Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GÓC SƯU TẬP NGOÀI TEM > Vật phẩm Sưu tập khác > Các loại khác

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 25-05-2015, 22:55
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Talking Nghề Chơi :)

Hàn : Khi còn nhỏ Hàn rất tò mò với từ 'chơi', không hiểu ý nghĩa là gì? Trên TV có bàn về bệnh Giang Mai. Người lớn bảo tại chơi bời. Tôi chả hiểu và cố hỏi lại ông bà thì nghe ông bà bảo : lớn lên rùi mày biết hà. Vì lối giáo dục hơn nữa TK rất nghiêm khắc, ông bà ta rất mẫn cảm với mọi vấn đề về tính dục. Ngày nay, tuổi trẻ 12, 13 dù ở VN hay nước ngoài đều quán triệt về cái chơi rất sớm. Thật ra thì trên đời này có nhiều thú để chơi và không chỉ có tem bì đâu nhé. Có câu nói 'Học mà không chơi: đánh rơi tuổi trẻ. Chơi mà không học: bán rẻ tương lai. Cho nên qua topic này là loạt bài về Nghề Chơi. Chơi cái gì và tốn kém ra sao...

Kỳ 1 : Vua Lộc Bình Giấy

Có người nói anh dở hơi, bỗng dưng bỏ công việc ổn định để theo đuổi ý tưởng mơ hồ. Vợ anh từng "hết nước mắt" khi anh quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Còn anh quyết theo đuổi niềm đam mê đến cùng.

Từ những sóng giấy
Anh Hàn Quốc Định (49 tuổi, ở P.Vĩnh Hải, TP.Nha Trang) đến với lộc bình giấy như duyên trời định. Sau 18 năm làm việc tại một công ty bao bì ở Nha Trang, những sóng giấy carton cứ lặp đi lặp lại đã gieo vào suy nghĩ của anh Định về điều gì đó bất tận. Trong anh hình thành ý tưởng làm sao để những cuộn giấy này trở nên có hồn, sống động qua một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng tác phẩm cụ thể là gì thì phải mất hai năm trăn trở anh mới biết đó là lộc bình giấy.


Họa sĩ Hàn Quốc Định bên cặp lộc bình giấy hình rồng thời Lý - Ảnh: Nguyễn Chung

Nhiều người tin rằng lộc bình có thể đem lại sự sung túc về tiền bạc, phát tài phát lộc, sự sinh sôi nảy nở, những điều mới mẻ, may mắn cho gia chủ. Người có cách nhìn phong thủy nói rằng, hình dạng của lộc bình (thân phình to, cổ thắt lại, miệng loe ra) có tác dụng thu và giữ khí rất tốt, nhất là khi kết hợp với các hoa văn uốn lượn hoặc trạm trổ rồng, phượng sẽ làm tăng thêm sự huyền ảo, lưu chuyển, tụ hội của trường năng lượng. Thú chơi lộc bình có từ xa xưa, lộc bình bằng chất liệu gỗ là phổ biến nhất, về sau có lộc bình bằng pha lê, đá quý, mạ vàng... nhưng lộc bình bằng giấy thì trước anh Định có lẽ chưa ai làm.
Từ khi niềm đam mê trong anh hối thúc, ngoài công việc ở công ty, anh Định hầu như dành hết thời gian cho lộc bình giấy. Cuối năm 2012, sau gần 4 tháng tỉ mỉ cắt dán từng mẩu giấy để tạo hình bình và hoa văn, anh Định hoàn thành cặp lộc bình khổng lồ có hình rồng thời Lý, chiều cao hơn 2 m, mỗi chiếc nặng 40 kg, chu vi lớn nhất của bình 1,9 m, nhỏ nhất 0,72 m, hoa văn hình rồng dài 4,1 m. Hình ảnh con rồng thời Lý mình thon mềm mại, uốn khúc hình sin, bàn chân có 3 ngón tượng trưng: thiên, địa, nhân; miệng rồng ngậm minh châu, xung quanh đầu cũng có những viên châu. Bề mặt lộc bình được phủ lên một lớp nhũ vàng, nhằm tăng tính thẩm mỹ và độ bền cho tác phẩm. “Từng chi tiết nhỏ nhất trên tác phẩm đều phải được làm tỉ mỉ, vì nếu không biết trân trọng những cái nhỏ thì không thể tạo nên những điều lớn lao hơn. Khó nhất là làm sao tạo ra con rồng có hồn, sống động, vừa uy vũ vừa mềm mại, uyển chuyển”, anh Định nói.
Hiện cặp lộc bình này đã được anh Định đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam, sau đó bán đấu giá để làm từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo.
Bỏ việc theo đam mê
Anh Định kể: “Càng ngày tôi càng mê lộc bình giấy, kể cả lúc ăn, lúc ngủ tôi cũng lên ý tưởng cho những chi tiết nhỏ nhất. Tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc từ đầu năm 2013, vì đi làm mà đầu óc cứ nghĩ đến lộc bình giấy thì không làm được. Nhiều người cho tôi là dở hơi, bạn bè nói là “đi trên mây”, vợ thì khóc lóc vì sắp tới không biết lấy tiền đâu mà sống. Tôi đã đấu tranh tư tưởng cả năm trời, giữa một bên là đam mê nghệ thuật và một bên là miếng cơm manh áo. Cuối cùng tôi theo đam mê”.
Sau khi hoàn thành cặp lộc bình giấy hình rồng thời Lý, anh Định hứa với lòng sẽ làm một cặp lộc bình lớn hơn, đẹp hơn tặng Trường Sa. Nghỉ việc ở công ty, anh toàn tâm toàn ý thực hiện ước muốn của mình. Đến nay, cặp lộc bình có tên Việt Nam long hình đồ đã cơ bản hoàn thành, mỗi chiếc cao 2,41 m, nặng khoảng 60 kg, chu vi lớn nhất 2,4 m, nhỏ nhất 0,72 m. Trên thân lộc bình, một mặt là bản đồ Việt Nam mang dáng hình con rồng đang bay lên, chân rồng ôm chặt lấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một mặt hình ảnh cột mốc chủ quyền hai quần đảo ấy. Hoa văn trang trí trên cổ lộc bình là những cánh hoa sen. Anh Định nói: “Có người gợi ý tôi làm lộc bình bằng khung tre, lớp bên ngoài sử dụng giấy, để có thể hoàn thành tác phẩm nhanh hơn, nhưng tôi không chịu. Tất cả đều phải được làm từ giấy, bản đồ hình rồng được gắn kết với nhau từ hàng ngàn mẩu giấy nhỏ”.
Khi được hỏi: “Làm thế nào để cặp lộc bình giấy có độ bền trong điều kiện nắng gió ở Trường Sa?”, anh Định cười nói: “Tôi có kinh nghiệm trong ngành bao bì nên sử dụng các chất chống thấm không độc hại để tăng “tuổi thọ” cho tác phẩm. Cặp lộc bình đảm bảo không bị thấm nước, không bị mối mọt và chịu được va đập”.

