PDA

View Full Version : Thông tin về LKV


The smaller dragon
29-03-2010, 18:34
Nhân lời yêu cầu của vnmission, hôm nay, tôi chia sẻ một số thông tin về tem LKV theo tài liệu của một số lãnh đạo LKV mà tôi đã đọc và nhất là qua kinh nghiệm của chính gia đình cùng bản thân.

Khoảng năm 1945-46, gia đình tôi từ thị xã Thanh Hoá rời về làng Ba Bông theo chính sách "tiêu khổ kháng chiến" của chính phủ. Ba tôi mua một miếng đất rộng khoảng 3 mẫu tây xa làng, dưới chân núi và có một con hón (tiếng địa phương, tức là sông nhỏ) bao quanh, lập thành một trang trại trồng ngũ cốc (trong đó có gạo dự, là một loại gạo ngon của Thanh Hoá, ăn một lần là nhớ đời!) và các loại cây ăn trái, nuôi gà vị trâu bò, và nhất là trồng thuốc lá.

Ba tôi trồng và sản xuất thuốc lá từ A đến Z: gieo hạt, trồng cây, ủ lá, sao tẩm lá, quấn thuốc (dùng đũa quấn, thuê người làng làm chuyện này), vào bao (bao thuốc in có kim nhũ) lấy hiệu là "Yên Hà." Thuốc lá Yên Hà trong mấy năm đó rất nổi tiếng vì nhẹ và mùi thơm đặc biệt, nhiều người ở xa đi thuyền đến trại của Cụ phải ăn ở tại trại hàng tuần lễ chờ mua thuốc vì thuốc phải quấn tay, và mỗi người chỉ được mua năm ba bao mà thôi. Ðây là chi tiết quan trọng mà tôi còn nhớ: thời gian ấy có những lá thư của cán bộ, các UBHC có dán tem gửi về trại ở Ba Bông của Cụ đặt mua thuốc!

Cho nên, tôi khẳng định trên thực tế những năm cuối thập niên 1940 có thư dán tem LKV. Lúc ấy có hai nhà máy giấy tên là Việt Thắng và Ngô Mây ở Quảng Ngãi và có nhà in in tài liệu sách báo kháng chiến và tiền (lúc ấy mệnh danh là "tín phiếu"). Nhà in in tín phiếu thì cũng in tem được. Giấy in tín phiếu thì cũng in tem được!

Năm 2002, tôi có viết một tài liệu ngắn để xác định có dòng tem LKV. Nhưng tôi không có tem hay phong bì thực gửi của LKV. Tôi biết những vật phẩm bưu chính LKV này ngày nay rất hiếm vì suốt những năm kháng chiến và đất nước chia đôi, rồi chiến tranh lại tiếp diễn, thử hỏi ai còn giữ được những cánh thư mỏng manh hay những con tem trên giấy thủ công? Nhưng tôi có một bộ sưu tập nhỏ những tín phiếu, có thể sử dụng để xem tem LKV thật hay giả khi chúng ta so sánh với loại giấy in tem. Không có tem LKV thật, nhưng tôi có khoảng 30 phong bì gác bếp. Tôi phải phục người làm giả những phong bì và tem LKV này, vì sự hiểu biết những sự kiện lịch sử thời kháng chiến và sự khéo tay của họ (một cụ Chương nào đó?!)

Hôm nay, tôi chỉ chia sẻ phần Giới Thiệu tem LKV. Kinh nghiệm bài viết của tôi về bưu thiếp Nam Bắc hồi năm 1999 đã khiến cho kẻ xấu làm giả bưu thiếp để lừa giới sưu tầm tem trong nước và trên eBay khiến việc thông tin và chia sẻ nên thận trọng! Tôi cũng gửi đến mọi người hình ảnh một vài tín phiếu của LKV thời bấy giờ, các loại 5đ, 100đ, 500đ, và 1,000đ.

88607

88608

88609

88610

88611

vnmission
30-03-2010, 23:08
Chỉ là phần “giới thiệu,” nhưng vài nét chấm phá của bác Rồng đã dựng lại toàn bộ khung cảnh Liên khu V thời đó.

