Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Văn hóa - Giáo dục - Tri thức

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 18-06-2014, 22:33
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Lightbulb Nghề Làm Báo Trước 75

Hàn : Người ta từng bảo Nhà Báo Nói Láo Ăn Tiền, thế như khi xưa tôi thích đọc sách báo dù Pháp hay Việt. Tôi có thể đứng đọc chùa (khi xưa chùa là đồng nghĩa với miễn phí khác với chùa thời Kinh Tế Thị Trường) trong nhà sách Khai Trí ngụ tại số 62, ĐL Lê Lợi. Nhà khá giả thì thường thuê bao tháng, sáng sáng thì có chiếc xe vespa đi ngang nhà tôi, họ ném tờ Sài Gòn Mới qua khung cửa. Nhưng tôi nhớ là báo SG thường được phát hành vào buổi chiều. Nhật Trình, báo ngày khi xưa thường bị chính quyền Thiệu Kỳ kiểm duyệt (bôi trắng) khi họ đăng những thông tin bất lợi cho VNCH. Ngày xưa mọi thông tin không nhanh và nhiều như thời mạng nhện. Đài THVN9 mỗi tối chỉ phát vài giờ hôm nào không bị cúp điện, chỉ có tin tức 10 phút và điểm báo cũng chừng ấy thời gian, cho nên muốn nghe tin tức trong và ngoài nước, dân SG thường đọc báo để am tường tin tức. Có người thích thơ văn thì chỉ xem mục ấy. Những ai ghiền truyền dài tình cảm thì hay mê tiểu thuyết của các bà Tùng Long, Lan Phương.. Xem báo thời ấy như chơi tem vậy Ace! Ghiền lắm, cho nên mỗi ngày tìm để mua hay đọc chùa (free) qua bạn bè hay...em bán báo Cuối tuần thì có số đặc biệt. Tuyệt nhất là những số Xuân có lịch hay ảnh diễn viên tặng thêm độc giả. Bạn nào từng ST bìa nhạc xưa thì đã thấy rằng sách báo khi xưa giấy vàng khè kém chất lượng. Chỉ sách nào của Hoa Kỳ in mới tuyệt đẹp trắng tin. Trong thời kỳ chiến tranh khi xưa, VN ta còn nghèo nạn, phương tiện in ấn còn rất kém. Mời các bạn đọc chơi trích đoạn hồi ký của bác Nguyễn Việt viết về Nghề Làm Báo trước 75.

Khi bước chân vào nghề báo, người yêu nghề phải biết lựa chọn 1 trong 2 cách để tiến thân :

- Thứ nhất : kinh qua các trường lớp chuyên nghiệp để được đào tạo chính quy; nhưng thông thường các trường đại học, trung học chuyên nghiệp chỉ giảng dạy bằng những lý thuyết từ chương, đến khi vào nghề giữa lý thuyết và thực hành lại rất xa rời thực tế. Lý do : vì điều kiện tờ báo, vì mục đích tôn chỉ tờ báo khi xin phép xuất bản, và còn do đồng vốn; cuối cùng là do nhiệm vụ được ban biên tập giao trách nhiệm.
Và bạn là một sinh viên mới ra trường, bạn sẽ không có quyền chọn lựa giữa năng khiếu và sự trưởng thành trong đào tạo; mà nhất định phải chịu sự điều phối từ ban biên tập.
Đây là mấu chốt trong nghề làm báo hay viết báo, khi bạn mới chân ướt chấn ráo vào nghề.

- Thứ nhì :
nói như thế, trước khi chọn lựa đi vào nghề này bạn phải có người đỡ đầu, hoặc người hướng dẫn trong nghề nghiệp, và phải đi từng bước vào nghề, đừng vội đi hia bẩy dặm. Những người đỡ đầu ấy, hoặc đứng tuổi hoặc có thâm niên trong nghề, thì thật quý.

Kinh nghiệm của người viết khi vào nghề báo, đã phải đứng trước hai sự lựa chọn :
- 1- làm phóng viên (viết báo)
- 2 – làm biên tập viên (làm báo).
Và người viết đã chọn nghề làm biên tập.
- Nghề làm báo có 2 loại, loại chuyên nghiệp và loại không chuyên. Loại chuyên nghiệp có thể làm đủ mọi thể loại sách báo, có thể thay đổi mọi hình thức của tờ báo, thay đổi cả quan điểm lập trường của tờ báo, theo bất cứ yêu cầu nào của chủ báo.



