Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Du ngoạn 4 phương cùng VIET STAMP > Nước Việt mến yêu

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 28-06-2015, 20:17
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định Miền Tây Nam Bộ Sông Nước - Phù Sa

Kỳ 1


Vài dòng Lịch Sữ


Vùng đất trù phú Miền Tây Nam Bộ của Việt nam ngày nay từ khu vực Ðồng Nai đến Hà Tiên xưa thuộc Vương Quốc Phù Nam (Phnom).Vương quốc Phù Nam là vương quốc đầu tiên hình thành tại Ðông Nam châu Á, tồn tại từ đầu thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên.

Năm 539 vương quốc Phù Nam bị buộc phải triều cống cho người Khmer lúc đó là Vương quốc Chân Lạp. Ðến năm 627 Phù Nam bị người Khmer dưới quyền vua Chân Lạp là Bhavavarman xóa hẳn tên trên bản đồ và những thần dân của Phù Nam bị sát nhập vào vương quốc Khmer.
Từ năm 550 trở về sau cho đến khi chúa Nguyễn bành trướng thế lực đến miền nam, người Khmer cai tri xứ này theo niên hiệu các vị vua Chân Lạp.

Lịch sữ sang trang khởi đầu là một biến cố chính trị tại phương đông, miền cực nam nước Ðại Việt đã làm thay đổi tình thế lúc đó là sự xuất hiện của chúa Nguyễn Hoàng . Chính sách Nam Tiến của các chúa Nguyễn sau đó nhằm để chống lại thế lực của chúa Trịnh ở Thăng Long tạo nên áp lực to tát cho hai lân quốc Champa và Chân Lạp. Trong khoảng thời gian từ năm 1611-1653 vương quốc Champa đã bị dồn nén bởi thế lực của chúa Nguyễn nên co cụm lại một vùng nhỏ từ Nha Trang đến Phan Thiết. Không dừng lại ở Champa, chúa Nguyễn bắt đầu dòm ngó đến Chân Lạp.

Sau một thời gian ở Xiêm làm con tin, Chey Chetta II về Chân Lạp lên ngôi vương năm 1618. Tân vương cải canh mọi việc và mang lòng không phục người Xiêm. Chey Chetta II dời đô về Oudong (Long Úc), thuộc tỉnh Kompong Luông. Tân vương tổ chức quân đội có thực lực. Mấy năm liền không thấy Chân Lạp dâng phẩm vật triều cống, Xiêm vương mang quân tấn công vào Chân Lạp hai lần đều bị quân của Chey Chetta II đẩy lui. Tuy nhiên về lâu về dài Chân Lạp sẽ không thể đương đầu với quân Xiêm. Chey Chetta II quyết định nhờ vào thế lực của chúa Nguyễn Ðàng Trong, lúc đó là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635).

Không bỏ lở cơ hội, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã quyết định gả Hoàng Nữ Ngọc Vạn cho vua Cao Miên năm 1620. Người con thứ hai là Hoàng nữ Ngọc Khoa gả cho vua Chiêm Pô Romê. Hai cuộc hôn nhân vương giả nầy đã mở đường thuận lợi cho công cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam.

Ði theo hộ tống đám cưới bà Hoàng Ngọc Vạn xinh đẹp là đông đảo quan lính người Việt của Sãi Vương trang bị khí giới, tàu thuyền có súng ống, thuyền được trang hoàng lộng lẫy hình chim phượng mạ vàng. Bà Ngọc Vạn ngồi kiệu 8 người khiêng sánh duyên với vị vua hào hùng anh tuấn. Hoàng nữ Ngọc Vạn được tấn phong Hoàng Hậu với tước hiệu là Sô Dach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey.




Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài
Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai
Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa
Một sớm ra đi mở đất đai

Mối tình hữu nghị Việt Chiêm Miên
Thần xỉ mong sao được vững bền;
Chúa Sãi bao năm nhờ diệu kế,
Giữ miền Nam Á đặng bình yên.

Đời vốn quen dùng sức lửa binh,
Gây nhiều thảm họa khổ sinh linh.
Riêng đây ngọc lụa thay gươm giáo,
Trăm họ âu ca hưởng thái bình.

Cũng vì hạnh phúc của muôn nhân
Vì nước, vì nhà, xá quản thân.
Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng,
Hiếu trung cho trọn đủ mười phân.

Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
Đem thân giúp há nhường trai.
Vắng trang lịch sử, nào ai biết?
Người đã hy sinh vị giống nòi


(trích Cảm Vịnh hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa)

Ngọc Vạn, Ngọc Khoa giữ một niềm
Vì ai, tô điểm nuớc non tiên?
Chị lo giữ vẹn tình Miên-Việt,
Em nhớ làm tròn nghĩa Việt-Chiêm
Bà rịa, Biên Hòa thêm vạn dặm,
Phan Rang,Phan Rímở hai miền
Non sông gấp mấy lần Ô, Lý
Nam tiến, công người chẳng dám quên.


(chép trong Biên Hòa sử lược toàn thư, quyển 2)

