PDA

View Full Version : SỰ ĐỘC ĐÁO CỦA TEM THÓC


tem-truyen-thong
07-12-2011, 11:42
Khi nói đến những con tem độc đáo của Bưu chính Việt nam DCCH, chúng ta không thể không kể đến những con tem THÓC. Đó là những con tem nào, hoàn cảnh ra đời của chúng ra sao, cách sử dụng chúng như thế nào, ai được sử dụng những con tem này, ... Đây là những câu hỏi vô cùng lý thú dành cho những người sưu tập và yêu thích tem Việt Nam.
Trước hết chúng ta biết rằng tất cả những con tem có giá mặt bằng Thóc đều nằm trong 1 loại của dòng tem VNDCCH : tem sự vụ. Theo sắc lệnh số 99-SL ký ngày 5/7/1952 của Chủ tịch nước VNDCCH, Nha Bưu điện phát hành loại tem "sự vụ" dùng để thanh toán cước phí cho bưu phẩm và thư CÔNG gửi qua đường bưu điện. Xin nhấn mạnh : chỉ là bưu phẩm công.
Nền kinh tế VN chủ yếu là nông nghiệp. Thóc là một sản phẩm rất quen thuộc. Trong tình hình chiến tranh, giá cả luôn biến động nên NN lấy Thóc làm cơ sở tính toán thu chi cho các hoạt động tài chính. Mệnh giá tem sự vụ được ghi bằng Thóc sẽ tiết kiệm chi phí in tem mới khi giá cước phí thay đổi, đồng tiền mất giá.
Cách sử dụng tem Thóc như thế nào ? Mua ở đâu ? Thực ra tem sự vụ đều không có sự mua bán mà chỉ có sự CẤP . Cơ quan công quyền, đoàn thể, hành chính từ cấp xã trở lên đều được cấp một số lượng tem sự vụ nhất định. Khi không dùng hết phải trả lại cho hệ thống bưu điện. Căn cứ vào số tem đã dùng thực tế, Bưu điện sẽ nhân với giá Thóc tại thời điểm đó và tại địa phương đó, tính thành tiền. Cơ quan sử dụng sẽ nộp về ngân hàng số tiền trên.
Cước phí tem Thóc cụ thể như sau :
Đối với giấy tờ , công văn thường

Dưới 20 gram Trên 20 gram
Cước phí 0kg600 Mỗi phần thêm 20g cộng thêm 0kg300


Đối với công văn hỏa tốc : 0kg200/1km.


Đối với báo chí :
Dưới 50 gram Trên 50 gram
Cước phí 0kg200 Mỗi phần thên 50g cộng thêm 0kg100

Bộ tem “sự vụ” đầu tiên là bộ “Sản xuất & Tiết kiệm” với 4 mẫu giá mặt 0kg600, 1kg, 2kg và 5kg. Trước đây đã xuất hiện con tem giá mặt 0kg100. Đây là con tem có nhiều uẩn khúc, chưa thấy bất cứ tài liệu chính thức nào trên thế giới nói đến.
Sau đó đến bộ tem HCT giấy dó in đè 0kg100. Con tem Thóc cuối cùng là con tem Điện Biên phủ giá mặt 0kg600 năm 1954. Bắt đầu từ năm 1955 từ bộ “Cải cách ruộng đất” trở đi, tem sự vụ không được tính bằng Thóc nữa mà tính bằng tiền. Xin nói thêm con tem sự vụ màu đỏ 80đ, giấy mỏng được in đợt 1 là rất quí hiếm.
Bộ tem sự vụ chính thức cuối cùng của Việt nam là bộ “Sân vận động Hà nội” phát hành 30/12/1958. Về sau có 2 bộ cũng mang tính chất sự vụ là 2 bộ “Bưu chính nông thôn” phát hành ngày 1/8/1962 và 1/7/1966. Dòng tem “sự vụ” chấm dứt từ đây.
Ngoài ra, còn có 1 số con tem in đè con dấu tay khắc chữ “tem nội bộ” hay “sự vụ”. Những con tem này chưa được kiểm chứng nhưng đều mang tính chất công vụ.
Tại Liên khu 5 và Liên khu 4 cũng có một số tem sự vụ bằng Thóc như Gánh thóc, HCT in đè giá thóc, … Những tem loại này vô cùng quí hiếm, vì vậy chúng được làm giả rất nhiều.
Theo đúng nguyên tắc, người dân khi gửi thư không thể dán con tem sự vụ.
Với những tính chất trên, những bì thư thực gửi của tem sự vụ nói chung, hay tem Thóc nói riêng là rất quí hiếm.
Tem Thóc là một sự sáng tạo trong quản lý kinh tế NN VN trong thời kỳ non trẻ Cách mạng, mang đậm dấu ấn lịch sử. Đây là sự độc đáo có thể nói là :độc nhất vô nhị” trong lịch sử Bưu chính thế giới.

