Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Văn hóa (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=706)
-   -   Ý nghĩa hình tượng con hổ trong dân gian (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=5717)

Poetry 15-02-2010 19:56

Ý nghĩa hình tượng con hổ trong dân gian
 
Năm 2010 - năm Canh Dần theo quan niệm dân gian là năm con hổ trắng, hình tượng con hổ luôn đồng nghĩa với sức mạnh, sự oai phong và những người cầm tinh con hổ cũng được coi là có cá tính, mạnh mẽ.



Người ta thường gọi con hổ với cách gọi rất trân trọng là ông hổ, ông ba mươi. Nhân dịp năm mới Canh Dần, chúng ta hãy cùng nhìn lại những hình ảnh con hổ trong dân gian Việt Nam.


Những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2.500 đến 3.000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ. Điều này cho thấy con hổ đã gắn bó hàng nghìn đời nay với người dân Việt Nam với sự trân trọng. Hổ còn được nhân dân thờ và những bức tranh thờ Hàng Trống đã trở thành mẫu mực trong tranh Việt Nam. Con hổ còn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam.


Truyền thuyết kể rằng, vua Gia Long trong những ngày sống trong rừng, hết cả lương thực may mắn có thịt thú rừng do hổ tiếp tế. Biết ơn hổ, vua cho lập miếu thờ và ra lệnh ai lỡ tay giết hổ bị phạt 30 trượng hoặc bắt sống thì thưởng 30 quan tiền. Vì vậy mà con hổ còn được gọi là ông ba mươi.


Năm Canh Dần 2010 được các nhà nghiên cứu dự đoán là một năm nhiều may mắn.


Nhân năm hổ, câu chuyện về Hùm thiêng Yên Thế nhắc chúng ta về lòng yêu nước của Hoàng Hoa Thám.


Truyện Trí khôn của ta đây nhắc về câu chuyện trí tuệ chiến thắng sức mạnh. Tục ngữ "Hổ dữ chẳng nỡ ăn thịt con" nói về tình yêu bao la cha mẹ dành cho con và trong năm mới, ai ai mũng mong muốn con cháu giỏi giang, làm vinh hiển gia đình, đất nước như câu: "Hổ phụ sinh hổ tử".


ke vo danh 16-02-2010 23:19

Lan man với Poetry về hình tượng Hổ trong dân gian.
 
Nhìn lại những bộ tem Hổ của Việt Nam thấy cũng hay hay chứ nhỉ. Đặc sắc thì không, nhưng đặc trưng thì có. Bỏ Hổ Việt Nam chung với đám hổ thế giới, chắc chắn là không nhầm được. Các bạn đừng vội nghĩ rằng kvd móc mỉa; đây là nhận xét vô tư và hoàn toàn không có ý chê bai đâu nhé. Ngược lại là khác.

Hổ, được người Việt Nam xưa (và tùy từng miền) hay gọi một cách trân trọng là: ông Ba Mươi; ông Mễnh; ông Kễnh; ông Mun; ông Cà Um. Nếu không có sự kiểm soát gắt gao, chắc chắn là bây giờ trên thế giới (và ngay tại Việt Nam) cũng chẳng còn...ông nào!

Một số câu nói trong nhân gian, hay liên quan tới hình tượng của Hổ, mà ít nhiều gì chúng ta cũng từng có lúc nghe qua. Thí dụ:

* Hùm dữ không ăn thịt con.
* Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.
* Lỡ trèo lưng cọp.
* Cáo mượn oai hùm.
...

Ngoài ra, một số người...quá nhiễm phim ảnh - tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa, chắc sẽ nhớ một số câu ví von khác như sau:

* Hổ phụ sinh hổ tử (thật trái ngược với câu "Hổ phụ sinh khuyển tử"!)
* Long tranh hổ đấu (!).
* Hổ khẩu dư sinh (nằm trong miệng cọp mà còn sống được).
* Hổ tử hùng tâm tại (tuy ngỏm củ tỏi rồi nhưng anh hùng tính vẫn tồn tại).
...

