Xem riêng 01 Bài
  #2  
Cũ 27-03-2010, 09:31
vnmission's Avatar
vnmission vnmission vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 05-04-2008
Bài Viết : 1,370
Cảm ơn: 2,251
Đã được cảm ơn 11,380 lần trong 1,353 Bài
Mặc định

Vài nét về Lễ hội cổ truyền 5 làng Mọc

Chuẩn bị cho các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các di sản văn hoá trong đó có lễ hội truyền thống luôn được quan tâm chú trọng bởi nó "là một sản phẩm và biểu hiện của một nền văn hoá" (Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng); cách khác lễ hội không chỉ đơn thuần phản ánh sinh hoạt văn hoá cộng đồng mà còn bao hàm trong nó biết bao nội dung phong phú khác; lễ hội truyền thống luôn bảo lưu được nhiều những giá trị, là tài sản vô giá về văn hoá truyền thống của dân tộc và Lễ hội 5 làng Mọc hiện nay cũng là sự tiếp nối cho dòng chảy lịch sử đó.

Kẻ Mọc là tên gọi một khu dân cư xuất hiện lâu đời bên bờ nam sông Tô Lịch, nằm ở phía Tây Nam của thành Đại La xưa, sau là Thăng Long - Hà Nội. Cả vùng Kẻ Mọc có tên chữ là Mộc Cự sau được đổi là Nhân Mục; đường qua Nhân Mục thời xưa được gọi là đường Lai Kinh (Thượng đạo - đường xuyên Việt của người xưa). Từ thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII đã tiến hành chia xã và phần đất có đường Lai Kinh thì gọi là Nhân Mục Môn, thuộc huyện Thanh Trì gồm các thôn Lý, Quan Nhân, Cự Lộc, Hoa Kinh, Phùng Quang còn phần đất phía Đông đường Lai Kinh thì gọi là Nhân Mục Cựu có 02 thôn lớn là Hạ Đình và Thượng Đình. Phần phía Bắc là Nhân Mục chưa thuận nhập nên tạm tách, sau gọi là Hòa Mục. Ngày nay Nhân Mục Cựu đã là phố phường đông đúc có khu Công nghiệp Cao - Xà - Lá nổi tiếng của Hà Nội; còn Nhân Mục môn từ lâu đã đổi thành xã Nhân Chính và từ ngày 01/01/1997 là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Hội Mọc có từ lâu đời, là hội của 5 làng: Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc (quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (huyện Từ liêm); cứ 05 năm mở hội một lần. Mỗi một hội Mọc lại do một làng đứng ra đăng cai tổ chức. Ngoài 5 làng thay nhau đăng cai làm chủ hội, còn có 3 làng khác cũng được mời tham gia đó là làng Hòa Mục (kết chạ với Giáp Nhất), làng Phụng Công ở Văn Giang, Hưng Yên (Giao hảo với Cự Chính) và làng Quan Nhân 2, Thanh Văn, Thanh Oai (kết nghĩa anh em với Quan Nhân Nhân Chính). Một thời gian dài có tới hơn nửa thế kỷ, do điều kiện và hoàn cảnh lịch sử mà sinh hoạt văn hoá truyền thống này gần như vắng lặng trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây; Lễ hội 5 làng Mọc được khôi phục lại năm 1992 (Làng đăng cai năm đó là Giáp Nhất) sau hơn nửa thế kỷ tưởng như mai một, là lễ hội còn lưu giữ được những phong tục, lễ nghi hội hè của nhân dân lao động vùng ven đô, cũng là địa danh ghi lại nhiều dấu tích lịch sử và chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm , mà nhân dân nơi đây đã góp phần cùng tổ tiên dựng nước và giữ nước.

Lễ hội 5 làng Mọc với tâm thức hướng về cội nguồn, được tổ chức trên tinh thần cộng đồng với việc ứng xử giao tiếp giữa các làng, ý thức về phát triển tài năng văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao... những ý thức này thể hiện rõ nét qua những trò diễn trong lễ hội.

Nghi thức tín ngưỡng của Lễ hội 5 làng Mọc chính là lễ Rước. Ngày khai hội các làng rước Thánh lễ tại đình làng mình rồi rước tới đình làng đăng cai lễ hội năm đó.

Đám rước cờ tàn quạt vả hai hàng, chiêng, trống, lộ bộ... đi theo. Ngựa hồng, ngựa bạch con trước con sau; Ông voi cũng được kéo đi. Cỗ kiệu rước có Đức Thánh ngự ở trên đội mũ dát vàng, trên mũ có hoa văn biểu tượng rồng chầu mặt trời, thân mặc áo bào, cánh tay áo rộng thêu rồng phượng, lưng thắt đai chân đi hia trông rất uy linh.