Sẽ thật đáng tiếc nếu bác dừng lại ở đây. Mong bác cân nhắc thêm vì các lý do sau:

1. Nếu một người thực sự muốn đọc nốt bài viết của bác, người đó có thể tìm được, vì đây là một tác phẩm đã được xuất bản;

2. Để làm giả tem/bì thư không dễ, ngoài kiến thức còn cần giấy, mực… phù hợp. Cứ cho là họ làm được đi, nhưng nếu một người sưu tập mua một món đồ đắt giá mà không xem kỹ có phải đồ thật không, người đó thật đáng trách!

3. Không thể phủ nhận mặt tích cực của tem giả. Như bác Lư Tích Nguyên đã nói rất rõ:
Tôi thường chủ trương, đồ giả cũng có thế mua, miễn giá rẻ, mua để làm tài liệu, so với cái thiệt, không có giả thì không so ra thiệt, không có đẹp thì làm sao biết cái xấu xí.

Hơn nữa, kinh nghiệm ở một số nước khác cho thấy, tem giả cũng góp phần phát triển thú chơi tem; nhiều trường hợp tem giả đắt hơn tem thật dù ai cũng biết là đồ giả (như các tác phẩm của Sperati).

4. Người sưu tập ở Việt Nam sẽ ngày càng xa lánh tem LKV, vì sợ mua phải đồ giả. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất!

Nói vậy thôi, nhưng nếu là bác tôi cũng không đưa toàn bộ bài viết lên đây, vì như vậy rất có thể sẽ tự làm mất bản quyền của mình. Chỉ mong bác xem lại có thể chia sẻ thêm được gì, và nếu có thời gian, thì tiếp tục chia sẻ với các thành viên.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn bác!

hat_de
31-03-2010, 15:39
Hôm nay sau vài ngày nghỉ ngơi khỏi các vấn đề bưu chính phức tạp, và sau khi viết 1 bài trong topic chuyên đề 12 cung Hoàng Đạo (http://vietstamp.net/forum/showthread.php?p=99037#post99037) <=== cho thư giãn, gk lại dịch nốt tài liệu bác Rồng đã chia sẻ

Nhân lời yêu cầu của vnmission, hôm nay, tôi chia sẻ một số thông tin về tem LKV theo tài liệu của một số lãnh đạo LKV mà tôi đã đọc và nhất là qua kinh nghiệm của chính gia đình cùng bản thân.


và như nhận xét của anh vnmission

Chỉ là phần “giới thiệu,” nhưng vài nét chấm phá của bác Rồng đã dựng lại toàn bộ khung cảnh Liên khu V thời đó.


gk thấy rằng dù dịch ko giỏi nhưng cũng nên cố, bởi có thể nhiều bạn trẻ quan tâm tới sưu tầm truyền thống nhưng trình độ tiếng chưa đủ để tiếp cận nội dung tài liệu bằng tiếng Anh của bác Rồng.

Vì tài liệu của bác Rồng ban đầu được viết để các nhà sưu tầm quốc tế đọc, còn với bạn tem VN thì ít nhiều họ cũng nắm được lịch sử VN, vậy nên gk mạn phép được dịch thoáng và bố cục lại

Lời giới thiệu

Sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, Hồ Chí Minh - chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam và các lãnh đạo rời HN lên một khu rừng rậm gọi là Việt Bắc gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc để bắt đầu cuộc chiến tranh Đông Dương. Chiến tranh nổ ra và kéo dài mãi tới năm 1954 khi hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết.

Trong suốt giai đoạn đó một hệ thống 2 chính quyền cùng song song tồn tại. Một của người Pháp có tại các thành phố và thị trấn, một do Bác và các đồng chí ở những vùng nông thôn. Liên Khu 5, còn được (gọi tắt là LKV), là 1 khu vực rất rộng bao gồm 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi & Quảng Nam - Đà Nẵng) được tổ chức như 1 khu vực tự trị trong suốt cuộc chiến tranh.