Còn không chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, là chỉ thực hiện theo mẩu mã đã định sẵn (từ nội dung đến hình thức), sẽ không thích nghi theo yêu cầu thị trường, dể gây nhàm chán trong xử lý tin tức.
- Thứ nhất người làm báo và viết báo, phải nắm được tính thời sự của tin tức, biết khai thác đúng lúc không quá sớm hay quá muộn.
- Thứ hai biết nhận xét và phân tích sự việc như một điều tra viên, sau đó mới có phương hướng đi tìm tài liệu.
- Khi điều tra phải hiểu rõ trạng thái tâm lý người mình muốn khai thác, phải có bản lĩnh hỏi đáp với đối tượng và luôn luôn phải chứng tỏ mình là người đang nắm rõ vấn đề.
- Thứ ba khi viết bài, phải viết cô đọng, viết báo không như làm luận văn phải có mở đầu, thân bài và kết luận, hãy vào đề ngay với sự kiện chính trong tin tức, sau đó mới đi vào chi tiết. Như thế bài viết sẽ dẫn dắt người đọc, tạo cảm giác cho người đọc không phải đọc thừa, để tránh gây nhàm chán và choán chỗ trên trang báo (vốn dĩ rất cần nhiều tin tức, mà số trang chỉ có giới hạn)
- Người làm báo biết hướng dẫn phóng viên đi đến nơi đâu để khai thác đề tài. Khi người phóng viên viết xong, phải sửa bài cho đúng đường lối ội dung tôn chỉ của tờ báo (gồm nhiều yếu tố chủ quan và khách quan), cắt tỉa hay thêm thắt cho bài viết ấy thêm sinh động (action) hơn.
Từ nội dung vụ việc, người làm báo sẽ ấn định, bài được đăng với tít (titre) mấy cột báo (báo ngày trước có 8 cột, mỗi cột chiếm 4,5 cm – nay là 5cm
Thông thường những tin chủ lực trong ngày đều cho lên tít 8 cột từ 1 đến 2 dòng, xuống từ 4 đến 2 cột tùy theo cách trình bày tờ báo. Những tin tức bài vỡ thuộc dạng cần gây chú ý hàng nhì, cho lên tít từ 6 đến 4 cột và nằm nơi phần trên của nửa tờ báo, sau đó là những tít phụ và những tít nhỏ (sous titre) diễn giải nội dung.
Những hàng tít này phải sử dụng câu chữ dễ gây chú ý. (Bởi báo chí, không kể đến tạp chí tuần san, có quá nhiều trên sạp báo, muốn cạnh tranh và có đọc giả, người biên tập phải biết cách thu hút người đọc vào từng tin tức bài vỡ một).



Trong làng báo lúc đó (trước 30/4/1975), có nhiều tờ báo có cách trình bày trang báo (xem hình vẽ dẫn giải) :

- Trình bày theo lối Bắc, là những hàng tít chủ lực không bao giờ đi quá 4 cột, tít chữ cỡ 2cm cao, chữ không chân, không có nhiều tít phụ, và không có phi-lê (filet) bỏ dọc phân theo từng bài viết. Những loạt bài khác tít chữ cũng chỉ cao khoảng 1,2 đến 1,5cm.
Chủ yếu những tờ báo trình bày theo lối Bắc, xuất phát từ lớp người làm báo từ Bắc vào Nam năm 1954, như nhóm báo Chính Luận, Ngôn Luận, Tự Do, sau có nhóm báo Sống, Con Ong… Trong nghề còn gọi là trình bày theo lối Mỹ.

- Trình bày theo lối Nam, lại trái hẳn với lối Bắc, thường trên báo có hàng tít chạy dài 8 cột, loại chữ có chân cao cỡ 4 đến 6 cm, và những tít phụ cũng cao đến 2 cm, kiểu chữ không đồng bộ với tít lớn, có phi-lê gạch dưới cả hai và có từ 1 đến 2 hàng tít nhỏ (sous titre), có phi-lê bổ dọc phân ra từng bài vỡ.
Đây là cung cách làm báo cổ điển được du nhập từ thời Pháp, điển hình như những tờ Thần Chung, Sàigòn Mới, Tiếng Chuông, Lẽ Sống; sau này có Đuốc Nhà Nam, Trắng Đen, Tia Sáng, Thách Đố… Tuy có cải tiến cách trình bày trông đỡ rườm rà, do bỏ bớt những phi-lê gạch dưới hàng tít, nhìn trang báo thấy sáng sủa hơn, hoặc phóng túng đi những hàng tít có hoặc không có chân. Đây là cách trình bày báo theo Pháp khi xưa.
Trong nghề làm báo tối kỵ những cách trình bày (ngày xưa gọi là “mi” nay là “dàn trang”) như :
- Lên xuống thang. – Chữ T. – Suôn đuột.
Là những cách trình bày dễ làm người đọc thấy tờ báo không có thẩm mỹ, và như có một cái gì trái khoáy không hợp với nhãn quan.
Phải nói tờ TĐ trước 1975, là tờ báo được in offset đầu tiên tại miền Nam bấy giờ, vào năm 1971 (kể cả tuần báo, tuần san và tạp chí đang phải in typo với bản chì – mỗi bản chì nếu có nhiều antimoine cũng chỉ in khoảng 5.000 bản, là chữ đã mòn nhoè không đọc được nữa, còn mỗi bản kẽm in trên máy offset có số lượng không dưới 20.000 bản, hình ảnh chữ nghĩa rất rõ ràng dễ đọc). Lúc đó anh em họa sĩ vẽ tranh cho thiếu nhi bằng mực tàu, vẽ trên giấy bóng mờ, chụp lên bản kẽm rất đẹp, còn với loại chữ nhỏ – có co chữ 7 đến 8 points – trên báo lúc đó chưa ai dám in thử nghiệm.



