PDA

View Full Version : The Vietnam Collection (1951-1975)


The smaller dragon
21-05-2010, 12:32
The Vietnam collection (1951-1975) là tựa đề của một bài viết tôi vừa hoàn tất để gửi đăng trên một tạp chí mỹ thuật quốc tế nên phải viết bằng Anh ngữ. Hôm nay, tôi trích đăng một phần nhỏ trong bài viết ấy để phổ biến trên Diễn Ðàn này, nhằm giới thiệu với giới sưu tầm tem trong nước đôi ba điều căn bản của một dòng tem Việt Nam.

Dòng tem VNCH bắt đầu với con tem Bảo Ðại giá mặt 3đ phát hành ngày 6/6/1951 và con tem cuối cùng là con tem giá mặt 8đ (trong bộ Phát Triển Quốc Gia đã phát hành ngày 6/11/1973) in lại 10đ phát hành ngày 25/4/1975, chỉ năm (5) ngày trước khi chế độ VNCH sụp đổ. Giữa hai con tem này là 582 tem khác đã được sử dụng làm bưu cước cho gần 20 triệu người miền Nam trong đúng một phần tư thế kỷ.

Con tem đầu tiên (6/6/1951)
93427


Con tem cuối cùng (25/4/1975)
93428


584 mẫu tem này là sản phẩm tim óc của một số đáng kể những họa sĩ tài hoa và chuyên nghiệp. Vẽ nhiều nhất là hoạ sĩ Nguyễn Minh Hoàng với cả thẩy 124 mẫu tem. (Nhưng không phải Nguyễn Minh Hoàng vẽ 124 mẫu khác nhau, vì nhiều mẫu chỉ là khác mầu và khác giá tiền nhưng trong cùng một bộ. Sau này, Nguyễn Minh Hoàng cùng gia đình vượt biên và không may tất cả đều mất tích trên biển Ðông.) Vẽ ít nhất là 45 họa sĩ khác, mỗi người chỉ vẽ một mẫu. Tổng cộng có tất cả 95 họa sĩ vẽ tem VNCH. Tên của họ và số mẫu tem họ vẽ được ghi nhận như sau.

HOẠSĨ/SỐ MẪU

Nguyễn Minh Hoàng 124
Nguyễn Văn Ri 32
Võ Hùng Kiệt 30
Lê Minh Ðức 14
F. Watabe (Japan) 12
Lâm Văn Bê 11
Lai Hải Lộc 10
Nguyễn Ái Linh 9
Vũ Thị Ngà 8
Phạm Văn Trừ 8
Nguyễn Thị Tuyết 8
Trần Kim Hùng 7
Nguyễn Uyển 7
Phăm Văn Thăng 7
Nguyễn Văn Phụng 6
Nguyễn Thanh Trúc 6
Nguyễn Hiệp 5
Nguyễn Văn Hiệp 5
Nguyễn Hưũ Phước 5
Nguyễn tấn An 4
Thái Nguyên Bá 4
Trần Văn Ðược 4
Lê Văn Giai 4
K. Hirano (Japan) 4
K. Maeno (Japan) 4
Ngô Công Hồ (Hong Kong) 4
Nguyễn Hoàng Hoành 4
Nguyễn Chí Hùng 4
Trương Tuấn Khanh 4
Ðỗ Hoàng Kế 4
Shen Yung Ling (Taiwan) 4
Thái Văn Ngôn 4
Trưong Văn Phát 4
Vĩnh Phối 4
Lưu Tấn Phước 4
Hoàng Nhật Tân 4
Nguyễn Thanh Thu 4
Nguyễn Gia Trí 4
Nguyễn Văn Triền 4
Trần Xuân Vinh 4
Ðỗ Bá Yên 4
Nguyễn Siển 4
Lưu Ðình Khải 3
Lê Minh Ngữ 3
Nguyễn Văn Quế 3
Nguyễn Hữu Qúi 3
Hà Trung Chí 3
Hồ Vũ Nam 2
Nguyễn Văn Thanh 2
Nguyễn Văn Trọng 2
45 họa sĩ khác 1/người.


