PDA

View Full Version : Linh trưởng Việt Nam


Đêm Đông
18-10-2009, 00:58
Linh trưởng Việt Nam

VƯỢN ĐEN BẠC MÁ (Hylobates concolor leucogienis Ogilby 1840),

Họ: Vượn Hylobatidae .

Bộ: Linh trưởng Primates



http://www.vietnamstamp.com.vn/%5Ccollection/1853.jpg http://www.vietnamstamp.com.vn/%5Ccollection/1852.jpg



Thân hình thon mảnh, chân tay dài, không có đuôi. Dài thân: 482 - 625mm, dài bàn chân sau: 135 - 160mm. Con đực hoàn toàn đen, hai má lông màu trắng nối nhau bằng vệt trắng dưới cằm.


http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=1692&d=1198427367

Con cái lông màu vàng sẫm, lông quanh mặt tủa ngang, đỉnh đầu mầu xám hoặc nâu đen. Vượn con, cả đực và cái đều có màu vàng nhạt.


http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=1691&d=1198427367



Kiếm ăn trên cây cao. Thức ăn là quả, hạt, lá, chồi cây, côn trùng, trứng chim, chim non trong tổ. Sinh sản vào lúc 8 - 9 tuổi. Vượn cái có chu kỳ động dục 1 tháng 1 lần. Thời gian có chửa 200 - 214 ngày. Mỗi năm đẻ 1 lứa, hoặc 3 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ 1 con.

http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=1993&d=1198848321



Sống trong rừng già trên đỉnh núi cao, thường là núi đá. Sống đàn 3 - 7 con như trong một gia đình. Hoạt động kiếm ăn ban ngày vào hai buổi sáng và chiều, di chuyển nhẹ nhàng, nhanh nhẹn trên cây, ít khi xuống mặt đất.
Phân loài đặc hữu của hai nước Việt Nam, Lào.

http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=1994&d=1198848321



Vượn đen má trắng có vùng phân bố hạn chế, số lượng ít ở nước ta những năm gần đây nhân dân săn bắn khá nhiều, có tới vài trăm con một năm. Hiện nay chỉ còn vài trăm con ở một số khu vực: Mường Lay, Mường Tè, Sông Mã. Mức độ đe dọa: bậc E. Cấm săn bắn vượn nói chung, vượn đen má trắng nói riêng. Bảo vệ các khu rừng đang còn vượn đen má trắng sinh sống.

ke vo danh
18-10-2009, 01:52
Wow, đẹp quá!

(Tiện đây, Đêm Đông cho kvd hỏi cái: Tại sao lại có tên là "Linh Trưởng" nhỉ? Chữ này hay thấy ở những bài báo Việt Nam, mỗi khi đề cập tới một loại động vật quý hiếm nào đó chẳng hạn)

Đêm Đông
18-10-2009, 02:18
Tiện đây, Đêm Đông cho kvd hỏi cái: Tại sao lại có tên là "Linh Trưởng" nhỉ? Chữ này hay thấy ở những bài báo Việt Nam, mỗi khi đề cập tới một loại động vật quý hiếm nào đó chẳng hạn


Xin có vài lời với bác Vo danh:

Cái tên " Linh Trưởng " là tên của một Bộ thuộc lớp Thú theo phân loại động vật của các nhà khoa học.

Đó là bộ Linh trưởng hay còn gọi là bộ Khỉ hầu gồm những thú đi bằng 2 chân, thích nghi với đời sống ở cây , có tứ chi thích nghi với sự cầm nắm và leo trèo

( theo sách Động vật có xương sống - NXB Giáo dục 1979)Trong đó chia ra 2 bộ phụ :


Bộ phụ bán hầu : gồm các loài vượn cáo , culi ...
Bộ phụ khỉ vượn : gồm các loài khỉ , vượn , vọoc...

