Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Văn hóa (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=706)
-   -   Thú chơi thả diều (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=5915)

zodiac 19-03-2010 16:06

Thú chơi thả diều
 
3 File đính kèm
Có thể nói, các môn giải trí dân gian là một trong những yếu tố mang tính văn hóa truyền thống cao đẹp của mọi dân tộc. Sự tồn tại của nó đã đem lại cho con người những khoảnh khắc thăng hoa, giúp người già như trẻ lại, người lao động trở nên yêu đời hơn sau những giờ làm việc căng thẳng, và góp phần quan trọng trong việc giúp cho trẻ em có những giây phút thư giãn. Hôm nay mình muốn giới thiệu với các bạn đôi chút về nguồn gốc của trò chơi thả diều nhé:


hat_de 19-03-2010 16:36

go'p 1 cánh diều nhỏ :) !!!!
 
1 File đính kèm
VN, TQ và rất nhiều nước khác đã có tem diều
Cánh diều ko chỉ có trong tem về diều, mà còn có trong những bộ tem tưởng chừng ko liên quan. Điều ấy càng chứng tỏ giá trị tinh thần của môn chơi này. Cánh diều ko chỉ còn là 1 môn giải trí mà còn là hình tượng cho những ước mơ.

Để triển khai 1 topic có cấu trúc chặt chẽ, minh họa rõ ràng và sinh động chắc sẽ cần thời gian tập trung "nguyên liệu", cụ thể là các món tem, món bì. Đơn cử VN ta có bộ 3 tem về diều, rồi 1 cánh diều trong bộ cây tre...và hình tượng rất nhiều trong các bộ tem khác.

Xin được góp vui bằng 1 mẫu tem có cánh diều tuy nhỏ nhưng giàu ý nghĩa

File Đính Kèm 87534

Còn bây giờ xin nhường lời cho bà con tiếp tục :D

ke vo danh 20-03-2010 22:58

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi hat_de (Post 98079)
Đơn cử VN ta có bộ 3 tem về diều, rồi 1 cánh diều trong bộ cây tre...và hình tượng rất nhiều trong các bộ tem khác.

b-( Chờ cả mấy ngày nay, vẫn chưa thấy bộ 3 diều của hatde. Phải tự tìm lấy vậy! :>


ke vo danh 20-03-2010 23:21

Còn dưới đây là hình vẽ lại từ một số diều đã từng...tung hoành trên vùng trời Bắc bộ từ thế kỷ thứ 19. Do ông Tây Huchet đã có lúc đi lang thang tại Việt Nam đã vẽ lại, và từng được in giới thiệu trên sách báo tại Pháp vào năm 1888.


Nhưng cái làm ông ngạc nhiên và thấy thích thú nhất là đã bất chợt được nghe những tiếng sáo diều vi vu trong một buổi chiều tà tại miền quê Bắc. Ông kể tại ngoài thành Hà Nội, nhiều khi có hàng trăm loại diều này được thả lên cao, tiếng sáo phát ra từ những chiếc diều ấy khiến ông khó quên. Ông viết rằng, thả diều sáo này cũng là một hình thức tín ngưỡng, như để xua đuổi di những điều xui xẻo không may. Nhiều nhà còn buộc diều trên mái, để chúng tự bay trong gió thổi sáo vu vơ.


(Không biết có sự tín ngưỡng này thật không nhỉ, hay ông Huchot ấy...đoán mò :> ? Nhà nào cột diều trên ngói, chắc tại hôm đó chủ diều mỏi tay, cột tạm vào đó rồi vào võng đánh đu, nghe tiếng sáo diều rồi ru hồn vào mộng chứ gì?! :D :D :D )

Đêm Đông 21-03-2010 00:17

5 File đính kèm
Diều sáo – nét văn hoá dân gian đặc sắc


File Đính Kèm 87667 File Đính Kèm 87668


Khi những công việc đồng áng đã tạm xong xuôi, khi ngọn gió nồm nam lồng lộng thổi qua triền đê, mon men vào các xóm làng, người ta lại thấy đám thanh niên lục tục kéo nhau đi thả diều. Không quá đơn giản như diều Nam Bộ vốn chỉ là một thú vui giải trí của trẻ em, không cầu kì, bắt mắt và đa dạng như diều Huế - mang đậm dấu ấn cung đình, diều sáo của Bắc Bộ là sự kết hợp rất tinh tế giữa hình dạng đơn sơ của cánh diều và tiếng sáo vi vút trên không trung.