Các cụ đồ (cũng như...cô đồ) thì thích bắt học trò ê a rằng:

* Họa hổ, họa bì, nan họa cốt. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm.
* Dưỡng hổ di hoạn.
* Đàm hổ biến sắc.
...

kvd không biết là hiện nay tại tỉnh Bà Rịa (vùng Mô Xoài), có còn miếu Ông Hổ do vua Gia Long đã ban lệnh cho xây, để trả ơn hổ hay không? Vì khi Gia Long trên đường trốn sự càn quét của Tây Sơn, vua đã từng được hổ tha thịt săn được tới chăm nuôi (!). Nhưng từ thời Gia Long, đã có lệnh cấm săn bắt hổ. Ai, dù cố ý hoặc vô tình, làm chết hổ thì sẽ bị ăn 30 hèo là ít (tên "ông Ba Mươi" ra đời từ dạo ấy chăng?)!

ke vo danh 17-02-2010 01:19

Năm con Hổ, nhớ về Hùm Xám Yên Thế.
 
Năm Hổ, nếu Poetry không nhắc tới Hùm Xám Yên Thế Hoàng Hoa Thám (Đề Thám), chắc cũng không mấy ai nhớ tới (kể cả kvd này).

Trong cuốn "Le Đề Thám" dưới đây:


Tác giả là ông Claude Gendre (đồng thời cũng là tác giả cuốn "Le Combat de Đồng Đăng") đã hết mực ca ngợi Đề Thám. Ông ngưỡng mộ một nghĩa quân hết mực yêu nước, một nhà quân sự khôn khéo và dũng cảm, một chiến lược gia thông minh. Claude Gendre đã nghĩ rằng, có rất nhiều chiến sĩ Việt Minh khi chống Pháp sau này, đã coi Hoàng Hoa Thám như một tấm gương để họ noi theo. Từ đó, chủ lực quân của Pháp đã gặp khốn đốn rất nhiều để rồi phải rút quân ra khỏi Việt Nam.

Hoàng Hoa Thám không hy sinh trên chiến trường, cũng như không để Pháp bắt được. Nhưng cuối cùng, ông lại bị sát hại (cùng ba thủ hạ thân tín nhất của mình) bởi nội phản.

Dưới đây là một số hình ảnh của Hùm Xám Yên Thế được thấy trên internet:

http://img23.imageshack.us/img23/3139/20173940.jpg
(Hoàng Hoa Thám vào năm 1905)

http://img23.imageshack.us/img23/4407/20174012p.jpg
(Hoàng Hoa Thám giữa các cháu nội - ngoại)

http://img23.imageshack.us/img23/3648/20174238p.jpg
(Một số nghĩa quân và đồng chí của Đề Thám)

http://img23.imageshack.us/img23/1324/20177934p.jpg
(Bà vợ thứ ba của Đề Thám và con gái / Chụp tại Yên Thế)

ke vo danh 17-02-2010 20:34

Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật tạo hình dân gian (Báo Điện Biên Phủ)
 
Đọc được một bài viết liên quan đến Hổ, trong nghệ thuận tạo hình dân gian của Việt Nam tại đây. Thấy hay, nên kvd mang về để chúng ta cùng đọc.

*******

Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật tạo hình dân gian.

ĐBP - Ngày trước, cọp tượng trưng cho sức mạnh của tự nhiên. Con người ngày trước có hai thế ứng xử: một mặt là sợ hãi, không dám nói thẳng tên mà gọi bằng “ông”: ông Hùm, ông Ba mươi, Chúa Sơn lâm... Tâm lý sợ hãi được ánh xạ vào tôn giáo nên các đền thờ Thần hổ khá nhiều ở nông thôn, ven núi rừng ngày trước. Mặt khác là thế ứng xử tích cực, đánh cọp, chinh phục thiên nhiên mà các bức chạm gỗ dân gian trong các đình làng đã phản ánh một cách sinh động.

Cũng từ đó cho thấy, dân gian đã thần thánh hoá hổ, cho nó một sức mạnh thiêng liêng diệt trừ được ma quỷ. Có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa thì tà ma không dám thâm nhập. Bởi vậy, hình tượng con hổ trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, được vẽ thành tranh để thờ cúng ở các đền điện.