Mong muốn lớn nhất của anh Hàn Quốc Định là từ ý tưởng của mình có thể phát triển thành nghề làm lộc bình giấy, anh sẽ nhận những trẻ em nghèo để truyền nghề.


Nguồn : http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-...ay-439198.html
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
cuongcanna (26-05-2015), manh thuong (26-05-2015), thehung (29-05-2015)
  #2  
Cũ 25-05-2015, 23:41
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 2: Hai người và 5.000 chiếc cối đá

Tôi hỏi cả hai người còn khá trẻ này rằng sưu tầm làm chi ba cái thứ bỏ đi ấy? Cả hai đều nói: “Cũng là một cách để nhớ về tổ tiên mình”. Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu, 37 tuổi, sở hữu 1.500 cối đá, còn anh Huỳnh Hữu Lộc, 35 tuổi đang có trong tay đến 3.500 cối đá.

Xin được tiết lộ ngay để bạn đọc khỏi hiểu nhầm: cả hai người này đang ở cùng xóm (chứ không phải “cùng nhà”) thuộc vùng ngoại ô TP.Nha Trang. Họ có cùng đam mê nhưng “không thèm quan tâm nhau” vì mỗi người đang cai quản một vương quốc cối đá của riêng mình. Có kẻ bảo họ là “hai người khùng”, còn những ai am tường về văn hóa cổ thì cho rằng họ là những thanh niên đáng để lớp người trẻ hôm nay phải ngẫm lại mình mỗi khi nhắc đến hai từ “gốc gác”.


