Người sưu tầm kỷ vật chiến tranh
Người sưu tầm kỷ vật chiến tranh
Nguyễn Hồng Cường (TTXVN, Hải Dương 25/7)
“Quá khứ rồi sẽ trở thành lịch sử và chỉ ở trong sách vở, nhưng nếu lưu lại những hiện vật thì lịch sử sẽ sống động hơn trong lòng thế hệ trẻ’’- Ý nghĩ đó đã thôi thúc ông Phạm Chí Thiện ở thị trấn Kẻ sặt (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) vượt qua những khó khăn về kinh tế để sưu tầm các kỷ vật chiến tranh.
Vốn mồ côi cha từ nhỏ, ông Thiện chỉ hình dung được về cha mình - một liệt sĩ tại Điện Biên qua những kỷ vật chiến tranh. Ông nâng niu gìn giữ những vật thiêng liêng đó và bắt đầu công việc sưu tầm những kỷ vật chiến tranh với ước mơ sẽ thành lập một bảo tàng “tại gia”. Ban đầu mọi người rất ngạc nhiên nhưng khi hiểu ý định của ông: Lưu giữ những kỷ vật đó để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, về lòng tự hào dân tộc, về truyền thống đánh giặc giữ nước bất khuất của cha ông, thì ai cũng vui vẻ ủng hộ. Sau hơn 30 năm đi khắp các vùng từ Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên... cho đến tận Nghệ An, Huế, thành phố Hồ Chí Minh… để sưu tầm những kỷ vật chiến tranh. Cứ nghe tin ai có kỷ vật là ông Thiện lại tìm đến, gần thì đi xe đạp, xa đi xe khách liên tỉnh, tàu hỏa. Nay trong ngôi nhà nhỏ với diện tích chưa đầy 50m2 của ông, vốn dĩ đã chật chội bởi cả thư viện sách (hơn 20.000 đầu sách), giờ đây lại càng "căng cứng" thêm với 1.000 kỷ vật về hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Để minh chứng về những thành quả của mình, ông Thiện lấy trong các tủ kính, giá gỗ ra những hiện vật, xếp đầy lên bàn. Chúng bao gồm: Ba lô, áo trấn thủ, áo rằn ri trinh sát, dép cao su, mũ chống đạn, giày, vải dù, cờ đỏ sao vàng, thắt lưng, võng bạt; bi đông, bát sắt, ca uống nước, rađiô, hòm thông tin, bút máy, máy phát điện quay tay, la bàn, những cánh tem thư... và cả các đồ dùng tự chế từ những mảnh của xác máy bay giặc Mỹ. Cầm từng hiện vật, ông nói: "Mỗi kỷ vật này đều ẩn chứa một câu chuyện”. Đó là chuyện về chủ nhân của nó. Có người đã ngã xuống. Có người giờ đang âm thầm sống ở một làng quê hẻo lánh. Rồi cả chuyện người đã mang chúng từ chiến trường về... Mỗi khi sưu tầm được một kỷ vật, ông đều ghi lại tỉ mỉ những mốc thời gian quan trọng, tên người lính từng gắn bó với nó, đơn vị từng chiến đấu hay tên người trao kỷ vật. Khi về nhà, ông tổng hợp lại những chi tiết đó để phân loại từng kỷ vật theo từng chủng loại, thời gian hoặc các chiến trường có liên quan tới hiện vật.
Đang kể cho chúng tôi nghe về những thành quả sưu tầm được, bất chợt ông lôi trong tủ kính ra chiếc máy phát điện quay tay. Ông kể, chiếc máy phát điện quay tay đã phục vụ phẫu thuật cho hàng trăm thương binh ở mặt trận Tây Nguyên năm 1968 - 1969, của Bác sĩ Vũ Tiến Chữ ở Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Phải sau ba lần gặp gỡ, thuyết phục bác sĩ Chữ mới trao tặng. Hay như cái ba lô đã bạc, thủng lỗ chỗ do vết đạn bắn là kỷ vật của liệt sĩ Bùi Văn Lung (tỉnh Hưng Yên), hy sinh tại chiến trường Quảng Trị vào năm 1969. Khi hi sinh, trong ba lô của liệt sĩ Lung có một chiếc áo trấn thủ, một khăn quàng cổ bằng vải dù, một đôi giày. Biết tấm lòng của ông Thiện, gia đình liệt sĩ Lung đã họp bàn và quyết định tặng lại ông...
Trong khi nhiều người cất công sưu tầm những món cổ vật gốm sứ có giá trị từ hàng triệu đến hàng trăm triệu đồng thì ông lại sưu tầm những kỷ vật của một thời máu lửa. Đó là những kỷ vật bán không ai mua, không thể chuyển được thành tiền. Khi chúng tôi hỏi về điều này, ông Thiện điềm nhiên bảo: Tôi sưu tầm không phải vì tiền, cũng không phải để làm cuộc chơi. Chúng rất dễ có nguy cơ bị thất lạc, bởi thời gian, để riêng lẻ thì không có nhiều giá trị. Tập hợp chúng lại mới có ý nghĩa sâu sắc hơn, tôi muốn góp một phần nhỏ cho các thế hệ trẻ sau này biết được về hai cuộc chiến của dân tộc như thế nào thông qua những hiện vật này như một cách để tưởng nhớ những người đã hy sinh và cống hiến cho độc lập dân tộc.
Ông Phạm Chí Thiện ước mong trong tương lai, khi có điều kiện sẽ xây một ngôi nhà nho nhỏ để trưng bày tất cả các hiện vật thời chiến mà ông sưu tầm được./.
|