Xem riêng 01 Bài
  #5  
Cũ 27-03-2010, 12:10
vnmission's Avatar
vnmission vnmission vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 05-04-2008
Bài Viết : 1,370
Cảm ơn: 2,251
Đã được cảm ơn 11,380 lần trong 1,353 Bài
Mặc định

"Truyền ảnh trực tiếp" mà! Nhưng làng (nay là phường) Hòa Mục ở đây cơ:

Name:  panorama.JPG
Views: 1848
Size:  101.7 KB

Name:  02.JPG
Views: 1885
Size:  60.5 KB

Làng Hòa Mục


(Theo Hà Nội Mới ) (HNMĐT) - Làng Hòa Mục nay đã trở thành phố phường thuộc phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, song vốn là làng Kẻ Đáy - một làng thuộc vùng Mọc cũ, tên chữ là Nhân Mục.

Theo thần tích và lưu truyền dân gian thì làng được hình thành từ thời Hùng Vương.Vào năm 40 sau Công nguyên, làng từng là nơi diễn ra các trận đánh của các tướng Hai Bà Trưng với quân Mã Viện. Có hai nữ tướng của Hai Bà hy sinh tại đây, được dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Hai Cô ả. Hiện trong miếu vẫn còn bia có niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) ghi việc trùng tu miếu. Trước đây, vào dịp hội, làng rước kiệu ra đây đưa bài vị về đình để tế lễ rồi lại rước trả về.

Làng Hòa Mục còn thờ A Đại nương, tên thật là Phạm Thị Uyển cùng hai em là Phạm Miện và Phạm Huy. Ba chị em là con bà Phùng Thị Thảo - chị ruột của Phùng Hưng người Đường Lâm (Sơn Tây). Năm 721, Phùng Hưng phất cờ khởi nghĩa, ba chị em theo cậu ruột kéo quân về vây và giải phóng thành Đại La. Sau đó, hai ông Phạm Miện, Phạm Huy về làng Kẻ Đáy du ngoạn, thấy kiểu đất đẹp bên bờ sông Tô Lịch bèn dựng hành cung, mua ruộng đất cho làng làm ruộng công để cùng cày cấy. Được ít ngày, hai ông cùng mất (vào ngày mồng 2 tháng Chạp), dân làng lập đền thờ, về sau dựng đình (hiện đình vẫn còn, trùng tu vào năm Duy Tân thứ chín, 1915). Còn bà Phạm Thị Uyển chỉ huy thuỷ quân đánh nhau với quân nhà Đường. Thế giặc mạnh, Bà phải gieo mình xuống sông Tô Lịch tự vẫn, xác trôi về khúc sông Tô thuộc địa phận làng Kẻ Đáy. Dân làng vớt lên chôn và lập ngôi miếu thờ bên bờ sông, sau cùng thờ tại đình với hai người em của Bà. Hiện miếu và mộ Bà vẫn còn, gọi là Điện Dục Anh. Ngôi miếu do ông Nguyễn Văn Nhã - người làng, làm Tuần phủ Bắc Giang bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1944.

Vào năm Bính Dần niên hiệu Đoan Khánh (1506), làng này có người con gái có sắc đẹp được tuyển vào cung, làm Hoàng hậu của Vua Uy Mục. Về sau, theo lưu truyền dân gian, vào năm 1509, Tương Dực nổi dậy giết Uy Mục, bà Tùng phải chạy về làng Hồng Mai (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) tự vẫn; quân lính về triệt hạ làng Nhân Mục Môn. Dân làng phải chạy đi khắp nơi, trong đó có dòng họ Nguyễn Viết chạy lên làng Đoài Môn (hay Cửa Tây thành Thăng Long, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). Sau đó, chỉ có một bộ phận dân trở về làng, nên làng Kẻ Đáy được gọi là Nhân Mục Tàn, hay Tàn Xứ, rồi đổi thành Hòa Mục. Đây là một làng nhỏ, năm 1926 chỉ có 203 nhân khẩu, nhưng vẫn đứng thành một xã độc lập thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Năm 1942 thuộc Đại lý Đặc biệt Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám, vẫn là xã độc lập. Năm 1949, làng nhập với hai làng Trung Kính Thượng và Trung Kính Hạ thành xã Trung Kính thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội. Năm 1955 xã Trung Kính đổi thành xã Trung Hòa thuộc quận V, năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Đến năm 1997 xã Trung Kính trở thành phường thuộc quận Cầu Giấy.