Huỳnh Hữu Lộc bên những chiếc cối đá của anh - Ảnh: Nguyễn Chung
Níu giữ quá khứ
Trông bề ngoài, anh Huỳnh Hữu Lộc cũng thô ráp như những chiếc cối đá mà anh đang sở hữu, nhưng trong anh là cả một nỗi niềm đau đáu với quá khứ: “Ngay cả ở nông thôn bây giờ, những gia đình nông dân nghèo không đủ tiền mua sữa hộp, họ cũng không phải vất vả xay bột cho trẻ bằng những chiếc cối đá nữa. Chỉ cần bỏ cháo vào máy xay, ấn nút điện chừng vài phút là đứa trẻ đã có những gì mình cần. Mỗi khi nghĩ đến điều ấy, lòng tôi lại ngùi ngùi một nỗi thương cảm về những người mẹ ngày xưa đã phải vất vả như thế nào khi chôn chân hàng giờ bên những chiếc cối đá để cho con mình có một bữa ăn. Mà đâu phải gia đình nào cũng có được chiếc cối đá để xay bột. “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Có những bà mẹ phải mớm cho con bằng cái cách nhai cơm thay cối đá như vậy”.
Tôi cắt đứt dòng hồi tưởng của Lộc: “Được biết anh là dân Nha Trang, tuổi thơ anh không gắn với ruộng đồng mà sao anh lại có vẻ “thua đủ” với chuyện quê kiểng, đặc biệt là những chiếc cối đá?”. Lộc cười hiền như... chiếc cối: “Bà ngoại tôi là người Huế, nhưng ở vùng nông thôn. Lúc nhỏ, mỗi lần về quê ngoại, tôi được bà tưới tắm cho những câu chuyện “đời xưa”, trong đó có những câu chuyện về chiếc cối đá. Tôi cứ ám ảnh về những câu chuyện ấy từ bà. Lớn lên một chút, tôi tự nhủ lòng, mình phải làm một điều gì đó để giữ lại một góc quá khứ mà cuộc sống xô bồ hôm nay có thể làm mọi người quên nó. Và tôi đã chọn những chiếc cối đá này để làm hành trang đưa tôi về quá khứ”.
Bắt đầu từ năm 2008, trong một chuyến “phượt” ở vùng Tây Sơn, tỉnh Bình Định, chiếc cối đá đầu tiên có tuổi thọ chừng 150 năm đã đến với Lộc. Cái khó của người chơi thứ đồ cổ không ra cổ này là người bán họ không định được giá nên người mua không biết bao nhiêu là được. Họ vứt những chiếc cối đá ấy lăn lóc một cách thảm thương nhưng tự dưng có người hỏi mua là chủ nhân của nó chợt “giật mình” ngay và không muốn bán chúng. Lộc đã kiên trì thuyết phục, mua cho bằng được rồi bỏ lên xe máy đưa về. 3.500 chiếc cối đá mà Lộc đang sở hữu là kết quả của những chuyến lùng sục suốt 5 năm qua trên hầu khắp các tỉnh miền Trung. Tôi hỏi Lộc: “Nếu chỉ thỏa mãn lòng đam mê “níu giữ quá khứ” bằng những chiếc cối đá thế này thì lãng phí quá?”. “Ồ, không. Khách Tây họ đến rất đông để xem. Tôi đã nảy ra ý định và bắt đầu xây dựng một “làng du lịch” mà “nhân viên” sẽ là những bà mẹ quê chỉ chuyên dệt chiếu. Các mẹ, các chị sẽ sống được với nghề bên những chiếc cối đá này”. Níu giữ chút quá khứ để phục vụ cho cuộc sống hiện tại cũng là một cách “nuôi” niềm đam mê có tính căn cơ ở chàng trai này.
Đá kể chuyện đời
Cũng bắt nguồn từ việc mắc nợ với quá khứ nhưng quan niệm của nữ kiến trúc sư 37 tuổi Nguyễn Thị Minh Hiếu khi bỏ ra 12 năm để sưu tầm 1.500 chiếc cối đá thì có cách nghĩ khác với anh “hàng xóm” của mình: “Mỗi chiếc cối đá đều có hai thớt trên và dưới. Người đàn bà bao giờ cũng nhận phần thiệt về mình khi phải chịu đựng sự “xoay vần”. Phải biết hy sinh và chịu đựng như thế thì gạo mới thành bột được. Với lại, tôi rất thích nghe những chiếc cối đá ấy “kể” về mình. Mỗi câu chuyện như những triết lý về nhân sinh và cách ứng xử ở đời”.
Hiếu kể, trong một chuyến đi dọc bờ sông An Cựu - Huế, cô phát hiện ra chiếc cối đá lăn lóc ở góc vườn. Cô hỏi mua nhưng chủ nhân chối từ bằng một câu chuyện: “Năm Mậu Thân, nhà cháy hết chỉ còn lại mỗi chiếc cối này. Chúng tôi muốn giữ nó để nhắc với con cháu đừng bao giờ quên cuộc chiến tranh tàn khốc ấy và sự “bền lòng” của chiếc cối đá như thách thức với hết thảy đạm bom”. Lại có chiếc cối đá của một gia đình bá hộ thuở xưa ở Long An. Cứ tưởng sẽ khó mua được chiếc cối của một gia đình quyền uy một thời này nhưng vừa hỏi, chủ nhân đã bán ngay như thể họ muốn xóa đi cái dấu vết vàng son giờ đã khánh kiệt vậy.
Quê Hiếu cách Nha Trang chừng 10 cây số - một làng quê chuyên làm bánh và bún từ bột gạo. Cô lớn lên bên những chiếc cối xay bột cùng người bà hay kể chuyện tích xưa tuồng cổ. Ngày Hiếu lấy chồng, bà hỏi đứa cháu đầy cá tính của mình: “Cháu thích bà tặng món quà gì nhất nào?”. Hiếu trả lời không cần suy nghĩ: “Chiếc cối đá của bà!”. Lúc đầu bà còn ngạc nhiên nhưng rồi bỗng nhận ra, đứa cháu của bà muốn kéo cả quá khứ khó nghèo của gia đình cùng về thành phố ấy mà. “Làm sao có thể chối bỏ được gốc gác của mình, phải không anh?”, Hiếu nói. Vì vậy, trong một “rừng” cối đá được sắp xếp rất mỹ thuật của Hiếu, bao giờ cô cũng kê bên dưới chiếc giường của mình chiếc cối đá của bà như để nhắc nhở về một thuở cơ hàn chưa xa.
Sở hữu 3 căn biệt thự hạng “khủng” nhưng cô kiến trúc sư ấy không coi đó là “gia tài đáng giá” bằng 1.500 chiếc cối đá mà cô đã đánh đổi suốt 12 năm qua để có được. Tôi cứ trộm nghĩ, giá như “cặp đội cối đá” Lộc - Hiếu ấy cùng “hợp lực” thì những chiếc cối vô tri kia sẽ biết cựa quậy để nói với du khách về quá khứ của nó, cũng là quá khứ của đất nước từng đi qua khó nghèo và binh lửa suốt mấy trăm năm.

