PDA

View Full Version : Tem Sedang


kimma
20-11-2009, 16:52
Bác Rồng đã có bài viết rất chi tiết về "Vương Quốc" và tem Sedang. Nếu tôi không lầm, trước đây Tạp chí Tem cũng đã có lần đề cập, nhưng nhấn mạnh đó không phải là tem bưu chính và không thừa nhận tem này.

Bài sau được đăng trên báo An ninh Thế giới cuối tháng với một số chi tiết mà bác Rồng chưa đề cập. Phải chăng đây là lần đầu tiên báo chí của ta nhắc tới "tem Sedang" với một thái độ khách quan hơn?

"Vương quốc Sedang" - Trò bịp bợm của óc phiêu lưu thực dân

11:16, 09/11/2009 http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/sotay/2009/11/53302.cand?Page=1
Nguyễn Hồng Lam

Một số nhà nghiên cứu phương Tây đã nhiều lần nhắc đến cái gọi là "Vương quốc Sedang" từng tồn tại một thời gian rất ngắn (1888-1890) trong vùng cao nguyên Kon Tum. Thậm chí, tỏ ra độc lập và khách quan, họ còn xếp nó vào hàng "các vương quốc cổ" ở Việt Nam. Thực tế thì chưa ai, chưa ở đâu và chưa khi nào cái gọi là "vương quốc" này được xác định một cách rõ ràng cả về vị trí địa lý lẫn ranh giới lãnh thổ.

71417

Di sản duy nhất chứng tỏ sự tồn tại của nó chỉ là một bộ tem được triển lãm lần đầu tiên tại Huế năm 1945. Thật oái oăm, bộ tem này sở dĩ còn tồn tại được là vì nó chưa bao giờ được lưu hành. Sinh thời, kẻ tự xưng là "Maria đệ nhất, vua của Sedang" rao mãi vẫn không... bán được "vương quốc" nên không lấy đâu ra tiền để trả công in!

Mộng bá vương của kẻ bịp bợm

Ở Kon Tum, không một dấu tích, một văn bản, thậm chí một truyền thuyết nào liên quan đến "Vương quốc Sedang" còn được lưu giữ. Người Kon Tum, kể cả người Sedang bản địa lẫn cán bộ các ban ngành cũng hoàn toàn ngơ ngác trước những câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này. Duy nhất một người, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập báo Kon Tum là gật đầu: "Đúng là có "Vương quốc Sedang", nhưng không phải là của người Sedang xây dựng mà do một người Pháp lập nên. Đúng hơn, chỉ là tự gọi".

Ông Sơn vốn là một giáo viên dạy lịch sử, từng giữ chức Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Kon Tum trước khi chuyển sang phụ trách tờ báo của tỉnh nhà. Như tự nhận, ông cũng chỉ biết một số thông tin chứ chưa thật sự nghiên cứu vấn đề. Theo lời ông Sơn, "Vương quốc Sedang" được lập ra vào năm 1888, kinh đô được đặt tại làng Kon Gung, vùng Đăk Tô, nay thuộc xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà. Và có lẽ, vùng ảnh hưởng quyền lực của "Vương quốc Sedang" cũng chẳng lớn hơn ranh giới của xã Đăk Mar ngày nay là mấy. Điều này khá phù hợp với những gì được ghi trong một số tài liệu tiếng Pháp ít ỏi còn sót lại.

Nhờ sự hướng dẫn của anh Lê Hảo, cán bộ địa chính xã Đăk Mar, chúng tôi có thêm một chút hình dung về nơi được xem là kinh đô của một vương quốc có thời gian tồn tại ngắn nhất trong lịch sử này. Xã Đăk Mar cách TP Kon Tum 18km, rộng 4.658ha, nằm ở Tây Bắc huyện Đăk Hà. Cả xã có 8 thôn, gồm 5 thôn gọi theo số thứ tự từ 1 đến 5, ba thôn còn lại được gọi bằng các tên Kon Gung, Kon Kơ Lốc và Đăk Mút...

Ngày 15/8/2007, khi lòng hồ thuỷ điện Plei Krông bắt đầu tích nước thì có một phần diện tích của xã Đăk Mar - khoảng 200ha - đã bị nhấn chìm trong vùng nước của lòng hồ có độ cao 570m so với mực nước biển. Làng Kon Gung nằm cách bờ hồ chừng 200m. Dưới bóng râm của những mái nhà sàn lợp tôn, vách gỗ mốc thếch, nhỏ, nằm rải rác dưới những tán cây còi cọc, những chú bé người Sedang lấm lem hồn nhiên ngó theo vài ba con chó, con heo gầy gò chạy rông và mở tròn mắt nhìn khách lạ lượn xe máy ngang qua... Khung cảnh nói lên rằng Kon Gung đến nay vẫn là một làng nghèo, xa lạ hoàn toàn với danh xưng Pelei Agna hay Thành phố vĩ đại, như người ta từng gán cho nó từ 120 năm về trước.

Những danh xưng to tát nhiều màu sắc tưởng tượng hơn khả năng phản ánh thực tại này vốn dĩ được tạo ra bởi một gã phiêu lưu quốc tế người Pháp có tên là Charles Marie David de Mayréna. Đây là tên chính thức được nhắc đến trong "Tập san Đô thành hiếu cổ" (Bulletin des Amis du Vieux Hue) số 14, ấn hành tháng 6/1927 và một số văn bản, giấy tờ, thư tín còn được lưu trữ tại Pháp và Bỉ, được nhắc lại bởi cái gọi là "Hội đồng Hoàng gia Sedang" năm 1998.

Còn trong tài liệu của một số nhà nghiên cứu khác, gã lại mang những cái tên khác, lúc loằng ngoằng là Charles Marie David, AKA de Mayréna, lúc lại là David Auguste Jean Baptiste Marie Charles, hay Marie de Mayréna, và thậm chí rất sai là Nam tước Henry Mayréna. Gã sinh tại thành Toulon nước Pháp ngày 31/1/1842. Năm 1861, mới 19 tuổi, trong biên chế của một đơn vị lính viễn chinh, gã đã có mặt và tham gia đánh chiếm xứ Nam Kỳ.

Quãng đời 10 năm tiếp theo đó của Mayréna là một chuỗi hư hư thực thực. Có giả thuyết cho rằng gã tiếp tục cuộc đời binh nghiệp, trở thành một đại úy trong quân đội viễn chinh Pháp, từng có mặt trên nhiều chiến trường cả Âu lẫn Á. Một số tài liệu khẳng định, chỉ sau một thời gian ngắn tham gia quân ngũ, gã quay về Pháp, trở thành một nhân viên Ngân hàng ở Paris. Một số kết quả nghiên cứu khác lại mô tả David de Mayréna như một tay giang hồ phiêu lưu, nay lang thang khắp nước Phổ (Đức), mai lại sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó lưu lạc sang tận xứ Java, Sumatra (Indonesia) lúc này đang là thuộc địa của Hà Lan. Ngay từ xuất xứ, David de Mayréna đã là một con người kỳ lạ, pha trộn giữa máu phiêu lưu và những hành vi bịp bợm.

Ngày 3/3/1869, lúc đang là một nhân viên ngân hàng, Mayréna kết hôn lần đầu tiên với cô Maria Francisa Avron. Cuộc hôn nhân này lần lượt đem lại cho gã hai mặt con, một trai, một gái, tên là Albert và Marie Louise. Cuộc đời viên chức với gánh trách nhiệm với gia đình dường như quá nặng và không phù hợp với gã phiêu lưu.

Tháng 6/1883, gã trốn khỏi Paris và mò sang xứ Java, mục đích là để tránh bị truy tố vì tội biển thủ tiền bạc. Ở Java chưa đầy một năm, David de Mayréna lại gây ra một vụ lừa cả tình lẫn tiền con gái một vị quan chức Hà Lan cho nên lại bị trục xuất, phải quay lại nước Pháp. Chẳng hiểu móc nối thế nào, gã đã từ Pháp tổ chức được cả một chuyến tàu chở vũ khí đến tỉnh Aceh thuộc Đông Ấn. Vụ buôn lậu này bị bại lộ và ngăn chặn khiến David de Mayréna không thể theo tàu đặt chân trở lại Đông Ấn.

Năm 1885, sau suýt soát một phần tư thế kỷ, gã lại tạt ngang vào xứ Nam Kỳ lần thứ hai, tậu một đồn điền, định an cư lạc nghiệp. Không cưới hỏi, nhưng gã cũng kịp có thêm hai người vợ bản địa, trong khi vẫn chưa hề ly dị với Maria Francisa Avron. Người thứ nhất tên là Anahia, một cô gái Chăm con nhà quí tộc sa sút, làm nghề đốn củi. Cô thứ hai người Kinh tên khai sinh là Lê Thị Bến. Để chắc ăn, gã tuyên bố từ bỏ đạo Thiên Chúa và gia nhập đạo Hồi, việc có nhiều vợ xem như không hề phạm luật!

Tuy nhiên, một đồ đệ của chủ nghĩa xê dịch như gã thì chẳng vùng đất nào, bà vợ nào níu chân được lâu. Trong thời gian khai thác đồn điền, Mayréna đã tiếp xúc với các nhà truyền giáo thuộc Hội thừa sai Paris, kịp tìm hiểu và bổ sung cho mình một số kiến thức về xứ An Nam đã hoàn toàn bị nước Pháp đô hộ kể từ sau sự kiện kinh thành Huế thất thủ năm 1885. Gã nhận ra rằng, bất lực và nhu nhược, triều đình Huế gần như đã quên lãng cả một vùng cao nguyên rộng lớn, bị cô lập hoàn toàn với đồng bằng duyên hải Trung Kỳ bởi đường sá cách trở.

Với mục đích thực dân và tận khai thác thuộc địa, nhà nước bảo hộ Pháp cũng chưa thực sự áp đặt được quyền lực lên vùng đất này. Xung đột giữa các tộc người Thượng trên miền cao nguyên vẫn diễn ra liên miên. Chỉ có những nhà truyền giáo, cả người Pháp lẫn người Kinh thuộc Hội Thừa sai Paris là thực sự có ảnh hưởng nhất định đối với những tộc người sinh sống suốt một vùng sơn cước rộng lớn phía Tây miền Trung xứ An Nam. Trong khi đó, vua Xiêm, sau khi thâu tóm quyền lực ở vùng Hạ Lào cũng đang rắp ranh thò tay sang Tây Nguyên. Thậm chí, gã còn nhìn thấy cả quyền lực của vua Phổ cũng lăm le mở rộng đến tận phía Đông rặng Trường Sơn. Ngay cả nguy cơ bành trướng của thực dân Anh từ hướng miền Nam Burma (Myanmar ngày nay), xuống Bắc, Trung rồi Nam Lào, từ đó mở rộng xuống Tây Nguyên cũng là điều không thể loại trừ.