Tiếp theo sau cuộc hôn nhân vương giả này, bà Hoàng Ngọc Vạn đã xin với Hoàng phu cho nhiều người tùy tùng nắm giữ chức quyền trong triều đình Chân Lạp. Dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Ngọc Vạn lưu dân người Việt từ Ðàng Trong ồ ạt theo đường biển vào lập nghiệp tại vùng Thủy Chân Lạp (Miền Tây Nam Bộ ngày nay).. Họ làm nghề nông, buôn bán, tiểu công nghiệp, đánh cá, thợ rèn v.v.. chỉ 3 năm sau, tức năm 1623 lưu dân Việt định cư tại Thủy Chân Lạp lên đến 20,000 người. Sãi vương liền viết thư cho con rể xin ‘cho mượn’ đất tại Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) để tiện việc thâu thuế người Việt tại đây. Vua Cao Miên chấp thuận.
Sau khi quốc vương Cao Miên băng hà chỉ sau 5 năm lấy vợ Việt, toàn vùng Bà Rịa giáp giới Chiêm Thành, Kâmpéâp Srekatrey (Biên Hòa), Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) đều thuộc quyền người Việt cai trị và thâu thuế. Từ sau khi vua Chey Chetta II băng hà các hoàng tử con của các bà phi người Chân Lạp liên tiếp lên làm vua: Ponhea To (1629-1630), Ponhea Nu (1630-1640). Sau cái chết mờ ám của vua Ponhea Nu năm 1640 quan phụ chính Prah Outey (là hoàng thúc của vua) đưa con mình là Ang Non I (1640-1642) lên ngôi. Vào năm 1642 một người con của vua Chey Chetta II liên hiệp với người Mã Lai nổi dậy giết toàn gia hoàng thúc Prah Outey để lên ngôi xưng hiệu Ponhea Chan I (1642-1659). Sử Việt gọi vị vua này là Nặc Ông Chân. Các hoàng thân thuộc phe cánh Ang Non I vào cung bà Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn xin cầu viện chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Chúa Hiền nhân cơ hội có lời yêu cầu nên hưng binh chinh phạt Chân Lạp vào tháng 10 năm 1658. Quân Chân Lạp thua to tại ngoài khơi Bà Rịa và trận Gò Bích. Quân Nguyễn tiến vào Nam Vang bắt quốc vương Nặc Ông Chân bỏ vào cũi sắt đem về tỉnh Quảng Bình. Vua Nặc Ông Chân chết tại đây. Chúa Hiền đưa Hoàng tử So con trai bà Thái hậu Ngọc Vạn lên ngôi vua lấy hiệu là Batom Réachea (1658-1672). Vào thời điểm này triều đình Chân Lạp hợp thức hóa chủ quyền của nhà Nguyễn tại Ðồng Nai. Năm 1672 vua Batom Réachea bị ám sát chết. Con trai là Ang Chey tức Nặc Ông Ðài lên nối ngôi. Tân vương dựa thế lực người Xiêm mang quân lấn ép vùng Ðồng Nai. Lưu dân người Việt kêu cứu triều đình chúa Nguyễn lúc đó đóng đô ở Kim Long. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai các tướng Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Diên Thái và Văn Sùng mang quân tới tận Oudong hỏi tội Nặc Ông Ðài rồi đưa Ang Saur tức Nặc Ông Thu hiệu Chey Chetta IV, em của Nặc Ông Ðài lên ngôi Chính Vương ở Oudong Lục Chân Lạp. Chúa Hiền lại đồng thời cho Ang Non tức Nặc Ông Nộn con trai thứ của bà Ngọc Vạn và vua Chey Chetta II làm Thứ Vương vùng Ðồng Nai –Mô Xoài. Vua Nặc Ông Nộn đóng đô tại Sài Gòn tức Prey Nokor. Lúc đó là năm 1674. Cả hai vị vua Chân Lạp đều phải triều cống xưng thần với chúa Nguyễn tại Kim Long. Vua Nặc Ông Nộn ở Sài Gòn đến khi chết năm 1691 thì toàn quyền cai trị tại đây thuộc về chúa Nguyễn.

Nguồn : VietLand
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HuyNguyen (30-06-2015), manh thuong (29-06-2015), nam_hoa1 (29-06-2015), Poetry (28-06-2015)
  #2  
Cũ 28-06-2015, 20:23
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 2

Vào năm 1679 tức năm Khang Hy thứ 18 nhà Ðại Thanh có di thần của nhà cựu Minh bên Tàu vì không cự lại quân Thanh triều đến xin hàng phục nhà Nguyễn. Bọn di thần nhà Minh gồm có Tổng binh Long MônDương Ngạn Ðịch, Phó tướng Hoàng Tiến, và Tổng Binh các phủ Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình mang 3000 binh lính thủ hạ và gia quyến trên 50 chiến thuyền đến cửa Tư Dung và Ðà Nẵng xin được làm thần dân của chúa Nguyễn. Chúa Hiền chấp thuận cho giữ nguyên binh hàm chức tước rồi truyền cho vuaCao Miêncho phép người Minh vào định cư xứ Ðồng Nai và sau đó thay mặt cho nhà Nguyễn lấn dần đến Cần Thơ. Nhờ đợt di cư này mà ảnh hưởng của nhà Nguyễn tại đất Thủy Chân Lạp ngày càng to tát. Các tướng nhà Minh giờ làm quan cho triều đình nhà Nguyễn. Họ cũng góp phần xông pha trận mạc mở rộng lãnh thổ cho nhà Nguyễn, nổi bật là Thống Binh Trần Ðại Ðịnh con của Trần Thượng Xuyên triều chúa Ninh Vương. Người Minh vốn cùng văn hóa với người Việt nên hợp nhau khai hoang khẩn đất, lập chợ, xây dựng phố phường, buôn bán tấp nập. Những nơi như Gia Ðịnh, Biên Hòa, Thủ Ðức, Cần Thơ không mấy chốc trở nên sầm uất vô cùng. Triều đình nhà Nguyễn lại được dịp có thêm dân thêm đất và thêm thuế thu nhập.

Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần băng hà năm 1687 ở ngôi 39 năm,NghĩaVương Nguyễn Phúc Thái(còn gọi là Trăn) lên thay (1687-1691). Nghĩa Vương dời đô về Phú Xuân (Huế). Trong thời gian chúa mới lên ngôi có một di thần nhà Minh là Hoàng Tiến giết chủ tướng làDương Ngạn Ðịch ở Mỹ Tho rồi tự xưng là Phấn Dũng Hổ Oai Tướng Quân thống lĩnh quân sĩ Long Môn người Minh đóng đồn ở Ðịnh Tường. Hoàng Tiến thả quân quaCao Miêncướp của giết người. VuaCao Miênlà Nặc Ông Thu bất bình vì việc làm sai quấy này và ngờ là chủ ý của Thiên Vương nhà Nguyễn. Vua Nặc Ông Thu quyết định bỏ triều cống và chuẩn bị binh lính chống lại triều đình nhà Nguyễn.

Tháng Giêng năm 1690 Chúa Nghĩa sai lão tướng là Vạn Long mang quân đến Rạch Gầm dàn trận. Vạn Long dùng kế bắt được Hoàng Tiến rồi xua quân quaCao Miênđánh thốc tới Nam Vang và Long Úc (thành Oudong). VuaCao Miêncả sợ dâng 30 thớt voi, 150 lạng vàng, 600 lạng bạc, 6 con tê giác để xin hòa và giữ lệ triều cống như xưa. Quan quân nhà Nguyễn rút về Phú Xuân tháng 8 năm đó. Chúa Nghĩa không thọ lâu, ngài băng hà năm 1691 thọ 43 tuổi.