ke vo danh
18-10-2009, 16:15
( =D> Cảm ơn Đêm Đông về giải thích rõ ràng trên. Bây giờ thì kvd hiểu ra rồi. )

ke vo danh
29-10-2009, 15:20
Năm 2002, Việt Nam đã phát hành bộ tem "Thú Linh Trưởng Ở Việt Nam" ( =D> Nhờ Đêm Đông mà kvd đã hiểu rõ hơn về từ "Linh Trưởng" ). Bộ này gồm 8 tem, đại diện cho Voọc và Chà Vá quý hiếm tại Việt Nam (tới thời gian này thì mức độ quý hiếm đã nâng cao thêm nhiều nấc, để ở tình trạng "'có nguy cơ tuyệt chủng"!!!). Coi tại đây: (http://www.vietstamp.net/Product/1125/)

Trong này, không thể không nhắc tới Voọc Hà Tĩnh, một trong những thú linh trưởng chỉ có riêng tại Việt Nam. Mức độ dù đã tới mức báo động đỏ, nhưng hầu như vẫn xẩy ra những tình trạng bị lén lút săn bắn một cách vô ý thức. Bảo vệ được, không phải duy nhất là chỉ trông mong vào những biện pháp cứng rắn của pháp luật. Mà phải trông cậy vào ý thức của người dân. "Giáo dục" (!!!) là cần có bài bản, phương tiện truyền thông...Không phải lâu lâu có dịp mới bùng lên như những chân nấm mọc sau trận mưa; rồi sau đó cũng chìm nghỉm vào quên lãng.

Voọc Hà Tĩnh (Ha Tinh langur) được nhắc tới ngắn gọn trong "Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam" như sau:

- "(Trachypithecus hatinhensis; tk. voọc đen gáy trắng), loài linh trưởng cỡ lớn thuộc họ Khỉ (Cercopithecidae), bộ Linh trưởng (Primates). Trọng lượng cơ thể 8 - 8,5 kg; chiều dài đầu và thân 0,5 - 0,65 m. Bộ lông đen tuyền, có vạch bên má màu trắng bẩn đi từ góc mép tới phía sau tai, nối với vạch bên gáy trắng tuyền từ trên gốc tai. Thức ăn chủ yếu là lá cây, chồi non, hoa và quả cây. Phân bố ở trong rừng nguyên sinh, rừng rậm thứ sinh, rừng trên núi đá ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Là loài đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, có tên trong "Sách Đỏ" của Việt Nam; cần được bảo vệ."

Còn "Sách đỏ Việt Nam" cho biết:

- "Mô tả:

Bộ lông mầu đen tuyền. Ngoài thiên nhiên khó phân biệt được với loài voọc đen má trắng. Chúng có vạch bên má màu trắng bẩn đi từ góc mép tới phía sau tai, nối với vạch bên gáy trắng tuyền đi từ trên gốc tai.

Sinh học: Chưa có dẫn liệu về loài phụ này.

Nơi sống và sinh thái: Chưa có dẫn liệu.

Phân bố:

Việt Nam: Hà Tĩnh, Quảng Bình (Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Bố Trạch).

Thế giới: Không.

Giá trị:

Phân loài đặc hữu của Việt Nam. Theo Đào Văn Tiến, đây là loài phụ cổ nhất của loài voọc. Vì vậy chúng rất quý cho khoa học.

Tình trạng:

Chưa đủ dẫn liệu về hiện trạng của chúng ngoài thiên nhiên. Mức độ đe dọa: bậc V.

