PDA

View Full Version : Bưu chính Việt Nam: Cần nhiều thay đổi


Poetry
01-08-2011, 02:11
Bưu chính Việt Nam: Cần nhiều thay đổiTrong bối cảnh tình hình kinh doanh của Bưu chính Việt Nam đang ngày càng có nhiều khó khăn, ông Lê Đức Niệm (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện) đã có cách nhìn tổng thể và đề xuất một số ý kiến về hướng phát triển cho Bưu chính Việt Nam.

Bưu chính vẫn có thế mạnh

Có người lầm tưởng, do tính chất của nó, ngành Bưu chính đã quá lạc hậu so với thời đại, việc tiếp tục phát triển hay không không quan trọng. Nhưng trên thực tế, ở tất cả các nước trên thế giới, ngay cả những nước có nền kinh tế kỹ thuật phát triển cao như Mỹ, Nhật, các nước Tây Âu…, bưu chính vẫn chiếm một vị trí đáng kể trong toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Ở nước ta cũng thế, tuy VT-CNTT phát triển nhưng tính an toàn và bảo mật không cao, để thông tin liên lạc được bảo đảm vẫn phải tận dụng dịch vụ bưu chính. Hơn nữa, bưu chính nước nào cũng có mạng lưới rộng khắp, sử dụng kết hợp với VT-CNTT cũng tiện lợi và rẻ tiền (như dịch vụ tiền tệ, phát hành sách báo...). Vì vậy ngành Bưu chính ở Việt Nam vẫn phải được coi trọng, phải duy trì hoạt động tốt và được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tách hẳn VNPost ra khỏi VNPT

Để tiếp tục phát triển trong cơ chế thị trường hiện nay, CBCNV ngành Bưu chính phải đổi mới tư duy, kiên quyết xóa bỏ tư tưởng ỉ lại của cơ chế bao cấp, mở rộng và làm mới dịch vụ; thực hiện kinh doanh cạnh tranh bằng sự tiện lợi, chất lượng, năng suất và giá thành. Đi đôi với việc bảo đảm dịch vụ truyền thống chuyển phát công văn của Nhà nước và thư tín của nhân dân, cần cố gắng làm tốt các dịch vụ có thể làm, như chuyển phát (gồm cả chuyển phát nhanh và chuyển phát vật phẩm), thư tín thương mại (gồm cả quảng cáo), phục vụ thương mại điện tử, dịch vụ tiền tệ (chuyển tiền, tiết kiệm, bảo hiểm, tín dụng ngân hàng), chuyển vật phẩm chúc mừng, chia buồn (như điện hoa), phát hành sách, báo, ấn phẩm trong và ngoài nước, đại lý lữ hành, bán vé, thu tiền, bán hàng hóa ký gửi…

Đồng thời, do phương tiện truyền đưa và cách thức phục vụ có khác nhau, theo xu thế chung trên thế giới, việc tách kinh doanh dịch vụ bưu chính với viễn thông ở ta trong những năm gần đây là rất đúng đắn. Việc chấm dứt lấy lợi nhuận của viễn thông bù lỗ cho bưu chính để hai bên tự lo kinh doanh và phát triển trong cơ chế thị trường tưởng như đã thực hiện, nhưng trên thực tế Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) vẫn còn nằm trong VNPT. Để giảm bớt khó khăn cho Bưu chính, VNPT vẫn phải có sự tài trợ nhất định cho Bưu chính là điều không nên, cần đề nghị áp dụng các chính sách phù hợp để khắc phục. Được biết, Bộ TT&TT đã có chủ trương tách VNPost ra khỏi VNPT và đang chỉ đạo VNPT, VNPost xây dựng phương án. Đây là việc rất tốt nhưng cần phải hoàn thành càng sớm càng tốt.

Bài toán giá cước

Một điều nữa nhất thiết phải xem xét giải quyết, đó là cho thực hiện chính sách cước phí bưu chính theo giá thành. Ở các nước khi bưu chính, viễn thông còn chưa phát triển mạnh, giá thành dịch vụ còn cao, để bảo đảm quyền được sử dụng thông tin của người dân, người ta đã áp dụng chính sách dịch vụ phổ cập (service universel), cũng đảm bảo chất lượng tối thiểu nhưng với cước phí thấp, phần lỗ của nhà kinh doanh Nhà nước lấy ngân sách để bù. Khi đã cho phép có nhiều tổ chức tham gia kinh doanh cạnh tranh thì Nhà nước chọn giao dịch vụ phổ cập cho một số ít nhà kinh doanh đảm nhiệm và lập ra Quỹ Dịch vụ phổ cập, các nhà kinh doanh khác phải đóng góp để bù lỗ cho các nhà kinh doanh làm nhiệm vụ phổ cập.