Đứng đầu Liên Khu 5 là đồng chí Phạm Văn Đồng, một trong những lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng Sản Việt Nam, người sau này trở thành thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trong 1 thời kì rất dài, từ 1954 - 1986. Ở giai đoạn đó đ/c Phạm Văn Đồng lãnh đạo LK5 cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng một người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, khi ấy cụ là phó chủ tịnh chính phủ lâm thời. Đó là 1 hành động rất khôn khéo, bởi khi ấy người dân 4 tỉnh đó không biết nhiều về Phạm Văn Đồng và chưa sẵn sàng chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, nhưng họ rất kính trọng Huỳnh Thúc Kháng - một nhà trí thức nổi tiếng đã từng đỗ Tiến sỹ tại Huế năm 1904.

Sau khi rời HN, chính phủ trung ương, lãnh đạo bởi chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn thuần chỉ là 1 nhóm các chiến sỹ kháng chiến sống tại khu vực ẩn náu an toàn gọi là An Toàn Khu (viết tắt là ATK) tại 1 khu vực miền núi gọi là Việt Bắc (Miền Bắc của VN). Trên thực tế Bác và các đồng chí của mình thường xuyên phải di chuyển từ khu rừng này sang khu rừng khác để tránh sự tấn công của quân Pháp. Nguồn cung cấp nhu yếu phẩm duy nhất đối với họ chính là những người dân sống quanh đó. Họ đã trở thành tự trị và các chính quyền địa phương cũng vậy.

Đó chính xác là những gì diễn ra tại Liên Khu 5. Bị quân Pháp vây quanh nên nó đã trở thành khu hành chính tự trị đặt cơ quan đầu não tại Cho Chu, một khu vực cách Quảng Ngãi chừng 10 km. Trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn, "chính phủ" Liên Khu 5 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng đã chứng tỏ được cơ cấu tổ chức đó rất tinh nhuệ và hiệu quả. Liên khu 5 có khả năng tự cung tự cấp trên mọi lãnh vực: lương thực thực phẩm, vải vóc, giấy in, vũ khí và thậm chí cả tiền giấy. Họ đã thiết lập nhiều cơ quan chuyên trách để điều hành liên khu. Phòng thông tin và tuyên truyền, phòng cung ứng vũ khí và thiết bị quân sự, phòng giáo dục và hơn thế nữa...Nhiều trường học được mở ra cho trẻ em và binh lính (nhiều người trong số này ko biết chữ). Họ sản xuất ra vải bằng việc trồng bông tại Phú Yên. 2 nhà máy giấy đã được xây dựng, một là Việt Thắng & 2 là Ngo May (tên 1 chiến sĩ anh dũng hy sinh trong chiến đấu) ở tỉnh Quảng Ngãi để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống & hoạt động của chính phủ LKV. Một số nhà máy in được xây dựng trong cả 4 tỉnh để in sách, tạp chí và các công cụ tuyên truyền. Chất lượng của những ấn phẩm này ko tồi chút nào, sách có hình minh hoạ và bìa màu nhờ kỹ thuật khắc trên gỗ. Nhờ đó các cụ còn in được cả tín phiếu (như hình minh hoạ trên kia). Ngày ấy đ/c Phạm Văn Đồng ký các tín phiếu đó với tư cách là đại diện của chính phủ trung ương Liên Khu 5.

- 4000 đ tương đương với 1 con trâu
- 300 đ đổi được 1 mét vải
- 200 đ là có 1 bữa tối ngon lành.

Nhưng binh lính và công nhân ko được nhận tiền công hàng tháng bằng tín phiếu. Thay vào đó họ được nhận gạo, từ 20-25 kg mỗi người.

Trong hoàn cảnh ấy nhiều phòng bưu chính và viễn thông được thiết lập tại những địa phương khác nhau.

- Ở cấp độ liên khu đó là Sở bưu điện Liên Khu 5.
- Ở cấp tỉnh có rất nhiều Bưu điện cục

Tem Liên Khu 5 đã được in và phát hành để trả tiền gửi thư, ấn phẩm và những hàng hoá khác tại các "Bưu điện cục" hoặc tại "Sở bưu điện LK5". Giá mặt của tem LK5 bằng thóc cũng là điều dễ hiểu vì lương ngày ấy được trả bằng thóc

(dân ta hay có cụm từ "quy ra thóc" xem ra là 1 thành ngữ hay :D)

Nào, bi giờ chúng ta trở lại với những cái mà của giới ngâm cứu bưu chính gọi là bì thư LK5 xuất hiện trên thị trường thị trường Việt Nam, Mỹ, Pháp, Đức và Thái Lan.

