PDA

View Full Version : Các tích trên tem (Tam Quốc)


huybuixuan
22-09-2010, 05:07
Do bản chất của việc chuyển ngữ là khó khăn nên các chú thích trên trang www.xabusiness.com (http://www.xabusiness.com/) hoặc các trang tem nước ngoài bằng tiếng Anh đều không sát nghĩa. Mình thấy về đến Việt Nam, các chủ shop cũng dịch sai tè le hột me. ;)) (He he, một câu nói đùa hơi võ đoán, chắc đắc tội với bà con cô bác nhiều, vô cùng xin lỗi mọi người). Hôm nay sẵn có vài người bạn muốn làm phơi tem nhờ cung cấp tên các tích trên tem nên mình post bài này nhằm mục đích trợ giúp là chính, chứ không có ý gì khác.:)

(xem theo chiều kim đồng hồ nhé)

Tem Trung Quốc

Series1: Kết nghĩa vườn đào, Tam anh chiến Lữ Bố, Phụng Nghi đình (dân gian ta gọi tích này là Lữ Bố hí Điêu Thuyền), Uống rượu luận anh hùng

107283

Block : Treo ấn gói vàng (Quan Công quy Hán)

107284


Serie 2: Đêm khuya tập kich Ô Sào (Tào Tháo đốt kho lương của Viên Thiệu trong trận Quan Độ, một trong các trận đánh có tính chất bước ngoặt trong thời Tam Quốc), Ba lần đến lều tranh, Tử Long cứu ấu chúa, Trương Phi ở cầu Truờng Bản (ba tiếng thét làm tướng Tào sợ vỡ gan đứt ruột, đẩy lui mười vạn đại quân)

107285

Serie 3: Khẩu chiến quần nho, Khích tướng Tôn Quyền, Tưởng Cán trộm thư , Thuyền cỏ mượn tên, (đây là bốn tình tiết trong giai đoạn đầu của trận Xích Bích, một mình Khổng Minh sang Đông Ngô thuyết phục chúa tôi Tôn Quyền hình thành liên minh quân sự Lưu-Tôn kháng Tào, Chu Du dùng kế phản gián giết hai đô đốc thủy quân của Tào Tháo là Trương Doãn và Sái Mạo, Khổng Minh lợi dụng sương mù để cướp tên)

107286


Serie 4: Tào Tháo ngâm thơ, Lưu Bị cầu hôn, Tử Long cứu chủ, Hỏa thiêu liên doanh (Quan Vũ bị quân Ngô giết, Lưu Bị đánh báo thù lúc đầu thắng liên tiếp, về sau gặp phải độc thủ của ‘thằng ku’ Lục Tốn dùng hỏa công đốt sạch doanh trại làm Lưu Bị thảm bại):((

107287


Block: Đại chiến Xích Bích

107288


Serie 5: Bạch Đế thành (Sau khi thua Lục Tốn, Lưu Bị bệnh nặng và ngủm củ từ tại thành Bạch Đế :((:((:((, đây là tích Lưu Bị trăn trối gửi con cho Khổng Minh phò tá), Thất cầm Mạnh Hoạch, Lục xuất Kỳ Sơn (Bảy lần bắt Mạnh Hoạch, Sáu lần ra Kỳ Sơn hay còn gọi là giai đoạn Nam chinh Bắc chiến, Khổng Minh dốc hết tâm huyết để thống nhất Trung Quốc nhưng cuối cùng đành ngậm ngùi cưỡi hạc quy tiên tại gò Ngũ Trượng-Kỳ Sơn), Tam phân quy Tấn (Cháu nội Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm, cướp ngôi của con cháu Tào Tháo, thống nhất Trung Quốc)

107289

Block: Không thành kế. (Một trận đánh kinh điển trong giai đoạn Bắc chiến)

107290

Tem MaCau:
Block: Đại chiến Xích Bích
Tem: Kết nghĩa vườn đào, Phụng Nghi đình, Khổng Minh ba lần trêu tức Chu Du, Ba lần đến lều tranh,

107291

Tem Đài Loan: Tem Đài Loan in tán loạn không theo trật tự như Trung Quốc.

Serie 1: Tam anh chiến Lữ Bố, Triệu Vân cứu chủ, Không thành kế, Quan Công cạo xương chữa thuốc.

107292

Serie 2: Kết nghĩa vườn đào, Quan Công xem sách, Thuyền cỏ mượn tên, Ba lần đến lều tranh

107293

Serie 3: Phụng Nghi đình, Trương Phi ở cầu Trường Bản, Diệu kế cẩm nang, Đường Hoa Dung Vân Trường vì nghĩa tha Tào Tháo.

107294

Serie 4: Lữ Bố bắn kích, Uống rượu luận anh hùng, Bảy lần bắt Mạnh Hoạch, Ba lần trêu tức Chu Du

107295

Còn tiếp...:>:>:>
-------------------------------------------
Một số bài viết đã post:
- Liêu Trai Chí Dị - Bồ Tùng Linh (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=6204)
- Chiêu Quân xuất tái (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=6224)
- Hồng Lâu Mộng và Lưu Đán Trạch (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=6363)
- Mẫu Đơn Đình (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=6205)
- Tây Sương Ký - Vương Thực Phủ. (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=6207)
- Các tích trên tem (Thủy Hử) (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=6962)

huybuixuan
22-09-2010, 05:27
Ngoài các bộ tem trên, còn một bộ tem có liên quan gián tiếp, do Macau phát hành gồm 1 block & 4 tem: Thần Quan Đế:

107296

Mặc dù ngày nay rất nhiều học giả và nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề đánh giá lại tính cách của các nhân vật trong tiểu thuyết Tam Quốc Chí, nhưng trong văn hóa người Hoa từ xưa đến nay, Quan Công luôn là biểu tượng của lòng trung nghĩa và can đảm. Tuy khi sống ông chỉ là một vị tướng, nhưng sau khi chết được dân gian phong thần và tôn thờ như một vị vua..v..v..

Hết phần I

dammanh
22-09-2010, 07:52
Bạn huybuixuan luận chính xác quá!dammanh có bộ tem này chất liệu kim loại mầu vàng dán trên tấm carnet là tem thật do TQ phát hành hay ấn phẩm quảng cáo? mong thông tin từ bạn
Nhân tiện hỏi vui bạn!Khổng Minh sang tế Chu Du là dùng kế sách nào trong TAM THẬP LỤC KẾ ?
Cám ơn bạn nhiều!

huybuixuan
22-09-2010, 08:50
Bạn huybuixuan luận chính xác quá!dammanh có bộ tem này chất liệu kim loại mầu vàng dán trên tấm carnet là tem thật do TQ phát hành hay ấn phẩm quảng cáo? mong thông tin từ bạn
Nhân tiện hỏi vui bạn!Khổng Minh sang tế Chu Du là dùng kế sách nào trong TAM THẬP LỤC KẾ ?
Cám ơn bạn nhiều!

:)) Nhìn qua hình của bác DamManh cháu đoán bác cũng phải U60, từ đó suy ra bác tất là cao thủ trong làng tem. Cả hai câu hỏi của bác đều có tính chất đố mẹo.
Cháu mạo muội múa rìu qua mắt thợ vậy:
1- Theo cháu biết, ba bộ Tây Du, Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc, Trung Quốc đều phát hành tem vàng (còn bộ Thủy Hử thì cháu không rõ). Loại tem giấy do bưu cục chính thức phát hành mới có giá trị bưu chính, sau khi phát hành thì bị hủy khung. Còn tem chất liệu vàng là tem mạ vàng. Có giá trị kỉ niệm và làm cho bộ sưu tập tăng thêm giá trị. Theo quan điểm của cháu, sưu tập một bộ tem mà chưa có bộ tem vàng tương ứng coi như chỉ mới đi được nửa đường (thậm chí nói 1/3 đường cũng không quá). Cháu nghĩ bộ tem chất liệu vàng của bác chính là bộ tem mạ vàng này.
2- Khi sang tế Chu Du, Khổng Minh có hai mục đích:
+ Củng cố liên minh quân sự Lưu-Tôn đang có nguy cơ sụp đổ sau vụ tranh chấp 9 quận Kinh Tương mà kết cục là Chu Du ói máu chết.
+ Tìm Bàng Thống về đầu quân cho Lưu Bị.
Để đạt được hai mục tiêu này, bắt buộc Khổng Minh phải đặt mình vào giửa bể giáo rừng gươm của tướng lĩnh Đông Ngô. Cái này gọi là đặt vào chỗ chết rồi mới sống. (kế này không phải là người cực kì dũng cảm và liều mạng thì không thể làm được, và trong lịch sử TQ thì người đầu tiên phát minh ra kế này là Hàn Tín trong chiến dịch bình định Tam Tần). Ngoài ra cũng có thể dễ dàng nhận thấy Khổng Minh cũng dùng đến khổ nhục kế, cái này thì ai cũng nhận ra rồi, chắc cháu khỏi phải diễn giải.

Trên đây là vài lời múa rìu qua mắt thợ, có gì thiếu sót mong bác và mọi người góp ý thêm:)

theloveofsiam83
22-09-2010, 10:16
Tem vàng - trước năm 1990 - Trung Quốc cho phép tem bưu cục địa phương dùng mẫu để phát hành tem vàng. Tem vàng theo quy định không được phát hành block. Giá trị tem vàng cao hơn nhiều so với tem chính thống bằng giấy nhưng tốc độc tăng giá thấp do tốc độc oxy hóa cao nên rât dễ hư so với tem giấy và không được dán thư. Tem vàng dùng để làm quà tặng nhau như một nét văn hóa. Những bộ tem vàng xưa rất hiếm và ít nhưng từ năm 1990 thì không còn tem vàng- nhưng xu hướng tem vàng ít đi mà thay vào đó là tem mạ vàng - mạ trực tiếp lên con tem giấy ( Block Mao Trạch Đông ). Sau năm 1990 - tất cả các bộ tem đều hủy không - công ty tem trung ương không trao quyền cho các địa phương phát hành tem vàng mà tự mình in tem vàng. tem vàng không được in lại vì phải chuyển khung về trung ương để hủy theo quy định sau 3 tháng. Phần trao khung hủy cho họa sĩ thiết kế.