Men theo con đường triền đê sông Hồng, chúng tôi tìm về với làng Bá Dương Nội (Đan Phượng, Hà Nội) nơi được cho là khởi nguồn của cánh diều sáo, nơi những truyền thuyết bắt đầu …Tương truyền tại đền Đức Thánh Cả của làng, cánh diều sáo truyền thống đã có hơn ngàn năm tuổi. Chuyện rằng xưa kia, khi trời - đất giao hoà, con người và thần tiên luôn quấn quýt bên nhau không muốn rời xa. Bỗng một ngày thảm hoạ ập đến, thế gian tăm tối, trời và đất bị chia cắt. Bầu trời thì cứ cao dần lên, tách xa khỏi mặt đất. Thần tiên và con người không làm cách nào gặp được nhau gây nên bao nỗi niềm thương nhớ. Vậy là cánh diều đã ra đời, nối sợi dây tình cảm giữa bầu trời và mặt đất, mang theo tiếng sáo du dương bày tỏ tấm lòng của người dưới hạ giới với người cõi trên.

Diều sáo đúng như tên gọi của mình, gồm 2 phần chính: diều và sáo, được làm nên bởi những nguyên liệu thân thuộc, sẵn có ở hầu hết các làng quê. Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm (hiện đang là Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Diều Việt Nam): “Ngày xưa, các cụ làm diều sáo hầu hết đều bằng tre. Từ thân diều đến sáo diều, lồng cuộn dây và chính dây diều cũng làm bằng tre”.
Để có một con diều tốt, một bộ sáo hay cũng mất nhiều công phu và sự tận tâm. Ống sáo diều được chọn lựa kĩ càng từ những cây tre già, loại tre đanh, chắc, gặp nắng mưa không bị nứt nẻ, khi làm sáo mới có tiếng vang, có bề sâu và có hồn.







Ống sáo được chia làm hai phần bởi vách ngăn ở giữa bằng gỗ. Hai phần càng đều nhau thì tiếng kêu của sáo mới càng cộng hưởng, càng vang xa. Mặt sáo được đẽo gọt bằng các loại gỗ nhẹ, mềm như gỗ vàng tâm, gỗ mít, gỗ dổi bởi nó có độ bền cao. Mặt sáo quyết định âm thanh to nhỏ, đổ hồi mau thưa của sáo. Miệng sáo phải được khoét thật cân, lệch một chút là đã có thể làm méo tiếng sáo. Phần khung diều được làm từ hai nan tre, uốn thành hình cánh cung để đón gió. Mới nghe qua cũng đủ để thấy được sự cẩn trọng và chi tiết trong việc làm diều.

Làm được một bộ sáo hay hoàn toàn không phải việc đơn giản và vội vàng. Có những người cả đời chơi diều, làm diều nhưng cũng không có nổi cho mình bộ sáo tốt. Có lẽ bởi vậy nên người ta rất quý và trân trọng những bộ sáo lên bổng xuống trầm, cất được hồn của người làm diều sáo. Chẳng may khi diều đứt, có thế nào cũng phải tìm mang bằng được bộ sáo về nhà.









Sáo diều ngày nay không còn xuất hiện nhiều tại các làng quê như trước kia, chỉ còn lại tại làng Bá Dương Nội hay một số làng tại Đông Anh (Hà Nội), Hải Dương, Hải Phòng, … Trẻ em cũng ít khi được nhìn thấy diều sáo, lắng nghe và cảm nhận những âm thanh trầm bổng của nó. Thay vào đó, chúng dần làm quen với các loại diều xanh đỏ, sặc sỡ và bắt mắt của Trung Quốc, Nhật Bản hay một số các nước Đông Nam Á khác.