Với những lập luận này, gã phiêu lưu đã tìm cách thuyết phục chính quyền bảo hộ Pháp về việc cần thiết lập một đoàn thám hiểm lên phía Bắc Tây Nguyên, thỏa thuận với các bộ tộc đang sinh sống trên vùng đất này nhằm mở một con đường lên những vùng đất miền Thượng, từ đó vươn dài lên cao nguyên Attopeu và lưu vực sông Champasac phía Nam Lào. Nói cách khác, đó là việc tìm kiếm một con đường từ duyên hải Trung Kỳ, xuyên qua dãy Trường Sơn và nối đến sông Mê Kông.

Cho đến thời điểm đó, công thức của chủ nghĩa thực dân vẫn chưa hề thay đổi, thường bắt đầu từ các hoạt động truyền giáo, tiếp đến là phần việc của các nhà thám hiểm, thăm dò - thực chất là hoạt động gián điệp - và cuối cùng là việc thiết lập quyền lực bằng vũ lực của súng trường và đại bác. Mục tiêu thám hiểm do David de Mayréna vẽ ra và xung phong đảm nhận vai trò tiên phong đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của cả Toàn quyền Đông Dương Ernest Constans lẫn Tổng Thư ký Klobukowski.

Qua sự giới thiệu của hai nhân vật chóp bu này, ngày 16/3/1888, Mayréna đã liên lạc với Công sứ Qui Nhơn Lemire và các linh mục Thiên Chúa giáo để bàn định kế hoạch. Giám mục Qui Nhơn đã có thư giới thiệu gã phiêu lưu với các Cha Jean-Baptiste Guerlach, Irigoyen... những nhà truyền giáo dòng Thừa sai ở Kon Tum, bảo đảm cho gã một sự hỗ trợ chắc chắn từ phía các linh mục Thiên Chúa giáo.

Sau hơn một tháng chuẩn bị, ngày 21/4/1888, đoàn thám hiểm lên đường. Cùng đi với Mayréna còn có một người bạn của ông ta tên là Alphonse Mercurol, một thông dịch viên, một đầu bếp, bốn phụ tá người Trung Quốc và 80 phu khuân vác kiêm vệ sĩ do Tòa Công sứ Qui Nhơn điều động.

Đầu tiên, Mayréna đặt chân đến làng Kon Jari Tul, một làng Bana nơi Cha Jean-Baptiste Guerlach quản hạt, sau đó dừng lại ở làng Kon Trang, địa phận truyền đạo của Cha Irigoyen... Mỗi nơi, Mayréna chỉ dừng chân dăm ba ngày, đủ thời gian để được các cha giới thiệu làm quen với các trưởng làng và giúp một vài người dân cắt cơn sốt rét. Sau khoảng một tháng rong ruổi, đoàn chinh phục dừng lại ở thung lũng sông Đăk Bla vùng Đăk Tô. Nơi đây là một bình nguyên tương đối bằng phẳng so với cả vùng Tây Nguyên lắm đèo nhiều dốc. Vùng Đăk Tô còn là ngã ba gặp gỡ của hai dòng chảy lớn là sông Pô Cô và sông Đăk Bla để từ đó đổ nước vào sông Sê San, khá thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và đi lại.

Xuất thân binh nghiệp, lại quen phiêu lưu, David de Mayréna luôn tỏ ra là một tay kiếm cự phách và một tay súng thiện xạ. Với thân hình to lớn lực lưỡng của một người Âu, chiếm ưu thế vượt trội về thể lực so với những người bản xứ có thân hình nhỏ bé hơn nhiều, gã đã trở thành nhà vô địch tuyệt đối trong các cuộc giao đấu. Kiến thức y khoa và số thuốc men Tây phương mang theo còn giúp gã một cách đắc lực trong việc chữa lành một số bệnh nhiệt đới, nhất là bệnh sốt rét, vốn rất phổ biến, cho người dân một số nơi mà đoàn thám hiểm ruổi qua. Chẳng bao lâu, hầu hết các làng bản người Bana, Rongaos và Sedang trên đường đi đều bị gã thuyết phục.

Sự mông muội, lạc hậu của Tây Nguyên cuối thế kỷ XIX đã trở thành cơ hội vàng của tay bịp bợm. Đồng bào các dân tộc xem David de Mayréna như một... vị thần, nhất loạt bầu gã làm trưởng làng. Trong "tư duy hoang dã" (sovage minds, chữ dùng của nhà dân tộc học Levis Strauss) của những tộc người ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chỉ có Thần mới to lớn hơn người, mới... râu rậm, mắt xanh và đầy lông lá như thế! Cũng chỉ có thần mới có sức khỏe kinh người, có thể hạ gục nhiều người rất nhanh, lại có thể chữa bệnh đưa người chết sống lại như gã!

Mặt khác, do sự xúi giục, lũng đoạn của các thế lực thống trị đại diện cho nhiều hướng quyền lợi khác nhau, các làng, các tộc người Tây Nguyên thời điểm ấy thường có những xung đột, hiềm khích. Từ chỗ yếu thế, nhờ có sự giúp đỡ của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo dòng Thừa sai, những làng người Bana đã mạnh dần lên. Đây là bộ tộc Tây Nguyên đầu tiên có chữ viết theo mẫu tự Latin. Người Bana lại được các giáo sĩ hướng dẫn kỹ thật trồng lúa nước, hoa màu và chăn nuôi một số gia súc, gia cầm nên đời sống khấm khá hơn so với người Sedang và một số dân tộc khác vẫn đang giữ khuynh hướng bài Thiên Chúa giáo quyết liệt.

Từ năm 1883, các làng người Bana ở Kon Tum đã tập hợp được cả một đạo quân lên đến 1.200 người, chiếm ưu thế trong các cuộc tranh chấp, xung đột với người Sedang, người Rongaos. Với sự xuất hiện của David de Mayréna và đoàn tuỳ tùng có nhiều... phép lạ, người Sedang vùng Cao nguyên Đăk Tô, Kon Tum tin rằng họ đã tìm được một chỗ dựa, một cơ hội để cân bằng quyền lực. Lợi dụng điểm này, Mayréna đã đứng ra thuyết phục các già làng Sedang, Bana, Rong Gao trong khu vực hình thành nên một liên minh hoà bình nhằm chấm dứt xung đột. Uy tín do những hành động trực quan của gã đã tạo ra sức nặng thuyết phục. Hầu hết các bộ tộc vùng Đăk Tô đã đồng ý ký thoả thuận liên minh và nhất trí bầu Charles Marie David de Mayréna làm người đứng đầu.

Ngày 3/6/1888, "Hợp bang Mọi (Moi)" được thành lập. Do lãnh thổ người Sedang lớn nhất nên một tháng sau, ngày 1/7/1888, hợp bang này đổi tên thành Vương quốc Sedang. Mayréna tự tôn mình lên làm vua, lấy hiệu là "Marie đệ nhất, vua của (người) Sedang", có quyền lực tuyệt đối và thế tập. Ngày 21/8 cùng năm, Mayréna tuyên bố chấm dứt quan hệ hôn nhân với Maria Francisa Avron. Bà Lê Thị Bến được chính thức tấn phong, trở thành Hoàng hậu Marie. Tuy nhiên, ông ta vẫn giữ nguyên "quyền thừa kế tước hiệu hoàng gia" đối với hai người con của cô Avron đang sống với mẹ tít tận bên Pháp và chẳng hề có khái niệm gì về cả Vương quốc Sedang xa xôi lẫn ông bố hoàng đế tự phong của họ. Cậu Albert và cô Marie Louise chính thức được công nhận là Hoàng tử và Công chúa của triều đại Marie, vua Sedang!

Dưới vua còn có một người Sedang đảm nhiệm chức tể tướng. Dưới tể tướng gồm có nhiều taoule, tức là các trưởng làng, có quyền quyết định trong việc chuyển nhượng đất đai. Làng Kon Gung (xã Đăk Mar ngày nay) được chọn làm nơi đặt kinh đô, gọi là Pelei Agna (thành phố vĩ đại) hoặc bằng tên gọi khác là Maria Pelei. Gần như đã chuẩn bị sẵn, chỉ hai ngày sau, Marie đệ nhất cho công bố bản "Hiến pháp Sedang" gồm 15 điều. Trong đó, điều 5 qui định "quốc kỳ màu xanh tuyền, có một hình chữ thập gắn ngôi sao ở giữa". Hiến pháp cũng "nghiêm cấm hiến tế người" (điều 10) và cho phép "được tự do tôn giáo trong vương quốc" (điều 11).

Bản hiến pháp hình thành vội vã này đã được Cha Jean Baptiste Guerlach chứng thực. Đó là bằng chứng không thể chối cãi, chứng tỏ những nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Paris đã từng nhúng tay, hoặc tiếp tay vào một âm mưu bịp bợm ở miền Tây Nguyên Việt Nam, không ngoài mục đích thúc đẩy sự chia rẽ các dân tộc ít người ly khai với toàn thể lãnh thổ Việt Nam thống nhất

Phết sơn cho phỗng

Bản chất là một kẻ phiêu lưu vô chính phủ, khi dựng nên Vương quốc Sedang, Charles Marie David de Mayréna không đặt vào đó quá nhiều tham vọng chính trị, cũng chẳng thiết tha gì với việc tìm kiếm tiền đồ cho quốc gia - dân tộc hay kiến tạo tương lai cho những thần dân đã mông muội đồng ý với việc để ông ta ngồi lên ngôi báu - dù thật ra cũng chẳng có ngôi, ngai cụ thể nào cả! Xưng vua nhưng không tham vọng làm vua, cũng chẳng màng đến cơ đồ hay sự nghiệp, Mayréna lập quốc như thể... chế tác một món hàng. Mơ ước duy nhất của ông ta là có thể bán nó để kiếm tiền, thật nhiều tiền! Vì vậy, toàn bộ sức lực trí tuệ, ông ta đều đổ hết vào việc sơn phết hình thức cho Vương quốc Sedang của mình chứ không phải việc chăm dân trị quốc.

Tỏ ra là một người có năng khiếu... thiết kế thời trang, Mayréna đã tự mình bỏ nhiều công sức để "vẽ" nên quốc kỳ, quốc huy, huy hiệu, huy chương của vương triều. Quốc huy Vương quốc Sedang mang hình một vương miện đặt trên tấm khiên, giữa khiên là một con sư tử biểu trưng cho sức mạnh đế chế. Sau lưng tấm khiên là quyền trượng và vương trượng bắt chéo nhau, tượng trưng cho quyền lực và đức tin.

