Xem riêng 01 Bài
  #3  
Cũ 09-05-2013, 19:19
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Lightbulb

Địa Danh Đồng Nai
Có Tên Gọi Là Động - Thực Vật

Mỗi vùng, mỗi tỉnh thành của đất nước ta đều có hệ thống địa danh riêng. Xét từ góc độ ngôn ngữ, những địa danh ấy được tạo nên từ nhiều phương thức khác nhau.

Trước thế kỷ 17, Đồng Nai là một vùng đất hoang vu, nhiều rừng rậm. Dần dần, người Việt đến đây khai hoang, mở đất. Để tồn tại, họ đã phải tập làm quen, thích nghi với môi trường sống của vùng đất mới, tìm cách chống chọi với thiên nhiên, với khí hậu và cả thú dữ. Chính vì vậy, có khá nhiều địa danh chỉ địa hình ở Đồng Nai mang tên các con vật hoặc cây cỏ do con người "coi mặt đặt tên" cũng là điều dễ hiểu. Chẳng hạn về thực vật thì có hoa mai, hoa bằng lăng, hoa giấy, cây xoài, cây quýt...; hay những con vật như cọp, ngựa, cá sấu, dê, heo... Đây được xem là một phương thức giữ vai trò chủ đạo để tạo ra phần lớn địa danh ở tỉnh Đồng Nai: phương thức tự tạo.



Đồng Nai


Mùa xuân, trăm hoa đua nở, vạn vật sinh sôi. Hòa trong không khí của dịp Tết Canh Dần, chúng tôi xin giới thiệu những địa danh mang tên cây cỏ, tên cầm thú đã và đang tồn tại trên địa bàn tỉnh.

1. Những địa danh mang tên động vật.

Những địa danh có tên các con vật trên cạn như: suối Cọp, đập Suối Dê Chạy (Vĩnh Cửu), suối Sóc (Cẩm Mỹ), suối Chồn (thị xã Long Khánh), bàu Ngựa (Định Quán), đập Suối Heo (Xuân Lộc), ấp Bến (Nhơn Trạch), sông Rết (Trảng Bom)... Địa danh có tên các con vật dưới nước như: rạch , lòng tắt Cua (Nhơn Trạch), bàu Sấu (Tân Phú)... Các con vật bay được thì có tắt Le Le (Nhơn Trạch), đảo Ó (Vĩnh Cửu), cầu Vạc (Long Thành), ấp Bàu Chim (Tân Phú)...

Như vậy, có khá nhiều động vật quen thuộc và phổ biến trong dân gian, gắn liền với cuộc sống lao động và sinh hoạt của con người tồn tại trong địa danh ở Đồng Nai. Bên cạnh đó, qua những địa danh này, ta còn biết được một số loại động vật trước đây xuất hiện nhiều ở địa bàn nào đó nhưng ngày nay chúng có thể không còn, hoặc có thể còn nhưng rất hiếm. Chẳng hạn như: suối Cọp, bàu Ngựa, bàu Sấu, hay nhiều địa danh mang tên con Nai như phường Hố Nai, Nhà Nai, Hang Nai, sông Đồng Nai...

Dưới đây là cách giải thích của một số địa danh mang tên động vật ở Đồng Nai, được trích lọc từ nguồn tài liệu sưu tầm và tài liệu do chúng tôi tự tìm hiểu trong quá trình nghiên cứu và đi thực tế.

Hang Bạch Hổ (Định Quán) nằm dưới cụm núi Đá Voi. Tích truyền rằng, xưa kia, khi rừng rậm còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi. Điều kỳ lạ là cặp chúa sơn lâm này không bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe kinh Phật ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá dần, lại thêm chiến tranh, cặp hổ bỏ đi. Nhân dân cho là Hổ thần nên đặt tên hang là Bạch Hổ [1].