(Theo vovnews.vn)

Đêm Đông 21-03-2010 00:22

7 File đính kèm
Một số hình ảnh về con diều và thú chơi thả diều trên tem Bưu chính các nước


zodiac 21-03-2010 15:32

17 File đính kèm
Thú thả diều có nguồn gốc từ nghệ thuật làm mo vào thời cổ đại của người Trung Quốc. Nghe nói, chiếc diều đầu tiên xuất hiện là vào thời kỳ Xuân Thu (cách đây khoảng hơn 2000 năm) do người thợ có tên Lỗ Ban dùng gỗ chế tạo thành, thời đó cũng đã có sự xuất hiện của diều được làm bằng trúc và đến thời nhà Hán thì có sự xuất hiện của Diều được làm bằng giấy, được gọi là “纸鸢” tức “chỉ diên” (diều hình chim diều hâu), nhưng không được phổ biến rộng rãi cho lắm, do nghành giấy lúc này mới bắt đầu hình thành.



Vào thời cổ đại, cứ mỗi dịp tết Thanh Minh đến, sau khi đã làm lễ cúng bái tổ tiên, người dân Trung Quốc đều có phong tục thả diều. Người xưa cho rằng, thả diều có thể xua đuổi tà khí và những điều rủi ro, xúi quẩy. Họ ghi hết tên những loại bệnh dịch nguy hiểm lên trên thân diều, sau khi đã thả cho diều bay thật cao sẽ dùng kéo cắt đứt dây. Họ muốn nhờ gió đưa diều đến chân trời góc biển và đem theo những loại bệnh dịch này cách xa con người, tránh cho con cháu của họ thoát khỏi bệnh tật…Không những vậy diều còn được các nhà sư dùng với ý nghĩa cầu sự yên bình tốt lành, do đó mỗi lần diều rơi các nhà sư đều làm lễ cúng bái để xua đuổi tà khí và cầu an. Hay diều còn được coi là vật dâng hiến các đấng thần linh của vua và các quần thần trong những đêm trăng sáng….




Cùng với sự phát triển của thời đại, ý nghĩa của việc thả diều cũng dần dần thay đổi. Trong lịch sử, diều đã từng được dùng trong quân sự, hay để đưa tin tức…, có rất nhiều sử sách tư liệu đều nhắc đến việc khi quân của Hạng Vũ bị quân của Lưu Bang bao vây,tướng quân Hàn Tín (thời nhà Hán) đã dùng diều được làm bằng da trâu để thả lên trời, dựa vào độ dài của dây diều để ước tính khoảng cách đến Vị Ương Cung (nơi đang bắt giữ quân của Hạng Vũ)…



Đến giai đoạn giữa của nhà Đường (nền kinh tế lúc này phát triển phồn vinh ổn định), từ chức năng dùng trong quân sự diều đã được dùng trong việc giải trí, tiêu khiển…. Đồng thời cùng với sự phát triển của nghành giấy, nguyên liệu chế tạo diều từ gỗ, trúc, da trâu…cũng dần chuyển biến hoàn toàn sang chất liệu giấy. Diều đã dần dần đi sâu vào cuộc sống của người dân, và góp phần làm đa dạng, phong phú cho cuộc sống của họ.


Đến thời nhà Tống, diều được lưu truyền càng ngày càng rộng rãi hơn, trở thành trò chơi phổ thông của trẻ con. Đồng thời do nhu cầu của xã hội về diều càng ngày càng cao, nên việc chế tạo diều đã trở thành một ngành nghề được người dân công nhận.