Đề nghị biện pháp bảo vệ:

Khảo sát hiện trạng phân bố, số lượng, tình trạng chủng quần ngoài thiên nhiên. Trước mắt cấm săn bắn voọc đen ở Hà Tĩnh, Quảng Bình."

http://img94.imageshack.us/img94/7784/voochatinh.png

http://img11.imageshack.us/img11/1418/hatinhlangurjpg.jpg http://img687.imageshack.us/img687/9592/photo2n.jpg

Poetry
01-02-2012, 00:07
Voọc quần đùi trắng
(Trachypithecus delacouri)

Voọc quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri) còn gọi là voọc mông trắng, là loài linh trưởng cỡ lớn thuộc họ Khỉ (Cercopithecidae), bộ Linh trưởng (Primates).

http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2009%5C05%5C05%5C17202947_product.jpg


Trọng lượng cơ thể 8,1 - 9 kg; chiều dài đầu và thân 0,46 - 0,665 m. Trên đỉnh đầu có mào lông màu đen, có vệt lông trắng khá rộng hai bên má kéo dài lên phía trên vành tai. Chân có bộ lông màu đen. Vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi; chân tay dài. Đuôi dài hơn thân, lông đuôi màu đen.

http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2008%5C06%5C15%5C18352492_product.jpg

Thức ăn chủ yếu là chồi cây, lá và quả cây. Voọc quần đùi trắng phân bố ở rừng già, rừng nguyên sinh trên núi đá nhiều hang động.

156696

Là loài đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, có tên trong “Sách Đỏ” của Việt Nam và thế giới; cần được bảo vệ. Đây là một trong năm loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu. Theo kết quả điều tra của Hội Bảo vệ Động vật Frankfurk (Đức) tại Việt Nam, voọc quần đùi trắng chỉ còn ở Việt Nam với hơn 200 cá thể, được phân bố tại 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa. Tại Việt Nam, voọc quần đùi trắng được tập trung bảo tồn ở hai nơi: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Poetry
20-03-2012, 15:07
Chà vá chân nâu

(Pygathrix nemaeus)


http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2008%5C06%5C15%5C18395068_product.jpg

160558



Họ: Khỉ (Cercopithecidae)

Bộ: Linh trưởng (Primates)



Mô tả:

Thân hình thon mảnh. Bộ lông nhiều màu. Đỉnh đầu, trán màu đen. Mặt, cằm trắng nhạt, lông dầy lên ở quanh mặt tạo thành vòng mặt. Vùng dưới mắt, dưới họng, cổ, ngực màu hung đỏ rực rỡ. Lưng màu xám nhạt, hoặc lốm đốm trắng xám. Vai màu xám đen. Chân, tay rất dài. Cánh tay, bàn tay màu xám nhạt, các ngón tay màu đen. Đùi màu đen, ống chân màu nâu đỏ thẫm. Mu bàn chân và các ngón màu đen. Đuôi rất dài, lông màu trắng.

Sinh học:

Thức ăn chủ yếu của chà vá chân nâu là quả cây rừng, lá nõn cây, ngô khoai, sắn và rau xanh trên nương rẫy. Mỗi năm đẻ 1 con. Chà vá chân nâu con xuất hiện trong đàn vào mùa xuân đầu mùa hạ.

Nơi sống và sinh thái:

Sống trong rừng già, rừng nguyên sinh trên núi cao 500-1.000 m so với mặt biển. Vùng hoạt đông kiếm ăn cả ở rừng thứ sinh, rừng thưa, rừng hỗn giao trong thung lũng trên núi thấp, nương rẫy. Chà vá chân nâu sống thành đàn 5-10 con, có đàn đông tới 20-30 con. Mỗi đàn có vùng sống hoạt động riêng tách biệt tương đối với các đàn khác. Hoạt động ban ngày vào hai buổi sáng và chiều tối. Buổi trưa và đêm nghỉ ngơi, trú ẩn trên cây cao, trên mỏm đá, hoặc trong hốc đá khi trời lạnh.

Phân bố:

Việt Nam: Từ Thanh Hóa (19030 độ vĩ bắc) dọc dãy Trường Sơn tới Gia Lai, Kontum , Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh.

Thế giới: Đảo Hải Nam, Lào, Campuchia.

Giá trị khoa học:

Loài thú hiếm, phân bố hạn chế ở một số nước. Sách đỏ thế giới xếp chà vá chân nâu vào bậc E.