Hang Dơi (thị xã Long Khánh) mang tên như vậy vì trong hang có cả ngàn con dơi trú ngụ. Người dân địa phương cho biết có lẽ đây là hệ quả của miệng núi lửa ngày xưa, nên để lại những hang động sâu thăm thẳm. Một câu chuyện được truyền miệng là trước đây, có một anh thanh niên cầm đèn pin đi vào trong hang để thám hiểm hang dơi này. Nhưng anh đi mãi mà không thấy về, sau lần đó dân làng Bàu Sen không còn ai muốn thám hiểm hang dơi này nữa.

trong làng cổ Bến Cá (Vĩnh Cửu) là ở miền Tây, có hai loại nổi tiếng là cá bay và cá linh. Ngoài ra còn có hàng chục loại cá nước ngọt sinh sống ở miền sông này. Một số địa danh khác cùng loại như ấp Bàu Cá (Xuân Lộc), rạch (Nhơn Trạch)...

Nhiều địa danh mang tên động vật không phản ánh sự tồn tại của động vật có trên địa bàn mà là do con người liên tưởng đến hình dáng của động vật đó. Ví dụ, nhánh sông trông như cựa con gà gọi là sông Cựa Gà Lầy (Nhơn Trạch). Núi Con Rắn ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, vì đường đi quanh núi ngoằn ngoèo như con rắn nên mới gọi tên như trên.


Hàn Heo là một địa danh cũ của tỉnh Đồng Nai. Hàn là chỗ chắn ngang sông rạch, làm cản trở lưu thông. Vật chắn ngang có thể là đá hay lòng cầu hay cây (nhân tạo) (nhiều người viết lầm thành "hàng"). Cái tên Hàn Heo ra đời là do giữa lòng sông, đá nổi lên hình con heo lớn nằm phủ phục. Tục truyền lúc heo nằm xuôi thì nước êm và khi heo nằm ngang thì nước đổ mạnh, tiếng vang dội đến xa [4].

Tâm lý kiêng kỵ, tránh nói đến những điều phạm thượng, thiêng liêng cũng được biểu hiện qua cách đặt địa danh. Khi vùng Đồng Nai còn hoang sơ, con người đến khai phá đã gặp nhiều thú dữ đe dọa cuộc sống của họ, đặc biệt là cọp, sấu và voi. Một mặt, con người tiêu diệt chúng, mặt khác lại "sợ" chúng vì vậy họ xem những con vật ấy là những con vật linh thiêng, có tính thần thánh, ma quái, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Người dân tin rằng dùng một cái tên khác để gọi tên những con vật hung dữ như vậy sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn, tránh những điều rủi ro. Một số địa danh minh họa cho điều này đó là núi Bồ (Định Quán), núi Tượng (Tân Phú), trong đó các từ Bồ, Tượng dùng để chỉ con voi. Trong rạch Ông Kèo (Nhơn Trạch), từ Kèo nghĩa là chuyên kèo (lôi) người đi ghe xuồng té xuống sông để ăn thịt. Người ta dùng từ Ông đi trước để thể hiện thái độ kiêng dè, đề cao đối với một con vật to lớn, hung dữ như cọp và cá sấu ở chốn sơn lâm và vùng sông nước [6].

Về tín ngưỡng, bốn con vật Long, Lân, Quy, Phụng vốn là những con vật linh thiêng trong thần thoại Trung Quốc với những đặc tính xuất chúng. Long (rồng) thường được mượn danh dùng cho các bậc đế vương, tượng trưng cho uy quyền. Lân vốn là kỳ lân, thú cùng loại với sư tử, hình thù cổ quái bởi sừng đuôi trâu, chân ngựa nhưng tính tình rất hiền, không ăn sinh vật, khi xuất hiện là báo điềm lành. Vì vậy, đây là con vật đại diện cho sự thanh bình. Quy (rùa) là loài sinh vật có thể nhịn ăn mà vẫn sống, cho nên nó đại diện cho tướng quý, sống thọ. Phụng (phượng hoàng) là loài chim quý, lông đuôi dài, khi xòe lên, ửng hoa sao ngũ sắc, đại diện cho hạnh phúc lứa đôi. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ quan niệm này của nước bạn.
Tác giả Lương Văn Lựu đã ghi rõ về vùng đất thiêng Đồng Nai - vùng đất tứ linh, có ẩn hình bốn con vật nêu trên như sau: Dưới thời các chúa Nguyễn, có danh xưng Phước Long giang (sông Đồng Nai ngày nay) nghĩa là con sông rồng đem phước quả vào vùng đất Biên Hòa. Bên cạnh đó còn có núi Bửu Long (nghĩa là rồng quý), hồ Long Ẩn... Hay cái tên xưa Lân Thành nay thuộc phường Tân Tiến (Biên Hòa), do
thế đất nên được đặt ra, do Lân mà thành. Đảo Qui Dự (còn gọi là cù lao Rùa, nay thuộc tỉnh Bình Dương), nguyên là một gò đất nổi, trên có huyền vũ gồm một rừng cổ thụ, mà ngọn cây họp thành hai chòm như hai cái vung úp, cái lớn cao, cái nhỏ thấp, gần nhau, ở xa trông rõ là hình con linh qui khổng lồ, có đủ mai và quay đầu về hướng tây bắc nằm trên sông Phước Long. Trên quốc lộ 15, dẫn đi Vũng Tàu, ranh giới hai xã Tam Phước và Phước Tân, có một chiếc cầu, sử ghi là Phụng Kiều. Vùng đất thiêng chiến khu Đ theo tương truyền là một "Phượng trì", vì vùng ao to rộng này, xưa có chim phượng đến tắm, rỉa lông. Do đó, dân địa phương đặt là Bàu Phụng (không phải Bà Phụng) [4].2. Những địa danh mang tên thực vật.