Đến thời kì Minh Thanh, diều phát triển đến mức tột đỉnh. Từ kích cỡ, hình thức, kỹ thuật chế tạo, cách buộc dây lèo, nghệ thật hình họa, nghệ thuật âm thanh… đều tiến bộ vượt bậc so với các thời đại trước. Thời này đã bắt đầu dùng bản gỗ niên hoa để in các hình họa trên giấy làm thân diều, các nguyên liệu giấy thì rất đa dạng gồm: giấy thiếp, giấy chạm nổi, giấy tiễn…về âm thanh cũng có chuyển biến lớn, ở các thời đại trước chỉ dùng dây lèo mỏng gắn trên đầu diều, nhờ gió thổi sẽ phát ra âm thanh nghe giống tiếng đàn cổ, nhưng đến thời này thì người dân ở khu vực ven biển còn buộc thêm hồ lô…làm thành còi trên thân diều, khi thả diều sẽ phát ra âm thanh rất vui nhộn và to, cách đó vài mét đều có thể nghe thấy. Vào thời Minh Thanh cũng có rất nhiều văn học gia, họa gia đều lấy diều làm đề tài để sáng tác tác phẩm của mình, ví dụ như họa gia Từ Vị (Công nguyên 1521-1593) đã vẽ hơn 30 bức họa chuyên về diều và hiện các tác phẩm của ông vẫn còn được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Trung Quốc.


Tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Tô Giang, Quảng Đông Dương Giang…là những nơi có nhiều xưởng sản xuất diều nổi tiếng của Trung Quốc. Các loại diều được chế tạo rất đa dạng, gồm có các loại hình họa về động vật như: gia cầm, sâu bọ, cá.. trong đó thường gặp nhất là hình chim yến, bướm, chuồn chuồn…cũng có các loại diều về các nhân vật thần thoại như Tôn Ngộ Không, hay các loại diều dạng chuỗi dài như hình con rết, hình rồng…Chế tạo diều, cần phải có nghệ thuật rất tinh xảo, người thả diều cũng cần phải có kỹ xảo riêng, có như vậy mới làm cho diều bay một cách vững trãi và tự do trên trời.


Thả diều hiện nay được coi là một hoạt động thể thao có lợi cho sức khỏe. Người dân Trung Quốc không chỉ coi thả diều là một hoạt động thể thao giải trí, mà còn dùng diều để treo trên tường, coi như một nghệ thuật trang trí và để thưởng thức. Hiên nay, diều của Trung Quốc đã được vận chuyển đến Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, Âu Mỹ…và nhận được sự chào đón,ưa thích của rất nhiều người dân trên thế giới. Mấy năm gần đây, tại Sơn Đông hàng năm đều tổ chức lễ hội thả diều và có sự tham gia của rất nhiều nước trên thế giới, do đó, có thể coi Trung Quốc là quê hương và xứ sở của diều.


.........còn tiếp :D

Chôm thông tin tại đây :-"

zodiac 21-03-2010 22:40

9 File đính kèm




Nguồn gốc của trò chơi Thả diều với nhiều ý nghĩa sâu xa.

Tục thả diều phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á từ Thái Lan, Campuchia, Lào, Nam Trung Quốc, Việt Nam cho đến các nước Đông – Nam Á hải đảo.

Tài liệu có niên đại 972 ghi lại rằng các vật thờ của người Khmer cổ gồm có chén, đĩa, nhạc cụ, lao và năm chiếu diều. Cũng ở Campuchia, xưa kia, khi có gió mùa Đông Bắc, các nhà sư thường thả một hoặc hai chiếu diều bay lơ lửng trên các chùa. Diều có gắn công cụ phát âm thanh. Việc thả diều có ý nghĩa cầu sự bình yên tốt lành, hễ có chiếu diều bị rơi là nhà chùa phải làm lễ xua đuổi tà ma cầu an.

Diều còn là một phong tục của Vua Chúa. Vào những đêm trăng sáng, Vua và Quần thần thả diều coi như là những vật dâng các đấng Thần linh. Họ quan niệm tục thả diều là cúng chiếc răng của Phật được cất giữ ở Vương quốc của rắn Thần Naga.