Do đang giữ vai trò biên tập kiêm kỹ thuật, người viết đã mạnh dạn cho “vỗ bài” từng nữa trang báo, trên máy in Tasming, hay trên máy in typo khổ 65×100, thay cho giấy in là giấy bóng mờ, vẫn sử dụng mực in nhưng trên trang in đó được phủ lên một lớp bột nhũ màu đen (hoặc bột nhũ vàng), trước là cho mực in không bị nhoè, sau là cho dàn đèn huỳnh quang trong kỹ thuật chụp bản kẽm không lọt ánh sáng.
Thời gian này chưa ai nhập máy in offset rotative (máy in offset tự động), nên in một tờ báo có số lượng ấn hành hàng ngày trên 100.000 bản, phải sử dụng ít nhất là 10 máy in Offset bán tự động (bình quân mỗi giờ chỉ in được từ 4.000 đến 6.000 bản/mặt), và do thời gian in không được kéo dài quá 3 tiếng trước lúc báo phát hành.
Thời gian trước 1975, các báo phát hành vào buổi chiều, các trang trong và trang quảng cáo được in vào buổi sáng, còn trang ngoài thợ sắp chữ làm từ 5 giờ sáng đến 10 giờ 30 phải kết thúc, đến 11 giờ đưa montage, rồi chụp bản kẽm, khoảng 12 giờ báo bắt đầu in để đem nạp bản, 1 giờ trưa báo mới được phép phát hành.
Nhưng việc in ấn phát hành sẽ không quá 3 giờ chiều phải hoàn tất, vì các đơn vị phát hành sẽ không đến nhận báo giao đi nữa. Giờ giấc bị hạn chế và ràng buộc, nên số lượng in càng nhiều càng phải có nhiều máy in ra cho đúng lịch nói trên,
Khu nhà in ngày trước thường tập trung tại đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai và Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi, Q.1), đa số là máy in typo hoặc được trang bị thêm máy offset đặt tay in bìa tập san, tuần san, (sau này ngành in offset chiếm hẳn thị phần, nên các khu vực trên chỉ cho thuê làm tòa soạn báo). Nhà in lớn và hiện đại lúc đó chỉ có Indeo (Nhà máy in Trần Phú ở đường Thi Sách) và Nguyễn Bá Tòng (Liksin đường Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng), còn lại chỉ thuộc loại vừa và nhỏ đều do tư nhân kinh doanh, còn khu vực in nhà nước không nhận in gia công cho tư nhân.



Khi ngành in offset được tuyệt đại đa số báo chí ra ngày, tuần hay tháng đặt in, bấy giờ các chủ nhà in lại thi nhau nhập máy, như nhà in Nguyễn Tấn Đời (một nghiệp chủ ngân hàng trước khi ngồi tù vì vỡ nợ, cũng ra làm báo – tờ Việt Nam – và lập nhà in), mua về máy in offset rotative in 4 màu 8 trang đặt tại cao ốc Trần Hưng Đạo (gần khu Chợ Quán, Trần Bình Trọng), nhưng máy khai thác không hết công suất, vì tờ Việt Nam in ra không bán được. Đến một nghiệp chủ ngân hàng khác – ông Phạm Sanh – mua máy rotative về in báo mướn, đặt tại đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, sau này Phạm Sanh cũng đỗ nợ, vì buôn gạo cho Tổng Cục Tiếp Tế, nhà in bị trưng thu), nên khi nói về ngành in, thì từ năm 1972 trở đi miền Nam mới có những thiết bị tiên tiến hiện đại…

Làm báo xưa và nay
Ngày trước bạn có một số vốn, dù không có tay nghề vẫn có thể là một chủ báo (xin nhấn mạnh ở dây, chủ báo không đồng nghĩa với chủ nhiệm báo, vì chủ nhiệm báo là pháp nhân được nhà nước cấp giấy phép cho xuất bản báo, còn chủ báo chỉ có trong thực tế do có tiền bỏ ra làm báo, không có tư cách pháp nhân, thông thường nắm vai trò Giám đốc trị sự hoặc kiêm chức hàm chủ bút).
Thời kỳ đó, nhiều chủ nhiệm báo cho thuê manchette (tức tên báo) để người khác kinh doanh, hay hợp tác kinh doanh, trước hết giữ được sự tồn tại của tờ báo, sau là chủ nhiệm có tiền lương hàng tháng, mà không phải suy nghĩ đến việc lời lỗ.
Làm một tờ báo, dù là báo ngày hay báo tuần, đều phải có điều kiện :
- Vốn (Ban trị sự)
- Ban biên tập (biên tập viên và phóng viên, ký giả)
- Địa điểm tòa soạn và nơi in
Khi hội đủ các yếu tố trên, xem như tờ báo đã đi được nữa chặng đường hình thành.

