Xem riêng 01 Bài
  #3  
Cũ 31-05-2011, 17:57
Poetry's Avatar
Poetry Poetry vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Chủ nhiệm, Trưởng Ban Biên tập - CLB VIET STAMP
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Bài Viết : 7,875
Cảm ơn: 35,663
Đã được cảm ơn 54,830 lần trong 7,659 Bài
Mặc định

Con tem mà anh vnmission giới thiệu ở trên là tem cá nhân do Bưu chính Áo sản xuất để kỷ niệm cuộc triển lãm hoành tráng và đầy ấn tượng về lịch sử và văn hóa Việt Nam mang tên “Vietnam: Götter - Helden - Ahnen” (Việt Nam: Thần linh - Anh hùng - Tổ tiên) diễn ra từ ngày 02-04 đến ngày 01-11-2004 tại thành phố Leoben cổ kính của nước Áo. Có thể con tem này được Ban Tổ chức Triển lãm đặt in làm quà tặng lưu niệm. Hình ảnh trên tem cũng chính là pano của Triển lãm.


Triển lãm “Việt Nam: Thần linh - Anh hùng - Tổ tiên” tại Áo

Sau cuộc triển lãm “Vietnam, art et cultures de la préhistoire à nos jours” (Việt Nam: Nghệ thuật và văn hóa từ thời tiền sử đến ngày nay) diễn ra tại thủ đô Brussels của Vương quốc Bỉ (từ 17-10-2003 đến 29-02-2004), đây là lần thứ hai công chúng châu Âu có dịp khám phá lịch sử, văn hiến và con người Việt Nam, thông qua một cuộc triển lãm được chuẩn bị công phu, huy động nhiều cổ vật giá trị nhất từ 13 bảo tàng của Việt Nam và 8 bảo tàng của 5 nước châu Âu.

Ý tưởng tổ chức một cuộc triển lãm về Việt Nam đã được Bảo tàng Dân tộc học Vienna (Museum für Völkerkunde Wien) và Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (Musées Royaux d’Art et d’Histoire) thai nghén từ 10 năm trước bởi một dự án hợp tác nhằm giới thiệu lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam với công chúng châu Âu, nhưng phải đến năm 2000 thì những cuộc tiếp xúc với các đối tác Việt Nam mới thu được những tín hiệu khả quan. Đề cương đầu tiên của cuộc triển lãm do TS. Christian Schiklgruber (Bảo tàng Dân tộc học Vienna) và TS. Miriam Lambercht (Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ) xây dựng có tên Vietnam: Past and Present (Việt Nam: Quá khứ và Hiện tại), dự kiến sẽ mượn hiện vật từ 30 bảo tàng của Việt Nam và từ những bảo tàng châu Âu có các sưu tập cổ vật Việt Nam ở Pháp, Bỉ, Đức, Anh...

Tháng 07-2002, 416 hiện vật của 13 bảo tàng Việt Nam với tổng giá trị bảo hiểm là 5.667.087USD, đã lên đường sang Bỉ tham gia cuộc triển lãm “Việt Nam: Nghệ thuật và văn hóa từ thời tiền sử đến ngày nay” tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ ở Brussels. Sau hơn 5 tháng mở cửa (từ 17-10-2003 đến 29-02-2004), triển lãm đã đón hơn 5 vạn lượt khách đến tham quan và được đánh giá là một trong những sự kiện văn hóa của Brussels trong năm 2003.

Sau thành công ở Bỉ, các hiện vật Việt Nam đã được đưa đến Leoben - một thành phố cổ kính với 1.100 năm tuổi, cách Vienna 250km về phía Tây Nam, cùng với 386 hiện vật khác đến từ 8 bảo tàng nổi tiếng ở Áo, Bỉ, Đức, Pháp và Hà Lan, tham gia vào cuộc triển lãm “Việt Nam: Thần linh - Anh hùng - Tổ tiên”. Triển lãm tổ chức tại Kunsthalle Leoben, Bảo tàng của thành phố Leoben, gồm 13 gian trưng bày chính: Cổ vật thời đại Đông Sơn; Cổ vật thời đại Sa Huỳnh - Chămpa và Óc Eo; Cổ vật thời Bắc thuộc, Mỹ thuật thời Lý - Trần; Mỹ thuật thời Hậu Lê - Lê Trung Hưng - Mạc; Mỹ thuật thời Nguyễn; Gốm sứ mậu dịch của Đại Việt thế kỷ XV - XVII; Kiến trúc đình chùa, phong tục thờ cúng và tín ngưỡng của người Việt; Nghệ thuật múa rối nước; Đời sống và văn hóa các dân tộc: Mường - Hoa - Dao - Tày - Giarai - Banar - Khmer; cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong số các cổ vật của Việt Nam tham gia triển lãm có nhiều cổ vật thuộc hàng “quốc bảo” của Việt Nam như: bộ trống đồng gồm 3 chiếc (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam); ngôi mộ chum (Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Hội An); tượng nam thần bằng sa thạch ở An Mỹ và tượng Bồ tát Tara (đều của Bảo tàng Đà Nẵng có giá bảo hiểm lên đến 1,2 triệu USD/pho tượng); tấm bia chùa Linh Xứng (thế kỷ XII) ca ngợi công lao và đức độ của anh hùng Lý Thường Kiệt; hai tấm cửa chạm hình vũ nữ ở đình Thái Lạc (thế kỷ XIV); các long bào, mãng bào và phượng bào của vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, đức Từ Cung; ngai vàng của vua Duy Tân (đều là hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế). Nhiều hiện vật gốm sứ mậu dịch được khai quật từ con tàu đắm Cù lao Chàm và đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn cũng được trưng bày.