Ở Thái Lan, đôi khi người ta gắn vào diều một ngọn đèn tượng trưng cho ngôi sao và cũng có người đã ghép vào diều một mẩu vàng để giữ cho dây diều khỏi đứt và kéo nó về nếu bị rơi xa. Vì vậy, vào dịp Triều đình thả diều, nhà Vua phải ở ngoài trời suốt hai tháng và các quan phải theo dõi cẩn thận để cùng Vua giữ cho diều khỏi đứt dây. Cũng ở Thái Lan, họ có tục đấu diều. Nhà Vua trực tiếp tham gia cuộc đấu này. Người ta chia làm hai phe, diều đực gọi là Kula, diều cái gọi là Pắckao. Kula có nhiệm vụ làm đứt dây Pắckao. Pắckao có hình dáng nhỏ và thon theo hình thoi, có đính những dải dài để quấn quanh dây của Kula nhằm bảo vệ mình, hạn chế sức công phá của Kula.


Diều giấy là biểu trưng của loài chim ăn thịt. Chim diều là loại bay lên trời, đối lập với loại dưới nước. Diều ở nơi cao ráo, đối lập với nơi ẩm thấp. Diều được coi là sứ giả đem lại sự khô ráo. Tục thả diều chủ yếu được thực hiện sau mùa mưa, cầu mong tạnh ráo, cầu gió mát trăng thanh. Lúc bấy giờ nhà Nông cần khô ráo để thu hái, phơi phóng. Chùm diều mà hiện thân nhân tạo của nó là diều giấy được đặt trong sự đối lập Chim-Cá, Trời-Nước, Khô-Ẩm là những đặc điểm trọng hệ thống đặc điểm của nền văn minh các tộc người Đông Nam Á.



...........................còn tiếp :D



zodiac 23-03-2010 14:10

11 File đính kèm
Ở Việt Nam, hình ảnh những chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo thả diều như một biểu tượng của sự thanh bình rất quen thuộc trong tranh dân gian Việt Nam. Từ những cánh diều rất đơn giản, qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, diều được sáng tạo theo hình tượng và sự tích trong văn hóa dân tộc truyền thống như chim Lạc trên Trống đồng, hình Rồng, Phượng, chim Công... hay sự tích Đại Bàng cứu Công chúa, chú Cuội lên cung Trăng.




Theo ông Nguyễn Văn Bê, chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều Huế thì diều Việt Nam có nguồn gốc đầu tiên tại Huế. Thời xưa, diều được mô phỏng theo hiện tượng gió thổi tung bay giấy vàng mã trên các miếu mạo. Trẻ con thấy vậy bèn dùng dây buộc các mảnh giấy lại để thả theo những cơn gió. Tuy nhiên do không có bộ khung nên diều không thể cất cao được. Sau đó các thương nhân người Minh Hương mang theo cả diều sang Việt Nam để chơi trong những chuyến làm ăn dài ngày. Từ những cánh diều Trung Quốc, các nghệ nhân nước ta đã nghiên cứu sáng tạo nên những chiếc diều mang đặc trưng riêng của Việt Nam.



Hiện nay, nhiều địa phương ở nước ta tổ chức các cuộc thi thả diều, triển lãm diều, thu hút đông người tham dự. Đặc biệt, một số liên hoan thả diều Quốc tế gần đây đã có sự có mặt của diều Việt Nam.

