Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > THỜI SỰ TEM > Tin Bưu chính > Bưu chính Việt Nam

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 20-09-2016, 17:07
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Lightbulb Giao Thư Từ Phu Trạm Đến Bưu Tá



Hàn : Công việc bưu tá ngày nay trong nhiệm vụ giao thư khá nhàn so với thời phong kiến dù số lương thư từ ngày nay nhiều hơn mấy TK trước. Tôi tình cờ khám phá ra bài này nói về Phu Trạm của anh Lê Nguyễn viết năm 2014 với nội dung rất hay, xin chia sẽ trên diễn đàn này. Gần 20 năm về trước (1998), tôi có đọc qua một bài nữa 'Phu Trạm Vào Thời Nguyễn' trong quyển sách 'Hỏi Đáp Về Triều Nguyễn', tôi sẽ đánh vào máy vi tính và chia sẽ cho các bạn yêu tem bì biết qua nghề giao thư từng rất vất vã như thế nào vào thời Nguyễn khi mà phương đi lại hạn hẹp, đường xá thô sơ, chỉ đi bộ hay đi bằng ngựa mà thôi. Thế nhé!

Bưu chính Việt Nam từ thời quân chủ đến thời Pháp thuộc
Bưu chính là một trong những hình thái hoạt động xuất hiện sớm nhất trong chế độ quân chủ. Nó thỏa mãn nhu cầu liên lạc giữa những vùng miền xa xôi trên đất nước, trong điều kiện đường sá đi lại khó khăn, giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thiên tai, địch họa. Nó để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm thức người Việt xưa và cho đến những thập niên cuối thế kỷ 19, khi chế độ thực dân được áp đặt trên toàn cõi Việt Nam, hình ảnh người phu trạm xưa vẫn còn là ấn tượng đẹp trong ký ức mọi người
Từ thời Lý, vua Lý Thái tông (1028-1054) đã cho dựng lên những ngôi nhà nhỏ được gọi là “trạm” trên mỗi cung đường nằm cách nhau từ 15 đến 20 km để cho người đi đường có chỗ dừng chân, nghỉ ngơi. Sau này, khi nhu cầu liên lạc giữa triều đình và các địa phương ngày càng gia tăng, trạm giữ nhiều nhiệm vụ hơn, trong đó có:
- Khiêng kiệu, hành lý, đưa các quan đi lại trên đường công tác.
- Vận chuyển hàng hóa, vật tư của triều đình
- Chuyển công văn, thư từ.
Riêng công văn, thư từ, triều đình tuyển chọn lính trạm hay phu trạm từ những trai tráng khỏe mạnh, dẻo dai để có thể chạy bộ trên những quãng đường dài. Trạm chính là những nơi họ ghé lại để nghỉ ngơi trước khi tiếp tục một quãng đường kế tiếp. Về sau, triều đình phân phối ngựa tại một số trạm, những lính trạm hay phu trạm có công văn khẩn cần chuyển gấp sẽ được cấp ngựa để đi, đến những trạm có chăn nuôi ngựa, họ giao lại con ngựa vừa cưỡi và nhận một con ngựa còn khỏe để đi tiếp cuộc hành trình. Thời Nguyễn, người phu trạm cũng chưa có đồng phục. Họ đeo trên vai những ống tre đựng công văn bịt kín hai đầu, có gắn nhựa thông hay sáp và có áp dấu lên trên. Trên đường công tác, họ còn mang theo một cái nhạc ngựa để khi đến những chỗ đông người, họ rung nhạc ngựa lên cho khách bộ hành biết mà nhường đường. Các nguyên tắc về chuyển giao công văn rất chặt chẽ, ai xâm phạm thân thể người phu trạm đang lúc thi hành công vụ sẽ bị án tử hình; mặt khác, nếu sơ xuất, chậm trễ trong vận chuyển công văn, họ sẽ bị hình phạt trượng (đánh bằng hèo). Triều đình xưa cũng qui định độ khẩn trong công văn; thường hành là độ khẩn bình thường nhất, người phu trạm chỉ cần đi bộ chậm rãi; kế đến là thu cần, người phu trạm phải đi bộ nhanh; lên đến thôi cần là phải chạy bộ; đến độ khẩn thôi cần, gia cần, được sử dụng ngựa chạy bình thường và cuối cùng đến độ khẩn mã thượng phi đề là phải phi ngựa chạy thật nhanh. Độ khẩn được ghi trên từng ống đựng công văn và người lính trạm phải triệt để tôn trọng. Với độ khẩn mã thượng phi đề (tương đương với hỏa tốc sau này), người lính trạm giắt những lá cờ đuôi nheo nhỏ trên lưng để