Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Văn hóa - Giáo dục - Tri thức

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 13-02-2014, 17:58
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định Sài Gòn Xưa Và Những Con Đường Xưa Em Đi

Hàn mới ST bài này từ một tiền bối VK Pháp viết ra đã năm năm rồi nhưng mang giá trị LS và Địa Lý cho những ai từng và đang sống trên mãnh đất thân thương này từ hồi Nhật đảo chánh Pháp.



Đường Lê Lợi

Từ hơn một thế kỷ nay, nước Việt Nam đã chịu rất nhiều thay đổi về chánh trị, hành chánh, văn hóa, xã hội…. luôn cả tên đường của Sài Gòn. Nhiều đường đã thay đổi tên hai, ba lần và vài đường mang tên các vị anh hùng hồi đời nhà Nguyễn đều biến mất. Vài người Việt ở nước ngoài khi trở về nước gặp nhiều khó khăn mới tìm lại được nhà mình đã ở lúc trước. Những bạn sanh ra sau 1975 lại không thể hình dung các tên đường thuở trước, nói chi đến lịch sử và tiểu sử của các vị đó. Riêng tôi, nhờ những kỷ niệm in sâu vào óc từ thuở niên thiếu và lại có tánh tò mò muốn biết thêm lịch sử nên tôi cố gắng nhắc lại đây vài tên đường để công hiến các bạn đọc giả và xin ngọn gió bốn phương cho biết thêm ý kiến để tu bổ về sau.

Tôi sanh ra tại nhà bảo sanh của Bác Sĩ Lâm Văn Bổn số 205 đường Frère Louis, gần chợ Thái Bình thuộc Quận 3 thuở đó của Đô Thành Sài Gòn, vào thời Đông Dương sắp vào chiến lửa binh đao, chín tháng trước khi Trân Châu Cảng chìm trong khói lửa, lúc đó Việt Nam còn là một thuộc địa của Pháp Quốc và nhiều đường Sài Gòn mang tên Pháp.
Tôi lớn lên tại Sài Gòn, tại số 148 đường Colonel Boudonnet dọc theo đường rầy xe lửa, sau nầy đổi tên là Lê Lai tới nay, đường lấy tên của Đại Tá Théodore Boudonnet thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh Thuộc-Địa và Tư lệnh Sư Đoàn Bộ Binh An Nam, tử trận bên Pháp hồi 1914. Mặt đất đường nầy thấp hơn các đường Frère Louis, Phan Thanh Giản và Frères Guillerault nên mỗi khi mưa lớn là đường bị ngập : “nhờ vậy” mà sau khi tạnh mưa, dọc theo bức tường ngăn đường rầy và đường lộ những con dế từ đất chui ra hang để khỏi bị ngộp, nên tôi đi bắt đến khuya mới về ít lắm là ba bốn con và thường bị mẹ tôi quở trách.



Nhà thờ Huyện Sĩ, Saigon. 1965
Sau khi “chạy giặc” hồi 1945 vì máy bay đồng minh oanh tạc nhà ga và đường rầy xe lửa để chận tiếp tế cho quân Nhựt, gia đình tôi trở về sống tạm trước Nhà thờ “Huyện Sỹ” đường Frères Guillerault và năm sau rồi dọn trở về lại hẻm 176/11 đường Colonel Boudonnet.
Nhà thờ Huyện Sỹ xây cất năm 1905, ông là người giàu có vùng Gò Công, tên thật là Lê Phát Đạt và là Ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, vợ của Hoàng Đế Bảo Đại. 2
Gần nhà thờ Huyện Sỹ có hai đường mang tên Frère nhưng nếu Frère Louis là để tưởng nhớ đến Thầy Louis Gaubert lập ra trường Tabert, đường Frères Guillerault (có chữ “S” sau Frères) là để tưởng nhớ đến hai anh em Roland và Léon Guillerault sinh trưởng tại Sài Gòn và tử trận trong Đệ Nhứt Thế Chiến bên Pháp.
Trong lúc “tản cư” tôi đi học lớp chót trường làng tại quận Hóc Môn và vì một sự tình cờ mà Ba tôi ghi cho tôi học tiếp miển phí lớp “Douzième” trường Chasseloup-Laubat, thay vì Petrus Ký như Ba tôi.”Trường Chasseloup” xây cất trong ba năm nơi rạp hát bội của Tả Quân Lê Văn Duyệt, lúc đầu mang tên Collège Indigène de Saigon, nhưng khi khánh thành năm 1877 thì đổi lại là Collège Chasseloup-Laubat và từ 1928 trở thành Lycée có nghĩa là luyện thi đến lớp Tú Tài, mang tên của Hầu Tước Justin De Chasseloup Laubat, Bộ Trưởng Bộ Hải Quân và Thuộc Địa dưới thời Napoléon III, người quyết tâm chiếm và giữ Nam Kỳ. Hồi 1946 quân đội Pháp mới trở lại Việt Nam nên ít có gia đình và trẻ con Pháp sống tại Sài Gòn nên dư giáo viên mà thiếu học trò ! Lớp 12è niên khoá 1946-1947 trai và gái học chung tại Collège Calmette gần đó, sau đó vài năm trường nầy đổi tên là Lycée Marie Curie cho đến ngày nay. Tôi còn nhớ lúc ra về tôi chạy nhanh ra cổng, không phải để tìm Ba tôi, thường người ra sở trễ và đi xe đạp từ “Toà Tân Đáo” (Sở Ngoại Kiều) ở đường Georges Guynemer dưới Chợ Cũ lên rước tôi, mà là để tranh thủ thời gian để cạo mủ cao su !
Thật vậy, giữa trung tâm thành phố Sài Gòn không hiểu ông Tây nào có ý kiến trồng cây cao su theo hai bên đường Jauréguiberry cho có bóng mát ? Bernard Jauréguiberry là một Đề Đốc Pháp đã đánh vào Đà Nẳng và chiếm thành Gia Định, về sau giữ chức Thượng Nghị Sĩ và Bộ Trưởng Bộ Hải Quân, mà tại sao lại đặt tên cho một đường nhỏ bên hông trường Calmette ? Nhưng dù sao đi nữa những cây cao su đó, sau khi lấy đá đập vào vỏ thì chảy ra mủ trắng rất nhiều. Tôi trét mủ ấy trên cập táp da của tôi rồi khi mủ khô thì cuốn tròn quanh một cục sỏi và ngày qua ngày trở thành một trái banh nhỏ.
Như vậy tôi thuộc vào thành phần “Nam Kỳ chánh cống” và “dân Sài Gòn một trăm phần trăm”, lớp tuổi gần 70 và và sống tại Saigon trong 34 năm. Những bạn lớn hơn tôi vài tuổi và những bạn gốc “Bắc trước năm mươi tư” mới biết tên đường cũ như tôi, các bạn khác ráng mà tìm các tên trong trang sau cùng ! Không phải tôi bị “tây hóa” nên không chịu dùng tên Việt Nam, nhưng các tên đường cũ đả khắc sâu vào trí nhớ tuổi thơ của tôi, hơn nửa lúc trẻ tôi hay tìm tòi trong tự điển Larousse coi ông nầy là ai mà họ đặt tên đường, sau thế hệ của chúng tôi, ít còn ai nhớ đến tên những con đường Sài Gòn năm xưa…