Tình trạng:

Ở nước ta những năm trước đây, chà vá chân nâu gặp phổ biến ở nhiều vùng thuộc Hà Tĩnh (Kỳ Anh, Hương Khê), Quảng Bình (Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa). Trong nhiều năm do săn bắn bừa bãi, khai thác rừng quá mức, chà vá chân nâu ngày càng trở nên hiếm.

Mức độ đe dọa: bậc E.

Đề nghị biện pháp bảo vệ:

Cấm tuyệt đối không được bẫy bắt, săn bắn. Tạm ngừng khai thác rừng ở một số khu vực còn chà vá chân nâu sinh sống. Nuôi chà vá chân nâu ở vườn quốc gia để nhân giống giữ nguồn gien.

Tài liệu dẫn: Sách Đỏ Việt Nam trang 45.

Đinh Đức Tâm
29-03-2012, 09:33
Cuối xuân, Khu bảo tồn rừng đặc dụng Tát Kẻ-Bản Bung trời vẫn mưa lâm thâm, cái lạnh vẫn se sắt, núi rừng âm u, tịch mịch. Vượt qua hàng trăm cây số, chúng tôi chỉ muốn tìm lại những ký ức về loài voọc mũi hếch, loài linh trưởng quý hiếm nằm chềnh ềnh trong sách Đỏ. Còn ở rừng xanh, nơi bạt ngàn cổ thụ như Tát Kẻ-Bản Bung voọc mũi hếch giờ như bóng chim, tăm cá.
Con đường độc đạo đưa chúng tôi tới một "bản mồ côi" nằm sâu trong Khu bảo tồn. Khi được hỏi, đàn voọc giờ còn lui tới cánh rừng này nữa hay không thì chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán của dân bản: "Còn đâu voọc nữa, bắn chết hết rồi. Ngày xưa thi thoảng còn thấy đàn voọc kéo nhau về nay thì biệt tăm, biệt tích".
161505
20 năm trước loài voọc quý hiếm này lần đầu tiên thấy xuất hiện ở Na Hang. Nhưng chúng không nghĩ rằng, lúc chúng xuất hiện thì cũng là lúc đại gia đình voọc mũi hếch được dự báo là có nguy cơ tuyệt diệt. Và, khi người ta chính thức đưa ra lệnh cấm thì chúng ta chỉ còn nhìn thấy voọc mũi hếch ở trong tranh ảnh.
Cũng như loài khỉ, voọc mũi hếch sống theo đàn, con đực uy tín được bầu làm "thủ lĩnh" có nhiệm vụ dẫn dắt bầy đàn đi kiếm ăn, cảnh giới, bảo vệ an toàn tính mạng cho các thành viên trong gia đình. Loài voọc quả là tinh khôn khi ngửi thấy mùi thuốc súng cách xa cả hàng trăm mét thế nhưng để hạ sát voọc thì "xạ thủ" lại không cần đến khoảng cách ấy.
161506
Voọc mũi hếch ở Tát Kẻ - Bản Bung

