Xem riêng 01 Bài
  #3  
Cũ 05-01-2015, 17:27
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Thị trường xe máy Honda ở Đông Nam Á
Từ năm 1948, Honda Motor đã có ý định khai triển thị trường xe ra ngoài nước Nhật – một thị trường quốc tế – Honda đã xuất cảng sang Philippines những kiểu xe Dream đầu tiên vào tháng mười năm 1952, và tháng mười một cùng năm, Soichiro Honda đặt chân lần đầu tiên đến Hoa Kỳ. Soichiro vừa đi nghiên cứu thị trường, vừa mua máy công cụ để sản xuất cơ phận đem về Nhật. Với sự cộng tác và điều hành tài chính cùng sự khuếch trương đại hạ giá của ông Takeo Fujisawa, Soichiro Honda mở Công ty American Honda Motor Inc. vào tháng sáu năm 1959. Một cộng tác viên khác của Soichiro, ông Kihachiro Kawashima lại cổ võ cho việc mở thị trường sản phẩm Honda ở Malaysia, nhưng Soichiro quyết định thuyên chuyển ông ta đến làm việc ở Hoa Kỳ. Honda Malaysia được thành lập vào năm 1958 khi một Doanh nhân chuyên nghề buôn bán xe cũ, ông Loh Boon Siew đã thấy những chiếc xe Honda Super Cub bán tại Hoa Kỳ, ông ta liên lạc với Soichiro Honda, và được chấp thuận mở một chi nhánh Honda ở Malaysia, một cơ xưởng lắp ráp xe Honda ở Penang đuợc thành lập, và những chiếc Super Cub đầu tiên gọi là Kapchai Cub (xe Cub nhỏ) hay là Boon Siew Honda.



Honda Thailand được thành lập vào năm 1964, nhập cảng xe máy, và những máy phát điện Honda, sau khi Soichiro Honda thành lập các xưởng lắp ráp xe máy ở Taiwan và Nam Hàn, Honda Thailand được mang tên Asian Honda, cơ sở chính của Honda ở Đông Nam Á. Năm 1965, Honda Thailand khai trương cơ xưởng chế tạo xe máy, và các sản phẩm khác của Honda, những chiếc Honda Super Cub chế tạo tại Thái Lan xuất xưởng vào năm 1967. Honda bán xe máy ở Indonesia vào năm 1963, tuy nhiên mãi đến năm 1971, Honda chính thức mở cơ xưởng sản xuất xe máy Honda nội địa..Riêng về thị trường Đông Dương – Việt Nam, Cam Bốt và Lào – vẫn còn ảnh hưởng là thuộc địa cũ của Pháp nên các loại xe máy sử dụng tại miền nam Việt Nam được nhập cảng từ Châu Âu mãi cho đến khi những chiếc Honda xuất hiện trên đường phố bởi những Thiện nguyện viên Mỹ đến làm việc mang theo trong đầu thập niên 1960. Sau đó vào năm 1965, chính phủ VNCH nhập cảng những xe Honda 50cc đầu tiên cho quân nhân, và công chức mua trả góp. Hai nước Cam Bốt và Lào nhập vào thị trường nội địa qua ngả Honda Thailand và Nhật Bản. Vì thời cuộc chiến tranh, và thời bao cấp bị cấm vận qua đến thời kỳ “đổi mới” 1986, cho đến khi khối Đông Âu sụp đổ, Honda chính thức thành lập tại Việt Nam vào năm 1996, và mở nhà máy sản xuất xe Honda vào năm 1997.