Tiền vốn : Trong tiền vốn bỏ ra, ngoài những khoản tiền ban đầu, như nơi đặt tòa soạn và nhà in, còn phải :

- Tìm ê kíp sắp chữ, mua chữ chì theo số trang được phép xuất bản (nếu tòa soạn và nhà in không ở cùng địa điểm, bắt buộc phải mua chữ chì về đây, do ê-kíp sắp chữ luôn luôn phải ở cùng địa điểm với ban biên tập). Hiện nay báo chí không còn sắp chữ chì như ngày trước, vì bài vỡ được đánh máy và dàn trang ngay trên máy vi tính (PC).
- Ban trị sự có nhiệm vụ thu chi tài chính : Chi trả lương, tiền các bản tin và hình ảnh, trả tiền gia công in, mua giấy in. Còn thu, qua các phần nhận quảng cáo và bán báo. (Trong bán báo có phần tiền thu ngay – thường do nhóm bán báo cổ động thanh toán ngay sau khi phát hành – và thu có gối đầu, do các nhà phát hành ấn định, thông thường báo ra hàng ngày bị gối đầu khoảng nữa tháng, báo tuần từ 4 đến 5 số định kỳ).



Vì vậy khi ra 1 tờ báo phải có số vốn lưu động rất lớn, nếu không tờ báo sẽ không thể hoạt động và cạnh tranh, (nếu tờ báo bán chạy, người chủ báo sẽ bớt lo, vì khoản tiền do tư nhân bán báo sẽ thanh toán rất nhanh, còn ngược lại tờ báo sẽ không đủ vốn chịu đựng được vài tháng khi bắt đầu có độc giả thường xuyên).

Ban biên tập :


- Chủ nhiệm, chủ bút
(người đưa ra chủ trương đường lối chiến lược của tờ báo) – Nay thông thường do một cơ quan chủ quản nhà nước nào đó chịu trách nhiệm.


- Tổng thu ký – Thư ký tòa soạn
:
trình bày báo, xem xét nội dung bài vỡ tin tức, chỉ đạo đặc phái viên, phóng viên (gọi tắt là ký giả), đi thu thập tài liệu. Tổng thư ký phần lớn có nhiệm vụ coi tin quốc tế và đường lối chính trị của tờ báo, còn thư ký tòa soạn là trợ lý cho tổng thư ký, xem phần tin quốc nội và xã hội kiêm phụ trách trang trong (là các trang chuyên đề).


- Phụ trách chuyên đề :
Thông thường tờ báo ngày có những trang chuyên đề, như Văn hóa nghệ thuật (bao gồm những trang chính : Điện ảnh – Sân khấu – Tân nhạc – Thoại kịch – Cải lương), Phụ nữ Gia đình (bao gồm những nội dung tình yêu, hôn nhân, gia đình và xã hội), Văn nghệ (gồm những mục thơ, truyện ngắn, thiếu niên nhi đồng). Và những tiểu thuyết đăng nhiều kỳ (feuilleton) của các nhà văn.


- Phụ trách kỹ thuật :
là người theo dõi bộ phận sắp chữ (nay là bộ phận vi tính), thực hiện cách trình bày dàn trang các chuyên đề đã định, cùng tư duy người phụ trách, làm sao cho tờ báo có những hình thức lôi cuốn người đọc (sắp xếp thêm hình ảnh, tranh vẽ vào bài vỡ v.v…).. Bộ phận kỹ thuật còn theo dõi lúc in ấn, có thẩm quyền cho in hay không, những bản kẽm vừa lên máy, hoặc khi in xảy ra những sự cố kỹ thuật trong ấn loát.


- Ký giả :
bao gồm từ 2 đến 3 thành phần chính trong một tờ báo : Đặc phái viên, phóng viên và thông tín viên.


- Đặc phái viên :
cũng là ký giả, nhưng được đặc phái trực tiếp điều tra, thu lượm tin tức, có sự giới thiệu từ ban biên tập, hoặc đặc phái tiếp xúc với một nhân vật VIP nào đó, là người có thể đại diện để giải quyết mà không cần xin ý kiến trước từ ban biên tập. Đặc phái viên có lúc được chỉ định đứng đầu 1 tổ điều tra.


