PDA

View Full Version : Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản thế giới


Nguoitimduong
01-08-2010, 18:59
Liệu sẽ có 1 bộ tem đc phát hành đăc biệt và nóng hổi?


Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản thế giới
6h30 sáng 1/8 - giờ Việt Nam, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Tin vui và là sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với người dân Việt Nam, thủ đô Hà Nội trước thềm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông báo trong niềm vui của đoàn Việt Nam tại Brazin.
Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới đang diễn ra tại Brasilia, thủ đô của Brazil từ 25/7 đến 3/8. 39 hồ sơ đề cử được xem xét tại kỳ họp này, trong đó có 8 đề cử di sản thiên nhiên, 29 đề cử di sản văn hóa và 2 đề cử di sản hỗn hợp. Ngoài ra, có 9 hồ sơ đề nghị mở rộng phạm vi và giá trị di sản (đã được công nhận trước đó).
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/EB/67/82.jpg Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài. Ảnh: Chinhphu.vn. Những nỗ lực của các thành viên đoàn Việt Nam đang có mặt tại Brasilia đã thuyết phục được 18 trong số 21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới.
Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo.
Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.
Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và Các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/EB/67/Dien%20Kinh%20Thien_SGGP.jpg Rồng đá trên thềm Điện Kính Thiên - trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Chinhphu.vn. Bà Hằng cho biết, Ủy ban di sản thế giới đã công nhận khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long dựa trên 3 tiêu chí. Đó là những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban)… để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.
Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một nghìn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Ngoài ra, di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Từ năm 2006, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới.
Hồ sơ được đăng ký từ tháng 9/2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1/2009, được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn IOCMOS, và đến nay đã được Ủy ban di sản thế giới công nhận di sản văn hóa Thế giới.
Trước Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Việt Nam đã có 5 di sản thế giới. Đó là 3 di sản văn hóa: Quần thể di tích cố đô Huế - 1993, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn - đều năm 1999) và 2 di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long - 1994, được công nhận mở rộng vào năm 2000 và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - 2003.
Đoàn Loan

quaden@_cute
01-08-2010, 20:48
Đúng là một sự kiện đáng mừng cho người Việt Nam, mong rằng sẽ có một bộ tem phát hành cho sự kiện này.


Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội - kỳ vọng trở thành Di sản Văn hoá thế giới

Thành phố Hà Nội đã khẩn trương hoàn thành bộ hồ sơ gửi tới UNESCO xem xét, công nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là Di sản Văn hoá thế giới. Đây là một việc làm có ý nghĩa hướng tới 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Bộ hồ sơ đã nêu được những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di tích, cũng như những nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ Khu di tích này.

Những giá trị nổi bật toàn cầu

Bộ hồ sơ về Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội đã khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội - nơi tái hiện được bề dày lịch sử tới 1.300 năm, xuyên suốt các vương triều từ tiền Thăng Long cho đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Nơi đây là trung tâm quyền lực - chính trị quốc gia tồn tại liên tục, xuyên suốt trong các thời kỳ lịch sử. Khu di tích cũng thể hiện rõ sự kết hợp hài hoà các phong cách kiến trúc châu Á, các kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, nghệ thuật tạo hình và xây dựng cảnh quan quy mô lớn của hàng ngàn năm. Quá trình củng cố thể chế quốc gia của người Việt đã diễn ra song song với sự hình thành các nền văn hoá, các thể chế quốc gia khắp nơi trên thế giới trong hơn hai thiên niên kỷ, góp phần tạo nên một bức tranh chính trị- văn hoá đa dạng không chỉ có riêng vùng Đông Nam Á mà là cả thế giới. Di sản Thăng Long- Hà Nội đảm nhiệm tốt vai trò đại diện cho cả một quá trình của lịch sử nhân loại, một phần nhờ rất nhiều các tư liệu văn hoá tìm thấy tại Khu di sản, một phần nhờ bề dày lịch sử ngàn năm đã lắng đọng trong lòng Khu Di sản. Đây là nơi đa dạng văn hoá bậc nhất thế giới, nơi các nền văn hoá Bắc Á và Đông Nam Á gặp nhau.