- Liệu chúng là hàng xịn
- Hay chúng là đồ rởm
- Hoặc là Cinderella

Với những gì tôi được biết thì không ai dám khẳng định chắn chắn nó là thế nào. Có nhiều lý do cho kết luận mập mờ đó là thời chiến, LK5 là khu vực tự trị, chẳng có bì thư giao dịch thông thường nào có thể con tới giờ để chứng tỏ sự tồn tại của hệ thống bưu chính đã từng hoạt động. Bởi những gì diễn ra trong cuộc kháng chiến được coi là bí mật, thậm chí là vấn đề "an ninh quốc gia". Không ai trong số chúng ta có thể kết luận theo cách này hay cách khác.

Tôi rất nghi ngờ về việc cho rằng các bì thư LK5 xuất hiện trên thị trường thế giới trong vòng 10-15 năm trở lại đây là bì thư (commercialized mail) - loại bì thư thực tế được chuyển từ người gửi tới người nhận qua các bưu cục liên khu 5. Tôi cho rằng đó hoàn toàn là những bì sưu tập, loại bì được tạo bởi người chơi hoặc 1 nhà đầu cơ nào đó làm việc trong bưu điện liên khu 5 thời chiến tranh. Giả thiết của tôi là những người đó đã sử dụng tem và con dấu LK5 để làm lên những phong bì rất thú vị phản ánh các sự kiện diễn ra trong giai đoạn 1947 - 1954 tại Liên Khu 5. Vì thế những nhà nghiên cứu bưu chính có trình độ tại Mỹ đã rất hào hứng tìm kiếm sau khi những bì thư philatelic đó. 1 số lượng lớn bì thư giả đã được sản xuất tại HN những năm gần đây.

(1 số bạn trẻ VN ta chưa quen với khái niệm commercialized cover & philatelic cover, gk xin được giải thích thêm:
- commercialized cover: là bì thực tế được gửi, gọi là bì thực gửi đó
- philatelic cover: là bì sưu tầm, tem thật, bì thật, dấu thật làm để chơi, thậm chí hàng chục năm sau mới làm)

Nhưng cho dù thế nào, với con mắt tinh tường của những nhà nghiên cứu bưu chính họ sẽ nhận ra đâu là bì Liên khu giả và đâu là những bì liên khu dạng philatelic.

5 năm trước 1 nhà buôn tại Cali chào tôi 1 bì LK5 với dấu bưu địên vẽ bằng tay 1 cách vụng về. Thật ko thể tin nổi =))

Dẫu cho những bì thư LK5 chưa từng được gửi bằng con đường bưu chính, thì chúng dường như là chương kết tiếp của món tem Sê-đăng để phản ánh một lịch sử bưu chính vô cùng phức tạp và phong phú của Việt Nam.

Trần Anh Tuấn
Hộp thư số 1413
Alameda, Califonia 94051
E-mail: att411@attbi.com

do trình độ còn non yếu nên bản dịnh còn chỗ nào chưa chỉnh mong bác bác thông báo để các bạn tem trẻ nếu có nghiên cứu món này nắn lại kiến thức của mình :)

Các vấn đề khác anh vms đã nêu cụ thể 1-4 tạm thời gk chưa dám bàn.

Cảm ơn các bác đã chia sẻ các nghiên cứu của mình.

vnmission
11-04-2010, 22:15
Bác Rồng mở ra một hướng đi mới mẻ cho những người muốn tìm hiểu về tem Liên khu 5, đó là so sánh giữa tem và tiền. Nếu tôi không nhầm, LKV là địa phương duy nhất có tín phiếu/tiền và tem riêng, gần như độc lập với chính phủ trung ương.

Như bác Rồng đã giới thiệu, ở Quảng Ngãi bấy giờ có hai nhà máy giấy, Việt Thắng và Ngô Mây.

Được biết LKV cũng có không ít nhà máy in, như Nhà xuất bản Sự Thật, Nhà in Sao Vàng, Cơ quan in bạc Tín phiếu…, đóng tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão thuộc tỉnh Bình Định. (Nguồn: Xuân Mai, Bình Định và sứ mệnh thủ phủ Liên Khu 5 kháng chiến, http://www.sinhvienbinhdinh.vn/diendan/showthread.php?t=9091).

