PDA

View Full Version : Mai này, còn ai viết tay?!


ngotthuha231
20-02-2012, 22:26
Loài người cần hơn 4000 năm để sáng tạo và hoàn thiện chữ viết, vậy mà chỉ hơn hai thập niên cuối của thế kỷ XX đã “đóng góp” đáng kể vào việc xóa bỏ thói quen viết tay. Ngày hôm nay, ngay cả chữ viết của con người cũng bị “toàn cầu hóa” đến từng cái dấu phẩy. Chẳng hạn như thế giới dùng font TimeNewRoman, Việt Nam chúng ta từ VNTime cỡ 14 nay cũng dần chuyển sang TimeNewRoman cỡ 14 cho “hội nhập” về mặt giấy tờ. Có nơi chỉ là quy ước chung, có nơi quy định cụ thể bằng văn bản, chứng tỏ đây là một trong những “chuẩn” của cuộc sống hiện đại.

Không thể phủ nhận rằng, khả năng viết tay và thể hiện chữ viết của con người ngày một kém dần, trên cả hai phương diện: cách viết và công cụ để viết. Trong khi máy tính, điện thoại di động và fax nhanh hơn bất cứ bàn tay nào, nét chữ viết tay không còn là phương tiện chính thức để soạn thảo văn bản nữa. Nhưng nó hàm chứa những thông tin mà máy móc không bao giờ thay thế được. Đại văn hào Goethe từng nhận xét: “Chữ viết thể hiện tư cách và tâm tính của người viết”. Người Việt Nam thì nói giản dị hơn: “Nét chữ nét người”.

http://images.tccl.info/2012/02/17/00/20120217001313_net_chu_net_nguoi.gif
Nét chữ nét người (Nguồn ảnh: Internet)


Chẳng vậy mà có môn bói chữ, chỉ nhìn vào dòng chữ ký có thể đoán ra khá chính xác chủ nhân của nó là người rụt rè, nhút nhát hay mạnh mẽ, quyết đoán… Người Trung Hoa còn nâng viết chữ lên thành nghệ thuật thư pháp với nhiều lối viết thành trường phái hẳn hoi. Trong một số cuộc thi như cuộc thi “Tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” diễn ra thời gian gần đây, những bài thi viết tay hàng vài trăm trang luôn được nhắc đến với sự trân trọng, dẫu không được giải nhất nhì thì cũng được trao giải về sự công phu chuẩn bị. Hay là ở những cuộc tuyển dụng quan trọng, bao giờ ứng viên cũng được yêu cầu nộp đơn xin việc viết tay. Thậm chí ngành Công an còn có cả khoa học hình sự về giám định chữ viết để kết tội ai đó. Có thể thấy chữ viết chính là con người, là một dạng “dấu vân tay” về văn hóa. Tuy nhiên “con người trong chữ viết” đang có nguy cơ bị mai một bởi những bộ font mà chiếc máy tính nào cũng có.

Cho đến thời điểm người châu Á dùng bút lông làm từ lông mèo hay bờm ngựa để viết mực Tàu, còn châu Âu dùng lông ngỗng chấm vào lọ mực để viết thì bộ chữ viết của nhân loại đã tương đối hoàn chỉnh. Mãi đến năm 1888, giáo viên người Mỹ George Parker sáng lập ra hãng bút máy Parker (loại bút không phải chấm mực liên tục) nổi tiếng đến tận ngày nay. Thời điểm đó đánh dấu cuộc “toàn cầu hóa” lần thứ nhất về công cụ để viết – cây bút máy. Những năm đầu thế kỷ XX, cây bút máy bắt đầu chiếm lĩnh trên bàn viết. Ngày nay, hãng Parker chỉ sản xuất hạn chế những chiếc bút làm quà tặng có đính đá quý hoặc mạ vàng giá tới 20.000 USD, còn doanh số bán các loại bút thông thường đang điêu đứng vì số người dùng ngày một ít đi, tên tuổi bút Parker cũng không còn rực rỡ như trước.

http://images.tccl.info/2012/02/17/00/20120217001119_but_hong_ha.JPG
Những cây bút mực sẽ dần dùng để... triển lãm?! (Nguồn ảnh: Internet)



Cuộc “toàn cầu hóa” lần thứ hai về cây bút là năm 1953, người Mỹ phát minh ra bút bi. Nó trở thành loại công cụ để viết đầu tiên được con người mang vào vũ trụ. Có câu chuyện vui kể rằng, trong giai đoạn chiến tranh lạnh, người Mỹ phải đau đầu và tốn kém hàng trăm nghìn đôla nghiên cứu chế tạo loại bút bi cho các phi hành gia có thể viết nhật ký trong tình trạng không trọng lực mà mực không bị bay lung tung ra ngoài. Người Nga giải quyết chuyện này đơn giản hơn: Trong vũ trụ, họ viết nhật ký bằng bút chì.

Từ khi ra đời, bút bi làm cuộc lấn át bút mực một cách rầm rộ và khá hiệu quả vì tính tiện dụng trong nhiều môi trường khác nhau. Tuy nhiên bút bi vẫn không thể vượt bút máy về độ sang trọng khi người ta dùng để ký kết các văn bản quan trọng. Phần mềm soạn thảo văn bản Microsoft Office ra đời năm 1991 được người ta đánh giá là cuộc “toàn cầu hóa” lần thứ ba về công cụ viết. Và lần này tình hình xem ra bi quan hơn với những người hoài cổ về văn hoá viết tay.