71418

Đáng nói là dù Mayréna đã cải theo đạo Hồi thì biểu tượng đức tin của ông ta vẫn là vương trượng mang hình thập giá Thiên Chúa giáo, chắc là để cho... đẹp và dễ hiểu. Quyền trượng có hình một bàn tay đang xoè ngón. Ba màu đỏ, vàng, xanh da trời, màu sắc của những hoa văn trên cánh tay áo của người Sedang được sử dụng để phối thành màu sắc của chiếc huy hiệu. Ngoài ra, ông ta còn cho đúc thêm một loại huy chương danh dự được mệnh danh là "Theo lệnh của Marie đệ nhất". Tuy nhiên, chưa ghi nhận được việc Marie đệ nhất tặng thưởng loại huy chương này cho bất kỳ ai. Rất có thể, vương quốc tồn tại quá ngắn ngủi cho nên chưa có ai đủ thời gian để "lập công huân" nhằm xứng đáng được Mayréna tưởng thưởng!

Tất cả các loại huy chương, huy hiệu này đều được Mayréna đặt đúc tại Hồng Kông. Ông ta còn vay của A Kông, một người Hoa tham gia đoàn thám hiểm lập quốc (với hy vọng tìm được món hời) một số tiền lớn để đặt may 1.000 bộ đồng phục, dù thực tế Vương quốc Sedang chưa hề có đội quân nào cả.

Để khuếch trương danh tiếng, ngày 9/7/1888, Mayréna đã ký sắc lệnh số 23 tuyên bố thành lập tổ chức bưu chính của Vương quốc Sedang. Những chi tiết kỹ thuật của bộ tem Sedang đầu tiên do chính Mayréna thiết kế cũng được công bố bởi sắc lệnh 34, ký ngày 21/8/1888. Tem Sedang có 7 mệnh giá, ghi số đếm bằng tiếng Sedang là Moi, Ber, Pouen... (1, 2, 3...) trước đơn vị tiền tệ vương quốc là Math và Mouk. Xếp hàng dọc ở 2 bìa tem là chữ Deh (bên trái) và chữ Sedang (bên phải), hợp lại thành chữ "Vương quốc Sedang". Chính giữa con tem là hình quốc huy vương quốc. Cả 7 con tem đều giống nhau về chi tiết, chỉ khác nhau về màu sắc.

71419
Tem Sedang in năm 1888 (ảnh trong bài của bác Rồng)

Nhằm hợp thức hoá, Mayréna đã viết một số thư từ, văn bản thông báo sự ra đời và thể thức tồn tại của Vương quốc Sedang gửi cho Công sứ Qui Nhơn biết. "Sứ thần" của vương quốc trong chuyến ngoại giao đầu tiên, khởi hành từ "kinh đô" Marie Pelei vào đầu tháng 9/1888 là người bạn kiêm phiên dịch Alphonse Mercurol. Xuống đến Qui Nhơn, ngoài việc gặp trực tiếp viên Công sứ để trình bày, Alphonse Mercurol và các sứ thần còn mất thì giờ bỏ những lá thư chứa đựng các văn bản này vào thùng thư ở bưu điện, mục đích chính là để những con tem Sedang có cơ hội được đóng dấu lưu hành. Thật không may, chúng đều không được Bưu chính của chính quyền bảo hộ Pháp chấp nhận mà thẳng tay đóng dấu loại bỏ. Công sứ Qui Nhơn cũng tuyên bố từ chối sự công nhận đối với vương quốc mới thành lập của Mayréna. Dù vậy, khi quay trở lại Kon Tum, Mercurol vẫn được Mayréna tổ chức tiếp đón long trọng như thể đón những anh hùng vừa hoàn tất một sứ mệnh vĩ đại! (?).

Trò phiêu lưu ngông cuồng của Mayréna khiến Quốc Vương Xiêm La đâm hoảng. Vua Xiêm lúc này đã chiếm cứ được vùng thượng du Campuchia, một phần Nam Lào và đang nuôi tham vọng đặt ảnh hưởng lên Tây Nguyên nên hết sức tức giận trước sự tồn tại đầy thách thức của "Vương quốc Sedang". Khi một vị tù trưởng của bộ tộc Cayon ở Nam Lào bí mật viếng thăm Mayréna và Vương quốc Sedang trở về, Vua Xiêm đã ra lệnh cho quan chức Xiêm ở cao nguyên Attoupeu bắt giữ viên tù trưởng này, đồng thời tịch thu hết những quà cáp, tặng vật do "Marie đệ nhất" tặng.

Chính quyền bảo hộ Pháp cũng không tránh khỏi giật mình. "Hợp bang Mọi" được gã phiêu lưu tuyên bố thành lập đầu tháng 6/1888 thì ngày 20/6 năm đó, chính quyền bảo hộ Pháp, thông qua vai trò cầu nối của các giáo sĩ dòng Thừa sai cũng vội vã tuyên bố thành lập cái gọi là "Liên bang Bana". Như tuyên bố, Liên bang này tập hợp trong lòng nó một liên minh sắc tộc gồm Bana, Rongao và Sedang nhằm tuyên chiến với tộc người Djarai vùng Nam Lào. Tuy nhiên, mục đích chính của nó lại là làm đối trọng, triệt hạ ảnh hưởng của Mayréna. Krui, một tù trưởng người Bana được phong làm "Tổng thống Cộng hoà Bana" được thiết lập vội vã. Mayréna được khuyến cáo đưa hợp bang của ông ta sáp nhập vào "Cộng hòa Bana".

Tuy nhiên, tay phiêu lưu đã khước từ sự sáp nhập, chỉ đồng ý và cố thuyết phục chính quyền bảo hộ Pháp công nhận, sau đó... mua lại vương quốc của ông ta. Ông ta còn bắn tiếng, nếu chính quyền bảo hộ Pháp không chịu mua, ông ta sẽ bán Vương quốc Sedang cho… nước Phổ! Bị bác bỏ, Mayréna lập tức đổi "Hợp bang Mọi" thành "Vương quốc Sedang", không ngừng lôi kéo sự tham gia của các bộ tộc người Thượng ở Bắc Tây Nguyên và Nam Lào.

Không thuyết phục được kẻ vô chính phủ, chính quyền Pháp phải sử dụng biện Pháp cắt dần sự hậu thuẫn của ông ta. Thống sứ Qui Nhơn Lemire, người ủng hộ Mayréna nhiệt tình bị đổi đi nơi khác. Thay vào đó là Guiomar, một người rất cứng rắn trong chủ trương chống lại sự tồn tại của Vương quốc Sedang.

Đang trong tình trạng bị cô lập, Mayréna lại phải gánh chịu thêm một tổn thất lớn: tháng 8/1888, "hoàng hậu Marie" (Lê Thị Bến) ngã bệnh sốt rét và qua đời tại làng Kon Trang. Dù không hẳn đã là một gã đàn ông chung tình thì "Marie đệ nhất, vua Sedang" vẫn suy sụp nặng sau cái chết của "hoàng hậu". Nhằm thoát ra khỏi tình trạng bùng nhùng, tháng 1/1889, ông ta tìm đường sang Hồng Kông, nhờ những người Hoa quen biết giới thiệu để tiếp xúc với chính quyền Anh quốc tại đây, thuyết phục nước Anh mua lại Vương quốc Sedang. Nhà cầm quyền Anh không từ chối thẳng nhưng tỏ ra rất thờ ơ, lạnh nhạt với đề nghị này.

Lưu lại Hồng Kông nhiều tháng, tiêu hết sạch số tiền vay của A Kông để mua đồng phục cho "quân đội Vương quốc Sedang" trong tưởng tượng mà vẫn không nhận được câu trả lời, Mayréna chán nản, bỏ về châu Âu, tìm đường ve vãn giới quý tộc và chính phủ Hoàng gia Bỉ. Trong khi ông ta vắng mặt, tháng 3/1889, Công sứ Qui Nhơn Guiomar đã lên Kon Tum tuyên bố giải tán Vương quốc Sedang. Khuyến dụ sáp nhập vào "Liên bang Bana" của viên Công sứ bị các thần dân Vương quốc Sedang phản đối. Đang ở quá xa, lại không hề có thực lực, Mayréna cũng chẳng có biện pháp khả dĩ nào nhằm thu hồi lại Vương quốc vừa chết yểu!

kimma
20-11-2009, 16:58
Ngoài 2 đặc điểm mà bác Rồng đã đề cập để phân biệt tem in lần 1 (1888) và lần 2 (1889), tôi thấy còn một điểm khác nữa: nét gạch bên pải của chữ "A" trong từ "SEDANG" của tem 1888 hơi cong ra ngoài, trong khi ở tem 1889 thẳng:

71420

hat_de
20-11-2009, 17:06
"Vương quốc Sedang" - Trò bịp bợm của óc phiêu lưu thực dân

11:16, 09/11/2009 http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/sotay/2009/11/53302.cand?Page=1
Nguyễn Hồng Lam
...

năm ngoái VS đã từng nói về L-)

http://www.vietstamp.net/article/1067/

http://www.vietstamp.net/article/1137/

L-) đó là bài của bác Rồng - GS. Trần Anh Tuấn :D

Bác Rồng đã có bài viết rất chi tiết về "Vương Quốc" và tem Sedang. Nếu tôi không lầm, trước đây Tạp chí Tem cũng đã có lần đề cập, nhưng nhấn mạnh đó không phải là tem bưu chính và không thừa nhận tem này.

...

Cồ Việt
20-11-2009, 19:18
nét gạch bên pải của chữ "A" trong từ "SEDANG" của tem 1888 hơi cong ra ngoài, trong khi ở tem 1889 thẳng:

71420

Tôi thì thấy tất cả các chữ DEH SEDANG ở con tem 1888 trên đều có chân, còn tem kia thì không.

vnmission
21-11-2009, 21:33
Nguyễn Hồng Lam

Còn trong tài liệu của một số nhà nghiên cứu khác, gã lại mang những cái tên khác, lúc loằng ngoằng là Charles Marie David, AKA de Mayréna, lúc lại là...

Nguyễn Hồng Lam sao lại không biết AKA = Also Known As!

Các bạn tránh xa mấy đồ này nhé:

71542
(http://www.sedang.org/stamps.html#beasts)

hat_de
21-11-2009, 22:20
...

Các bạn tránh xa mấy đồ này nhé:

http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=71542&d=1258817501
(http://www.sedang.org/stamps.html#beasts)

híc ...Sedang ko phải là quá khứ sao...sao 1998 vãn còn Sédang ... rồi cả trang web nữa ...sao bóng ma Sedang còn tới tận bây giờ nhỉ..thật hết biết ...nếu họ ra được 1 vật phẩm thế kia ... ko chừng sẽ còn nữa...

THE GUEST
21-11-2009, 22:51
Bác VN-Miss cảnh báo đừng ai bên ta rước mấy của Sedang nầy về nhà. Nó dính líu tới highland, của nợ ngày nay đấy các bác ạ !

vnmission
22-11-2009, 21:09
Đây là câu chuyện hay nhất mà tôi đọc được về "tem Sedang":

71601

Mẩu tin trên lột tả hầu như toàn bộ sự thật /bản chất "tem Sedang."