............còn tiếp

zodiac 25-03-2010 13:04

7 File đính kèm
Qua nhiều lần tham dự các cuộc thi diều trong nước cũng như Quốc tế, chúng ta nhận thấy diều Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với một số diều của các nước. Nhìn chung, diều của các nước Âu Mỹ có kích thước lớn, làm bằng vật liệu tổng hợp đắt tiền, lắp ghép bằng những hình khối vuông, tròn, hình trụ, tam giác, lục giác và phải dùng loại dây lèo to. Khi thả diều lên tới độ cao nhất định thì họ neo diều vào xe tải, mặc sức cho diều đùa giỡn với nắng gió. Chỉ những khu vực rộng, khi thời tiết thuận, tức là có gió lớn mới đủ sức nâng những chiếc diều ấy. Diều của Nước ngoài thường chú ý đến mặt động lực học và tính ước lệ tượng trưng nên nó không có tên gọi cho từng con diều cụ thể. Còn diều của Việt Nam, những sản phẩm từ tre, gỗ, giấy, vải, qua bàn tay thủ công của những người chơi diều dân dã, đã luôn cuốn hút người thưởng ngoạn, được ví như “nghệ thuật múa rối trên không”. Về phần trang trí, trình bày thì công phu cầu kỳ, thường gắn liền với các con vật quen thuộc như Long, Ly, Quy, Phượng… Diều ở nước ta thường dùng dây lèo nhỏ, mềm mại, thả diều bằng tay và điều khiển theo ý muốn. Dây neo diều hóa thành sợi dây nối hiện thực với ước mơ, nối trái đất bình yên với bầu trời rộng mở.


Ở mỗi vùng đất nước ta, người chơi diều luôn tìm tòi sáng tạo nhiều kiểu diều khác nhau. Đặc biệt, vùng Huế nổi tiếng với những loại diều tinh xảo, cầu kỳ, muôn màu, muôn vẻ hình thù khác nhau. Các nghệ nhân chơi diều đất Thần kinh có kỹ thuật chế tác và điều khiển diều rất điêu luyện. Diều Huế - Việt Nam đã từng xuất hiện bên cạnh các “cường quốc” diều thế giới và gây ngạc nhiên cho các nhà chơi diều chuyên nghiệp ở những lần Liên hoan Diều Quốc tế trước đây tại Cộng hòa Pháp, Italia.


Trẻ con thường tự làm những cánh diều đơn giản. Chỉ cần lấy giấy học trò, viền gấp lại, buộc dây quai và thắt dây lèo vào giữa quai, đuôi diều dán vào thân diều, vậy là đã có chiếc diều bay cao dù không quá ngọn tre nhưng cũng đủ dậy lên niềm vui sướng.


Vào mùa hạ, khi gió mùa Tây Nam thổi ngập tràn nông thôn miền Bắc cũng là lúc không gian đầy ắp tiếng sáo diều vi vu, nhất là trong kỳ nghỉ hè của học sinh hay lúc nông nhàn. Những cánh diều ấy thường mộc mạc, thô sơ, ít sắc màu nhưng hầu như chiếc nào cũng gắn sáo, diều lớn có thể gắn tới bốn, năm sáo. Sáo lớn tiếng kêu trầm, vang; sáo nhỏ thanh, cao, réo rắt. Chúng hòa quyện nhau, tạo nên bản hòa tấu vui nhộn, thanh bình. Cánh diều thường hình trăng lưỡi liềm, khung diều làm bằng cật tre bánh tẻ, chuốt tròn và ráp nối với nhau. Giữ khung diều là một “xương sống” bằng tre cứng to bản, nhô dài ra hai bên khung. Sáo được xâu lại bằng một thanh tre đặt chéo góc ước 30o với xương sống diều. Sáo thường làm bằng ống nứa, chia làm hai khoang, đầu gắn nắp hình vòm xẻ rãnh để gió lùa vào tạo nên âm thanh. Diều được phất bằng giấy bản, đối khi bằng vỏ bao xi măng, tuy nặng nhưng bền. Giấy phất được bồi thành nhiều lớp bằng nhựa trái cây, pha dẻo kẹo. Diều sáo trông đơn giản nhưng phải khéo tay mới làm được. Chiều cong của cánh diều phải thật cân đối, khung diều phải chắc chắn và nhẹ. Ngày trước chưa có loại dây dù, nylon nên dây neo thường là dây mây, sợi nhỏ được đập dập, xoắn lại rồi thắt nối thành sợi dây dài chừng dăm bảy trăm thước; có khi dây neo làm bằng sợi đay xe lại, nhưng không được bền lắm. Chẳng may dây neo mà đứt, cánh diều theo gió cuốn xa thật xa sang những làng bên, mang theo cả niềm tiếc nuối của người thả diều.

...................còn tiếp


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 16:08.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.