Ở nước ta, sau Cách mạng Tháng Tám, phong trào “Diệt giặc dốt” do Bác Hồ khởi xướng đưa cả dân tộc vào một cuộc học tập sôi nổi. Trong phong trào bình dân học vụ, cây bút ngòi lá tre do người Pháp mang đến Việt Nam trở nên thân quen với mọi người. Viết loại bút này phải chấm mực trong lọ vì ngòi bút chỉ chứa được vài giọt mực. Bút máy cũng xuất hiện nhưng chỉ rất ít người có, đa số là bút của Pháp và của Trung Quốc sản xuất. Mãi đến thập niên 60, bút máy Trường Sơn do nước ta sản xuất mới ra đời và được yêu quý đến mức đi vào thơ vè mà học sinh nào cũng thuộc: “Mực Cửu Long in dòng tâm sự/ Bút Trường Sơn tôi viết trang thơ”.

http://images.tccl.info/2012/02/17/00/20120217001119_binh_dan_hoc_vu.jpg

"Đồ dùng học tập" thời Bình dân học vụ (Nguồn ảnh: Internet)


Về sau có thêm bút máy Hồng Hà của Việt Nam, bút Kim Tinh của Trung Quốc cũng khá nổi tiếng. Cho đến hôm nay, những chiếc bút máy phải ngậm ngùi nhường chỗ cho bút bi với đủ chủng loại, kiểu dáng, màu sắc. Nhiều khi người ta cũng chẳng quan tâm xem mình đang dùng bút bi của hãng nào, nội hay ngoại. Nhất là khi viết bằng bút máy thì bao nhiêu tâm tính của người viết đều dàn ra mặt giấy, khác hẳn với người anh em họ hàng tên là bút bi: thuận tiện đấy, sạch sẽ đấy nhưng vẫn trơ trọi vẻ lạnh lẽo của kỹ thuật. Có vẻ như bút bi đang thống trị 100% trên các bàn viết từ trong trường học đến bàn làm việc và trên ngực áo… Nhưng rồi đây, bút bi sẽ phải lùi chỗ vì laptop, rồi netbook, máy tính bảng, điện thoại smartphone… giá cứ hạ dần trong khi cứ sau mỗi sáu tháng, tốc độ làm việc của máy tính cứ tăng gấp đôi, cùng với khả năng soạn thảo ngày một hoàn hảo hơn.

Những nét chữ của hai liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm cũng khiến chúng ta thêm xúc động về một phẩm chất tốt đẹp của họ, thêm một lần cảm nhận về con người thông qua chữ viết. Thế nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận, đã qua rồi cái thời “nắn nót dòng chữ trên trang giấy thơm”, đang trôi qua cái thời vở sạch chữ đẹp. Người viết bài này dẫu đang hoài cổ về văn hóa viết tay, nhưng rốt cuộc vẫn phải cậm cạch thể hiện suy nghĩ của mình trên những bàn phím lạnh ngắt. Vì không gửi bằng file qua email thì chẳng tòa soạn nào chịu đăng, và vì các biên tập viên ngày nay đâu thích thú gì mấy bài viết tay nữa.


Nguồn (http://tccl.info/vn/doi-song/718/mai-nay-con-ai-viet-tay-.html)

tugiaban
21-02-2012, 19:01
nói đến bút thì TGB cũng may mắn giữ lại dc cây bút kim tinh từ năm lớp 9.
Còn các loại bút khác thi không giữ lại được cây nào hêtd

ngotthuha231
22-02-2012, 08:35
nói đến bút thì TGB cũng may mắn giữ lại dc cây bút kim tinh từ năm lớp 9.
Còn các loại bút khác thi không giữ lại được cây nào hêtd

Ngày xưa em đi học, phải viết văn nhiều nên tốn bút lắm. :">

Bây giờ chẳng còn giữ được cây bút kim tinh nào.

Nhưng bạn em có sưu tập bút nên cũng may mắn được xem lại nhiều kiểu dáng bút cũ, giờ không còn thấy.

Em nhớ, tới năm lớp 12 em mới chuyển sang viết bút nước. Trước đó trở đi vẫn dùng bút mực. Bây giờ các cháu nhỏ đi học thì khác nhiều rồi. Như lũ nhỏ nhà em, mới lớp 5, lớp 6... đã thấy dùng bút bi ầm ầm. Chữ em đã xấu, chữ tụi nó còn xấu hơn. =))

Tần suất viết tay của em giờ vẫn còn khá hơn nhiều đồng bọn. Nhưng nhìn lại thì đúng là đã có bước chuyển hoàn toàn mới. Cách đây vài năm còn hí hoáy ngồi viết vài trang thư A4 gửi bạn tem. Bây giờ, nếu thân thiết và yêu quý lắm thì email qua lại hàng ngày, thi thoảng nhận thực gửi địa chỉ ghi tay. Còn không thì cả năm, tuyệt nhiên không thấy mặt nhau, nói gì tới mặt chữ?!

Nói chung, cũng hơi nẫu! :D

Green
22-02-2012, 14:38
Chủ topic đặt câu hỏi sai rồi!