The smaller dragon
07-12-2011, 13:02
Tem thóc là một sáng kiến độc đáo trong dòng tem VNDCCH. Tem-truyen-thong có công sưu tầm và tìm hiểu ngọn ngành loại tem thóc từ thập niên 1950 và phổ biến một bài viết trên Tạp Chí Tem mà tôi đọc từ năm 2006, nay mới biết Nhật Linh là bút hiệu của Tem-truyen-thong. Thành thật cám ơn sự chia sẻ kiến thức của Tem-truyen-thong.

Nhưng với bài viết lại về tem thóc trên đây, Tem-truyen-thong đã sử dụng thông tin của bác Trần Quang Vỹ để viết phần "Cước phí tem thóc." Tôi đề nghị Tem-truyen-thong cần coi lại phần bác Vỹ chia sẻ, vỉ sự trích dẫn cũa Tem-truyen-thong sai lạc nhiều đó!

tem-truyen-thong
07-12-2011, 14:36
Trong Tạp chí tem số 76 tháng 1/2006 (đúng tròn 6 năm trước), tôi có viết bài với tựa đề "Một số ý kiến về Tem Thóc & tem sự vụ" dưới bút hiệu Nhật Linh. Sau khi bài viết lên trang, Gs-bác sỹ Trần Quang Vỹ có viết 1 bài khác ở số 78 tháng 5/2006. Lúc đó đã có sự khác biết trong những nguồn thông tin. Tôi có trao đổi với nhiều NST khác nhau (trong đó có cả Gs TQV) và đi đến được nhiều kết luận. Khi viết bài cho VSF tôi đã bổ sung lại và sửa nhiều vấn đề mà chúng tôi coi như là chính xác nhất. Có thể nói đây không hẳn là công trình nghiên cứu gì lớn lao hết, chỉ là vấn đề đi tìm sự thật lịch sử mà thôi.
Tôi chia sẻ những kiến thức, hiểu biết của mình tại đây chỉ với lòng mong ước có thêm nhiều người yêu thích, say mê tem VN mà thôi. Không hề có ý định đề cao cá nhân. Nói cho cùng, có ai biết và gặp tôi ngoài đời thực đâu !
Vài dòng chia sẻ cùng các bạn tem và đặc biệt với Gs Trần Anh Tuấn - người bạn lớn của tôi, người mà tôi luôn coi là Thầy trong nghề Tem.

The smaller dragon
07-12-2011, 17:14
Cám ơn Tem-truyen-thong đã chia sẻ những chi tiết đi tìm sự thât về tem thóc VNDCCH, là đề tài mà tôi không biết gì. Bài viết của Tem-truyen-thong tuy ngắn, nhưng rất cô đọng, mỗi dòng mỗi câu là một chi tiết cụ thể và hữu ích cho làng tem VN.