Một phố buôn bán trên đường Nguyễn Huệ

Mẹ tôi có thuê một cyclo để đi làm và đưa tôi đi học tại trường Chasseloup, “Chú Ba Xích Lô” mỗi ngày chạy ra phía nhà ga Sài Gòn theo đường Colonel Boudonnet, sau khi qua rạp hát Aristo, nay là New World Hotel, quẹo trái qua đường Chemin des Dames và băng qua đường Lacote (chớ không phải Lacotte, Moïse Lacote là cựu Trưởng Ban Hành Chánh vùng Gia Định và Giám Đốc Thuế Vụ Nam Kỳ vào năm 1896) hoặc theo đưòng Amiral Roze (người đã từng tấn công Nam Hàn) để đi thẳng tới đường Gia Long, tên của đường La Grandière vào khoảng ấy (Đề Đốc Pierre De La Grandière thay thế Đề Đốc Bonard là một trong những Thống Đốc đầu tiên của Nam Kỳ, Ông tự động đi chiếm xứ Cambodge năm 1863 mà không có lệnh của Hoàng Đế Napoléon III và cũng chính Ông đã chiếm ba tỉnh miền Tây năm 1867 làm cho Cụ Thống Tướng Phan Thanh Giản phải đầu hàng và sau đó tự vận, dưới thời Đề Đốc De La Grandière Sài Gòn phát triển mạnh mẻ).
Chú Ba Xích Lô xuyên qua vườn “Bờ Rô” để có bóng mát rồi ra đường Larégnère, sau nầy là đường Đoàn Thị Điểm. Tôi không biết tại sao người ta kêu công viên đó bằng tên ấy, có thể là phiên âm của chữ “préau (sân lót gạch) nhưng theo học giả Trần Văn Xướng thì do Ông “Moreau”, tên của người quản thủ Pháp đầu tiên chăm nom vườn nầy; thuở trước các người lớn tuổi còn gọi là “vườn Ông Thượng”, có thể là vì trước kia Tả Quân Lê Văn Duyệt là người tạo ra vườn nầy. Dưới thời Pháp thuộc vườn “Bờ Rô” nằm trong khu đất của dinh Thống Đốc nhưng vào năm 1869 Phó Đề Đốc Hector Ohier, người thay thế Đề Đốc De La Grandière, cắt chia đất và tặng thành phố vườn nầy mang tên Parc Maurice Long. Mười năm sau đường Miss Cavell được tạo ra, lúc đó mang tên rue de la Pépinière, để biệt lập với dinh Thống Đốc mà sau nầy là Palais Norodom và sau 1954 trở thành Dinh Độc Lập rồi Dinh Thống Nhứt sau 1975. Cũng có thể tên “Ông Thượng” là Ông Ohier, có tên đường dưới chợ cũ, nhưng tới đời tôi chỉ gọi vườn đó là “vườn Bờ Rổ”, sau nầy mang tên vườn Tao Đàn.
Ra vườn Bờ Rô gặp đường Chasseloup-Laubat rồi đi thẳng trên đường Larégnère, sau đó tới đường Testard : hai tên nầy ở gần nhau cũng đúng vì Trung Tá Bộ Binh Jules Testard và Thiếu Úy Hải Quân Etienne Larégnère, 31 tuổi (chớ không phải Lareynière hay Laraignère) tử vong cùng một trận đánh ác liệt tại Đồn Kỳ Hòa, ở vùng trường đua Phú Thọ, giữa lực lượng của Thống Tướng Nguyễn Tri Phương và Đô Đôc Victor Charner năm 1861. Ai cũng biết đường Chasseloup-Laubat, một đường chiến lược rất dài đi từ Chợ Lớn, từ đường 11è R.I.C (Régiment d’Infanterie Coloniale) đến Thị Nghè, sau 1955 đường nầy đổi tên là Hồng Thập Tự.
Đi thẳng đến đường Testard, chú Ba quẹo mặt và bỏ tôi xuống ở góc đường Barbé vì học sinh vào trường Chasseloup bằng cửa sau. Góc đường nầy sẽ liên hệ nhiều với tôi sau nầy khi tôi trở thành sinh viên y-khoa. Đường Barbé (chớ không phải Barbet ) có từ lâu và mang tên của Đại Úy Nicolas Barbé thuộc Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Pháp bị Ông Trương Định cho tên Nguyễn Văn Sất ám sát vào năm 1860 gần chùa Khải Tường, nơi vua Minh Mạng sanh ra năm 1791 lúc Nguyễn Ánh chạy lọan vào miền nam để tránh anh em Tây Sơn. Chùa nầy do Nguyễn Ánh sau khi trở thành vua Gia Long ra lệnh xây cất để tạ ơn Phật Trời đã che chở cho con trai là Nguyễn Phúc Đàm (vua Minh Mạng sau nầy), sau đó chùa được lập làm đồn chống Pháp nên bị lính Pháp phá dẹp hồi 1880, pho tượng Phật hiện còn lưu niệm trong Viện Bảo Tàng Sài Gòn, trong Sở Thú. Trên nền chùa bỏ hoang nầy về sau có cất lên một biệt thự lầu lớn kiểu âu-châu tại số 28 đường Testard mà Bà Bác Sĩ Henriette Bùi (con gái thứ ba của Ông Bùi Quang Chiêu) mướn lại của người chủ là một luật sư người Pháp làm dưỡng đường sản-phụ khoa vào thập niên 1940. Ông Bùi Quang Chiêu (1872-1945) là kỹ sư canh nông Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bên Pháp năm 1897 và bị Trần Văn Giàu (phong trào Việt Minh) ám sát cùng ba người con trai vào tháng 9 năm 1945. Còn Bà Henriette Bùi Quang Chiêu sanh năm 1906 là người đàn bà Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp y-khoa bác sĩ tại Paris năm 1929, nay Bà đã 103 tuổi và hiện còn minh mẩn và sống tại ngoại ô Paris: Bà kể lại rằng vào năm 1943 nhà nầy được bán lại cho một người Do Thái tên là David chủ của nhiều biệt thự tại Sài Gòn; vào đầu năm 1945 chánh phủ Pháp trưng dụng nhà nầy và cho Bà thuê một biệt thự khác ở đưởng Blancsubé để dời dưỡng đường đến đấy. Tháng 3 năm 1945 Nhựt đảo chánh Pháp và tịch thu căn villa nầy, và khi Pháp trở lại thì trao cho Viện Đại Học Sài Gòn để rồi năm 1947 nơi nầy trở thành chi nhánh của Đại Học Y-Dược Khoa Hà Nội rồi năm 1954 thành Đại Học Y-Dược Khoa Saigon, nơi tôi được đào tạo trong sáu năm với GS Phạm Biểu Tâm làm Khoa Trưởng. Nơi đầy kỷ niệm nầy nay là Bảo Tàng chứng tích chiến tranh.


Đại lộ Thống Nhất (nay Lê Duẫn)