Để săn voọc, những kẻ đi săn thường dùng một loại súng bắn đạn bi tiếng nổ không lớn và giết chết con voọc 9-10 kg một cách dễ dàng. Có những con voọc bị dính đạn vẫn cố chạy xa hàng trăm mét để đánh lạc hướng cho đồng loại thoát thân. Đó là đặc điểm khá ưu tú của loài voọc mũi hếch.
Anh Ma Thanh Hưởng, người thôn Tát Kẻ là một "người rừng" thiện nghệ từng có chục lần làm "hoa tiêu" cho các nhà khoa học đi tìm tung tích voọc mũi hếch khắp các cánh rừng như Pá Pàu, Thâm Pấc, Khau Tép tâm sự: Voọc mũi hếch cái tên tuy khó nghe nhưng là loài động vật rất quý hiếm. Không phải ai ở trong bản này cũng được nhìn thấy con voọc bằng xương bằng thịt. Khoảng hơn chục năm về trước đàn voọc cả chục con thường kéo nhau về đu đưa, nhảy nhót trên tán cây cổ thụ, sau đó thì thưa thớt dần và biến mất khỏi cánh rừng này.
Những nhà nghiên cứu về loài voọc vẫn hi vọng năm này qua năm khác rằng đàn voọc mũi hếch sẽ trở lại. Vẫn có những dự án về bảo vệ voọc được lập ra ưu tiên cho khu rừng Tát Kẻ-Bản Bung thế nhưng bóng dáng của đàn voọc mũi hếch năm xưa dường như chỉ còn lại trong ký ức.
Đàn voọc đi đâu?
Voọc mũi hếch Việt Nam nằm trong số 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Sách đỏ thế giới xếp chúng vào danh sách loài động vật cực kỳ nguy cấp, đứng sát bờ vực tuyệt chủng và cần được bảo vệ. Mà ở nước ta tồn tại một nghịch lý cái gì càng được bảo vệ thì càng có nguy cơ không thể bảo vệ được. Tiếc thay cho loài voọc mũi hếch khi được quan tâm nhất thì cũng là lúc không ai còn thấy voọc ở đâu nữa.
Voọc mũi hếch đã đi đâu? Sự xuất hiện bất ngờ 20 năm trước và biến mất đột ngột 20 năm sau phải có một nguyên nhân căn cơ?
161507
Viên linh dược cao voọc người đi rừng thường mang theo
Năm 2002, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang đặt tại Na Hang chính thức được khởi công xây dựng. Rừng già biến thành công trường, tiếng máy, tiếng khoan, tiếng mìn nổ đì đùng suốt ngày đã làm kinh động, đảo lộn cuộc sống vốn đã không mấy yên bình của gia đình nhà voọc. Những cuộc di dời dân cư từ khu vực lòng hồ vào sâu trong rừng khiến cho nguy cơ tuyệt chủng của loài voọc mũi hếch càng cao hơn.
Song song với tiếng mìn nổ inh tai ở lòng hồ thủy điện thì bên trong khu bảo tồn tiếng súng săn khô khan cũng ngày đêm nã đạn hạ sát voọc mũi hếch. Những con voọc xấu số được tuồn ra khỏi rừng đặt lên bàn nhậu với cái giá hình như chưa không tương xứng với cái danh trong sách Đỏ thế giới là 130 nghìn đồng/1kg. Thứ xương xẩu còn lại của loài vật quý được cho vào nồi nước linh ngày đêm tạo ra thứ thuốc "diệu kỳ" với cái tên dễ gọi hơn: cao voọc.
Anh Hưởng vừa kể vừa như than thở: "Tôi dẫn một đoàn nghiên cứu nước ngoài đi cả tháng trời qua hầu khắp các cánh rừng để tìm dấu tích đàn voọc nhưng vô ích. Có đận, một nghiên cứu sinh của Việt Nam cùng một đoàn sinh viên cũng lên đây với hi vọng tìm được đàn voọc mũi hếch đã mất tích và cũng thất vọng trở về không".
Trước khi đàn voọc còn xuất hiện gần bản, chiều chiều xuống ruộng lấy ngô để ăn nhiều người đã làm bẫy hạ sát được đôi mạng. Những con voọc đầu đàn thấy có bẫy thì hò reo rút lui trốn vào tán rừng rậm rạp. Có hôm vừa kéo nhau về đàn voọc đã nháo nhác bỏ chạy vì dính đạn của thợ săn. Nhìn đồng loại bị bắn rơi voọc đầu đàn kêu gào thảm thiết, còn thợ săn thì hả hê xách "chiến lợi phẩm" ra khỏi rừng.
Anh Bế Văn Minh, một cán bộ bảo vệ rừng đặc dụng Tát Kẻ cho biết: "Ở Tát Kẻ có đến 3-4 đàn voọc tạo thành một quần thể voọc lên đến 40-50 con. Nhưng hiện tại thì không còn nhìn thấy con voọc nào nữa. Có người bảo vì sợ tiếng mìn nên voọc bỏ chạy đi nơi khác, nhưng cũng có người bảo chúng bị hạ sát hết rồi".
Voọc quý và thứ thuốc rẻ tiền chữa bách bệnh?
Ngay sau khi những đàn voọc cực kỳ quý hiếm này biến mất thì người ta thấy thấp thoáng quán nhậu dưới thị xã có món thịt voọc đặt trên bàn nhậu. "Thịt voọc không ngon lại khó ăn nữa. Chỉ có mật ngâm rượu uống rất tốt và xương nấu cao thôi"- một người dân Tát Kẻ "may mắn" khi được ăn thịt động vật trong sách Đỏ thế giới nói với chúng tôi. Người đàn ông này cho biết rằng, có một lần voọc xuống phá ngô họ đã bẫy được một con và đem về làm thịt.
Từ một loài động vật được bảo vệ khẩn cấp thì voọc mũi hếch lại gắn với rượu, cao và lời đồn thổi chữa được bách bệnh nan y. Nhưng lạ thay, thứ thuốc tuyệt diệu ấy lại được đem đi bán rong với giá chỉ vài chục ngàn đồng cho một lạng cao xương. Riêng mật voọc ngâm rượu uống thì được cho là có công dụng cực kỳ hiệu quả chữa bệnh xương khớp và cả yếu sinh lý của các đại gia.
Cứ nghĩ, vì là loài động vật cực kỳ quý hiếm nhiều thì cũng chỉ có vài chục con bằng ấy cũng có vài chục cái mật voọc. Nếu tất thảy chúng đều bị hạ sát dưới nòng súng thì lấy đâu ra cả ngàn bình rượu ngâm mật voọc lại bán với cái giá rẻ như cho. Thậm chí, những người đi rừng ở Tát Kẻ còn luôn mang bên người một viên "linh đan" làm từ cao voọc chỉ cần ăn vào là cả ngày trèo đèo lội suối cũng không biết đến đói là gì.
Chỉ thấy nực cười khi có rất nhiều bài báo ca ngợi những sát thủ săn voọc buông súng để bảo vệ rừng, bảo vệ loài voọc quý. Thế nhưng, những con voọc quý giờ đã nằm yên vị trong các bình rượu, hồn lìa khỏi xác sấy khô làm cảnh và tinh luyện thành cao.
Những người tâm huyết, có ý thức bảo vệ loài voọc mũi hếch quý hiếm, gian nan băng rừng tìm tung tích của voọc chỉ còn biết than: Thôi rồi voọc ơi!