Mà phải viết rằng:

Mai này ai còn viết thư tay, ai còn gửi thư tay đây?

Suy ra: hàng ít, sau này bì thực gửi ngày càng có giá. :D:D:D

ngotthuha231
22-02-2012, 21:11
Chủ topic đặt câu hỏi sai rồi!

Mà phải viết rằng:

Mai này ai còn viết thư tay, ai còn gửi thư tay đây?

Suy ra: hàng ít, sau này bì thực gửi ngày càng có giá. :D:D:D

Khi nào rảnh, em viết thư cho anh Tuấn để đầu cơ, sau này mở shop "Cửa hàng bì thực gửi thư viết tay" nhá! :">

Green
23-02-2012, 06:10
Khi nào rảnh, em viết thư cho anh Tuấn để đầu cơ, sau này mở shop "Cửa hàng bì thực gửi thư viết tay" nhá! :">

Cảm ơn em :">:">:">

vnmission
05-03-2012, 22:50
Tiếng Việt, Dễ Mà Khó


TS Nguyễn Hưng Quốc





Tiếng Việt vừa dễ vừa khó, đúng hơn, dễ mà lại khó. Dễ đến độ rất hiếm người Việt Nam nào cảm thấy có nhu cầu phải sắm một cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt trong nhà. Dễ đến độ bất cứ người nào trưởng thành ở Việt Nam cũng đều có thể tưởng là mình... thông thái, và nếu muốn, đều có thể trở thành... nhà văn được.



Thế nhưng, chỉ cần, một lúc thảnh thơi nào đó, ngẫm nghĩ một chút về tiếng Việt, chúng ta bỗng thấy hình như không phải cái gì chúng ta cũng hiểu và có thể giải thích được.

Trước đây, có lần, đọc cuốn Trong Cõi của Trần Quốc Vượng, một nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học và văn hoá dân gian nổi tiếng ở trong nước, tới đoạn ông bàn về hai chữ "làm thinh", tôi ngỡ đã tìm thấy một phát hiện quan trọng. Theo Trần Quốc Vượng, "thinh" là thanh, âm thanh, hay là tiếng ồn.

"Nín thinh" là kiềm giữ tiếng động lại, là im lặng. Thế nhưng "làm thinh" lại không có nghĩa là gây nên tiếng động mà lại có nghĩa là... im lặng. Cũng giống như chữ "nín thinh".



Trần Quốc Vượng xem đó như là một trong những biểu hiện của Phật tính trong ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam: "nín" và "làm" y như nhau; có và không y như nhau; ấm và lạnh cũng y như nhau (áo ấm và áo lạnh là một!); "đánh bại" và "đánh thắng" y như nhau. Quả là một thứ tiếng "sắc sắc không không", nói theo ngôn ngữ Phật giáo, hay "huyền đồng", nói theo ngôn ngữ của Trang Tử. (1)



Thú thực, đọc những đoạn phân tích như thế, tôi cảm thấy mừng rỡ và thích thú vô hạn.



Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, đọc bài viết "Tìm nguồn gốc một số từ ngữ tiếng Việt qua các hiện tượng biến đổi ngữ âm" của Lê Trung Hoa, tôi lại bàng hoàng khám phá ra là chữ "làm thinh" thực chất chỉ là biến âm của chữ "hàm thinh" trong chữ Hán. "Hàm" có nghĩa là ngậm (như trong các từ: hàm ân, hàm oan, hàm tiếu, hàm huyết phún nhân...). "Hàm thinh" là ngậm âm thanh lại, không cho chúng phát ra, tức là không nói, tức là... im lặng. (2)



Y như chữ "nín thinh". Nhưng sự giống nhau ở đây chỉ là sự giống nhau của hai từ đồng nghĩa, chứ chả có chút Phật tính hay Trang Tử tính gì trong đó cả.

Tôi mới biết là mình mừng hụt.

Một ví dụ khác: về hai chữ "vợ chồng".



Trước đây, đã lâu lắm, đọc cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung, tôi thấy tác giả giải thích hai chữ "vợ chồng" đại khái như sau: "Chồng" là chồng lên nhau, nằm lên nhau.

Còn chữ "vợ"? Nguyễn Văn Trung chỉ viết bâng quơ, trong câu chú thích in cuối trang: "chữ vợ phải chăng là vơ, vớ, đọc trại đi, theo giọng nặng; nếu thế, chữ vợ chỉ thị việc quơ lấy quàng lên, vơ vào, phù hợp với việc chồng lên trong hành động luyến ái?" (tr. 40)



Ðọc đoạn ấy, tôi hơi ngờ ngờ, nhưng rồi cũng bỏ qua, không chú ý mấy. Gần đây, tôi sực nhớ lại vấn đề ấy khi đọc cuốn Phương Ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang.

Tôi được biết là ở Bình Trị Thiên, thay vì nói cái "vai", người ta lại nói cái "bai"; thay vì nói đôi "vú", người ta lại nói đôi "bụ"; thay vì nói "vải", người ta lại nói "bải"; thay vì nói "vá" áo, người ta nói "bá" áo; thay vì nói "vả" (vào miệng) , người ta lại nói "bả" (vào miệng), v.v...