Bộ tem Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền với chữ ký của Nguyễn Văn Triền (10/12/1958)
93421


Bộ tem Hai Bà Trưng với chữ ký của Nguyễn Gia Trí (14/3/1959)
93422


Bộ tem Hàng Không Bưu Chính với chữ ký của Ðỗ Hoàng Kế (20/12/1960)
93423


Bộ tem Bảo Vệ Nhi Ðồng với chữ ký của Nguyễn Tấn An (22/3/1961)
93424


Bộ tem Cải Tiến Nông Thôn với chữ ký của Hoàng Nhật Tân (11/12/1961)
93429


Bộ tem Vua Quang Trung với chữ ký của Nguyễn Hoàng Hoành (28/1/1972)
93426


Thật ra, không chỉ có 95 họa sĩ kể trên vẽ tem VNCH, mà dòng tem này còn được nhiều giới khác thiết kế, cả trong nước lẫn ngoại quốc.

Nhưng đây lại là đề tài của một bài viết khác.

Poetry
21-05-2010, 18:03
Poetry cũng như những nhà sưu tập đi sau rất mong bác TSD tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức quý báu như thế này. Những nhà sưu tập tiền bối như các bác quả là những viên ngọc quý trong làng tem Việt Nam. =D>

The smaller dragon
09-06-2010, 16:47
Ðã từ lâu, bộ tem VNCH (1951-1975) được tất cả các tổng mục bưu hoa quốc tế ghi nhận: Scott của Hoa Kỳ, Stanley Gibbons của Anh, Yvert & Tellier của Pháp, Michel của Ðức, và Dragon của Trung Quốc. Ngoài bộ tem VNCH, tất cả các tổng mục quốc tế này cũng đều ghi nhận một dòng tem chính khác nữa, tức dòng tem VNDCCH-CHXHCNVN hiện nay.

Tổng mục Scott là căn bản cho dân chơi ở Mỹ và các dịch vụ quốc tế về tem sưu tầm (trao đổi, mua, bán...) liên hệ với Mỹ. Scott ghi nhận đầy đủ các dòng tem Việt Nam từ thời Pháp thuộc cho đến thời quốc gia VN và VNCH. Về nội dung của dòng tem VNCH, Scott không ghi nhận những bộ tem chưa phát hành. Ngoài ra, một số bộ tem VNCH đã bị đánh số sai vì Bộ Biên Tập của tổng mục này thiếu thông tin chính xác. Thí dụ như các bộ tem có chủ đề khác nhau về Viện Bảo Tàng, tháp Thiên Mụ, Dinh Ðộc Lập, và nhà thờ Phú Cam phát hành qua nhiều thời điểm trong năm 1959 đã bị gộp chung thành một bộ nên số hiệu của các mẫu tem này trong tổng mục bị sai lạc thứ tự thời gian. Cũng vậy, Scott đã không nắm được chính xác ngày phát hành của các bộ tem in đè trong thời khoảng 1974-1975 nên thứ tự của các mẫu tem này rất lộn xộn. Nhưng vô ý thức nhất là cách Scott gọi Việt Nam bằng những tên xách mé: Việt Nam Cộng Hoà, tên chính thức là Republic of Vietnam thì họ ghi là Republic of South Vietnam. Cũng như sau này, khi ghi nhận dòng tem Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức là Republic Democratic of Vietnam, họ xách mé gọi là Republic of North Vietnam! Nhưng ưu điểm của Scott là bắt đầu từ năm 1996, họ đã không chối bỏ sự thật lịch sử để chính thức ghi nhận và đánh số các dòng tem VNDCCH và CHXHCNVN trong tổng mục này.