Theo các chuyên gia, để đạt tiêu chuẩn là di sản văn hoá thế giới chỉ cần đáp ứng 1 trong 6 tiêu chí của UNESCO, trong khi đó Hoàng thành có đầy đủ 6/6 tiêu chí: Tiêu chí dành cho những di sản có khả năng biểu đạt sự giao thoa lớn giữa các giá trị nhân văn trong một giai đoạn lịch sử hoặc trong một vùng văn hoá của thế giới, thể hiện sự phát triển của kiến trúc hoặc kỹ thuật, công trình nghệ thuật kỳ vĩ, các công trình quy hoạch đô thị hay các công trình tạo dựng cảnh quan; Tiêu chí dành cho các di sản có ý nghĩa như một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng là đặc thù của một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc vừa mất đi; Tiêu chí dành cho những di sản có mối liên hệ trực tiếp hoặc rõ ràng với những sự kiện hay truyền thống còn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và văn học có giá trị nổi bật toàn cầu…

Sau nhiều lần nghiên cứu, cân nhắc, cuối cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đã đi đến đồng thuận cao, rằng Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội sẽ được đề cử theo tiêu chí 2, tiêu chí 3 và tiêu chí 6 của UNESCO. Tiêu chí thứ 2 là “dành cho những di sản có khả năng biểu đạt sự giao thoa lớn giữa các giá trị nhân văn trong một giai đoạn lịch sử hoặc một vùng văn hoá của thế giới trong sự phát triển của kiến trúc hoặc kỹ thuật, công trình nghệ thuật kỳ vĩ, các công trình quy hoạch đô thị hay các công trình tạo dựng cảnh quan”. Tiêu chí 3 ghi rõ: “Dành cho những di sản có ý nghĩa như một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng là đặc thù của một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc vừa mất đi”. Và tiêu chí 6 quy định: “Dành cho những di sản có mối liên hệ trực tiếp hoặc rõ ràng với những sự kiện hay truyền thống trong cuộc sống hiện tại với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và văn hoá có giá trị nổi bật toàn cầu”.

Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội và niềm hy vọng trở thành di sản thế giới đúng dịp Thủ đô tròn 1000 tuổi

Tháng 1/2009, bộ hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội là Di sản văn hoá thế giới chính thức được Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội gửi tới Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO tại Pa-ri (Pháp) để bộ hồ sơ này đến tay Uỷ ban trước ngày 30/1/2009 theo qui định.