Tuy vậy, những gì mà Desroussaux miêu tả trong cuốn sách của ông, cũng như bài viết của Grasset năm 1978, cần phải được xem xét kỹ để có một kết luận chính xác về vấn đề này.

71602

Theo tôi, dù thực sự có bì thư dán tem Sedang thực gửi có dán tem phạt vì thiếu cước, điều đó cũng không chứng tỏ bất kỳ ai, dù ở thời điểm nào, đã công nhận bất kỳ cái gì liên quan tới cái được gọi là "vương quốc Sedang". Các tem Sedang, dù là in lần 1 (năm 1888) hay lần 2 (1889) đều chỉ là tem ma.

71603

THE GUEST
22-11-2009, 21:41
Một bài báo khác đăng năm 1906 tại Mỹ:

71610

ke vo danh
23-11-2009, 00:51
:D Hihi...Đúng ra đây là một bài báo đọc chơi cho vui thôi, không cần phải rùm beng và đao to búa lớn làm vầy :P ! Cái titre thì lại hoàn toàn....giật gân quá lố và không đáng. Vì ở đâu ra mà lại thêm vào được cái chữ "Thực Dân" vậy nhỉ? :D :D :D ...Nói cho đúng, có thực dân nào (ở đây là Pháp) mà đã chính thức nhìn nhận một tên vô danh tiểu tốt Mayréna là...vua và có vương quốc Sédang?!!! :D

Vô hình chung, phóng viên này đã nhắc lại một câu chuyện mà chính học giả và sử gia Pháp đã xếp vào loại...tiểu thuyết phiêu lưu (hoặc đường rừng), rồi cứ thế mà stress! Dù nhân vật này có thật, nhưng hoàn toàn được một tay viết tiểu thuyết phóng đại cũng như thổi phồng, và dựng ra vô số chi tiết hoang đường.

Một học giả Pháp, sau khi mất nhiều năm tháng tìm tòi, cũng như lục lọi tài liệu trong tất cả các thư viện của cơ quan hành chính của chính phủ bảo hộ Đông Dương. Khi đã có đầy đủ chúng cớ về Mayréna, đã chặc lưỡi và viết rằng: "Une à une, toutes les légendes sont tombées, faisant s'évanouir un beau conte extrême oriental. Il reste seulement des données historiques implacables qui prouvent, hélas! que David Mayréna, dit Marie 1er, Roi des Sédang, ne fut jamais, à part de rares sursauts, qu'un piètre aventurier, un escroc et, qui pis est, presque un traître"!!! (Dịch thoáng: "Từng điều rồi từng điều của cuốn tiểu thuyết rơi rụng tơi tả. Khiến một câu truyện hoang đường của đất viễn đông đã tan như mấy khói! Những gì còn sót lại của gốc tích thì chứng minh ra rằng, hỡi ơi! rằng David Mayréna - tự nhận là Marie Đệ Nhất, vua xứ Sédang - chỉ là một kẻ lang bạt kỳ hồ, một tên chuyên môn lừa đảo. Và tệ hại hơn nữa, đó là tên lừa thầy phản bạn") :D

Với một câu chuyện hoang tưởng này, đúng ra phóng viên nên bỏ qua, không nên khơi ra lúc này. Vì hoàn toàn vô giá trị về tất cả mọi mặt x-( ! Không nên tự rước lấy phiền nhiễu rồi tự mình...giận mình :D . Một điều nữa, nếu có thấy loáng thoáng những loại tin xe cán chó kiểu này trên internet, đừng thèm làm xôn xao dư luận. :D :D :D ...Không biết chừng anh hàng xóm xấu bụng kế bên chỉ chờ vậy rồi lén lút tung ra thêm một mớ tem...Vương quốc Sédang nữa không chừng! Một hòn đá hai chim: Vừa lừa được người thích sưu tầm..của lạ; vừa gây thêm những bất ổn cùng láo nháo trong thiên hạ!

:>

kimma
23-11-2009, 11:19
đúng ra phóng viên nên bỏ qua, không nên khơi ra lúc này. Vì hoàn toàn vô giá trị về tất cả mọi mặt x-( !

Tôi nhất trí với bác KVD. Nhưng nếu bỏ qua các yếu tố khác, thì mọi tin tức liên quan tới tem, người sưu tập tem chúng ta đều sẵn sàng đón nhận. Và chúng ta cũng chỉ quan tâm tới "tem" mà thôi!

Nhằm hợp thức hoá, Mayréna đã viết một số thư từ, văn bản thông báo sự ra đời và thể thức tồn tại của Vương quốc Sedang gửi cho Công sứ Qui Nhơn biết. "Sứ thần" của vương quốc trong chuyến ngoại giao đầu tiên, khởi hành từ "kinh đô" Marie Pelei vào đầu tháng 9/1888 là người bạn kiêm phiên dịch Alphonse Mercurol. Xuống đến Qui Nhơn, ngoài việc gặp trực tiếp viên Công sứ để trình bày, Alphonse Mercurol và các sứ thần còn mất thì giờ bỏ những lá thư chứa đựng các văn bản này vào thùng thư ở bưu điện, mục đích chính là để những con tem Sedang có cơ hội được đóng dấu lưu hành. Thật không may, chúng đều không được Bưu chính của chính quyền bảo hộ Pháp chấp nhận mà thẳng tay đóng dấu loại bỏ.

Các bì thư đã bị "đóng dấu loại bỏ" (nếu có) này không còn nữa, mà nếu còn thì chỉ càng chứng tỏ tem Sedang không có giá trị bưu chính.

Đây là "bằng chứng" duy nhất còn lại được biết đến, theo thông tin của Jacques Desroussaux:

71693

Có người cho chữ "M" viết tay trên con tem trên có thể là của de Mayrena, tuy nhiên nếu so với bản viết tay sau đây của nhân vật thì nhiều khả năng không phải, vì một chữ nghiêng trái, một chữ nghiêng phải:

71694

Desroussaux cho rằng đó có thể là chữ của Mercurol, hoặc viết tắt của chính chữ Mayrena, nhưng dù sao đó cũng cũng chỉ là giả thuyết. Dù là của ai chăng nữa, nó chẳng có tí giá trị bưu chính nào!

hat_de
23-11-2009, 13:51
...

chúng đều không được Bưu chính của chính quyền bảo hộ Pháp chấp nhận mà thẳng tay đóng dấu loại bỏ.

nếu như vậy là rõ ràng bị phủ nhận rồi, ko có giá trị bưu chính vì cái "hệ thống bưu chính" Se-dang như thế là mới chỉ có 1 khúc... khúc tiếp theo coi như ko thể thiết lập. Tới lúc này thì tem chỉ còn là ... chơi thôi. Hệ thống bưu chính bị cụt, tem thì ma ... sự công nhận duy nhất đối với dòng tem Se-đăng trên sẽ chỉ còn là 1 món tem chơi cho biết.

vnmission
25-11-2009, 22:24
rõ ràng bị phủ nhận rồi

Tôi thực chưa thấy rõ ràng như bạn Dẻ. Nhà báo nói zậy thì biết zậy thôi! Bạn bình luận thường rất tốt, nhưng như ở thread này, nên chăng bạn đọc hết các bài liên quan trước khi bình!

Tôi thấy cái này thật lạ:

72062

Chắc là "nhầm", vì lấy đâu ra lần in thứ 3? Lại còn "China"?

hat_de
26-11-2009, 09:15
Tôi thực chưa thấy rõ ràng như bạn Dẻ. Nhà báo nói zậy thì biết zậy thôi! Bạn bình luận thường rất tốt, nhưng như ở thread này, nên chăng bạn đọc hết các bài liên quan trước khi bình!

Thì bác kimma có nhắc lại 1 đoạn mà em đã trích đó

nguyên văn là "... chúng đều không được Bưu chính của chính quyền bảo hộ Pháp chấp nhận mà thẳng tay đóng dấu loại bỏ".

tức là bì thư Sedang - Quy Nhơn bị phủ nhận

còn theo 1 số tư liệu khác bác viết:

"Theo tôi, dù thực sự có bì thư dán tem Sedang thực gửi có dán tem phạt vì thiếu cước, điều đó cũng không chứng tỏ bất kỳ ai, dù ở thời điểm nào, đã công nhận bất kỳ cái gì liên quan tới cái được gọi là "vương quốc Sedang". Các tem Sedang, dù là in lần 1 (năm 1888) hay lần 2 (1889) đều chỉ là tem ma."

Se-dăng là 1 nước ko được công nhận, Sedang là 1 nước tự phong. Điều này ko vấn đề gì cả, vì tại thời điểm lịch sử đó trên giải đất hình chữ S nước VN còn chưa ra đời. Tồn tại trên dải đất đó là các kiểu chính quyền hay nhà nước tự phong, rồi tự trị, hay là nhà nước bảo hộ hoặc triều đình gì đó ... tuy ko hiểu về các thể chế chính trị lắm tuy nhiên hình dung 1 các nôm ra là trong quá khứ, tại khu vực địa lý có hình nhưng chữ S (tức là VN hiện nay) tồn tại xen kẽ hoặc chồng lớp các chính quyền hay chế độ nhà nước gì đó. Nước Se-đăng có thể ko là 1 nước được các nước hoặc chính quyền công nhận, và thậm chí nhà vua cửa nước này là 1 kẻ phiêu lưu bán giời ko văn tự tuy nhiên về mặt bưu chính họ cũng đã, cứ coi là học đòi, hoặc là khẳng định mình bằng cách nghĩ tới 1 hệ thống bưu chính có con tem riêng.

Nhà nước này ko được công nhận, chúng ta khẳng định đó tem là tem ma. Tuy nhiên gạt bỏ vấn đề ma hay ko ma mà xem xét xem con tem đó đã 1 lần hoàn thiện xứ mệnh của con tem theo đúng nghĩa chưa thì thế nào.

Không bàn chuyện nước Se-dăng, vì nước này ko được công nhận
Không bàn chuyện tem ma, vì nó là ma rồi
Chỉ xem xét vấn đề bưu chính liên quan tới dòng tem này.

con tem đã 1 lần hoàn thiện chức năng bưu chính trong các trường hợp sau chưa

trường hợp 1: trong nội nước SD, ví dụ: liệu có tồn tại các bì thực gửi trong hệ thống bưu chính của Se-dăng ko, đơn giản từ làng A gửi tới làng B.

trường hợp 2: đã tồn tại thư đi từ Se-dang tới Quy Nhơn
như bác kimma viết thì số phận của nó như sau: "Xuống đến Qui Nhơn, ngoài việc gặp trực tiếp viên Công sứ để trình bày, Alphonse Mercurol và các sứ thần còn mất thì giờ bỏ những lá thư chứa đựng các văn bản này vào thùng thư ở bưu điện, mục đích chính là để những con tem Sedang có cơ hội được đóng dấu lưu hành. Thật không may, chúng đều không được Bưu chính của chính quyền bảo hộ Pháp chấp nhận mà thẳng tay đóng dấu loại bỏ."

trường hợp 3: từ Sedang tới nước nào đó khác.

tuy nhiên nếu các tem Sedang thực gửi sau là thật

72084

thì có thể nó được bóc ra từ các loại bì trên trong những trường hợp nói trên.

cho dù

"Theo tôi, dù thực sự có bì thư dán tem Sedang thực gửi có dán tem phạt vì thiếu cước, điều đó cũng không chứng tỏ bất kỳ ai, dù ở thời điểm nào, đã công nhận bất kỳ cái gì liên quan tới cái được gọi là "vương quốc Sedang". Các tem Sedang, dù là in lần 1 (năm 1888) hay lần 2 (1889) đều chỉ là tem ma."