Thông tin múa rìu qua mắt thợ - mạo muội - mong các bác nhẹ tay cho em.

các bộ tem vàng nổi tiếng và giá leo thang chóng mặt

1. tem vàng hồng lâu mộng 12 con
2. tem vàng tây du ký 1979
3. Họa tề bạch thạch tem và block ( cá biệt )
4. tem vàng lunar new year

theloveofsiam83
22-09-2010, 10:16
Thông tin múa rìu qua mắt thợ - mạo muội - mong các bác nhẹ tay cho em.

dammanh
22-09-2010, 12:08
Cám ơn huybuixuan và theloveofsiam83 rất nhiều!
1.Các bạn đưa mình lên cao quá,kể cả trình độ và tuổi tác.Dammanh năm nay mói 55 thôi,có lẽ bôn ba và cuộc sống vất vả nên già nhanh.Qua câu dammanh hỏi chỉ muốn chứng minh một điều ÍCH LỢI CỦA THÚ SƯU TẦM TEM và sự trả lời của các bạn đã chứng tỏ điều đó! Mong các bạn sưu tầm tem nên tìm hiểu sâu như vậy
2.Trong cuộc mạo hiểm của KHỔNG MINH sang tế CHU DU còn khích cho BÀNG THỐNG tức phải rời nơi ẩn ra mắng KHỔNG MINH-đó có thể diễn giải theo kế ĐẢ THẢO KINH XÀ được không? vài suy nghĩ mạo muội,có gì sai mong mọi người thứ lỗi

huybuixuan
22-09-2010, 12:33
Cám ơn huybuixuan và theloveofsiam83 rất nhiều!
1.Các bạn đưa mình lên cao quá,kể cả trình độ và tuổi tác.Dammanh năm nay mói 55 thôi,có lẽ bôn ba và cuộc sống vất vả nên già nhanh.Qua câu dammanh hỏi chỉ muốn chứng minh một điều ÍCH LỢI CỦA THÚ SƯU TẦM TEM và sự trả lời của các bạn đã chứng tỏ điều đó! Mong các bạn sưu tầm tem nên tìm hiểu sâu như vậy
2.Trong cuộc mạo hiểm của KHỔNG MINH sang tế CHU DU còn khích cho BÀNG THỐNG tức phải rời nơi ẩn ra mắng KHỔNG MINH-đó có thể diễn giải theo kế ĐẢ THẢO KINH XÀ được không? vài suy nghĩ mạo muội,có gì sai mong mọi người thứ lỗi

Nhân vật Khổng Minh này bày mưu tính kế như người đánh cờ, ra một quân tính đến cả chục nước. Đối phương tính kiểu gì cũng vô tròng. :D Như vậy một lần sang viếng tang của ông ta hàm ý vô cùng thâm sâu. Cám ơn bác DamManh đã chia sẻ. Vậy là hôm nay cháu lại tìm thêm được một người bạn lớn cũng mê Tam Quốc như mình rồi.:) Rất mong có dịp được offline gặp gỡ bác.

hoang.le
22-09-2010, 14:52
Bài viết này hay thật là hay.

Cám ơn bạn huybuixuan và bạn theloveofsiam83 về những thông tin bổ ích của những con tem mang điển tích Tam Quốc Chí. Cám ơn chú Đàm Mạnh về những kiến giải sâu sắc.

Cháu xin được phép trích lược ba mươi sáu kế của người Trung Hoa xưa:

"1. Dương đông kích tây (Đánh lạc hướng đối phương)
Kế "Dương đông kích tây" là reo hò giả vờ như thật sự đánh vào phía đông, nhưng chủ yếu lại đánh vào phía tâỵ
Trong tất cả mọi vấn đề của xã hội, từ chiến trường, thương trường, chính trường cho đến tình trường; nếu muốn điều này nhưng lại giả làm điều kia, nói điều này mà làm điều nọ, ấy là "Dương đông kích tây" vậỵ
Kế này mờ ảo vô song. Nó rất khó biết, khó đoán, bị đánh bất ngờ. Kế này nhằm chuyển mục tiêu để lừa dối đối phương, khiến cho địch sơ ý, lừa lúc bất ý tấn công kẻ không chuẩn bị.
Có nhiều cách thức để thực hiện kế này, như:
- Tạo tin đồn. - Làm rối tai rối mắt địch. - Buộc đối phương lo nhiều mặt. - Mê hoặc ý chí của địch. - Nghi binh. - Làm phân tán lực lượng đối phương. - Làm yếu lực lượng đối phương, lực lượng phòng vệ địch.
Nguyên tắc của " Dương đông kích tây" là bí mật và chủ động. Bị động coi như phải chịu sự khống chế của địch.
Điều kỵ khi dùng kế " Dương đông kích tây" là để lộ cơ.
Lộ cơ là mất hết khả năng phòng bị, chuẩn bị. Dù là trên chiến trường, thương trường hay chính trường cũng đều phải giữ bí mật và nắm được thế chủ động.

2. Điệu hổ ly sơn (Dụ hổ ra khỏi rừng)
Kế "Điệu hổ ly sơn" là nhử, dụ hay khuấy động làm cho con hổ ra khỏi rừng.
Kế "Điệu hổ ly sơn" có hai lối: Một là nhử hổ ra khỏi rừng để dễ dàng giết hổ. Hai là đuổi hổ đi để dễ bắt giết những loại hồ ly vẫn dựa oai hổ mà hoành hành.

3. Nhất tiễn hạ song điêu (Một mũi tên hạ hai con chim)
Kế "Nhất tiễn song điêu" là dùng một mũi tên bắn chết hai con chim.
Ý của mưu kế này là dùng sức lực tối thiểu để đạt đến hiệu quả tối đa.

4. Minh tri cố muội (Biết rõ mà làm như không biết)
Kế "Minh tri cố muội" là biết thật rõ chuyện đấy, nhưng làm ra vẻ không biết gì.
Với người xưa, đây là một triết lý xử thế rất cao, mục đích lại ẩn trốn tất cả những tiếng thị phi nghi hoặc, nhưng theo nghĩa mưu kế, nó là một thái độ thâm sâu.
Cái đức của người quân tử không thể không cho thiên hạ biết, nhưng cái mưu kế của trượng phu không thể không giấu thiên hạ.
Tóm lại, biết rất nhiều mà tỏ ra không biết một là kế "Minh tri cố muội" vậỵ

5. Du long chuyển phượng (Biến rồng thành phượng)
Kế "Du long chuyển phượng" là biến cái này thành cái kia, bên trong là hình rồng đó, nhưng làm cho nó trở thành phượng.
Cái kế này rất phổ biến, trong dân gian ta gọi là "Treo đầu dê, bán thịt chó".

6. Mỹ nhân kế (Kế dùng gái đẹp)
"Mỹ nhân kế" là dùng gái đẹp để làm xoay chuyển, thay đổi tình thế mà những cái khác không thể thực hiện được.
Giai nhân từ ngàn xưa đến nay bao giờ cũng là đề tài chính. Tuy là phái yếu, không thể vác gươm đao mà đánh giặc, nhưng các nàng có thể thắng được bằng đôi mắt biếc và nụ cười xinh đẹp.
Có những bức thành kiên cố cả mười vạn quân không hạ nổi, nhưng nó có thể bị sụp đổ bởi ánh mắt mỹ nhân.
Sức mạnh của mỹ nhân đặc biệt là có ảnh hưởng đối với người anh hùng, người có quyền thế.

7. Sấn hỏa đả kiếp (Theo lửa mà hành động)
Kế "Sấn hỏa đả kiếp" là lợi dụng lúc loạn để thao túng, lúc tình hình rối ren mà sắp xếp theo ý muốn.
Có hai loại "Sấn hỏa đả kiếp": Một là theo lửa để mà đánh cướp. Hai là chính ta phóng hỏa mà đánh cướp.
Theo lửa tức là thừa lúc người ở trong cơn nguy biến mà ta quấy hỗn loạn thêm.
Phóng hỏa tức là chính ta gây ra sự hỗn loạn mà thực hiện theo ý muốn của ta.
Theo lửa hay phóng hỏa cùng đi chung vào một mục đích là đánh địch và đoạt của địch để tạo cơ hội cho ta.
Theo lửa thì dựa vào thời cơ sẵn có.
Phóng hỏa thì tự ta tạo ra thời cơ.
Không thể phê phán theo lửa hay phóng hỏa, cái nào hay, cái nào dở, cái nào tốt, cái nào xấu, vì cả hai giống như một sự biến ảo giữa không khí và nước.
Trong sử sách, người ta thấy tay phóng hỏa giỏi là Trương Nghi. Một mình Trương Nghi đã phá tan thế hợp tung bằng cách dối Tề, lừa Triệu, dọa Ngụy, thuyết Yên, bịp Sở.
Trương Nghi thật là con người có cái lưỡi bằng lửa thiêu đốt cả sáu nước, dựng thành cơ nghiệp thống nhất cho nhà Tần.
Khổng Minh tuy là một nhà chính trị lỗi lạc tài tình, nhưng cái thế của ông ngay từ đầu chỉ là cái thế phải theo lửa để gây vốn: Lưu Bị bị Tào Tháo đánh chạy đến cùng đường, Khổng Minh đành tính kế nương nhờ Tôn Quyền rồi ăn theo cuộc chiến tranh Nam - Bắc, ăn theo trận Xích Bích để cướp Kinh Châu.
"Sấn hỏa đả kiếp" đòi hỏi một khả năng hành động mau lẹ như con ó bắt mồi.

8. Vô trung sinh hữu (Không có mà làm thành có)
Kế "Vô trung sinh hữu" là từ không mà tạo thành có.
Thiên hạ không loạn, trật tự không rối thì làm gì có anh hào xuất lộ! Bởi lẽ đó, những anh hào thường được gọi là kẻ "chọc trời khuấy nước". Mục đích của khuấy nước là làm rối beng sự việc lên để dễ bề thao túng. Thủ đoạn của khuấy nước là gây tiếng tăm, tung tiếng đồn, gây xáo trộn rồi dựa vào đó mà thủ lợi.
Kế "Vô trung sinh hữu" hình dung là tu hú đẻ nhờ, tổ thì chim khác làm, nhưng con tu hú cứ đến đặt trứng của nó vào đó, rồi lại nhờ loài chim khác ấp trứng luôn, khi trứng nở thành chim, tu hú con bay về với bầy tu hú.

9. Tiên phát chế nhân (Ra tay trước để chế phục đối phương)
"Tiên phát chế nhân" là ra tay trước để dành chiếm ưu thế, để đoạt lợi, để bắt lấy sự chiến thắng.
Kế "Tiên phát chế nhân" là không nói quá xa, viễn vông, mà phải nhìn vào thực tế gần nhất.
Các vụ xảy ra trong lịch sử như: Lý Thế Dân tại Huyền Vũ Môn, Võ Tắc Thiên phế lập Lư Lăng Vương, Ung Chính cướp Bảo Tòa, Từ Hi độc sát Quang Tự, Gia Cát Lượng lấy đất Quang Trung... Tất cả đều là áp dụng thủ đoạn "chớp nhoáng" không cho địch kịp trở tay, không cho dư luận phản ứng kịp.
Vẫn có câu "Tiên hạ thủ vi cường" là vậỵ

10. Đả thảo kinh xà (Đập cỏ làm cho rắn sợ)
Kế "Đả thảo kinh xà" là đập vào cỏ, làm động cho rắn sợ.

11. Tá đao sát nhân (Mượn đao để giết người)
Kế "Tá đao sát nhân" là mượn dao để giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù của mình.
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng”. (Giết người không thấy máu, thấy máu không anh hùng).
Trên đời dĩ nhiên chưa có kẻ nào chỉ giết người mà thành anh hùng, nhưng cũng hiếm có tay anh hùng nào không giết người. Điểm khác nhau không ở có hay không, mà ở chỗ thông minh hay ngu xuẩn. Tào Tháo mượn Lưu Biểu giết Nễ Hành, mượn lòng quân giết Dương Tu rồi lại được làm cái việc mèo già khóc chuột, thật đáng kể là một tay thông minh, gian hùng.