Dòng xe Honda tại Việt Nam 1960-1970

Thoạt đầu được nhập cảng từ những Thiện nguyện viên Mỹ làm việc, những chiếc Honda nầy là loạt xe mà Honda American Motor Inc. đã nhập vào Hoa Kỳ từ năm 1958, khi ông Soichiro Honda quyết định chinh phục thị trường xe máy ở Mỹ Châu. Những xe Honda nầy được gắn cổ máy 4 thì OHV (OverHead Valves = những van đóng mở buồng đốt được vận hành từ cốt máy, và truyền động qua các thanh đủa thép lên đầu máy) nên nghe được tiếng khua những thanh đủa xành xạch khi nổ máy..
Khác với dòng xe máy Âu Châu còn mang hình dáng chiếc xe đạp gắn động cơ, những chiếc xe Honda có thiết kế như xe mô-tô với dung tích máy lớn hơn, hình dáng hài hoà và dáng vẻ bền chắc hơn. Tuy nhiên người tiêu thụ vẫn còn hoài nghi về phẩm chất xe máy Nhật trong thời gian đầu, khi xe Honda được chính thức nhập cảng vào miền nam Việt Nam qua chương trình mua xe trả góp của chính phủ VNCH dành cho công chức và quân nhân phục vụ trong nước... Những chiếc Honda sử dụng tại Việt Nam do các Thiện nguyện viên Mỹ mang đến là những chiếc xe với bộ máy OHV có tiếng khuya xành xạch của các van mở đóng buồng đốt khi xe chạy. Những kiểu xe đầu tiên là Honda C-100 và C-110, hai kiểu xe nầy với động cơ 50cc 4 thì, không xài xăng pha nhớt như các kiểu xe máy 2 thì nhập cảng từ Châu Âu.



Honda CA-100 hay C-100 có bộ ly hợp tự động, hộp số gồm 3 số đạp chân và khởi động máy cũng bằng bàn đạp, còn kiểu Honda C-102 có bộ khởi động máy bằng bình điện 6 volts, và nút bấm khởi động máy trên tay lái, hai kiểu Honda nầy rất hợp với phụ nữ vì bình xăng thiết kế dưới yên ngồi nên tại Việt Nam gọi là Honda Dame (Dame = tiếng pháp có nghĩa là phụ nữ). Honda C-110 với bình xăng phía trước yên xe nên dành cho đàn ông và ống xả khói vắt lên cao bên phải, bộ ly hợp tay với hộp số gồm 3 số chân. Những kiểu xe Honda gắn động cơ OHV là thành quả của chiến dịch đại hạ giá “You meet the nicest people on a Honda” tại Hoa Kỳ trong đầu thập niên 1960. Khi chính quyền Việt Nam Cộng Hoà cho phép quân nhân và công chức mua xe gắn máy trả góp, một chiến dịch nối tiếp những chương trình phát triển kinh tế và cơ giới hoá miền nam Việt Nam, sau đợt hữu sản hoá xe Lambro và Vespa 3 bánh, thay thế những xe thồ ngựa kéo và hữu sản hoá xe Taxi: thay thế những xe Taxi Renault 4CV bằng xe Nhật như Nissan và Datsun – Những xe Honda đầu tiên đến với người tiêu thụ gồm 2 kiểu là C50 và S50: kiểu xe C50 với bộ ly hợp tự động, hộp số gồm 3 số còn xe S50 với bộ ly hợp tay, và hộp số gồm 3 số – tất cả 2 kiểu đều có bộ nhún trước kiểu giò gà. Tiếp theo đợt xe Honda là những xe máy Suzuki, Bridgestone, và Kawasaki được nhập cảng, những xe kiểu nam với bộ nhún đằng trước + lò xo như kiểu xe mô-tô được ưa chuộng hơn là kiểu Honda S50. Hảng Honda lập tức đề nghị kiểu xe mới: Honda SS50 tựa như kiểu xe thể thao S90 với vè chắn bùn bánh sau bằng nhựa và tay lái thấp. Bên cạnh những xe Honda người Việt sử dụng, những người Mỹ ở Việt Nam được phép đem xe vào để sử dụng, những quân nhân Mỹ mua xe qua hệ thống mua bán của quân đội Hoa Kỳ (cửa hàng PX), những người Mỹ công tác dân sự mua xe qua cửa hàng xuất nhập cảng xe máy ở Sài Gòn. Những xe người Mỹ sử dụng thường có dung tích máy lớn hơn những loại xe Honda 50 do người Việt sử dụng vì những xe 50cc không cần bằng lái xe, và không cần đăng bạ lưu thông mang bảng số trong những năm 1965-1966, qua năm 1967 với số lượng xe máy ngày mỗi nhiều, chính quyền bắt buộc phải đăng bạ lưu thông, và gắn bảng số đối với những xe có cấu trúc như xe mô-tô (cần đạp thắng và sang số bằng chân) và những xe gắn máy khác (rập khuôn các luật lệ lưu thông ở Châu Âu).