Biên Thùy

Poetry
24-05-2012, 09:30
Chà vá chân xám

(Pygathrix cinerea)

http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2008%5C06%5C15%5C18365248_product.jpg

167413


Họ: Khỉ (Cercopithecidae)

Bộ: Linh trưởng (Primates)

Chà vá chân xám được giới khoa học biết đến từ khoảng đầu thế kỷ 20 nhưng lúc bấy giờ chúng được coi như một phân loài của Pygathrix nemaeus nên có danh pháp khoa học là P. nemaeus cinerea. Mãi đến cuối thế kỷ 20 giới khoa học mới sắp xếp lại và kết luận rằng chúng là một loài riêng, mang tên P. cinerea.

Mô tả:

Chà vá chân xám có kích thước và trọng lượng tương tự chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus).

Cả ba loại chà vá nói chung (Pygathrix nemaeus, Pygathrix cinerea và Pygathrix nigripes) có thân lông xám với vết lông trắng ở mông. Lông vai và tay màu đen. Lông trên đầu màu xám nhưng có một vành đen phía trên trán. Chúng có vành râu quai nón màu trắng trong khi phía cổ thì lông màu dà, hung đỏ. Mắt chúng hơi xếch. Tay chà vá dài hơn chân. Đuôi dài, sắc lông trắng.