Theo tác giả Trần Quỳnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, “mỗi tỉnh còn có báo địa phương, bản tin in lyto, in zénatin.” (Nguồn: Trần Quỳnh, Liên khu V, http://www.cinet.gov.vn/Vanhoa/chuyende/55vhtt/vanhoa/lk5.htm).

Theo ông Trần Nguyên, tem LKV được in tại “Nhà máy in LKV,” có lẽ nên được hiểu là “in tại LKV,” còn nhà máy có thể là bất kỳ cơ sở nào nêu trên.

Sự đa dạng về nguồn giấy (ít nhất có hai nhà máy giấy tại địa phương, không kể có thể còn có nguồn khác), về cơ sở in ấn cũng như về kỹ thuật in cho thấy việc so sánh tem với tiền không dễ dàng. Nhưng đây là một hướng đi có triển vọng vì hoàn toàn mang tính khoa học.

Nhân đây, xin được hỏi bác Rồng và các bác trên diễn đàn:

- LKV có tiền riêng không, ngoài các loại tín phiếu như bác Rồng đã đưa hình?

- Tín phiếu có tiêu dùng được như tiền không? Giá trị tín phiếu/tiền LKV so với đồng VNDCCH lúc đó có tương đương nhau không? Tín phiếu này có giá trị ngoài khu vực LKV không?

Những thông tin này sẽ có ích cho những người muốn tìm hiểu về tem và bì thư LKV.

The smaller dragon
12-04-2010, 01:06
Vnmission đặt vấn đề rất hay.
Hôm nay cuối tuần, tôi cần đưa nhà tôi đi mua sắm và thăm người nhà, cùng theo dõi ngày chung kết giải vô địch golf "The Masters" của Mỹ mà Tiger Woods, tay golf số một thế giới, tham dự sau 41/2 tháng vắng bóng trên sân. Tiger chính là tên Việt Nam đó! Nguyên Earl Woods, một quân nhân trong quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam và là cha của Tiger, có người bạn thân là một quân nhân VN tên là "Hổ." Khi sinh con, Earl Woods lấy tên bạn đặt tên con để kỷ niệm tình bạn giữa hai người!
Vì thế, tôi sẽ trả lời vnmission sau. Ðọc tài liệu về LKV do vnmission giới thiệu, tôi thấy tác giả Trần Quỳnh có đề cập đến một quyển sách tựa đề Nam Trung Bộ Kháng Chiến. Có ai giúp tôi mua được quyển sách này không? Xin cám ơn trước.

hat_de
12-04-2010, 09:40
Việc nghiên cứu và so sách tem, tiền cho chúng ta 1 số ý tưởng mới trong khám phá bưu chính hay tài chính xưa. Trong giới sưu tầm có rất nhiều người có cả 2 sở thích này, vì thế việc so sánh cũng hay được tiến hành. Trong diễn đàn sưu tầm tiền là 1 ví dụ, trong đó có bác nt ko rõ bác nào những cũng nhiều món giá trị lắm. Trở lại vấn đề

Bác Rồng mở ra một hướng đi mới mẻ cho những người muốn tìm hiểu về tem Liên khu 5, đó là so sánh giữa tem và tiền.

mời các bác xem :D

8986289863

bên tài chính khi nào cũng sắc nét hơn bên bưu chính

Nếu tôi không nhầm, LKV là địa phương duy nhất có tín phiếu/tiền và tem riêng, gần như độc lập với chính phủ trung ương.

có lẽ là vậy, trên tiền thường có dòng VNDCCH nhưng luôn có chữ kí của 1 đạ diện CP TW và 1 đại diện Ủy ban hành chính Trung Bộ. Không rành về tiền lắm nhưng gk đoán ở đây có sự độc lập 1 cách tương đối giữa TW và LKV, như nhận định của bác vms

còn vấn đề này

Sự đa dạng về nguồn giấy (ít nhất có hai nhà máy giấy tại địa phương, không kể có thể còn có nguồn khác), về cơ sở in ấn cũng như về kỹ thuật in cho thấy việc so sánh tem với tiền không dễ dàng. Nhưng đây là một hướng đi có triển vọng vì hoàn toàn mang tính khoa học.