Bộ hồ sơ được lập bằng tiếng Việt và tiếng Anh, gồm 9 mục, 162 trang, do Giáo sư Phan Huy Lê chịu trách nhiệm chính. Hồ sơ xác định giá trị di sản, mô tả di sản, lý giải việc đăng ký ghi tên, tình trạng bảo tồn và những nhân tố tác động đến di sản, các giải pháp bảo vệ và quản lý di sản; việc giám sát phát huy giá trị di sản, lập hồ sơ tư liệu, thông tin liên hệ của các cơ quan hữu trách và chữ ký đại diện cho các quốc gia thành viên.
Kèm theo đó là 8 phụ lục gồm các nội dung: mô tả khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Phân tích so sánh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; tình trạng bảo tồn và những nhân tố tác động đến di sản; mô tả vùng đệm của di sản, các văn bản liên quan đến xếp hạng bảo vệ, các bản sao văn bản pháp lý; bản đồ, bản vẽ di tích và di vật, ảnh di tích và di vật. Tổng số trang của hồ sơ chính và phụ lục là 871 trang. Kèm theo bộ hồ sơ này là một bộ phim dài 45 phút và một slide gồm 84 ảnh giới thiệu về Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội.
Bộ hồ sơ được thực hiện trong 2 năm, được nhiều nhà khoa học đánh giá là công phu, hoàn chỉnh nhất cả về nội dung và hình thức trong số những bộ hồ sơ đã đệ trình lên UNESCO. Bên cạnh đội ngũ hàng chục nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, còn có sự tham gia trực tiếp của các thành viên UNESCO ngay từ khi nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ. Các chuyên gia của chúng ta đã đưa ra những cứ liệu lịch sử, những di vật, hiện vật cụ thể mang tính thuyết phục cao và với con mắt của chuyên môn đã từng giúp nhiều nước thì một số chuyên gia của UNESCO giúp chúng ta trong việc lập hồ sơ cũng đã đánh giá rằng áp dụng những tiêu chí ấy vào Khu di tích là tương đối chính xác, đảm bảo được những cơ sở khoa học, mang tính nổi bật về giá trị lịch sử, văn hoá toàn cầu.
"Hồ sơ Hoàng thành Thăng Long là một trong những hồ sơ mang tính hoàn chỉnh, bài bản nhất từ trước đến nay, bởi giá trị ngoại hạng của nó rất tiêu biểu, nên nó thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế. UNESCO lần đầu tiên hỗ trợ kinh phí đưa các chuyên gia của mình vào Việt Nam giúp chúng ta xây dựng hồ sơ đó. Hoàng thành Thăng Long là thủ đô của cả nước nên các chuyên gia văn hoá, lịch sử, các nhà khoa học của Trung ương cũng tham gia trực tiếp hơn, sâu hơn vào việc xây dựng hồ sơ đó giúp cho Hà Nội. Các đồng chí lãnh đạo Hà Nội cũng chỉ đạo sát sao hơn. Chính sự chỉ đạo này đã tạo cơ hội và điều kiện cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội có điều kiện tập hợp lực lượng hơn và có điều kiện vật chất để triển khai nó trong thời gian ngắn, đạt được chất lượng khoa học cao nhất"- Tiến sĩ Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam nhận xét.

"Một nội dung bắt buộc trong một bộ hồ sơ của UNESCO là bên cạnh việc mô tả về giá trị của di sản, xác định giá trị di sản, thì phải có phần nêu lên những công việc nhằm quản lý, bảo tồn nhằm mục tiêu phát huy giá trị. Chúng tôi đưa ra một lộ trình thời gian ngắn hạn là từ nay đến năm 2010, phải có kế hoạch chỉnh trang, phục vụ du khách thăm quan Khu di tích nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đến năm 2015, khi chúng ta dự kiến sẽ tiếp nhận nhất thể hoá việc quản lý khu di sản và giai đoạn 3 là giai đoạn tiếp theo, việc thực hiện qui hoạch mà Trung tâm đang tiến hành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để trong tương lai khu di sản có thể phát huy giá trị cao nhất, phục vụ cho đồng bào trong nước và du khách quốc tế" - ông Trần Quang Dũng (Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ) cho biết.
Từ 1/2/2009, đến quý I/2010 là thời gian mà các chuyên gia độc lập của UNESCO sẽ nghiên cứu bộ hồ sơ này và có thể vào Việt Nam khảo sát di sản. Sau đó, các chuyên gia sẽ báo cáo với Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO vào phiên họp toàn thể của Uỷ ban vào khoảng tháng 6-7/2010.

Chúng ta hy vọng UNESCO sẽ thông qua việc công nhận Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội trở thành di sản văn hoá thế giới vào năm 2010. Đây sẽ là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa đúng vào dịp Hà Nội và cả nước tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.


Nguồn tin: chinhphu.gov.vn

Poetry
11-09-2010, 21:42
Hôm nay có việc xem lại bài này (http://www.vietstamp.net.vn/forum/showthread.php?t=4171) mới nhìn thấy bộ tem độc đáo này. Giá mà Bưu chính VN kịp thời phát hành một tem ý nghĩa như thế để chào mừng sự kiện này nhỉ.


http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=58902&d=1252949177

http://www.vietstamp.net/forum/attachment.php?attachmentid=58903&d=1252949177