Trần Đăng

Nguồn : http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-...da-439196.html


Kỳ 3: Sưu tập văn nghệ sĩ trên đĩa sứ

Phải mất nhiều năm với hàng trăm lần lặn lội vào nam ra bắc, anh Trần Quốc Ẩn (52 tuổi, ở P.Phương Sài, TP.Nha Trang) mới có trong tay bộ sưu tập hơn 100 chữ ký văn nghệ sĩ nổi tiếng trên đĩa sứ.

Ngồi buồn lấy đĩa vẽ chơi
Năm 1985, anh Ẩn tốt nghiệp Trường m nhạc Huế (nay là Học viện m nhạc Huế). Về công tác tại Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa) được 12 năm, anh chuyển qua làm nghề vẽ quảng cáo. Tìm thấy niềm vui khi cầm bút vẽ rồi bén duyên với thư pháp lúc nào không hay, đến mức chính anh cũng không ngờ thư pháp là cái nghiệp gắn với đời mình đến ngày hôm nay.



Anh Trần Quốc Ẩn bên những đĩa sứ có họa chân dung và chữ ký các văn nghệ sĩ nổi tiếng - Ảnh: Nguyễn Chung

Anh Ẩn kể: “Tôi mê thư pháp, nhưng cũng luôn muốn khám phá những cái mới. Cuối năm 2005, trong lúc ngồi buồn, tôi lấy chiếc đĩa sứ thường ngày đựng thức ăn rồi cầm bút phác họa chân dung một nhạc sĩ lên mặt đĩa. Mới đầu định làm vài cái tặng bạn bè, nhưng càng làm tôi càng hứng thú, rồi mê luôn. Tôi nảy sinh ý tưởng thực hiện bộ sưu tập chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng và chữ ký của họ trên đĩa sứ”. Việc đưa hình lên đĩa sứ đã có từ lâu và nhiều người làm, nhưng “chơi trội” bằng cách cầm đĩa sứ lặn lội khắp nơi xin chữ ký của các văn nghệ sĩ thì trước anh Ẩn có lẽ chưa ai làm. Hành trình xin chữ ký mới làm người chơi tốn nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc.
Để thực hiện ý tưởng của mình, anh Ẩn mất hơn một năm tự nghiên cứu để đưa chân dung các nhân vật lên mặt đĩa sứ bằng cách riêng của mình. Công đoạn này anh thường phải làm đi làm lại, có khi cả mấy chục lần mới ưng ý. Mỗi nhân vật, anh thực hiện trên hai đĩa, một để xin chữ ký giữ lại cho mình và một tặng cho người ký. Sau đó, anh bắt đầu vác đĩa đi xin chữ ký. “Trước mỗi chuyến đi, tôi đều toan tính xem có thể gặp được những ai thì nhét đĩa sứ có hình họ vào ba lô, để nếu gặp là chớp cơ hội ngay. Tháng 8.2007, tôi tình cờ gặp nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM). May mắn, tôi mang sẵn đĩa có hình nghệ sĩ và không khó để có được chữ ký lên chiếc đĩa sứ đầu tiên”, anh Ẩn kể.

Đam mê quên gian nan

Để thỏa đam mê, anh Ẩn lặn lội nhiều tỉnh, thành nhằm bổ sung thêm chữ ký của các văn nghệ sĩ nổi tiếng vào bộ sưu tập. Cuối năm 2007, anh thuê ô tô ra tận Thanh Hóa, trên tay cầm một tấm bản đồ địa phương, đi đến đâu hỏi đường đến đó, cuối cùng anh cũng tìm được nhà của nhà thơ Hữu Loan. Sự có mặt của anh Ẩn khiến nhà thơ rất bất ngờ, càng bất ngờ hơn khi nghe chàng trai lạ tâm sự về việc đi hàng trăm cây số đến đây chỉ để xin một chữ ký. Nhìn chân dung mình trên chiếc đĩa sứ, nhà thơ Hữu Loan không ngần ngại đặt bút.
Đi xa mà có được điều mình muốn thì vui quên cả mệt, nhưng người chơi cũng hàng chục lần “mất công” vì không gặp được nhân vật. Như việc xin chữ ký của ca sĩ Lam Trường, anh Ẩn vào TP.HCM đến 6 lần tìm gặp nhưng cuối cùng lại được ca sĩ này ký tặng trong một lần ra Nha Trang. Có không ít văn nghệ sĩ mà phải 4 - 5 chuyến đi anh Ẩn mới có được chữ ký của họ. Không phải anh bị từ chối mà vì anh không tiếp cận được, có khi lịch trình của nghệ sĩ thay đổi hoặc anh lại chậm chân.
Theo anh Ẩn, khó nhất là xin chữ ký của các văn nghệ sĩ hải ngoại, các diễn viên nước ngoài nổi tiếng, vì cơ hội tiếp cận họ rất hiếm. Năm 2010, biết tin Lục Tiểu Linh Đồng, diễn viên đóng Tôn Ngộ Không trong phim Tây du ký sang Việt Nam và theo kế hoạch sẽ giao lưu với người hâm mộ, anh Ẩn chuẩn bị hai đĩa sứ có hình Tôn Ngộ Không và “khăn gói” vào TP.HCM. Sau buổi giao lưu, anh Ẩn nhờ cô phiên dịch nói lên tâm sự của mình với Lục Tiểu Linh Đồng và “Tôn Ngộ Không” đã vui vẻ nhận lời ký tên lên chiếc đĩa sứ, đồng thời “xin” chiếc đĩa còn lại trên tay anh Ẩn về làm kỷ niệm. “Mỗi khi nghe chương trình nào có ca sĩ hải ngoại về nước hay nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng đến Việt Nam, nhận thấy trong bộ sưu tập của mình chưa có chữ ký của họ là tôi lại lên đường. Ngoài việc nắm lịch biểu diễn của họ, tôi còn phải “canh me” từng giây, từng phút để tìm cơ hội xin chữ ký”, anh Ẩn chia sẻ.
Đến nay, bộ sưu tập của anh Ẩn đã có trên 100 tác phẩm chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng có chữ ký của chính họ như các ca sĩ: Siu Black, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Anh Khoa...; các nghệ sĩ hài: Hoài Linh, Chí Tài, Thúy Nga…; các nhạc sĩ: Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9… “Do công việc bận rộn, sức khỏe không còn như trước nữa nên các chuyến đi xa để xin chữ ký thưa thớt hơn. Dẫu vậy niềm đam mê sưu tầm chữ ký văn nghệ sĩ trên đĩa sứ luôn thúc giục tôi tiếp tục săn tìm”, anh Ẩn nói.