Nhân đây, xin được hỏi bác Rồng và các bác trên diễn đàn:

- LKV có tiền riêng không, ngoài các loại tín phiếu như bác Rồng đã đưa hình?

- Tín phiếu có tiêu dùng được như tiền không? Giá trị tín phiếu/tiền LKV so với đồng VNDCCH lúc đó có tương đương nhau không? Tín phiếu này có giá trị ngoài khu vực LKV không?

Những thông tin này sẽ có ích cho những người muốn tìm hiểu về tem và bì thư LKV.

Chắc bác Rồng cũng giải đáp được, tuy nhiên nếu rảnh anh vms xem các mục tiền/ tin phiếu LKV bên đàn tiền sẽ thấy rất lý thú

Vnmission đặt vấn đề rất hay.

và cần thêm bác Rồng ra tay :D

còn vấn đề này

Vì thế, tôi sẽ trả lời vnmission sau. Ðọc tài liệu về LKV do vnmission giới thiệu, tôi thấy tác giả Trần Quỳnh có đề cập đến một quyển sách tựa đề Nam Trung Bộ Kháng Chiến. Có ai giúp tôi mua được quyển sách này không? Xin cám ơn trước.

2 bác Rồng và bác vms khi nào rảnh ghé 2 đàn tiền lớn dành cho người VN này nhé

http://forum.viet-numis.com/

http://tienvietnam.net/forum/

L-) cái này của anh bạn trẻ Youngboss1, còn cái trên tuy già cỗi hơn nhưng rất đậm đà. Giữa Viet-numis & YB có 1 khoảng cánh (1 câu chuyện xưa) hiện tại 2 nơi đều nỗ lực cống hiến cho giới sưu tầm và có những tư liệu quý để tham khảo.

Chúc các bác 1 tuần làm việc hiệu quả :D

The smaller dragon
17-04-2010, 19:37
...Vì thế, tôi sẽ trả lời vnmission sau. Ðọc tài liệu về LKV do vnmission giới thiệu, tôi thấy tác giả Trần Quỳnh có đề cập đến một quyển sách tựa đề Nam Trung Bộ Kháng Chiến. Có ai giúp tôi mua được quyển sách này không? Xin cám ơn trước.

Tôi chờ mãi mà không thấy ai đáp lời nên cũng...oải, và chậm trả lời!
Trở lại với thắc mắc của Vnmission, thì tín phiếu chính là một hình thức của tiền bạc đó! Nguyên lúc ấy đang kháng chiến giành độc lập và quân Pháp bao vây các vùng giải phóng. Sự thông tin liên lạc giữa các vùng hậu phương với nhau và với Trung Ương rất khó khăn, nếu không nói là gián đoạn hoàn toàn, nên ở đâu thì tự túc ở đó. LKV lúc ấy không thể nhận được tiền giấy cũng như tem gửi thư từ chính phủ Trung Ương nên đã phải tự in tín phiếu để thay tiền (địa phương không được phép phát hành tiền giấy.) Hãy để ý đến chi tiết "đồng" trên tín phiếu: "năm đồng, một trăm đồng, một nghìn đồng..." mà không phải là tiền thì là gi?!
Thực hiện những biện pháp này, tôi nghĩ LKV không phải là "độc lập" với chính phủ Trung Ương, mà chỉ là "tự túc," theo chỉ thị của chính phủ Trung Ương mà thôi. Trên những tờ tín phiếu, chúng ta đều thấy chữ ký của "Ðại diện chính phủ Trung Ương" bên trên "Ðại diện UBHC Trung Bộ" mà!


