Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Sinh hoạt BAN CỐ VẤN (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=483)
-   -   Bì thư Malott 1973 (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=11614)

The smaller dragon 24-05-2013 06:49

Bì thư Malott 1973
 
7 File đính kèm
Bì Thư Malott 1973


Thiếu tá R.K. Malott, thuộc Ủy Ban Quốc Tế Kiềm Soát và Giám Sát Canada (Military Component Canadian Delegation for International Commission for Control and Supervision, viết tắt là MCCD-ICCS) là Trưởng Toán MCCD-ICCS ở Bến Cát, Bình Dương. Năm 1973, khi sang Việt Nam làm việc theo qui định của Hiệp Ðịnh Paris 1972, ông đã thực hiện một bộ lịch sử bưu chính với dấu của các bưu điện địa phương VNCH và dấu quân bưu của các Khu Bưu Chính (KBC).

Ông thực hiện dự án bằng hai cách. Thứ nhất, ông gửi khoảng 25 bì thư dán sẵn tem đặt trong một phong bì lớn, kèm một lá đơn xin Bưu Ðiện địa phương đóng dấu những bì thư ấy rồi gửi trả lại cho ông. Sau đây là mẫu một lá thư Malott gửi Giám Ðốc Bưu Ðiện địa phương xin dóng dấu và gửi trả lại. Malott nhờ người viết thư bằng tiếng Việt.


Thứ hai, chính ông dán tem trên một số bì thư, đề địa chỉ của ông, rồi bỏ vào thùng thư. Bưu Ðiện địa phương sẽ đóng dấu, và chuyển những bì thư thực gửi ấy về ông. Chính vì thế, bộ sưu tập bì thư của Malott gồm hai loại: một, là những bì thư rất trắng sạch, không có dấu vết “phong trần” của những cánh thư gửi và nhận qua hệ thống bưu điện hàng ngày. Và hai, là những bì thư trong dòng thư hàng ngày của Bưu Ðiện nên có khi bì thư được thêm dấu cổ động, nhưng mặt sau bì thư thỉnh thoảng bị lem vết mực dấu đóng, hay bị quăn hoặc nếp gấp trên đường di chuyển từ Bưu Ðiện đến tay người nhận qua trung gian của các phương tiện chuyển vận và người phát thư.

Ðúng hai mươi năm sau, năm 1993, tình cờ tôi kết bạn với một nhà chuyên sưu tập lịch sử bưu chính Ðông Dương và Việt Nam tên là Lawrence (Larry) Thibodeau ở tiểu bang Maryland. Larry có bộ bì thư Malott khá lớn cùng một số tài liệu liên quan đến bộ bì thư này, như cuống niêm phong bao tải đựng thư của Phái Bộ Quân Sự Canada tại Việt Nam, biên lai thư bảo đảm, phiếu đáp của Bưu Ðiện địa phương về số bì thư đã đóng dấu và gửi lại... của Thiếu Tá R.K. Malott. Tôi không biết liên hệ giữa Malott và Thibodeau, và làm cách nào mà Larry có được bộ sưu tập đặc biệt này và cũng không tiện hỏi, nhưng tôi ngỏ ý muốn trao đổi thì Larry đã chuyển tất cả những gì ông ta có trong bộ sưu tập lịch sử bưu chính đặc biệt này, kể cả những tài liệu riêng của Malott, cho tôi. Sau đây là những mẫu phong bì đặc biệt Malott.

Bì Malott loại 1: Dấu bưu điện địa phương VNCH
Văn thư Bưu Ðiện địa phương đáp ứng yêu cầu của Malott

File Đính Kèm 185333
File Đính Kèm 185334

Bì Malott loại 2: Dấu quân bưu
File Đính Kèm 185335

Bì Malott loại 3: Bì dán tem Canada
File Đính Kèm 185336

Bì Malott loại 4: Bưu giản VNCH
File Đính Kèm 185337

Bì Malott loại 5: Bưu giản quân đội Canada
File Đính Kèm 185338

Nhân đó, cũng năm 1993, tôi bắt chước một viên thiếu tá người ngoại quốc để gửi hơn 30 thư đến giám đốc các bưu điện tỉnh tại Việt Nam. Ðịa chỉ của họ, tôi lấy trong Tạp Chí Tem các số 1 và 3. Kết quả: không hề có một hồi âm!

ngotthuha231 24-05-2013 07:22

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi The smaller dragon (Post 188825)
Nhân đó, cũng năm 1993, tôi bắt chước một viên thiếu tá người ngoại quốc để gửi hơn 30 thư đến giám đốc các bưu điện tỉnh tại Việt Nam. Ðịa chỉ của họ, tôi lấy trong Tạp Chí Tem các số 1 và 3. Kết quả: không hề có một hồi âm!