Năm 1698 chúa MinhVương Nguyễn Phúc Chu(1691-1725) sai Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đi đánhCao Miênvà kinh lược mấy tỉnh miền nam. Lễ Thành Hầu chia cắt giới phận, canh cải địa điền, kiểm kê nhân khẩu, lập sổ đinh điền cho có nề nếp. Lúc đó toàn miền nam có dân số 40,000 gia đình (hộ) đất đai mở ra 1000 dặm. Thành quả này đạt được trong vòng 70 năm. Sự trù phú của miền nam nhờ một phần vào sự tiếp sức của di thần nhà Minh và chế độ bắt người thổ dân, các dân tộc miền núi về làm nô lệ. Theo lời kể của người phương Tây thì việc buôn bán nô lệ để giúp người Việt canh tác có cả thuế nông nô của triều đình.


Năm 1671 có người Minh tên làMạc Cửuquê ở Lôi Châu, Quảng Ðông mang gia quyến binh lính 400 người và 10 chiếc thuyền di cư sang Thủy Chân Lạp đổ bộ lên bờ biển Panthaimas vịnh Thái Lan. Mạc Cửu đến Oudong xin yết kiến vua Nặc Ông Thu và ở lại hợp tác giữ chức Óc Nha cho đến năm 1681. Lúc ấy thấy chính sự Chân Lạp rối ren, ông xin vua Chân Lạp cho đi khai khẩn vùng đất hoang Panthaimas. Vua thuận cho. Mặc Cửu chiêu tập đám cướp biển lại mở sòng bạc, chiêu mộ dân phiêu bạt chạy trốn nhà Thanh về lập nên 7 xã là: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Konpong Som), Sài mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Ngoài ra còn có người Ấn Ðộ, người Nam Ðảo, người Kinh, người Thái, ngườiCao Miênđến sinh sống. Thủ phủ đặt tại Hà Tiên tức Căn Khẩu. Mạc Cử đặt tên vùng đất của mình là ‘Căn Khẩu Quốc’. Lãnh địa này thuộc Chân Lạp nhưng vua Chân Lạp không đủ sức cai quản nên được qui chế tự trị. Không bao lâu Căn Khẩu Quốc của Mạc Cửu trở nên giàu có, người đi vào buôn bán, cờ bạc, đổi chác tấp nập.

Thấy kinh tế vùng Căn Khẩu nổi lên như sóng vua Xiêm chuẩn bị thôn tính vùng đất này. Năm 1678 quân Xiêm tràn sang cướp phá bắt Mặc Cửu và gia quyến về Muang Galapuri (Vạn Tuế Sơn). Hai năm sau nhân lúc nước Xiêm có loạn ông mang quyến thuộc trốn về lại Căn Khẩu. Ông lại bắt tay khôi phục lại Căn Khẩu. Mạc Cửu nhiều lần xin triều đình Chân Lạp cứu nhưng Vương triều Chân Lạp lúc đó quá yếu, tự giữ mình còn không xong nên từ chối không thể giúp gì cho họ Mạc. Năm 1711 Mạc Cửu cùng tùy tùng làTrương Cầu, Lý Xá mang vàng lụa đến gỏ cửa Khuyết ở Huế xin thần phục
chúa MinhVương Nguyễn Phúc Chu(1691-1725). Mạc Cửu được giữ chức Tổng Binh toàn quyền cai trị xứ Căn Khẩu mà không phải nộp thuế cho triều đình. Nghe được tin này vua Xiêm cho 20,000 quân tấn công Căn Khẩu quốc, một thuộc địa mới của nhà Nguyễn. Mạc Cửu thua chạy về Gia Ðịnh xin triều đình Huế cứu giúp. Quân Triều Nguyễn đánh đuổi người Xiêm đi và trả lại toàn vẹn đất đai cho Mạc Cửu cai trị nhưng đổi tên Căn Khẩu thànhHà TiênTrấnvới mục đích lưu lại dấu ấn của triều đình họ Nguyễn. Mùa hạ năm 1735 Mạc Cửu mất, hưởng thọ 81 tuổi.NinhVương Nguyễn Phúc Thụ (có sử ghi là Trú:1725-1739) phongông làmKhai Trấn Thượng Trụ Quốc Ðại Tướng Quân, tước Cửu Lộc Hầu.Ðến đời Minh mạng được phong làm Thần hiệu là Thọ Công Thuận Mỹ Trung Ðẳng Thần. Năm 1738 chúa Nguyễn Phúc Thụ ban cho dòng họ Mạc ‘Thất Diệp Phiên Hàn’ (bảy chữ quí tộc) nối đời vinh hiển là: Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ lên nối quyền cai trị Hà Tiên. Con của Tứ là Mạc Công Du, Con của Du là Mạc Hầu Lâm, con của Lâm là Mạc Bá Bình, con của Bình là Mạc Tử Khâm, con của Khâm là Mạc Nam Lan. Bà Nam Lan tuyệt tự hết người thừa kế nhưng cũng vừa tròn bảy chữ vua ban.

Mạc Thiên Tứ cai trị trấn Hà Tiên rất thịnh vượng. Tứ mở văn đàn làm thơ, phổ nhạc, vịnh phú, lập Chiêu Anh Các để chiêu nạp nhân tài. Về võ công Tứ cũng lẫy lừng không kém. Năm 1739 Tứ dẹp tan một trận tấn công của vuaCao Miên.

Năm1747 Tứ dẹp yên bọn cướp biển ở Long Xuyên. Năm 1753 vua Cao Miên là Nặc Ông Nguyên (Ang Snguôn) hà hiếp người Chăm từ Chiêm Thành tị nạn Việt Nam qua Cao Miên đồng thời thông mưu với chúa Trịnh ngoài Bắc để đánh úp chúa Nguyễn đòi lại đất đai đã mất.Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) sai Nguyễn Cư Trinh hưng binh đánh Cao Miên mùa hạ năm 1754. Binh triều đi tới sông Vàm Cỏ thì quân địch cả sợ ra hàng. Nặc Nguyên chạy ra Vĩnh Long. Ở vùng Vàm cỏ Nguyễn Cư Trinh chiêu dụ người Chăm tị nạn bây giờ không nơi nương tựa có tới 10,000 người và hộ tống họ đi về Ðồng Tháp Mười (Tà Vô Ân). Ở đây phục binh của vua Cao Miên ùa ra đánh giết người Chăm chết mất 5000 người. Quân tiếp ứng của ông Thiện Chính đến không kịp để cứu. Về sau Vũ Vương gián ông Thiện xuống làm Cai Ðội. Nguyễn Cư Trinh cứu được 5000 người Chăm cho về định cư ở núi Bà Ðen, Châu Ðốc. Nguyễn Cư Trinh lại tuyển người Chăm khoẻ mạnh đưa cho khí giới thúc họ đi tiên phong đánh quân Cao Miên. Quân triều đi sau ủng hộ. Thanh thế to lớn nên vuaCao Miên bỏ chạy xuống Hà Tiên nhờ Thiên Tứ cứu mạng. VuaCao Miên nhờ Tứ xin với Võ Vương cho dâng hai phủ Tầm Bôn (Gò Công) và Lôi Lập (Tân An) để chuộc tội. Chúa Nguyễn thuận cho và truyền cho nhập vào châu Ðịnh Viễn. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho vuaCao Miên Nặc Ông Nguyên về nước. Vua Cao Miên là Nặc Ông Nguyên băng hà năm 1758. Dòng họ vua Cao Miêntranh nhau làm vua. Mạc Thiên Tứ giúp cho Nặc Ông Tônlàm vua nên được tặng Tầm Phong Lâm (Meat Chruk) tức Châu Ðốc và Sa Ðéc. Nội chiến ở Cao Miênvẫn không dứt. Các vua Cao Miên lại sang triều Nguyễn dâng đất cầu cứu. Thế làNặc Ông Thuận (Thommo Réchea) hiến Sóc Trăng, Bạc Liêu.Nặc Ông Tôn (Ang Tong) hiến hết đất từ núi Thất Sơn, Sa Ðéc, Kiên Giang và Long Xuyên về sau đều thuộc chủ quyền chúa Nguyễn.