Cách sắp xếp đội hình cũng có qui định trước sau rõ ràng mà chủ hội là người phải kiểm tra trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Đặc sắc nhất phải kể đến tiết mục "Kiệu bay" với lối múa tạt ngang, tạt dọc, thoắt tới thoắt lui chạy ào ào như bão tố, quay vòng như cơn lốc hết sức thú vị, hết thảy mọi người đứng xem chật lối chật đường cũng phải dạt ra khi kiệu bay tới.

Name:  05.jpg
Views: 3396
Size:  99.9 KB

Khi rước tới đình làng chủ hội mới là nghi thức tế chủ yếu của lễ hội 5 làng Mọc. Chủ tế và đội tế đều được lựa chọn kỹ càng, khắt khe. Chúc văn được đọc tại buổi tế là bài viết kể năm tháng, địa danh, tên, công đức các vị Thánh và cũng nêu mong muốn của khắp dân làng là được Thánh Thần ban phúc lành cho dân, cầu cho mưa gió thuận hoà...Khi tế xong tất cả vào làm lễ rồi rút vào nghỉ ngơi ăn uống, tới chiều thì lại rước Thánh làng nào về làng ấy.

Trong tâm thức của người dân thì lễ hội 5 làng Mọc được tổ chức nhằm mục đích để Thánh của 5 làng được gặp gỡ hàn huyên với nhau, theo truyền thuyết và các Thần phả, Sắc phong còn lại tại các di tích cho biết các vị Thánh của 5 làng đều là những anh hùng dân tộc, có công đánh duổi giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi nên khi dân làng tổ chức lễ hội cũng là dịp để tưởng nhớ công ơn các vị tiền bối.

Sau nghi thức tế lễ thì các trò vui xuân truyền thống của dân cư vùng đồng bằng lại đông vui tấp nập hơn bao giờ hết: Nào trò chơi đu, đấu vật, chọi gà, đánh cờ người trên sân ao đình(Quan Nhân)... có năm còn đón cả đoàn hát quan họ, hát ca trù hay hát chèo về diễn cho bà con xem; các trò hiện đại cũng được tổ chức tại khu vực đình đăng cai như trò biểu diễn xiếc, ảo thuật, chiếu phim...

Cho đến nay lễ hội 5 làng Mọc vẫn giữ được nề nếp gần như xưa, duy chỉ có phần hội hè đình đám là không kéo dài như xưa (có khi tới cả tháng) mà thực hiện theo đúng qui chế về tổ chức lễ hội do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành. Năm 2000 nhân Lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ hội 5 làng Mọc cũng được tổ chức, và tại năm đó các làng đã thống nhất với nhau là lấy năm 2000 làm mốc để tính cho các kỳ Đại hội của những năm kế tiếp. "Kẻ Mọc" nay đã hoà nhịp theo xu thế chung về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô song vẫn giứ trong mình nét đẹp riêng có của Vùng đất cổ ven đô giầu truyền thống lịch sử văn hoá - cách mạng và tinh thần hiếu học. Câu ca xưa đã ăn sâu vào tiềm thức:

Làng Mọc mở hội tháng Hai
Rước hôm 11,12 rõ ràng
Nhất vui mở hội 5 làng
Để cho thiên hạ phố phường vào xem
Tàn vàng quạt vả sánh bầy
Đuôi nheo phất phới cờ bay hằng hà
Nào là Hương án, Long đình
Phường Bồng, phường trống rập rình theo sau...

và luôn nhắc nhớ có một lễ hội như thế đã từng tồn tại và mãi vẫn tồn tại cùng lịch sử vùng đất này.

Thiết thực chuẩn bị các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quận Thanh Xuân đã hết sức quan tâm đến công tác xã hội hoá trong công tác đầu tư tu bổ cho các công trình tôn giáo tín ngưỡng, thực hiện công tác giám định cổ vật, chỉ đạo việc đề xuất thành phố gắn biển di tích cách mạng kháng chiến...

Việc tìm hiểu lễ hội làng truyền thống vùng Kẻ Mọc xưa, nay thuộc đất Thanh Xuân càng giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá dân gian Thủ đô, xa hơn là văn hoá dân tộc; giúp chúng ta có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nó trong xã hội đương đại.

Phạm Minh Phương


http://www.thanhxuan.gov.vn/city_inf...erid=0&id=3585

Bài được vnmission sửa đổi lần cuối vào ngày 27-03-2010, lúc 10:12
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
7 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vnmission vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (27-03-2010), ♥ Voi Cúc Phương ♥ (28-03-2010), hat_de (27-03-2010), hienthuong (27-03-2010), manh thuong (27-03-2010), minhduc (27-03-2010), Poetry (27-03-2010)