làm hiệu, cưỡi ngựa phi nước đại, không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm. Họ được hưởng nhiều ưu đãi trong cuộc hành trình, chẳng hạn khi họ đến những địa phương phải qua đường rừng vào ban đêm, quan sở tại có nhiệm vụ cắt cử các toán dân binh cầm các bó đuốc đốt cháy sáng chạy trước dẫn đường để đề phòng hổ dữ, khi họ cần qua sông, thuyền bè phải đưa họ qua sông ngay, không được chờ đến chuyến. Vì thế, vào thời quân chủ, độ khẩn mã thượng phi đề thường chỉ dùng để chuyển sắc chỉ của nhà vua, trong những trường hợp thật khẩn cấp như thiên tai, bạo loạn…
Thông thường với những công văn có độ khẩn cao, các trạm cử người thay nhau đảm trách; mỗi người khi đến một trạm để bàn giao cho người đi tiếp sẽ xuất trình ống đựng công văn và một lá cờ đã được trạm trước ghi vào đó ngày giờ anh ta khởi hành. Trạm tiếp nhận ghi tiếp vào lá cờ ngày giờ anh ta đến trạm, đồng thời làm cơ sở xác định thời gian khởi hành của người kế tục. Hình thức kiểm soát này ngăn ngừa được sự chễnh mảng của người lính trạm.
Sang thời Pháp thuộc, công tác bưu chính viễn thông cũng được chính quyền thuộc địa xếp ưu tiên hàng đầu. Không đầy một tháng sau khi đến Sài Gòn nhậm chức (18.3.1860), ngày 11.4.1860, Đại tá Dariès đã ban hành một văn kiện ghi rõ:
- Thành lập tại Sài Gòn một văn phòng bưu chính đặt dưới sự giám sát của viên chức thu ngân
- Thư tín không phân phát tại nhà mà phải chuyển đến văn phòng các viên chức có thẩm quyền được quy định.
Như vậy có thể hiểu là trong thời kỳ đầu Pháp thuộc, nền bưu chính ở Sài Gòn chỉ nhằm phục vụ hệ thống công văn trao đổi giữa các đơn vị trong guồng máy quân sự và hành chánh của chính quyền thuộc địa. Sang đầu năm 1863, lãnh vực này đã được đại chúng hóa phần nào. Ngày 13.1.1863, Thống đốc Bonard ban hành nghị định số 15 chi tiết hóa tổ chức bưu chính tại Sài Gòn và những khu vực nằm dưới sự chiếm đóng của Pháp. Nghị định và các văn kiện tiếp theo nêu rõ cước phí thư tín chia theo trọng lượng thư dưới 10 gram, 20 gram và 40 gram. Tổ chức bưu chính lúc bấy giờ có 7 phòng rải rác ở khắp nơi, gồm Gia Định, Bà Rịa, Mỹ Tho, Gò Công, Tây Ninh, Thuận Kiều, Trảng Bàng. Tuy nhiên, sự ra đời của những phòng bưu chính hoạt động theo phương thức Âu Tây này vẫn chưa xóa sổ được hình thức trạm cổ điển còn phổ biến khắp nơi. Do nghị định số 55 ngày 24.4.1863, Bonard tái lập 6 trạm bưu chính trên đoạn đường Sài Gòn-Mỹ Tho, mỗi trạm do một viên Cai hay Đội phụ trách với số nhân viên từ 5 đến 10 người tùy điều kiện làm việc ở mỗi nơi. Họ được võ trang giáo mác, riêng Trưởng trạm được cấp con dấu điều hành. Các chính quyền địa phương có nghĩa vụ cung cấp thuyền bè cho những trạm cần vượt sông để chuyển thư tín.
Cũng trong năm 1863, Pháp phát hành những con tem đầu tiên trong lịch sử bưu chính Việt Nam. Tem hình vuông, in hình chim đại bàng với nhiều giá biểu khác nhau. Tuy nhiên, phải chờ đến ngày 1.4.1864, hệ thống bưu chính tại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ mới thực sự phục vụ công chúng, được hiểu theo một nghĩa hẹp là trong thành phần những người Pháp đang sống ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông và một thiểu số những người Việt Nam theo Tây học, hoặc đang làm việc trong bộ máy cai trị của Pháp. Công việc phát thư trong nội thành được giao cho một bưu tá lương tháng 30 franc, đi phát thư mỗi ngày hai lần, vào lúc 8 giờ và 16 giờ. Nhờ đường sá được mở mang, các phương tiện vận chuyển được cải tiến nên thời gian chuyển thư giữa hai địa phương được thu ngắn rất nhiều; thư từ Sài Gòn đi Mỹ Tho mất 21 tiếng đồng hồ, từ Sài Gòn đi Gò Công hết 16 giờ.

