PDA

View Full Version : Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Trần Văn Giàu (06-09-1911 - 16-12-2010)


Poetry
09-09-2011, 10:35
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Trần Văn Giàu (06-09-1911 - 16-12-2010)


http://www.vietstamp.net/forum/../data%5C2011%5C07%5C04%5C18071423_product.jpg

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu là một nhà cách mạng tiêu biểu, một học giả lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20, người thầy của nhiều thế hệ người thầy. Ông có bí danh Hồ Nam và các bút danh: Tầm Vu, Gió Nồm, M. N. Ông sinh ngày 06-09-1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Năm 15 tuổi, ông lên Sài Gòn học tại ngôi trường danh tiếng Chasseloup Laubat. Năm 1926, ông tham gia biểu tình đưa tang chí sĩ Phan Châu Trinh. Năm 1928, ông sang Pháp du học ở thành phố Toulouse. Trong thời gian du học, ông trở thành một thành viên tích cực của phong trào cộng sản ở thành phố Toulouse, tham gia làm báo Cờ Đỏ để tuyên truyền trong những người lính Việt Nam đang có mặt ở Pháp khi đó.

Tháng 05-1930, ông tham gia biểu tình trước dinh tổng thống Pháp đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Yên Bái (02-1930) nên bị chính quyền Pháp trục xuất về Việt Nam. Về Sài Gòn giữa lúc thực dân Pháp đang khủng bố trắng, ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 08-1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Giữa năm 1931, một lần nữa ông phải ra nước ngoài vì sự truy nã của mật thám Pháp. Lần này ông sang Liên Xô để học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mạc Tư Khoa. Tại đây, ông không chỉ là người tiếp thu những lý luận của nhà trường mà còn tham gia việc bồi dưỡng cho nhiều đồng chí cộng sản Việt Nam từ trong nước sang. Đầu 1933, ông bí mật trở về nước để vận dụng những điều đã học được vào thực tiễn vận động cách mạng ở trong nước, tham gia xây dựng lại tổ chức Xứ ủy Nam Kỳ.

http://www.vietstamp.net/forum/../data%5C2011%5C07%5C04%5C18073559_product.jpg

Ông bị thực dân Pháp bắt giam 4 lần (1930, 1933, 1935, 1940) trong các nhà tù Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo và Tà Lài. Tại những nơi có truyền thống “nhà tù đế quốc trở thành trường học cách mạng” đó, ông nổi danh là một “giáo sư đỏ”. Đầu năm 1942, ông vượt ngục Tà Lài tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 10-1943, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

http://www.vietstamp.net/forum/../data%5C2008%5C05%5C24%5C16593939_product.jpg

Tháng 08-1945, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Ngày 25-08-1945, trong cuộc mít tinh trước dinh Đốc lý Sài Gòn (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh), Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ (Lâm ủy Nam Bộ) Trần Văn Giàu long trọng tuyên bố: “Đồng bào toàn dân. Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam Bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi, Ủy ban Hành chánh lâm thời, nhân danh toàn thể quốc dân Nam Bộ, tuyên bố trước mặt toàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân rằng: Chế độ Cộng hòa Dân chủ thành lập tại Nam Bộ Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chế độ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân. Không một ngoại bang nào có thể viện lý do gì để bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Thay mặt cho Mặt trận Việt Minh miền Nam, chúng tôi lãnh trách nhiệm nắm giữ chính quyền Nam Bộ, để đến ngày triệu tập xong Quốc hội, sẽ giao lại cho đại biểu toàn quốc”. Tại Lễ đài Độc lập ngày 02-09-1945 tại Sài Gòn, ông thay mặt cho Lâm ủy Nam Bộ ứng khẩu bài diễn văn chào mừng ngày lễ Độc lập, kêu gọi nhân dân đoàn kết chung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mưu đồ của thực dân, đế quốc trở lại xâm lược nước ta lần nữa.

http://www.vietstamp.net/forum/../data%5C2009%5C04%5C01%5C21380374_product.jpg

Tháng 09-1945, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Ngày 23-09-1946, tại Sài Gòn, ông đã viết lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến để bảo vệ nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam độc lập non trẻ trước mưu đồ trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp với câu khẩu hiệu nổi tiếng “Độc lập hay là chết!”. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã đi vào lời ca bất hủ “Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”.Những năm 1946-1948, ông được Trung ương giao làm nhiệm vụ quốc tế giúp Campuchia xây dựng lực lượng kháng chiến. Năm 1949, ông về nước làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin. Năm 1951, ông chuyển công tác sang Bộ Giáo dục, tham gia xây dựng ngành dự bị đại học và sư phạm cao cấp rồi làm Chủ nhiệm Khoa Sử, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1954). Những năm 1962-1975, ông công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, sau đó chuyên sâu nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Ông qua đời hồi 17 giờ 20 phút ngày 16-12-2010 tại bệnh viện Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh.

