Tàu dừng tại ga Sài Gòn. Kết thúc tốt đẹp chuyến đi

8147

Công việc bây giờ là nhớ lại cảm xúc và post bài.

Công việc này có nhiều thú vị vì nó xem xét lại toàn bộ hành trình, chia sẻ cảm xúc với mọi người và quan trọng nhất là dạy cho mình cách post bài thuần thục.

Chân thành cám ơn mọi người đã ghé xem.

HẸN GẶP LẠI CHUYẾN ĐI SAU

Tien
28-06-2008, 20:20
Anh Manh Thuong viết bài này hay quá! Vừa có hình, vừa có dẫn giải giới thiệu từng chỗ, lại còn có thơ phụ họa nữa! Trong một thời gian ngắn mà tìm được những tài liệu này!
Chuyến đi du lịch của MT rất là thú vị! Cám ơn MT đã chia sẻ!
(Em bé làm người mẫu cũng rất dễ thương!)

chimyen
28-06-2008, 21:32
CY thấy khoái xem hình cái cu cậu manhthuong ( Kô nhầm thì nick đó là tên của con trai anh Cần :D ) dễ thương, hiếu động và tự nhiên trước ống kính .
Chờ đọc bài về chuyến đi sau của anh!

hat_de
29-06-2008, 08:47
Công việc bây giờ là nhớ lại cảm xúc và post bài.

Công việc này có nhiều thú vị vì nó xem xét lại toàn bộ hành trình, chia sẻ cảm xúc với mọi người và quan trọng nhất là dạy cho mình cách post bài thuần thục.

Chân thành cám ơn mọi người đã ghé xem.

HẸN GẶP LẠI CHUYẾN ĐI SAU


anh em mình có sở thích thiệt giống nhau
xem xét lại toàn bộ hành trình và chi sẻ cảm xúc với mọi người là điều rất có giá trị khi ta làm việc nầy
em lười cài thơ vào nhưng thi thoảng cài tem
hy vọng chuyến tới anh du lịch tới miền đất có nhìu tem minh họa và bài viết của anh khi ấy có cả ảnh cả tem cả thơ và ngập tràn cảm xúc :">

Chúc anh và mọi người cuối tuần vui vẻ :D