12. Di thể giá họa (Dùng vật gì để vu khống người ta)
Kế "Di thể giá họa" là đem xác chết hay đồ vật gì bỏ vào nhà người khác để giá họa.
Kế này thường được dùng bởi khối óc quỷ quyệt thông minh, tự mình không ra mặt mà làm cho đối phương bị hại. Như vậy gọi là "giết người không thấy máu".

13. Khích tướng kế (Kế chọc giận tướng giặc)
"Khích tướng kế" là kế chọc giận tướng giặc, làm tướng giặc nổi giận. Nổi giận sẽ mất sáng suốt, thiếu suy nghĩ, không tự chủ được con người mình.
Mạnh Tử nói: "Nhất nộ nhi an thiên hạ".
Trong đời có nhiều sự việc được thành tựu bằng một cơn giận và cũng có nhiều việc thất bại bởi một cơn giận.
Bởi vậy cái kế khích tướng cũng là một trong những diệu kế, nếu đạt ra thì kiến thiên hạ, cùng thì mang họa vào thân.
Khích tướng còn là khơi dậy cái hùng khí của người khác để người ấy làm việc cho ta.
Đối tượng tốt nhất của kế khích tướng là những người có tính tình bạo tháo hay sẵn sàng phẫn nộ.
Tuân Tử bảo rằng: “Lời nói khéo êm như lụa, lời nói ác nhọn như giáo mác”.
Thuyết là tiến dẫn lời nói, cái nghĩa căn bản của thuyết làm cho người ta nghe theo. Hiệu quả của thuyết rất lớn. Bởi thế mới có câu: "Thiên hạ tĩnh, nhất ngôn sử chi động. Thiên hạ động, nhất ngôn sử chi tĩnh". (Thiên hạ đang yên lặng, một lời nói làm náo loạn. Thiên hạ đang náo loạn, một lời nói làm lắng dịu).
Căn bản mưu thuật của thuyết, theo Tuân Tử có bốn điều: Cơ, dũng, trí, biến.
- Cơ: Là xem thời độ thế, nhân lợi thuận tiện.
- Dũng: Là quyết đoán nói những điều không ai dám nói.
- Trí: Là biết rõ sự tình, tâm lý, giải quyết được thắc mắc, chế phục được người.
- Biến: Là biến hóa, trong các trường hợp bất trắc.
Mục đích của thuyết có năm điều:
- Làm cho người hiểu rõ.
- Làm cho người tin tưởng.
- Làm cho người đồng tình.
- Làm cho người phục.
- Làm cho người theo.
Đạt được năm mục đích trên thì kể như nắm chắc phần thắng trong tay.

14. Man thiên quá hải (Lợi dụng sương mù để lẩn trốn)
Kế "Man thiên quá hải" là lợi dụng lúc trời sương mù mà lẩn trốn, vượt qua hay hành động ngay trong lúc sương mù.
Man thiên, trời u ám không phải hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi như một quẻ trong Dịch lý đã nói. Man thiên, không thể ngồi đợi nó tới như sương mù do thời tiết thiên nhiên, mà phải tạo ra nó.
Kế "Man thiên" đem áp dụng thực hiện được cả hai mặt: tiêu cực lẫn tích cực.
Tích cực là đem ánh sáng đến cho một tình thế mờ mịt.
Tiêu cực là lẩn tránh một tai họa, là lợi dụng cơ hội sơ hở của địch để thoát bí.
Ở trận Xích Bích, Khổng Minh đã giải quyết vấn đề thiếu tên bắn cho các cung thủ bằng cách lấy mười chiếc thuyền lớn chất đầy rơm, đợi lúc trời sương mù, âm thầm đến trại Tào Tháo nổi trống la hét làm như tấn công. Tào sợ ngụy kế, không dám xông ra, chỉ bắn tên như mưa vào các thuyền rơm. Bằng một đêm đánh trống reo hò, không chết một người, Khổng Minh đã lấy được của Tào Tháo cả trăm ngàn mũi tên.

15. Ám độ trần sương (Đi con đường mà không ai nghĩ đến)
Kế "Ám độ trần sương" là bí mật đưa quân qua con đường mà không ai nghĩ rằng ta sẽ đi qua.
Kế này áp dụng giữa lúc hai bên đang đấu tranh, chiến đấu với nhau.
Mỗi bên đều ra sức giấu mục tiêu thật của mình rồi đưa ra mục tiêu giả mà lừa đối phương.
Đây là công việc rất phức tạp, có một quá trình khúc triết. Như "Tôn Tử Binh Pháp" viết: “Việc binh là trá ngụy, có thể mà làm ra vẻ không có thể, dùng đấy mà tỏ ra không dùng, gần giả làm như xa, xa giả làm như gần. Lấy lợi mà dụ, gây rối mà đuổi, thấy khỏe thì tránh. Đầu tiên là làm mọi cách giảm nhược lực đối phương, sau rồi mới tiến hành dự định.
Muốn dụng kế này phải là người có tầm nhìn xa hiểu rộng và một khối óc tuyệt vời.

16. Phản khách vi chủ (Đổi vị khách thành vị chủ)
Kế "Phản khách vi chủ" là đổi địa vị khách thành địa vị chủ.
"Phản khách vi chủ" là trong đấu tranh đang ở vào thế bị động nên phải tìm kế hoạch đến chủ động, khách vốn là địa vị bị chi phối, mọi việc đều do chủ đặt định sắp xếp.
"Phản khách vi chủ" là nguyên tắc thường dùng trong đấu tranh. Có chủ động mới khống chế được cục diện. Không có chủ động, không thể thắng lợi.

17. Kim thiền thoát xác (Ve sầu vàng lột xác)
"Kim thiền thoát xác” là con ve sầu vàng lột xác.
Kế này dùng cho lúc nguy cấp, tính chuyện ngụy trang một hình tượng để lừa dối, che mắt đối phương, đặng đào tẩu chờ một cơ hội khác.
Kế "Kim thiền thoát xác" có một phạm vi rất rộng rãi và phổ biến, bất cứ ai ở hoàn cảnh nào cũng có thể sử dụng được.

18. Không thành kế (Kế bỏ trống cửa thành)
"Không thành kế" là kế bỏ thành trống, thành bỏ ngỏ.
Kế này có hai loại:
- Một là lúc tình thế cực khẩn cấp, nguy hiểm như treo trên sợi tóc, buộc phải dùng nghi binh để lừa dối đối phương mà dựa vào đó để trốn thoát.
- Hai là rút lui với đầy đủ kế hoạch dụ cho địch quân xâm nhập rồi mới bao vây tiêu diệt.
"Không thành kế" thực ra là một cách tạo nghi âm cho đối phương, mục đích là không cho đối phương sớm có một quyết định.

19. Cầm tặc cầm vương (Dẹp giặc phải bắt tướng giặc)
"Cầm tặc cầm vương" là dẹp giặc phải bắt chúa giặc.
Phương pháp bắt chúa giặc thật thiên biến vạn hóa, không cứ bằng sức mạnh hay bằng trí khôn. Các kế khác như "Điệu hổ ly sơn", "Mỹ nhân kế" hay "Man thiên quá hải" đều có thể dùng cho kế "Cầm tặc cầm vương". Để đối phó với một nhân vật anh hùng, thì dù một quả đạn mà giết hay dùng mỹ nhân kế mà nhử thì cũng như nhau.
Nhưng đa số âm mưu cầm vương được hiệu quả bằng kích thích anh hùng và mỹ nhân kế.
"Tự cổ anh hùng đa hiếu sắc" là vậy.
Việt Vương thua trận rồi, mà chỉ dùng một nàng Tây Thi đã đủ giam cầm Phù Sai. Lý Viên muốn đoạt quyền của Xuân Thân Quân, nên đã cho cô em là Lý Yên sang làm tì thiếp. Đó là những cách gián tiếp để cầm vương.

20. Ban chư ngật hổ (Giả làm con heo để ăn thịt con hổ)
Kế "Ban chư ngật hổ" là giả làm con heo để ăn thịt con hổ.
Lão Tử nói: “Người cực khôn khéo mà làm ra vụng về”, cũng như câu "đại trí nhược ngu". Người đi săn thường học tiếng heo kêu rồi tự giả làm heo để nhử con hổ.
Đối với kẻ thù, ta hãy giả ngu như một con heo, trên bề mặt cái gì cũng thuận chịu, lúc nào cũng cười, lúc nào cũng cung kính để cho địch mất hết nghi âm. Chờ thời cơ chín, tìm thấy chỗ nhược của kẻ thù mà đập đòn sấm sét.
- Dùng việc không gì quan trọng bằng bí mật.
- Hành động không gì quan trọng bằng thừa lúc bất ý.
- Dò xét không gì quan trọng bằng làm cho địch không hay biết.
- Bên ngoài ra vẻ loạn mà bên trong rất có cơ ngũ.
- Tỏ ra đói mệt nhưng thật là no khỏe.
- Làm ra ngu xuẩn nhưng rất tinh tường.
Những câu trên đây chính là căn bản lý luận của kế "Ban chư ngật hổ" vậy.

21. Quá kiều trừu bản (Qua cầu rồi phá cầu)
"Quá kiều trừu bản" là qua cầu rồi thì phá cầu, ý nói một người sau khi đã thành công, muốn hưởng thụ một mình nên giết hại hoặc xa lánh những người bạn đã đồng lao cộng khổ với mình.
Kế "Quá kiều trừu bản" thường trái ngược với kế "Ban chư ngật hổ". Qua cầu cất nhịp là lúc đắc thời đắc thế đem thuộc hạ ra mà khai đạo. Còn giả tiếng heo là kế áp dụng giữa lúc ở vào thế kẹt.
Đứng trên lập trường đạo lý thì cất nhịp cầu là một hành động vong ân bội nghĩa.
Lưu Bang nổi danh là người qua cầu cất nhịp lớn nhất trong lịch sử. Lúc Lưu Bang hàn vi còn đi ăn cắp gà, thôi thì Bang nói đủ các điều ngon ngọt dễ nghe để tựu chúng lập đảng. Đến khi nên cơ nghiệp rồi, lo việc củng cố quyền thế, Lưu Bang chẳng ngại gì hết, đổi lại thái độ, nghi ghét triều thần.
Người thứ nhất mà Lưu Bang lôi chém là Hàn Tín, rồi đến Bành Việt, Anh Bố, bỏ tù Tiêu Hà, Trần Hi, Phàn Khoái.
Trương Lương thấy họa chẳng chóng thì chày cũng đến với mình, nên bỏ trốn lên rừng học đạo tu tiên.

22. Liên hoàn kế (Kế móc nối nhau)
"Liên hoàn kế" là nối liền với nhau thành một dây xích.
"Liên hoàn kế" còn là vận dụng một quyền thuật để tạo phản ứng dây chuyền cho đối phương hoặc gây thành phản ứng nhiều mặt.
Mỹ nhân kế là vũ khí phổ biến nhất cần thiết cho việc dùng "Liên hoàn kế". Vì người đẹp ví như nước, anh hùng ví như bùn, nước làm cho bùn nhão ra.
Từ ngàn xưa, đa số anh hùng đã vì thương hoa tiếc ngọc nên bỏ lãng nhiệm vụ.
Tuy vậy, vẫn phải phân biệt "Mỹ nhân kế" với "Liên hoàn kế".
Liên hoàn kế là một hình ảnh của thực tiễn, bất cứ việc gì xảy ra cũng gây thành phản ứng dây chuyền. Việc xảy ra hôm nay cũng không tự dưng mọc ra, nó phải là kết quả dây chuyền từ những sự việc trước.