Có nhiều loại tranh hổ: bạch hổ, hắc hổ, ngũ hổ... Trong đó tranh “ngũ hổ” là nổi bật hơn cả. Tranh “ngũ hổ” còn gọi là tranh “ông năm đinh”, tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị năm phương trời nên các nghệ nhân khi vẽ tranh hổ, ngoài chòm râu, ánh mắt dữ tợn của hổ được vẽ bằng màu vàng kim, dân gian còn vẽ năm con năm màu nhất định. Màu vàng trấn nhậm trung khu (đặc khu) là hoàng hổ tướng quân; màu đen trấn nhậm bắc khu (thuỷ khu) là hắc hổ tướng quân: màu trắng trấn nhậm tây khu (kim khu) là bạch hổ tướng quân; màu đỏ trấn nhậm nam khu (hoả khu) là xích hổ tướng quân; màu xanh trấn nhậm đông khu (mộc khu) là Thanh hổ tướng quân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những tranh để thờ.

Còn về tranh trang trí từ đời Hùng vương cho đến thời Lý vẫn chưa thấy hình dáng con cọp trong các tranh trang trí chỉ thấy những con vật thần thoại như rồng, phượng là chủ yếu. Sang thời Trần và tiếp theo những thế kỷ sau mới thấy hình dáng cọp xuất hiện cùng với các con thú khác như ngựa, trâu, hươu, nai, thỏ, dê, sư tử và các loài chim muông.

Điêu khắc đình làng thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 mới thật đẹp và độc đáo. Những lề thói của nghệ thuật phật giáo, những kiêng kị của nghệ thuật cung đình nói chung, trong môi trường mới này đành tiêu tan trước tiếng cười của người dân bình dị, yêu đời đầy sáng tạo. Ta có thể bắt gặp quan niệm nghệ thuật trên trong các bức phù điêu trang trí với đề tài cọp rất sinh động như: Người đánh cọp, mô tả người khua tay, lấy tấn chờ đợi, cọp gầm ghè, nghiêng ngả nhảy chồm. Người nắm đuôi chuột như đùa giỡn con mèo, trêu chọc, co kéo, giơ dao định cắt. Chiến thắng cọp, con người lại cỡi lên lưng những con chúa sơn lâm đã hoàn toàn bị khuất phục ấy: cũng chính là cách biểu tượng con người chinh phục, chiến thắng thiên nhiên.

Trong nền điêu khắc cổ Việt Nam mô típ “hổ vồ mồi”, “hổ trong trăng”, “hổ và đại bàng”... thường được dùng để diễn tả một sức mạnh, một ý chí và khai thác chất thơ trong cái hùng của loài thú sơn lâm. Nhưng ở đây, ngày từ sự khơi tứ, tạo dáng, người nghệ sĩ đã tránh được đường mòn trong nghệ thuật cổ nước ta khi mượn hình tượng hổ. Họ không dùng cái “cương” để hiện sức mạnh, cũng chẳng “vẽ mây để vờn trăng”, mà dùng cái “nhu”, cái “mềm” để biểu hiện chất “hùng”, chất “thép”, khai thác nó ở ngay những hình ảnh bình thường nhất nhưng mang đầy ý vị của trí tuệ đã trải đời.

Chúng ta còn có những mảng chạm người và cọp thật sinh động, phong phú: tranh bắn cọp, chạm gỗ, đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) nửa sau thể kỷ 17; tranh chạm gỗ quần nhau với cọp, đình Tây Đằng (Hà Tây) thể kỷ 16; tranh cỡi cọp đâm cọp, chạm gỗ, dình Trung Thương (Ninh Bình) thể kỷ 17; tranh đều voi đánh cọp, chạm gỗ, đình Chảy (Hà Nam Ninh) cuối thế kỷ 17... Hay tranh chạm gỗ chùa Đậu mô tả cảnh người cỡi cọp. ở đây “dũng sĩ” cỡi cọp như cỡi ngựa, vai lại khoác túi trầu khác nào cỡi cọp đi chơi. cọp chồm lên như ngựa lấy đà phi, bất chấp những ngọn lửa hình lưỡi mác củamột đầu rồng to hơn người và cọp nhiều. Thế chồn của cọp dáng tự tin của người cỡi, các ngọn lửa xoắn quanh thành chuỗi, tất cả phả vào mãng chạm một sức độngmãnh liệt mà không gò bó, hào hùng mà vẫn phơi phới gió xuân.