Ở gian trưng hình ảnh và hiện vật về Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những phương tiện và vũ khí thô sơ của nhân dân Việt Nam dùng trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm như: tầm vông, giáo mác, gậy gộc, cung tên, súng bazoka, chiếc xe đạp thồ gạo và hàng hóa lên Điện Biên Phủ, bếp Hoàng Cầm... cùng với những bức thư, những trang nhật ký của những chiến sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, có cả khẩu súng và chiếc điện thoại mà Bác Hồ đã sử dụng trong những năm kháng chiến.

Phần trưng bày dân tộc học có nhiều hiện vật quý phản ánh đời sống, văn hóa, phong tục và tín ngưỡng của các tộc người Việt, Mường, Dao, Tày, Giarai, Banar, Hoa, Khmer... từ xa xưa đến hiện đại. Các chuyên gia trưng bày bảo tàng của Áo đã dựng trong khuôn viên triển lãm một sân khấu rối nước với đầy đủ các tiết mục rối nổi tiếng của Việt Nam và dựng cả một gian nhà với bếp lửa đỏ hồng ở chính giữa nhà và tất cả dụng cụ sinh hoạt, bếp núc của một gia đình người Mường.

Những người thực hiện triển lãm còn mua cả 1 gian hàng kinh doanh đồ sứ mỹ nghệ và tế tự (ở phố Hàng Quạt) và 2 gian hàng bán đồ mã và vật phẩm hiếu hỷ (ở phố Hàng Mã), mang từ Hà Nội về phục dựng nguyên trạng ở ngay trước lối vào Kunsthalle Leoben để thu hút du khách đến thăm.

Ngoài ra, những bảo tàng ở châu Âu cũng mang đến triển lãm những hiện vật quý hiếm, lần đầu ra mắt công chúng như: linga bạc gắn đầu người bằng vàng thế kỷ VIII (của Bảo tàng Guimét ở Pháp); pho tượng Deva bằng sa thạch (của Bảo tàng Zürich ở Thụy Sĩ); mô hình nhà bằng gốm khai quật được ở các mộ Hán ở Việt Nam trước năm 1945; sưu tập binh khí và đồ trang sức thời Đông Sơn (của Bảo tàng Lịch sử và nghệ thuật Hoàng gia Bỉ).

Có thể nói, đây là cuộc triển lãm hoành tráng và quy mô, giới thiệu khá toàn diện về lịch sử dựng nước và giữ nước, về đời sống, văn hóa, phong tục tập quán của con người Việt Nam. Và như lời TS. Christian Schicklgruber phát biểu: “Đây là nơi hội ngộ của Thần linh, Tổ tiên và những vị Anh hùng Việt Nam, cũng là nơi để công chúng châu Âu gặp gỡ những vị ấy”. Thú vị thay!

Theo vietbao
__________________
Họ tên: Hoàng Anh Thi
Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh 736022, Việt Nam.
Điện thoại: (84-8) 38111467
Di động: 0918 636 791
Email: hoang.anhthi@gmail.com / vietstamp.net@gmail.com
Website: www.hoangthethien.net
Số tài khoản Vietcombank: 0071001061473
Đề tài sưu tập: Việt Nam trên tem thế giới, cộng sản, văn hóa phương Đông...
Gửi tin nhắn trên VSF:
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
23 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Poetry vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
*VietStamp*  (16-10-2019), asahi (31-05-2011), Đêm Đông (31-05-2011), Đinh Đức Tâm (28-07-2014), Bảo Khánh (03-06-2011), chie (31-05-2011), dammanh (31-05-2011), exploration (01-06-2011), hat_de (31-05-2011), hongduc2008 (17-08-2014), j0j0 (01-06-2011), manh thuong (28-07-2014), nam_hoa1 (01-06-2011), open (31-05-2011), Pink Kole (01-06-2011), Poetry (11-07-2019), temhp88 (28-07-2014), The smaller dragon (31-05-2011), Tien (31-05-2011), tuananh.tuan (31-05-2011), VAPUTIN (29-07-2014), vnmission (31-05-2011), xihuan (31-05-2011)