Hòa Mục là một làng nhỏ, cả về dân số và diện tích. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng chỉ có hơn 40 mẫu ruộng, trong đó, có 10 mẫu ruộng công (ruộng đình, chùa, ruộng lính ...). Do bình quân ruộng đất thấp nên dân làng phải đi mò cua bắt ốc để có thêm nguồn thu nhập. Vào khoảng năm 1930, dân làng học được nghề dệt áo sợi nên làm ăn khá phát đạt, một số nhà đã xây được nhà ngói và góp gạch lát đường làng.

Ngoài đình, miếu, làng Hòa Mục còn có ngôi chùa Linh Thông tự, thường gọi là chùa Thông. Vào cuối năm 1946, trước khi cuộc Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chùa là nơi làm việc của một số bộ trong Chính phủ.

Ngày nay, Hòa Mục cùng với hai làng Trung Kính Thượng và Hạ đã trở thành phố phường với nhiều khu nhà cao tầng mọc lên - khu đô thị Trung Hoà.

TS. Bùi Xuân Đính


Ngôi làng nghìn năm tuổi giữa thủ đô

Đại Đoàn kết, 14/03/2010

Ngôi làng ghi sử

Cụ bà Đào Nhuận Tỳ, 94 tuổi, một trong những người cao niên nhất của làng cho biết, bao đời nay dân làng Hòa Mục vẫn thờ Ả Đại nương, tên thật là Phạm Thị Uyển cùng hai người em trai là Phạm Miện và Phạm Huy. Ba chị em là con bà Phùng Thị Thảo - chị ruột của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Khi Phùng Hưng phất cờ khởi nghĩa, ba chị em theo cậu ruột kéo quân về vây và giải phóng thành Đại La. Chính nơi này về sau đã chứng kiến sự hi sinh bất khuất của người cháu gái Phùng Hưng, lúc đó đã trở thành vợ của Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) - hoàng hậu Phạm Thị Uyển trong cuộc chiến với giặc Đường ven sông Tô Lịch. Với hơn chục thế kỷ tồn tại, Hòa Mục không những chứng kiến bao thăng trầm biến cố của lịch sử dựng nước và giữ nước, mà còn là cuốn sử sống ghi lại những trận chiến chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Theo thần tích và lưu truyền dân gian, vào năm 40 sau Công nguyên, Hòa Mục từng là nơi diễn ra các trận đánh của các tướng Hai Bà Trưng với quân Mã Viện. Có hai nữ tướng của Hai Bà Trưng hy sinh tại đây, được dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Hai Cô Ả. Hiện trong miếu vẫn còn bia có niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) ghi việc trùng tu miếu.

Sử làng Hòa Mục còn ghi lại rằng những năm đánh giặc Minh, có lần thua trận đang đêm vượt sông Tô Lịch, Lê Lợi nghỉ chân qua đêm tại ngôi miếu cạnh bờ sông Tô. Trong cơn mộng, Lê Lợi được một nữ nhân hiện lên báo: “Ta là Hoàng hậu nước Nam, năm xưa đánh giặc phương Bắc tử trận trên sông được người dân thờ ở miếu này. Nay ta sẽ âm phù cho ngài đánh thắng giặc giành lại non sông về cho người nước Nam”.

Name:  07.JPG
Views: 1882
Size:  120.0 KB

Khi Lê Lợi đánh tan quân Minh, lên ngôi vua, ông đã cho xây lại miếu thành đền, ban đạo sắc phong thần cho bà Phạm Thị Uyển. Cuối thế kỷ XVIII, người anh hùng áo vải Quang Trung khi tiến quân từ Đàng Trong ra cũng chọn mảnh đất này để chọc thủng hàng phòng thủ của địch, làm nên cuộc chiến oanh liệt đại phá 20 vạn quân Thanh.