=================

để gọi lại thì thế này:

- nước Se-đăng là có thật, nhưng ko được công nhận
- tem Se-đăng là có thật, nhưng ko được công nhận, nó là tem ma
- thực gửi Se-đăng dù là trong nước Se-dăng, hay Se-đăng tới nước khác, hoặc bì Sedang - Quynhơn bị đóng dấu từ... cũng ko được tính

nên em mới nói "sự công nhận duy nhất đối với dòng tem Se-đăng trên sẽ chỉ còn là 1 món tem chơi cho biết".

Các món tem Se-dăng nếu ko phải là in giả, thì người chơi thích vẫn chơi, bởi nó là 1 thức có thật (tuy ko được công nhận). Các món Se-dang thực gửi ko phải giả lại càng giá trị hơn, và bì thực gửi Se-dang ko được công nhận cũng lại càng quý.

Nói tóm lại để chơi thì Sedang sống, Sedang thực gửi, bì Se-dang đều có giá trị với người sưu tập. Ý em là như thế.

Ng.H.Thanh
26-11-2009, 14:00
Mới phát hiện cái này, bà con xem nhé
72105

kimma
26-11-2009, 16:03
nếu các tem Sedang thực gửi sau là thật


Bác vnmisssion nói đúng đó. Thí dụ, bài viết của bác Rồng ngay từ đầu đã khẳng định rất rõ: không có tem Sedang (in 1889) thực gửi.

ke vo danh
26-11-2009, 18:45
:D :D :D ...

Tiện đây xin giới thiệu với các bạn một trang web nổi tiếng, có ích cho người sưu tầm tem xưa và quý. Đó là trang: "International Society of Worldwide Stamp Collectors". Khi có thắc mắc về một vài loại tem lạ, được ghi là "phát hành" từ một quốc gia nào đó. Bạn hãy vào mục "Worldwide Stamp Identifier: Bogus Issues", tìm theo vần mẫu tự mình muốn.

Ở đây là Sédang, phải không? Ok, chúng ta hãy vào vần S, dò dần xuống Sédang, thì sẽ thấy họ ghi rõ như sau:

* SEDANG: Annam Kingdom - issued in 1889 by Marie David de Mayrena. Classic bogus issue.

Nguồn Tại Đây: (http://www.iswsc.org/iswsc_identbogus.html#S)

******

Còn bạn muốn biết nghĩa thật của chữ "Bogus" chứ gì?

kvd tặng bạn một định nghĩa của giới sưu tậm tem nhà nghề quốc tế, dưới đây:

- BOGUS: A fictitious stamplike label created for sale to collectors. Bogus issues include labels for nonexistent countries, nonexistent values appended to regularly issued sets and issues for nations or similar entities without postal systems.

:D

ke vo danh
26-11-2009, 19:21
:D Sẵn trớn làm tới luôn nha:

Cũng một trang web ngoại quốc khác, khi xếp hạng "tem" Sédang, họ đã cho vào loại 3, tức là hạng "BOGUS LOCAL POSTS"!

Và định nghĩa như sau, đọc xong thấy rất...ớn :D :

* BOGUS LOCAL POSTS: These are the most dangerous because they look like real stamps from an actual country or place. Upon closer inspection however, they are bogus because the name of the place is real, but:

a) It has been changed slightly. e.g. Somaliland & Somalia etc.
b) The place is in some kind of turmoil (Russian republics in the Caucauses for example) where it is hard to find anyone in real authority who can attest to their validity or not. e.g. Abhkazia, Chechnya etc.
c) No genuine local post exists, as it is actually a very small uninhabited island or bunch of rocks. e.g. - Redonda, Steep Holm etc.
d) No genuine local post exists, even though it has a small population. e.g. Easdale Island.
d) No genuine local post exists, even though it claims to be a breakaway region of a country. e.g. Dagestan, Occusi Ambeno, Republik Maluku Selatan.

Xin lỗi các bạn vì có thể đã đi xa ngoài tiêu đề, nhưng nếu có thể mang thêm vào chút ít thông tin về đây thì cũng tốt. Phải không ạ?

Xin chấm hết.

:D

hat_de
02-12-2009, 21:43
:D Sẵn trớn làm tới luôn nha:

...

Xin chấm hết.

:D

chưa chấm hết được anh à...em vừa lượm được trong mạng cái này

73007

tuy nhiên vì chưa ai thấy cái bì thực gửi "nội địa" của Sedang trông ra sao nên rất có thể dấu hủy trên tem này là giả

73008

Thôi thì ta cứ giả sử đó là thật đi, em chợt nghĩ ông nhà nước Sedang bán tem bằng gì...ko có tiền tệ thì bán làm sao ... trên thế giới có ít nhất 2 trương hợp giá mặt tem bằng hiện vật, đó là thóc và khoai tây. Nhưng rõ ràng bác Se-dang nhà tem có in giá mặt bằng tiền....vậy nếu mọi chuyện diễn ra bình thường...ví dụ vui thế này

mọi Dẻ gửi thư cho mọi KVD 1 lá thư thì mọi Dẻ phải dùng tiền Sedang để mua tem rùi dán vô bì rùi thả thùng thư ... ông bưu cục Se-dăng gom về đóng dấu cái cộp sau đó đưa vào hệ thống bưu chính của mình là tới lều của bác KVD phát thư....cho dù quá trình trên thế nào nhất thiết phải có mua bán chớ ai phát tem ko....

vậy thì ôgn Sedang bán tem bằng gì ... liệu có tồn tại tờ tiền hoặc đồng tiền Se-đăng ko... còn ko thì bác Sedăng nhà ta càng trở nên ngớ ngẩn.

Có lẽ phải tìm các nhà siêu tầm và ngâm cứu tiền tệ để trả lời câu hỏi của gk: có hay ko tiền tệ Sedăng để cái giá mặt trên tem Se-dăng là có nghĩa :|

ke vo danh
02-12-2009, 22:20
Ồ, không ngờ cậu Dẻ có một thắc mắc đáng giá...xu Sédang thế này =D> ! Đọc xong bài trên, kvd cũng ngớ ra vì không hề nghĩ tới một điều thực tế như thế :D . Trong khi chờ các bậc lão thành vào cho ý kiến, kvd phải đi lục lọi lại mớ tài liệu về điều này cái đã!

(Hừm.Lại có việc làm...không công rồi nữa đây!!! x-( )

kimma
03-12-2009, 07:15
Thông tin trên có gì mới đâu:

Trang web cổ võ cho Sedang đương nhiên phải viết có lợi cho nó.
Bạn Dẻ đã quote thì phải đầy đủ: "MAY HAVE... " - ai chả viết như vậy được.

Tiền thì 100% là không có:

Nếu có, những trang web rẻ tiền như trên đã quảng cáo rầm rộ từ lâu;
Tôi đã đọc qua một cuốn sách viết về ông "vua" thời gian ở Hồng Kông và một số tài liệu liên quan. Hoàn toàn không đề cập gì.
Tem là chuyện "chơi" đã khiến ông "vua" bị truy nã, nếu có tiền ông ta làm sao trốn được sang Penang!

hat_de
03-12-2009, 07:23
Ồ, không ngờ cậu Dẻ có một thắc mắc đáng giá...xu Sédang thế này =D> ! Đọc xong bài trên, kvd cũng ngớ ra vì không hề nghĩ tới một điều thực tế như thế :D . Trong khi chờ các bậc lão thành vào cho ý kiến, kvd phải đi lục lọi lại mớ tài liệu về điều này cái đã!

(Hừm.Lại có việc làm...không công rồi nữa đây!!! x-( )

hi hi ... thoai ko cần vất vả đâu anh ... em hỏi là hỏi chơi vậy thui
để lưu ý khi nghiên cứu cần có quan điểm toàn diện
vụ tiền đã có diễn đàn tiền... ở đây người làng tem và tiền cũng ko ít, những người tham gia cả diễn đàn tem lẫn tiền cũng ko nhỏ ... bữa nào đẹp ngày sẽ đặt vấn đề này với các chuyên gia bên đó.

Hy vọng là ... ko có tiền Se-đăng để 1 lần nữa giảm xác suất tồn tại của các bì thực gửi trong làng Se-đăng :D

Chúc cả nhà ngủ say & hẹn lại gặp :D

Thông tin trên có gì mới đâu:

Trang web cổ võ cho Sedang đương nhiên phải viết có lợi cho nó.
Bạn Dẻ đã quote thì phải đầy đủ: "MAY HAVE... " - ai chả viết như vậy được.

Trang web ủng hộ Sedang mà cũng chỉ nói "có thể có bì thực gửi trong Sedang" thì chắc là ngay cả tới loại bì này cũng ít có khả năng tồn tại rồi

như vậy các mẫu tem thực gửi đều là dấu tự chế


Tiền thì 100% là không có:


ko có tiền tức là ko thể mua bán tem, việc đổi tem bằng hiện vật như thóc hay khoai tây trong lịch sử cũng ko có nốt 1 lần nữa củng cố thêm ko có chuỵên người dân Sedang mua tem gửi thư 1 cách bình thường nhất.

Có lẽ vấn đề tem Sedang khép lại được rồi ... khi nào có thêm những tình tiết mới người chơi lại mới có dịp bàn về "dòng tem" này :D

ke vo danh
03-12-2009, 15:20
ko có tiền tức là ko thể mua bán tem, việc đổi tem bằng hiện vật như thóc hay khoai tây trong lịch sử cũng ko có nốt 1 lần nữa củng cố thêm ko có chuỵên người dân Sedang mua tem gửi thư 1 cách bình thường nhất.


Ông thần Mayréna (có thể) đã đặt in tem tại Thượng Hải, sau đó đã có ý đồ như sau:

- Dùng loại tem ma này để xin đổi lấy tem của những quốc gia khác. Đó cũng là một hình thức để tự quảng cáo tên tuổi và việc làm mờ ám nọ.

Cho nên cái vương quốc tưởng tượng này dĩ nhiên là không thể có được một hệ thống tiền tệ. Vì thế, chuyện buôn bán tem của họ trong thời gian đó là điều hoàn toàn không thể xẩy ra được. Chính phủ thuộc địa bắt đầu khám phá ra những hành vi mờ ám của Mayréna và từ đó, mới quyết định...bao vây kỹ lưỡng để dẹp loạn. Mayréna biết là khó lừa lọc gì nổi nữa, mới lén trốn qua Singapour và...ngỏm củ tỏi tại đó!