Từ đây chấm dứt cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam.
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HuyNguyen (30-06-2015), manh thuong (29-06-2015), nam_hoa1 (29-06-2015), Poetry (28-06-2015)
  #3  
Cũ 28-06-2015, 20:27
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 3

Đồng Bằng Sông Cữu Long

Nguồn nước trong vùng được lấy từ 2 nguồn chính là sông Mê Kông và nước mưa. Sông Mê Kông chảy qua ĐBSCL thì chia làm hai nhánh là Tiền Giang và Hậu Giang, hàng năm đem lại lượng nước bình quân khoảng 460 tỷ m3 và vận chuyển khoảng 150 - 200 triệu tấn phù sa. Việc ĐBSCL hàng năm bị ngập lũ gần 50% diện tích từ 3 - 4 tháng tạo nên một đặc điểm nổi bật của vùng, một mặt là hạn chế lớn đối với canh tác, trồng trọt và gây nhiều khó khăn cho đời sống của dân cư, nhưng mặt khác cũng tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và bổ sung độ phì nhiêu cho đất trồng trọt.

Nhưng những năm gần đây,mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị thiệt hại hàng tỷ USD chỉ tính tổn thất từ nguồn cá trắng do tác động của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Điều đáng nói là, tổn thất từ nguồn cá trắng sẽ vĩnh viễn, không phục hồi được và chỉ riêng tổn thất này đã có thể lớn hơn lợi ích về năng lượng do các đập này mang lại.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là nguồn nước ở ĐBSCL đang bị ô nhiễm do sự điều hành ngu dốt của chính quyền. Chất lượng nguồn nước ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm như: sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, nuôi thủy sản thiếu quy hoạch hợp lý. Nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp trong vùng phần lớn thải trực tiếp ra sông một cách ngu xuẩn.....Việc ô nhiễm nước đã dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều vùng bị “khát nước” vào những tháng mùa khô. Không chỉ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu mà nước sinh hoạt cũng thiếu. Tình trạng này đã và đang xảy ra từ vài năm gần đây ở ĐBSCL và xem ra ngày càng trầm trọng.

Đây là một trong những cảnh báo vừa được các chuyên gia nghiên cứu khoa học đưa ra .Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong - nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các dự án thủy điện, nên hàng năm sẽ có khoảng 220.000 đến 440.000 tấn cá trắng bị rủi ro, chưa tính đến lượng cá đen ăn cá trắng để tồn tại.




Sông Tiền Giang



Chợ Ninh Kiều nhìn từ sông Hậu Giang



Các Kinh Rạch

Nam bộ là một vùng sông nước có hệ thống sông ngòi chằng chịt, cho nên từ lâu hình ảnh chiếc ghe, con đò, dòng sông, chiếc cầu… là hình ảnh hết sức quen thuộc với người dân nơi đây. Ngay từ thuở lọt lòng, họ đã được tắm mình giữa trời nước bao la rồi khi lớn lên họ phải đi qua những chiếc cầu tre nối nhịp đôi bờ, những khi buông câu, thả lưới, những lúc chở hàng bông ra chợ… họ cũng gắn chặt cuộc đời mình với dòng nước bao la.

Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, cũng như trong những câu ca dao, hò, vè dù thể hiện chủ đề nào, tâm trạng nào thì ít nhiều hình ảnh dòng sông, chiếc ghe, con đò cũng hiển hiện trong đó. Người Nam bộ thường có thói quen dùng lối nói ví von, mượn các hình ảnh quen thuộc của đời thường gần gũi để thông qua đó nêu lên chủ đề mình định nói. Và các hình ảnh quen thuộc đó, được lặp đi lặp lại trong cách nói của họ cho đến khi thành tiềm thức, để khi có dịp thì tự động bật ra.
Ví dụ như : khi có khách ở xa đến thăm mình thì người Nam bộ nói: từ xa lặn lội tới đây. Mặc dù có thể người đó đi bằng xe hay máy bay.

Hay từ “quá giang” vốn dùng cho việc đi nhờ ghe cộ lại dùng cho việc đi nhờ xe hay đi cùng đường. Tất cả đó phải chăng là dấu ấn của vùng sông nước đã ăn sâu vào tiềm thức của họ.
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HuyNguyen (30-06-2015), manh thuong (29-06-2015), nam_hoa1 (29-06-2015), Poetry (28-06-2015)
  #4  
Cũ 28-06-2015, 20:30
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 4

Hệ Sinh Học ĐBSCL

Dưới những ảnh hưởng của môi trường biển và sông, từ lâu ở ĐBSCL đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên rất độc đáo. Đó là hệ sinh thái rừng ngập nước ngọt , hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển , hệ sinh thái nông nghiệp. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực.

Hệ sinh thái đất ngập nước có đến 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá và thủy sản. Những số liệu trên cho thấy tính đa dạng sinh học ở ĐBSCL.

Từ buổi đầu khai phá vùng đất Nam Bộ, những cư dân nơi đây không chỉ đối mặt với rừng rậm hoang vu mà còn đối mặt với thú dữ tràn đầy. Đánh cọp, đuổi sấu là những hoạt động diễn ra thường xuyên nơi miền đất mới này, nó đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của người dân nơi đây.