Đề tài cọp còn thấy trong nghệ thuật gốm xưa Việt Nam và nhất là trong tranh dân gian, nếu gạt bỏ cái vỏ tôn giáo đi sẽ trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao như các tranh ngũ hổ, bạch hổ hay hắc hổ... do sự phối hợp đường nét, hình khối và màu sắc tài tình của nghệ sĩ đã tạo nên những bức tranh hổ tuyệt diệu, đầy sức sống mãnh liệt, biểu hiện trên nét mặt, chòm râu, ánh mắt sáng dội của cọp. Nhất là thế ngồi của cọp, với thân hình vạm vỡ, chắc khoẻ ngồi nghiêg tren thế chống thẳng tuyệt đối vững chắc của hai chân trước, càng làm tăng thêm sức mạnh của cọp.

Xuân Hiển

http://img63.imageshack.us/img63/1940/10001762.jpg
(Tranh Ngũ Hổ / Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam)

http://img63.imageshack.us/img63/738...4593577211.jpg
(Ngũ Hổ: chạm gỗ thế kỷ XVIII / Sưu tập cá nhân của Bùi Hoài Mai)

ke vo danh 20-02-2010 01:56

Hình tượng hổ trong văn hoá Việt Nam, nếu trở ngược lại thời trước, có thể không phổ thông bằng hình tượng rồng (hoặc lân, quy, phụng...). Phải nói là rất hiếm, hoặc có...duyên cơ thì mới bắt gặp được.

Điều đó đã xẩy đến, khi trong những cuộc khai quật ngoài khơi vùng biển Hội An (Cù lao Chàm), nhiều nhà khảo cổ đã ngạc nhiên thú vị, khi bắt gặp những hình vẽ hổ trên nhiều bình, dĩa bằng sứ. Nhưng món này đã được sản xuất tại Chu Đậu. Mấy trăm năm về trước (cuối thế kỷ thứ XV, thời Lê sơ), tầu chở chúng đang trên đường đi buôn bán thì bị đắm chìm tại đây.

Dưới đây là một số mẫu gốm đó, có hình của hổ rất đặc trưng trên gốm Việt Nam:


ke vo danh 20-02-2010 02:06

Đầu thế kỷ trước, số hổ tại Việt Nam có thể có được là 8000 con. Sau đó, vì bị săn bắn ráo riết, phá rừng...cho tới nay thì số hô sống sót đã trở nên cực hiếm. Mặc dù được kiểm soát và ngăn cấm cung như nghiêm phạt, nhưng hành vi phạm pháp này vẫn bị lén lút thực hiện. Đi một vòng trên các trang báo trong xứ, lâu lâu người ta lại biết được tin cơ quan công lực, đã khám phá nhiều đối tượng đang thực hiện công việc xẻ thịt ông Ba Mươi một cách không thương tiếc! Việc này, không những làm số lượng hổ tại Việt Nam đang đi dần vào con đường tuyệt chủng, mà còn kéo theo những hổ khác từ những quốc gia lân cận.

Khi còn là thuộc địa, Pháp đã từng sang Việt Nam để tổ chức săn bắn: voi, bò tót và dĩ nhiên không thể thiếu hổ lẫn cọp. Chưa có kiểm chứng rõ ràng về số lượng những con thú này bị sát hại trong giai đoạn đó, nhưng qua những sách báo và phim ảnh để lại, số lượng thú quý bị tàn sát thời gian đó không phải là ít. Lớp thợ săn Pháp bắn, lớp người bản xứ truy lùng để chỉ với mục đích lấy da, dồn trấu, nấu cao...Số phận của những con hổ này đúng là chỉ mành treo chuông.

Một số hình ảnh dưới đây cho thấy số phận của hổ tại Việt Nam khi đó đã đau thương như thế nào. Mà chưa xong, vì số phận của chúng hiện nay càng không sáng sủa gì cho lắm.

http://img130.imageshack.us/img130/6770/110tigre.jpg
(Khi dân mang hổ bị săn về báo quan, người đó sẽ được thưởng 30 quan vì coi như công giết được thú dữ. Nhưng ngay sau đó, sẽ bị quất 30 roi vào mông, vì tội dám thịt chúa sơn lâm! Danh từ Ông Ba Mươi cũng bắt nguồn từ đó)

http://img130.imageshack.us/img130/749/156tigre.jpg
(Bây giờ làm sao mà còn có lại được những chú hổ với kích thước như trên?)

http://img130.imageshack.us/img130/7...ventepeaux.jpg
(Saigon vào năm 1952, Hoa kiều vác rất nhiều da hổ đi...bán tung tăng trên phố!!!)

(* Hình ảnh sưu tầm trên internet)


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 04:06.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.