Khác biệt giữa ba loại chà vá là lông từ mông trở xuống. Chà vá chân xám, như tên đặt cho chúng, có cặp chân xám. Hai cánh tay cũng xám. Chúng có họ rất gần với chà vá chân đỏ trong khi chà vá chân đen theo giảo nghiệm thì có họ xa hơn.

Chà vá chân xám sinh sống ở khu vực trung Trường Sơn của Việt Nam trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Tổng số lượng của quần thể này ước khoảng 600-700 con. Ngày 03-07-2007, người ta thông báo rằng WWF và Tổ chức Bảo tồn Quốc tế đã giám sát ít nhất 116 con tại miền trung Việt Nam, làm tăng cơ hội sống sót của chúng.

Tập tính và sinh hoạt của chà vá chân xám tương tự chà vá chân nâu. Chúng sống thành bầy đàn, bao gồm nhiều cá thể đực và cá thể cái. Mỗi đàn có khoảng 4-5 con. Chúng di chuyển nhanh và thường phát ra tiếng động kéo dài khi chuyền cảnh.

Thức ăn của chúng là các loài lá cây, thỉnh thoảng thêm trái cây và hoa. Chưa có ghi nhận chúng ăn các loài động vật và côn trùng khác.

Giá trị:

Là loài đặc hữu của Việt Nam.

Tình trạng:

Chà vá chân xám là phân loài linh trưởng quý hiếm, chúng cần được xếp vào sách đỏ Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, do săn bắn quá mức, nhiều nơi đã trở nên rất hiếm.

Đề nghị biện pháp bảo vệ:

Cấm tuyệt đối săn bắn chà và chân xám. Xây dựng các khu bảo vệ loài này.

Poetry
30-06-2012, 21:24
Vượn đen tuyền

(Nomascus concolor)

http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2008%5C06%5C15%5C18372509_product.jpg

170300


Họ: Vượn (Hylobatidae)

Bộ: Linh trưởng (Primates)

Mô tả:

Thân hình thon mảnh, chân tay dài, không có đuôi. Dài thân 530-640 mm, dài bàn chân 130 - 167 mm. Con đực trưởng thành màu đen tuyền. Con cái màu vàng nhạt (hoặc trắng đục), có đốm đen ở đỉnh đầu và ngực. Vượn con, cả đực và cái đều có màu vàng nhạt.

Sinh học:

Kiếm ăn trên cây cao. Thức ăn là lá cây, chồi nõn, quả cây, côn trùng, trứng chim, chim non trong tổ. Cá thể trưởng thành vào lúc 7- 8 tuổi vượn cái bắt đầu sinh sản. Thời kỳ động dục của con cái xảy ra theo chu kỳ hàng tháng. Thời gian có chửa 7-8 tháng. Thường hai năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa 1 con.

Nơi sống và sinh thái:

Vượn đen tuyền sống ở rừng già trên đỉnh núi cao, thường là núi đá ở độ cao 500 - trên 1.000 m so với mực nước biển. Chúng sống định cư trong các khu rừng nhất định, không sống ở rừng thưa, rừng tre nứa. Vượn sống từng nhóm nhỏ như một gia đình gồm 1 đực già, 1-2 con cái và các con của chúng. Mỗi nhóm có khu vực cư trú riêng khoảng 6-10 km2 tách biệt với các nhóm khác. Đôi khi cũng gặp những cá thể riêng rẽ mới tách nhóm để tạo thành nhóm mới. Chúng hoạt động ban ngày vào sáng và chiều tối, trưa và đêm nghỉ ngơi trên ngọn cây. Chúng thường hay kêu (hú) vào sáng sớm.

Phân bố:

Việt Nam: vùng Tây Bắc: Lào Cai (Sapa), Yên Bái (Văn Chấn), Sơn La (Mộc Châu); Thanh Hóa (Hồi Xuân).
Thế Giới: Nam Trung Quốc, Bắc Lào.