Từ năm 1981, Stanley Gibbons tại Anh quốc bắt đầu phát hành tổng mục chuyên đề Ðông Nam Á. Ðó là quyển thứ 21 trong toàn bộ Stanley Gibbons, tựa đề Stanley Gibbons Stamp Catalogue. Part 21. South-East Asia. Tổng mục này ghi nhận nhiều dòng tem theo thứ tự là Ðông Dương in đè, quốc gia VN, VNCH, MTDTGPMNVN, CHMNVN, LK4, LKV, VNDCCH, và CHXHCNVN. Với dòng tem VNCH, Gibbons ghi nhận và đánh giá những bộ tem không phát hành nhưng không ấn định mã số.

Yvert &Tellier là tổng mục rât quen thuộc với giới chơi tem lớn tuổi người Việt. Các dòng tem VN được ghi nhận trong Tome 2. 3e Partie. Timbres des Pays Indépendants d’Afrique bao gồm tem quốc gia VN, VNDCCH, VNCH, CNMNVN, và CNXHCNVN. Ðặc biệt, Yvert &Tellier là tổng mục quốc tế duy nhất đã chính thức đưa những bộ tem VNCH đã in nhưng chưa phát hành vì chính thể bị sụp đổ qua hình ảnh từng mẫu tem kèm theo mã số và trị giá.

Michel là tổng mục tem của Ðức. Ưu thế của tổng mục Michel là ghi nhận nhiều dòng tem nhất theo thứ tự như sau: Trung Kỳ và Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Ðông Dương, các Nhượng Ðịa Pháp ở Trung Hoa, Ðông Dương in đè, quốc gia VN, VNCH, VNDCCH, CHXHCNVN, LK4, LKV, Nga Khê, MTDTGPMNVN, và CHMNVN.

Rất ít người Việt trong giới sưu tầm, dù trong nước hay ở hải ngoại, biết đến tổng mục Dragon của Trung Quốc, có lẽ vì nó là tổng mục quốc tế xuất hiện muộn màng nhất (1994) so với những tổng mục lâu đời đã thành danh như Scott, Gibbons, Yvert & Tellier... của Âu Mỹ. Tựa đề đầy đủ của tổng mục này là Trung Hoa Thế Giới Bưu Tiêu Mục Lục (Á Châu Quyển) Dragon World Stamp Catalogue (Volume of Asia) 1994 bằng Hán văn, chỉ riêng tên quốc gia thì viết song ngữ Hán và Anh ngữ. Tổng mục do cơ quan “Nhân Dân Bưu Ðiện Xuất Bản Xã” ở Bắc Kinh phát hành lần thứ nhất tháng 12-1993. Phần Việt Nam trong tổng mục Dragon chiếm 51 trang, bao gồm các dòng tem theo thứ tự là các Nhượng Ðịa Pháp tại Trung Hoa, Việt Minh, Ðông Dương in đè, VNDCCH-CHXHCNVN, LK4, LKV, MTDTGPMNVN, CHMNVN, VNCH, Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Như vậy, có thể kết luận Dragon là tổng mục quốc tế ghi nhận rất nhiều dòng tem khác nhau trong lịch sử bưu chính Việt Nam chỉ sau tổng mục Michel của Ðức. Ngay những bộ tem của VNCH đã in nhưng không được phát hành cũng được Dragon chính thức ấn định mã số. Ðiều đáng tiếc là Dragon ghi nhận dòng tem Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ thời Pháp thuộc nhưng lại không có dòng tem Ðông Dương. Ðây là một khiếm khuyết lớn, rõ ra chủ biên -một người tên Chu Tổ Uy nào đó- không phải là dân trong nghề tem chăng?!

96030

Sau đây, tôi lập bảng đối chiếu mã số quốc tế của bộ tem VNCH để giúp giới sưu tầm có sẵn một dụng cụ thông tin và tham khảo khi cần.

The smaller dragon
Tháng 6 năm 2010

96031
96032
96033
96034
96035