Thành thật cám ơn.

tomo
08-12-2011, 17:37
Tôi cũng cảm ơn thông tin quý của bạn TTT. Mong bạn chia sẻ thêm 2 điểm:

- Nguồn thông tin về cước phí?

- Có đúng tem CCRD sự vụ màu đỏ 80đ, giấy mỏng in đợt 1 là "rất quí hiếm" (lốc cò, tem này... có thể mua khá dễ trên mạng)?

Ngoài ra, cũng mong bạn chia sẻ thêm về con tem "có nhiều uẩn khúc" (theo sắc lệnh mà bạn trích dẫn, con tem này được phép in "1 triệu cái").

tem-truyen-thong
09-12-2011, 05:54
Những vấn đề bạn Tomo đưa ra tôi xin có một số ý kiến như sau :
- Thứ nhất : về nguồn thông tin cước phí : chúng tôi, những NST tem truyền thống luôn tìm bất kỳ cơ hội, dù nhỏ nhất để tìm hiểu lịch sử, sự ra đời, phương pháp sử dụng của các con tem Việt nam. Nhiều khi các thông tin chủ yếu là do các bậc tiền bối truyền lại. Thông tin về cước phí chù yếu dựa vào thông tin từ bác Quang Huy - nguyên Giám đốc Nha Bưu điện. Bác Trần Quang Vỹ cũng là một NST lâu năm, cũng đưa ra thông tin như vậy. Nhân đây, có bạn nào ở Hà nội thì nên tìm đến cụ Quang Huy - một nhân chứng sống của lịch sử tem VNDCCH. Không biết cụ có còn mạnh khỏe không ? Có đến 10 năm tôi không gặp.
- Thứ hai : về con tem CCRĐ 80 đồng giấy mỏng. Trong bộ CCRĐ có 2 con tem sự vụ là con 40 đồng màu xanh và con 80 đồng đỏ. Cả 2 con đều có 2 đợt phát hành. Đợt 1 là tháng 1/1955, đợt 2 là tháng 11/1955. 2 đợt phát hành trên 2 loại giấy khác nhau được phân biệt dễ dàng qua độ dày mỏng. Con tem 80 đồng giấy mỏng khá hiếm. Tôi là người thường xuyên theo dõi Ebay nhưng cũng đã 4-5 năm nay không thấy xuất hiện. Cách đây khoảng 10 năm, tôi có mua 1 mảng lớn con tem này từ 1 nhà buôn Pháp - ông Trần Robert, Sau đó do tôi chuyển hướng chơi nên cũng bán lại cho các bạn tem SG. Sau này cũng không gặp nữa.
- Thứ ba : tôi không hiểu rõ ý bạn ở vấn đề thứ ba. Chẳng lẽ bạn có trong tay sắc lệnh 99SL-5/7/1952 nói có in con tem 0k100 với số lượng 1 tr bản ?
Đây là con tem có nhiều nghi ngờ về tính giả thật. Mong bạn nói rõ hơn.
Về các con tem VNDCCH quí tôi sẽ chia sẻ ở bài khác. Ở đây mình chỉ tập trung vào sự độc đáo của tem Thóc mà thôi.
Cách dùng từ của bạn Tomo thật lạ. Tôi chưa thấy ai dùng từ cái với tem cả.

tomo
09-12-2011, 07:08
Tôi cũng không rõ độ chính xác của các văn bản đăng tải tại trang chinhphu.vn, tuy nhiên chắc cũng không quá thấp:

http://vanban.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=578,33345598&_dad=portal&_schema=PORTAL&docid=1058

http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=1147

SẮC LỆNH
SỐ 99/SL NGÀY 5 THÁNG 7 NĂM 1952
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ


Chiểu nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về tổ chức Bộ Giao thông Công chính;
Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính;
Theo gnhị quyết của Hội đồng Chính phủ sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận,