- Phóng viên
:
là ký giả chỉ thực hiện những nhiệm vụ được phân công trước (như phụ trách mảng tin kinh tế, xã hội, thanh niên, phụ nữ, thể thao, văn hóa v.v…), không đủ thẩm quyền đại diện cho tờ báo để tiếp xúc với các cơ quan ban ngành xin truy cứu hồ sơ (nếu không có sự giới thiệu từ ban biên tập).

- Thông tín viên hay cộng tác viên : là những người không ăn lương tháng, chỉ ăn lương theo bài vở, tin tức được đăng (hưởng nhuận bút), không phải là người viết chính thức trong tờ báo. Thường những thông tín viên, cộng tác viên họ thường trú tại các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài, thu nhận tin tức và quảng cáo – nếu có vụ án lớn, sẽ đề nghị báo cử phóng viên hay đặc phái viên đến cùng thực hiện.
Một loại thông tín viên khác, là những người đứng ra thành lập bản tin riêng, (những bản tin xe cán, đánh ghen, trộm cướp v.v…, in ronéo hay pho to bán cho nhiều tờ báo, nay bán qua mạng Internet – ngày xưa có nhóm Văn Đô, Thanh Huy, Đức Hiền …)



Các báo mua các bản tin này trả tiền tháng, nhưng giá khá rẻ so với lương ký giả. Thông tín viên về hình ảnh khi được báo chọn đăng mới được tính tiền.


- Bộ phận phiên dịch : dịch các bản tin hoặc sách báo Anh, Pháp, Hoa Ngữ cho ban biên tập sử dụng hàng ngày, hoặc những tài liệu đăng trang chuyên đề.

Sự hình thành một ban biên tập gồm những bộ phận nói trên.

Cũng có nhiều tờ báo ít vốn, họ giảm biên chế tối thiểu, trong ban biên tập chỉ có tổng thư ký và thư ký tòa soạn, một vài ký giả đi săn tin, còn lại mua bài hay đặt hàng từ những người dịch, hoặc ký giả báo khác. Vì lượng tin tức từ các bản tin của Thông tấn xã, AP, UPI, Reuteur … và các thông tín viên, cộng tác viên gởi về có khối lượng thông tin khá nhiều, đủ để khai thác trong ngày… Tuy nhiên những tờ báo này không thể có sắc thái riêng biệt, không nhạy bén trước các tin tức, lý do không đủ người đi nhận tin từ các hiện trường đưa về.
Ngày trước làm một tờ báo hàng ngày, người ta cạnh tranh nhau từng tin tức, từng bài viết, chỉ cần hơn đồng nghiệp một vài chi tiết, là có thể tờ báo có số bán vượt hẳn lên.



QUẢNG CÁO
Trong nghề, để báo được sống thọ cùng đọc giả, người làm báo chuyên nghiệp phải có những cách kiếm tiền. Như đã trình bày ở những phần trên, đi tìm những tin tức giật gân (scandal), nếu không có phải làm tít tựa thật giật gân để bán báo. Và còn một cách kiếm tiền khác là nhận quảng cáo.
Bạn đừng nghĩ đơn thuần, tờ báo chỉ nhận đăng quảng cáo từ bạn đọc, hay các cty quảng cáo đem đến. Quảng cáo trên báo có nhiều hình thức :
1- Từ bạn đọc (đa số nhờ đăng rao vặt, chúc mừng, cáo phó, cảm tạ)
2- Từ các nhóm tiếp thị, công ty quảng cáo, đưa đăng quảng cáo từ các cửa hàng, công ty, nhà máy, xí nghiệp, các sản phẩm…
3- Những quảng cáo thuộc dạng tin tức, giá đăng báo thường rất cao so với trang chuyên mục, vì nó nằm ngoài quy hoạch.
4- Và những bài cậy đăng (thông thường những bài cậy đăng là thanh minh, đính chính hoặc công bố một vụ việc gì đó).
Nói như thế để người làm báo có những kinh nghiệm về việc, làm thế nào cho tờ báo sống được.

