Xem riêng 01 Bài
  #2  
Cũ 04-05-2010, 14:42
Poetry's Avatar
Poetry Poetry vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Chủ nhiệm, Trưởng Ban Biên tập - CLB VIET STAMP
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Bài Viết : 7,875
Cảm ơn: 35,663
Đã được cảm ơn 54,831 lần trong 7,659 Bài
Mặc định

Khuê Văn Các


Tem về Khuê Văn Các và Thiên Quang Tỉnh trong các bộ tem: Kiến trúc cổ, Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-1984), Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.



Tem Liên Xô về Khuê Văn Các và Thiên Quang Tỉnh (1960).

Khuê Văn Các (nghĩa là "gác vẻ đẹp của sao Khuê") là một lầu vuông 8 mái 2 tầng xây dựng vào năm 1805, đời Gia Long triều Nguyễn do Tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Văn Thành chủ sự. Gác dựng trên một nền vuông cao lát gạch Bát Tràng. Kiểu dáng kiến trúc khá độc đáo.

Tầng dưới chỉ là 4 trụ gạch chạm hình các đám mây. Đế cột hình vuông được làm bằng gạch Bát Tràng.

Tầng trên là kiến trúc gỗ trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát. Tầng này tượng trưng cho chòm sao Khuê - sao chủ đề văn học - đang tỏa sáng lấp lánh. Sàn gỗ có chừa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn có diềm gỗ chạm trổ tinh vi. Bốn góc sàn làm lan can con tiện cũng bằng gỗ. Bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ 奎文閣 (Khuê Văn Các). Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng. Cả bốn đôi câu đối này đều rất có ý nghĩa.

1. Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển - Bích thuỷ xuân thâm đạo mạch trường.
2. Hy triều phấn sức long văn trị - Kiệt các trân tàng tập đại quan
3. Thành lâm Bắc đẩu hồi nguyên khí - Nguyệt tế thu đàm chiếu cổ tâm.
4. Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ - Văn hiến thiên thu lễ nghĩa bang.

Tạm dịch nghĩa như sau:

1. Sao Khuê trời sáng, văn minh rộng - Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài
2. Triều ta tô điểm nhiều văn trị - Gác đẹp văn hay đón khách xem
3. Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt - Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa
4. Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến - Phủ đồ thư một mối thánh hiền

Khuê Văn Các vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Gác nhỏ, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt lại được chọn dựng giữa những cây cổ thụ xanh tốt, cạnh Thiên Quang Tỉnh đầy nước trong in bóng gác.

Thiên Quang Tỉnh (giếng soi ánh sáng bầu trời) còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn). Thiên Quang nghĩa là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng, người xây dựng có ý muốn nói con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này. Một con đường nhỏ lát gạch bao quanh giếng cho phép người ta có thể dạo quanh giếng, lên gác Khuê Văn, vào cửa Đại Thành hoặc rẽ sang 2 vườn bia đá ở 2 bên.

Theo Kinh dịch những con số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) thuộc về dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở và phát triển, Khuê văn các có 8 mái là bát quái, có thêm 1 nóc ở trên là 9, số cửu trùng, số cực dương. Theo quan niệm của người xưa, giếng Thiên quang hình vuông tượng trưng cho mặt đất, cửa sổ hình tròn của gác Khuê văn tượng trưng cho bầu trời, có ý nói nơi đây là nơi tập trung mọi tinh hoa của trời đất, có ý tưởng đề cao trung tâm giáo dục văn hóa Nho học Việt Nam.

Khuê Văn Các đã trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo - biểu tượng của văn học Việt Nam.

Ngày nay, Khuê Văn Các đã được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Bài được Poetry sửa đổi lần cuối vào ngày 04-05-2010, lúc 14:53
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
10 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Poetry vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
chienbinh (04-05-2010), Dat_stamp (26-12-2011), Dori Gerhald (01-07-2011), hat_de (04-05-2010), huuhuetran (04-05-2010), j0j0 (04-05-2010), manh thuong (04-05-2010), Ng.H.Thanh (04-05-2010), Tien (04-05-2010), vnmission (04-05-2010)