Lớn lên tôi đi xe đạp về một mình nhưng thích đi theo đường Testard hơn vì có bóng mát dưới hàng cây me, song song với đường Richaud (sau đổi lại đường Phan Đình Phùng) và thường ghé biệt thự số 6 đường Eyriaud des Vergnes (sau là Trương Minh Giảng) chơi với một bạn học cùng lớp, nhứt là vào mùa các cây trứng cá có trái. Ông Etienne Richaud là một Toàn Quyền Đông Dương hồi cuối thế kỷ XIX, còn Ông Alfred Eyriaud Des Vergnes người gốc Châteauroux là Kỹ Sư Trưởng Nha Công Chánh Nam kỳ (Cochinchine), Ông là một thần đồng tốt nghiệp trường Polytechnique tại Paris lúc 17 tuổi sau đó học trường Ponts et Chaussées, ra lệnh lấp kinh Charner, tạo hệ thống cống dài 7 km, cất 12 cầu theo “Kinh Tàu” (Arroyo chinois nối liền với rạch Bến Nghé chảy ra sông Sài Gòn). Ông Eyriaud Des Vergnes là người đầu tiên có ý lập ra đường sắt tại Việt Nam chạy lên Cambodge nhưng kế hoạch không thành, về sau nhờ Kỹ Sư Thévenet Giám Đốc Nha Công Chánh Nam Kỳ và sự hỗ trợ của Cố Vấn chánh phủ Paul Blanchy mà Việt Nam có đường sắt đầu tiên đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho năm 1885. Hai người nầy cũng có tên đường và sau 1955 đổi lại là Tú Xưong (Thévenet) và Hai Bà Trưng (Paul Blanchy).
Sau khi qua đường Pierre Flandin (tên của một “đứa con” của Sài Gòn tuy sanh tại vùng Vaucluse và tử trận tại Noyon, tỉnh Oise, miền bắc nước Pháp vào năm 1917), đến cuối đường gặp rạp hát Nam Quang (nay vẫn còn), tôi quẹo trái ra đường Verdun (khoảng đó tên là đường Thái Lập Thành), đến ngã sáu Sài Gòn thì tôi lại đi qua đường Frère Louis để về nhà bằng đường d’Ypres cho vắng xe. Đường nhỏ nầy ở sau “Mả Lá Gẫm”, đúng hơn là của Ông Mathieu Lê Văn Gẫm, có bức tượng trong nhà thờ Huyện Sỹ, tử đạo thời vua Thiệu Trị vì bị hành hình lối năm 1847, mả đó nay vẫn còn nguyên tuy bị che khuất, và Ypres là tên một thành phố nhỏ bên vương quốc Bỉ, như thành phố Dixmude, nơi đã xẩy ra những trận đánh lớn hồi Đệ Nhứt Thế Chiến.
Đi xích lô mỗi ngày như vậy hoài cũng chán nên tôi thường đề nghị với Chú Ba đi về bằng ngả khác, thuở ấy đường phố ít xe hơn bây giờ vì Sài Gòn và Chợ Lớn không hơn một triệu dân cư. Tôi thích nhứt đi về nhà qua chợ Sài Gòn : Chú Ba tránh đường Mac Mahon (sau 1952 đoạn nầy lấy tên De Lattre de Tassigny và sau đó là Công Lý), đi đường Barbé và một đoạn đường Chasseloup-Laubat, rồi quẹo trái qua đường Miss Cavell với hàng cây cao bên hông Cercle Sportif Saigonnais (tên không phải viết Cawell hay Cavel : Edith Cavell là một nữ y-tá người Anh bị quân Đức xử bắn tại Bỉ vào năm 1915 lúc 50 tuổi vì giúp tù binh Anh, Bỉ và Pháp trốn qua Hòa Lan) để trổ ra đường Aviateur Garros rồi xuống chợ Sài Gòn, nơi bán nhiều trái cây (Roland Garros là phi công Pháp đầu tiên bay xuyên biển Méditerranée hồi 1913 và tử trận năm 1918).
Rồi cứ đi theo mãi đường d’Espagne (sau là Lê Thánh Tôn) vì vào 1859 quân lính Tây-Ban-Nha dưới quyền chỉ huy của các Đề Đốc Pháp đóng tại đó) để về Ngã Sáu (Phù Đổng) rồi về Colonel Boudonnet bằng ngã Amiral Roze. Đặc biệt Sài Gòn có rất nhiều tên đường mang tên các trận đánh thời Đệ Nhứt Thế Chiến (Boulevard de la Somme, Chemin des Dames, đường Verdun, đường Arras, đường Champagne, đường Dixmude, đường Douaumont, Quai de la Marne….) và tên các đề đốc Pháp vì dưới thời các vua Minh Mạng và Tự Đức tất cả quân Pháp đến Việt Nam bằng tàu thủy mà hai vị có tiếng nhứt là Charner và Bonard. Đô Đốc Léopold Victor Charner người vùng Bretagne, gốc Thụy Sĩ là Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hải Quân Pháp tại Đông Nam Á, ngưòi đã chiếm Nam Kỳ, còn Đề Đốc Adolphe Bonard (chớ không phải Bonnard ) là Thống Đốc đầu tiên của Nam Kỳ do hoàng đế Napoléon III bổ nhiệm vào năm 1861 dưói thời vua Tự Đức.
Vào cuối thế kỷ XIX kinh rộng nhứt của Sài Gòn là “Kinh Lớn” hay “Kinh Charner” đi từ sông Sài Gòn đến Tòa Thị Sảnh, có hai đường dọc hai bên : đường chạy xuống bờ sông là đường Rigault de Genouilly, đường chạy lên là đường Charner. Vì mùi hôi thúi người Pháp lấp kinh lại sau nhiều năm bàn cãi và khi “đường Kinh Lấp” thành lập thì đương nhiên lấy tên Boulevard Charner vào năm 1861 nhưng Ba tôi vẫn gọi là đường Kinh Lấp vào những năm 1930. Trước đó, có một kinh dẫn nước sình lầy chảy ra Kinh Tàu từ chợ Bến Thành (người Pháp gọi là Les Halles Centrales), theo Học Giả Vương Hồng Sển vì gần rạch Bến Nghé và gần Thành Gia Định, kinh đó mang tên kinh Gallimard. Thiếu Tá công binh Léon Gallimart có dự trận đánh Kỳ Hòa, và đào kinh nầy vào năm 1861 theo lệnh của Đô Đốc Charner. Kinh nầy sau khi lấp lại theo ý kiến của kỹ sư Thiếu Tá Bovet năm 1867 lấy tên là Đại Lộ Bonard, vì thế đường nầy mới rộng lớn như ngày nay. Lúc lấp kinh và bến đò họ thành lập một công trường lớn, đó là “Bùng Binh” trước chợ Bến Thành mà người Pháp gọi là Place Eugène Cuniac, tên của một Thị Trưởng Sài Gòn, nay vẫn còn tên Công Trường Quách Thị Trang, một nữ sinh thiệt mạng lúc biểu tình dưới thời Ngô Đình Diệm năm 1963. Trước Tòa Thị Xã Sảnh, ở góc đường Charner và Bonard cũng có một bùng binh nhỏ với nước phun lên tên là Place Francis Garnier, nay là công trường Lam Sơn, để tưởng nhớ đến một sĩ quan hải quân trẻ tuổi phiêu lưu trên đất bắc và tử thương tại Hà Nội hồi 1873. Nhiều đường khác củng do lấp kinh mà ra như Boulevard de La Somme (rạch Cầu Sấu, sau nầy là đại lộ Hàm Nghi), đường Tổng Đốc Phương (hay Đỗ Hữu Phương), đường Pellerin (tên của một Giám Mục đã bênh vực công giáo Việt Nam nhưng khuyên lầm Đề Đốc Rigault De Genouilly lúc tấn công Đà Nẳng vào 1858) sau nầy đường Pellerin lấy tên là Pasteur.




Nhà thờ Đức Bà chụp từ đường Catinat. (trái) Phố Catinat một chiều mưa (phải)




Một quán café trên đường d’Ormay nhìn ra đường Catinat (đường Tự Do)

