Ðề Tài: Danh nhân Việt Nam
Xem riêng 01 Bài
  #2  
Cũ 21-02-2008, 08:57
hat_de's Avatar
hat_de hat_de đang trong diễn đàn
Tem Quý Hiếm
 
Ngày tham gia: 17-12-2007
Bài Viết : 10,607
Cảm ơn: 53,886
Đã được cảm ơn 35,443 lần trong 9,465 Bài
Mặc định

Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm



ông mất ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585), thọ 95 tuổi. (1491–1585) Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Lê-Mạc phân tranh cũng như tài tiên tri.


Tiểu sử


Ông sinh năm Tân Hợi đời vua Lê Thánh Tông, tức năm Hồng Đức thứ 22 (1491), tại thôn Cổ Am huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sinh trưởng trong một danh gia vọng tộc, thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm quận công Nguyễn Văn Định; thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lan, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã tiếp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương.
Ông khôi ngô, tuấn tú, tư chất khác thường, một tuổi ông đã nói sõi, lên năm tuổi được mẹ dạy cho kinh sách, truyền miệng cho thơ văn chữ Nôm, ông học đâu nhớ đấy, không quên chữ nào.
Lớn lên ông theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá). Ông sáng dạ, thông minh lại chăm chỉ học hành nên được thầy rất khen ngợi.
Tuy vậy, thời bấy giờ trong nước biến loạn, ông không muốn xuất đầu, lộ diện, đành ở ẩn một nơi. Nhưng sau vì có nhiều người khuyên nhủ, ông đi thi và đỗ tiến sĩ cập đệ (trạng nguyên) năm Đại Chính thứ sáu đời Mạc Thái Tông (1535). Vua Mạc cất ông lên làm Tả thị lang Đông các Học sĩ. Vì ông đỗ trạng nguyên và được phong tước Trình Tuyền hầu nên dân gian gọi ông là Trạng Trình.
Làm quan được 7 năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe nên xin cáo quan năm 1542.
Khi về trí sĩ, ông dựng am Bạch Vân và lấy hiệu Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học cạnh sông Hàn giang, còn có tên Tuyết giang, do đó học trò gọi ông là "Tuyết giang Phu tử". Học trò của ông có nhiều người cũng nổi tiếng như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - một nhà ngoại giao, Nguyễn Dữ - tác giả Truyền kỳ mạn lục, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền...
Ông mất năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 94 tuổi. Lễ tang ông có quan phụ chính triều đình là Ứng vương Mạc Đôn Nhượng dẫn đầu các quan đại thần về viếng. Việc vua Mạc cử người được vua coi như cha về dự lễ tang nói lên sự trân trọng rất lớn của nhà Mạc với Trạng Trình. Trong buổi lễ tang ấy, Ứng vương đã thay mặt vua truy phong Nguyễn Bỉnh Khiêm tước Thái phó Trình quốc công.

Tác phẩm văn chương


Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như tập thơ Bạch Vân, gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán (còn lưu lại) và hai tập Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập, hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi, (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm) hiện còn lưu lại được một quyển của Bạch Vân thi tập gồm 100 bài và 23 bài thơ trong tập Bạch Vân Gia Huấn mang nhiều chất hiện thực và triết lý sâu xa, thể hiện đạo lý đối nhân xử thế lấy đức bao chùm lên tất cả, mục đích để răn dạy đời.

Tiên tri


Khi theo học Lương Đắc Bằng, ông được truyền cho quyển Thái Ất thần kinh từ đó ông tinh thông về lý học, tướng số... Sau này, dù Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn làm quan nhưng vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) vẫn phong cho ông tước Trình Tuyền hầu vào năm Giáp Thìn (1544), ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn ngành lý học, giống như Trình Y Xuyên, Trình Minh Đạo bên Trung Hoa. Sau đó được thăng chức Thượng thư bộ Lại tước hiệu Trình quốc công. Từ đó người đời gọi ông là Trạng Trình.
Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra 500 năm sau này. Người Trung Hoa khen Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là "An Nam lý số hữu Trình Tuyền". Ông tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam. Ông đã cho ra đời hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình".
Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê. Khi Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm giết, ông khuyên nên xin về phía nam với câu "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (có tài liệu viết là "khả dĩ dung thân") nghĩa là "Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài". Nguyễn Hoàng nghe theo và lập được nghiệp lớn, truyền cho con cháu từ đất Thuận Hoá. Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa. Đối với Lê - Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ông. Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: "Lê tồn Trịnh tại".