ĐỘC QUYỀN
Cái hay của người làm báo là sự “độc quyền” được cho phép. Ngày trước báo ngày hay báo tuần, đều đăng tiểu thuyết nhiều kỳ, còn gọi là feuilleton (có khi kéo dài cả năm mới chấm dứt). Một tờ báo xuất bản trong ngày có 8 trang bài vở và 4 trang quảng cáo. Trong 8 trang bài, đã có đến 2 trang tiểu thuyết.
Một tờ báo ngày xưa thường có nhiều tiểu thuyết đăng nhiều kỳ, chia ra các thể loại (trong bài là những tác giả tiêu biểu) : xã hội (bấy giờ có các nhà văn như Tùng Long, Dương Hà, Lan Phương), mang tính gợi dục (Lê Xuyên, Trần Đức Lai, Vũ Bình Thư), tình cảm tuổi đôi mươi (Lệ Hằng), thời đại (Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long), võ hiệp, kiếm hiệp kỳ tình (sáng tác hoặc phóng tác, dịch thuật : Từ Khánh Phụng, Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Vân, Thanh Lan) v.v…
Nhiều tờ báo ngày trước thường “mua độc quyền” tên nhà văn, như tờ TĐ với nhà văn Trần Đức Lai (tức ký giả Tô Văn) đang nổi tiếng với tiểu thuyết “Cậu Chó”, tờ TS với Vũ Bình Thư qua “Lệnh Xé Xác” v.v… Không báo nào có tên những nhà văn nói trên viết những feuilleton mới… Vì mỗi nhà văn thường viết tiểu thuyết cho nhiều tờ báo.
Nhưng ăn khách nhất là tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Giao, hai nhà văn Trung Hoa một sống tại Hong Kong và một sống tại Đài Loan, được dịch hàng ngày từ báo in tiếng Hoa xuất bản tại Chợ Lớn.



Cho nên người làm báo mang tính chuyên nghiệp phải nhạy bén, biết nắm bắt yếu tố ăn khách đó. Là được đăng độc quyền.
Một chủ nhiệm báo bấy giờ không ngại bỏ tiền sang tận Hong Kong, Đài Loan mua độc quyền tiểu thuyết đang ăn khách đăng (cụ thể tiểu thuyết võ hiệp Lộc Đỉnh Ký đang xuất hiện trong thời gian 74-75 thế kỷ trước).
Độc quyền chỉ dài hơn các báo Hoa ngữ phát hành trong Chợ Lớn hay Việt Ngữ ngoài Sài Gòn, chừng một gang tấc hàng ngày trên báo. Tức thì người đọc đang “ghiền” tiểu thuyết Kim Dung đã đổ xô mua đọc.
Theo người viết được biết, tờ báo đi mua “độc quyền” này thỏa thuận với tác giả Kim Dung và tờ Minh Báo xuất bản tại Hong Kong (đang đăng tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký), hàng ngày gửi theo máy bay qua Sài Gòn, một đoạn trước khi tờ Minh Báo ấn hành trong ngày.
Tuy nhiên để phá “độc quyền”, các báo “chậm chân” đã ra “chiêu” phá bĩnh, bằng cách cho người dịch viết vuốt đuôi chừng đôi ba dòng khác với tờ báo có đoạn “độc quyền”, khác hẳn khi dịch nguyên bản. Làm người đọc phân vân, không còn biết báo nào là “độc quyền” nữa. Đó là mưu mẹo của người làm báo chuyên nghiệp.
Ngoài những thủ thuật trên, có những tờ báo còn “độc quyền” khai thác những vụ án lớn :
- Như vụ “Công chúa Ba Xi – Martine – Bokassa”.
Khi tờ báo phát hiện ra vụ án mang tầm cỡ thu hút được số đông đọc giả, những người trong ban biên tập đã có quyết định “giữ đầu mối”, tức đưa “công chúa Martine” và gia đình về nơi nhà riêng ở, không cho một phóng viên báo nào khác tiếp cận, khai thác.
Trên đây là những “điển hình” về việc giữ “độc quyền”. Trong đó nói về độc quyền tác phẩm, tác giả thuộc dạng “hàng nằm” lôi kéo người đọc dài hạn, còn độc quyền tin tức thuộc dạng “hàng nóng” chỉ giữ người đọc trong một thời gian nhất định.

PHỐI KIỂM BÀI VỞ
Ngày trước cũng như bây giờ, ký giả thường gặp nhiều tai tiếng, vì mọi người đánh giá họ qua câu “nhà báo nói láo ăn tiền” hay “ký giả cà phê” nhằm miệt thị những người làm báo và viết báo không chân chính.
Chính vì thế vai trò của người Tổng biên tập hay Thư ký tòa soạn rất nặng nề, phải nhạy bén tìm ra những bài viết không đúng sự thật, làm thay đen đổi trắng, hoặc dựa vào bản tin viết thành bài quảng cáo có lợi cho “đối tác” v.v…
Việc phối kiểm bài vở thường diễn ra trong một buổi, hay trong ngày, nhất là những vụ án về kinh tế, những phát biểu, hay trả lời phỏng vấn những sự kiện quan trọng, có thể dẫn đến kiện thưa tại tòa án.
Người Tổng biên tập chỉ cần nhấc điện thoại gọi đến hiện trường, đến cơ quan thẩm quyền hay chính đương sự để hỏi thêm chi tiết (nếu là phát biểu quan trọng còn phải có băng ghi âm).
Nhưng còn những bài vở tin tức không quan trọng, như những mẫu tin lượm lặt khỏa lấp cho đầy trang. Đây là “môi trường” các ký giả cà phê len lõi để kiếm cơm. Như bản tin sau đây :