23. Dĩ dật đãi lao (Lấy khỏe để đối phó với mệt)
Kế "Dĩ dật đãi lao" là lấy sự thanh thản để đối phó với hấp tấp, nhọc nhằn; dưỡng sức mà đợi kẻ phí sức.
Kế này viết ở trong thiên "Quân Tranh" của bộ "Tôn Tử Binh Pháp": "Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi mệt" nghĩa là trên chiến thuật phải tìm nắm trước địa vị chủ động để ứng phó với mọi tấn công của địch.
Cũng có ý nói nên chuẩn bị chu đáo, dễ dàng lấy cái thế bình tĩnh xem xét tình hình biến hóa mà quyết định chiến lược, chiến thuật. Đợi địch mỏi mệt, tỏa chiết bớt nhuệ khí rồi mới thừa cơ xuất kích.
Tôn Tử gọi thế là: "Ẩn sâu dưới chín từng đất, hành động trên chín từng trời".
Sử dụng sách lược này đòi hỏi thái độ tuyệt đối trầm tĩnh ứng biến, đo được ý kẻ thù, hoàn cảnh kẻ thù, thực lực kẻ thù. Nếu thời cơ chưa chín thì đứng yên như trái núi. Khi cơ hội vừa tới thì lập tức lấp sông, chuyển bể.
Tư Mã Ý ngăn Gia Cát Lượng ở Kỳ Sơn.
Chu Du phóng hỏa tại Xích Bích.
Tào Tháo đại phá Viên Thiệu nơi Quan Độ.
Tạ Huyền đuổi Bồ Kiên ở Phi Thủy.
Tất cả đều lấy ít đánh nhiều, thế kém vượt thế khỏe. Tất cả đều là kết quả sử dụng tài tình sách lược "Dĩ dật đãi lao".

24. Chỉ tang mạ hòe (Chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe)
"Chỉ tang mạ hòe" là chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe. Ý nói vì không tiện mắng thẳng mặt nên mượn một sự kiện khác để tỏ thái độ.

25. Lạc tỉnh hạ thạch (Ném đá vào người dưới giếng)
"Lạc tỉnh hạ thạch" là ném đá vào đầu kẻ đã rơi xuống giếng.
Rơi xuống giếng lại còn ném đá vào đầu nạn nhân. Nếu đứng trên quan điểm đạo đức Khổng - Mạnh thì phải là hành động không chính nhân quân tử, nhưng nếu coi là một mưu kế thì hành động này lại là một hành động sáng suốt.
Căn bản triết lý của "Lạc tỉnh hạ thạch" là chi phối được thì mới chiếm đoạt được, và nhân từ với kẻ thù tức là tàn nhẫn với chính ta.
Lưu Bị lúc nào hé miệng cũng nói những điều nhân từ, lúc nào cũng chảy nước mắt, nhưng ông lại là người cũng giỏi thủ đoạn "Lạc tỉnh hạ thạch" nhất.
Chẳng vậy mà khi Lã Bố vốn là người làm nhiều ân huệ đối với Lưu Bị, nào việc bắn kích ở Viên Môn, nào việc cho Lưu Bị nương tựa ở căn cứ mình... Đến lúc Lã Bố bị bắt sau khi thất trận Từ Châu, Tào Tháo trong lòng còn đôi chút thương mến muốn dụ dỗ Lã Bố, Lưu Bị ngại Tào Tháo có thêm một mãnh tướng nữa nên đã ghé tai Tào Tháo mà nhắc khéo: “Ông không nhớ chuyện Đinh Nguyên và Đổng Trác hay sao?” (Đinh Nguyên và Đổng Trác đều nhận Lã Bố làm con nuôi, nhưng đều bị chết vì tay Lã Bố.
Lưu Bị đã không kể đến ơn nghĩa, lại còn đưa đòn độc "Lạc tỉnh hạ thạch" hạ Lã Bố. Như vậy, Lã Bố làm sao khỏi chết!

26. Hư trương thanh thế (Thổi phồng thanh thế)
"Hư trương thanh thế" là thổi phồng thanh thế để cho người ta chóa mắt, nể sợ.
Đời Tam Quốc, Tào Tháo tiến xuống Giang Định, rầm rộ cả trăm vạn hùng quân. Tháo định dùng ưu thế tuyệt đối để buộc Tôn Quyền phải hàng phục. Nhưng Khổng Minh trông thấy âm mưu này nên chỉ ba vạn quân với một số mưu kế và trận gió đông đã đánh bại quân Tào.
Khi sử dụng kế này, trước hết phải xem mục đích và giá trị của nó thế nào đã, rồi mới định cỡ to nhỏ.

27. Phủ để trừu tân (Bớt lửa dưới nồi)
Kế "Phủ để trừu tân" là bớt lửa dưới nồi, ý nghĩa là giải quyết trên căn bản một vấn đề, chủ ý không cho nó phát ra (bớt lửa cho nước khỏi trào).
Khi có một việc đã bùng nổ ra rồi thì tìm cách làm cho nó dịu đi, không để nó tiếp tục ác liệt.
Chỗ diệu dụng kế "Phủ để trừu tân" là không nghe thấy tiếng, không nhìn thấy hình, vô cùng như trời đất, khó hiểu như âm dương, khiến cho kẻ thù rơi vào kế của mình mà họ không biết.
Không kể tình trường, chiến trường hay thương trường, kế "Phủ để trừu tân" lúc nào cũng là kế rất âm độc, lớn mang hiệu quả lớn, nhỏ có hiệu quả nhỏ.
Ở tình trường, anh chàng kém vế thường o bế song thân hoặc anh em của đào, hơn là tấn công chính nàng!
Ở chiến trường, kế "Phủ để trừu tân" lại càng dày đặc, giăng mắc như mạng nhện.

28. Sát kê hách hầu (Giết gà cho khỉ sợ)
"Sát kê hách hầu" nghĩa đen là giết con gà cho con khỉ sợ.
Theo truyền thuyết dân gian, con khỉ rất sợ trông thấy máu, cho nên khi người ta muốn dạy khỉ, trước hết họ giết một con gà, bắt con khỉ nhìn thấy đống máu bê bết rồi mới bắt đầu giáo hóa. Lúc bắt khỉ cũng thế, người ta vặn cổ con gà cho nó kêu lên những tiếng ghê rợn, khiến cho khỉ bủn rủn chân tay thì đến bắt.
"Sát kê hách hầu" có tác dụng lớn, làm cho các vụ mới nở ra trong trứng nước bị rơi vào cảnh bối rối, sợ sệt.

29. Phản gián kế (Dùng kế của đối phương để quật lại)
"Phản gián kế" là dùng người của đối phương lừa dối đối phương, dùng kế địch lừa địch.
Tôn Tử nói: “Biết mình là biết thực lực và nhiệm vụ của mình. Biết người là biết thực lực và ý đồ của địch. Biết mình thì tương đối dễ hơn biết người. Cho nên muốn biết người thì phải dùng gián điệp”.

30. Lý đại đào cương (Đưa cây lý chết thay cây đào)
"Lý đại đào cương" là đưa cây lý chết thay cho cây đào.
Người lớn làm họa, bắt người bé chịu tội thay. Có rất nhiều kẻ tác gian phạm tội lại bắt người khác thế thân.

31. Thuận thủ khiên dương (Thuận tay dắt con dê về)
"Thuận thủ khiên dương" theo nghĩa đen là thuận tay dắt con dê về.
Sự việc trên đời, thiên biến vạn hóa rất kỳ diệu. Phải biết nắm lấy bất cứ cơ hội nào vụt hiện đến trước mắt, đó là những thâu hoạch, những cái lợi bất ngờ.

32. Dục cầm cố tung (Muốn bắt mà lại thả ra)
"Dục cầm cố tung" theo nghĩa đen là muốn bắt cho nên thả ra.
Muốn thực hành kế này, phải có một nhãn quan sâu rộng, một tấm lòng nhẫn nại vô song. Những kẻ cấp công cận lợi không bao giờ có đủ tài trí để thi hành nó.
Kế "Dục cầm cố tung" không thi hành theo cái nghĩa đen của nó. Kế này nói lên sự mềm dẻo cho mọi chính sách, thứ nhất là chính sách thu phục lòng người, giữ người.

33. Khổ nhục kế (Hành hạ thân xác mình để người ta tin)
"Khổ nhục kế" là hành hạ mình, rồi đem cái thân xác bị hành hạ ấy để làm bằng chứng mà tiếp cận với địch để hoàn thành một âm mưu nào đó.

34. Phao bác dẫn ngọc (Ném hòn ngói để thu về hòn ngọc)
"Phao bác dẫn ngọc" nghĩa đen là ném hòn ngói để thu về hòn ngọc. Tức là dùng tiểu vật để đoạt một đại vật, như người đi câu vậy.
Dân gian thường nói "thả con tép bắt con tôm" cũng là kế này.

35. Tá thi hoàn hồn (Mượn xác để hồn về)
"Tá thi hoàn hồn" nghĩa là mượn xác để hồn về.
Ý kế này chỉ rằng: Sau khi đã thất bại, buộc phải lợi dụng một lực lượng nào đó để khởi lên thi hành trở lại chủ trương của mình.
Tuy nhiên, dùng kế này rất dễ đi vào con đường nguy hiểm, nếu sơ xuất thì tỷ như rước voi về giày mả tổ.
Nếu mượn xác mà mượn ẩu thì chẳng khác gì vác xác chết về nhà.

36. Tẩu kế (Chạy, lùi, thoát thân)
"Tẩu kế" nghĩa là chạy, lùi, thoát thân.
Tại sao kế sau chót cổ nhân lại đặt là "kế chạy"?
Lại có câu: "Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách". (Ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!)
Bởi vậy kế này liên quan nhiều đến sự thành bại của một công việc lớn. Bất luận là đánh nhau bằng văn hay bằng võ, không ai là có thể thắng hoài. Trong quá trình chiến đấu bao gồm nhiều kiểu thắng, nhiều kiểu bại, lúc ẩn lúc hiện, trong chớp mắt dồn dập cả trăm ngàn biến chuyển. Nếu không ứng phó mau lẹ để tránh những cảnh bất lợi, để nắm mau lợi thế mà tiến tới thắng lợi, thì không phải là nhân tài.
Chạy có nhiều phương thức. Bỏ giáp, bỏ vũ khí mà chạy, bỏ đường nhỏ mà chạy tới đường lớn, bỏ đường bộ mà chạy sang đường thủy... Các phương thức tuy không giống nhau nhưng cùng hướng chung đến mục đích là tránh tai họa để bảo đảm an toàn, để bảo toàn lực lượng.
"Tẩu kế" không phải là chạy dài. Chạy chỉ là một giải pháp để mà sẽ quay lại. Tinh hoa của kế chạy là giành thời gian, bảo tồn sức khỏe, lực lượng.
Rút chạy đến một vị trí mới, cho tư thế vững mạnh hơn, tập trung nỗ lực và củng cố tinh thần, chọn một cơ hội thuận tiện để quật lại, ấy mới thực là "Tẩu kế".
Sau hết phải lo đến điểm nguy của kế chạy: Khi chạy, sẽ mất tinh thần, sự việc hoàn toàn lỏng lẻo, mất sự tin tưởng ở xung quanh. Nếu không giải quyết cho chính xác những vấn đề trên thì "tẩu" không còn là một kế hoạch nữa, mà là một sự tan rã vậy!"