Nguyễn Chung



__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!

Bài được HanParis sửa đổi lần cuối vào ngày 26-05-2015, lúc 06:05
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
cuongcanna (26-05-2015), manh thuong (26-05-2015), thehung (29-05-2015)
  #3  
Cũ 26-05-2015, 05:53
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 4: Hai vua chim cảnh ở Huế

Giới chơi chim cảnh cả nước hầu như ai cũng biết họ - hai người nổi tiếng ở cố đô Huế. Không chỉ sở hữu nhiều chim chào mào quý, là quán quân của nhiều cuộc thi, mà họ còn là bậc thầy về chơi chim.

Gia tài hơn 400 chim chào mào
Rong ruổi bẫy chim khắp nơi từ thuở lên 10, ông Võ Duy, một nghệ nhân chơi chim ở Huế, được nhiều người nể phục bởi khả năng hiểu chim, nhìn chim. Ông Nguyễn Hữu Tín, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chim cảnh TP.Huế, cho biết: “Ông Duy là người kỳ cựu về chơi chim ở Huế. Ông là một nghệ nhân thực thụ. Ông không chỉ sở hữu gia tài lớn về chim mà còn nhiều hiểu biết về chim hơn người khác. Ông được mọi người cử làm tổ trưởng tổ trọng tài chim cảnh TP.Huế và nhiều anh em chơi chim cả nước mời làm trọng tài trong nhiều cuộc thi lớn”.
Trong ngôi nhà ba tầng của mình, gia đình ông Duy sống ở tầng một, hai tầng còn lại là không gian của hơn 400 chú chào mào. Ông Duy cho biết trước đây ông chơi nhiều loài chim như khướu, họa mi, chích chòe... nhưng bây giờ ông chỉ chơi một loại là chào mào. Người Huế thường gọi chào mào là miều - một loài chim thông minh, hót hay.


Ông Thạnh và những “chiến binh” chào mào - Ảnh: Tuyết Khoa

Tuổi thơ của ông phần lớn gắn liền với chim. Thuở lên 10, một buổi học, một buổi xách lồng đi bẫy chim. “Nhiều khi tôi và vài người bạn đi bẫy chim bốn năm ngày trong rừng sâu ở Thừa Thiên-Huế như huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền... Nhiều buổi đi bộ hàng chục km đường rừng. Mệt nhưng vui. Những con chim hoang được bẫy về phải đào tạo 1-2 năm mới trở thành những chiến binh tốt, hót hay, nhảy đẹp. Tôi là người thích sưu tầm chim chào mào. Gặp chim nào có tố chất là tôi không bỏ lỡ”, ông Duy chia sẻ.
Theo ông Duy, để có một con miều đẹp, hót hay, ngoài tố chất thì phải biết nuôi dưỡng nó, tức là phải có chế độ ăn uống, vận động, ngủ nghỉ hợp lý. Việc chăm sóc chim công phu hơn cả chăm con mọn. Trời mưa, trời nắng đều có chế độ riêng, thức ăn phải pha chế theo khẩu vị riêng của nó, theo dõi sức khỏe hằng ngày. Chim cưng được ở trong những chiếc lồng tinh xảo vài chục triệu đồng, được làm từ những nghệ nhân lồng chim nổi tiếng đất cố đô.
“Sáng nào tôi cũng đem 1-2 con chim đi uống cà phê giao lưu với những con khác để chúng luyện tập. Chim lớn lên dưới sự huấn luyện của mình, đôi khi bạn sẽ tưởng chừng như con của mình vậy. Thấy nó buồn mình cũng buồn theo. Dù ai có trả bao nhiêu tiền để mua nó thì mình cũng không nỡ. Chào mào là loài khôn, mến chủ, biết người, biết đối thủ. Nó là người bạn tuyệt vời, chỉ nhìn nó nhảy múa là mình vui rồi”, ông Duy nói.
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
cuongcanna (26-05-2015), manh thuong (26-05-2015), Poetry (26-05-2015), thehung (29-05-2015)
  #4  
Cũ 26-05-2015, 05:58
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 05: “Gã khùng” thành Nam