Đường mà tôi thích nhứt, sang trọng nhứt và có tiếng nhứt Sài Gòn là đường Catinat, có trước khi người Pháp đến và mang tên một thuyền lớn đã bắn đại bác vào Đà Nẳng (chớ không phải tên của một Đề Đốc như nhiều người tưởng, thuyền “Le Catinat” lấy tên của Thống Chế Nicolas de Catinat, sống hồi thế kỷ XVII dưới thời Louis XIV). Nơi đó có rất nhiều tiệm sang trọng, đường phố sạch sẽ và có nhiều “Ông Tây” ngồi uống cà phê tại khách sạn Continental, lúc đó chưa có tiệm Givral và nơi đó là Nhà Thuốc Tây Solirène, thay thế Pharmacie Centrale. Sau nầy có thêm tiệm Brodard ở gốc đường Catinat và Carabelli, tên của một Nghị Viên thành phố. Tôi cũng có dịp vô nhà sách Albert Portail (nay vẫn còn dưới tên Xuân Thu từ 1955) và đi dạo trong Passage Eden vì trong cùng có rạp hát Eden, rạp nầy và rạp Majestic ở cuối đường Catinat là hai rạp chiếu bóng sang nhứt Sài Gòn vào thuở đó; đi chơi vậy chớ có tiền đâu mà mua đồ, nhiều lắm thì lấy vài tấm hình mà các ông phó nhòm chụp dạo lúc đi trước “Nhà Hát Tây”, cất theo kiểu Opéra bên Paris. Đường Catinat là đường tráng nhựa đầu tiên của Sài Gòn, khi mới tráng nguời ta kêu là đường “Keo Su” dài tới Nhà Thờ Đức Bà ; qua công trường Pigneau de Béhaine trước Bưu Điện có bức tượng Ông “Cha Cả” hay Evêque d’Adran dẫn Hoàng Tử Cảnh ra trình diện Louis XVI tại Versailles. Sau khi qua khỏi đường Norodom thì đường Catinat lấy tên của Cố Vấn chánh phủ và Nghị Viên Thị Xã Sài Gòn Blancsubé và tiếp theo công trường Maréchal Joffre với tượng đài chiến si tử vong trong Đệ Nhứt Thế Chiến là đưòng Garcerie với những hàng cây cao, sau nầy mang tên Duy Tân và công trường Quốc Tế hay “Hồ Con Rùa”.
Ba tôi có nhiều bạn người Tàu và thừờng vô Chợ Lớn chơi bằng xe lửa điện (tramway) mà người ta thường gọi là “xe lửa giữa” vì chạy giửa đường Gallieni, tới trạm gare de Nancy thì bạn của Ba tôi lên xe lửa đi cùng vì ở gần thành Ô Ma (Camp des Mares, sau nầy là Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia). Tôi còn nhớ xe lửa giữa đó, với ghế cây theo kiểu của Métro xưa bên Paris, chạy thẳng theo đường Gallieni nối liền Sài Gòn với Chợ Lớn. Ba tôi nói lúc trứớc nơi đây toàn là đất hoang và sình lầy, sau khi lấp bưng thành đường đất gồ ghề rồi khi Ba tôi xuống Sài Gòn học vào năm 1928 thì đường mới được tráng nhựa và năm sau điện giăng giữa chia con đường làm hai chiều, một bên chạy lên một bên chạy xuống, đường rầy xe điện đặt trung tâm đại lộ, đến năm 1953 mãn hạn giao kèo khai thác mới dẹp. Đường nầy mang tên của Thống Chế lừng danh Joseph Gallieni chết năm 1916 nhưng phục vụ ngoài Bắc lúc còn Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh và sách vở ghi công Ông về tổ chức hành chánh tại Đông Dương. Tên của Ông viết với chữ “e” chớ không phải với chữ “é” vì là người gốc Ý Đại Lợi.
Xe điện chạy thẳng vô đường rue des Marins, qua khu Đại Thế Giới nay là khu Cát Tường và đường Jaccario (vì lúc trước pháo hạm “Le Jaccario” đậu gần đó trên “Kinh Tàu” hay Arroyo chinois trong Chợ Lớn, và chắc lính thủy lên bờ nhiều nên mới gọi là rue des Marins), ở góc đường có vũ trường Arc-En-Ciel, sau 1975 đổi tên là nhà hàng và khách sạn Arc-En Ciel Thiên Hồng, đến đường Tổng Đốc Phương thì quẹo qua trái mới đến Bưu Điện Chợ Lớn, nhà ga cuối cùng là Gare Rodier, tại Kinh Tàu.
Lúc còn ở đường Colonel Boudonnet tôi có nhiều bạn ở khu nhà thờ Huyện Sỹ và thường vô phía sau nhà thờ bắn “giàn thun” trên mấy cây soài nên bị “Ông Từ” rượt nhiều lần ! Ngoài đường Frères Guillerault trước nhà thờ, còn có đường Duranton và đường Léon Combes mà sau nầy đổi tên là Sương Nguyệt “Ánh”. Trung Sĩ Léon Combes là một đứa con của Sài Gòn ở Giồng Ông Tố bên Cát Lái tử trận năm 1917 tại Craonne, thuộc tỉnh Aisne vùng Picardie phía Bắc Paris. Tôi nhớ, vì học “trường tây” nên tôi thắc mắc và tự hỏi Bà nào mà mang họ Sương mà tôi tìm hoài trong sách vở không thấy ? Sau nầy tham khảo mới biết đó là tên bút hiệu của Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê (có sách nói là Nguyễn Xuân Khuê), con gái thứ tư của cụ Nguyễn Đình Chiểu, người đàn bà đầu tiên làm Chủ Bút báo “Nữ Giới Chung” cho phụ nữ hồi 1918. Tuần báo nầy còn tên là Fémina Annamite và tòa soạn ở 13 đường Taberd, trong sách kể là Sương Nguyệt ANH (=Góa phụ Nguyệt Anh), nhưng tại sao hồi 1955 họ đổi tên đường Léon Combes thành Sương Nguyệt ÁNH ?
Về sau, gia đình tôi dọn về Chợ Lớn ở đường Lacaze, nay là đường Nguyễn Tri Phương, nổi tiếng vì “Mì La Cai”, đường mang tên của Đô Đốc Lucien Lacaze, Bộ Trưởng Bộ Hải Quân từ 1915 đến 1917 hồi Đệ Nhứt Thế Chiến, nhưng chúng tôi ở khúc trên, gần gốc đường Pavie (nay là Lý Thái Tổ chớ không phải đường 3 tháng 2 vì dường nầy mới có vào lối 1957, lúc trước là trại lính) dẫn lên trường đua Phú Thọ. Khúc dưới đường mang tên ông Auguste Pavie (lừng danh trên đất Lào) dặc biệt rộng lớn và rất dài, có nhiều cây và bên trong có đường dành cho xích lô và xe đạp. Nếu đi từ Ngã Bảy xuống công trường Khải Định, từ giữa đường nầy đến đường Frédéric Drouhet sẻ thấy những biệt thự mà “Chú Hoả” cất cho con cháu ở (tên thường gọi của Jean-Baptiste Hui Bôn Hoả một triệu phú người Tàu tham gia với chánh quyền tặng thành phố Sài Gòn Policlinique Déjean De La Bâtie, tên của một bác sĩ tận tụy lo cho người Việt Nam, ngoài đường Bonard, sau nầy trở thành Bệnh Viện Đô-Thành), sau 1954 các nhà nầy dành cho Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế Đình Chiến ở và khúc đường nầy gọi là đường Hui Bôn Hoả.
Lúc đó đường Pavie có xe nhà binh pháp chạy nhiều vì có thành lính gần đó và tại khu đường Cây Mai, trước khi tới Phú Lâm. Khu đất từ đường Lacaze đến đường Ducos (sau đổi là đường Triệu Đà) là đồng mả, đường hẻm tôi ở trước một mả đá lớn, mới phá hồi tháng 11 năm 2004 : đó là mả có từ thế kỷ thứ XVIII của một người đàn bà lối 50 tuổi và quan tài thứ nhì chắc là của một người đàn ông, chỉ có vài nữ trang chớ không có vàng bạc chôn theo như người ta tưởng.
Từ đường Lacaze đi ra trường Chasseloup Laubat xa hơn, tôi phải đạp xe xuống Ngã Bảy, quẹo trái qua đường Général Lizé, rồi đạp thẳng hoài, qua khỏi đường Verdun đường nấy lấy tên Legrand De La Liraye. Qua khỏi trường nữ sinh Gia Long (hồi xưa gọi là Collège des Jeunes Filles Annamites, sau là Trường Aó Tím) và đến tận trường Marie Curie mới quẹo xuống đường Barbé. Đường Général Lizé là một đường chiến lược rất dài lúc trước gọi là đường Hai Mươi, đi từ Ngã Bảy Chợ Lớn, nối dài đường Pierre Pasquier, đến đường Albert Premier trên Dakao, lấy tên của Trung Tướng Lucien Lizé, xuất thân từ trường Polytechnique, Paris, Tư Lệnh Pháo Binh chiến trường Ý tử trận hồi 1918, có phục vụ bên Việt Nam lúc còn Đại Tá, còn Legrand De La Liraye là một trong những linh mục thông ngôn cho Đề Đốc Rigaud De Genouilly và trở thành Thanh Tra phụ trách về các hồ sơ giưã người Việt và chánh quyền bảo hộ. Sau 1954 đường nầy đổi thành đường Phan Thanh Giản, một vị anh hùng sáng suốt và can đảm của Việt Nam. Tiếc thay sau 1975 không còn đường nào trên mảnh đất Việt Nam mang tên anh hùng dân tộc nầy, cũng như không còn đường vào mang tên Lê Văn Duyệt và cũng không còn trường học nào mang tên Petrus Ký ! Cho tới nay tôi chưa thấy một học giả Việt Nam nào giỏi hơn Petrus Trương Vĩnh Ký, tuy vài “Sử Gia” buộc tội vị nầy nhiều điều vô lý, họ quên rằng công lao lớn nhứt của Ông Petrus Ký là truyền bá cho dân chúng sử dụng chữ quốc ngữ có từ Alexandre de Rhodes vào thế kỷ XVII thay thế chữ Nôm khó học và khó viết. Tôi nghe nói ở Vĩnh Long hiện nay có một trường học mang tên Phan Thanh Giản và vào tháng 11 năm 2008 rạp chiếu bóng Nguyễn Văn Hảo đường Trần Hưng Đạo tại Sài Gòn đang hát tuồng “Tả Quân Lê Văn Duyệt”, đó là điều đáng mừng vì những vị anh hùng các triều nhà Nguyễn phải được hồi phục.