Hết chuyện Sédang!

hat_de
03-12-2009, 15:32
Ông thần Mayréna (có thể) đã đặt in tem tại Thượng Hải, sau đó đã có ý đồ như sau:

....

Hết chuyện Sédang!

phần hậu của câu chuyện này là thấy bất kì món tem Sedang chết do thực gửi nào cũng tránh xa...chỉ mua tem sống nếu thích...và phải chắc cú đó ko phải tem in lại...tóm lại tem Sedang bít là có là đủ rùi. Closed :D !!!

vnmission
02-01-2010, 21:55
(Tiếp bài đầu mà các bác đã đưa, nhưng bài này nên chuyển sang "Café VietStamp" thì đúng hơn)

"Vương quốc Sedang" - Trò bịp bợm của óc phiêu lưu thực dân
(Kỳ 2)

Nguyễn Hồng Lam, 23/11/2009

http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/sotay/2009/12/53318.cand?Page=1

Suốt gần 100 năm qua, trong các công trình nghiên cứu, các bài báo đề cập đến Vương quốc Sedang, các tác giả phương Tây thường chỉ mô tả mà không đưa ra quan điểm, chính kiến đối với tính pháp lý của vấn đề.

Tránh áp đặt quan điểm theo thuyết tiến hóa luận vốn nặng mùi thực dân chủ nghĩa, cố tỏ ra độc lập, khách quan khi nghiên cứu một vấn đề dân tộc học, họ lại vô tình lọt thỏm vào vũng lầy chiết trung chủ nghĩa. Thực tế, trong sự tranh chấp quyền lực và tính chất tồn tại hợp pháp của Vương quốc Sedang giữa thực dân Pháp và Charles Marie David de Mayréna, đúng là hoàn toàn không có phe chính nghĩa lẫn bên phi nghĩa, nhưng người thắng kẻ thua thì được minh định rất rõ ràng. Cố nhiên trên bàn cờ chính trị, nhà nước thực dân với cả một bộ máy quyền lực đồ sộ đã dễ dàng đè bẹp tham vọng phiêu lưu của một kẻ vô chính phủ. Không một quốc gia, một chính thể nào công nhận sự tồn tại của Vương quốc Sedang. Sau ngày lập quốc, Marie đệ nhất, vua Sedang chỉ có duy nhất một việc để làm đó là bỏ chạy, tự biến mình thành một kẻ lưu vong.

Ở Hồng Kông, nỗ lực vận động của Charles Marie David de Mayréna chỉ đem lại cho ông ta quyền tham dự một vài buổi tiếp tân, dạ tiệc của một số nhân vật có thế lực, đủ cho ông ta trình bày ngắn gọn về Vương quốc mới lập có khẩu hiệu "Jamais céder, Toujours d'aidant" (tạm dịch: "không bao giờ lùi bước, luôn luôn giúp đỡ"), đưa ra vài đề nghị ủng hộ và nhận về những cái lắc đầu.

Không thành công trong âm mưu chinh phục vùng đất xa xôi xứ An Nam nhưng David de Mayréna lại rất thành công trong việc chinh phục đàn bà. Thành tựu lớn nhất mã gã phiêu lưu đạt được trên đất Hồng Kông là cưa đổ trái tim nhẹ dạ của cô Aimee Marie Julie Lyeuté. Lễ cưới diễn ra vào ngày 5/5/1889. Ngay sau đó, bằng Nghị định số 51, David de Mayréna đã biến cô này thành Hoàng hậu Marie Rose, các hoàng hậu với phi tần trước đó xem như không còn tồn tại.

Sau ngày cưới, vua và hậu của Vương quốc Sedang rời Hồng Kông sang Bỉ. Ở đó, David de Mayréna tìm được một số nhà tài phiệt sẵn lòng chia sẻ sự phiêu lưu, hứa cung cấp tài chính cho tân vương vừa mất vương quốc. Vừa đặt chân trở lại châu Âu, ngày 6/6/1889, David de Mayréna đã ký ngay một sắc lệnh về bưu chính và đặt in thêm một lô tem Sedang theo mẫu của lần in thứ nhất. Việc in ấn này được David de Mayréna giao cho người khác thực hiện tại Paris, thủ đô nước Pháp. Ông ta còn ra thông cáo báo chí phổ biến nội dung chi tiết của bộ tem, nhằm quảng cáo, chào mời và bán bộ tem này cho các nhà buôn tem quốc tế.

Sở dĩ gã phiêu lưu sốt sắng đặt việc in và phát hành tem lên trên mọi thứ là do trong thời gian lưu trú tại Bỉ, gã đã được một tay chơi tem tên là Camille Berleur hào phóng giúp đỡ. Nhân vật này đã biến nhà riêng của mình ở số 43 Boulevard Anspeach, Brussels thành nơi ăn chốn ở, kiêm luôn trụ sở làm việc của vua và hoàng hậu Sedang. Để trả công, ngày 5/9/1889, Mayréna đã ký sắc lệnh "bổ nhiệm" Camille Berleur làm Giám đốc Bưu chính của Vương quốc Sedang, toàn quyền coi sóc việc in và phát hành bộ tem không được thừa nhận của vương quốc.

Vào cuối thế kỷ XIX, nước Bỉ đúng là nơi tập trung của vô số những kẻ nặng đầu óc thực dân phiêu lưu. Sau nhiều lần thương thảo, một nhà tài phiệt ở thủ đô Brussel tên là Somsy đã đồng ý cung cấp tiền bạc cho công cuộc "phục quốc" của David de Mayréna. Đổi lại, Marie đệ nhất, vua Sedang dành cho ông ta toàn quyền khai thác khoáng sản, chủ yếu theo thỏa thuận là sắt và đồng trên toàn bộ vương quốc Sedang - không hề xác định vị trí và diện tích cụ thể. Nếu quả thật đây là một hợp đồng đầu tư thì Somsy đúng là một kẻ vừa phiêu lưu vừa quá kém hiểu biết. Cho đến nay, toàn bộ vùng Đăk Tô chứ không riêng gì làng Kon Gung - tức kinh đô Pelei Agna đều không hề được xác định là có bất kỳ một mỏ sắt, mỏ đồng nào cả. Nếu "hợp đồng tài trợ và khai thác" đã ký có cơ hội biến thành hiện thực, tiền bạc mà tay tài phiệt bỏ ra cũng sẽ mất trắng vì chẳng thể thu lại được mẫu quặng nhỏ nào.

Có tiền trong tay, cuối năm 1889, David de Mayréna lại mua một tàu vũ khí, âm mưu tiến về phương Đông đấu tranh vũ trang với nhà nước Pháp - nếu cần - để giành lại Vương quốc. Trước khi lao vào canh bạc quyền lực cuối cùng, ông ta còn cố lập thêm một "chiến tích phiêu lưu" nho nhỏ: đá văng cô Aimee Marie Julie Lyeuté, tức hoàng hậu Marie Rose sang một bên để thay bằng một cô gái người Bỉ tên là Ostende. Vừa đủ thời gian cho "vương phi" có của hồi môn máu mủ, gã lập tức khởi hành về phương Đông, không hứa hẹn ngày quay trở lại.

Lo ngại trước sự điên rồ của ông ta, chính quyền thực dân Pháp đã tìm mọi cách ngăn chặn. Cái tên David de Mayréna được tuyên bố bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị tước quyền đặt chân trở lại xứ An Nam. Hải quân Pháp phong tỏa tất cả các cảng biển không cho chuyến tàu chở đầy vũ khí của David de Mayréna cập bờ. Mặt khác, hành vi của tay phiêu lưu còn bị Nhà nước bảo hộ Pháp thông báo cho chính quyền các vùng lân cận để cảnh giác và ngăn chặn.

Giữa tháng 3/1890, khi chuyến tàu này dừng lại ở Singapore, lấy lý do là tàu buôn lậu vũ khí, chính quyền sở tại đã bắt giữ tàu và tịch thu hết súng đạn đồng thời ra lệnh cấm không cho David de Mayréna đặt chân lên bờ. Không chốn nương thân, ngày 29/3/1890, Mayréna cùng hai người bạn đồng hành tên là Horace Villeroi (người Bỉ) và Harold Scott (người Anh) và phải bỏ ra Pulau Siribua, một hòn đảo hoang ở ngoài khơi Malaysia. Tại đây, một cuộc hôn nhân mới lại diễn ra.

Người vợ mới của Mayréna là Asia, một cô gái trẻ theo đạo Hồi. Khoảng một tháng sau, vào cuối tháng 4/1890, họ lại chuyển sang một đảo hoang khác có tên là Pulau Tioman nằm ở phía Tây Malaysia. Mọi liên lạc với thế giới văn minh từ đây bị cắt đứt hoàn toàn. Từ tham vọng làm vua, David de Mayréna cùng vợ và số tuỳ tùng ít ỏi chính thức tự biến mình thành những người hoang dã. Họ sống bằng nghề đánh bắt cá và săn bắn, hái lượm những sản vật rừng trên hoang đảo.

Nghèo khó là tất nhiên, nhưng điều đó cũng không ngăn tay phiêu lưu tiếp tục có thêm một cô vợ Hồi giáo nữa. Âm mưu phiêu lưu chính trị và quyền lực được nối dài bằng trò phiêu lưu tình ái. Đáng tiếc, ngày 11/11/1890, David de Mayréna bỗng nhiên lăn ra chết. Cũng như lai lịch lúc sinh ra, nguyên nhân cái chết của ông ta cũng có nhiều giả thuyết gây tranh cãi.J.F.Owen, một cư dân người Anh sống ở đảo Tioman báo cáo với chính quyền Pehang là Mayréna chết do bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, Harold Scott, cộng sự của Mayréna, cũng là một người Anh thì lại quả quyết rằng ông chủ của ông ta bị giết sau một trận đấu súng.

Sau này, Harold Scott đã mời một họa sĩ Trung Quốc từ Hồng Kông đến đảo Tioman để vẽ lại một bức tranh về cuộc đấu sinh tử này. Đó cũng chưa phải giả thuyết cuối cùng. Một số nguồn tin khác lại cho rằng tay phiêu lưu thiệt mạng vì bị đầu độc. Người khác lại gạt đi, cho rằng David de Mayréna đã tự kết liễu đời mình bằng thuốc độc sau khi đã quá mệt mỏi và chán nản vì thất bại trong âm mưu quyền lực.