Qua những sự hoán chuyển giữa hai phụ âm V và B như thế, tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ: phải chăng nguyên uỷ của chữ "vợ" là... bợ? "Vợ chồng" thực ra là "bợ chồng"?



Tôi càng tin vào giả thuyết trên khi nhớ lại, trong tiếng Việt hiện nay, có cả hàng trăm từ nguyên thuỷ khởi đầu bằng phụ âm B đã biến thành V như thế. .v...



Theo Nguyễn Tài Cẩn, trong cuốn Giáo Trình Lịch Sử Ngữ Âm Tiếng Việt (sơ thảo), quá trình hoán chuyển từ B đến V kéo dài khá lâu cho nên hiện nay thỉnh thoảng cả hai biến thể B/V vẫn còn tồn tại song song với nhau, như: băm và vằm (thịt); be và ve (rượu hay thuốc); béo và véo; bíu và víu, v.v...

Nhiều nhất là từ âm Hán Việt chuyển sang âm Việt.

Ví dụ: trong chữ Hán, chữ "bái" sang tiếng Việt thành "vái"; chữ "bản" sang tiếng Việt thành "vốn" và "ván"; chữ "bích" sang tiếng Việt thành "vách"; chữ "biên" sang tiếng Việt thành "viền"; chữ "bố" sang tiếng Việt thành "vải"; chữ "bút" sang tiếng Việt thành "viết"; chữ "bà phạn" sang tiếng Việt thành "và cơm",



Chúng ta biết là hiện tượng tồn tại song song của hai biến thể như thế không phải chỉ giới hạn trong hai phụ âm B và V. Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, ngày xưa, từ khoảng thế kỷ 17 trở về trước, trong tiếng Việt có một số phụ âm đôi như BL (blăng, blời...), ML (mlầm) hay TL (tlánh).

Ðến khoảng thế kỷ 18, các phụ âm đôi ấy dần dần rụng mất. Ðiều đáng chú ý là khi những phụ âm đôi ấy rụng đi thì chúng lại tái sinh thành một số phụ âm khác nhau.

Ví dụ phụ âm đôi TL sẽ biến thành TR hoặc L, do đó, hiện nay, chúng ta có một số chữ có hai cách phát âm và hai cách viết khác hẳn nhau, cùng tồn tại song song bên nhau, đó là các chữ tránh và lánh; trộ và lộ, trồi và lồi, trêu và lêu, trũng và lũng, trộn và lộn, trọn và lọn, trệch và lệch, trèo và leo, tràn và lan, v.v...

Trong khi đó phụ âm đôi ML sẽ biến thành L hoặc NH, bởi vậy, chúng ta cũng có một số từ tương tự, như lầm và nhầm, lời và nhời, lẽ và nhẽ, lát và nhát, lạt và nhạt, lớn và nhớn.(3)

Trong những cặp từ tương tự vừa kể, có một số chữ dần dần bị xem là phương ngữ hoặc là cách nói cổ, càng ngày càng ít nghe, như các chữ Nhớn, Nhời, và Nhẽ.

Thay vào đó, chúng ta sẽ nói là lớn, lời và lẽ. Tuy nhiên, những chữ khác thì cho đến nay cũng vẫn còn tồn tại khá phổ biến, ví dụ chúng ta có thể nói là rượu lạt hoặc rượu nhạt; nói lầm lẫn hoặc nhầm lẫn; nói một lát dao hay một nhát dao đều được cả.



Ðặt trong toàn cảnh mối quan hệ giữa hai phụ âm B và V cũng như quá trình biến đổi phụ âm đầu như thế, chúng ta sẽ thấy ngay giả thuyết cho nguồn gốc của chữ "vợ" trong "vợ chồng" là "bợ" rất có khả năng gần với sự thật.

"Vợ chồng" như thế, thực chất là "bợ chồng". "Bợ": từ dưới nâng lên; "chồng": từ trên úp xuống. Danh từ "bợ chồng" diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau.



Cách gọi tên khá thật thà như thế kể cũng thú vị đấy chứ?



Qua các trường hợp biến đổi từ "hàm thinh" thành "làm thinh" và từ "bợ chồng" thành "vợ chồng", chúng ta tiếp cận được một hiện tượng rất phổ biến trong tiếng Việt: hiện tượng biến âm.



Biến âm không phải chỉ vì nói ngọng, kiểu "long lanh" thành "nong nanh" hay "nôn nao" thành "lôn lao" như một số người ở một số địa phương nào đó.

Biến âm cũng không phải chỉ vì phương ngữ, kiểu "về" thành "dề" như ở miền Nam, hay "nhà" thành "dà" như ở một số làng huyện ở miền Trung, "trung trinh" thành "chung chinh" như ở miền Bắc.



Ðiều đáng nói hơn là những hiện tượng biến âm xuất phát từ những quy luật nội tại của ngôn ngữ, những sự biến âm có mặt ở mọi vùng đất nước và nếu không tự giác và tốn công truy lục, chúng ta sẽ không thể nào tái hiện được nguyên dạng của nó.



Chúng ta dễ ngỡ biến âm là chính âm. Dễ ngỡ nó tự nhiên là thế. Ví dụ, để diễn tả tâm sự buồn nào đó dần dần giảm nhẹ đi, chúng ta hay dùng chữ "nguôi ngoai". Ðúng ra là "nguôi hoai".