Nhà máy dệt XYZ ra mắt mặt hàng mới
(XXX) Ngày ……. nhà máy dệt XYZ vừa tung ra thị trường loại vải mới mang tên Teljin, dệt bằng sợi pha Polyester, vải này mịm đẹp dành cho nam giới may quần tây. Về chất lượng, có số đông khách hàng khen ngọi vải không thua kém hàng của Thái Lan, Canada và cả Pháp hiện đang tràn ngập thị trường may mặc, giá lại chỉ bằng một nửa so với vải các nước trên.
Nên trong mấy ngày đầu, nhà máy dệt XYZ tung ra dò dẫm thị trường, được mọi người tìm mua, không đủ số lượng bán buôn tại các chợ đầu mối như Bến Thành, Bình Tây, An Đông, Bà Chiểu. Nhà máy dệt XYZ phải buộc công nhân tăng ca, nhằm đáp ứng số cung cầu cho thị trường đang đòi hỏi.
Bản tin chỉ đăng 1 cột và dài khoảng 8 hay 10 phân báo, nhưng giá trị tinh thần rất lớn, tạo ra lợi nhuận cho nhà máy XYZ rất nhiều, nếu đăng theo hình thức quảng cáo nó sẽ không tạo ra sự “cung cầu” giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhưng phóng viên viết nó lại không mang ích lợi tài chánh nào cho tờ báo,(qua tiền quảng cáo, hay bài cậy đăng), hoặc giả thu hút được người đọc.
Nhiều anh chị em phóng viên mới vào nghề không rõ vì vô tình hay cố ý, viết những mẫu tin đại loại như trên, và cuối ngày không thấy tin của mình được đăng, hỏi ra mới biết bài này nếu đăng phải trả tiền, còn bằng không sẽ phải viết lại bản tin như sau :

Một mặt hàng vải ăn khách không thua vải ngoại
(XXX) Theo một số bạn hàng buôn bán vải ở các chợ đầu mối cho biết, gần đây có một loại vải quần tây do 1 nhà máy dệt trong nước sản xuất đã đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, giá rẻ, bền, đẹp được dân chúng tìm mua, nên rất khan hiếm trên thị trường. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.
Bạn thử so sánh 2 bản tin trên, 1 tin mang đặc chất quảng cáo, còn 1 tin chỉ mang tính thời sự.
Nên người làm báo chuyên nghiệp sẽ dễ dàng nhận ra một bản tin có giá trị về quảng cáo và 1 bản tin mang tính thời sự như thế nào, các anh chị em viết báo nhiều khi quá nhiệt tình (khách quan và chủ quan) không hiểu rõ tính chất bài mình viết, thường gây hiểu lầm với ban biên tập.
Đôi khi bên biên tập được sự thỏa thuận từ khách hàng, cử phóng viên đi nhận tin tức, phóng viên lại viết quá khách quan không đúng với giao ước, buộc lòng bên biên tập phải bổ sung lại nội dung, đến khi báo ra người phóng viên không còn nhận ra đó là bài viết của mình nữa.
Tuy nhiên có loại tin tức, báo cần chua thêm một dòng “bài cậy đăng”, như đính chính một tin tức, thanh minh một vụ việc. Đại loại như bài dưới đây :
Hãng Giày XYZ nhờ thừa phát lại niêm phong lô hàng giả.
Trong. năm qua, thương hiệu Giày XYZ được mọi tầng lớp dân chúng ưa chuộng, vì kiểu dáng đẹp, bền và giá cả phải chăng. So với những loại Giày của Italy, Pháp, giày mang nhản hiệu XYZ có số lượng tiêu thụ rất mạnh, chính vì thế hãng Giày XYZ đã mang nhản hiệu ra tòa cầu chứng độc quyền, nên hiện nay trên thị trường có những cơ sở sản xuất giày mang giả nhản hiệu XYZ.
Ngày …. hãng Giày XYZ đã nhờ thừa phát lại đến tiệm X. niêm phong 200 đôi giày các loại giả nhản hiệu, và đang nhờ thừa phát lại lập hồ sơ đưa tiệm X. ra tòa.




Bài cậy đăng trên cũng thuộc dạng tin tức, quảng cáo, nhưng sở dĩ phải sử dụng câu từ “Bài cậy đăng” là có lý do :

- Bên hãng XYZ không cho sửa chữa bài viết đưa đến đăng báo, phải đăng nguyên văn.
- Việc niêm phong một số giày của tiệm …. dù là có thật. Nhưng báo vẫn vi phạm vào tội vu khống, do hai bên nguyên và bị đơn chưa được tòa án phân xử tình lý rõ ràng. Đồng thời thừa phát lại có thừa hành việc niêm phong giày tại tiệm X, cũng chỉ mang tư cách độc lập khi được bên nguyên yêu cầu, không phải do cơ quan bên hành pháp đến xử lý.