Gần đây, giá cước bưu chính, viễn thông không còn là vấn đề lớn ở nhiều nước, hầu như toàn xã hội đều có thể bảo đảm thanh toán, nên Quỹ Dịch vụ phổ cập đã bị xóa bỏ dần. Ở nước ta trước đây cũng như ở nhiều nước phát triển đi sau, dịch vụ bưu chính, viễn thông do cơ quan, xí nghiệp Nhà nước đảm nhiệm, giá cước do Nhà nước ấn định, nói chung là thấp, thực hiện theo cơ chế bao cấp, lỗ dịch vụ do Nhà nước bù. Nhưng sau đó, do có nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh cạnh tranh dịch vụ bưu chính, viễn thông, thực hiện theo cơ chế thị trường, Nhà nước cũng đã cho lập Quỹ Dịch vụ công ích (dùng cho cơ quan nhà nước và phổ cập cho người dân) để giải quyết. Việc thực hiện lúc đầu có khó khăn nhưng nay đã tạm ổn, nhưng về lâu dài do giá cước bưu chính, viễn thông đã quá thấp so với giá cả thị trường và đa số người dân đã có thể thanh toán thì quỹ này rồi chắc cũng sẽ có sự biến đổi. Tuy nhiên, hiện tại Quỹ Dịch vụ công ích vẫn chủ yếu bù lỗ cho VNPost qua VNPT. Song do giá cước bưu chính hiện nay bị ấn định quá thấp, chưa đến một nửa giá thành, cho nên dù đã được tài trợ, Bưu chính Việt Nam vẫn còn lỗ nặng, việc bù đắp chưa thể đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, việc điều chỉnh nâng cước phí bưu chính cao hơn giá thành là nhu cầu bức bách hiện nay.

Trước đây, một số người cho rằng thu cước bưu chính chẳng được bao nhiêu, nhưng tăng cước dễ bị phản ứng, cho nên cứ để vậy mà lấy lãi viễn thông bù thêm là được. Thực tế, tuy mỗi năm ngành Bưu chính Việt Nam chuyển hơn 200 triệu đơn vị thư tín, nhưng với hơn 80 triệu dân thì trung bình mỗi người chỉ có 2,5 bức thư, mà giá cước mỗi bức thư chỉ 2.000 đồng, thì chi phí sử dụng thư tín của cả người dân có thu nhập thấp là đâu đáng kể so với kinh tế của gia đình. Mà không chỉ có cước thư thấp, trong ngành Bưu chính cước thư là cước cơ bản, cước các loại bưu phẩm khác cũng tính qui đổi từ cước thư nên cũng thấp. Rồi cước phát hành báo chí (kể cả báo chí chính trị – xã hội của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể và báo chí kinh doanh thương mại) chỉ tính theo tỷ lệ giá báo (không có cước phát phần quảng cáo) cũng rất thấp. Như vậy, chỉ có tăng cước ngành Bưu chính mới có thể đủ kinh phí để duy trì hoạt động phục vụ tốt và đầu tư phát triển phục vụ tốt hơn.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy do thiếu kinh phí, ngành Bưu chính đã bỏ bớt bưu cục (kể cả đại lý Bưu điện và điểm BĐVHX để giảm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành) và bỏ bớt đường thư chuyên dùng chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải xã hội, hạn chế việc chuyển bưu phẩm, báo chí đi đường bay; bớt bưu tá và giảm số lần đi phát thư báo trong ngày... làm cho thư báo bị chậm, thất lạc nhiều hơn. Điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và CBCNV trong ngành coi đó như là điều bất khả kháng. Nhưng đối với xã hội, đối với kinh tế của Nhà nước là lợi bất cập hại. Đã đến lúc không nên để cho giá cả thị trường cứ tăng cao mà cước BCVT cứ hạ giảm, cản trở sự phát triển, làm cho chất lượng phục vụ cũng giảm theo.
Lê Đức Niệm (ICTnews)