Trong các từ điển cổ, "hoai" có nghĩa là phai nhạt. Nghĩa ấy, cho đến bây giờ chúng ta vẫn dùng trong chữ "phân đã hoai". "Nguôi hoai" là từ ghép chỉ sự phai dần của một nỗi buồn, một niềm đau. Tương tự như vậy, chữ "yếu ớt" chúng ta hay dùng ngày nay là do chữ "yếu nớt".



"Ớt" thì không có nghĩa gì cả. Trong khi "nớt" có nghĩa là sinh thiếu tháng, vẫn còn dùng trong từ "non nớt". "Yếu nớt", do đó, có nghĩa là yếu đuối, là non nớt.

Chữ "nói mớ" thật ra là biến âm của chữ "nói mơ", nói trong giấc mơ.

"Nước miếng" thật ra là biến âm của "nước miệng", nước chảy ra từ miệng, cùng cách kết cấu với các chữ nước mắt hay nước mũi.

Chữ "to tát" hiện nay tất cả các từ điển đều viết với chữ T ở cuối, TÁT; nhưng trong Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì lại viết chữ TÁC kết thúc bằng C: "to tác", kèm theo lời định nghĩa là: thô kệch, lớn tác.



Mà chúng ta đều biết chữ TÁC có nghĩa là tuổi hay vóc dáng, như trong các từ tuổi tác, tuổi cao tác lớn, hay ngày xưa người ta nói bạn tác, tức bạn hữu; trang tác, tức cùng lứa, cùng tuổi với nhau. (4)



Các con số đếm, nơi rất cần sự chính xác, cũng không thoát khỏi luật biến âm. Như số 1, chẳng hạn. Ðứng một mình là một. Ðứng trước các con số khác cũng là một.

Nhưng khi đứng sau các con số khác, trừ số 10, nó lại biến thành "mốt": hai mươi mốt; ba mươi mốt, bốn mươi mốt.



Những chữ "mốt" ấy chính là biến âm của "một". Nhưng không phải lúc nào "mốt" cũng có nghĩa là một: "Mốt" trong một trăm mốt hay trong một ngàn mốt, một triệu mốt... không phải là một. Con số 5 cũng vậy. Ðứng một mình là năm. Ðứng trước các số khác cũng là năm.



Nhưng khi đứng sau các số, từ 1 đến 9, nó lại biến thành "lăm": mười lăm, hai mươi lăm... Con số hai mươi lăm ấy lại được biến âm thêm một lần nữa, thành hăm nhăm.

Số ba mươi lăm cũng thường được biến âm thành băm nhăm. Từ số bốn mươi lăm trở lên thì chỉ có một cách rút gọn là bốn lăm; năm lăm, sáu lăm, bảy lăm, tám lăm, và chín lăm chứ không có kiểu biến âm như hăm nhăm và băm nhăm.



Con số 10, cũng vậy. 10 là mười. Nhưng từ 20 trở lên thì "mười" biến thành "mươi”: hai mươi, ba mươi, bốn mươi... Dấu huyền bị biến mất. Có điều, "mươi" không phải lúc nào cũng có nghĩa là mười.

Trong nhóm từ "mươi cái áo", chẳng hạn, "mươi" lớn hơn hoặc nhỏ hơn mười: một con số phỏng định, ước chừng, bâng quơ.



Con số còn thay đổi được, huống gì những từ khác. Như từ "không", chẳng hạn. Phủ định điều gì, người ta có thể nói "không", mà cũng có thể nói "hông", nói "khổng", nói "hổng".



Xuất hiện trong câu nghi vấn, chữ "không" ấy có thể có thêm một biến âm khác là "hôn": "nghe hôn?" Chưa hết. Một số âm vị trong cụm "nghe hôn" ấy bị nuốt đi; "nghe hôn" biến thành "nghen", rồi đến lượt nó, "nghen" lại biến thành "nghén" hay bị rút gọn lần nữa, thành "nhen", rồi "hen", rồi "hén", rồi "nhe", v.v...



Như vậy, biện pháp biến âm trở thành một biện pháp tạo từ. Ðã có từ "vậy", chỉ cần thay dấu nặng bằng dấu huyền, chúng ta có từ mới: "vầy" (như vầy này!).



Ðã có từ "lui hui", người ta tạo thêm các chữ "lúi húi" rồi "lụi hụi". Ðã có từ "chừ bự", người ta tạo thêm các từ mới: chư bư, chừ bư, chừ bử, chử bử, chứ bứ, chự bự. Ðã có "trật lất", người ta tạo thêm: trết lết, trét lét, trớt lớt, trớt huớt... (5)



Ðã có từ "ngoại" vay mượn từ chữ Hán, chúng ta tạo thêm hay từ khác: "ngoài" để các quan hệ không gian cũng như thời gian và "ngoái" để chỉ quan hệ về thời gian: "năm ngoái".



Biện pháp biến âm như vậy đã dẫn đến một hiện tượng khá thú vị trong tiếng Việt: hiện tượng từ tương tự, tức những từ hao hao gần nhau về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa, chẳng hạn: các chữ bớt và ngớt; đớp, tợp, hớp và đợp; bẹp, xẹp, lép, khép, nép và nẹp; khan, khàn và khản; xẻ, chẻ, bẻ và xé; xoăn, xoắn, quăn và quắn; tụt, rụt và thụt; véo, nhéo, và béo; v.v...