Việc dùng tên cây cỏ để đặt địa danh ở Đồng Nai cũng là một hiện tượng phổ biến. Lý do là cây cỏ rất gần gũi, gắn bó với nơi ăn chốn ở, nơi sinh ra và lớn lên của con người. Con người tri giác và đặt tên. Có thể kể ra hàng loạt tên như: suối Xoài, suối Quýt, suối Nho, suối Cây Đa (Cẩm Mỹ), suối Cây Sung, thác Bàng (Vĩnh Cửu), ấp Cây Điệp, suối Tre, sông Trầu (Trảng Bom), ấp Phượng Vỹ (Xuân Lộc), ấp Bến Sắn, rạch Tràm (Nhơn Trạch), chợ Cây Me, cầu Suối Bí (Thống Nhất)... Ngoài những tên cây phổ biến như đã kể trên, còn có những loại cây vốn là đặc sản của địa phương Đồng Nai như suối Săng Máu (Biên Hòa), suối Muồng, đồi Củ Chụp, ấp Cây Cầy (Vĩnh Cửu), ấp Cây Điều, huyện Trảng Bom, xã Cây Gáo, cầu Chôm Chôm (Trảng Bom), sông Buông, rạch Chiếc (Long Thành), núi Mây Tào, suối Su, ấp Trảng Táo (Xuân Lộc), ngã ba Vườn Mít (Biên Hòa)...

a. Đầu tiên là những cách đặt tên dân gian, rất gần gũi và dễ hiểu đối với người dân. Chẳng hạn, rạch Lá (Nhơn Trạch) mang tên như vậy là do ở đây có nhiều lá dừa nước. Gọi là thác Mai (ĐQ) vì vào thời gian trước, khi nơi đây còn hoang sơ, mùa xuân đến, xung quanh thác, ngoài hoa bằng lăng còn có rất nhiều mai rừng khoe sắc. Những loại mai cổ thụ quý hiếm có gốc rễ rất to, nở hoa vàng rực cả đoạn thác. Hiện nay thác vẫn còn mai nhưng số lượng đã giảm nhiều, nhất là mai rừng.

Hàng Gòn là một xã thuộc thị xã Long Khánh có nghĩa là hàng cây gòn. Gòn là loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, quả hình thoi chứa nhiều sợi bông, dùng để nhồi vào nệm, gối.

Khu du lịch Bò Cạp Vàng (Phước Khánh - NT) được ông Nguyễn Văn Sửu - một nhà giáo về hưu - thành lập tự phát vào năm 1992. Tên khu du lịch được đặt vì tại nơi đây có trồng nhiều cây bò cạp vào khoảng tháng 3, 4 hàng năm trổ hoa vàng rực cả một vùng. Đây là thứ cây tạp, bông giống như bông điệp, trái tròn dài, người ta dùng nó để ăn trầu, vỏ nó dùng làm thuốc chống rét.