Cứ theo phân tích ở trên thì có thể thấy:

- Khổng Minh biết rõ vì mình ba lần trêu tức đến nỗi Chu Du uất ức mà chết, vậy mà vẫn đích thân sang Ngô viếng tang, đau đớn khóc lóc (giả vờ, tất nhiên), ấy là Minh tri cố muội (kế thứ 4)

- Mục đích chính của cuộc thăm viếng này là củng cố lại mối quan hệ Ngô-Thục sau vụ tranh chấp Kinh Châu (như bạn huybuixuan đã nói), ấy là Phủ để trừu tân (kế thứ 27)

- Vì việc lớn mà Khổng Minh chấp nhận đối diện hiểm nguy, một mình xông pha vào hang cọp, khuất thân vật vã than khóc, ấy có thể tạm gọi là Khổ nhục kế (kế thứ 33)

- Mục đích khác của cuộc thăm viếng này là tìm người hiền tài cho Lưu Bị, may mắn sao gặp được Bàng Thống, liền viết thư tiến cử Bàng Thống cho Lưu Bị, ấy là Thuận thủ khiên dương (kế thứ 31)

Một vài lời ngô nghê góp vui cho diễn đàn, mong mọi người đừng chê cười, tội nghiệp.

dammanh
23-09-2010, 00:15
Hay thât!cám ơn hoangle nhé!tiện chú hỏi cháu luôn
1.Tại sao chỉ có 36 kế
2.Thứ tự sắp xếp có cố định không và dựa trên nguyên tắc nào
Chú thực sự không biết và rất muốn biết điều đó,cháu hoặc ai trả lời được điều này chú sẽ có quà tặng xứng đáng,một lần nữa cám ơn cháu và các bạn tham gia topic này

hoang.le
23-09-2010, 12:11
Câu hỏi của chú Đàm Mạnh hay quá!

Hôm qua cháu vò đầu bứt tai mãi mới viết được bài viết về ba mươi sáu kế, hôm nay cháu vặt trụi nốt chỗ tóc còn sót lại trên đầu để tìm câu trả lời cho hai câu hỏi của chú Mạnh (bây giờ còn mỗi một cọng chú ơi), đọc đi đọc lại mà vẫn chưa thấy ưng ý, mong chú và mọi người góp ý thêm:

Về con số ba mươi sáu kế, cháu tìm thấy bài thơ này:

"Trên tay lần túi cẩm nang,
Rõ rành ba sáu từ Càn sinh ra
Thiên Cang lục lục ấy là
Biến thành Địa Sát tám ba ba thành,
Thắng mà thận mật chớ khinh,
Địch ta ta địch ngọn ngành không sơ,
Công phao dọa nạt bất ngờ,
Hỗn hào tịch mịch ngồi chờ sấm vang,
Xoay quanh lại thấy một Càn,
Khép vào Tịnh, Bại chu toàn một phen"

Ngẫm nghĩ mãi mới hiểu 4 câu đầu, còn lại xin được nhờ mọi người chỉ giáo.

Về thứ tự sắp xếp thì quả thật có rất nhiều sách vở ghi chép, mỗi sách ghi mỗi kiểu, nhưng tựu trung có hai cách sắp xếp:

- Sắp xếp theo kiểu liệt kê (như bài viết trên của cháu)
- Sắp xếp theo nhóm như dưới đây:

Thắng chiến kế

01/ Man thiên quá hải : Giấu trời qua biển, lợi dụng sương mù để lẩn trốn
Gia Cát Lượng dùng một biến thể là kế Thuyền cỏ mượn tên để lừa lấy tên của Tào Tháo trong trận Xích Bích.

02/ Vây Ngụy cứu Triệu : Để cứu nước Triệu thì cần mang quân vây nước Ngụy
Thời Chiến Quốc, Bàng Quyên đem quân nước Ngụy tấn công nước Triệu rất gấp. Tôn Tẫn, bạn học cũ của Bàng Quyên, bày kế cho nước Tề đem quân vây nước Ngụy, y rằng Bàng Quyên phải kéo quân về giải vây, nước Triệu được cứu.

03/ Tá đao sát nhân: Mượn dao giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù
Thời Tam Quốc Tào Tháo ghét Nễ Hành tính tình ương bướng không chịu khuất phục bèn cử ông ta đến chầu Lưu Biểu. Quả nhiên Nễ Hành làm Lưu Biểu tức giận rồi bị giết.

04/ Dĩ dật đãi lao : Lấy khỏe, nhàn để đối phó với mỏi mệt
Trong Trận Phì Thủy, Phù Kiên đem một triệu quân tấn công nhà Tấn. Tuy nhiên Tạ An, Tạ Huyền nắm vững tinh thần Dĩ dật đãi lao nên dùng quân Tấn ít hơn nhưng tinh nhuệ, có trật tự, được nghỉ ngơi, đánh cho Phù Kiên đại bại.

05/ Sấn hỏa đả kiếp : Tranh thủ nhà cháy mà đánh cướp, lợi dụng lửa để hành động
Trước trận Xích Bích, Lưu Bị chỉ là một lãnh chúa nhỏ nắm trong tay một thành Tương Dương người thưa quân ít. Lợi dụng thất bại của Tào Tháo ở Xích Bích, Lưu Bị tung quân chiếm Kinh Châu rồi từ đó phát triển thế lực ngang bằng với Tào Tháo, Tôn Quyền.

06/ Thanh Đông kích Tây : Giương Đông kích Tây, vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại
Sau trận Xích Bích, Gia Cát Lượng cho quân đốt lửa trong đường hẻm Hoa Dung để Tào Tháo nghi ngờ rằng quân Lưu Bị dùng kế giương Đông kích Tây rồi chọn chính đường Hoa Dung để rơi vào bẫy của quân Quan Vũ.

Địch chiến kế :

07/ Vô trung sinh hữu : Không có mà làm thành có
Trong Trận Phì Thủy, để khỏa lấp sự chênh lệch lớn về quân số, Tạ An, Tạ Huyền tung quân Tấn tấn công sớm lực lượng quân Tần của Phù Kiên để tạo ra cảm giác rằng quân Tấn đông đảo không kéo gì quân Tần. Quân Tần vì thế mà hỗn loạn sợ hãi tới mức tưởng tiếng hạc kêu là tiếng quân địch la hét, tưởng cỏ cây lay động là quân Tấn mai phục. (Phong thanh hạc lệ, Thảo mộc giai binh).

08/ Ám độ Trần Thương : Chọn con đường, cách thức tấn công mà không ai nghĩ tới
Thời Hán-Sở tranh hùng, Lưu Bang bị Hạng Vũ ép vào đóng quân trong vùng Ba Thục hẻo lánh khó ra được Trung Nguyên. Hàn Tín bèn bày kế vờ sửa đường sạn đạo nhưng lại ngầm dẫn quân đi đường hẻm để đánh úp ải Trần Thương, mở đường ra Trung Nguyên cho quân Hán.

09/ Cách ngạn quan hỏa : Đứng cách bờ để xem lửa cháy, để yên cho kẻ địch tự rối loạn
Sau Trận Quan Độ, Viên Thiệu đại bại trước Tào Tháo rồi chẳng bao lâu qua đời. Các con của Viên Thiệu là Viên Thượng, Viên Hy chạy tới nương nhờ Công Tôn Khang. Có người khuyên Tào Tháo thừa thắng tấn công để bắt nốt Viên Thượng, Viên Khang, Tào Tháo cho rằng không cần vội vì sớm muộn gì trong nội bộ địch cũng có loạn và rút quân. Quả nhiên Công Tôn Khang thấy Tào Tháo rút quân bèn chém đầu Viên Thượng, Viên Hy và xin hàng Tào Tháo.

10/ Tiếu lý tàng đao : Cười nụ giấu dao, lập mưu kín kẽ không để kẻ địch biết
Tể tướng của Đường Huyền Tông là Lý Lâm Phủ có bề ngoài và xử sự hết sức hòa nhã, thân thiện nhưng thực chất lại là người cực kì nham hiểm, dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ các đối thủ chính trị khác. Hành động của Lý Lâm Phủ về sau được mô tả bằng câu thành ngữ "Miệng nam mô, bụng bồ dao găm" ("Khẩu phật phúc kiếm", 口蜜腹剑).

11/ Lý đại đào cương : Mận chết thay đào, đưa người khác ra thế thân gánh vác tai họa cho mình
Thời Tam Quốc, Tào Tháo nghiêm cấm quân mình phá hại mùa màng dân chúng nếu không sẽ bị xử tội chém. Một lần dẫn quân qua ruộng lúa, con ngựa của Tào Tháo vì hoảng sợ mà dẫm nát một khoảnh lúa lớn. Tào Tháo hỏi quan giám sát về cách xử tội, quan giám sát nghị tội của Tào Tháo đáng chết nhưng tính mạng của thừa tướng đáng trọng hơn vì vậy chém tóc để thay thế. Từ đó quân lính của Tào Tháo sợ hãi luật lệ nghiêm minh mà tuân thủ kỉ luật.

12/Thuận thủ khiên dương : Thuận tay bắt dê, phải tranh thủ nắm lấy cơ hội nằm trong tầm tay
Thời Tam Quốc Lưu Chương là thứ sử Ích Châu nhưng lại có tính tình nhu nhược. Gia Cát Lượng bèn khuyên Lưu Bị tận dụng mối quan hệ họ hàng xa để làm quen với Lưu Chương để rồi từ đó "thuận tay bắt dê" chiếm lấy Ích Châu làm chỗ dựa.

Công chiến kế

13/ Đả thảo kinh xà : Đánh cỏ động rắn, tấn công vào xung quanh kẻ địch khiến chúng hoảng sợ mà lộ diện

14/Tá thi hoàn hồn : Mượn xác trả hồn, mượn thân xác khác để đưa hồn về
Thời Tam Quốc quân Tào Ngụy nhờ tài năng chỉ huy của Chung Hội và Đặng Ngải mà chiếm gần như toàn bộ nước Thục Hán. Đại tướng nhà Thục là Khương Duy bèn giả đầu hàng với hy vọng mượn xác trả hồn, lợi dụng quân Ngụy để khôi phục đất nước. Tuy nhiên mưu kế của Khương Duy không thành, ông bị giết còn nước Thục hoàn toàn mất về tay Tào Ngụy.

15/ Điệu hổ ly sơn : Lừa cho hổ ra khỏi núi, khiến kẻ địch ra khỏi nơi ẩn nấp để dễ bề tấn công
Thời Tam Quốc Trương Phi được lệnh dẫn quân vào Ích Châu để hỗ trợ Lưu Bị. Trên đường tiến quân Trương Phi bị Nghiêm Nhan lợi dụng địa thế hiểm yếu để ngồi trong thành phòng thủ. Trương Phi bèn lập kế giả say dụ Nghiêm Nhan dẫn quân ra ngoài thành và đánh bại.