Hình như Thiếu tá Malott gởi kèm quà trong thư phải không bác? :D

The smaller dragon 24-05-2013 08:43

Không, Malott không kèm quà cáp gì cả. Ông ta còn "hách" đến độ gừi 25 phong bì nhờ đóng dấu, rồi yêu cầu phải gửi lại đầy đủ 25 cái. Ai muốn giữ một cái làm kỷ niệm thì báo cho ông ta biết, rồi ông ta mới gửi tặng sau.

Chỉ có Theo Kleviwtz mới kèm quà đó cháu. Ðể thư thả bác sẽ viết một bài lấy tựa đề "Bì thư Trịnh Xuân Côn: Giải mã một huyền thoại." Nghe hấp dẫn không cháu?

BoZoo 24-05-2013 09:16

1 File đính kèm
Bài của GS viết về tin này rất thú vị. Lô bì thư đó thực quý, hiếm.

Trong năm 1973, Nhóm ICCS Canada đã thực hiện chiến dịch Gallant, thi hành vai trò của ICCS, bắt đầu từ ngày 19/1 đến 31/7, cũng là ngày cuối cùng của ICCS Canada ở MNVN. Sau đó thì Iran thay thế Canada vai trò này đến hết 30/4/1975.




Trong thời gian này, ngày 28/6, hai sĩ quan Canada là Đại úy Ian Patten và một người nữa là Fletcher Thomson, bị du kích CHMNVN bắt cóc tại phía Đông Sài Gòn. Nhưng sau 17 ngày thương thuyết, họ đã được trả lại tự do.

Bì thư quân bưu thứ hai của GS là ngày 19/7, cũng gần ngày cuối cùng của nhóm ICCS Canada, trước khi họ mãn hạn và rút khỏi Sài Gòn 31/7/1973.

The smaller dragon 24-05-2013 10:48

1 File đính kèm
Những sự kiện mà Bozoo chia sẻ rất chính xác. Tôi chỉ giới thiệu bì thư Malott mỗi loại một mẫu, mà không đề cập đến vai trò của Canada trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sảt. Ngày 31.7.1973 thì hai sĩ quan Canada, thiếu tá Malott và đại úy (ngành Quân Y thì phải) G. A. Vanderburgh, đều làm phong bì kỷ niệm sau đây.


VAPUTIN 24-05-2013 10:57

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi The smaller dragon (Post 188825)
Nhân đó, cũng năm 1993, tôi bắt chước một viên thiếu tá người ngoại quốc để gửi hơn 30 thư đến giám đốc các bưu điện tỉnh tại Việt Nam. Ðịa chỉ của họ, tôi lấy trong Tạp Chí Tem các số 1 và 3. Kết quả: không hề có một hồi âm!


Chuyện đó là bình thường ở VN ngày nay bác ạ.

Kể cho các bạn nghe chuyện có thật về thực dân Pháp:

Đầu tháng 11/1911, được giấy báo của Khâm sứ Trung kỳ và ngày 9/11/1911 cụ Nguyễn Sinh Sắc đến bưu điện Sài Gòn nhận 15 đồng do Nguyễn Tất Thành gởi thơ nhờ Khâm sứ Trung kỳ chuyển hộ, thơ đề Sài Gòn ngày 31/10/1911. Trong sổ lương của thủy thủ Văn Ba (Nguyễn Tất Thành) ghi rõ, anh lãnh lương tại Sài Gòn ngày 16/10/1911 trên chuyến đi của tàu từ Dunkerque về Hải Phòng. Chắc là sau khi lãnh lương do không có điều kiện trực tiếp gặp cha, nên anh mới viết thơ nhờ ông Khâm sứ chuyển giúp. Nhận được tiền, cụ có viết thư trả lời. Không rõ nội dung thư cụ viết những gì, nhưng một năm sau, ngày 15/12/1912, từ New York (Mỹ) Nguyễn Tất Thành gởi thơ cho Khâm sứ Trung kỳ nhờ cho biết về tình hình và địa chỉ của cha mình. Trong thư, Thành cho biết là đã gởi cho cụ ba ngân phiếu nhưng cụ chỉ nhận có một. Đến ngày 16/4/1915, từ Anh, Nguyễn Tất Thành lại viết thư cho Toàn quyền Đông Dương, qua Lãnh sự Anh ở Sài Gòn nhờ chuyển giúp cho cha mình, thư ký tên là Paul Thành, nhưng thư không đến tay cụ vì không tìm được địa chỉ. Và đây có thể là bức thư liên lạc sau cùng mà Thành gởi cho cụ.
>>>Khâm sứ Trung kỳ, toàn quyền Đông Dương đâu biết Nguyễn Tất Thành là ai nhưng họ vẫn nhiệt tình giúp đỡ vì họ coi đó là bổn phận của họ đối với con dân mà họ bảo hộ.


Thời VNDCCH, ông Phạm Văn Đồng có thói quen là tự đọc và tự trả lời tất cả thư từ người dân gửi cho dù ông có thể giúp hay không giúp được gì cho những người dân đó.


Bây giờ thì khác, bận lắm nghe. Lần sau có gửi thì bác Rồng thử bắt chước ông Theo xem có khả quan hơn không? :D

BoZoo 24-05-2013 20:21

Hai bì thư cuối cùng GS TAT đăng thêm về ngày cuối cùng của ICCS Canada ở VN rất tuyệt. Qua đây BoZoo xem lại bì thư của mình (đăng ở phía trên) mới biết là BoZoo đã may mắn có được bì thư của ông Đại úy Quân y G. A. Vanderburgh và mới biết thêm về bì thư của mình. Cảm ơn Giáo sư. BoZoo cũng cảm ơn anh VNMission đã đăng về chủ đề FPO của các nước tại VN, lý do vì sao BoZoo có bì thư trên.

Tìm hiểu thêm được vì sao Thiếu tá R K Malott lại chuyển giao hết các bì thư có giá trị lịch sử bưu chính này cho ông Lawrence Thibodeau cũng rất thú vị đó!

BoZoo 25-05-2013 05:55

2 File đính kèm
BoZoo thấy một bì thư nữa của Thiếu tá R K Malott tự gửi về nhà (đang được rao bán trên Ebay - từ Ontario). Loại này có cả hai loại tem, VNCH và Canada. Dấu Sài Gòn đề ngày 31/7/1973, ngày cuối cùng ông ta dời VN; dấu Canada đề ngày 1/8/1973.



The smaller dragon 25-05-2013 08:07

Thỉnh thoảng có một hai cái bì Malott trên eBay rao bán. Vỉ thiên hạ không hiểu nguyên ủy những bì này cộng với số lượng nhỏ dọt, nên giá mua được thường thấp.

BoZoo 28-05-2013 09:45

BoZoo tìm hiểu thêm về Cựu Thiếu tá R K Malott thì được biết như sau.

Ông sinh năm 1927 tại Windsor, Ontario và tốt nghiệp trường ĐH Western Ontario, Thiếu tá R.K. Malott, sĩ quan Không lực Hoàng gia Canada (R.C.A.F.), gia nhập R.C.A.F. năm 1950. Đầu tiên ông là hoa tiêu, sau đó làm các công tác quản lý khác nhau. Năm 1974 R.K. Malott được bổ nhiệm trợ lý phụ trách Viện bảo tàng Quân sự Quốc gia (National War Museum). Ông rất nổi tiếng về các bài viết về lịch sử hàng không Canada và có những con tem đánh dấu những sự kiện hàng không Canada giá trị.

Hiện ông là thành viên Hội tem Hoàng gia Canada (RPSC) và là một trong những chuyên gia tem hàng không Canada và thường được mời nói chuyện tại các hội thảo tem của RPSC.


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 16:51.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.