Những xe Honda do nhân viên và quân nhân Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam được mang vào theo 3 cách: mua trực tiếp từ Nhật Bản, và tự làm lấy giấy phép nhập cảng – thông qua cửa hàng PX của Quân đội Hoa Kỳ, hoặc qua Công ty xuất nhập cảng như hình trên.
Tiếp theo kiểu xe Honda SS50 là kiểu xe CL50, một kiểu xe biến cải từ xe SS50 với ống pô vắt, tay lái cao, và vè chắn bùn trước, và sau bằng thép cùng với lốp xe đặc biệt dùng trên những đường đất thô sơ gồ ghề. Sau đó là kiểu Honda CD50, một kiểu xe có hình dáng thanh lịch hơn kiểu SS50 nhắm vào những người tiêu thụ cao tuổi, hoặc những người không thích kiểu xe thể thao – trong khi đó, kiểu xe SS50 được cải tiến vào cuối thập niên 1960, xe Honda SS50M với bình xăng dẹp, sơn màu xám kim loại không mạ kền, ống pô vắt và 2 vè chắn bùn bằng thép. Honda không ngừng cải tiến, trước những đối thủ đang cạnh tranh trên thị trường như Suzuki, Kawasaki, và Yamaha – những kiểu xe song song với những xe máy rập khuôn xe mô-tô là những chiếc xe nhỏ nhẹ tựa như những xe Mobylette của Pháp, và rẻ tiền hơn những chiếc Super Cub, nhắm vào khách hàng ở thành phố nhà cửa chật hẹp và nhu cầu di chuyển thấp, chỉ trên dưới chừng chục kilômét mỗi ngày.



Chiếc Honda P50 được ra mắt, kiểu xe tựa như chiếc xe đạp có bộ máy gắn liền vào bánh xe sau như kiểu xe Honda gắn máy đầu tiên đầu thập niên 1950 – xe Cub 50 Type F – nhưng không lâu sau đó, kiểu xe nầy bị chê vì hình dáng cồng kềnh, nặng nề nên Honda thay thế bằng kiểu xe PC50 với bộ máy nằm giửa khung xe tạo sự thăng bằng, và dễ điều khiển hơn xe P50. Ngoài ra còn có những chiếc xe khác được nhập vào Việt Nam, tuy chỉ là số nhỏ, lác đác đếm được trên đầu ngón tay như kiểu Honda Z50 “Monkey”, DAX 50… và những xe S65, C50 Trail, C70 và C90. Thị trường xe máy ở miền Nam Việt Nam đã bị chinh phục bởi các dòng xe Nhật Bản vào cuối thập niên 1960. Nhờ vào việc cải tiến không ngừng đáp ứng nhu cầu của khách hàng với những kiểu xe đa dạng, khác biệt với những xe Suzuki, Kawasaki, và Yamaha; Honda chiếm được đa số khách hàng, không những ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới, đưa Honda Motor Co.Ltd. lên hàng đầu những thương hiệu xe máy. Tuy nhiên qua đầu thập niên 1970, thị trường xe máy tại miền nam Việt Nam đã đến mức bảo hoà, nhu cầu mua xe mới giảm xuống mức thấp nhất đồng thời với cuộc chiến tranh không ngớt leo thang cùng với nguồn ngoại tệ giảm dần, dòng xe mới Honda đầu tiên tại Việt Nam ngừng lại ở kiểu xe CD50.



Tuy nhiên có điều làm thay đổi thói quen của người Việt từ những chiếc xe máy 2 thì cổ điển Châu Âu, họ bắt đầu cảm nhận được ưu điểm của những bộ máy Honda 4 thì, ít hao xăng và bền bỉ hơn.


