PDA

View Full Version : Bộ tem "Thành ngữ điển tích" (bộ II) của Trung Quốc


Poetry
02-05-2010, 16:06
Ngày 18-04-2010, Bưu chính Trung Quốc phát hành bộ tem "Thành ngữ điển tích" (bộ II) nói về điển tích của 4 câu thành ngữ:

1. Ngu Công di sơn (Ngu Công dời núi)


92213

Chuyện này ghi chép trong “Liệt Tử thang vấn”, một cuốn sách do nhà triết học tên là Liệt Ngự Khấu viết vào khoảng thế ký IV, V trước công nguyên.

Chuyện kể rằng, có một ông lão, tên là Ngu Công, đã gần 90 tuổi rồi. Trước cửa nhà ông có hai ngọn núi lớn, một ngọn tên là Thái Hàng, một ngọn là Vương Ốc, mọi người ra vào rất bất tiện.

Một hôm, Ngu Công triệu tập tất cả người trong nhà lại nói: “Hai ngọn núi này đã ngăn cản trước cửa nhà ta, ta ra cửa phải đi nhiều đường vòng oan uổng. Chi bằng chúng ta cả nhà ra sức, di chuyển hai ngọn núi này, mọi người thấy thế nào ?”.

Các con, cháu Ngu Công nghe vậy đều nói: “Ông nói đúng, từ ngày mai chúng ta bắt tay vào làm”. Thế nhưng, vợ Ngu Công cảm thấy dọn hai ngọn núi này khó quá, nên phản đối: “Chúng ta đã sống nhiều năm tại đây, làm sao lại không thể tiếp tục sống như thế này ? Huống chi, hai ngọn núi lớn như vậy, cho dù có thể di dời từng tí một, nhưng nơi nào có thể đổ nhiều đất đá xuống như vậy ?”. Lời nói của vợ Ngu Công lập tức khiến mọi người bàn luận, đây quả thực là một vấn đề. Sau cùng họ quyết định: chuyển đất đá trên núi đổ xuống biển.

Ngày hôm sau, Ngu Công dẫn cả nhà bắt đầu dọn núi. Láng giềng của Ngu Công là một bà góa. Bà có một đứa con trai, mới 17, 18 tuổi, nghe nói dời núi cũng vui vẻ đến giúp. Nhưng công cụ di dời núi của nhà Ngu Công chỉ là cuốc và gùi địu trên lưng, hơn nữa giữa núi và biển cả cách nhau xa xôi, một người một ngày không đi được hai chuyến. Một tháng làm việc, ngọn núi xem ra chẳng khác gì ban đầu.

Có một ông lão tên là Trí Tẩu, ăn ở đối xử rất tinh ranh. Ông thấy cả nhà Ngu Công dọn núi thì cảm thấy nực cười. Có một hôm, ông nói với Ngu Công rằng: “Ông đã nhiều tuổi như vậy, đi lại đã không dễ dàng, làm sao có thể dọn được hai ngọn núi này?”.

Ngu Công trả lời rằng: “Tên ông là Trí Tẩu, nhưng tôi thấy ông còn không giỏi bằng con nít. Tôi tuy đã sắp chết, nhưng tôi còn có con trai, con trai tôi chết, còn có cháu, con cháu đời đời truyền cho nhau, vô cùng vô tận. Đất đá trên núi dọn đi chút nào thì ít đi chút ấy, không thể mọc thêm được. Chúng tôi ngày nào, tháng nào, năm nào cũng dọn, làm sao không thể dọn nổi ngọn núi ?”. Trí Tẩu tự cho là thông minh nghe Ngu Công nói vậy cũng không nói thêm được lời nào.

Ngu Công dẫn cả nhà, bất kể mùa hè nóng nực hay là mùa đông giá lạnh, hàng ngày đi sớm về tối, không ngừng đào núi. Việc làm của họ cuối cùng đã cảm động Thượng Đế. Thượng Đế đã cử hai vị thần tiên xuống trần gian, dọn hai ngọn núi này. Từ đó, đường đi không còn bị trở ngại, mọi người chẳng phải đi vòng nữa.

Chuyện "Ngu Công dời núi" lưu truyền đến nay. Nó nói với mọi người rằng: bất kể gặp phải việc khó khăn ra sao, miễn là có quyết tâm, có nghị lực làm thì có thể thành công.