Các từ tương tự ấy có khi khác nhau về từ loại nhưng lại tương thông tương ứng với nhau về ý nghĩa, chẳng hạn: chúng ta có cái nẹp để kẹp, cái nêm để chêm, cái nan để đan, cái mõ để gõ, cái nệm để đệm, cái vú để bú; hoặc chúng ta cưa thì thành khứa, rung thì rụng, phân thì có từng phần, dựng thì đứng, thắt thì chặt, đập thì giập, dìm thì chìm, ép thì ẹp, dứt thì đứt, chia thì lìa, gạn thì cạn, v.v....



Mới đây, đọc báo, không hiểu tại sao, tình cờ tôi lại chú ý đến chữ "đút" trong một câu văn không có gì đặc biệt: "Chị ấy đút vội lá thư vào túi quần..." Từ chữ "đút" ấy, tôi chợt liên tưởng đến chữ "rút": cả hai từ làm thành một cặp phản nghĩa: đút (vào) / rút (ra).



Ðiều làm tôi ngạc nhiên là cả hai từ đều có phần vần giống nhau: "-ÚT". Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu mà thôi: một chữ bắt đầu bằng phụ âm "đ-" (đút) và một chữ bằng phụ âm "r-" (rút).



Hơn nữa, cả từ "đút" lẫn từ "rút", tuy phản nghĩa, nhưng lại có một điểm giống nhau: cả hai đều ám chỉ sự di chuyển từ không gian này sang không gian khác.

"Ðút" cái gì vào túi hay "rút" cái gì từ túi ra cũng đều là sự chuyển động từ không gian trong túi đến không gian ngoài túi hoặc ngược lại.



Tôi nghĩ ngay đến những động từ có vần "-ÚT" khác trong tiếng Việt và thấy có khá nhiều từ cũng có nghĩa tương tự. "Sút" là động tác đưa bóng vào lưới. "Hút" là động tác đưa nước hoặc không khí vào miệng.

"Mút" cũng là động tác đưa cái gì vào miệng, nhưng khác "hút" ở chỗ vật thể được "mút" thường là cái gì đặc. "Trút" là đổ cái gì xuống.

"Vút" là bay từ dưới lên trên. "Cút" là đi từ nơi này đến nơi khác do bị xua đuổi. "Nút" hay "gút" là cái gì chặn lại, phân làm hai không gian khác nhau.



Thay dấu sắc (ÚT) bằng dấu nặng (ỤT), ý nghĩa chung ở trên vẫn không thay đổi. "Trụt" hay "tụt" là di chuyển từ trên xuống dưới.



"Vụt" là di chuyển thật nhanh, thường là theo chiều ngang. "Lụt" là nước dâng lên quá một giới hạn không gian nào đó. "Cụt" là bị cắt ngang, không cho phát triển trong không gian. "Ðụt" (mưa) là núp ở một không gian nào đó, nhỏ hơn, để tránh mưa ngoài trời. Vân vân.



Nếu những động từ có vần "-ÚT" thường ám chỉ việc di chuyển (hoặc việc ngăn chận quá trình di chuyển ấy) giữa hai không gian thì những động từ có vần "-UN" lại ám chỉ việc dồn ứ lại thành cục trong một không gian nhất định nào đó, thường là có giới hạn. "Ùn", "chùn", "dùn", hay "đùn" đều có nghĩa như thế.



"Thun" hay "chun" cũng như thế, đều chỉ cái gì bị rút, bị co. "Cùn" là bẹt ra. "Hùn" là góp lại. "Vun" là gom vào. "Lún" hay "lụn" là bẹp xuống. Cả những chữ như "lùn" hay (cụt) "lủn", (ngắn) "ngủn", "lũn cũn"... cũng đều ám chỉ cái gì bị dồn nhỏ hay thu ngắn lại.



Với cách phân tích như vậy, nếu đọc thật kỹ và thật chậm các cuốn từ điển tiếng Việt, chúng ta sẽ dễ thấy có khá nhiều khuôn vần hình như có một ý nghĩa chung.



Chẳng hạn, phần lớn các động từ hay tính từ kết thúc bằng âm ÉT hay ẸT đều chỉ những động tác hay những vật thể hẹp, thấp, phẳng. "Kẹt" là mắc vào giữa hai vật gì; "chẹt" là bị cái gì ép lại.

"Dẹt" là mỏng và phẳng; "tẹt" là dẹp xuống (kiểu mũi tẹt); "bét" là nát, dí sát xuống đất; "đét" là gầy, mỏng và lép.

Những dộng từ kết thúc bằng âm EN thường chỉ các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn, như: "chen", "chẹn", "chèn", "len", "men", "nghẽn", "nghẹn", "nén".

Những từ láy có khuôn vần ỨC – ÔI thì chỉ những trạng thái khó chịu, như "tức tối", "bức bối", "bực bội", "nực nội", "nhức nhối", v.v...



Những ví dụ vừa nêu cho thấy hai điều quan trọng:

Thứ nhất, nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ phát hiện trong những chữ quen thuộc chúng ta thường sử dụng hàng ngày ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng.