Những xe Honda khác trong thập niên 1960-1970

Honda sau khi thành công rực rở trên thị trường Hoa Kỳ với kiểu xe Super Cub C100 vào năm 1958, Soichiro Honda tiếp tục khai trương những chi nhánh, và thiết lập những Công ty con trên thế giới, thị trường kế tiếp là Châu Âu trong đầu thập niên 1960 với chi nhánh Honda đầu tiên ở Vương Quốc Bỉ (sau đó là cơ xưởng lắp ráp và chế tạo xe Honda đầu tiên ở Châu Âu), lần lượt kế tiếp là Hoà Lan, Pháp, Anh, Đức…
Trong khi đó, tại Nhật Bản và một vài quốc gia Đông Nam Á vào năm 1962, người ta thấy một kiểu xe Honda Port Cub C240 với động cơ 50cc OHV xuất hiện, đó là kiểu Honda giảm bớt chi tiết và nhẹ nhàng hơn xe Super Cub, động cơ được cải tiến với hộp số gồm 2 số và cân nặng 54 kilô, giá bán ra tất nhiên rẻ hơn xe Super Cub..
Honda C310, chiếc xe Honda 49cc đầu tiên sản xuất ở Châu Âu nhắm vào kiểu xe máy thực dụng rẻ tiền ở đây. Không thành công nhiều khi đối diện với những xe gắn máy 2 thì tại Châu Âu về tốc độ, thêm vào đó, xe C310 hay bị vấn đề ngẹt xăng trong bộ chế hoà khí khi trời lạnh qua suốt mùa đông. Khiếm khuyết nầy được nhanh chóng sửa chửa với kiểu xe C311 mới và C320 kế đó. Từ việc nầy, Honda rút tỉa kinh nghiệm để phát triển những văn phòng nghiên cứu và thực nghiệm tại mỗi địa phương. Trung tâm nghiên cứu và phát triển đầu tiên đặt tại Vương Quốc Bỉ, kế tiếp tại Ý và Đức Quốc, sau đó phát triển khắp nơi trên thế giới.



Nhà máy lắp ráp và chế tạo xe Honda đầu tiên ở Châu Âu được đặt tại Vương Quốc Bỉ và kiểu xe đầu tiên là chiếc Honda C310, một kiểu xe gần giống như những xe gắn máy ở Châu Âu. Cũng như ở Hoa Kỳ và Châu Mỹ, những dòng xe Honda nhỏ vẫn còn sử dụng cổ máy OHV, trong khi những chiếc Honda chính thức du nhập vào Việt Nam đã được thiết kế với động cơ OHC tân tiến hơn.
Honda C320 với động cơ 4 thì 49cc OHV thiết kế với bàn đạp như xe đạp với hộp số tay gồm 3 số vận hành trên ghi-đông như các kiểu xe máy Châu Âu để sử dụng mà không cần phải có bằng lái xe, xe Super Sport nầy khác với kiểu Honda SS50 tại Việt Nam vì nó vay mượn hầu hết hình dạng của xe Honda Sport S90.
Qua thập niên 1970, dòng xe Honda nhỏ 50cc được cải tiến từ bộ phận đánh lửa bằng vis platine cổ điển qua hệ thống CDI, một bộ phận đánh lửa điều khiển bởi thyristor điện tử, tránh sự hao mòn như vis platine. Trong khi dòng xe Honda tại Việt Nam dừng lại thì những dòng xe 50cc mới được cải tiến, những kiểu xe SS50K, SS50Z, CD50 Benly… Xe Super Cub cũng được nâng cấp với kiểu xe C70 và những xe Honda PS50, CF50 Chaly, CT50… có mặt trên thế giới.
Sau chiến tranh Việt Nam 1954-1975, thị trường xe máy không có gì đổi mới vì lẽ bị cấm vận kinh tế cùng nguồn ngoại tệ hiếm hoi, ngoại trừ vài kiểu xe Nhật được đưa vào qua ngả tầu biển. Mãi cho đến năm 1986 khi Việt Nam quay sang chính sách đổi mới, thị trường kinh tế được tháo gở khỏi thời bao cấp, những chiếc xe Honda mới trở lại lăn bánh trên những con đường tại Việt Nam.
Một kiểu Honda CD50 với cổ máy OHV bị hạn chế tốc độ tối đa 45 Km/giờ, bàn đạp được thiết kế như xe đạp trong cuối thập niên 1960, hộp số tay gồm 3 số không cần bằng lái xe theo luật lệ lưu thông ở Châu Âu nhằm vào khách tiêu thụ thuộc lớp thiếu niên từ 14 tuổi.
Tính đến nay, riêng kiểu xe máy từ 50cc đến 125cc, với những cải tiến không ngừng, những bộ nhún giò gà của Super Cub được thay thế bằng phuộc nhún như xe mô-tô, động cơ không còn dùng bộ chế hoà khí mà được thiết kế hệ thống phun xăng bằng kim PGM-FI, Honda đã sản xuất trên dưới 200 kiểu xe từ xưa đến nay nên không thể tóm gọn trong một bài, mời các bạn xem hình.

Nguồn : Một Thời Saigon
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
manh thuong (06-01-2015), nam_hoa1 (07-01-2015), Poetry (05-01-2015)