Cư dân miền sông nước này giết sấu để trừ mối họa, đồng thời cũng khai thác nguồn lợi từ đó. Sự đối đầu đó đã để lại dấu ấn rõ nét trong tín ngưỡng, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, địa danh…của một thời khẩn hoang, lập ấp, những câu chuyện tưởng như hoang đường mà rất giàu tính hiện thực.
Muỗi tràn vào nhà khi trời sụp tối khiến nhiềugia đìnhởmiền Tây phải chui vào mùng ăn cơm để tránh muỗi.



“Trên trời muỗi kêu như sáo thổi
Dưới nước đĩa lội như bánh canh”



Công cuộc chinh phục vùng đất mới, lớp cư dân Tây Nam Bộ buộc phải đối đầu với những thế lực tự nhiên, trong đó có loài sấu dữ, luôn luôn rình rập làm hại người. Nhất là trong ca dao, được phản ánh rất rõ nét, đậm đặc cái tâm thức của những người đi mở cõi trước một vùng đất trù phú, hết sức hoang sơ và không kém phần khắc nghiệt:

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn.
Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma”
U Minh khốn khổ quá chừng
Xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha
U Minh nước mặn phèn chua
Trăm ngàn cá sấu thi đua vẫy vùng
U Minh, Rạch Giá, Thị Quá, Sơn Trường
Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um





Trong công cuộc chinh phục vùng đất mới Tây Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung, bằng trí tuệ và lòng quả cảm, những lớp cư dân nơi đây đã đương đầu với những sức mạnh tự nhiên, những loài thú dữ như cọp beo, sấu, rắn… Vươn lên chế ngự nó, nhằm tạo ra những điều kiện để khai thác, canh tác, bảo đảm cuộc sống an lành là công việc đòi hỏi sự bền bĩ, lâu dài.Chiến đấu với thú dữ, độc hại trên hết chỉ xuất phát từ việc làm điều thiện, điều nghĩa, phản ảnh cái tinh thần khí khái của người dân Nam Bộ trong việc diệt trừ thú dữ.Thông qua hình ảnh con cá sấu, ta dường như hiểu rõ hơn bức tranh hiện thực về văn hóa dân gian của vùng đất này với những sắc thái hết sức đặc trưng của miền sông nước.
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HuyNguyen (30-06-2015), manh thuong (29-06-2015), nam_hoa1 (29-06-2015), Poetry (28-06-2015)
  #5  
Cũ 28-06-2015, 20:32
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 5

Ghe xuồng miền Tây Nam Bộ

Có thể nói miền Tây Nam Bộ là nơi hội tụ của những kênh rạch, sông ngòi. Gắn bó với cảnh sông nước ấy chính là những chiếc ghe, chiếc xuồng đã trở thành một hình ảnh không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Trải qua hàng bao thế kỷ, cái hình ảnh thân thương ấy không bị mất đi mà dường như ngày càng được tôn vinh và gìn giữ. Bởi đó chính là một nét đẹp văn hóa độc đáo mà nơi đây có được. Ghe xuồng miền Tây Nam Bộ phát triển theo nhiều kiểu, đa dạng, phong phú. Từ những chiếc ghe, xuồng chèo chống, luồn lách qua các kênh rạch đủ cỡ, đủ hình dạng, đủ độ nông sâu cho đến những loại ghe thuyền cỡ lớn, vận tải nặng, chuyên chở được nhiều người. Ngày nay, việc di chuyển trên sông nước còn có ghe máy, xuồng máy chạy với vận tốc nhanh dùng song song với các loại ghe, xuồng cổ điển. Chính vì sự tiến bộ trong khoa học, kỹ thuật mà nghề đóng ghe cũng đã có sự thay đổi ít nhiều về hình dáng và kỹ thuật lắp ráp. Ở miền Tây Nam Bộ, người ta phân biệt hai loại ghe và xuồng rất khác biệt.

Xuồng có mấy loại: xuồng ba lá, xuồng máy, xuồng năm lá... Xuồng ba lá dài trung bình 4m, rộng 1,5m, có sức chở từ 4- 6 người, vừa gọn nhẹ, vừa kín đáo. Sở dĩ gọi là xuồng ba lá vì có 3 ván, một ván giữa và 2 ván hai bên hông, ở giữa có kê sạp nhưng thấp hơn ở đầu mũi và đầu lái để giữ thăng bằng. Xuồng 5 lá hình dáng không khác mấy loại ba lá, chỉ có khác là gồm 5 mảnh ván ghép lại nên mức độ tròng trành ít hơn và hai đầu xuồng có khác chút ít. Xuồng 5 lá chính là xuồng ba lá cải tiến. Xuồng máy có gắn động cơ để có vận tốc nhanh hơn. Xuồng có đôi be gió chắn trên hai bên mép xuồng và chạy suốt chiều dài thân xuồng. Xuồng máy có đầu lái giống hình thang vuông.


Xuồng Ba Lá

Ghe có nhiều loại: ghe tam bản, ghe bầu, ghe chài, ghe lườn... Ghe tam bản mui ngắn, có đến 9 mảnh ván ghép hoặc nhiều hơn. Ghe có đôi be gió giống như xuồng máy, boong ghe chiếm nửa chiều dài bụng ghe, nơi này để làm chỗ nghỉ ngơi, còn phần trước để chất hàng hóa. Ghe có bánh lái nằm dưới lườn sau đầu lái và có cần để điều khiển. Trước mũi ghe có vẽ con mắt mà theo dân gian, thì đây là biểu tượng để trừ ác thú hay thuồng luồng tiến công. Ngoài ra, còn có thêm loại ghe tam bản mui dài chiếm gần hết chiều dài của ghe. Loại này trông như một cái nhà di chuyển trên mặt nước. Ghe bầu là loại ghe lớn có trang trí đẹp, dùng cho gia đình giàu sang. Ghe lườn thon nhẹ, bụng nhỏ và dài, còn gọi là ghe độc mộc vì được làm từ một thân cây gỗ, đẽo gọt và khoét ở ruột để thành ghe. Ghe trông đơn giản, không cong ở hai đầu mũi và lái, trong thân ghe chẳng kê sạp như các loại ghe khác. Ghe chài gồm nhiều mảnh gỗ ghép lại, có hai tầng, bên trong thân ghe chia làm hai phần, phần đầu chứa hàng hóa, phần sau cho người đi ghe. Ghe chài còn có phần mui rời phía sau phòng lái dùng để tắm rửa, nấu cơm, dùng cho người đi buôn bán xa, lâu ngày và sống trên sông nước. Bên cạnh các loại ghe vừa kể trên còn có nhiều loại phương tiện đi lại như tắc ráng, phà, chẹt, bè...