Tính chất bí ẩn ấy có thể nói là vô cùng vô tận, dẫu tìm kiếm cả đời cũng không hết được. Ðiều này khiến cho không ai có thể an tâm là mình am tường tiếng Việt. Ngay cả những nhà văn hay nhà thơ thuộc loại lừng lẫy nhất vẫn luôn luôn có cảm tưởng ngôn ngữ là một cái gì lạ lùng vô hạn.



Thứ hai, vì có những quy luật, những điểm chung tiềm tàng giữa các chữ như vậy cho nên việc học tiếng Việt không quá khó khăn.



Nói chung, người Việt Nam đều có khả năng đoán được ý nghĩa của phần lớn các chữ mới lạ họ gặp lần đầu. Lần đầu gặp chữ "thun lủn", chúng ta cũng hiểu ngay nó ám chỉ cái gì rất ngắn.



Lý do là vì chúng ta liên tưởng ngay đến những chữ có vần "UN" vừa kể ở trên: cụt ngủn, ngắn ngủn, ...



Lần đầu gặp chữ "dập dềnh", chúng ta cũng có thể đoán là nó ám chỉ một cái gì trồi lên trụt xuống do sự liên tưởng đến những chữ có khuôn vần tương tự: bấp bênh, gập ghềnh, khấp khểnh, tập tễnh, v.v...



Nói tiếng Việt vừa dễ vừa khó là vì thế.



Nguyễn Hưng Quôc

dammanh
08-03-2012, 08:51
Đó là các động từ,còn danh từ tiếng việt có những từ rất cổ thí dụ như ĐỒNG BÀO,BỐ CÁI,CHỢ BÚA ...mong bác Vnmission tiếp tục ,cám ơn bác!

HanParis
30-04-2013, 19:06
Tiếng Việt coi tưởng dễ mà khó đó. Và theo thiển ý, nếu không phải người Việt nhiều khi cũng nhức đầu với tiếng Giao Chỉ. Có lần một người bạn Pháp nhờ tôi dịch chữ Bèn, tôi cũng bó tay vì có dịch cũng không xác nghĩa. Hình như mỗi ngôn ngữ có cái hay riêng. Tội thích nghiên cứu về ngôn ngữ nên khá thích thú với từ ngữ Anh, Việt, Pháp, Đức. Trở lại Tiếng Việt, tuy Văn Phạm có vẽ dễ nhưng nội dung rất phong phú. Nhiều khi sai một dấu phẩy là 'Sai Con Toán Bán Con Trâu'. Chỉ thiếu dấu phẩy mà đàn ông cứ tưởng nhà nước khuyến khích tục Đa Thê :D

http://images.danviet.vn/CMSImage/Resources/Uploaded/Auto/28-04cong-dong-mang-xon-xao-voi-bien-co-dong-da-the_1.jpg

Chữ Con Cái (Mạo Từ, Article) rất khó dùng đối với người nước ngoài. Để đứng trước danh từ tiếng Anh có từ The, tiếng Pháp thi Le, La. Nhưng qua tiếng Việt thì tùy câu văn, phải dùng nhiều mạo từ khác nhau :

Căn Nhà, Cái Nhà, Cuộc Tình, Mối Tình, Sự Việc, Nỗi Niềm...

Nhưng nhìn chung thì có Con và Cái. Chỉ là có người hỏi Hàn sao có con đường cái mà không có con được đực? :))

Thật ra giữa Nam và Bắc từ ngữ cũng khác và đương sự để ý nhiều danh từ được thống nhất có Nam cả Bắc :

Con Cái, Nhanh Lẹ, Trông Coi, Lười Biếng...

Nhưng người nước ngoài vẫn nhức đầu nhất là cái câu : Hôm Qua Nói Qua Qua Mà Qua Không Qua! :D

Bạn nào chưa quán triệt từ ngữ Bắc Nam thì chịu khó học thuộc lòng bài này sẽ tường thui =))