Giá trị:

Vượn là loài thú bậc cao, có một số đặc điểm giống người nên là đối tượng nghiên cứu y học thực nghiệm và tiến hóa. Vượn được nuôi ở các vườn thú hấp dẫn và có giá trị xuất khẩu.

Tình trạng:

Vượn là loài thú quý hiếm được Sách Đỏ Thế giới xếp bậc I. Ở nước ta, vượn đen tuyền phân bố hẹp. Hàng năm, chúng bị săn bắn quá nhiều tới hàng trăm con, cùng với nạn phá rừng làm mất nơi sinh sống của chúng, nên hiện nay số lượng còn rất ít. Mức độ đe dọa bậc E.

Đề nghị biện pháp bảo vệ:

Cấm săn bắn vượn nói chung, vượn đen tuyền nói riêng. Bảo vệ các khu rừng đang còn vượn đen tuyền sinh sống. Bắt một số cá thể về nuôi tại vườn quốc gia.

Tài liệu dẫn: Sách Đỏ Việt Nam trang 48.

Poetry
13-07-2012, 20:38
Voọc xám

(Trachypithecus phayrei)

http://www.vietstamp.net.vn/data%5C2008%5C06%5C15%5C18391523_product.jpg

170906


Họ: Khỉ / Cercopithecidae

Bộ: Linh trưởng / Primates

Lớp (nhóm): Thú

Mô tả:

Bộ lông màu xám tro. Trên đầu có mào lông. Da bao quanh mắt có màu xanh. Lông ở vùng lưng thẫm hơn ở vùng bụng. Bên hông có các lông dài, đầu lông có ánh bạc. Đuôi dài hơn thân, lông rất dài.

Sinh học:

Voọc xám sinh sản quanh năm. Đã gặp voọc cái có chửa vào tháng 3 và tháng 7. Gặp voọc mẹ mang con trên ngực vào các tháng 4, 6, 10, 12. Mỗi lứa đẻ 1 con, con non mới đẻ màu vàng nhạt.

Nơi sống và sinh thái:

Sống ở những vùng rừng cây cao trên núi đá vôi, không sống trên rừng hỗn giao tre nứa. Có thể gặp chúng kiếm ăn ở vùng đồi cây bụi gần rừng. Thường ngủ trên các vách núi đá vôi dựng đứng hoặc trên tán cây cao rậm kín gió. Voọc xám sống chung với khỉ mốc, khỉ vàng nhưng không cạnh tranh về thức ăn. Kẻ thù tự nhiên là các loài thú ăn thịt cỡ lớn.

Phân bố:

Việt Nam: Yên Bái (Trấn Yên, Nghĩa Lộ), Lai Châu, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phú (Thanh Sơn), Ninh Bình (Hoàng Long), Thanh Hóa (Lang Chánh, Hồi Xuân), Nghệ An (Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn).

Thế giới: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Giá trị:

Loài phổ biến tương đối rộng ở Đông Nam Á nên ít có giá trị khoa học cao như các loài voọc khác.

Tình trạng:

Nước ta, voọc xám tuy phân bố rộng nhưng số lượng không nhiều và ít nhất trong các loài voọc ở Cúc Phương. Vào những năm 60 số lần gặp voọc xám ít hơn số lần gặp voọc mông trắng. Trong đợt nghiên cứu vào tháng 07-1989 không gặp voọc xám ở Cúc Phương, có thể chúng đã không còn. Hiện trạng về phân bố, và số lượng trong những năm gần đây chưa được nghiên cứu đầy đủ. Chúng là loài thú hiếm ở nước ta. Mức độ đe dọa: bậc V.

Đề nghị biện pháp bảo vệ:

Cấm tuyệt đối săn bắn voọc xám. Thành lập khu nuôi bán tự nhiên trong Vườn quốc gia Cúc Phương để giữ và nhân giống.

Tài liệu dẫn: Sách Đỏ Việt Nam trang 37.