Mới chơi cổ vật vài năm nhưng Bùi Văn Quang rất nổi tiếng. Bạn bè ở Nam Định gọi anh là “gã khùng” vì thấy anh tích cóp được đồng nào là lần mò đi “săn” đồ cổ, sau đó lại bỏ công đến tận bảo tàng, nhà trường để... tặng.

Chiều 26.4, giọng Bùi Văn Quang hồ hởi qua điện thoại: "Tôi vào đến Huế rồi, đang trên đường vào tặng Bảo tàng TP.HCM bản chiếu chỉ của vua Minh Mạng ban cho Đội trưởng pháo binh Tôn Thất Trực khi đánh đuổi được quân của Lê Văn Khôi ra khỏi thành Con Rùa” (thành Sài Gòn).
Trước đó gần nửa tháng, ngày 12.4, Quang làm giới chơi cổ vật thành Nam xôn xao khi anh quyết định đem hiến tặng cho đền Bảo Lộc (xã Bảo Lộc, H.Mỹ Lộc, Nam Định) một đạo sắc phong cổ quý hiếm do vua Thiệu Trị triều Nguyễn ban cho vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1845.

Sưu tầm rồi đem đi... tặng
Quang kể: "Nhân duyên đưa tôi đến với thú sưu tầm đổ cổ nói chung, đặc biệt là các đạo sắc phong nói riêng, bắt nguồn từ cái thạp cũ của gia đình còn sót lại ở quê. Quê tôi vốn ở Liên Minh (H.Vụ Bản, Nam Định), sau khi về dọn dẹp nhà cũ, thấy có cái thạp còn sót lại với những chữ ghi trên đó. Tôi không biết đọc chữ Hán Nôm, một phần cũng tò mò nên mang đi hỏi một số nơi. Quá trình đó giúp tôi tìm hiểu thêm được nhiều thứ, dần dà hình thành sở thích sưu tầm đồ cổ”. Hiện bộ sưu tập đồ cổ của Quang khá đa dạng, bao gồm các hiện vật từ Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm..., đồ ký kiểu (sành sứ) thời nhà Nguyễn, các di sản Hán Nôm...
Mới chơi cổ vật được vài năm nhưng Bùi Văn Quang khá nổi tiếng. Lý do chỉ vì anh say mê tìm tòi, lặn lội đi sưu tập cổ vật, đặc biệt là các sắc phong, rồi sau đó lại đem đi... hiến tặng. Đến nay, Quang không nhớ hết mình đã sưu tầm được bao nhiêu chiếu chỉ, sắc phong, tặng cho bao nhiêu nơi. Một số cổ vật quý hiếm anh mang tặng có thể kể đến như viên gạch thời Lý có ghi dòng chữ “Lý Gia Đệ Tam Đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo”, niên đại 1065 và tờ địa bạ liên quan đến đất đai, lập năm 1937, tặng cho Bảo tàng Nhân học (thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội). Anh cũng tặng Bảo tàng Đà Nẵng (nằm trong khuôn viên di tích quốc gia thành Điện Hải) bản sắc phong chức cho một vị quan trấn giữ thành Điện Hải. Năm 2011, anh tặng Bảo tàng Nam Định một bức sắc phong thời hậu Lê niên hiệu Đức Long thứ 4 (1632), để lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị... Ngoài ra, các bảo tàng khác như Vĩnh Long, Hưng Yên, nhiều dòng họ trong cả nước cũng đã được Quang tặng cổ vật. Anh đã hiến tặng trên 60 đạo sắc phong trên phạm vi cả nước.



Bùi Văn Quang (trái) hiến tặng đạo sắc phong cổ cho đền Bảo Lộc - Ảnh: Hoàng Long