Tình Bắc Duyên Nam
Theo Văn Học Truyền Khẩu


Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
Bắc mang thai, Nam có chửa
Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi
Ôi ! Bắc quở Gầy, Nam than Ốm
Bắc cáo Ốm, Nam khai Bịnh
Bắc định đến muộn, Nam liền la trễ
Nam mần Sơ Sơ, Bắc Qua Loa Lấy Lệ
Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
Nam bắc Vạc tre, Bắc kê Lều chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi, Nam bâng quơ Vậy Đó
Bắc đan cái Rọ, Nam làm giỏ Tre,
Nam không nghe Nói Dai, Bắc chẳng mê Lải Nhải
Nam Cãi bai bải, Bắc Lý Sự ào ào
Bắc vào Ô tô, Nam vô Xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng
Khi nắng Nam mở Dù, Bắc lại xòe Ô
Điên rồ Nam Đi trốn, nguy khốn Bắc Lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc Từ từ, Bắc khuyên Gượm lại
Bắc là Quá dại, Nam thì Ngu ghê
Nam Sợ Ghê, Bắc Hãi Quá
Nam thưa Tía Má, Bắc bẩm Thầy U
Nam nhủ Ưng Ghê, Bắc mê Hài Lòng
Nam chối Lòng Vòng, Bắc bảo Dối Quanh
Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô
Bắc thích cứ vồ, Nam ưng là chụp
Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày đi ! Bắc hô: cút xéo.
Bắc bảo: cứ véo ! Nam: ngắt nó đi.
Bắc gửi phong bì, bao thơ Nam gói
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn!
Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác
Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke
Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay.
Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó.
Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên
Anh Cả Bắc quên, anh Hai Nam lú
Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi !
Bắc nói tập bơi, Nam thời đi lội.
Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui
Thui thủi Nam kéo xe lôi, một mình xích lô Bắc đạp
Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy
Bắc quậy Sướng Ghê, Nam rên Đã Quá!
Bắc khoái đi phà, Nam thường qua bắc.
Bắc nhắc môi giới, Nam liền giới thiệu
Bắc thường khi điệu, Nam kêu làm dáng.
Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo.
Bắc nạo bằng gươm, Nam thọt bằng kiếm
Nam mê phiếm, Bắc thích đùa.
Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La De
Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang, Nam: Thơm Thơm đậu phộng
Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn
Nam toe toét «hổng chịu đèn», Bắc vặn mình «em chả»
Bắc dấm chua «cái ả», Nam bặm trợn «con kia»
Nam mỉa «tên cà chua», Bắc rủa «đồ phải gió»
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ
Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi địt
Khi thấm, Nam xách thùng thì Bắc bê xô
Nam bỏ trong rương, Bắc tuôn vào hòm.
Nam lết vô hòm, Bắc mặc áo quan
Bắc xuýt xoa "Cái đứa kia xinh cực!"
Nam trầm trồ "Con đó đẹp hết chê!"
Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ Nam đắp mền
Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền lâu.

HanParis
01-05-2013, 23:28
Hàn quên không để ý Topic này của ca sỹ Thu Hà (Nội) bàn về Viết tay mà? Sao lại chen tiếng Việt vào nhỉ? Với kỷ thuật số dần dà người ta đã bỏ dần giấy để thay bằng kỹ thuật số. Đó là chuyện đáng buồn vì theo Hàn dù có tiết kiệm chỗ nhưng giấy cũng có cái duyên dáng của nó. Báo mạng tùy đọc miễn phí trên mạng nhưng cũng không thích thú bằng báo giấy. Sách cũng thể, ngày nay ta có thể đọc sách qua eBook, có thể quẹt tay trên Tablet. Ngày xưa, Hàn nhớ chiều chiều khoảng 5 giờ thì chạy ra sạp báo để mua tờ nhật trình ngày đó. Và xem tiểu thuyết cũng thế, thích cầm sách truyện đọ trên giường rùi ngủ quên lúc nào chả hay :D Và khi thấy đoạn nào hay hay thì tôi thích gạch đít để suy ngẫm về từ đó. Cái câu Cha Làm Thày Con Đốt Sách nếu áp dụng cho ngày nay thì phải đốt... tablet SamSung hay IPAD4, IPhone5... thì sẽ hao đô hơn nhiều đó.

Và viết vào vỡ nữa, ông bà ta từng bảo Bút Sa Gà Chết. Khị học chữ Tàu thì Hàn đã dùng bút lông nắn nót vẽ từng nét từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Không biết mấy Ông Đồ ngày nay có biết dùng IPAD đẻ quẹt hay không đây? :)) Và bút có sa thì có thể cancel dễ ợt hà! Chỉ là khi viết tay ta có thể viết từng nét, với vi tính thì phải biết đánh dấu bằng VietKey hay VPS bên Mỹ không nên thơ lắm. Ngày xưa có biết font phiết gì đâu? Nhớ chấm bút vào lọ mực rồi viết vào tập. Xưa hơn nữa thì phải mài mực mới có mực. Bạn có biết tại sao ta gọi mực tím học trò không? Vì khi xưa, học trò thường dùng bình mực máu tím để tập viết. Hàn chỉ mệt khi phải chép phạt câu Je ne dois pas bavarder en classe (Em Hứa Không Nói Xàm Trong Lớp) =)) Và mỗi khi bị phạt vì phải viết 100 lần câu đó chớ đâu thể Copy và Past như bây giờ! Ngày nay chắc thày cô sẽ phải sửa lại là "Em Hứa Không Twitt Vớ Vẫn Trong Giờ Học"? Và với tuổi học trò thì... Mỗi Khi Đến Hè Lòng Man Mát Buồn (Nỗi Buồn Hoa Phượng - Thanh Sơn). Tại sao? Chỉ vì sắp bãi trường thì phải xa thày vắng bạn. Bọn tôi hay trao đổi nhau vài dòng Lưu Bút Ngày Xanh bằng tiếng Pháp hay Việt, viết mực tím trên giấy trắng đàng hoàng chứ khi ấy chưa biết chia sẽ nỗi niềm trên Facebook. :D

Khi xưa, học trò nào cũng phải thuộc lòng cữu chương từ 2 đến 9 vì chưa có di động để làm toán nhân! Buồn cười là giới trẻ ngày nay muốn biết 1+1 là bao nhiêu có em cũng nhờ điện thoại cầm tay để hổ trợ.

Thật ra thì quên việc viết tay là một điều đáng tiếc vì đó là kỷ niệm êm đềm của Tuổi Học Trò của ông bà ta ngày xưa..