16/ Dục cầm cố túng : Muốn bắt thì phải thả
Thời Tam Quốc, Mạnh Hoạch làm phản khiến Thục Hán bất ổn. Để thu phục Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng đã bảy lần bắt, bảy lần thả (thất cầm thất túng, 七擒七纵) Mạch Hoạch khiến Mạch Hoạch đội ơn mà không dám làm phản nữa.

17/Phao chuyên dẫn ngọc : Ném gạch đưa ngọc đến, đưa miếng nhỏ ra để dụ địch nhằm đạt cái lợi lớn hơn

18/ Cầm tặc cầm vương : Bắt giặc bắt vua :

Hỗn chiến kế

19/ Phủ để trừu tâm : Rút củi đáy nồi, đánh tiêu hao hậu cần để làm quân địch dần phải thua

20/ Hỗn thủy mạc ngư : Đục nước bắt cá, lợi dụng tình thế để ra tay đạt mục đích
Trong Trận Phì Thủy, sau khi nhận thấy quân Tần rối loạn sau đợt tấn công phủ đầu của quân Tấn, Tạ Huyền quyết định tận dụng thời cơ tung toàn lực tấn công, kết quả là quân Tần đại bại dù đông quân gấp 10 lần quân Tấn.

21/ Kim thiền thoát xác : Ve sầu lột xác, sử dụng bộ dạng mới để làm quân địch bất ngờ trở tay không kịp

22/ Quan môn tróc tặng : Đóng cửa bắt giặc, dồn giặc vào thế bí không thể chạy thoát
Thời Chiến Quốc, Tôn Tẫn và Bàng Quyên ban đầu là hai học trò cùng thầy Quỷ Cốc tử, nhưng sau đó trở thành cừu thù và là địch thủ chính của nhau trên chiến trường. Trong trận chiến quyết định, Tôn Tẫn sai quân Tề dùng kế rút bếp để lừa Bàng Quyên và quân Ngụy tiến sâu vào đường hẻm Mã Lăng. Khi toàn bộ quân Ngụy đã rơi vào bẫy phục kích, Tôn Tẫn sai bịt đường hẻm và bắn tên, quân Ngụy đại bại, Bàng Quyên cũng bỏ mạng trong đám loạn tên.

23/Viễn giao cận công : Xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực
Thời Chiến Quốc, tể tướng nước Tần là Phạm Thư đề ra kế viễn giao cận công, theo đó với các nước gần, Tần sẽ dùng vũ lực uy hiếp, chiếm thành chiếm đất, với các nước xa không đem quân đi được thì lại dùng ngoại giao dụ dỗ làm đồng minh. Cứ như vậy Tần nhanh chóng trở thành bá chủ của cả 6 nước chư hầu, tạo điều kiện cho Doanh Chính thống nhất Trung Quốc sau đó.

24/Giả đạo phạt Quắc : Mượn đường giệt Quắc, lợi dụng hòa hoãn địch để rồi quay lại tấn công bằng lợi thế do chính địch tạo ra cho mình
Tấn Hiến Công theo lời Triệu Yến mang đồ vàng ngọc hối lộ nước Ngu với lý do mượn đường nước Ngu để đánh nước Quắc, thực chất là Tấn Hiến Công sợ Ngu sẽ sai quân cứu nước Quắc. Sau khi Tấn đánh tan nước Quắc, Ngu chỉ còn trơ trọi một mình, Tấn Hiền Công bèn đem quân quay về diệt nốt nước Ngu.

Tịnh chiến kế

25/Thâu lương hoán trụ : Trộm rường thay cột, phá hủy cơ sở của địch

26/Chi tang mạ hòe : Chỉ cây dâu để mắng cây hòe, còn có biến thể khác là chỉ chó mắng mèo, tấn công gián tiếp kẻ địch thông qua một trung gian khác
Thời Tam Quốc trong lúc Tào Tháo đang đem quân đi đánh Viên Thuật thì lương thảo thiếu thốn, binh lính kêu than. Thấy vậy Tào Tháo mới lập kế đổ tội cho quan coi lương Vương Hậu là lừa dối trong cấp phát lương rồi chém lấy đầu Vương Hậu. Quân Tào từ đấy sợ không dám kêu ca nữa mà hết lòng đánh Viên Thuật.

27/ Giả si bất điên : Giả ngu chứ không điên, làm cho quân địch coi thường mình mà không đề phòng
Thời nhà Tống, Nùng Trí Cao tự xưng đế ở phuơng Nam, hoàng đế nhà Tống phái quân đánh nhiều lần không được. Đại tướng Địch Thanh bèn bày kế giả đò sợ hãi làm quân của Nùng Trí Cao lơi là phòng bị, tức thì quân Tống tấn công đánh bại quân Nùng Trí Cao.

28/ Thượng ốc trừu thê : Lên nhà rút thang, còn có biến thể khác là qua cầu rút ván

29/Thụ thượng khai hoa : Trên cây hoa nở :

30/ Phản khách vi chủ : Từ chỗ là khách biến thành vai chủ, lấn dần dần đất của địch để đến chỗ địch không còn chỗ đứng
Trong chiến dịch chiếm Hán Trung của Lưu Bị, Pháp Chính đã quân sư cho Hoàng Trung dùng kế phản khách vi chủ để cuối cùng chém chết được đại tướng của Tào Ngụy là Hạ Hầu Uyên.

Bại chiến kế

31/Mỹ nhân kế : Dùng gái đẹp để làm rối loạn quân địch
Thời Xuân Thu, Câu Tiễn nước Việt bị Ngô vương Phù Sai đánh cho suýt mất nước. Phạm Lãi và Văn Chùng bèn hiến kế cho Câu Tiễn dâng mỹ nhân nổi tiếng của nước Việt là Tây Thi cho Phù Sai khiến Ngô vương vì đam mê tửu sắc mà bỏ bê việc chính sự, tạo thời cơ cho Câu Tiễn trả thù.

32/Không thành kế : Trong hoàn cảnh thành không có quân lại bị quân địch uy hiếp thì phải dùng những hành động kì lạ, trầm tĩnh khiến quân địch khiếp sợ tưởng có mai phục mà bỏ đi
Kế này gắn liền với điển cố về Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa. Theo đó trong lúc Gia Cát Lượng đang giữ ngôi thành trống không có phòng thủ thì Tư Mã Ý bất chợt kéo quân đến. Đánh vào tính đa nghi của Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng đã sai mở toan cổng thành, trên tường thành chỉ cắm tinh kỳ, lại sai người quyét dọn trước cổng làm như không có sự đe dọa của quân Ngụy. Cuối cùng Tư Mã Ý vì nghi ngờ mưu kế của Gia Cát Lượng nên đã rút quân, bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một để bắt sống địch thủ chính trên chiến trường.

33/ Phản gián kế : Lợi dụng kế của địch để biến thành kế của mình
Thời Tam Quốc, Tào Tháo phái Tưởng Cán, bạn học cũ của Chu Du sang Đông Ngô để dò xét lực lượng đối phương. Chu Du đoán được mưu của Tào Tháo nên đã sử dụng chính Tưởng Cán để làm Tào Tháo nghi ngờ hai hàng tướng cực kì thông thạo thủy binh của Kinh Châu để rồi giết hai người đó.

34/ Khổ nhục kế : Tự làm mình khổ nhục để đánh lừa quân địch
Câu Tiễn sau khi thất bại trước Phù Sai thì hết lòng tận tụy phục vụ Phù Sai như người hầu, thậm chí nếm cả chất thải của Phù Sai để giúp thầy thuốc khám bệnh cho Ngô vương, tất cả chỉ để che dấu sự chuẩn bị trả thù của nước Việt.

35/ Liên hoàn kế : Sử dụng nhiều kế liên tiếp, muốn chiến thắng phải biết móc nối nhiều kế với nhau
Liên hoàn kế gắn liền với giai thoại về Vương Doãn do La Quán Trung kể lại trong Tam quốc diễn nghĩa. Vì thấy Đổng Trác quá bạo ngược hung tàn nên Vương Doãn sử dụng liên hoàn kế trong đó có mỹ nhân kế gửi Điêu Thuyền vào chia rẽ hai bố con nuôi Đổng Trác và Lã Bố, sau đó dùng kế đục nước bắt cá khơi gợi ở Lã Bố sự thù địch với bố nuôi để rồi cuối cùng chính Lã Bố cầm kích đâm chết Đổng Trác.

36/ Tẩu vi thượng sách : Gặp kẻ địch mạnh thì kế chuồn là thích hợp hơn cả trong 36 kế

Thứ tự các kế sách trong cả hai cách sắp xếp đều không cố định (ngay cả tên gọi cũng có thể hơi khác một chút), duy nhất chỉ có kế thứ ba mươi sáu là cố định, bao giờ cũng là Tẩu kế (một số sách gọi là Tẩu vi thượng). Như hình người xưa không thích bại trận theo cách này, hoặc cách này là cách cuối cùng được áp dụng sau khi các kế khác không thành nên mới luôn được xếp ở cuối chăng?

huybuixuan
23-09-2010, 14:05
cao thủ. không thể một lời mà diễn tả hết. cao thủ. Bài thơ thì hiểu rồi. xuất phát từ lý số Trung QUốc. Còn tên của các nhóm kế thì tại sao lại đặt như vậy hả bạn hoang.le

hoang.le
23-09-2010, 16:58
Câu hỏi này cũng hay quá là hay.

Cọng tóc cuối cùng trên đầu mình cũng rụng nốt rồi bạn huybuixuan ơi.

Thực ra đọc lại hai bài viết của mình mới thấy kiến thức của bản thân còn nông cạn, bài viết thật lung tung, chẳng qua là cóp nhặt, không có tính thuyết phục, không thể xứng đáng với hai chữ "cao thủ" mà bạn đã ưu ái dành cho mình.

Nếu so sánh kỹ giữa hai bài viết, chúng ta sẽ thấy có tên một số kế sách không trùng nhau (ví dụ như Tiếu lý tàng đao, giả đạo phạt Quắc, ...), bởi vì "Ba mươi sáu kế" có rất nhiều bản khác nhau, lại có rất nhiều dị bản, lại có cả ba mươi sáu đối kế, vân vân và vân vân. Có lẽ phải nhờ các bác, các chú, những người nghiên cứu sâu xa về vấn đề này trên diễn đàn giải thích giúp?

