Xem riêng 01 Bài
  #1  
Cũ 11-05-2013, 08:47
BoZoo BoZoo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 14-03-2013
Đến từ: London, United Kingdom
Bài Viết : 322
Cảm ơn: 2,098
Đã được cảm ơn 2,611 lần trong 323 Bài
Mặc định Vài suy nghĩ về một khung tem triển lãm

Trong chúng ta chắc hẳn không ít các bạn sưu tầm tem ít nhiều đã từng nghĩ đến việc xây dựng một khung tem tham gia triển lãm. Việc tham khảo những tài liệu hướng dẫn xây dựng bộ sưu tập tem triển lãm là điều vô cùng quan trọng và chúng ta có thể tìm thấy từ những bài viết quý báu của bác Đàm Trung Thiện, của anh Đào Đức Long và của một số tác giả khác. Trong bài này tôi xin đóng góp một vài suy nghĩ.



Trình bày tem là một nghệ thuật. Cũng giống như các môn nghệ thuật khác như văn học, hội họa, âm nhạc… việc trình bày tác phẩm tem sưu tập của mình cũng giống như viết một câu truyện, vẽ một bức họa, hay sáng tác một bản nhạc. Tuy các lĩnh vực khác nhau đều có nét đặc thù khác nhau nhưng về căn bản các lĩnh vực này đều có đặc điểm chung mà chúng ta không thể phủ nhận. Đó là tính chặt chẽ, logic về cấu trúc; tính hướng đối tượng và tính nghệ thuật.


Cấu trúc chặt chẽ, logic

Trong một câu chuyện, nếu người viết không đảm bảo có đầy đủ phần mở đầu, phần cốt truyện và phần kết thì độc giả sẽ khó có thể hiểu rõ về mối liên hệ giữa các nhân vật với nhau và với các tình tiết xảy ra theo trình tự thời gian; và điều đương nhiên là sẽ không gây sự hứng thú cho độc giả. Việc trình bày một khung tem triển lãm cũng sẽ gánh chịu một hậu quả như thế nếu chúng ta sắp xếp lộn xộn, hay chưa có sự hợp lý, logic về cấu trúc. Vậy chúng ta cần làm gì để tối ưu hóa về mặt cấu trúc khung tem triển lãm?

Để lấy ví dụ, chúng ta giả thiết là sẽ xây dựng một khung tem triển lãm chuyên đề hội họa.

Từ hàng ngàn năm nay, con người đã có bao nhiêu tác phẩm hội họa trải qua các thời kỳ và đặc biệt là các tác phẩm này đã được phân loại theo các trường phái hội họa khác nhau: phục hưng, ấn tượng, lập thể, siêu thực,… hay tĩnh vật, tả thực,…

Quả nhiên sự phân loại đó phần nào đã giúp chúng ta có được những hòn đá tảng làm nền móng. Tuy nhiên, mỗi hòn đá tảng này lại có cỡ kích thước khác nhau; hay nói đúng hơn là làm sao sắp xếp những bộ tem họa thời Phục hưng vào cùng với những bộ họa tĩnh vật được, dù rằng có thể cả hai bộ tem này cùng của một quốc gia phát hành. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta cần phải có những hòn đá tảng làm nền hợp lý hơn bằng cách loại bớt những thể loại, những bộ tem mà chúng ta thấy có thể loại được, ví dụ tập trung vào ba thể loại chính: ấn tượng, lập thể, siêu thực. Điều đó có vẻ logic, vì xét thấy đó là những giai đoạn phát triển hội họa kế tiếp nhau trong lĩnh vực nghệ thuật và không gây cho người xem một cảm giác nghịch mắt.

Khi đã lựa chọn được những viên đá tảng làm nền rồi thì ta bắt đầu nghĩ đến việc ta bắt đầu từ đâu hay là xây dựng phần mở đầu như thế nào. Câu trả lời chính là một phần của bản thiết kế trong ý đồ của chúng ta. Thông thường, chúng ta có thể mở đầu bằng cách thiết lập một khung cảnh về không gian và thời gian để người xem cảm nhận được và tạo điều kiện để từ khung cảnh đó chúng ta sẽ đi sâu khai thác, và để mở để chúng ta có thể mở rộng. Có như vậy người xem sẽ có ấn tượng do những tác động cả về không gian và thời gian. Thông thường những bộ tem thuộc phần mở đầu nên là những bộ tem của những họa sĩ dẫn đầu trường phái hội họa. Điều đương nhiên là sự giới thiệu như vậy đã mang cả tính thời gian và không gian và không gây sốc cho người xem, bởi vì ai cũng hiểu về những người họa sĩ đó và những bộ tem mà họa sĩ đó sáng tác. Tuy nhiên cũng còn có những cách giới thiệu khác, ví dụ những bức họa của một nhân tài mới nổi danh, đang gây cho thế giới hội họa những xôn xao về tài năng, về tư tưởng, về sự truyền đạt nghệ thuật,…

Khi đã có bối cảnh không gian và thời gian rồi thì chúng ta bước vào phần nội dung chính của khung tem. Đây là phần cực kỳ quan trọng và chính là thông điệp của chúng ta đến với người xem. Lại một lần nữa, chúng ta sẽ sử dụng những hòn đá tảng mà chúng ta đã chọn để xây dựng. Như đã nêu ở trên, ấn tượng, lập thể, siêu thực sẽ là ba khối căn bản trong phần nội dung chính. Nếu nhìn về mặt cấu trúc, chúng ta có thể xây dựng theo lối ba tuyến song song và cùng dẫn tới mục tiêu; nhưng cũng không ai ngăn cản chúng ta trong việc xây dựng thành ba lớp, có nghĩa là trình tự theo thời gian của những bộ tem theo trường phái ấn tượng, lập thể và siêu thực. Dù bằng cách nào đi nữa, thì chúng ta cũng cần sự chặt chẽ và logic. Trong một khung tem, chúng ta không có nhiều không gian để đưa hết tất cả những gì ta có; mặt khác nếu có làm được như vậy thì cũng có nghĩa là chúng ta chẳng nêu lên được điều gì. Vì thế, sự chọn lọc tinh tế và tính cấu trúc là hết sức quan trọng.

Phần kết của khung tem cũng giống với phần kết của một câu chuyện. Thông thường nó cũng khá ngắn gọn và tương đối dễ; bởi vì tất cả đã đều được tính toán cân nhắc ở hai phần trên. Tuy nhiên, nếu một phần kết mà mang tính gây sự chú ý cho người xem bằng sự ngạc nhiên, khâm phục hay tạo cho người xem phải suy nghĩ thì đó chính là ‘cá đã cắn câu’ rồi đó và ấn tượng sẽ khắc sâu trong tâm thức người xem.


(Còn tiếp)
__________________
BoZoo

Bài được BoZoo sửa đổi lần cuối vào ngày 12-05-2013, lúc 08:03
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
16 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn BoZoo vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
asahi (11-05-2013), dammanh (11-05-2013), Dat_stamp (11-05-2013), exploration (13-05-2013), hat_de (11-05-2013), manh thuong (11-05-2013), nam_hoa1 (13-05-2013), Poetry (11-05-2013), quaden@_cute (11-05-2013), stamp-history (11-05-2013), The smaller dragon (12-05-2013), ThinhVuongVu (13-05-2013), Tien (11-05-2013), tiny (13-05-2013), tranhungdn (12-05-2013), XuanAnh (13-05-2013)