Xem riêng 01 Bài
  #5  
Cũ 18-01-2014, 21:29
The smaller dragon's Avatar
The smaller dragon The smaller dragon vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Cố vấn - CLB VIET STAMP
 
Ngày tham gia: 27-04-2008
Bài Viết : 761
Cảm ơn: 3,943
Đã được cảm ơn 7,711 lần trong 763 Bài
Mặc định

Hãy phân biệt phương ngữ hay thổ ngữ với chuẩn ngữ.

Ðịa phương nào cũng có tiếng nói ảnh hưởng bởi phong thổ và nếp sống của địa phương ấy. Thí dụ như hai câu nói sau đây của người Huế, người ở nơi khác hiểu nổi không?!
- Thưa cụ mự, bọ tui vô rú rút mây về đươn trẹt, bọ tui chộ con cọt, rứa mà nỏ biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ tui mờng rứa thê! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui,
- Mệ cứ thộn ló vô lu, còn lưa, tui này lại!


Nghĩa là:
- Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan rá, bố con thấy con cọp, vậy mà chẳng biết sao, con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm, bố con mừng quá! Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút cho vui.
- Bà cứ dồn luá vô khạp, còn dư ra, con mua lại!

(Trích theo Thổ ngữ tiếng Huế của Phan Thịnh, Người Việt Online, Thứ Sáu 21-3-2008)

Nước ta, tuy may mắn là dân ta nói cùng một ngôn ngữ từ Nam chí Bắc, nhưng vẫn có những tiếng nói địa phương này thì địa phương khác không hiểu, như thí dụ rất cụ thể tôi nêu lên ở trên. Vì thế, chúng ta cần một “chuẩn ngữ” làm tiếng nói chung của cả nước. Trong ngôn ngữ của ba miền thì tiếng miền Bắc nói và nhất là viết ít “sai” nhất. Do đó, xã hội thể hiện qua sách vở, báo chí, đơn từ... người Việt viết theo tiếng miền Bắc, và dĩ nhiên nhiều người ở các địa phương khác không thích hay không chịu. Như phản ứng của Va là “Gió đã xoay chiều.” Không phải thế đâu, Va ơi! Bằng chứng là thấy chữ CỌNG HÒA mới có nguời thắc mắc, chứ có ai thắc mắc khi thấy chữ CỘNG HÒA đâu, phải không?! Tôi may mắn là một cá nhân hội tụ được cả ba yếu tố Bắc Trung Nam, chứ không phải thuần là dân Bắc như Va viết đâu: sinh ở Thanh Hóa (Trung), học tiểu học Vân Hồ Hà Nội (Bắc), và trưởng thành ở Sài Gòn (Nam)!

Những người bạn gốc miền Nam nước Việt tại Mỹ của tôi cho đến nay vẫn viết và nói Tân Sơn Nhứt, nhơn dân, quấc gia, thậm chí còn có một bác sĩ tên là Trần Ngươn Phiêu, đâu có sao?! Nhưng khi viết sách thì họ đều muốn nhờ người sửa chính tả hết! Chính vì thế mà trong thời VNCH, sau khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mất, thì xã hội miền Nam gồm sách, báo, tạp chí, và trong học đường... đâu đâu cũng viết CỘNG, không còn CỌNG như thời NÐD nữa.

Về tự điển hay từ điển tiếng Việt, chúng ta cần biết rằng tuy số lượng thì nhiều, nhưng không một từ-điển-gia nào có uy lực lớn lao trong xã hội khả dĩ bắt xã hội phải theo đúng họ. Chúng ta tham khảo tự điển hay từ điển chỉ là để theo số đông. Thế thôi! Xin đừng tận tin vào tự điển hay từ điển. Hãy lấy một vài thí dụ về chữ CỌNg hay CỘNG.

1. Ðại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của (Saigon, nxb Rey, Curiol &Cie, 1895) chỉ có mục từ “CỘNG” mà không có “CỌNG” và giải nghĩa chữ CỘNG là “Cán, cuống, ống, chỗ tay cầm: cộng viết, cộng đu đủ, cộng chổi...”
2. Hán-Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu (nxb Tp HCM tái bản, 1990) chỉ có mục từ "CỘNG" mà không có "CỌNG" và giải nghĩa chữ CỘNG bộ bát là "cùng, chung, và tính gộp cả các món lại làm một."
3. Từ Ðiển Chính Tả Thông Dụng của nhà ngữ học tốt nghiệp tại Liên Sô Nguyễn Kim Thản (Hà Nội, nxb Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1984) lại ghi các chữ “cọng cỏ, cọng rau, cọng rơm,” và “tổng cộng, cộng đồng, cộng hòa, cộng sản, công cộng...”
4. Tầm-Nguyên Tự-Ðiển Việt-Nam của nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ (nxb Tp HCM, 1993) người miền Nam chỉ có mục từ “CỘNG” không có “CỌNG.”
5. Từ Ðiển Phương Ngữ Nam Bộ của Nguyễn văn Ái (?) chủ biên, (nxb Tp HCM, 1994) không có hai từ CỌNG hay CỘNG.
6. Từ Ðiển Tiếng Việt Thông Dụng do Nguyễn Như Ý (?) chủ biên (Tp HCM, nxb Giáo Dục, 1996) giải nghĩa “CỌNG là thân, cành của một số cây cỏ: cọng rau muống, nồi canh lều bều mấy cọng rau,” và “CỘNG là gộp lại, gộp thêm vào để thành tổng số: cộng sổ, cộng các khoản chi phí.”

Với những sự khác nhau có khi mâu thuẫn nhau của các tự điển hay từ điển nêu trên, chúng ta chỉ nên tham khảo sách, hơn là cứ phải nhất nhất theo các tác giả, vì mình cốt hòa với số đông trong xã hội, với mục đích là ai cũng hiểu điều mình nói hay viết!

Bài được The smaller dragon sửa đổi lần cuối vào ngày 19-01-2014, lúc 01:30
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
17 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn The smaller dragon vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (19-01-2014), Đinh Đức Tâm (20-01-2014), dammanh (19-01-2014), Dat_stamp (19-01-2014), exploration (21-01-2014), HanParis (20-01-2014), hijakata (19-01-2014), manh thuong (22-01-2014), meo beo (19-01-2014), MeTemViet (20-01-2014), Ng.H.Thanh (20-01-2014), Nguoitimduong (19-01-2014), Poetry (19-01-2014), stamp-history (19-01-2014), tegiac (21-01-2014), Tien (20-01-2014), VAPUTIN (20-01-2014)