Lại nói về tên của các nhóm kế, mình cũng không tìm thấy tài liệu nào ghi lại một cách cặn kẽ, chắc phải nhờ người giỏi tiếng Trung Quốc giải thích. Mình chỉ có một tài liệu dịch ra tiếng Anh như thế này:

- Thắng chiến kế (Winning Stratagems): nhóm mưu kế áp dụng khi đang ở thế thắng
- Địch chiến kế (Enemy Dealing Stratagems): nhóm mưu kế áp dụng trong quan hệ với đối phương
- Công chiến kế (Attacking Stratagems): nhóm mưu kế áp dụng trong tấn công
- Hỗn chiến kế (Chaos Stratagems): nhóm mưu kế áp dụng trong thời điểm hay tình thế hỗn loạn
- Tịnh chiến kế (Proximate Stratagems): mình chưa biết nên gọi là gì (nhưng có người lại đọc là tính chiến kế tức là kế liên minh, liên kết để chiến đấu)
- Bại chiến kế (Defeat Stratagems): nhóm mưu kế áp dụng khi đang ở thế bại

Ôi, ôi, càng viết càng thấy lung tung, mong có ai trên diễn đàn giải thích rõ hơn để em có thể "vén mây nhìn thấy ánh mặt trời" được chăng?

kaka
23-09-2010, 17:37
tên tiếng anh lun - bó tay anh ơi

Quả thật truyện cổ TRung Quốc tem đẹp quá

ca kiem
23-09-2010, 21:58
Ôi các bác ơi, từ tích Tam Quốc trên tem lạc sang binh pháp Tôn Tử rồi, sẵn tiện em spam luôn ^^
Bác hoang.le thân, theo như P tìm hiểu thì Tôn Tử binh pháp là sách chiến lược chiến thuật tiếng Hoa do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN đời Xuân Thu dâng lên Ngô vương Hạp Lư là cuốn binh pháp hoàn chỉnh, được viết vào năm 512 trước Công nguyên. Nó không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy Binh pháp Tôn Tử được tôn xưng là Tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại.
Từ đời nhà Đường, nhà Tống về sau, xuất hiện khá nhiều thuyết lầm lạc đối với cuốn Tôn Tử binh pháp ( cho nên có thể nói 36 kế của người TQ xưa cũng chỉ là biến thể của binh pháp Tôn Tử mà thôi). Bởi vì từ sau đời nhà Tuỳ cuốn binh pháp này đã bị thất truyền. Ở đời nhà Thanh người ta hiểu Tôn Tử binh pháp và Tôn Tẫn binh pháp là cùng một cuốn sách, Tôn Vũ và Tôn Tẫn cũng là một người, thậm chí còn cho rằng chỉ có Tôn Tẫn mà không có Tôn Vũ. Cái này thực ra P cũng từng lầm lẫn y như vậy, sau này xem phim binh pháp Tôn Tử mới ngộ ra.

Cái này là binh pháp Tôn Tử trên tem ^^ spam spam

http://i34.photobucket.com/albums/d144/tp7115stamp/binhphaptontu-35k.jpg

huybuixuan
24-09-2010, 03:55
Ôi các bác ơi, từ tích Tam Quốc trên tem lạc sang binh pháp Tôn Tử rồi, sẵn tiện em spam luôn ^^
Bác hoang.le thân, theo như P tìm hiểu thì Tôn Tử binh pháp là sách chiến lược chiến thuật tiếng Hoa do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN đời Xuân Thu dâng lên Ngô vương Hạp Lư là cuốn binh pháp hoàn chỉnh, được viết vào năm 512 trước Công nguyên. Nó không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy Binh pháp Tôn Tử được tôn xưng là Tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại.
Từ đời nhà Đường, nhà Tống về sau, xuất hiện khá nhiều thuyết lầm lạc đối với cuốn Tôn Tử binh pháp ( cho nên có thể nói 36 kế của người TQ xưa cũng chỉ là biến thể của binh pháp Tôn Tử mà thôi). Bởi vì từ sau đời nhà Tuỳ cuốn binh pháp này đã bị thất truyền. Ở đời nhà Thanh người ta hiểu Tôn Tử binh pháp và Tôn Tẫn binh pháp là cùng một cuốn sách, Tôn Vũ và Tôn Tẫn cũng là một người, thậm chí còn cho rằng chỉ có Tôn Tẫn mà không có Tôn Vũ. Cái này thực ra P cũng từng lầm lẫn y như vậy, sau này xem phim binh pháp Tôn Tử mới ngộ ra.

Cái này là binh pháp Tôn Tử trên tem ^^ spam spam

http://i34.photobucket.com/albums/d144/tp7115stamp/binhphaptontu-35k.jpg

Hi hi, nhân tiện đọc bài viết hay của cakiem, mình mới nhớ rằng đang chờ cakiem chuyển bộ này về cho mình đấy nhá :)). Lâu lâu là lâu.

huybuixuan
24-09-2010, 04:23
Nói mãi về sử Tàu, mình lái qua sử Việt một chút để mọi người biết thêm kế thứ 37.

Từ trước 256 CN đến 265 CN, nước ta là quận Cửu Chân chịu sự đô hộ của giặc Tàu chính là nước Đông Ngô trong thời Tam Quốc. Trong giai đoạn này, xuất hiện một vị nữ tướng nổi danh với câu nói Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người![ (http://www.vietstamp.net/forum/#cite_note-11) =D> =D> =D>

Sau khi giặc Ngô bị bà đánh đuổi, vua Ngô là Tôn Quyền phái Lục Dận, cháu Lục Tốn, nhân vật trong tích Hỏa thiêu liên doanh đã nói ở bài trên, (cũng có thuyết cho là chính Lục Tốn) sang đàn áp. Đây là một trang sử máu của nước nhà.

Dân gian truyền rằng: Lục Dận/Tốn đánh mãi không thắng bèn đem của cải mua chuộc các hào trưởng địa phương làm suy yếu nội bộ của cuộc khởi nghĩa. Đặc biệt trong trận đánh cuối cùng, y dùng một kế hết sức bẩn thỉu là cho binh lính... khỏa thân hoàn toàn. Do lính của bà đa số là nữ binh, thấy cảnh đó vì quá xấu hổ, nên không đánh mà tan. Lưu ý: kế này cũng được tướng Mã Viện xài để chống lại Hai Bà Trưng. Xem ra bọn này cũng có 'truyền thống đàn áp phụ nữ' đấy.

Theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được năm sáu tháng thì thua. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào ngày 21 tháng 2 âm lịch năm Mậu Thìn (tức ngày 1 tháng 4 năm 248), năm 23 tuổi.
Nước Việt lại bị nhà Đông Ngô đô hộ cho đến 265. :((:((:((:((:((

Ghi chú: cái kế bẩn thỉu nói trên là kế nào trong 36 kế. Bác nào trả lời được em xin vái cả nón. Có thể gọi là kế 'tụt quần' hay là kế 'không mặc quần' chăng??????

--------------
Gửi hoang.le : Cũng may là anh rụng hết tóc khi trả lời câu hỏi của bác DamManh, chứ anh mà còn sợi tóc nào chắc cũng rụng sạch nếu trả lời câu hỏi trên. :D:D (hi hi, đùa thôi nhá)

hoang.le
24-09-2010, 10:25
Cám ơn cakiem rất nhiều về những ý kiến đóng góp của bạn.

Hôm qua mình ngồi lục lọi trong đống sách cũ thì thấy trong cuốn "Chuyện Đông-Chuyện Tây" tập 2 của tác giả An Chi có trả lời về ba mươi sáu kế (mục 329). Qua đó thấy rằng mình mắc phải một sai lầm to tướng mà không thể không viết ra đây cho mọi người cùng biết (mình cũng đã sửa lại mấy bài viết trên cho phù hợp).

Ba mươi sáu kế sách không phải xuất phát từ binh pháp Tôn Tử mà là của người Trung Hoa xưa lưu truyền và tổng hợp lại, đến đời Nguyên-Thanh thì được viết thành sách, không rõ ai là tác giả nhưng đến nay đang tồn tại rất nhiều phiên bản.

Tác giả An Chi lập luận rằng, Tôn Tử là một danh tướng thời cuối Xuân Thu, trong khi đó trong ba mươi sáu kế, có những kế như "Ám độ Trần Thương" của Hàn Tín thời Hán Sở tranh hùng khi xuất quân bình định Tam Tần, hay kế "Vi Ngụy cứu Triệu" của Tôn Tẫn thời Chiến Quốc, vốn là hậu duệ và ra đời sau Tôn Tử những hơn 100 năm. Xét về yếu tố thời gian quả có chỗ bất hợp lý.

Hiện nay, đa phần sách Tôn Tử binh pháp đều có 13 chương kèm theo phụ lục nói về ba mươi sáu kế sách, khiến cho người đọc nhiều khi lầm tưởng Tôn Tử là cha đẻ của ba mươi sáu kế sách đó.

dammanh
24-09-2010, 12:04
Hay thât!dammanh chỉ dự định một quà tặng,nay phải chuẩn bị thành 3 rồi.Nhưng thế lại càng đáng mừng!Qua một chủ đề TÍCH TAM QUỐC,rồi dẫn dắt đến 36 kế,dammanh mở mang thêm nhiều.Xin đề xuất một vài suy nghĩ sau:
1.Khi xét một sự kiện luôn đặt đúng hoàn cảnh của nó và luôn chú ý đến cặp phạm trù NHÂN-QUẢ.
2.Thực ra xây dựng 36 kế tương tự một mô hình không gian 36 chiều trong toán học mà 36 kế lưu truyền trong thế gian như 36 vektor cơ bản,mà mọi kế sách trong CHIẾN TRƯỜNG,THƯƠNG TRƯỜNG,CHÍNH TRƯỜNG..thậm chí cả TÌNH TRƯỜNG nữa đều là vektor tổng hợp từ vektor cơ sở và 36 vektor này không cái nào mạnh hơn cái nào,hoàn toàn phụ thuộc người sử dụng nó.Thí dụ KẾ LIÊN HOÀN CỦA VƯƠNG DOÃN thực ra là kế LIÊN HOÀN-MỸ NHÂN.Kế rút khỏi THĂNG LONG của HƯNG ĐẠO VƯƠNG là kế KHÔNG THÀNH -TẨU VI.v.vv
3.Cuối cùng ngoài bạn hoangle dammanh biết chủ đề sưu tầm,đề nghị bạn buixuanhuy và cakiem cho dammanh biết chủ đề bạn đang sưu tầm để dammanh chuẩn bị ấn phẩm tặng
CÁM ƠN CÁC BẠN TRẺ NHIỀU!

huybuixuan
24-09-2010, 12:31
Cám ơn bác DamManh. Cháu chỉ mong có dịp được gặp bác ở ngoài để trao đổi học hỏi thêm kiến thức. Bởi vì học hỏi kiến thức từ người đi trước không bao giờ là đủ. Hơn nữa, cháu nhận thấy trong câu hỏi và những điều bác trao đồi ẩn chứa rất nhiều hàm ý. Cháu rất muốn được trò chuyện thêm với bác. Cháu xin tự giới thiệu:
...be hidden...

ca kiem
24-09-2010, 12:38
@ anh Hoang le, như P đã nói từ sau đời nhà Tùy cuốn binh pháp Tôn Tử đã bị thất truyền, về sau có rất nhiều biến thể của nó. Năm 1957 khi Quách Hóa Nhược viết về Binh pháp Tôn Tử còn dẫn lời Đỗ Mục cho rằng: Binh pháp Tôn Tử có 82 bài và 9 quyển hình vẽ cộng với cuốn "Ngô Việt Xuân Thu" ghi chép các câu hỏi và trả lời của Tôn Vũ với vua Ngô. Truyền đến đời Tam Quốc, được Tào Tháo chọn lựa, gọt sửa, biên tập và chú thích, bỏ chỗ thừa, chép những phần tinh tuý và xếp thành 13 thiên, tức là cuốn "Tôn Tử" lưu truyền đến ngày nay.
Điểm mà anh nói bất hợp lý "Tôn Tử là một danh tướng thời cuối Xuân Thu, trong khi đó trong ba mươi sáu kế, có những kế như "Ám độ Trần Thương" của Hàn Tín thời Hán Sở tranh hùng khi xuất quân bình định Tam Tần, hay kế "Vi Ngụy cứu Triệu" của Tôn Tẫn thời Chiến Quốc, vốn là hậu duệ và ra đời sau Tôn Tử những hơn 100 năm. Xét về yếu tố thời gian quả có chỗ bất hợp lý.", cái này thực ra chỉ là những vận dụng binh pháp Tôn Tử của người đời sau mà thôi, cho nên thực chất là nó k bất hợp lý một chút nào hết.
Xin phép vì đã loạn ngôn ^^

@ chú Đàm Mạnh: P chỉ bình loạn một chút thôi, k dám nhận quà tặng, nhưng mà, P chơi về 12 con giáp và gấu trúc chú ạ ^^

huybuixuan
24-09-2010, 14:16
Cháu rất mong bác nhận lời. Bởi vì đối với cháu, được học hỏi từ người đi trước là một món quà rất lớn rồi bác ạ.