Di chuyển nhanh, chở nhẹ thì có ghe lưới, chở hàng thì có ghe bè, ghe lồng, dùng chở cá thì có ghe cá, ghe rổi, dùng để bắt tôm cá thì có ghe cào tôm... Nghề đi ghe, đi xuồng từ lâu trở nên quen thuộc với cư dân miền Tây Nam bộ, tồn tại song song với nghề làm ruộng, làm vườn.


Hiện nay, tại một số địa phương ở miền Tây, việc đi lại bằng đường bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại cho nên sông ngòi vẫn là thủy đạo quan trọng trong công tác vận tải, thương mại và đi lại. Hơn nữa, ghe xuồng cũng là phương tiện để truyền tải văn hóa dân gian đi khắp nơi. Chính hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng trên sông rạch gắn bó suốt đời với cư dân miền Tây Nam bộ, cho nên đã xuất hiện những điệu hò, câu hát như hò chèo ghe, hò mái dài, mái cụt, hò sông Hậu, hò Đồng Tháp... và đã tạo nên sắc thái văn hóa riêng của văn minh miệt vườn.


__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HuyNguyen (30-06-2015), manh thuong (29-06-2015), nam_hoa1 (29-06-2015), Poetry (28-06-2015)
  #6  
Cũ 28-06-2015, 20:40
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 6

Ghe Thuyền Đồng Bằng Sông Cữu Long
Nét đẹp văn hoá độc đáo

Đi liền với hình ảnh sông nước là các hình ảnh: chiếc ghe, con đò, con cá, con cua, cần câu, đăng, đó, nò… Đây là hình ảnh mà ta thường gặp trong ca dao dân ca Nam bộ. Ngay cả việc trông ngóng người yêu, người Nam bộ cũng mượn hình ảnh chiếc ghe để nói lên nỗi lòng của mình, nói lên sự trông ngóng, khấp khởi chờ mong người yêu đến thăm mình:

Ghe ai đỏ mũi xanh lườn,
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em.

Ở đây người con gái nhận dạng chiếc ghe của người yêu mình. Chiếc ghe của người yêu cô có đặc điểm: “đỏ mũi, xanh lườn” nên khi thấy chiếc ghe có đặc điểm này thì cô gái mừng thầm, đinh ninh là ghe của người yêu xuống thăm mình. Nhưng cô gái ở đây vẫn cẩn trọng, không hấp tấp vội vã. Vì cả vùng sông nước này có biết bao chiếc ghe có cùng đặc điểm đó, không khéo sẽ bị hớ. Nên cô gái mới đặt lời ướm hỏi. Từ “phải” là một từ để hỏi nhưng ở đây là dạng hỏi tu từ. Không cần người đáp. Hỏi để rào trước đón sau mà thôi. Có phải thì hãy đến nơi hẹn, hãy thẳng nơi mà đến. Còn không phải thì chỉ việc đi ngang qua. Câu ca dao này còn có một dị bản khác:

Ghe ai nhỏ mũi trảng lườn,
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em.

Chiếc ghe cũng là hình ảnh của cuộc sống thương hồ, trên đó có chức năng như một ngôi nhà di động. Phía sau là cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình. Phía trước là dùng để chất hàng hóa bán. Cứ thế, chiếc ghe vào từng con kinh, con rạch, hết nơi này đến nơi khác. Hết hàng thì quay ra chợ bổ hàng rồi đi bán tiếp. Con người cũng sống trôi nổi cùng chiếc ghe. Nhưng đôi khi chiếc ghe chở hàng chỉ có người chồng đảm nhận. Vợ con ở nhà, người chồng đi buôn bán xa, vài ba ngày mới về một lần. Cho nên trông chồng cũng là hình ảnh chiếc ghe và nhớ chiếc ghe cũng là nhớ chồng:

Ghe lui khỏi vịnh, em thọ bịnh liền,
Không tin anh hỏi xóm giềng mà coi.

Vì cuộc sống mưu sinh mà vợ chồng phải xa cách, vắng nhau bao ngày là bao nỗi lòng nhung nhớ. Về nhà chưa được bao lâu, lửa nồng chưa ấm anh đã vội ra đi. Nhưng vì cuộc sống không thể khác được nên ghe người chồng vừa đi thì người vợ cũng vừa “thọ bịnh”. Quả là một tấm tình son sắt, thủy chung.


Hay giữa một đêm trăng thanh gió mát, một chiếc xuồng câu đang lờ lững giữa dòng, bắt gặp chiếc xuồng của cô gái chở hàng bông ra chợ đang chèo tới ở phía sau anh ta liền buông mấy lời chọc ghẹo:

Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi,
Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm.


Cách chọc ghẹo của chàng trai ở đây rất có lý, đồng thời thể hiện được sự quan tâm lo lắng của mình. Giữa trời nước bao la mà chỉ có một mình cô gái chèo ghe chở hàng ra chợ. Anh lo lắng cho cô gái bảo cô chèo mau lên, anh đợi, nếu không giông đến thổi tắt đèn mà cô thì có môt mình biết phải làm sao. Cô gái cũng cảm thấy ấm lòng khi giữa đêm khuya thanh vắng mà lại có người quan tâm đến mình, nên cô cũng hò đáp lại:

Nhứt nhựt tiểu thân chứ nhà của anh đâu mà em không biết,
Chứ gặp anh giữa đường, cái quyết chí mà thương anh.

Có khi họ nên duyên cũng từ đó. Nhưng đôi khi cũng có vài anh chàng miệt vườn vì bản chất quá thật thà, nghỉ sao nói vậy :

Nước Tân Ba chảy qua Vàm Cú
Thấy em chèo cặp vú muốn hun


Chiếc ghe, chiếc xuồng, dòng sông cũng là những hình ảnh được người dân Nam bộ gởi gắm vào đó những nỗi niềm tâm sự, những cảm nhận của cuộc đời, than thân trách phận, nói lên cuộc sống nghèo khó của mình:

Không xuồng nên phải lội sông,
Đói lòng nên phải ăn ròng bè môn.

Như đã nói, Nam bộ có hê thống sông ngòi chằng chịt cho nên phương tiện đi lại của cư dân nơi đây trước kia chủ yếu là ghe, xuồng. Ghe, xuồng là chân đi là phương tiện vận chuyển chủ yếu, nên dù nghèo thiếu đến đâu người ta cũng cố dành dụm sắm cho mình một chiếc xuồng để làm phương tiện đi lại. Tác giả của câu ca dao này có lẽ do quá nghèo túng, nghèo đến nỗi không có chiếc xuồng để đi, mọi việc di chuyển chỉ bằng cách lội sông. Mà không có xuồng cũng có nghĩa là thiếu phương tiện đánh bắt, mà thiếu phương tiện đánh bắt thì làm sao có nhiều cá, tôm cho được. Mà không có nhiều cá, tôm có nghĩa là không có tiền nên phải ăn ” ròng bè môn”.