Sống trên hoang đảo, David de Mayréna mang thân phận một kẻ lưu vong vô danh, chính quyền sở tại cũng chẳng mất thì giờ xác minh nguyên nhân đích thực cái chết của ông ta. David de Mayréna, tức Marie đệ nhất được chôn cất sơ sài như một thường dân chứ không như một đấng quân vương tại nghĩa trang Mã Lai nằm khuất nẻo ở làng Kampong Jaiver, Kuala Rampin trên đảo Tioman. Không một thần dân Sedang nào biết chuyện ông vua tự phong của họ đã lìa đời. Vương quốc Sedang do ông ta lập nên ở xứ An Nam xa xôi cũng tự nhiên biến mất và không còn mấy ai nhớ đến

Thây ma dựng lại

Di sản duy nhất của Vương quốc Sedang còn tồn tại và trở thành nguyên nhân gợi sự tò mò đối với các nhà nghiên cứu chính là những con tem "lạ" mà David de Mayréna đã ra lệnh đặt in. Trong lần in thứ 2 ở Paris vào giữa năm 1889, tay phiêu lưu, vì không có tiền nên đã không trả công in. Để thu hồi lại vốn, nhà in đã bán bộ tem nay cho các nhà sưu tập. Trong khoảng thời gian từ 1889 đến 1903, một số tạp chí tem có uy tín của Pháp, Bỉ, Hà Lan và Hoa Kỳ đã lần lượt có những bài viết giới thiệu, phân tích, đánh giá về bộ tem này. Để biến những con tem không có tính pháp lý thành những con tem thật sự, có giá trị lưu hành, nhà in tem đã tự "chế" thêm một con dấu bưu điện Sedang đóng đè lên tem trước khi bán nó cho các nhà sưu tập. Lấy nguyên nội dung ghi trong con tem, dấu bưu điện Sedang có hình tròn, nửa vòng trên là hàng chữ "Der Sedang", nửa vòng tròn dưới là chữ "Pelei Agna", ở giữa ghi số năm 1889. Trung bình, vào thập niên 90 của thế kỷ XIX, một bộ tem Sedang 7 chiếc được bán cho các nhà sưu tập với giá 5 USD, một cái giá rất cao vào thời điểm đó.

Trong số những nhà sưu tập tem, ông Jacques Desrousseaux được xem là người có uy tín nhất trong lĩnh vực nghiên cứu bưu chính ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Ông Jacques Desrousseaux nguyên là Tổng thanh tra hầm mỏ Đông Dương thời Pháp thuộc, có điều kiện, địa vị và tiền bạc để sưu tầm rất nhiều loại tem Đông Dương khác nhau, đồng thời nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ. Năm 1984, ông đã hoàn thành một thiên nghiên cứu đồ sộ về con tem ba nước Việt - Miên - trong khoảng thời gian 1860-1975 dày hơn 400 trang khổ nhỏ. Trong tác phẩm này, con tem Sedang đã được đề cập khá kỹ. Tác giả còn cho biết thêm là năm 1945, ông đã nhìn thấy một số phong bì có dán tem Sedang trong một cuộc triển lãm tại Huế. Các con tem này không bị đóng dấu hủy mà đều có chữ M viết bằng bút mực trên mỗi con tem. So sánh tự dạng, nhà nghiên cứu đoan quyết rằng đó chính là bút tích của Marie đệ nhất, vua Sedang, tức David de Mayréna lưu lại trên những con tem Sedang in lần đầu tiên.

Vào khoảng năm 1985, một nhà chơi tem khác là ông Hendrik J. Oranje đã tình cờ mua được trong một cuộc đấu giá ở Bỉ một lô tem lớn được giới thiệu là "tem địa phương" của Trung Quốc trước Cách mạng. Nhưng khi nghiên cứu, nhà chơi tem mới phát hiện ra mình đã bị nhầm nặng. Đó là tem Sedang, tên một tộc người ở miền Tây Nguyên Việt Nam chứ không liên quan gì đến Trung Quốc. Bỏ ra một thời gian dài nhiều năm khảo lục, nghiên cứu, nhà sưu tập tem này đã hoàn tất một tác phẩm có tên "Sedang" bằng tiếng Hà Lan, dày 48 trang, xuất bản năm 1989.

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu lịch sử ở một số trường đại học của Pháp, Bỉ, Mỹ cũng đã từng có những nghiên cứu khá tỷ mỉ về vương quốc Sedang và cuộc đời và những chuyến phiêu lưu kỳ lạ của David de Mayréna. Tuy nhiên, những nghiên cứu công phu này thường chỉ lưu hành hạn hẹp trong giới khoa học của các trường đại học cho nên công chúng, nhất là công chúng Việt Nam hầu như không có cơ hội biết đến hay tiếp cận.

Mặt khác, bản thân nhân vật David de Mayréna chỉ là một kẻ vô chính phủ, vương quốc Sedang chưa từng được ai công nhận, sự kiện lập quốc của ông ta chỉ được xem như một hành động phiêu lưu chứ không được quan tâm như một sự kiện lịch sử nên cả nhân vật và sự kiện dần dần đã bị lãng quên ngay tại nơi từng sinh ra cái gọi là vương quốc Sedang cũng là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, đầu óc phiêu lưu và tính hám lợi thì thời nào, ở đâu cũng sẵn. Thông qua việc sưu tập tem, một số nhà sưu tập tem ở châu Âu đã tình cờ biết đến con tem Sedang và lai lịch ra đời kỳ lạ của nó. Họ nhận ra rằng, khi chết David de Mayréna, kẻ được xem là vua Sedang đã không hề chỉ định quyền thừa kế, cũng chẳng tuyên bố từ bỏ tư cách tồn tại của các danh hiệu, tiêu đề liên quan đến vương quốc này. Vậy là, ngày 2/11/1995, nhóm người này đã họp nhau lại tại Toronto, Canada, tuyên bố tái lập Hội đồng Hoàng gia Sedang.

Không thèm đếm xỉa gì đến việc bản thân các thành viên của Hội chẳng hề có chút huyết thống hay quyền lợi gì dính dáng đến tay Marie đệ nhất đã chết từ hơn trăm năm trước, những kẻ vô công rỗi nghề đa quốc gia này tuyên bố thành lập Hội để "phục hồi và bảo toàn các quyền và đặc quyền quy tộc của vương quốc Sedang"; "thúc đẩy nghiên cứu danh thơm của vương triều Marie và vương quốc Sedang" "để bầu một nhiếp chính của vương triều" "tìm kiếm người thừa kế của triều đại".

Nửa tháng sau, ngày 17/11/1995, một tay Đại tá Derwin JKW Mak nào đó đã được Hội đồng này đặt vào ghế "Hoàng tử - Tể tướng nhiếp chính" Hội đồng Hoàng gia Sedang, đồng thời được phong Công tước Sedang. Với tư cách nhiếp chính, tay phiêu lưu kiêm đầu cơ chính trị thế hệ mới này đã soạn thảo và ban bố hàng loạt nội qui, qui định, cơ cấu tổ chức, qui định sử dụng tiêu đề, danh hiệu quý tộc của vương quốc Sedang. Trụ sở của Hội đồng Hoàng gia cũng được quyết định dời về Montre1al. Ông ta còn nghĩ ra một hệ thống phẩm tước mô phỏng hệ thống quý tộc châu Âu gồm thứ tự từ cao xuống thấp là Công - hầu - bá tử - nam (tước) được ban bố nhằm tưởng thưởng cho những ai có đóng góp cho việc phục hưng vương quốc Sedang. Dĩ nhiên, nội dung đóng góp chỉ là hai chữ tiền bạc.

Vậy là một loạt ông tây mũi lõ đã nghiễm nhiên trở thành quý tộc Sedang, trở thành Công tước Derwin JKW Mak - Hoàng tử nhiếp chính rồi Hầu tước Kasara Budruk, Tổng thống lâm thời... của cái vương quốc Sedang ở xứ nào họ cũng không thèm biết. Khôi hài đến mức, Hội đồng tự phong này còn tuyên bố trao quyền thế tập cho những kẻ được phong tước. Nếu ông bá tước John Smith nào đó không may mất mạng, bà vợ góa của ông ta sẽ có quyền trở thành bà Mary Smith, nữ bá tước Sedang. Sau đó, con trai ông ta, bao nhiêu đứa cũng sẽ được trở thành các bá tước Peter Smith, hay Hugo Smith gì đó. Điều khác biệt duy nhất là các ông bá tước, bà hầu tước này sẽ chẳng có lấy một tấc đất lãnh thổ thừa kế nào để cắm dùi.

Mặc dù vô thưởng vô phạt, những danh hão này vẫn thu hút được không ít kẻ háo danh. Danh hiệu, phẩm trật của vương quốc Sedang mới trở thành một món hàng bán khá chạy. Chỉ một năm sau ngày ban hành quy chế, gần 200 tước hiệu từ nam tước đến hầu tước đã được trao tặng để đổi lấy những khoản đóng góp bằng tiền mặt. Văn bằng chứng nhận phong tước được in khá lòe loẹt, có cả hình quốc huy Sedang (mới) in nổi và con dấu màu đỏ: Theo phong cách phương Đông. Quốc huy Sedang mới sử dụng đúng quốc huy từ thời Marie đệ nhất nhưng được sáng tạo bằng cách thêm hàng chữ "Jamais céder" (không bao giờ lùi) bên dưới và 3 ngôi sao lên trên đầu hình con sư tử.

Theo "tân hiến pháp Sedang", ba ngôi sao này được giải thích rất kỳ quặc là đại diện cho Tây Nguyên Việt Nam, Trung Quốc và nước Pháp! Bốc đồng, vụ lợi và kém hiểu biết, những kẻ đang ôm mộng phục hồi này chẳng thèm để ý gì đến sự ngô nghê trong việc cắm đầu Ngô lên mình Sở trong việc tái tạo quốc huy vương quốc Sedang (trên danh nghĩa).

Rất may là "Hội đồng hoàng gia" này cũng còn biết chừa một con đường để không tự chuốc lấy sự phản đối. Hiến pháp do họ lập ra nêu rõ "từ bỏ quyền tranh chấp lãnh thổ vương quốc Sedang vì không có cơ sở thực tế". Chỉ tồn tại dưới dạng danh xưng, như một trò đùa vui dành cho những kẻ rỗi nghề háo danh, không có khả năng gây tranh chấp hay phiền toái ngoại giao, cho nên nó đã không bị bất kỳ một chính phủ, chính thể nào phản đối hay nghiêm cấm tồn tại.

Một điều kỳ quặc là, dù chỉ tồn tại trên những tấm giấy tiêu đề không hề được bất kỳ một chính quyền nào thừa nhận, cái gọi là "Hội đồng Hoàng gia Sedang" vẫn mang trong lòng nó đầy đủ những: âm mưu cung đình thật sự, bao gồm cả đảo chính, tranh tước đoạt ngôi... dẫn đến tình trạng khẩn cấp y như thật.