90262

hat_de
17-04-2010, 20:01
nhân có tin mới về mục này & được biết tại đây
http://tienvietnam.vn/forum/showthread.php?p=2062#post2062
bạn trẻ YB giới thiệu rất nhiều tìn phiếu LK 5 sưu tập được
nên mạn phép chia sẻ cùng các bác, nhân tiệp up mặt có bác của 1 vài tờ

90263

một số loại in ko được tinh xảo cho lắm

90264

hình bác nhiều lúc ... rất thô sơ nếu ko muốn nói là trông rất sợ

90265

90266

90267

90268

90269

90270

90271

90272

90273

tuy thô sơ nhưng vẫn có những tờ mang hình chìm

90274

thậm chí có hình chìm của loại sao cánh béo nữa, các bác có thể tham khảo tại link kia
còn về chân dung chủ tịch, 1 số đồng có hình bác nhìn nghiên gần giống với hình trên tem
hy vọng sớm tìm được những nghiên cứu bao quát hơn nữa về LKV

vnmission
17-04-2010, 23:08
- 4000 đ tương đương với 1 con trâu
- 300 đ đổi được 1 mét vải
- 200 đ là có 1 bữa tối

Không hiểu mặt bằng giá cả tại miền Bắc thời đó thế nào, có tương đương không? Tôi nghĩ tại LKV thời đó đồng tiên được lưu hành chắc không chỉ là tín phiếu, mà cả tiền VNDCCH (dù có thể không nhiều) và tiền Đông dương (do tại một số nơi, vùng tự do và vùng Pháp tạm chiếm xen kẽ nhau). Việc nghiên cứu về tiến tệ thời kỳ này, do đó, không hề dễ dàng.

Một vấn đề nữa cần đặt ra là khi miền Bắc đổi tiền, giá trị tín phiếu LKV có thay đổi theo không? Tôi chắc là có, song có một độ trễ nào đó. Điều này cũng còn tùy thuộc tín phiếu LKV được lưu hành từ (những) thời điểm nào.

Một số chuyên gia cho rằng, cước phí bưu chính tại LKV nhìn chung rẻ hơn tại miền Bắc. Đây cũng sẽ là một đề tài không dễ chút nào, vì 3 lý do chính:

Thứ nhất, tem LKV đã hiếm, bì thư LKV còn hiếm hơn. Một vài bì thư do ông Theo Klewitz giới thiệu (1955) thì hình đen trắng rất mờ, khó lòng lấy làm cơ sở xét đoán được điều gì.

90294
(Cước 30đ x 10 = 300đ, có thể tương đương khoảng 1/2 so với tại miền Bắc)

Thứ hai, cước phí VNDCCH thời kỳ này thay đổi rất nhiều:

90293
(Thông tin tổng hợp của ông Jean Goanvic)

Đây là lý do chính khiến tem LKV mệnh giá 1đ và 5đ khi in ra đã bị lạc hậu, phải in đè giá mới hoặc chuyển thành tem sự vụ.

Và thứ ba, tuyệt đại đa số các tài liệu, văn bản (nếu có) thời đó của LKV đã được hủy trước khi cán bộ ta tại LKV tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneva.

Vậy nên tôi chắc vẫn còn những khoảng trống cho chúng ta tìm hiểu thêm về LKV.

The smaller dragon
17-04-2010, 23:42
Giáo sư Phan Huy Lê, đương kim Chủ Tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội, có một nhận định rât đúng, là "Chỉ có người Việt tại hải ngoại mới viết đúng lịch sử người Việt tại hải ngoại." Cũng vậy, chỉ có người ở LKV mới biết được, và trả lời đầy đủ được, cho những thắc mắc của vnmission và giới chơi tem về tín phiếu, về tiền, về tem thư... liên quan đến LKV.
Một ngày đẹp trời nào đó, hy vọng những ai có quan hệ thân tộc với các cấp cán bộ LKV còn giữ được sách báo, thư từ, tài liệu... tức những hiện vật và những kỷ niệm về LKV sẽ lên tiếng giúp thanh thỏa nhiều điểm về lịch sử bưu chính của một thời kỳ đặc biệt trong địa phương đặc biệt này.

vnmission
18-04-2010, 16:52
bên tài chính khi nào cũng sắc nét hơn bên bưu chính

Việc so sánh hình mà không có vật phẩm trong tay chỉ vô ích thôi.