RA SẮC LỆNH:
Điều 1- Bộ Giao thông Công chính được phát hành hai loại tem thư sau đây kiểu "sản xuất và tiết kiệm":
- Loại tính bằng tiền để dùng cho nhân dân.
- Loại tính bằng thóc để dùng cho các cơ quan quân dân chính.
Điều 2- Loại tem bằng tiền gồm những hạng:50đ, 200đ, 1.000đ, 5.000đ.
Loại têm tính bằng thóc gồm những hạng: 0kg 100, 0kg 600, 1kg, 2kg, 5kg.
Điều 3- Số lượng mỗi loại tem được phát hành ấn định như sau:
- Loại tính bằng tiền:
- Hạng 50đ: 1 triệu cái
- Hạng 200đ: 5 ---------
- Hạng 1000đ: 3 ---------
- Hạng 5000đ: 1 ------ --
b) Loại tính bằng thóc:
- Hạng 0 kg 100: 1 triệu cái
- Hạng 0 kg 600: 5 ---------
- Hạng 1 kg 000: 2 triệu cái
- Hạng 2 kg 000: 2 ---------
- Hạng 5 kg 000: 1 triệu cái
Điều 4- Bộ trưởng Bộ giao thông Công chính chiểu sắc lệnh thi hành.

CHỦ TỊCH NƯỚC
(Đã ký)

Hồ Chí Minh

tem-truyen-thong
09-12-2011, 07:31
Tôi cũng không rõ độ chính xác của các văn bản đăng tải tại trang chinhphu.vn, tuy nhiên chắc cũng không quá thấp:

http://vanban.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=578,33345598&_dad=portal&_schema=PORTAL&docid=1058



Thật là tuyệt vời. Rất vui đón chào bạn Tomo đến với làng Tem. Rất cảm ơn bạn đã chia sẻ những thông tin khó tìm. Bản thân tôi cũng chưa hề được đọc những thông tin như vậy.
Về sắc lệnh 99-SL thì thực tế có khác. Có khá nhiều con tem đã không được phát hành trong thực tế. Con tem 0kg100 là con tem không được phát hành.
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao bạn dùng từ "cái". Hóa ra là vậy.
Một lần nữa rất cảm ơn bạn Tomo.

dammanh
10-12-2011, 01:40
Thật chính xác và rất cảm phục phương thức nghiên cứu và tiếp cận dòng tem VNDCCH của bác TTT và bạn Tomo .Trong mỗi xã hội có hoàn cảnh và nét riêng của nó nên không thể áp dụng máy móc được, điều này lớp trẻ sẽ có ưu thế hơn do có tính sáng tạo cao hơn, hy vọng bác TTT còn tiến xa!
Xin bổ xung một số ý kiến sau
1.Nhiều khi sắc lệnh ký lại có nghị định bổ xung,
2.Ngoài thông tin từ các NST, còn ý kiến của những người đã từng làm công tác bưu điên lâu năm,những cô thủ kho bưu điện..
3.Những ấn phẩm bưu chính thực gửi nhiều khi rất có ý nghĩa
4. Mệnh giá các con tem liên quan mật thiết đến cước phí
Rất tiếc dammanh không sưu tầm TT và khả năng có hạn nên nhiều lúc tin đưa ra làm có người nghĩ không khách quan và vụ lợi..