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi !
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.


Đây cũng là lời than, than cho việc buôn bán ế ẩm. Không có người mua nên phải chèo mãi, chèo đến mỏi mêt mà vẫn không bán được hàng. Bìm bịp là loài chim rất quen thuộc ở Nam bộ, hễ nó kêu là nước lớn, cho nên tiếng bìm bịp kêu cũng là lời dự báo cho con nước sắp lên. Ngoài ra tiếng bìm bịp cũng là dùng để chỉ thời gian, thời gian của con nước lớn, nước ròng, cũng là thời gian trong ngày. Lời than của cô gái ở đây phải chăng ngụ ý trong từng tiếng kêu của con bìm bịp. Bìm bịp kêu nước lớn rồi nước ròng, rồi bìm bịp kêu : nước lớn… cứ thế hết ngày mà bán buôn chẳng được gì. Sự ngao ngán của cô gái phải chăng là thế.

Dời chưn bước xuống ghe buôn,
Sóng bao nhiêu gợn dạ buồn bấy nhiêu.

Lại một tâm trạng buồn cho những kiếp thương hồ. Bước xuống ghe buồn cũng đồng nghĩa với việc xa nhà, phải đối mặt với cuộc sống cô đơn, một mình mình đối diện với sông nước đêm đen. Ngoài ra trong chuyến đi này, không biết buôn bán ra sao, lời lãi thế nào. Nhưng trên hết là nỗi nhớ nhà da diết, nhớ vợ, nhớ con… còn buồn nào hơn nỗi buồn chia ly. Ở đây tác giả so sánh nỗi lòng của mình với sóng nước. Sóng có bao nhiêu gợn thì lòng mình cũng buồn bấy nhiêu, nhưng gợn sóng là vô vàn, không sao đếm được. Cho nên tấm lòng của họ nhớ nhà, đau đáu chờ mong, buồn man mác cũng bấy nhiêu, không sao nói hết được.

Bên cạnh đó hình ảnh của cầu ván, cầu tre, các phương tiện đánh bắt cũng được người dân ở đây mượn làm phương tiện để nói nên nỗi lòng của mình :


Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.

Cầu tre, cầu ván là hai hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân Nam bộ. Nó thường được bắc qua những con kinh, con rạch, sông nhỏ. Ở đây, người phụ nữ mở đầu bằng một hình ảnh rất quen thuộc này như là một lời tâm sự của mình đối với con về tình mẫu tử thiêng liêng. Có thể người phụ nữ này đã bị chồng phụ bạc nên cô rất đau buồn, coi như là mất tất cả, cô chẳng còn thiết sống nữa. nhưng may còn được đứa con, nó là nguồn an ủi vô giá đối với cô, níu chân cô lại trên cõi đời này. Vì vậy, mọi tình yêu cô đều dành cho nó, xem như là nguồn an ủi duy nhất trong cuôc đời mình.

Ví dầu mẹ chẳng có chi,
Chỉ con với mẹ chẳng khi nào mòn.

Không chỉ là lời than thân trách phận, không chỉ là tình mẫu tử bao la, lời tỏ tình dễ thương, sông nước Nam bộ còn phản ánh những nếp sinh hoạt, những buổi lao động hết sức đời thường của họ. Thể hiện được một cuộc sống đơn sơ, giản dị nhưng đầm ấm tình người, tình mẹ con, vợ chồng :

Cha chài mẹ lưới con câu,
Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò.


Đây là một bức tranh sinh hoạt đời thường, đầm ấm không khí gia đình ở Nam bộ gắn chặt cuộc sống của mình với sông nước bao la. Không ai nạnh ai, mỗi người một việc, từ cha, mẹ đến rể dâu ai cũng phải lao động, lao động với một tinh thần hăng say, yêu thích, thể hiện được sự đoàn kết thương yêu lẫn nhau giữa các thành viên trong một gia đình.
Hay:

Chiều chiều ông Lữ đi câu,
Bà Lữ đi xúc con dâu đi mò.

Cảnh mẹ chồng nàng dâu từ xưa đến nay thiên hạ đã nói nhiều. Nhưng ở đây, ta thấy: mẹ chồng nàng dâu hết sức “ăn ý”, mặc dù không nói ra, nhưng qua cảnh sinh hoạt ta vẫn thấy được nàng dâu và mẹ chồng rất hợp ý với nhau, ngay cả cha chồng cũng thế. Cả nhà cùng lao động, không khí gia đình thật đầm ấm vui tươi.

Sông nước là một đặc trưng không thể thiếu của Nam bộ, mà gắn liền với sông nước là ghe, xuồng, lưới, câu, hò, cầu tre, cầu ván… tất cả đã trở thành rất quen thuôc với người dân Nam bộ. Cho nên trong ca dao dân ca Nam bộ, để bộc lộ tâm trạng của mình thì người dân nơi đây thường mượn các hình ảnh quen thuộc này để ví von, nhằm bộc lộ những gì mình muốn nói, bởi tất cả đó đã trở thành thị hiếu của người dân nơi đây.

Cùng nằm trong cái nôi văn hóa của quê hương, đất nước, ca dao dân ca Nam bộ đã mang đến cho kho tàng văn học dân gian những vần ca dao ngọt ngào, tình tứ. Ca dao dân ca Nam bộ là sản phẩm của sự suy tư, cảm xúc, sự trải nghiệm của con người, là tiếng nói của người Việt Nam, đặc biệt là của nguời dân vùng đồng bằng Nam bộ, góp phần làm phong phú kho tàng văn học dân gian của dân tộc.

Nguồn : VietLand

__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
huuhuetran (09-07-2015), HuyNguyen (30-06-2015), manh thuong (29-06-2015), nam_hoa1 (29-06-2015), Poetry (28-06-2015)
  #7  
Cũ 01-07-2015, 18:53
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 7

Đồng Lúa Miền Tây Nam Bộ

Các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam được gọi là Sông Cửu Long, mỗi phân lưu dài chừng 220-250 km. Lưu lượng nước các phân lưu rất lớn, khoảng 6.000 m³/s về mùa khô, lên đến 120.000 m³/s vào mùa mưa, và chuyên chở rất nhiều phù sa bồi đắp tạo nên đồng bằng châu thổ rộng lớn rất phi nhiêu ở Nam Bộ Việt Nam lý tưởng cho ngành Nông nghiệp.