Chứng tích nghìn năm tuổi

Ngược thời gian hàng nghìn năm về trước, Hòa Mục có tên là Kẻ Đáy thuộc vùng Mọc (cũ), có tên chữ là Nhân Mục. Theo các nhà nghiên cứu, địa danh các làng xã cổ xưa quanh thành Thăng Long đều có từ “Kẻ”. Có thể kể ra như Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì), Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ... Như vậy, trong ý nghĩa của ngôn từ Việt cổ, có thể hiểu từ “Kẻ” ở đây chỉ một cụm dân cư sống trên một địa bàn cụ thể. Ví như Kẻ Mọc là người ở làng Mọc; Kẻ Cót để chỉ người sống ở làng Cót, Kẻ Mơ để chỉ người làng Mơ... Khi các triều đại phong kiến Trung Hoa sang xâm lược, để tiện lợi cho việc ghi chép vào giấy tờ, sách vở (theo chữ Hán), mỗi làng lại phải đặt một tên chữ (âm Hán - Việt). Khác với tên Nôm chỉ có một từ (không kể từ Kẻ đứng trước), tên chữ thường có ít nhất là hai từ. Như vậy, những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc, nhất thiết phải có hai tên, một tên Nôm (kèm Kẻ) và một tên chữ. Những làng ra đời trong thời kỳ phong kiến thường chỉ có tên chữ, không có tên nôm và không có từ “Kẻ”. Đó là tiêu chí để ta phân biệt những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc và những làng mới được thành lập sau này. Như vậy, trong hệ thống địa danh các làng cổ Việt Nam, những làng có từ “Kẻ” là những làng xuất hiện sớm nhất. Có thể coi đó là những địa bàn định cư, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời Hùng Vương dựng nước. Căn cứ vào những tài liệu lịch sử này, có thể khẳng định làng Nhân Mục có tuổi đời đến nghìn năm tuổi. Một chứng tích sống là dù trải qua thời gian, chiến tranh, những biến động của thời cuộc, ngôi làng cổ này vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn những thiết chế văn hoá cổ xưa với quần thể 7 di tích các loại như đình, đền, chùa, miếu... Trong đó đa số các di tích này đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia như đình ngoài, đình trong và đền thờ Dục Anh... Một điều độc đáo là hiện tại làng Hòa Mục vẫn còn lưu giữ được những nhà thờ họ nổi tiếng và một số ngôi nhà cổ trên dưới 200 năm tuổi.

Name:  08.jpg
Views: 1781
Size:  87.3 KB
Liền anh, liền chị Bắc Ninh góp vui

Biết thêm về Hòa Mục, người ta biết thêm về thủ đô ngàn năm văn hiến. Giữa trung tâm Hà Nội, lại có một ngôi làng cổ đến vậy. Còn hơn nửa tháng nữa, vào tháng 2 âm lịch, lễ hội làng Hòa Mục sẽ được diễn ra với các nghi lễ truyền thống như rước kiệu, tế lễ... Không những vậy, du khách còn được “mục sở thị” các trò chơi dân gian như: múa lân rồng, ném còn, leo cột mỡ, đánh đu, bắt vịt... ngay giữa đất thủ đô.

Ông Lai Đức Thụ trưởng ban tổ chức lễ hội làng cho biết, lễ hội làng là dịp để cư dân trong làng bày tỏ lòng thành kính với những bậc tiền nhân đã khai sinh ra làng, cũng là dịp tốt để gắn kết các cư dân trong làng xã đang dần bị chia tách bởi cơn lốc đô thị hoá. Đây cũng là môi trường tốt giáo dục cho thế hệ trẻ trong làng hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử để từ đó yêu và gìn giữ những nét đẹp văn hoá của quê hương.

Trung Hiếu
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
8 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vnmission vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (27-03-2010), ♥ Voi Cúc Phương ♥ (28-03-2010), hat_de (27-03-2010), I_love_HoaMuc (08-04-2011), manh thuong (27-03-2010), minhduc (27-03-2010), Poetry (27-03-2010), Tien (27-03-2010)