Trường trung học Petrus Ký

Hồi thời Pháp thuộc cũng có những tên đường mang tên những anh hùng hay nhân tài Việt Nam như đường Paulus Của (Đốc Phủ Sứ Hùynh Tịnh Của) trên Dakao, đường Tổng Đốc Phương (Đổ Hữu Phương) trong Chợ Lớn, đường Phủ Kiệt (Đốc Phủ Sứ Trần Văn Kiệt là Nghị Viên thành phố trên 25 năm), Hùynh Quang Tiên, Nguyễn Văn Đưởm trên Tân Định (cà hai là Nghị Viên Thuộc Địa và Nghị Viên Thành Phố), Nguyễn Tấn Nghiệm (Nghị Viên), và Trương Minh Ký, một trong những Nghị Viên đầu tiên của thành phố, ông nầy tên thật là Trương Minh Ngôn cháu bốn đời của Trương Minh Giảng, được ông Trương Vỉnh Ký đem về nuôi và đổi tên, cho đi Pháp học và là một trong 7 10
người sáng lập viên ra Trường Thông Ngôn (Ecole des Interprètes) nằm trong Tòa Án, nhờ làm thông dịch viên lúc Traité de Patenôtre năm 1884 nên được vô quốc tịch Pháp, người mất lúc 55 tuổi vì bệnh lao phổi.
Vị anh hùng Đại Úy phi công của quân đội Pháp, xuất thân từ trường Võ Bị Saint-Cyr và là cựu sĩ quan Lê Dương mang tên Đỗ Hữu Vị có tên trên một đường từ bùng binh chợ Bến Thành đến đường Charner, trước đó đường nầy mang tên Hamelin sau nầy đổi lại là Huỳnh Thúc Kháng. Đại Úy Vị là con thứ năm của Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương, sau khi học trung học tại trường nổi danh Janson De Sailly tại Paris, nhập học vô trường Saint-Cyr vào năm 1904. Trung Úy bên Bắc Phi, ông gia nhập vào binh chủng Không Quân vừa thành lập ; bị thương nặng Đại Úy Vị từ chối giải ngũ và trở về đơn vị Lê Dương và tử thưong tại mặt trận tỉnh Somme năm 1916. Hài cốt được người anh cả là Đại Tá Đỗ Hữu Chấn đem về chôn cất trong nghĩa trang gia đình tại Chợ Lớn.
Nay Sài Gòn mất nhiều di tích ngày xưa, vì chiến tranh và vì sự thay đổi thời cuộc, tôi tiếc nhứt là hồi tháng ba năm 1983 đã sang bằng “Lăng Cha Cả”, có từ 1799 để lập một công trường mà chả thấy ai ngồi …. Hai người ngọai quốc đã ảnh hưởng Việt Nam nhiều nhứt là Alexandre de Rhodes va Pierre Joseph Pigneau de Béhaine, được dân Việt Nam biết dưới tên Bá Đa Lộc hay Evèque d’Adran, người đã giúp Nguyễn Ánh lên ngôi, đi với Hoàng Tử Nguyễn Phúc Cảnh qua triều đình vua Louis XVI để ký Hiệp Ước Versailles năm 1787. Tên thật là Pigneau, sau đó thêm vô sau tên ấp Béhaine của làng Origny-en-Thiérache mà gia đình có phần đất, thuộc tỉnh Aisne, trong vùng Picardie ở miền bắc nước Pháp. Vua Gia Long cất một ngôi nhà ở số 180 đường Richaud cho Bá Đa Lộc (nay vẩn là Tòa Tổng Giám Mục đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) và đọc điếu văn khi người mất năm 1799. Mộ ông người Sài Gòn gọi là Lăng Cha Cả là một trong những di tích xưa nhứt của Sài Gòn “ở Gia Định” vào thời Gia Long, sau nầy ở trước trại Phi Long trên Tân Sơn Nhứt. Cốt của Cha Pigneau de Behaine được đem về Pháp năm 1983 và chôn trong nhà thờ Séminaire des Missions Etrangères, rue du Bac tại quận XV Paris. Tôi có viếng thăm nhà kỷ niệm cua Cha Pierre Joseph Pigneau de Béhaine, ở làng Origny-en-Thiérache, trở thành từ năm 1953 “Musée Monseigneur Pigneau de Béhaine” và sau khi xem xong tâm hồn tôi thả về dĩ vãng của một Việt Nam oai hùng tranh đấu cả ngàn năm để giử biên cương …
Tôi cũng có dịp thăm viếng nhiều di tích của xứ Pháp từ thời Trung Cổ, nhiều lâu đài của Âu Châu và Nga Sô có từ thế kỷ XV, luôn cả những ngôi mộ bên Ai Cập có trước 11 nền văn hóa của Hy Lạp và tiếc rằng xứ tôi không biết giữ gìn những kho tàng quý giá của lịch sử.

BS Trần Ngọc Quang

Paris, Mùa hè 2009


Nguồn : http://namrom64.blogspot.fr/2013/10/...-xua.html#more



__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
7 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
hoavienquanbl (31-03-2015), huuhuetran (17-02-2014), HuyNguyen (17-02-2014), manh thuong (14-02-2014), nam_hoa1 (01-04-2015), Poetry (13-02-2014), Tien (05-04-2015)
  #2  
Cũ 30-03-2015, 16:32
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Sài Gòn xưa thật đẹp, văn minh và thanh bình với những con người hiền lành, mộ đạo. Nếu không có những bức ảnh tư liệu mà mỗi ngày càng được người ta chia sẻ càng nhiều, không có hàng ngàn những bản thu âm trước 1975 về dòng nhạc trữ tình Sài Gòn đã một thời lên tới đỉnh cao của văn hóa/ nghệ thuật, rồi các kiệt tác văn chương… những người sau này ắt hẳn chẳng bao giờ tin vào điều đó – Hòn ngọc Viễn Đông – vì sách giáo khoa không nói như vậy.




Tôi đến với mảnh đất này với tâm thế của một người hiền lành và tôi cũng nhanh chóng nhận ra mình chưa đủ tử tế và hiền như Sài Gòn. Tôi tri ân Sài Gòn như đất mẹ thứ hai đã cho tôi biết bao điều tốt đẹp, đã dung dưỡng và trao cho tôi những điều thật tử tế. Tôi đến và ở lại Sài Gòn không chỉ vì mưu sinh, một ước mơ ngông cuồng nữa mà vì tôi yêu, tôi thấy mình thuộc về mảnh đất này. (Cũng có thể vì ngay từ bé tôi đã thuộc và có thể say sưa đàn hát cả trăm bài bolero, tiền chiến…, ắt đó là duyên. Và cả những mơ mộng vẩn vơ của tôi về một Chiều mưa biên giới anh đi về đâu, Em tôi đi đường lên Catinat… ảnh hưởng từ bố ).

Tôi cũng biết nhiều người xứ tôi đã làm cho Sài Gòn dữ và biến dạng đi từng ngày. Tôi chỉ có tâm nguyện một ngày còn ở lại nơi này là một ngày gieo xuống những hạt mầm lành, gieo xuống sự tử tế và gìn giữ những hạt mầm tử tế còn sót lại… Tôi chỉ là một tay Bắc Kỳ lạc thời, tơ tưởng và hướng đến cái đẹp và sự tử tế. Tôi tin vào những giá trị bền vững theo thời gian và trên con đường ngược chiều ấy tôi tìm thấy hay nói đúng hơn là nhận ra những người cũng ấp ôm một điều tốt đẹp nào đó cũng đang cố gắng đi ngược chiều đồng loại.
Tôi nhớ hoài một câu nói của người bạn đời của mình: Đêm hỗn mang thắp hỏa châu đi tìm bộ lạc… Có lần một người bạn Sài Gòn mà tôi rất quý mến nói “anh thật sự là một người Sài Gòn”, với tôi, đó là lời khen tặng mà tôi trân trọng vô ngần và có thể nói là hãnh diện nhất (Có lẽ là không xấu hổ với những tiền bối đến đây từ những năm 54 và rất được người Sài Gòn yêu mến).



Nói về Sài Gòn thì một chữ yêu không đủ, có điều gì đấy ngọt ngào và mặn đắng hơn thế trong tim tôi, mỗi ngày đi qua những con đường lộng gió, những “con đường tình ta đi nắng vàng tươi đẹp đẽ…” Dù nó không còn tinh khôi như đã từng nhưng chỉ cần tôi tin vào sự tinh khôi ấy, bằng trái tim nhỏ bé thật hiền, bằng cách góp mỗi bước chân nhẹ nhàng, góp tiếng nói nhỏ nhẹ không tục tĩu chửi bới chém gió ồn ào gây ô trọc, bần tiện hóa lối sống, tôi tin hơi thở của Sài Gòn vẫn sống mãnh liệt.


Sài Gòn hiền là thế nhưng nơi này đã không còn là nơi bao dung, để ai cũng có quyền đến, kiếm ăn, bú mút nhưng vẫn ngoạc mồm chê bai “đồ ăn dở, không có mùa đông, không có Tết” và mang theo những hạt mầm hủy hoại. Sài Gòn đã khắc nghiệt hơn, đã biết thải bớt người.


Những người yêu Sài Gòn đã tìm thấy nhau, dần dần, từng nhóm nhỏ. Họ cùng chọn một cách sống thật lành, nghe những bản tình ca cũ, nâng niu những nét đẹp còn sót lại và dù họ đến từ đâu, tôi tin Sài Gòn cũng ôm họ vào lòng, như đã từng.