Poetry
03-05-2010, 13:33
2. Ngọa tân thường đảm (Nằm gai nếm mật)


92212

Đời Xuân Thu (722-479 trước công nguyên), hai nước Ngô và Việt đánh nhau. Sau trận đại bại tại Cối Kê, vua Việt là Câu Tiễn phải mình trần sang lạy vua Ngô là Phù Sai xin hàng. Ngô vương bắt vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin, có quan Tướng Quốc là Phạm Lãi theo hầu. Cả ba đều bị giam trong ngục đá.

Hằng ngày vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi phải cắt cỏ, hốt phân ngựa, gánh nước rửa dọn chuồng ngựa, kiếm củi nấu cơm... Suốt thời gian ba năm, chúa tôi sống một cách vô cùng vất vả cực nhọc, những vẫn bền chí đợi thời.

Một hôm vua Ngô ốm, Câu Tiễn nghe theo lời của Phạm Lãi là chịu nếm phân của vua Ngô để ngự y chẩn bệnh nên được vua Ngô tin kẻ hàng giữ dạ trung thành. Nhờ đó mà cả ba được phóng thích về nước.

Được trở về cố quốc, nhớ đến nỗi thất bại nhục nhã và bị giam cầm làm nô lệ, Câu Tiễn vô cùng căm uất, lòng canh cánh mưu toan báo thù. Tướng quốc Phạm Lãi khuyên: "Chúa công chớ lúc nào quên cái nhục ở ngục đá thì mới có cơ báo thù được nước Ngô". Câu Tiễn đáp: "Xin vâng lời dạy bảo!".

Bấy giờ giao quốc chính cho Văn Chủng, giao quân chính cho Phạm Lãi, nhà vua tôn hiền đãi sĩ, kính người già, thương kẻ nghèo, đối xử trăm họ như anh em nên được mọi người mến phục.

Đến mùa làm ruộng, Câu Tiễn cũng vác cày đi càỵ Vương phi Câu Tiễn cũng chăm việc dệt cửi. Cùng đám dân chia sự lao khổ, ăn mặc rất tiết kiệm.

Muốn gấp báo thù, Câu Tiễn cố sức chăm chỉ làm việc suốt ngày đêm. Khi nào buồn ngủ thì lấy cỏ lục (rau răm) xoa vào mắt cho cay làm mắt phải mở. Chân lạnh muốn co thì dầm nước lạnh. Mùa đông lạnh thì ôm giá. Mùa hè nóng nực thì ngồi bên lửa. Bỏ cả giường nệm, lấy gai lấy củi lót nằm. Quả mật luôn luôn treo ở chỗ ngồi, chỗ nằm, thỉnh thoảng lại nếm một ít như để nhắc lại nỗi tủi nhục, khổ đau. Đêm nào cũng sùi sụt khóc. Khóc chán lại thở dài. Hai chữ "Cối Kê" lúc nào cũng lẩm nhẩm ở miệng.

Theo 7 kế phá Ngô của Văn Chủng, mới thi hành được 3 thì nước Việt hưng thịnh, nước Ngô suy. Cuối cùng nước Việt báo được thù, thôn tính nước Ngô, và vua Ngô tự tử.

"Nằm gai nếm mật" có ý nghĩa: chịu đựng những việc lao khổ để đạt mục đích cho kỳ được.

Poetry
04-05-2010, 11:47
3. Mao Toại tự tiến (Mao Toại tự tiến cử mình)


92211

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Sử ký - Bình Nguyên Quân liệt truyện”.

Năm 251 công nguyên, Hàm Đan thủ đô nước Triệu bị đại quân nước Tần bao vây. Vua Triệu vội cử Thừa tướng Bình Nguyên Quân đi sứ nước Sở, khuyên nước Sở cùng hợp sức với nước Triệu đánh lại quân Tần. Bình Nguyên Quân phụng chỉ bèn tuyển chọn 20 người có mưu trí cùng đi theo, nhưng qua tuyển chọn chỉ được có 19 người, ngoài ra chẳng còn người nào xứng đáng cả. Bấy giờ có một người tên là Mao Toại tự tiến cử rằng: “Ngài hãy để tôi đi theo cho đủ số”.

Bình Nguyên Quân hầu như không hề quen biết Mao Toại, và cũng chưa hề nghe ai nhắc đến người này, cho là anh ta không có tài cán gì, nên ngần ngại không dám nhận lời. Mao Toại thấy vậy mạnh dạn nói: “Nếu như ngài sớm để ý đến tôi, thì chắc chắn là tôi đã trở thành chiếc dùi nhọn trong túi vải đâm lòi ra ngoài. Bây giờ ngài hãy bỏ tôi vào trong túi có được không?”. Bình Nguyên Quân nghe vậy bèn đồng ý để Mao Toại đi theo.