Cây gáo có tên khoa học là sarcocephalus cordatus, cây thân gỗ hay mọc hoang ở khe suối, chân đồi. Hoa màu vàng hoặc trắng vàng, phiến lá có dạng hình trái xoan, cành tập trung ở phần ngọn, quả có vị chua. Huyện Trảng Bom có xã Cây Gáo, chợ Cây Gáo.

Cây chàm có danh pháp khoa học Indigofera tinctoria, là dạng cây bụi cao khoảng 0,5-2 mét. Nó có thể là cây một năm, hai năm hay lâu năm, phụ thuộc vào khí hậu nơi nó sinh sống. Nó có các lá kép lông chim lẻ với 7-15 lá chét tròn màu lục nhạt và chùm hoa màu hồng hay tím. Lá hoặc thân cây chàm được chế biến làm thuốc
nhuộm màu chàm. Cuốn Biên Hòa sử lược toàn biên, tập 1, có ghi lại địa danh này như sau: Cây Chàm đã sống từ mấy ngàn năm trước, to và cao nhất ở phía Tây Bắc trường Nữ tiểu học, bị trốc gốc sau trận giông ngày 24/7/1950, đường Nguyễn Hữu Cảnh [4]. Biên Hòa có đường Cây Chàm, chợ Cây Chàm.

Cù Lao Giấy là một khu du lịch thuộc xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch. Đây là vùng sông nước miệt vườn với cây cối xanh tươi. Địa danh này ra đời là do tại khu vực này trồng nhiều bông giấy và có cả nhà máy sản xuất giấy.

Bàu Sen thuộc địa phận ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Đây là tên một khu đồng trũng, rộng khoảng 3-4 hecta, quanh năm ngập nước, có nhiều sen mọc chen với cỏ lác.

b. Địa danh mang tên thực vật có nguồn gốc không thuần Việt được thể hiện rõ nhất ở một số địa danh như rạch Chiếc (Phước Tân - Long Thành), có gốc Khmer, dạng gốc là Prêk Cèk (theo Trương Vĩnh Ký), nghĩa là dòng sông nhỏ có mọc nhiều cây chiếc - một thứ cây thấp, lá lớn, thường mọc ở vùng nước lợ, lá vị chát, có thể ăn như rau.

Cao su có gốc tiếng Pháp là caoutchouc. Đây là loại cây công nghiệp nhiệt đới lâu năm, họ thầu dầu, thân thẳng đứng, có nhiều mạch mủ trong lớp vỏ lụa, lá kép lông chim có 3 lá chét. Cây có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon, từ cuối thế kỷ XIX, được phát triển mạnh sang Đông Nam Á và Châu Phi nhiệt đới, trở thành cây công nghiệp quan trọng, trồng nhiều nơi để lấy mủ chế biến cao su [7]. Ví dụ: nông trường Cao Su Cẩm Mỹ (CM), nông trường Cao Su Ông Quế (CM)...

c. Cũng có một vài cái tên hơi khó hiểu và gây nhiều tranh cãi, chẳng hạn Dầu Giây, Bằng Lăng.

Bằng Lăng là một địa danh xưa của tỉnh Đồng Nai. Nhiều người đọc và viết chệch thành Bàn Lân, Bàn Lăng, Bàng Lăng. Cái tên này có hai cách lý giải :

Thứ nhất, nhiều người cho rằng Bằng Lăng là tên một loại cây to, hoa màu tím hồng, gỗ nâu vàng. Đây là loài cây bản địa, mọc rất nhiều trước đây trong vùng Đồng Nai và Gia Định.

Thứ hai, Bằng Lăng là tên loại cây blaang (bonrbax malabarium) của người Mạ - một loại cây gạo, gọi là cây gạo Malaba Ấn Độ. Loại cây này "đốn từ trong rừng đem về trồng ở buôn làng để làm cọc hiến sinh (người ta buộc con trâu để giết tế lễ vào đó); cây cọc này sẽ đâm rễ xanh tươi trở lại và đây là di tích chỉ báo sự chiếm ngụ của con người trên vùng đất đã bị bỏ đi. Loại gạo mọc ở núi cao và cao nguyên thường nhỏ thấp ở mức trung bình; ngược lại, cây gạo mọc ở bờ sông, triền đất thung lũng phù sa ở miền hạ lại đạt đến kích thước cao lớn, nổi bật trên tầng cây rừng xanh thẩm quanh nó" [2].