Có người nói tôi yêu Sài Gòn như thế tức là tôi “có vấn đề với chính trị”. Với tôi, đó thuần túy là vấn đề Thẩm Mỹ, sâu xa hơn là cái Đạo. Chính trị là trò chơi phe phái của người lớn – thứ trò chơi mà tôi rất ghét. Tôi chọn là đứa trẻ con trong cái thế giới nho nhỏ cùng vài món đồ chơi dễ thương. Thế giới nho nhỏ mà tôi chỉ còn nghe thấy những lời Ái Ngữ.


Một mùa Giáng Sinh nữa đang đến, xứ đạo Sài Gòn bắt đầu rộn rã trang hoàng. Tôi chuyển nhà về gần nhà thờ Tân Định, chiều chiều được nghe tiếng chuông vẳng đến, xuống đường thấy ngay những cửa hàng bán đồ trang trí Giáng Sinh. Trong căn phòng nhỏ của mình, tôi và vợ nghe những ca khúc thật xúc động của băng nhạc Sơn Ca 3.


Tôi mở nhiều đĩa nhạc Giáng sinh kinh điển của thế giới và thật tự hào vì Việt Nam đã từng tạo nên một băng nhạc Giáng Sinh tuyệt vời đến thế. Dẫu Sơn Ca 3 thấp thoáng toàn chia ly, tang tóc của thời ly loạn nhưng hơn hết đó là khát vọng hòa bình, tình yêu và mong cho mọi người Việt Nam đều thương nhau. Nếu nói về dòng nhạc phản chiến tại Việt Nam, có lẽ tôi thích Sơn Ca 3 hơn tuyển tập ca khúc Da Vàng của ông Trịnh Công Sơn.




Những người tình học trò thời ấy đã bỏ lại sau lưng bao mùa Giáng Sinh và bao nhiêu giọt lệ của người yêu? Những lời khấn nguyện về mùa Giáng Sinh chiến tranh ấy vẫn còn được vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm không chỉ Sài Gòn. Nếu chỉ được phép lựa chọn một đia nhạc phản chiến trong tủ đĩa của mình, tôi chỉ chọn Sơn Ca 3, không phải Bob Dylan, Joan Baez, John Lennon hay bất cứ vĩ nhân nào.

__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
hoavienquanbl (31-03-2015), manh thuong (31-03-2015), NHL-2014 (30-03-2015), Tien (30-03-2015)
  #3  
Cũ 31-03-2015, 04:32
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Chợt Nhớ Sài Gòn

Năm đó tôi 18 tuổi, vừa thì rớt đại học, lên Sài Gòn tá túc ở nhà người anh để ôn thi lại. Và tôi đã đưa ra nhận định về cuộc sống của mình khi đó “Cuộc đời giống như dòng nước chảy xuôi, êm đềm và lặng lẽ”.



Ngày nào cũng như ngày nào, theo một lịch trình đã định sẵn, sáng thức dậy, lụi hụi đạp xe đến trường, từ quận 8 qua quận 5, khoảng cách không xa cũng không gần, trưa đạp zìa, ăn cơm xong rồi ngủ, chiều học bài, tối coi phim, không thì ra trước cửa ngồi dòm xe qua lại vì tôi không biết đi đâu và vì tôi sợ bị lạc giữa đất Sài Gòn mênh mông rộng lớn này.

Cái vòng lặp tuần hoàn đó cứ quay đều đều như tôi đạp xe đạp vậy, ngày nào cũng đạp. Sao hồi đó, tôi còn trẻ mà cảm giác như người già, đoạn đường đi học không xa đó tôi lạc không biết bao lần. Đường Sài Gòn dài lê thê chạy hoài không hết giống như những ngày mưa tháng sáu dầm dề không dứt, giống như một đứa trẻ khó tính dỗ hoài vẫn không nín khóc. Và tôi thích Sài Gòn từ đó…

Sau này khi đã quen đường, vào những ngày thứ bảy nghỉ học, tôi thường dậy sớm, đạp xe một cách vô định, chậm chậm qua các con đường, cảm giác người Sài Gòn thật bận rộn. Xe cộ đông đúc, nếu thả tôi đi bộ qua đường một mình chắc chắn là tôi không dám.



Trong tôi, Sài Gòn là nơi tập trung của người tứ xứ, mưu sinh đủ nghề để kiếm sống. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in bức tranh trong buổi sáng sớm đó, trời còn mờ hơi sương, đường vắng xe, hàng cây cổ thụ bên đường cứ rào rạt theo cơn gió lạnh và những người phụ nữ đội nón lá, bịt khẩu trang, đeo găng tay, áo khoác phong phanh ngược gió, đạp xe chở những bó rau to tướng, cố đạp nhanh vào thành phố cho kịp chợ sớm. Họ chạy theo nhau một đoàn khoảng sáu, bảy người. Âm thầm, lặng lẽ…

Trong khung cảnh bình yên đó, tôi nhìn từ trong xe qua cửa kính, cảm giác gì đó không tả được, nhưng tôi không thể nào quên được họ. Tôi cảm nhận được cuộc sống của họ, vất vả đầy nỗi lo toan, giống như cha mẹ tôi, kiếm tiền nuôi tôi ăn học vậy. Nhưng mỗi người đều có những nỗi vất vả riêng của họ không phải ai cũng có thể hiểu được.

Tôi nhớ có người đã nói với tôi rằng: suốt đời tôi sẽ nghèo nàn vì tôi chỉ nhìn thấy những người nghèo mà không thấy được người giàu. Và ngay lúc đó tôi đã tự hỏi: giàu quan trọng đến như vậy sao? Nhưng có thể người bạn tôi cũng nói đúng, tôi không nhìn thấy được những người giàu không phải vì tôi không thấy mà đơn giản là tôi không chia sẻ được sự giàu có của họ và vì tôi không thuộc tầng lớp của họ. Nhưng tôi biết để có được sự giàu có họ cũng đánh đổi đi nhiều thứ. Mà đôi khi họ phải hối hận vì đã chọn nó…

Nói chung tôi ngơ ngác trước những gì phức tạp của cuộc sống, đối với con nhóc 18 tuổi như tôi lúc ấy chỉ đơn giản là ăn và học nên tôi cảm thấy cuộc sống thật buồn tẻ, cứ êm đềm như dòng nước, không phải suy nghĩ hay lo âu. Tôi cứ ngày ngày đạp xe lang thang qua các con đường Sài Gòn, tôi hay la cà các tiệm sách lớn, coi truyện tranh cọp, đứng lâu đến nổi mấy cô bán hàng cứ dòm hoài…

Ở Sài Gòn tôi ít bạn bè, ngồi học chung nhau một dãy bàn năm đứa con gái, thế là thân. Đều ở xa lên học, gặp nhau là duyên nên thân như chị em. Cuối tuần hay rủ nhau đạp xe lòng vòng ngoài đường hay ghé nhà trọ đứa này đứa kia nấu nướng. Mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng bây giờ đều đã trưởng thành, công việc ổn định, gia đình đầm ấm. Chỉ có một người bạn mà đến giờ tôi vẫn không biết tin tức, biết giờ bạn ra sao, có sống tốt hay không, có còn nhớ đến tôi không…?

Thời sinh viên ngắn ngủi, chớp mắt đã trôi qua, nhìn lại thấy mình đã già, không còn rảnh rỗi mà chạy lòng vòng các con phố nữa, không còn lãng mạn một mình đạp xe trong mưa nữa, Sài Gòn cũng đã xa xôi, chỉ còn lại những kỷ niệm đầy ắp trong đầu, đôi lúc cứ trở về, mơ hồ trong tiềm thức…!



Chân dung tác giả



__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
hoavienquanbl (31-03-2015), manh thuong (31-03-2015), nam_hoa1 (01-04-2015), Tien (05-04-2015)
  #4  
Cũ 05-04-2015, 18:06
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Sài Gòn Buồn Đó Vui Đó

Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó…



Cho đến thời điểm này, so với các địa danh như Hà Nội, Huế, Đà Lạt… thì tạp bút, tùy bút, phóng bút, túy bút ngẫu hứng viết về Sài Gòn, cảm nhận về Sài Gòn vẫn chưa nhiều lắm.