90350

Hình tín phiếu của bác Rồng bên trái, hình tem LKV bên phải. Có lẽ chỉ rút ra được 2 điều: (1) nhiều khả năng hai hình cùng được vẽ từ một bức ảnh; (2) Cách in khác nhau (tôi không rành về vấn đề này, hình như tem LKV in li-tô, tín phiếu in theo phương pháp khác - mong được các bạn chỉ giúp!).

hat_de
18-04-2010, 17:06
Việc so sánh hình mà không có vật phẩm trong tay chỉ vô ích thôi.

có lẽ là như vậy, vì so với 1 số Tín Phiếu LKV thì tem LK5 kém hơn về độ tinh xảo, nhưng so với 1 số Tín Phiếu khác thì xem ra chất lượng tem còn tốt hơn nhiều.

cho dù ko cầm các vật phẩm này trong tay nhưng có thể thấy lúc này bên tài chính lại thua bên bưu chính

http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=90267&d=1271508857

chất lượng in thật ... khiếp ... #:-s

http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=90268&d=1271508857

Như vậy có thể thấy trong giai đoạn đó, Tín phiếu là thứ được in ra nhiều loại hơn tem, và chất lượng cũng rất nhiều, tem nằm ở khoảng giữa. Vì thế nó có thể nét hơn Tín phiếu này nhưng thô hơn tín phiếu khác

còn vấn đề này

Hình tín phiếu của bác Rồng bên trái, hình tem LKV bên phải. Có lẽ chỉ rút ra được 2 điều: (1) nhiều khả năng hai hình cùng được vẽ từ một bức ảnh;

gk cũng cho là vậy, tài và bưu trong trường hợp trên đã cùng sử dụng 1 tư liệu

còn cái này

(2) Cách in khác nhau (tôi không rành về vấn đề này, hình như tem LKV in li-tô, tín phiếu in theo phương pháp khác - mong được các bạn chỉ giúp!).

gk ko rõ lắm, nhưng trong 1 tài liệu thấy bác Bình nói là tem được in "thạch bản", ko rõ là gì, thạch phải chăng là đá...hay là sao...mong chúng ta sớm có thêm tài liệu.

Giá bên bưu có nhiều dữ liệu như bên tài chắc chúng ta đã ko vất vả thế này. Coi bộ sưu tầm các tín phiếu LKV có thể thấy việc ra tem KV 5 thời ấy cũng ko phức tạp lắm, và cũng như tài, bưu cũng đã được sử dụng và tất nhiên là có bì thực gửi.

Vấn đề giờ là có thể tìm được 1 mẫu chuẩn để so sánh ko, có hàng trăm mẫu khác nhau thật ko biết món nào thật, và thật so với chuẩn nào #:-s.

vnmission
18-04-2010, 18:15
trong 1 tài liệu thấy bác Bình nói là tem được in "thạch bản"
Tài liệu nào vậy Dẻ? Thạch bản thì đúng là li-tô rồi.

hat_de
18-04-2010, 18:29
Tài liệu nào vậy Dẻ? Thạch bản thì đúng là li-tô rồi.

đó là 1 bài viết của bác Bình trong cuốn TCT đầu tiên của Hội tem Tp HCM
cuốn TC mừng 20 năm Hội tem tp HCM
bài viết nói về tem Bác Hồ, nhấn mạnh vấn đề tem LKV, bác Bình nói đây là 1 dòng tem có thực, in vào giai đoạn đó tuy nhiên hiện nay thật giả khôn lường. trpng bào viết bác Bình cũng nói về nhà sưu tập Ngô Đông Châu có rất nhiều tem LK5 khác nhau nhưng .. ko có món nào thật...
Tuy nhiên dung lượng bài trong tc ko nhiều nên bác Bình cũng ko viết chi tiết hơn được nữa. Bác Bình với tư cách là 1 dealer thâm niên & uy tín của 1 trung tâm tem lớn như SG hẳn được tiếp cận với nhiều nhà sưu tầm, nhiều món...mà người chơi đó đây giới thiệu...có thể nói bác Bình là 1 ngã tư nơi giao cắt của nhiều món đồ, nhiều tài liệu ... chắc bác còn sở hữu nhiều thông tin quý nữa. Rất tiếc giờ bác ko tham gia các diễn đàn tem.

Em chỉ biết có vậy :-??

dammanh
22-04-2010, 12:33
góp cùng các bác một vài tín phiếu LKV mà dammanh thu thập được vào năm 90 thế kỷ trước

90755

90756

90757

90758

90759

90760

90761

90762

90763