PDA

View Full Version : Hoa Quỳnh


Đêm Đông
21-12-2015, 22:01
202583

Chi Quỳnh (danh pháp khoa học: Epiphyllum), là một chi thực vật gồm khoảng 19 loài thuộc họ Xương rồng (Cactaceae), có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Tên gọi chung của chúng trong tiếng Việt là quỳnh, hoa được gọi là hoa quỳnh. Các loài quỳnh thường được trồng để làm cảnh và hoa nở về đêm nên được mệnh danh là nữ hoàng của bóng đêm. Thân và lá một số loài quỳnh cũng được thêm vào trong một số dạng của loại đồ uống gây ảo giác ở khu vực rừng mưa Amazon là ayahuasca.
Các loài trong chi quỳnh có thể thấy ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, phần lớn Châu Á cũng như được trồng ở những vùng khí hậu tương đối ấm áp của Mỹ và Châu Âu. Trong tự nhiên, quỳnh mọc bám vào thân cây khác trong những khu rừng nhiệt đới nhưng không phải sống ký sinh mà chỉ sống dựa vào chất đất mùn bám trên vỏ cây. Quỳnh có thể mọc ở độ cao tới 2000m.
Thân cây rộng và dẹp, rộng 1–5 cm, dày 3–5 mm, thường với các rìa tạo thùy. Hoa lớn, đường kính 8–16 cm, có màu từ trắng tới đỏ, nhiều cánh hoa.
Quả ăn được, tương tự như quả thanh long từ các loài trong các chi có họ hàng gần như Hylocereus, mặc dù quả của nó không to như vậy mà chỉ dài khoảng 3–4 cm.

202584

Quỳnh nguyên thủy sống trong bóng râm ở sa mạc hoặc tán lá của rừng nhiệt đới nên cây quỳnh tương đối dễ trồng, có thể trồng bằng cách cắm cành, có mái che mưa nắng, sương gió và khí lạnh với đất xốp và thoát nước là cây phát triển được. Quỳnh sống được rất lâu trong môi trường tự nhiên và chịu khô hạn tốt nhưng không chịu được úng, ngay cả khi không được chăm sóc, quỳnh vẫn sống nhưng không ra hoa. Do đó, quỳnh cần được chăm bón thường xuyên để cho hoa và có tuổi thọ lâu dài. Cây quỳnh thường trồng ở chỗ có nhiều nắng chiếu vào nhưng tránh ánh nắng trực tiếp, mô phỏng môi trường sống tự nhiên của nó. Cây quỳnh không cần phân bón, nhưng cũng có thể dùng những loại phân bón có nồng độ nitơ thấp. Lý do mà quỳnh không nở hoa chủ yếu là thiếu ánh nắng hoặc chưa đủ tuổi (thường phải từ 5 tuổi trở lên, quỳnh mới cho hoa nở rộ).

202585

Khi trồng quỳnh, người Việt Nam thường trồng cùng với cây cành dao (thuộc họ Thầu dầu (Euphorbia tirucalli) còn có tên khác là xương khô, san hô xanh, thập nhị), lá của nó đã thoái hóa nên rất nhỏ và rụng ngay khi vừa mọc. Quỳnh trông như chỉ có lá và trĩu xuống như cần nâng đỡ; dao lại chỉ có cành nên hai loài cây khi đứng bên nhau như là sự bổ sung, hòa hợp âm dương và cây quỳnh cành dao trở thành một biểu tượng của tình yêu đẹp. Nhiều người còn tin rằng khi trồng bên cạnh cành dao, quỳnh sẽ cho hoa nở rộ, đẹp hơn và hương thơm nồng nàn hơn. Tuy nhiên ngày nay truyền thống "bất thành văn" này không còn được nhiều người chú ý, không phải ai khi trồng quỳnh cũng có dụng ý trồng dao bên cạnh, dao không quỳnh, "dao có còn chi là dao nữa, quỳnh không dao quỳnh khoe sắc chỉ một bóng đơn thuần".

Ở Việt Nam, hoa quỳnh tượng trưng cho:
Những gì đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi.
Sự khiêm nhường, thủy chung, sang trọng pha chút huyền bí.
Vẻ đẹp e ấp, dịu dàng, thanh khiết của người thiếu nữ.

Truyện Kiều (Nguyễn Du):
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
Khi chén rượu, lúc cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên

Bài thơ Hoa Quỳnh (Lâm Thị Mỹ Dạ):
Đời của hoa thơm ngát
Con ong nào biết đâu
Hoa nở trong lặng lẽ
Âm thầm vào đêm sâu
E ấp mà kiêu hãnh
Hoa nghiêng trong trăng sao
Như đàn thiên nga nhỏ
Sắp bay lên trời cao.

Bài hát Quỳnh Hương (Trịnh Công Sơn):
Đêm này đêm
Buồn bã với những môi hôn
Trong vườn trăng
Vừa khép những đóa mong manh



Bài viết thương tặng V.

[L]iberty
22-12-2015, 12:06
tem đẹp quá ạ :D