Nhưng không ngờ, vua nước Sở không đồng ý cùng nước Triệu hợp sức đánh Tần, Mao Toại thấy Bình Nguyên Quân không còn biết ăn nói ra sao, vội bước lên khuyên vua Sở, thì bị vua Sở mắng cho một trận rồi đuổi ra ngoài. Mao Toại nổi giận cầm kiếm xấn đến gần vua Sở thét rằng: “Tôi đứng gần đại vương chỉ trong gang tấc, dù nước Sở có mạnh đến mấy cũng chẳng thể cứu được đại vương, tính mạng của đại vương hiện đang nằm trong tay tôi”. Mao Toại thấy vua Sở kinh hãi đứng đực người ra, bèn phân tích rõ mối lợi hại của việc hai nước hợp sức đánh nước Tần, lý lẽ thật rõ ràng thấu triệt.

Cuối cùng, vua Sở đã bị thuyết phục trước lời lẽ và lòng dũng cảm của Mao Toại, cùng Bình Nguyên Quân trích máu ăn thề liên hợp đánh nước Tần.

Hiên nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ “Mao Toại tự tiến” để ví với hiện tượng: tự mình tiến cử mình đi làm một công việc nào đó.

huybuixuan
04-05-2010, 21:52
Cám ơn bác Poetry đã có bài viết rất bổ ích. Nhân tiện, xin bác vui lòng bỏ chút thời gian giới thiệu về bốn con tem trong bộ I để cho mọi người hiểu biết thêm.

Poetry
05-05-2010, 20:48
Cám ơn bác Poetry đã có bài viết rất bổ ích. Nhân tiện, xin bác vui lòng bỏ chút thời gian giới thiệu về bốn con tem trong bộ I để cho mọi người hiểu biết thêm.
Cảm ơn bạn đã cổ vũ. Tôi sẽ giới thiệu về 4 thành ngữ ở bộ I trong dịp gần đây nhất.

Poetry
05-05-2010, 20:52
4. Văn kê khởi vũ



92332

Chữ "Văn" ở đây là chỉ nghe thấy. Còn chữ "Vũ" là chỉ múa kiếm. Ý của câu thành ngữ này là chỉ nửa đêm nghe tiếng gà gáy thì dậy tập múa kiếm.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Tấn thư - Truyện Tổ Địch".

Tổ Địch và Lưu Côn đều là danh tướng triều nhà Tấn, hai người thân nhau từ thuở nhỏ, đến tuổi thanh niên lại cùng nhau đến làm quan Bộ Tịch chuyên quản văn thư ở Tư Châu (Tức phía đông bắc Lạc Dương tỉnh Hà Nam ngày nay). Hai người rất tâm đầu ý hợp và đều mong muốn được cống hiến sức mình cho nhà nước. Họ ban ngày cùng làm việc với nhau, tối đến lại cùng ngủ một chỗ.

Bấy giờ, trong nội bộ tầng lớp thống trị của triều Tây Tấn xảy ra lục đục, thủ lĩnh các dân tộc thiểu số cũng nhân cơ hội này nổi loạn, khiến tình hình vương triều Tây Tấn hết sức nguy ngập. Tổ Địch và Lưu Côn đều rất lo lắng trước việc này.

Một hôm vào lúc nửa đêm, tiếng gà gáy từ xa vọng lại làm Tổ Địch thức giấc, anh tatrở dậy lay gọi Lưu Côn và hỏi có nghe thấy tiếng gà gáy không?
Lưu Côn lắng tai nghe một lúc rồi nói: "Đúng, đúng là tiếng gà gáy, nhưng gà gáy vào lúc nửa đêm là tiếng ác".

Tổ Địch nghe vậy liền bác lại rằng: "Đó không phải là tiếng ác, mà là tiếng thôi thúc chúng ta dậy rèn luyện, nào hãy dậy mau".

Lưu Côn cho là Tổ Địch nói đúng, bèn trở dậy mặc quần áo rồi cùng bước ra sân. Bấy giờ trên trời trăng sáng vằng vặc, hai người cùng rút kiếm múa với nhau cho tới khi trời sáng, quần áo đều ướt đẫm mồ hôi mới thu kiếm trở về phòng nghỉ.

Câu thành ngữ này dùng để nói về người có chí hướng tranh thủ thời gian rèn luyện để làm việc lớn.