Có đồng nào là thả vào đồ cổ
Ngôi nhà nhỏ của Quang ở đường Quang Trung, TP.Nam Định có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng vì nó không giống như trong trí tưởng tượng về những gian phòng khách sang trọng, tiện nghi của một đại gia đồ cổ. Tất cả đồ đạc của Quang đều đơn giản, mộc mạc như ở bất kỳ một gia đình công chức nào. Như đọc được suy nghĩ của khách, Quang cười chia sẻ: “Có đồng nào là thả vào đồ cổ hết rồi”.
Dân trong nghề mỗi lần thấy Bùi Văn Quang đem tặng cổ vật lại chép miệng gọi anh là “gã khùng”, bởi chỉ cần bán đi một số đồ quý, Quang có thừa tiền để mua nhà, trang bị tiện nghi và đi làm bằng ô tô xịn chứ không phải chiếc xe máy cọc cạch như hiện nay.
Lý giải về sự “khùng” ấy, Quang cho biết: “Bây giờ “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ sứ”, người giàu lại có mốt thích sắc phong, chiếu chỉ nên những thứ tôi hiến tặng đều rất có giá. Nhưng khi người ta yêu thích đến say mê một cái gì đó thì sẽ quên đi giá trị vật chất, để cái đó được tỏa sáng, phát huy hết giá trị của mình”.
Bùi Văn Quang nói anh chỉ mong mọi người cùng được chiêm ngưỡng, nghiên cứu và qua đó có thể hiểu rõ những giai đoạn lịch sử nước nhà. “Khi đã nghiện thú chơi này rồi, trong tôi luôn xuất hiện ý nghĩ: sưu tầm được cổ vật sẽ trả về đúng nơi chúng xuất phát để chúng tỏa sáng nhất, phát huy hết giá trị lịch sử và thuận lợi cho nghiên cứu khoa học”, Quang tâm sự.
Nhưng để trở thành “kẻ khùng” cũng không ít gian nan. Có bao nhiêu tiền dành dụm, Quang đổ hết vào cổ vật. Vì vậy, nhiều lúc vì cổ vật mà mấy tháng liền anh không đưa lương cho vợ. Đang là một viên chức tại Sở Giao thông vận tải Nam Định, đồng lương hằng tháng không đủ để mua được một đạo sắc phong, nhưng cứ nghe có sắc phong cổ là anh chạy vạy vay mượn để mua bằng được rồi trả dần. Bí quá thì đổi cổ vật đang có. Quang kể đã nhiều lần rứt ruột vì hết tiền, phải đổi chiếc trống đồng hay bình gốm hoa nâu lấy đạo sắc phong để đem tặng.
Rồi mỗi lần sưu tầm được một sắc phong, ngoài việc tự tìm hiểu, anh còn nhờ mọi người thẩm định, dịch chữ giúp mình để tăng thêm tính xác thực. Sau đó anh tìm nguồn gốc, nơi phù hợp để tặng, khi thì tặng đền chùa đình miếu, lúc tặng bảo tàng, có khi là từ đường một dòng họ nổi tiếng.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, nói: "Giá như tất cả những ai chơi cổ vật đều có một phần cái “khùng” ấy của Quang thì đáng quý biết bao!".


Nguồn : http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-...am-439134.html
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
cuongcanna (26-05-2015), manh thuong (26-05-2015), Poetry (26-05-2015), thehung (29-05-2015)
  #5  
Cũ 27-05-2015, 05:47
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Smile

Kỳ 20: Người Mê Tem

Xin tạm nhảy tập vì Hàn cảm thấy bác 'Vua Tem' trong bài này... trông quen quen!

Năm nay đã bước vào tuổi 65 nhưng ông Trần Hữu Huệ vẫn "máu lửa" với từng con tem và bì thư cũ. Hơn 50 năm đeo đuổi, hiện ông Huệ sở hữu nhiều bộ tem quý và đắt giá.

Nhà ông Huệ (ở thị trấn Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) luôn là điểm hẹn của những người quan tâm đến tem, bì thư cũ. Trên căn gác nhỏ đầy các bao thư đã ám màu thời gian vàng ố, hai tấm bản đồ được dán từ hàng ngàn con tem gồm bản đồ thế giới và bản đồ Đông Dương luôn tạo sự thú vị cho người quan tâm. Bản đồ thế giới thì ông dùng các con tem cùng màu để diễn tả châu lục, vùng núi, vùng biển..., còn bản đồ Việt Nam ông thể hiện sinh động từng vùng miền bằng những con tem riêng như thủ đô Hà Nội là con tem cờ đỏ sao vàng, quần đảo Trường Sa có tem Trường Sa...





Con tem quý Hải Đội Hoàng Sa phát hành năm 1988 - Ảnh: Thanh Dũng

Trong bộ tem của ông Huệ có nhiều con tem quý như bộ tem phát hành năm 1951-1952 in hình Bác Hồ, có người trả ông 2.000 USD một con tem sống, 5.000 USD cho tem chết còn dấu bưu điện trên bao bì nhưng ông không bán.

Ông nói: “Tem đó do Sở Bưu điện Liên khu 5 in và phát hành, nhưng đến nay vẫn chưa xác định đã phát hành được bao nhiêu con. Đấy là con tem phổ thông in bằng thủ công, bốn cạnh góc tem chưa có dấu răng như tem thường nên giá trị lịch sử rất quý. Đây là tem sự vụ dành cho cơ quan công vụ, giá 1 con tem thời đó là 300 gr thóc, phát hành rất hạn chế”.
Ông Huệ còn sở hữu được bộ tem Hoàng Sa và Trường Sa do họa sĩ Trần Lương thực hiện, bộ này in vào năm 1988. Ông Huệ nói bộ tem này gồm 2 mẫu, trong đó mẫu tem Hải đội Hoàng Sa vẽ hình người lính và chiếc thuyền giá 10 đồng/tem, tem Trường Sa và Hoàng Sa trên bản đồ cổ giá 100 đồng/tem.

Ông Huệ giải thích tuy hai tem này phát hành cùng thời điểm, nhưng do chênh lệch giá nên thông thường người ta dùng tem 100 đồng gửi thư hơn là tem 10 đồng phải dán tới 10 con tem. Và vì thế tem 10 đồng trên bì thư có rất ít nên chúng càng có giá trị sưu tập.