* Sông Hậu chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng (Sóc Trăng) và đổ ra biển trước kia bằng ba cửa: Định An, Ba Thắc, và Tranh Đề. Cửa Ba Thắc khoảng thập niên 1970 đã bị bồi lấp nên sông Hậu chỉ còn hai cửa biển ngày nay.

* Sông Tiền có lòng sông rộng với nhiều cù lao ở giữa dòng, chảy qua Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Cai Lậy (Tiền Giang) thì chia làm bốn sông đổ ra biển bằng sáu cửa:

* Sông Mỹ Tho, chảy qua tỉnh lỵ tỉnh Tiền Giang là thành phố Mỹ Tho và phía nam Gò Công, ra biển bằng cửa Đại và cửa Tiểu qua đường sông Cửa Tiểu
* Sông Hàm Luông, chảy qua phía nam tỉnh Bến Tre, ra cửa Hàm Luông

* Sông Cổ Chiên, làm thành ranh giới tỉnh Bến Tre-Trà Vinh (tên cũ Vĩnh Bình), đổ ra biển bằng cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu.

* Sông Ba Lai chảy qua phía bắc tỉnh Bến Tre (tên cũ Kiến Hòa), ra cửa Ba Lai.

Đồng bằng sông Cửu Long là kiến tạo tương đối mới trên một vùng châu thổ với cảnh quan điển hình của một vùng sinh thái sông nước. Lịch sử nền văn minh sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ rất sớm. Văn minh Đồng bằng sông Cửu Long được mênh danh là văn minh sông nước với ‎ nghĩa đầy đủ và đa dạng của nó: Văn minh Nông nghiệp thể hiện qua lúa nổi – lúa trời, văn minh kênh rạch, văn minh chợ nổi, văn mịnh cảng thị và văn minh miệt vườn.

Từ thời xa xưa, ở vùng châu thổ có các đồng lúa nổi. Người ta gọi dòng lúa nổi là lúa trời vì cư dân lúc bấy giờ không phải gieo cấy. Cây lúa lớn mạnh theo từng con lũ trong khi các cây cỏ khác bị chết ngộp không theo kịp nước, và về cuối mỗi mùa lụt thì chúng đơm bông, kết hạt cứng chắc, nặng trĩu, sẵn sàng cho vụ thu hoạch.

Giống lúa mùa nổi được người dân canh tác hàng trăm năm qua, có thể đạt đến độ cao 7m theo con nước lũ. Đặc biệt, gạo lúa mùa nổi rất thơm ngon. Giống lúa nầy rất thích hợp cho vủng An Giang, nằm ở thương lưu ĐBSCL vì vùng nầy hay bị ngập lụt nhiều tháng trong năm.


Đây là một cánh đồng lúa nổi đang mùa thu hoạch. Trung bình 1ha lúa mùa nổi chỉ đạt năng suất từ 1 -1,2 tấn/ha nhưng bù lại gạo lúa nổi rất ngon nên giá bán cao hơn. Khi trồng thì lại rất đơn giản chỉ cần rải lúa giống lấp lại cho chim, chuột khỏi ăn thế là xong.

Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu lúa sẽ nảy mầm và phát triển. Đến mùa nước tràn đồng, cây lúa lênh đênh theo con nước…cho đến thu hoạch là 6 tháng.

Khi thu hoạch xong lúa mùa nổi, nông dân tận dụng phần rơm rạ dùng làm phân để trồng hoa màu, tăng thêm thu nhập.

Và đây là những đồng lúa bát ngàn ở những vùng ít bị ngập nước của Miền Tây mà sự rộng lớn của nó được người dân diển tã như : “ Chó chạy cong đuôi, Cò bay mỏi cánh “.





__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
2 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
huuhuetran (09-07-2015), manh thuong (03-07-2015)
  #8  
Cũ 01-07-2015, 19:00
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 8


Vườn Trái Cây Đồng Bằng Sông Cữu Long

Ở những vùng đất cao ráo hơn tại ĐBSCL là những vườn trái cây rất đa dạng với các loại trái cây. Trái cây Nam bộ có quanh năm, đơn giản vì trái cây ở đây không có mùa. Lúc nào bạn đến vùng châu thổ này cũng có sản vật thết đãi. Tùy theo mùa mà miệt vườn có những loại khác nhau, nhưng vào mùa hè trái chín nhiều và ngon nhất.

Cái Bè nằm dọc theo bờ Bắc của sông Tiền, được xem là vựa trái cây lớn bậc nhất của vùng châu thổ. Cái Bè sở hữu giống trái cây ngon nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, bưởi, nhãn long, cam sành, cam mật… Dạo bước trong vườn, ngoài việc tự do thưởng thức “cây nhà lá vườn, hái tận cây ăn tận gốc” là cảm nhận khó tả đối với những ai muốn hòa mình vào thiên nhiên. Miền Tây nhiều hoa quả, ai cũng biết rồi, toàn là quả nổi tiếng không hà, như bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang, vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), dừa sáp Cầu Kè (Trà Vinh), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang),mít ruột đỏ (Cần Thơ)… Ngoài ra miền Tây còn nổi tiếng với các loại trái cây khác nhãn, măng cụt, bòn bon, cam sành, dừa, quýt… Quý khách du lịch đến miền Tâylà du lịch đến với “dinh cơ”, xứ sở của trái cây miền Nam.



Dạo qua vườn cây trái để tâm hồn lãng đãng trong nắng chiều vàng cùng vị ngọt ngon lành, đậm đà khó tả của Chôm Chôm Vĩnh Long . Hay có thể đi vào vườn Sầu Riêng ở Cái Mân -– “đặc sản số 1” của nhóm cácđặc sản miền Tây Nam Bộ.

“Riêng tư ôm một mối sầu,
Yêu thương gắn bó thề câu chung tình,
Quả ngon ta gửi đến mình,
Tình này hãy giữ, quả này… cứ xơi.”.





CAM SÀNH TAM BÌNH


VÚ SỮA LÒ RÈN (VĨNH KIM – TIỀN GIANG)



Nguồn : VietLand
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
2 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
huuhuetran (09-07-2015), manh thuong (03-07-2015)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Sách " Tiền xu Xiêm-La : Từ thời Phù Nam'' Angkor Tiền Xu 1 22-05-2014 21:04
Chuyện kể qua TEM: “Hành Trình trên Đất Phù SA”…! XuanAnh Con Tem kể chuyện 3 09-05-2013 01:16



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.