Ông là đồng Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với sự nghiệp cách mạng, Giáo sư Trần Văn Giàu còn có một sự nghiệp đồ sộ và vẻ vang không kém trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, đặc biệt là về sử học và triết học. Bằng một sức lao động phi thường, ông đã để lại một gia sản đồ sộ những công trình nghiên cứu khoa học đều thể hiện kiến thức uyên thâm trên các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn hóa như: Biện chứng pháp, Vũ trụ quan, Duy vật lịch sử, Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam thế kỉ 19 đến Cách mạng tháng Tám, Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858, Lịch sử chống xâm lăng, Giai cấp công nhân Việt Nam, Lịch sử cận đại Việt Nam, Miền Nam giữ vững thành đồng, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh... Đặc biệt, toàn bộ công trình về Lịch sử Việt Nam gồm 5 bộ, 18 tập của ông đã được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996).

http://www.vietstamp.net/forum/../data%5C2011%5C09%5C05%5C23094990_product.jpg

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, với những cống hiến trọn vẹn và đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, với nền giáo dục đại học Việt Nam và lĩnh vực nghiên cứu, phát triển khoa học của đất nước, Giáo sư Trần Văn Giàu đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng (2009), Nhà giáo Nhân dân (1992), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2003)...Giáo sư Trần Văn Giàu, không chỉ là một nhà cách mạng tiêu biểu, một học giả lớn mà chính là một nhân cách lớn. Nét đặc sắc nhất trong nhân cách Trần Văn Giàu là ở chỗ con người ông chính là sự hòa quyện nhuần nhuyễn của một chiến sĩ yêu nước, nhà cách mạng chuyên nghiệp, nhà giáo mẫu mực và nhà học giả uyên thâm.

Là nhà cách mạng, Giáo sư Trần Văn Giàu đã góp phần to lớn vào công việc vận động quần chúng, xây dựng tổ chức Đảng và là người trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Sài Gòn và Nam Kỳ, chỉ huy quân dân Nam Bộ anh dũng chống lại cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp.

Là nhà giáo, Giáo sư Trần Văn Giàu đã góp công xây nền, đắp móng cho nền giáo dục Đại học Việt Nam mới, trực tiếp tham gia giảng dạy từ Trường dự bị Đại học, trường Sư phạm cao cấp ở vùng tự do Liên khu 4 tới trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cũng là người đã có công đào tạo nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học đầu ngành của Việt Nam, là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò xuất sắc, trong đó có nhiều nhà quản lý, giáo sư, tiến sĩ hàng đầu trong các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, khoa học xã hội, sử học, triết học.

Là nhà khoa học, thông qua hàng trăm công trình khảo cứu khổng lồ của mình, Giáo sư Trần Văn Giàu tự khẳng định vị trí, tầm vóc của một sử gia vĩ đại nhất của nền sử học Việt Nam hiện đại, một cây đại thụ trong giới khoa học xã hội và nhân văn.

Cao hơn cả, ông là một nhân cách trí thức cộng sản mang đặc tính Nam bộ giản dị, bao dung, quyết liệt mà nhân ái, một bậc thầy mẫu mực được tất cả các thế hệ học trò và nhân dân tôn vinh, yêu kính.

Nhân cách cao đẹp của Giáo sư Trần Văn Giàu còn được biết tới với việc ông đã bán căn nhà của mình trên đường Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh để lấy 1.000 cây vàng (thời giá năm 2001) làm kinh phí xây dựng một ngôi trường học tặng quê hương của vợ ông - bà Đỗ Thị Đạo và lập Giải thưởng khoa học mang tên ông để dành tặng những công trình khoa học xuất sắc về lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam Bộ và khu vực cực Nam Trung Bộ.

Giáo sư Trần Văn Giàu mãi mãi là một tấm gương sáng để thế hệ chúng ta ngày nay và thế hệ mai sau học tập.

http://www.vietstamp.net/forum/../data%5C2011%5C07%5C04%5C18075513_product.jpg

Để góp phần tưởng nhớ, tôn vinh và khẳng định công lao to lớn của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta và cũng là góp phần giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về tấm gương đạo đức trong sáng, suốt đời cống hiến, hy sinh vì nước, vì dân, vì sự nghiệp khoa học của Giáo sư Trần Văn Giàu, ngày 06-09-2011, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành đặc biệt tại tỉnh Long An bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Trần Văn Giàu (1911 - 2010)" (http://www.vietstamp.net.vn/Product/2214/) gồm 1 mẫu, giá mặt 2.000 đồng.

Viet Stamp

Nguồn: http://www.vietstamp.net/article/1970/