Ngày 13/6/1997, "Công tước" Derwin JKW Mak từ chức Tể tướng và danh hiệu "Hoàng tử nhiếp chính", như tuyên bố mục đích là để dành thời gian cho việc nghiên cứu lịch sử vương quốc Sedang và lịch sử David de Mayréna. Ông ta đặt ra chức danh Nguyên soái đại hội Hoàng gia và trao nó cho Kasara Budruk. Theo quy định, chỉ có người sáng lập "Hội đồng Hoàng gia Sedang" là Derwin JKW Mak mới được sử dụng và in tiêu đề "Hoàng tử nhiếp chính Sedang", trước khi tìm được hậu duệ đích thực của Mayréna. Những người kế vị ông ta, từ Kasara Budruk về sau chỉ được sử dụng tiêu đề "nhiếp chính lâm thời".

Sau khi đóng tiền và nhận được các tước hiệu, đồng thời thỏa thuận được việc tiếp kiến với hoàng tử nhiếp chính, một nhóm thành viên "Hội đồng hoàng gia Sedang" người châu Âu đã lên tiếng đả kích mạnh mẽ đối với "hoàng tử nhiếp chính", Công tước Derwin JKW Mak. Nhóm này tập hợp quanh một "hầu tước Sedang" tên là Finn đòi tay cựu đại tá phải nhường quyền nhiếp chính, đưa Finn lên hàng "Hoàng tử nhiếp chính Sedang", không công nhận quyết định trước đó của Hoàng tử nhiếp chính duy nhất - người đã ký giấy công nhận phẩm trật quý tộc cho họ. Hàng loạt động thái mạ lỵ, xúc phạm, dọa dẫm đã nổ ra giữa hai phái Bắc Mỹ và Tây Âu trong "Hội đồng Hoàng gia Sedang". Nhóm sáng lập Hội đồng lập tức ra tuyên bố gọi đây là "sự phản bội".

Lấy tư cách hoàng tử nhiếp chính duy nhất và là người sáng lập "Hội đồng hoàng gia Sedang", tay cựu Đại tá người Đức đã ra tuyên bố thu hồi tất cả những tước hiệu đã ban cho nhóm Tây Âu, đồng thời hủy bỏ tất cả các cuộc hẹn tiếp kiến đã sắp lịch (ngoại trừ với các "quý tộc" người Bỉ và người Pháp). Phía "những kẻ bị từ chối" cũng không vừa. Khi bị từ chối, họ tuyên bố ly khai, đòi giành quyền lập một "Hội đồng Hoàng gia Sedang" riêng. Để ngăn chặn, ngày 26/9/1997, "Công tước Sedang" Derwin JKW Mak và Nguyên soái đại hội Kasara Budruk đã ban bố tình trạng khẩn cấp dân sự kéo dài vô thời hạn. Một loạt biện pháp "phản và chống đảo chính" được tiến hành nhằm ngăn chặn phe ly khai lôi kéo lực lượng. Tất cả những người đã được phong tước đều bị "Hội đồng hoàng gia" thẩm vấn để xác định... mức độ trung thành.

Derwin JKW Mak cũng tuyên bố ngừng ban hành (thực chất là bán) tước hiệu "quý tộc Sedang" kể từ 26/9/1997. Đến tận hôm nay, hơn một thập niên sau "sự biến", tình trạng khẩn cấp dân sự này vẫn chưa được dỡ bỏ, dù Hoàng tử nhiếp chính được tân hiến pháp ban hành ngày 6/11/1998 công nhận là hoàn toàn có quyền thay đổi tình trạng này.

Sự hỗn loạn đã khiến cái gọi là "Hội đồng Hàng gia Sedang" biến thành một sân khấu đầy những màn bi hài kịch, khiến ngay cả những người liên quan thật sự cũng phải xấu hổ mà từ chối dính dáng đến nó. Sau một thời gian nghiên cứu và tìm kiếm, năm 1999 hai "nhà sử học hoàng gia" là Michel Grasseler, một nhà phả hệ học người Pháp và Vicomte Claude Chaussier dit de Neumoissac, một sử gia người Bỉ đã lần ra dấu tích hậu duệ của David de Mayréna. Đó là gia đình một người Pháp tên là Romaric David. Ông này có bốn người con, 3 trai và một gái. Trong số này, Michel David, một luật sư được xác định là cháu đích tôn gọi Marie đệ nhất bằng cụ kỵ.

Nhờ những phát hiện này, "nhà sử học hoàng gia Sedang" M. Grasseler đã được Nguyên soái nhiếp chính Kasara Budruk tặng thưởng huân chương Hoàng gia Sedang, đồng thời được yêu cầu cùng với người đồng nhiệm tìm cách liên hệ và mời mọc các hậu duệ của David de Mayréna tham gia Hội đồng hoàng gia. Chẳng quan tâm gì đến một di sản không ai thừa nhận, luật sư Michel David, người cháu đích tôn của ông vua sáng lập vương triều đã dứt khoát từ chối danh hiệu "Hoàng tử Sedang" mà Hội đồng "vinh dự trao lại". Những thành viên khác trong gia đình thậm chí còn tỏ thái độ quyết liệt hơn, từ chối mọi tiếp xúc với các nhà sử học hoàng gia để nghe xưng tụng về những hư danh mà họ không màng tới.

Tất nhiên, những kẻ lập nên Hội đồng Hoàng gia Sedang không hoàn toàn vì háo danh mà bỏ quá nhiều thời gian, công sức, nếu như họ không nhìn thấy cái lợi của cú đầu cơ. Không tiếp tục ban tước để thu tiền, họ có cách kiếm tiền khác nhờ bám vào cái tên của "Vương quốc Sedang" đã chết non từ hơn trăm năm trước. Việc đầu tiên sau khi thành lập Hội đồng Hoàng gia và tự ấn định cho mình quyền khai thác tiêu đề "Hoàng tử Sedang", cựu Đại tá Derwin JKW Mak đã cho in ngay 3 con tem Sedang kiểu mới với 3 mệnh giá 25 centime, 50 centime và 1 Piastre, dành cho mình độc quyền phát hành loại tem này với giá 2 hoặc 3 USD, tuỳ theo loại.

Để tránh bị luật pháp gây khó dễ, các thương vụ mua bán đều không nhận tiền mặt, chỉ thanh toán bằng séc hoặc chuyển khoản theo địa chỉ đại lý của viên cựu Đại tá ở địa chỉ ISFAA, 711 Bay Street, suite 517, Toronto, Ontario M5G2J8, Canada. Tem 25 centime có màu đen, giữa có hình đại bàng đen nắm chìa khoá vàng, tượng trưng cho chính... tay cựu Đại tá, người đang nắm quyền Hoàng tử nhiếp chính Sedang. Tem 50 centime màu đỏ, có hình con rồng, biểu tượng của Hoàng đế Trung Quốc và Việt Nam. Tem 1 Piastre màu xanh lam, giữa có hình sư tử mặc một giáp đồng trên lưng tượng trưng cho vương quốc Sedang. Bản thân sự mộ tả, lý giải đã cho thấy một hiểu biết pha trộn hổ lốn và bộc lộ tính chất vừa hiếu danh vừa vụ lợi của kẻ đang cố vẽ lại ánh hào quang từ một thây ma. Ngoài ra, Hội đồng Hoàng gia còn cho đúc 13 loại huy chương huy hiệu khác nhau để bán chúng cho người sưu tập với giá từ 2-48 USD mỗi chiếc.

Tất cả những trò nhố nhăng xung quanh cái gọi là vương quốc Sedang chẳng hề gây được chút ảnh hưởng hay quan tâm nào đối với những người Sedang chất phác ở Tây Nguyên Việt Nam. Chỉ có sự nỗ lực của chính đồng bào Sedang và chính sách quan tâm của Nhà nước, xã hội mới từng bước giúp đời sống của đồng bào khá lên, phát triển. Trước ngày thủy điện Plei Krong tích nước, nhiều làng Sedang vùng Đăk Hà đã di dời về khu định cư mới khang trang. Ở đó, cuộc sống mới đang bắt đầu và sáng lên theo màu ngói đỏ của những ngôi làng tái định cư. Ánh sáng đang bừng lên từ màu ngói mới chứ không hắt ra từ những âm mưu, sự bịp bợm mượn danh xưng hào nhoáng của một vương triều nào đó!

vnmission
17-05-2011, 21:15
Trên eBay xuất hiện không chỉ tem không răng:

132800

Mà cả tem thuế:

132801

Nay mai, chắc sẽ có tem Specimen!?

Angkor
29-04-2012, 11:58
Dù là tem không chính thức, nhưng nó đã kết thúc với giá 30Eur cho bộ tem như hình dưới đây:

http://i39.photobucket.com/albums/e151/nguyen77/d2b2976e.jpg

vnmission
21-11-2012, 21:12
nếu so với bản viết tay sau đây của nhân vật thì nhiều khả năng không phải, vì một chữ nghiêng trái, một chữ nghiêng phải:

178012

Desroussaux cho rằng đó có thể là chữ của Mercurol, hoặc viết tắt của chính chữ Mayrena
Các bác thử so sánh với chữ này xem sao?

178013

Theo thông tin của bác Rồng đăng trên trang chủ của VS:

Năm 1861, Mayréna có mặt trong đạo quân viễn chinh Pháp xâm lăng Nam Kỳ. Sau đó, Mayréna về Pháp, rồi phiêu lưu sang Java, Sumatra bấy giờ thuộc đế quốc Hòa Lan.

Năm 1885, Mayréna trở lại Nam Kỳ, khai thác đồn điền ở vùng giáp ranh Nam Kỳ và Trung Kỳ.

Bì thư trên được gửi từ Sài Gòn ngày 12-3-1886 đi Paris, có lẽ đúng là của Mayréna. Một chứng tích thú vị!

The smaller dragon
22-11-2012, 01:06
Vnmission có thể cho biết xuất xứ của phong bì trên đây không? Cám ơn trước.

The smaller dragon
22-11-2012, 06:32
Tôi mới mua hai tem Sedang vì lý do thế này:

1. Tem thứ nhất có dấu lạ, và nét bút máy vẽ trên tem.
2. Tem Sedang ấn bản địa phương 1888 (hiếm hơn loại in tại Paris 1889) với dấu nối (-) trong đơn vị tiền tệ.

178022

178023


Nên nhớ thời nay vẫn có những kẻ tự nhận là "hậu duệ" Vua Sedang để in tem, làm phong bì kỷ niệm... kiếm bạc cắc. Mấy cái này không giá trị gì cả. Mua chỉ để làm tài liệu về một sự bất lương mà thôi!

178024

vnmission
22-11-2012, 11:32
Vnmission có thể cho biết xuất xứ của phong bì trên đây không? Cám ơn trước.
Kính bác Rồng, bì thư đó được bán trên eBay (Item number: 400340150617). Người bán không chú thích gì liên quan tới Mayrena, có lẽ vì không biết, giá khởi đầu cũng chỉ 99 cents. Vậy mà vẫn có 7 người tham gia đấu giá, kết thúc ngày 20/11/2012 ở giá $44.00 (chỉ có mặt trước của bì thư).