Nguoitimduong
24-09-2010, 14:44
Cháu rất mong bác nhận lời. Bởi vì đối với cháu, được học hỏi từ người đi trước là một món quà rất lớn rồi bác ạ.
Bác Đàm Mạnh hiện đang định cư tại Ba Lan, bác mới vừa về Sài Gòn dịp Tết vừa rồi.

hoang.le
24-09-2010, 14:56
Cám ơn các bạn huybuixuan và ca kiem rất nhiều vì những trao đổi thú vị và bổ ích.

Cám ơn chú Đàm Mạnh rất nhiều vì lòng nhiệt tâm của chú với phong trào chơi tem nước nhà, sự động viên khuyến khích của chú đối với lớp trẻ chúng cháu chính là một món quà rất quý rồi. Như hình ngày xưa chú Mạnh nhà ở Hàng Bạc phải không ạh? Nhà cháu ở Hàng Ngang, nhưng đến năm 2000 thì chuyển đi rồi. Mong có dịp được gặp gỡ chú Mạnh tại một quán cà phê phố cổ nào đó khi chú về thăm Việt Nam.

dammanh
25-09-2010, 08:48
Cám ơn các bạn nhiều!chú ở xa quá!chú hứa khi về VN chơi sẽ tìm gặp các cháu trao đổi .Tiện đây xin kể lại câu chuyện của chú liên quan với 36 kế!

dammanh
25-09-2010, 10:03
11.BỘ SƯU TẬP CỦA ÔNG NHẬT,SỸ QUAN HẢI QUÂN Ở HẢI PHÒNG VÀ KẾ PHẢN KHÁCH VI CHỦ:
Đầu năm 1982,tôi lấy vợ,cô gái tôi quen ở QUẢNG NINH nhưng mỗi người vẫn sống mỗi nơi,nên cuộc sống vẫn như lúc chưa cưới.Tôi chưa phải đối mặt với đồng tiền nên vẫn chưa có nỗi lo xa.Lúc này bố tôi đã trao đổi về tem với tôi một cách bình đẳng,nhất là sau chuyến công du MN.Nhưng có 1 sự kiện nữa cho thấy tôi có duyên với tem.
Một hôm có một ông thiếu tá đến nhà tôi,ông ta là sỹ quan hải quân công tác ở HẢI PHÒNG ông muốn bán bộ sưu tập tem VN,vi vợ ông ấy ốm,sau khi trao đổi với bố tôi,ông đồng ý bán với giá 1 cây vàng và hẹn bố tôi xuống lấy.Bố tôi gọi tôi lên trao đổi nhưng tôi thấy viển vông quá!vì hiểu mua tem nó rất tùy hứng.Lúc khách thích mua thì chủ lại không bán,lúc chủ muốn bán thì khách chẳng ham mua!nhưng vì muốn thử nghiệm cách ngoại giao và áp dụng tam thập lục kế trong thương trường nên tôi hăm hở nhận lời đi.
Tôi quyết định đi chuyến tầu 6h sáng,đến HẢI PHÒNG lúc 9h và sẽ về chuyến tầu 3h chiều
Lúc 5h sáng tôi dậy chuẩn bị đi thì mẹ tôi đua thêm tôi 2 chỉ nữa!Ngồi trên tầu hỏa tôi suy nghĩ vẩn vơ và hiểu rằng bố tôi không tin sẽ mua được,và ý cụ có phải trả 1,2 cây vàng cũng mua.Vì thế suốt chặng đường kéo dài 3h trên tầu,tôi nghĩ tất cả các phương án có thể xảy ra và nghĩ cách thuyết phục,nếu ông NHẬT không muốn bán.Tôi cũng hình dung về người sỹ quan quân đội chât phác, lo lắng đến gia đình như ông NHẬT,dù tôi chỉ gặp,chưa tiếp chuyên bao giờ.Cũng may để tiên đi lại,nên tôi mặc bộ quần áo sỹ quan quân đội,vì lúc này tôi vùa được lên thượng úy.
Đến HẢI PHÒNG 9h45,tôi tìm được ngay nhà ông NHẬT ,gõ cửa và khi nhìn thấy ông tôi hiểu chuyến đi bất thành rồi. Ông mời tôi vào nhà,và báo tin mừng vợ ông đã đỡ và với giọng buồn buồn ông nói:’’Cậu về nói bố cậu thông cảm cho tôi,tôi thấy khó xa rời nó quá!”
Tôi cố tránh cho ông NHẬT thấy sự thất vọng của mình,mà khởi đầu tôi chúc mừng súc khỏe vợ ông đã bình phục,sau nữa nói chuyên thời sự quân đội và chuyến đi và hỏi về cuộc sống HẢI PHÒNG.Tôi cố kéo ông ra khởi trạng thái sượng sùng và để ông vui trở lại. Sau nữa tôi nói về cách cư sử của bố tôi đối với ông và dần dần câu chuyện đến đề tài chính và ông đã chịu khó lắng nghe,thậm chí có lúc còn cao hứng nũa.Tôi kể chuyện bố tôi đã bán nhiều tem quý,nhưng sau vẫn có cơ hội tìm lại, rồi chỉ ra rằng:khi mua thì bỏ tiền ít một,lúc bán được luôn một món tiền lớn.Cao hứng tôi còn kể câu chuyện một tay buôn tranh đầu thế kỷ 20 , đã tạo dựng vụ lấy cắp bức tranh MONALYZA để bán bức tranh rởm cho một nhà tỷ phú MỸ sau vụ việc bị vỡ lở,vì cậu đàn em lại mang bức tranh thật đi bán.Trước phiên tòa tay buôn tranh nói hùng hồn:Thằng đàn em tôi nó ngu,nó không hiểu rằng LẤY ĐƯỢC KHÓ MỘT THÌ BÁN ĐƯỢC KHÓ MƯỜI.
Lúc này liếc nhìn đồng hồ đã 3 h trôi qua và tôi dần dần biến thành chủ và ông NHẬT lại trở thành khách.Ông không những chăm chú lắng nghe mà còn tỏ ra sốt ruột,nôn nóng sợ bỏ lỡ cơ hội bán này.Rồi cuôi cùng ông cũng vỗ vai tôi và nói:
Tớ và cậu đều là lính,phải giữ uy tín cho sỹ quan quân đội chứ!không thể thất tín được! COLLECTION này bán cho bố cậu 1 cây vàng như đã thỏa thuận,còn tặng cậu 5 tờ tiên giấy kháng chiến có dấu hải phòng. Lúc này đã 15h30,kế PHẢN KHÁCH VI CHỦ đã thành công,thôi đành đi chuyến tàu 17h vậy.Khi tạm biệt chú NHẬT,tôi dám hứa 1 câu chắc nịch:
Nếu khi nào chú muốn quay lại sưu tầm tem VN,cần kiếm tem gi chú cứ nói với cháu.Nhưng có một vấn đề tôi không ngờ trong collection đó có 1 bì thư vô giá,độc nhất vô nhị. Đó là một FDC duy nhất mà VN có! Năm 1962,bưu điện có kế hoạch phát hành tem kỷ niệm 45 năm CMT10,nhưng lúc đó quan hệ LIÊN XÔ &TRUNG QUỐC có nhiều căng thẳng,chính phủ VN không muốn đụng đến vấn đề tế nhị đó,ảnh hưởng cuộc kháng chiến thống nhất tổ quốc,nên đình chỉ phát hanh tem này.Nhưng giới sưu tầm tem cũng lùng được tem nay dạng không răng (non emis).Bố tôi may mắn mua được vài con in thử và để cho ông NHẬT 2 con.Bưu điện lại nhanh nhảu phát hành dấu kỷ niêm trước , Ông NHẬT đem dán 1 con lên bì thư và ra bưu điện xin đươc dấu kỷ niệm chỉ lưu hành có vài ngày,rồi phải hủy.Bì thư đó nay nằm trong collection một người bạn tôi, và có giá khoảng 4000 USD.
Dù sao cũng một phần an ủi,nếu tôi không mua được collection này thì biết đâu FDC này lại lưu lạc ở 1 phương trời nào đó,châu mỹ hay châu âu,chứ không nằm trên lãnh thổ của tổ quốc.
Khi về nhà đã 9h30 tối,mẹ tôi vẫn chờ và câu đầu tiên bà hỏi:Có mệt không con? Làm lòng tôi ấm hẳn! Còn bố tôi thì nói,thấy con về muộn,là bố biết là thành công rồi!Lại 1 lần nữa tôi hiểu muốn gắn với kinh doanh tem thư hay đồ nghệ thuật nói chung phải học nhiều,luôn bồi bổ tri thức mọi lúc mọi nơi.
Chuyến đi HẢI PHÒNG và kế PHẢN KHÁCH VI CHỦ tuy thành công,nhưng tôi không vui lắm! Phải chăng tôi nghĩ đến lời hứa với chú NHẬT,vì thực chất tôi có thể tìm mọi tem VN không? nhưng điều khổ tâm nhất là lại một nhà sưu tầm tem ở MB vì cơm áo gạo tiền ,phải từ bỏ (chắc là vĩnh viễn) thú sưu tầm tem , và tôi cũng nghĩ liệu mình có đi đến hêt cuộc đời với nghiệp tem không???
Trích dẫn trong cuốn TỰ SỰ.

dammanh
08-10-2010, 12:03
Quà tặng các ban mê say tiểu thuyết TAM QUỐC


Tặng bạn Cakiem
109096
Tặng bạn Hoangle
109097

109098

109099
Tặng bạn Buixuanhuy
109100

109101

109102

Quà nhỏ mong các bạn không chê,có dịp dammanh sẽ gửi về![/B]

huybuixuan
08-10-2010, 12:43
Cám ơn bác dammanh. Món quà này không nhỏ chút nào đâu bác ạ.
Cháu rất mong được sớm gặp bác. Chúc bác sức khỏe

hoang.le
08-10-2010, 14:28
Món quà của chú Mạnh đẹp quá!

Cháu không biết nói thế nào, cám ơn chú Đàm Mạnh rất nhiều!

Chúc chú sức khỏe và mọi sự như ý!

ca kiem
08-10-2010, 16:59
P cám ơn chú Mạnh nhiều nha ^^
Chúc chú cuối tuần vui vẻ