Ngã ba Dầu Giây, thuộc huyện Trảng Bom. Có người cho rằng sỡ dĩ khu vực này có tên là "Dầu Giây" vì trước kia ở đây có nhiều cây Dầu, trên thân của nó có nhiều dây leo chằng chịt, rồi do phát âm sai nên "Dây" đọc thành "Giây".

Một cách lý giải khác về địa danh này là vào năm 1954 một số giáo dân theo hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm di cư vào khu vực miền Nam, đã an cư lạc nghiệp ở nơi này, họ đem theo mình những tập tục, thói quen trồng cây trầu tại khu mình sống. Vì thế ở đây xuất hiện rất nhiều cây trầu dây nhưng người Hà Nam Ninh không nói được âm "tr" nên họ đọc thành "d, gi", do vậy trầu dây đọc thành Dầu Giây.

Sông Lá Buông thuộc xã Phước Tân, Long Thành. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi là Bối Diệp Giang (sông Lá Buông), tục gọi rạch Lá Buông, ở đấy có nhiều cư dân sinh sống bằng cách lấy lá buông dệt buồm, đan tấm, đánh dây, chặt tàu đem bán sinh nhai, nên mới gọi tên như thế [3].


Trong Tự vị tiếng Việt miền Nam, Vương Hồng Sển giải thích: có hai loại lá khác nhau là lá buôn (bối diệp) và lá buông (bồng diệp). Theo Huỳnh Tịnh Của và Lê Ngọc Trụ, thì lá buôn (không g) dùng dệt buồm. Lá tốt dùng chép kinh, gọi kinh lá bối: bối Diệp Kinh, lá buôn là bối diệp. Trương Vĩnh Ký ghi: sông hay rạch Lá Buôn là Bối Diệp giang. Còn theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh thì: bồng diệp, lá nó dài, dùng lợp nhà, nhưng không dùng chép kinh. Bồng: tốt, dài, tên cỏ (bồng xá, bồng hộ). Ông Trương Vĩnh Ký viết: sông hay rạch Lá Buông (có g) là Bồng Giang (Kompong Lén), vẫn khác với sông hay rạch Lá Buôn (không g) là kompong cre (c.v. chré) [5].

Vậy thì, lá buông mà Trịnh Hoài Đức đã viết ở trên thực ra là lá buôn (bối diệp).

Còn rất nhiều cây cỏ, động vật được nhắc đến trong địa danh ở Đồng Nai. Điểm sơ qua một vài cái tên cũng đủ thấy sự phong phú, đa dạng về hệ thống động thực vật của tỉnh nhà.


(Theo NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH TỈNH ĐỒNG NAI, luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học của tác giả, bảo vệ tại trường Đại học Sư phạm TP HCM, tháng 11/2009)

[1]. Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1998), Biên Hòa-Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Nxb Đồng Nai, tr.326.
[2]. Jean Boulbet (1960), Descriptions de la végétation en pays Maa (Mô tả thảo mộc ở xứ người Mạ), BSEI, tr.121.
[3]. Trịnh Hoài Đức (2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Huỳnh Văn Tới hiệu đính, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr.23, tr.33, tr.164.
[4]. Lương Văn Lựu (1972), Biên Hòa sử lược toàn biên, tập 1, tác giả xuất bản, tr.97, tr.116, tr.198-208.
[5]. Vương Hồng Sển (1999), Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.441-443.
[6]. Võ Nữ Hạnh Trang (2006), Văn hóa qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ, Đại học KHXH&NV TP. HCM, TP. Hồ Chí Minh, tr.88.
[7]. Từ điển Bách khoa Việt Nam (1995), tập 1, Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, tr.362-363.


__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
9 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
BoZoo (10-05-2013), exploration (10-05-2013), nam_hoa1 (10-05-2013), Poetry (09-05-2013), quaden@_cute (09-05-2013), thanhtruc (09-05-2013), ThinhVuongVu (10-05-2013), Tien (09-05-2013), vnmission (09-05-2013)