Giới chơi tem nể phục ông Huệ bởi ông là người sở hữu đa dạng các bộ tem về Bác Hồ với hàng trăm tem. Đó là các mẫu tem Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ với Mạc Thị Bưởi...

Năm 1998, ông Huệ đã hoàn tất bộ tem gồm 400 con tem về Bác với chủ đề Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Ông Huệ cho biết sau này một số bảo tàng, cá nhân đề nghị ông tặng, sang nhượng lại bộ tem về Bác nhưng ông không chịu vì “những con tem đó có giá trị thời gian vô giá, không phải muốn tìm là được”.

Triết lý tem
Nhiều người hỏi ông sao lại mê tem mà không mê thứ khác, ông Huệ trả lời con tem là vật chết nhưng ẩn chứa một quá trình biến động lịch sử, niềm tự hào của quốc gia về lãnh thổ. Ông Huệ nói: “Các quốc gia khi phát hành tem đều lựa biểu hiện tốt đẹp, độc đáo của đất nước đưa lên, qua đó đã giới thiệu về bản sắc đất nước họ. Như nước Ý thì con tem có hình tháp nghiêng, nước Úc có hình con kangaroo...”.

Theo ông Huệ, nhìn con tem đơn giản lắm nhưng để lưu trữ được chúng là cả vấn đề, phải có đam mê yêu thích mới đeo đuổi được. Ông nói, ví dụ như con tem để lồng trong kính nếu gặp ánh sáng chiếu vào tem mau phai màu, hư cũ. Còn khi mưa gió, ẩm độ thì tem và lớp keo hồ trên tem cũng dễ bị tác động bong tróc hay xuống màu.

Ông lục lọi chồng bì thư đưa ra những bao thư đã ố, nét chữ đã phai mờ. Ông giải thích ngày 9.8.1958, Phú Thọ bị lụt bão đã gửi thư cho Phủ Thủ tướng nhưng bì thư là tờ báo cũ xếp lại thành bao thư, trên bao thư dán mảnh giấy trắng ghi địa chỉ gửi Phủ Thủ tướng. Ông Huệ nói đấy là thời điểm cả nước đang thực hiện tiết kiệm theo yêu cầu của Bác nên đã tận dụng mọi thứ...

Năm 2007, ông Huệ tự tin đem bộ sưu tập tem qua Thái Lan dự thi và ông đã đoạt được giải bạc châu Á với bộ sưu tập Lịch sử tem bưu chính Việt Nam giai đoạn 1954-1961. Bây giờ đã vào tuổi cao niên nhưng ông Huệ vẫn đeo đuổi thú chơi tem. Ông Huệ giải thích, hiện nay ông đã sưu tập được 24 bộ tem đủ các loại với hơn 200.000 con tem, 20.000 bao thư cũ nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ vì thế giới tem rất phong phú đa dạng. Ông Huệ cho biết: “Năm tôi 14 tuổi, nhìn thấy con tem là mê liền. Nó như một bức tranh tí hon nhìn say mê không chán. Từ đó như có cái duyên, tôi mê tem và theo đuổi sưu tập tem, bì thư cũ xưa, không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc đã đổ vào đó. Rất may vợ và con tôi đều ủng hộ thú chơi lành mạnh này”.

Ông Huệ nhớ lại, nghe phong thanh nơi đâu có con tem cũ, ông đều tìm cách lặn lội tới tận nơi mua hay xin cho bằng được. Sau này nhờ các mối quan hệ cùng uy tín trong nghề chơi, nên nhiều người đã chỉ dẫn ông nơi nào có tem xưa. Nhiều người thấy ông mê tem đúng nghĩa nên có vài bao thư cũ còn dán tem họ đều tặng ông. Bất cứ học sinh nào mê tem, nói đúng một phần ý nghĩa của nó ông đều tặng lại 10 con tem để cổ động các em. Ông Huệ nói: “Chơi tem là thú chơi thư giãn nhẹ nhàng cho đủ lứa tuổi. Đối với học sinh, nó có thể giúp trẻ nhận thức được quá trình lịch sử, nhận thức được sự vật xung quanh, trui rèn ý thức quốc gia dân tộc qua từng thời kỳ”.

Thanh Dũng

Nguồn : http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-...em-439061.html








__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
7 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
cuongcanna (27-05-2015), hoavienquanbl (27-05-2015), manh thuong (27-05-2015), NHL-2014 (27-05-2015), quaden@_cute (27-05-2015), quangdang04 (14-01-2017), thehung (29-05-2015)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Ý Nghĩa Của Hai Chữ Cải Lương HanParis Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 0 25-05-2014 06:09
Ý Nghĩa Cây Cảnh Ngày Tết HanParis Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 0 26-01-2014 18:42
Vừa chộp đuoc vài hình ảnh từ Nghệ An hoavienquanbl Hoạt động offline 8 21-05-2010 17:03
Các bạn nghĩ sao ? Nguoitimduong Trong niềm Thân Ái 14 17-01-2009 13:56
Định nghĩa kon gái zodiac Vui ^_^ Vui 15 21-12-2008 20:05



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.