Chắc chắn rằng bất kỳ ai chôn nhau cắt rốn tại non sông nước Việt mến yêu cũng đều ước ao được một lần đến Sài Gòn. Và họ đã đến. Để rồi chỉ chạm chân đến vùng đất này dù một giây hoặc một đời, họ cũng đều dành cho nó nhiều tình cảm.


Khi yêu một thành phố mà ta đang sống, bao giờ ta cũng muốn sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho thành phố ấy. Để hiểu và thêm yêu Sài Gòn, công chúng cần có nhiều hơn nữa tác phẩm viết về vùng đất này. Mỗi người chọn cho mình một phong cách viết nhằm thể hiện tình yêu dành cho vùng đất khá đặc trưng:


Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về” (Diệp Minh Tuyền)


Sự “trỗi dậy” của địa danh Sài Gòn trong các tựa sách gần đây ít nhiều cho thấy sức hấp dẫn, quyến rũ của thành phố trẻ này. Và bản thân Sài Gòn đủ sức tạo cảm hứng cho mọi người. Có thể kể đến Sài Gòn dậy mà đi (Lê Văn Nuôi), Ăn vặt Sài Gòn (Chu Thị Hồng Anh – Trần Việt Đức), Chuyện nhỏ Sài Gòn (Đàm Hà Phú), Người tình Sài Gòn (Linh Lê), Sài Gòn đi và nhớ (Nguyễn Ngọc Hà), Ve vãn Sài Gòn (Chị Đẹp)…



Nhà văn Sơn Nam khi viết chuyên luận Người Sài Gòn vào năm 1988 từng khiêm tốn thú nhận: “Dòng đời cuồn cuộn, gặp tảng đá to, trở ngược, nhưng không tù đọng. Làm sao mô tả dòng sông đang chảy ra biển rộng? Làm sao ghi vài nét góp ý về phong cách người Sài Gòn – con người bình thường – mà có thể làm hài lòng người Sài Gòn nhất là giới trẻ”.


Sài Gòn là gì mà khó lý giải đến thế?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Hà sinh ra tại Sài Gòn nên hầu như các tùy bút của chị đều xoay quanh những kỷ niệm của thời niên thiếu: Sài Gòn cà phê, Passage Eden, Bò bía – bánh tráng trộn Sài Gòn, Chợ Nancy, Nhà chú Hỏa



Dù sống ngay tại Sài Gòn nhưng sự thay đổi nhanh chóng của thành phố này khiến chị không khỏi ngỡ ngàng, để rồi một ngày nọ chợt nhận ra: “Giờ ngôi chợ Nancy không còn nữa, tôi như mất người bạn. Sống gần bạn, thỉnh thoảng đi ngang bạn lại không được thấy bạn lần cuối”. Với nhà văn Linh Lê: “Sài Gòn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai”; Đàm Hà Phú lại là:“Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó…”.


Đã nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với nhà báo Trần Bạch Đằng, tôi không thể ngờ vì sao tác giả Ván bài lật ngửa, khuôn mặt nghiêm nghị, ít cười lại có thể viết được một câu: “Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp”. Câu thơ thô mộc, giản dị, không uốn éo, khoa ngôn nhưng lại rất thật và cũng rất đúng với tâm trạng của những ai đã từng đặt chân đến Sài Gòn.


“Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp”. Trời! Đúng quá! Đừng nhìn đâu xa, tôi nhìn vào chính tôi. Thời sinh viên mỗi lần về quê nghỉ hè, ăn tết mà đến lúc phải khăn gói vào lại Sài Gòn là tôi thở dài sườn sượt cứ như sắp bị đày lên cung trăng. Ngao ngán thở dài bởi tôi phải mất thời gian làm quen lại với nhịp sống, sinh hoạt của Sài Gòn. Tưởng rằng khó có thể sống được nơi này, vậy mà bây giờ, lúc này, hiện nay đi xa Sài Gòn chỉ dăm ngày là tôi đã thấy nhớ. Cái nhớ ấy mơ hồ chẳng rõ rệt gì. Khó có thể nắm bắt. Theo nhà văn Nguyễn Đông Thức là “một nỗi nhớ mặn môi”.

Trong tập tùy bút Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp, tôi thích đoạn văn này: “Có những thứ không để tìm hiểu, chỉ để chấp nhận và hòa vào. Sài Gòn là như thế. Mãi mãi là một người tình để mình ve vãn, không bao giờ thuộc về mình. Vì Sài Gòn có ký độc quyền cho một ai đâu”; và nhà văn Nguyễn Đông Thức “comment”: “Từ ký ức, tôi có vài điều tiếc nhớ. Đường Lê Lợi ngày xưa có một chợ trời sách cũ góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) bên phía Sài Gòn Center bây giờ. Thì thôi đủ thứ sách xưa nay thượng vàng hạ cám, kể cả sách báo ngoại văn, giá rẻ bất ngờ – gom từ các trại lính Mỹ, ngày nào cũng tấp nập người lui tới (sau có dời ra đường Đặng Thị Nhu một thời gian). “Đường sách” mỗi năm làm một lần vào trước tết như hiện nay ở đường Mạc Thị Bưởi luôn đông khách, rồi các hội chợ sách hai năm một lần vô cùng nhộn nhịp có vẻ tiếp tục “truyền thống” và cho thấy nhu cầu rất lớn của người Sài Gòn trong thú vui lang thang tìm sách. Phải chi thành phố có quy hoạch hẳn một khu chợ sách cũ nhỉ? Nguyễn Huệ thì có những kiosque bán hoa (ngày xưa tôi hay ra đây mua hoa tặng bạn gái), đồ lưu niệm, tiền xu, bưu thiếp… trên hai dãy tiểu đảo ngăn cách con đường chính và hai con đường phụ hai bên… Đều là những nét văn hóa đẹp. Sài Gòn còn nổi tiếng với những hàng me, hàng dầu trồng dọc hai bên đường từ thời Pháp. Những trái dầu quay tít bay trên đường Lê Quý Đôn, những trái me lúc lỉu trong nắng trên đường Nguyễn Du, Duy Tân…”.


Khi đọc những trang viết này, thấy hiện lên một Sài Gòn của ngày Hôm quavà thấp thoáng đâu đó Sài Gòn của Hôm nay. Đôi khi tôi tự hỏi người nước ngoài biết đến Sài Gòn qua tác phẩm văn học nào của chúng ta? Khoan vội trả lời, ta thử suy nghĩ tại sao mỗi lần đi ngang qua khách sạn Continental du khách lại nhớ đến nhân vật Phượng qua ngòi bút của nhà văn Graham Greene? Mới đây, ngày 20-9-2013 tại đây một tấm bảng đồng được gắn tại căn phòng 307, lầu 2. Chuyện gì vậy? Là gắn tấm bảng đồng cho biết nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn đã có thời gian ở đó.



Sức sống mới ở sài gòn


Đừng quên một sự kiện khác cũng cần được lưu giữ lại, cũng tại lầu 2 khách sạn Continental. Nơi đó, nhà văn tiến bộ Anh Graham Greene đã viết tác phẩm nổi tiếng The quiet American (Người Mỹ trầm lặng). Ông đã đến Việt Nam lần đầu khoảng năm 1942-1943, sau đó còn quay lại khoảng năm 1951-1953. Thời gian này, ông ở khách sạn Continental và đã viết tác phẩm nổi tiếng trên tại phòng 214 (lầu 2).


Căn phòng 214 nằm ở góc nhìn ra Nhà hát lớn và đường Đồng Khởi. Vào thập niên 1960, nhiều người yêu thích tác phẩm này đã đến khách sạn Continental để đoán già đoán non ai là nguyên mẫu của nhân vật Phượng. Và tới năm 2002, nó được Hãng phim Giải phóng hợp tác với nước ngoài dựng thành phim. Nếu khôn khéo ta cũng có thể học tập được như người Hà Lan đang kinh doanh khách sạn De Wereld chăng? Bằng tư duy của nhà thơ, kẻ luôn thất bại trên thương trường, khó có thể kiếm được nhiều tiền nhưng tôi trộm nghĩ nếu phục hồi nguyên trạng căn phòng mà nhà văn Graham Greene đã ở thì ít nhiều cũng đạt hiệu quả về quảng bá “thương hiệu” Continental và kinh doanh.


