Xem riêng 01 Bài
  #38  
Cũ 08-12-2008, 07:57
The smaller dragon's Avatar
The smaller dragon The smaller dragon vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Cố vấn - CLB VIET STAMP
 
Ngày tham gia: 27-04-2008
Bài Viết : 761
Cảm ơn: 3,943
Đã được cảm ơn 7,711 lần trong 763 Bài
Mặc định Trị giá của phong bì thực gửi

Loạt bài của anh Dammanh rất công phu và độc đáo. Đây chính là một thiên nghiên cứu chuyên đề chưa từng có trong thế giới tem Việt Nam. Với bài viết này, tác giả đã góp một tiếng nói có trọng lượng về trị giá của các phong bì thực gửi qua những nhận định tỉ mỉ, tinh tế, và khoa học.

Anh Dammanh cũng làm giầu cho ngôn ngữ tem chơi qua những từ ngữ mới mẻ mà anh sáng tạo, hiểu theo nghĩa tôi mới biết đến lần đầu, như: tham số, dấu nghiệp vụ, nhị thánh, tam thánh, ngũ long chầu nhật... dù sự sáng tạo đã có lúc làm độc giả bị phân vân thắc mắc. Thí dụ như từ "nhật trình" có nghĩa là "báo hàng ngày" thì được tác giả sử dụng thay cho từ đã quá quen thuộc "nhật ấn," tức là dấu ghi ngày mà Bưu Điện đóng trên các phong bì thực gửi. Hay thí dụ như từ "XUNHASABA" theo tôi biết là chữ viết tắt chỉ cơ quan "XUất NHẬp SÁch BÁo" ở Hà Nội, đã biến thành "SUNHAXABA" trong bài với nghĩa "Công ty xuất bản sách thiết kế và phát hành!" Chưa kể tên thành phố Genève (tiếng Pháp) hay Geneva (tiếng Anh) của Thụy Sĩ được viết tùy tiện.

Trở về nội dung bài viết, người đọc phải cám ơn anh Dammanh về nhiều chi tiết cụ thể và hữu ích trong bài, nhất là những chi tiết về bảng giá bưu cước tại VNDCCH (1947-75), các loại dấu bưu chính VNDCCH (1954-57), hay những tem nhãn Hàng Không của Bưu Điện VNDCCH.

Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ một vài ý niệm về phong bì thực gửi với tác giả và các thành viên khác trong CLB và Diễn Đàn VS.

Trước khi chiếc phong bì thực gửi đến tay người sưu tầm chúng ta, nó đã được chuyền qua nhiều sở hữu chủ trước đó. Sở hữu chủ thứ nhất là người gửi. Sở hữu chủ thứ hai là Bưu Điện. Sở hữu chủ thứ ba là người nhận. Và cuối cùng, sở hữu chủ thứ tư mới là người sưu tầm chúng ta, trừ trường hợp chúng ta kiêm nhiệm vai trò người gửi hay người nhận, cùng chưa kể còn người thứ năm làm trung gian giữa người nhận và người sưu tầm, tức là giới buôn bán tem.

Xin mở một dấu ngoặc ở đây để giải thích tại sao sở hữu chủ thứ hai là cơ quan Bưu Điện. Một khi chúng ta dán tem vào phong bì, rồi bỏ vào thùng thư thì từ lúc ấy, cái phong bì của chúng ta là tài sản của Bưu Điện, vì Bưu Điện đã thu tiền cước phí và có trách nhiệm chuyển phong bì ấy đến người nhận!

Ba sở hữu chủ đầu tiên đều có thể góp phần làm tăng giá trị của chiếc phong bì thực gửi. Người gửi có thể dán tem đặc biệt để biến phong bì không còn bình thường nữa. Bưu Điện có thể dùng những dấu nghiệp vụ tùy theo tình trạng như thiếu tem, không người nhận, đã di chuyển... Người nhận có thể ghi chú trên phong bì để chuyển người khác, ghi ngày nhận thư, đánh dấu thứ tự...

Riêng người sưu tầm -sở hữu chủ cuối cùng- là không được thêm bớt gì vào chiếc phong bì thực gửi. Họ thêm hay bớt, tẩy hay xóa... đều phạm vào những việc làm gian dối, sẽ bị mang tiếng không trung thực. Trong thực tế, nhiều phong bì thực gửi đã bị thêm bớt mà thủ phạm thường là giới buôn bán tem với mục đích lợi nhuận trước mắt!

Cuối cùng, nếu cần góp ý với anh Dammanh, tôi trình bầy một hai điều sau đây.

Anh Dammanh đã thực hiện được một công trình nghiên cứu nghiêm túc nhờ vào những vật phẩm bưu chính trong bộ sưu tập của anh. Chính điều này -có tài liệu trong tay- là thế mạnh của tác giả, mà đồng thời cũng là thế... yếu nữa! Một khi số lượng của tài liệu bị giới hạn thì người nghiên cứu khó có thể đưa đến những kết luận có tính cách tổng quát và thuyết phục cao được. Đến như sự xác định của tác giả, "tăng 5% nếu có dấu tốt," hay "tăng 5-10% nếu có nhãn nghiệp vụ" thì thật bất ngờ. "Tăng giá trị" thì đúng, nhưng tăng với tỷ lệ nào thì đó là đề tài bàn thảo của hai bên kẻ mua người bán, chứ không thể ai khác! Thứ nữa, trong một bài viết về phong bì Việt Nam, tác giả đã sử dụng nhiều phong bì các nước khác khiến nội dung bị loãng, và độc giả không còn chú tâm vào chuyên đề nữa.

Cứ nghĩ đến có người cùng sở thích với mình đã bỏ công phu và thời giờ để hệ thống hóa một chuyên đề để mình ngồi nhà thụ hưởng là tôi lại thấy trong lòng dâng lên một niềm vui. Rồi được ngắm nhìn những phong bì thực gửi quí hiếm trong thập niên 1950 và 1960 ở miền Bắc nước ta, tôi càng thấy ý nghĩa lịch sử của những chiếc phong bì nhỏ bé và mỏng manh. Cám ơn tác giả Dammanh. The smaller dragon.

Bài được Poetry sửa đổi lần cuối vào ngày 23-08-2009, lúc 18:13
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
14 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn The smaller dragon vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (10-12-2008), Đinh Đức Tâm (08-12-2008), dammanh (08-12-2008), Dat_stamp (08-05-2012), hat_de (08-12-2008), huuhuetran (08-12-2008), huybh (08-12-2008), manh thuong (09-12-2008), Red-Cross (08-12-2008), thanhtruc (18-04-2011), Tien (08-12-2008), tien039 (02-06-2012), vnmission (21-12-2008), xihuan (08-12-2008)