Nhận xét

Nhận xét về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết trong bộ sách lớn Lịch triều hiến chương lọai chí: "Một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở".
La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp khi về thăm đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, có bài thơ Quá Trình tuyền mục tự (Qua thăm đền cũ Trình tuyền) đã xem Trình tuyền là người có tài "Huyền cơ tham tạo hóa" (nắm được huyền vi xen vào công việc của tạo hóa).
Tiến sĩ thời nhà Hậu Lê Vũ Khâm Lân đã làm bia ở đền Trạng Trình và nói rằng danh tiếng Trạng

Như núi Thái sơn, sao Bắc Đẩu
Nghìn năm sau như vẫn một ngày.




NHỮNG GIAI THOẠI VỀ TÀI LÝ SỐ
của TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM



1.Thánh nhân mắt mù:

Khi sắp mất, Cụ Trạng Trình có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng; "Bình sanh ta có một tấm bia đá để sẵn và đã sơn kia. Khi ta nhắm mắt rồi, các con phải nhớ, hễ hạ quan tài xuống, phải để tấm bia ấy lên nắp rồi mới lấp đất lại. Sau 50 năm, hễ khi nào có một người lạ đến viếng mộ ta mà nói rằng: Thánh nhân mắt mù, thì phải lập tức mời người ấy về nhà, yêu cầu họ đặt hướng lại ngôi mộ cho ta. Chúng bây phải nhớ kỹ và canh chừng, chớ không được cải cát. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy đồi lụn bại."
Con cháu nghe lời và làm y theo lời Cụ dặn.
Đúng 50 năm sau, một hôm có một người Tàu đến viếng mộ, nhìn ngôi mộ của cụ một lúc thì cất tiếng than rằng:
- Cái huyệt ở đàng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế nầy? Vậy là Thánh nhân cái gì đâu? hay là Thánh nhân mắt mù đó!
Người nhà nghe câu Thánh nhân mắt mù, liền chạy về báo cho Tộc trưởng hay, ông nầy vội vàng ra rước người Tàu đó vào nhà, thết đãi tử tế, rồi nhờ đặt giùm ngôi mộ lại.
Khi nói chuyện mới hay người Tàu đó là một nhà địa lý nổi tiếng ở bên Tàu mới sang nước ta. Ông ta đến đây là để xem di tích của Cụ Trạng thế nào mà tiếng đồn qua tới bên Tàu rằng: An Nam lý học hữu Trình Tuyền.
Khi nghe ông Trưởng tộc yêu cầu đặt hướng lại cho ngôi mộ thì người Tàu tỏ ý sẵn sàng giúp, để chứng tỏ Trạng Trình còn thua ông ta một bực. Do đó ông ta cảm thấy rất thích chí, hiu hiu tự đắc và thầm nghĩ rằng: Với Cụ Trạng, thực ra chỉ nghe đồn chớ thực mục sở thị thì có gì giỏi đâu?
Ông ta bảo:
- Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào lên rồi táng lại tại chỗ, nhích ra sau một chút và quay đầu lại là được.
Ông Trưởng tộc cả mừng, vội tụ họp con cháu lại, đưa thầy địa lý người Tàu ra mộ rồi đào lên.
Khi đào xuống sắp tới quan tài thì gặp một tấm bia đá, ông thầy Tàu lấy làm lạ, sẵn tính hiếu kỳ, ông bảo đem rửa sạch bia đá, để xem trên đó khắc chữ gì, thì thấy trên bia ấy có khắc bài thi:


Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu,
Ngũ thập niên hậu mạch tại túc.
Hậu sinh nhĩ bối ná năng tri,
Hà vị Thánh nhân vô nhĩ mục?

Nghĩa là:

Năm chục năm trước mạch tại đầu,
Năm chục năm sau mạch tại chân.
Biết gì những kẻ sanh sau,
Thánh nhân có mắt mù đâu bao giờ?

Khi xem xong bài thơ trên, ông thầy Tàu mới bật ngửa ra, phục Cụ Trạng Trình sát đất. Cụ tiên tri tài thiệt, sao Cụ lại biết trước những lời của mình sẽ nói? Quả thật, mình chỉ đáng là học trò của Cụ thôi.

2.Chuyện sắt ngắn gỗ dài:

Tối 30 Tết, Cụ Trạng Trình đang ngồi luận lý số cùng một học trò ở xa đến thăm và biếu cụ lễ vật. Bỗng ở ngoài cổng có tiếng người gọi mở cửa. Cụ sai gia nhân ra bảo hãy chờ cụ một chút. Rồi Cụ bảo học trò bấm quẻ đoán xem người kêu cổng ấy gọi mở cửa để làm gì.
Cả hai thầy trò đều bấm ra quẻ "Thiết đoản mộc trường" dịch ra là: Sắt ngắn gỗ dài. Cụ hỏi học trò:
- Vậy anh đoán nó vào đây có việc gì?
Anh học trò đáp:
- Thưa Cụ, theo ý con thì sắt ngắn gỗ dài, ắt hẳn người ấy vào đây mượn cái xuổng hay cái cuốc.
Cụ cười đáp:
- Khác với anh, tôi đoán nó vào đây mượn cái búa.
Nói xong, Cụ cho gia nhân ra mở cửa và mời người gọi cửa vào, thì đó là người láng giềng đi vào yêu cầu cho mượn cái búa, đúng như lời Cụ đoán.
Cụ giải thích cho anh học trò:
- Anh bấm quẻ giỏi, nhưng đoán còn thấp. Ngày 30 Tết thì ai đi mượn cái xuổng hay cái cuốc làm gì, cho nên tôi đoán nó mượn cái búa để chẻ củi nấu bánh cúng Tết mà thôi.
Bấm quẻ trúng nhưng khi đoán phải có ý thức cơ biến mới tránh khỏi sai lầm.

3.Ông Nguyễn Công Trứ phá Đền:
Năm Minh Mạng thứ 14, vua Minh Mạng bắt khai con sông Hải Dương. Lúc ấy, ông Nguyễn Công Trứ đang làm Tri Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, lãnh chiếu chỉ của vua thi hành việc khai con sông đó, địa chính theo lịnh của vua phải cắm cho thẳng, nhưng khổ thay lại trúng thẳng vào Đền thờ của Cụ Trạng Trình, mà ngôi Đền nầy nổi tiếng linh thiêng.
Ông Trứ truyền lịnh cho dân phải phá Đền khai sông. Dân chúng không ai dám phá, Ông Trứ cũng phân vân, vì trên là lịnh của vua, dưới là ý của dân, nếu không tuân lịnh vua thì sợ vua bắt tội, mà tuân lịnh vua thì trái lòng dân.
Ông Trứ sắm nhang đèn vào Đền vái Cụ Trạng Trình xin Cụ cho phép phá Đền, vì lịnh vua, ông phải thi hành, xin Cụ hiểu lòng của ông.
Rồi ông Trứ xin chịu hết trách nhiệm cho công việc phá Đền, lúc đó dân quân mới dám phá.
Khi đào phá tới cái bệ thờ, thấy hiện ra một tấm bia đá chôn dưới bệ, có chạm khắc bốn câu sau đây:
"Minh Mạng thập tứ,
Thằng Trứ phá Đền.
Phá Đền thì phải làm đền,
Nào ai lấn đất tranh quyền của ai."
Ông Nguyễn Công Trứ thấy Cụ Trạng Trình nói đúng tên của mình thì sợ quá, truyền cho dân chúng ngưng việc phá Đền, và lo việc cất Đền trở lại như trước.
Khi đó, lại tìm thấy trên đầu cột cái có đề 4 hàng chữ:
"Hỏng Đền thì lại làm đền,
Rồi sau tìm thấy bạc tiền của ta.
Của ông, ông để còn xa,
Ai mà tìm được ắt là thưởng công."
Ông Tri Huyện Nguyễn Công Trứ đọc 4 câu thơ nầy xong thì suy nghĩ mãi, chợt nẩy ra ý nói lái: CÒN XA nói lái lại là XÀ CON. Ông Trứ liền quan sát các cây xà con đã tháo xuống, thấy có một cây khá nặng, nặng hơn các cây khác. Ông Trứ mừng rỡ, cho bửa cây nầy ra thì có bạc nén văng ra.
Ông Trứ liền dùng số bạc nầy đi mua các thứ vật liệu, cất Đền trở lại cho Cụ Trạng, với tấm lòng vô cùng kính phục Cụ Trạng.
Số bạc còn dư, ông Trứ giao cho dân làng Vĩnh Lại để dành tu bổ các đền chùa đình miểu trong làng.


Những thông tin trên mình lấy từ mạng, còn đây là 1 số tượng đài của ông tại Hải Phòng

tượng đài ông tại quê hương (ảnh trên mạng)




tượng đài thứ 2 tại ngoại thành Hải Phòng (ảnh trên mạng)



tượng đài mới và đẹp nhất trong thành phố, toạ lạc tại Thư viện tổng hợp, nơi mình hay lui tới đọc sách mỗi chiều thứ 7



ảnh gk chụp từ sân thượng

trước đây mình có chụp 1 hình, bên temviet có sử dụng và gắn lô-gô lên đỉnh, nó gần giống hình này



khi nào tìm lại được ảnh gốc (ko có lo-go đó) mình sẽ thay vào đây, máy tính lộn xộn quá.
__________________
mỗi con tem là một nốt nhạc để chúng ta viết lên nhạc phẩm của chính mình

my face https://www.facebook.com/hatde.tran

Bài được hat_de sửa đổi lần cuối vào ngày 21-02-2008, lúc 09:03
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này