Xem riêng 01 Bài
  #3  
Cũ 02-04-2013, 18:24
vnmission's Avatar
vnmission vnmission vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 05-04-2008
Bài Viết : 1,370
Cảm ơn: 2,251
Đã được cảm ơn 11,379 lần trong 1,353 Bài
Mặc định

Bác Rồng nắm quá chắc từng người và tình hình sưu tập tem VN. Tôi đọc bài viết của bác và thấy quá may mắn bài của mình chưa bị bác chê!

Bài viết về bì thư dán tem Đông Dương in đè, tôi viết vội nên không tránh khỏi nhiều lỗi, may đã được BBT chỉnh sửa một lần, vậy mà ngay sau đó đã lại muốn sửa thêm. Nhân dịp này, xin phép BBT đưa lại đây để các bác "ném đá".

Một bì thư nhỏ rộng mở khung trời
Tập san Viet Stamp #5, 12/2012

Với người sưu tập tem, bì thư nào cũng có nhiều ý nghĩa. Nhân dịp VS tròn 5 tuổi, xin giới thiệu với các bạn một bì thư khá đặc biệt.

Bì thư dán tem Đông Dương in đè thời kỳ 1945 – 1946 tương đối hiếm so với các loại bì thư Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này. Các bì thư ghi nhận được phần lớn đều được gửi trong nội thành Hà Nội. Vì vậy, tôi rất chú ý khi thấy một bì thư thực gửi từ Ninh Bình đi Hà Nội.

Name:  206461_150799478401096_540360529_n.jpg
Views: 659
Size:  70.3 KB

Đây là một bì thư cỡ nhỏ, gửi thường, không có tên và địa chỉ người gửi. Có thể khi đó, chính quyền mới thành lập ở các địa phương chưa có quy định bắt buộc phải có thông tin này. Cũng có thể người gửi cố tình bỏ qua chi tiết vì một lý do đặc biệt nào đó?

Người nhận là Ông Khuất Duy Tiến, Thị chính Hà Nội. Ông Khuất Duy Tiến (1909 – 1984) khi đó là Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội.

Dấu hủy tem và dấu treo “NINH-BINH / TONKIN 1030 29-8 46” là dấu từ thời Pháp thuộc được Chính quyền tiếp tục sử dụng. Ninh Bình khi đó là một thị xã, cách Hà Nội chỉ khoảng 100 ki-lô-mét. Đáng chú ý là dấu đến “HANOI CHANH THAU CUC / BAC BO 1135 31-8 46.”

Theo thống kê của Jacques Desrousseaux, trong suốt các thời kỳ thực dân Pháp tạm chiếm Hà Nội, tính từ tháng 8-1876 đến tháng 10-1954 có tổng cộng 84 loại nhật ấn “HANOI” khác nhau. Do đó việc thời gian 1945-46, Chính quyền mới sử dụng nhiều loại nhật ấn cũng là điều bình thường. Riêng dấu HANOI CHANH THAU CUC (Hà Nội chánh thâu cục, có nghĩa là bưu cục chính của Hà Nội, tương ứng với dấu “HANOI R.P. / TONKIN” thời Pháp) đã ghi nhận có ít nhất có 5 loại khác nhau:

1. “HANOI CHANH THAU CUC / BAC BO”. Dấu hủy này được ghi nhận xuất hiện sớm nhất ngày 23-4-1946, muộn nhất ngày 10-10-1946 trên các bì thực gửi. Con dấu này cũng được sử dụng để hủy tem theo yêu cầu (CTO) trong khoảng thời gian 6 tháng trên. Cũng cần lưu ý, dấu hủy “HANOI R.P. / TONKIN” vẫn thấy được sử dụng trong thời gian khoảng 2 tháng, từ 29-1 đến 25-3-1946, trước ngày xuất hiện nhật ấn Chánh thâu cục. Vì vậy, ta có thể nhận định dấu “HANOI CHANH THAU CUC / BAC BO” được bắt đầu sử dụng để thay thế cho dấu “HANOI R.P. / TONKIN” từ khoảng tháng 4-1946.

Dấu “HANOI CHANH-THAU-CUC / BAC-BO”, có gạch nối giữa các từ ghép, cũng thấy xuất hiện khá nhiều trên các mạng mua bán toàn cầu với nhật ấn tháng 12-1946, ngay trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Tôi đã thấy một số bì thư với nhật ấn này cùng với biểu tượng hay con dấu “Hội giúp binh sĩ bị nạn”, nhưng hầu như chắc chắn cả con dấu và các loại khẩu hiệu, biểu tượng in trên bì thư đều là giả.

2. “HANOI CHANH-THAU-CUC / BUU-TIN”, có thể tương đương với dấu “HANOI ENTREPOT P.T.T.” hoặc “ENTREPOT DES DEPECHES DE HANOI” thời Pháp. Đây là loại dấu thấy xuất hiện nhiều nhất, suốt từ 4-12-1945 đến 12-12-1946. Tất cả các bì thư với nhật ấn này đều là bì thư sưu tập, hoàn toàn không thấy bì thực gửi. Khá nhiều bì thư giả xuất hiện trên thị trường, với chữ “A” trong “THAU” bị mất nét chân bên phải.

3. “HANOI CHANH THAU CUC / GHI SE 11” (hoặc 12, 13…). Trước đó, Hà Nội đã có dấu “HANOI R.P. / GUICHET…” kèm theo một con số. Thực tế chỉ thấy một vài bì sưu tập, không có bì thực gửi, nhật ấn 18-12-1945 (GHISE 11) hay 23-1-1946 (GHISE 12), v.v…

4. “HANOI CHANH THAU CUC / KIEM DUYET”. Dấu này rất lạ, chỉ thấy xuất hiện trong bộ sưu tập của ông Jack Dykhouse, nhật ấn 8-12-1945.

5. “HANOI CHANH THAU CUC / NGAN PHIEU”, chỉ thấy nhật ấn 17-12-1945, có thể tương đương với dấu “HANOI R.P. / ARTICLES D'ARGENT” thời Pháp.

Như vậy, cho đến cuối tháng 3-1946 có nhiều loại nhật ấn được sử dụng tại Hà Nội, kể cả trên một số bì thư thực gửi. Từ tháng 4-1946 đến ngày Toàn quốc Kháng chiến 19-12-1946, tất cả các bì thực gửi, dán tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ đầu (tem Đông Dương in đè), đều sử dụng dấu hủy và dấu đến “HANOI CHANH THAU CUC / BAC BO”, trong khi các bì sưu tập đều sử dụng nhật ấn “HANOI CHANH-THAU-CUC / BUU-TIN”.

Hy vọng sẽ có ngày chúng ta có đầy đủ thông tin gốc để xác minh các nhận xét có thể gây tranh cãi nêu trên. Một bì thư nhỏ nhưng là “hòn đá to, hòn đá nặng”.
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
15 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vnmission vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
BoZoo (03-04-2013), chie (10-04-2013), dammanh (02-04-2013), Dat_stamp (02-04-2013), exploration (08-04-2013), manh thuong (03-04-2013), MeTemViet (03-04-2013), Ng.H.Thanh (03-04-2013), Poetry (02-04-2013), stamp-history (02-04-2013), temhp88 (02-04-2013), temsong (03-04-2013), The smaller dragon (02-04-2013), tranhungdn (03-04-2013), VAPUTIN (25-06-2013)