Tại sao lại không nhỉ?
Nhắc lại kỷ niệm xa xưa để gợi nhớ là cần thiết, nhưng chúng ta vẫn mong muốn được nhìn thấy hình ảnh của một Sài Gòn đang đổi mới. Sài Gòn hôm nay đã khác hoàn toàn so với câu nói phổ thông ngày trước: “Ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1…”. Khác như thế nào? Sự lý giải nào cũng mang tính chủ quan. Không hề gì. Mà chính nhờ vậy ta càng có thêm nhiều góc nhìn khác nhau. Thế là đủ cho một tình cảm sâu nặng dành cho Sài Gòn. Để rồi sáng mai lên, trên các nẻo phố phường lại nhộn nhịp một sức sống mới. Sài Gòn là vậy. Buồn đó, vui đó. Mưa trong nắng. Không bi lụy thở than. Không kèn đồng cho niềm vui và cũng không giọt buồn cho ly biệt…


Vẫn biết thế nhưng tại sao lại quá ít người viết về Sài Gòn?


LÊ MINH QUỐC


Nguồn : http://www.huynhthinga.com/sai-gon-buon-do-vui-do.html
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!

Bài được HanParis sửa đổi lần cuối vào ngày 05-04-2015, lúc 18:08
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
manh thuong (06-04-2015), NHL-2014 (05-04-2015), Tien (05-04-2015)
  #5  
Cũ 05-04-2015, 18:35
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Chợ Nancy theo trí nhớ của Hàn nằm ở khúc Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ Q5. Cũng trên 40 năm rùi, xém quên địa danh này chưa kể tôi không còn ở quốc nội từ nhiều thập niên nên chả rõ còn hay mất và đã thay đổi thế nào. Vào thập niên 60, kế bên chọ có rạp hát Văn Cầm. Sau 30/04/75, tôi có đi dạy tiếng Pháp cho một số con em của gia đình cán bộ. Ace nào thắc mắc về chợ Nancy, xin mời đọc bài dưới đây về Chợ Nancy từng được đăng trên diễn đàn Phụ Nữ.


Ảnh chợ Nancy năm 2009 Hàn ST từ bạn Thanh Kieu (Không có chi! ) từ host ảnh paroramio.com

Cầu này nay gọi là cầu Nguyễn Văn Cừ. Trước 1975, ít ra trên bản đồ Saigon năm 1970, chỉ có cầu chữ Y (ngay cả cầu Nguyễn Tri Phương cũng chưa được xây năm 1970) là bắt qua Q8.

Chợ Nancy


Có người bạn cũ từ nước ngoài điện về hỏi tôi chợ Nancy còn không, nghe nói người ta mới giải tỏa khu chợ đó... Tôi gạt ngang: “Còn chứ, ngôi chợ lớn như vậy làm sao mà giải tỏa”. Một ngày, có việc đi ngang cầu Nguyễn Văn Cừ, tôi chợt thảng thốt nhận ra chợ Nancy đã bị giải tỏa từ khi xây cầu. Về nhà gởi “meo” xác nhận với nhỏ bạn, hai đứa cùng khóc…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thuở nhỏ, tôi sống trong căn nhà mặt tiền gần chợ Nancy nên thường đi bộ ra chợ ăn sương sa, đậu đỏ bánh lọt… Đầu chợ có ông già mù ngồi đưa nón, mỗi lần đi ngang tôi vẫn bỏ vào nón đồng năm cắc. Bọn tôi đi học cũng thường ghé chợ Nancy ăn quà vặt. Sau này lớn lên tôi mới biết chợ Nancy là chợ của nhà giàu. Với chúng tôi lúc đó làm gì có khái niệm giàu nghèo, chỉ biết những món khoái khẩu ở chợ hợp với túi tiền là được.

Trong xóm chị Tư bị chồng bỏ phải nuôi hai con nhỏ. Chị ngồi nhờ trước nhà tôi bán chuối nướng nếp ăn với nước dừa. Một sáng, tôi ra chợ thấy chị mang lủ khủ dừa khô, mấy nải chuối sứ từ chợ về ngược đường với tôi. Chị vui vẻ hỏi tôi đi đâu và đon đả bảo ra chợ ăn nhanh, chị sẽ đứng chờ tôi về chung. Tôi nghe mà cảm động, ăn uống qua loa rồi quay về. Chị Tư vẫn đứng đợi. Thế nhưng, tôi chợt hụt hẫng khi chị đưa tôi một bên quai của chiếc giỏ nặng trịch: “Xách phụ chị đi cưng”. Con đường thường ngày đi một mình thật gần, khi xách nặng trở nên xa…dịu vợi. Tôi bỗng bực mình, thấy như mình bị lợi dụng. Lần khác, cũng trên đường từ chợ về, thấy chị đằng xa, tôi đi chậm lại. Chị như cố tình đón tôi, mừng rỡ: “Xách dùm…”. Tôi cắt lời: “Để em ghé đây đã”. Chị nói chị sẽ đứng chờ tôi. Tôi luồn vào hẻm, quay về nhà. Thật lâu sau mới thấy chị về nhà trọ, đi ngang nhà tôi, nhìn tôi với ánh mắt trách móc.

Tôi kể mẹ tôi nghe chuyện chị nhờ tôi xách nặng. Mẹ bực mình không cho chị bán trước nhà nữa. Sau này, những lúc đi công tác xa, xách va ly nặng nề, tôi chợt mong có một bàn tay đỡ giùm. Thời bao cấp, từng có nhiều người giúp tôi xách túi, giỏ từ bến xe ra trạm xe buýt. Nhưng rồi lường gạt nhiều, mọi người cũng ngại khi tự nguyện xách hành lý cho người khác. Tôi chợt thấm thía vì sao chị Tư phải nhờ đến tôi. Một bàn tay đỡ nặng đúng lúc giá trị biết bao. Sự nuối tiếc đến với tôi thật muộn màng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có lần ăn chè với nhỏ bạn, theo thói quen, tôi bỏ vào nón ông mù năm cắc, nhỏ bạn nói: “Đừng cho, ông này mù nhưng nhiều vợ lắm, ngồi đây xin tiền để vợ ổng đánh bài tứ sắc”. Nửa tin, nửa ngờ, tôi hỏi chị người làm, chị bảo: “Mình có lòng tốt thì mình cho, còn người ta lợi dụng dùng tiền mình làm bậy là họ có tội. Nhưng người mù thì đáng giúp lắm. Mình sáng mắt, người ta sống trong bóng tối, tội người ta chứ!”. Nghe vậy, tôi vẫn giữ thói quen cho tiền ông mù đến khi gia đình tôi chuyển đi. Không biết giờ ông mù ấy còn sống không, chợ Nancy giải tỏa, ông đi đâu xin tiền?

Sau khi chuyển nhà đi, tôi có về xóm cũ đôi ba lần nhưng không ghé chợ Nancy lần nào. Cũng đã trên bốn mươi năm rồi. Sống giữa thành phố mà tôi lại không hề biết ngôi chợ ngày xưa của mình đã bị giải tỏa. Ngày xưa, với tôi ngôi chợ như một người bạn. Sống gần bạn, thỉnh thoảng đi ngang bạn, lại không được thấy bạn lần cuối; tôi thật vô tâm...

NGUYỄN NGỌC HÀ


http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-h...cy/a72989.html
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!

Bài được HanParis sửa đổi lần cuối vào ngày 05-04-2015, lúc 18:38
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
cuongcanna (05-04-2015), manh thuong (06-04-2015), NHL-2014 (05-04-2015), Tien (05-04-2015)
  #6  
Cũ 05-04-2015, 18:58
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Thật ra Nancy là một tỉnh nằm Đông Bắc nước Pháp (54000) không xa biên giới Đức. Nếu bạn thích xem ảnh xưa về chợ Nancy xin mời nghía tiếp.



Saigon 1969 - đường Cộng Hòa nay là Nguyễn Văn Cừ - Chợ Nancy, gần ngã tư Trần Hưng Đạo-Nguyễn Văn Cừ, phía bên phải nhìn thấy các ống khói của Nhà máy điện Chợ Quán- Photo by Eckhard Clausen. Nguồn : Manh Hai
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
cuongcanna (05-04-2015), manh thuong (06-04-2015), Tien (05-04-2015)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Chợ Hoa Tết Xưa Sài Gòn HanParis Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 0 25-01-2015 19:13
Bến Tàu Sài Gòn Từ Thời Pháp HanParis Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 1 07-09-2013 18:16
Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi! Sài Gòn Ơi! HanParis Các loại khác 0 02-05-2013 19:49
Những ngôi đình ở Sài Gòn caifincafe Cuộc sống đó đây 0 15-01-2010 09:24
Hà Nội xưa ra mắt giữa Sài Gòn tugiaban Bản tin Tem trong nước 0 12-10-2009 17:38



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.