****
Trong khi bưu chính là công việc tiếp nối một cách mới mẻ hơn những gì đã diễn ra trên đất nước ta từ nhiều thế kỷ trước, thì viễn thông, chủ yếu là công tác điện báo, vào những năm đầu thập niên 1860 là “hiện tượng” mới xảy ra lần đầu trong xã hội Việt Nam. Ngay từ thời đó, điện báo luôn gắn liền với kinh tế và quân sự, khi sự chiếm đóng của Pháp làm bùng lên các cuộc khởi nghĩa ở nhiều nơi, khiến nhu cầu liên lạc, phối hợp giữa các đơn vị quân sự ngay càng bức thiết và điều này đã được thực dân Pháp đặt ra từ những năm 1861-1862. Ngày 27.3.1862, họ khánh thành đường dây điện báo đầu tiên dài 28 km nối liền Sài Gòn-Biên Hòa. Công việc thiết kế và thi công gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện vật chất, kỹ thuật vào thời đó. Đường bộ bị chia cách bởi một con kênh cách Sài Gòn 8 km và một nhánh sông ở Biên Hòa. Để giải quyết vấn đề này, Pháp phải khổ công đặt đường dây cáp ngầm ở những chỗ cắt. 18 giờ 30 phút ngày 27.3, hai bờ sông được nối liền, bức điện báo đầu tiên trong lịch sử viễn thông Việt Nam gửi đi từ Biên Hòa nhận được tại Sài Gòn sau 2 phút (Theo L. Malleret trong Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises năm 1936). Một viên chức ngành viễn thông lúc ấy là Lemire kể lại rằng ông ta cùng một đồng nghiệp đã cầm bức điện báo đầu tiên đi gặp Thống đốc Bonard lúc đó đang ngồi cùng Bộ tham mưu. Tất cả biểu lộ niềm vui mừng lớn lao, Bonard mời hai viên chức này ngồi vào bàn và nâng cốc chúc mừng:” Này các ông, tôi rất hài lòng về công tác của các ông. Tôi uống mừng sự thành công của ngành điện báo Nam kỳ từ lúc khởi đầu” Bonard vừa dứt lời, Trưởng ban tham mưu De Laveyssière phụ họa:”Chính các ông là những người có vinh dự khánh thành đường dây điện báo đầu tiên ở Nam kỳ”. Và cuối cùng, Lemire đã kết luận:”Đây sẽ là một công cụ lớn lao dành cho công tác bình định, và sau nữa, đây là một bước vĩ đại hướng về nền văn minh do thiên tài của nước Pháp mang lại trong vùng đất mới chiếm đóng của ta…” (BAVH số 1 năm 1944-trang 9).
Đường dây điện báo thứ hai dài 7 km, nối liền Sài Gòn-Chợ Lớn, khánh thành ngày 17.4.1862. Quãng trường nơi xây dựng trụ sở điện báo đầu tiên thời đó được gọi là “Quãng trường Đồng hồ” (Place de l’Horloge) nằm ở góc đường Catinat và De La Grandière (nay là đường Đồng Khởi và đường Lý Tự Trọng), đến năm 1870 mới bị phá bỏ.
Đầu tháng 6.1862, một sự kiện quan trọng diễn ra tại Sài Gòn; đó là lễ ký kết hòa ước Nhâm Tuất ngày 5.6.1862. Sứ bộ Việt Nam đến Sài Gòn, ngoài các vị Chánh, Phó sứ và Bồi sứ (Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản), còn có ông Phạm Văn Trung, quan lại phụ trách về bưu chính của triều đình Huế. Theo lời Lemire kể lại, nhân dịp này, một phái đoàn trong đó có ông Trung được mời đến thăm trụ sở cơ quan điện báo và người ta đã biểu diễn cho họ xem việc liên lạc giữa Sài Gòn với Biên Hòa và Chợ Lớn. Kết quả làm cho phái đoàn Việt Nam rất ngạc nhiên, có người không tin, nghĩ là họ bị lừa, đã nhìn thử dưới gầm bàn xem có gì không, nhưng họ chỉ gặp các hộc tủ trống rỗng…
Nhiều thập niên sau đó, công tác bưu chính viễn thông ngày càng được mở rộng, đảm bảo sự thông tin liên lạc của chính quyền thuộc địa được thông suốt, người dân bản xứ cũng nhờ đó mà cải thiện đời sống một phần nào.

Lê Nguyễn
9.10.2014


__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Dat_stamp (21-09-2016), HanParis (20-09-2016), HuyNguyen (23-09-2016), manh thuong (21-09-2016), Poetry (20-09-2016)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
giao lưu tem ĐQC.HTV6 Trao đổi - Cần mua 8 21-09-2014 20:19
An toàn giao thông đường bộ canto Tác phẩm của Bạn 19 03-10-2011 09:04
Giao lưu tiền cổ Việt nam 11111990 Tiền Xu 4 18-03-2011 15:56
giao lưu tiền mệnh giá 2 các nước phamtuananh Tiền Giấy 48 01-03-2009 14:01
Giao lưu tiền kỉ niệm các nước trithuc_nguyen Tiền Giấy 0 12-09-2008 18:59



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.