PDA

View Full Version : MƯỜI CẶP TỪ NGỮ HAY NHẦM LẪN TRONG TIẾNG VIỆT


Poetry
21-09-2015, 11:09
MƯỜI CẶP TỪ NGỮ HAY NHẦM LẪN TRONG TIẾNG VIỆT

1. “Khoái chá” hay “Khoái trá”?
- Từ “Khoái chá”: từ gốc Hán, là Danh từ.
+ Khoái: thịt cắt ra thành từng miếng nhỏ.
+ Chá: nướng.
-> Khoái chá:
- Nghĩa gốc: (Danh từ) Miếng thịt nướng, chả nướng – 1 món ăn ngon nhiều người ưa thích.
- Nghĩa chuyển (Tính từ): Sung sướng, thỏa mãn (như khi được ăn món ngon).
Như vậy, viết “Khoái trá” là sai. (trá: lừa dối -> không liên quan đến nghĩa trên)

2. “Tiên tiến” và “Tiền tiến”:

- Cả 2 từ này đều có yếu tố “tiến”, nghĩa là “tiến lên”.
- Chữ “Tiên” và “tiền” đều có nghĩa là “phía trước”.
- Tuy nhiên, điểm khác nhau của 2 từ này là:
+ Tiên tiến: Tiến lên phía trước.
+ Tiền tiến: Dẫn đầu.

3. “Xán lạn” hay “sáng lạng”? “sán lạn”?

- Từ “Xán lạn”: từ gốc Hán, là Tính từ.
+ Xán: rực rỡ.
+ Lạn: sáng sủa.
-> Xán lạn: sáng sủa, tươi đẹp. (VD: tương lai xán lạn).
Như vậy, viết khác đi đều sai.

4. “Xuất” và “Suất”:

- Xuất (Động từ): ra (trái nghĩa với “nhập” là “vào”). VD: xuất bản, xuất khẩu, xuất hành, xuất phát…
- Suất (Danh từ): một phần được chia. VD: suất ăn, suất quà.

5. “Giấu” và “Dấu”:

- Giấu (Động từ): để vào nơi kín đáo nhằm làm cho người ta không thấy được, không tìm ra được. VD: cất giấu, giấu giếm.
- Dấu (Tính từ/Động từ): Từ cổ, nghĩa là “Yêu”.
Theo thói quen sử dụng, người Việt hay nói: yêu dấu, nghĩa là rất yêu quý.

6. “Lãng mạn” hay “Lãng mạng”?

- Lãng mạn: Từ gốc Hán.
+ Lãng: bát ngát.
+ Mạn: dài rộng, mênh mang.
-> Hiểu theo nghĩa chuyển: Lý tưởng hóa hiện thực, vượt lên trên hiện thực.
Như vậy, viết “Lãng mạng” là sai.

7. “Vãng cảnh” hay “vãn cảnh”?

- Vãng cảnh (Cụm động từ): từ gốc Hán.
+ Vãng: đi đến.
+ Cảnh: phong cảnh.
-> Vãng cảnh: đi đến ngắm cảnh. VD: vãng cảnh chùa. (Vãng lai: qua lại)
Như vậy, viết “vãn cảnh” là sai. (vãn: chiều tối. Nghĩa này không liên quan).

8. “Yếu điểm” và “Điểm yếu”:

- Yếu điểm (Danh từ): Từ gốc Hán.
+ Yếu: quan trọng.
+ Điểm: chỗ, vị trí.
-> Yếu điểm: Chỗ quan trọng. (Yếu nhân: người quan trọng)
- Điểm yếu: Từ thuần Việt. Nghĩa là: điểm chưa mạnh (nhược điểm).
“Yếu” ở đây chỉ mức độ kém.

9. “Tham quan” hay “Thăm quan”?

- Tham quan (Động từ): Từ gốc Hán.
+ Tham: thêm vào.
+ Quan: nhìn nhận, quan sát.
-> Tham quan: Xem tận mắt để mở rộng hiểu biết, thêm kinh nghiệm sống. VD: đi tham quan du lịch.
(Từ này đồng âm khác nghĩa với “tham quan” (Danh từ) chỉ viên quan tham lam)
-> Viết “thăm quan” là sai.

10. “Phiêu lưu” hay “phưu lưu”?
- Phiêu lưu (Tính từ hoặc Động từ): từ gốc Hán.
+ Phiêu: trôi nổi.
+ Lưu: nước chảy.
-> Nghĩa ẩn dụ:
+ Dùng với tư cách là Động từ: Sống nay đây mai đó, đến những nơi xa lạ. VD: Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài).
+ Dùng với tư cách là Tính từ: Có tính chất liều lĩnh, vội vàng, không tính toán kĩ trước khi làm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. VD: Kế hoạch của anh thật phiêu lưu mạo hiểm.
- Như vậy, viết “phưu lưu” là sai.

----------------

TƯ LIỆU THAM KHẢO:
1. Từ điển Tiếng Việt (Viên Ngôn ngữ học)
2. Hán Việt Tự điển (Thiều Chửu – NX TP Hồ Chí Minh).
3. Tiếng Việt lí thú (Trịnh Mạnh – Viện Khoa học Giáo dục – NXB Giáo dục).

QT.

HanParis
21-09-2015, 15:43
Cám ơn anh Thi, tôi hay dùng cụm 'Khoái Trá', đồng nghĩa với thích thú, đắc ý, mega 'Like' :) Khoái : thích. Sau này người ta dùng sai 'Khoái Chá' tôi nghĩ là do phát âm sai. Phải chăng Trá hay Chá là do đọc trại từ Chí, khoái chí? Còn Khoái Chả ít ai biết, vì đó là lối nói tắt : khoái...ăn chả của quý ông! :))

Còn nữa, là dân ST, tôi chả thấy khoái...tem trá, tem giả tí nào, còn Ace? :D