tem-truyen-thong
10-12-2011, 06:00
Những ý kiến của bác Đàm Mạnh rất chính xác. Trong tập san số 4, tôi thấy rất rõ phương pháp luận trong sưu tập của bác Đàm Mạnh qua bài về bộ tem Bác Hồ 1957. Dùng vật phẩm thực gửi, sự hợp lý của cước phí để tranh luận những vấn đề còn chưa sáng tỏ trong quá khứ. Rất hay.
Như tôi đã từng nói : một trong những giá trị của bộ môn này là sưu tập các vật phẩm có niên đại cao. Cho nên, những NST chúng ta dù có kinh nghiệm bao nhiêu cũng phải cần có phương pháp sưu tập đúng đắn. Nếu giới trẻ bây giờ kiên trì, nhẫn nại, sâu sắc trong phương pháp thì tôi tin rằng Tem Việt Nam sẽ là dòng tem có giá trị cao trên thế giới.
Thực tiếc, do nhiều lý do khác nhau tôi đã không còn sưu tập Tem VNDCCH nữa. Gần 10 năm nay, tôi hoàn toàn chuyên tâm vào dòng tem QGVN và VNCH. Nhưng dù sao, với kinh nghiệm cũng 30 năm sưu tập tem VNDCCH, đã từng sở hữu và chứng kiến rất nhiều vật phẩm quí hiếm, tôi vẫn có thể chia sẻ được cùng các bạn.
Mỗi bài viết tôi đều cố gắng làm thật tỷ mỉ, mong muốn biến tem VN trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các bạn trẻ. Khi đã có phương pháp luận tốt thì sưu tập truyền thống không còn gì là khó khăn các bạn ạ.

The smaller dragon
10-12-2011, 11:14
Minh họa tem CCRÐ 80đ giấy dầy giấy mỏng

Tem-truyen-thong đề cập đến tem CCRÐ 80đ giấy mỏng khá hiếm trong dòng tem VNDCCH. Nay tôi chia sẻ hình ảnh những tem CCRÐ 80đ giấy dầy và giấy mỏng để giúp những ai chưa thấy hai loại tem này dễ phân biệt: giấy dầy thì mẫu tem không thấy được khi lật ngược con tem, giấy mỏng thì mẫu tem nhìn thấu rất rõ.

Hình 1: Hàng trên là lưng 4 tem CCRÐ giấy dầy, và hàng dưới là lưng hai tem giấy mỏng (Hình không rõ lắm vì tem ẩn dưới băng nhựa.).
153648


Hình 2: Một bloc (4x10) 40 tem CCRÐ 80đ giấy mỏng đóng dấu CTO.
153651
153652

Tiểu Nhi
10-12-2011, 13:13
Tem 80đ này tem sống mới hiếm, còn tem 40đ thì vẫn còn nhiều lắm.
Cháu cũng hiểu sao tem 80đ này CTO nhiều mà tem sống đi đâu hết.

vnmission
26-08-2012, 21:08
Bộ sưu tập của vpjack đang chuẩn bị bán đấu giá tại D Feldman không có con tem thóc 0K100, nhưng lại có con tem 0K200:

171997

171998

Không hiểu Yvert có đề cập con tem mệnh giá 0K100 không?

Cũng như nhiều bộ tem khác, bộ tem "Sản xuất tiết kiệm" cũng có tem và bì thư giả:

171999

Theo tôi được biết, nạn tem giả lan tràn, không kiểm soát được, là lý do chính khiến vpjack (ông Jack Dykhouse) quyết định từ bỏ tem Việt Nam. Một hồi chuông cảnh báo!

vnmission
14-05-2013, 00:10
Đọc lại bài viết rất hay của bác TTT, tôi chợt có mấy câu hỏi chưa giải đáp được:

- Liệu có văn bản chính thức nào cho áp dụng "tem thóc"?

- Cước phí tem thóc được áp dụng từ khi nào, có phải từ 5/7/1952, khi có sắc lệnh về tem sự vụ?

185003
(Nguồn: internet)


- Bì thư trên cho thấy cước phí 0K600 được áp dụng mãi cho đến sau này, vậy vì sao đầu năm 1954 lại cho in đè tem HCT giấy dó mệnh giá mới 0K100? Phải chăng đây là lý do con tem này không thấy xuất hiện trên bì thư?

nhan
31-07-2013, 17:12
Tôi có 02 con tem cùng loại nhưng in đè khác nhau
"0.100 THOC" và "0100 THOC" (không có dấu phẩy), nhờ diễn đàn cho ý kiến (giã hay thật).
Cám ơn

187368