Vì vậy câu “Bài cậy đăng”, về tính pháp lý, bên nguyên đơn là hãng giày XYZ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước bài viết của mình.

Việc phối kiểm tin tức chỉ là nhiệm vụ thứ yếu của ban biên tập, nhưng không vì thế mà không xem lại các bài vở tin tức do các ký giả mang về đăng tải.

LÀM BÁO NÓI LÁO

Có lẽ trong nghề báo chưa ai dám vỗ ngực xưng mình chưa hề nói biết láo, tức người đó không phải là dân làm báo chuyên nghiệp !
Trong nghề làm báo dù muốn hay không, cũng đôi lần phải nói láo, dù bản thân vẫn muốn giữ vững ngòi bút không bị bẻ cong, và luôn luôn tôn trọng sự thật. Nhưng những ảnh hưởng từ khách quan đưa đến, đôi khi phải chấp nhận để tồn tại ! Lúc tôi làm báo, nhiều lúc báo mất dần đọc giả, ban trị sự lo lắng cho sự sinh tồn của tờ báo, họ lên tiếng báo động tìm những giải pháp cứu gở tình thế sắp bi đát đó.
Ngày xưa các báo đối lập có những bài vở chỉ trích chính quyền, trong đó họ cũng đưa ra nhiều hình ảnh không thực tiễn, “mị người đọc” để hợp lòng dân mà bán báo. Còn người làm báo thương mãi, nếu không thân chính quyền, họ cũng không dám chống đối chính quyền.
Khi báo “bán ế” bên phát hành cổ động đã nắm được, họ thúc hối ban biên tập, nào cải tiến tờ báo bằng hình thức hay nội dung, tìm kiếm những đề tài hấp dẫn nhằm lôi cuốn đọc giả.



Muốn cải tiến tờ báo bằng hình thức thật dễ, chỉ cần thay đổi cách trình bày, in thêm màu, tăng cường một hai tiểu thuyết là được, nhưng không vì thế trong ngày một ngày hai đã tăng đọc giả; muốn tăng thêm đọc giả ngay tức khắc là việc làm rất khó, đâu phải lúc nào cũng có những vụ nóng như Công chúa lọ lem Mar-tine Bokassa (năm 1972, đây là một đề tài xã hội rất sôi nổi trong dân chúng miền Nam bấy giờ).
Những chiêu thức làm sao có lại đọc giả đã được đem ra mổ xẻ :
- Tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội đang bế tắc về tin tức, càng không thể trở thành báo đối lập “ăn nói huyên thuyên” như các các chủ báo đang khoát áo Dân biểu, Thượng Nghị Sĩ.
Muốn vậy chỉ còn một cách tạo ra “sì-căn-đan” (scandal).
- Và tạo “sì-căn-đan” vào giới ca nghệ sĩ là mau có đọc giả, lại an toàn mọi mặt. Nhưng phải biết ai trong giới ca nhạc sĩ đang được quần chúng mến mộ, có như thế mới có đọc giả. Vậy ai sẽ được chọn làm vật “tế thần” đây ?!
Thời gian đó nhiều ca nghệ sĩ đang được mến mộ, như giới cải lương có “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, rồi những Thanh Nga, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Hùng Cường, Thành Được, Dũng Thanh Lâm, bên thoại kịch có La Thoại Tân, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, còn điện ảnh có Trần Quang, Huỳnh Thanh Trà, ca nhạc có “Tiếng hát liêu trai” Thanh Thúy, “Giọng hát khói sương” Khánh Ly hay Thanh Lan, Lệ Thu, Mai Lệ Huyền, quái kiệt với những Thanh Việt, Phi Thoàn, có đông đảo người ái mộ từ Bến Hải cho đến Cà Mau.
Việc gây “sì-căn-đan láo” trong giới ca nghệ sĩ để bán báo, được ban biên tập chọn phương án này, được bàn thật kỹ trước khi thực hiện, nếu viết chỉ có Bạch Tuyết, Thanh Nga , Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng là tạo ra “cơn chấn động” mạnh, nhưng có nhiều yếu tố không thể “đụng đến” những người này.
Chỉ có Mai Lệ Huyền mới thật là nhân vật cần tìm ! Thứ nhất đôi song ca MLH và Hùng Cường chuyên hát nhạc sến, từ trẻ em đến người lớn, từ giới bình dân cho đến trí thức, đều biết đến ca sĩ “nhạc sến” MLH. Thứ nhì, cô ca sĩ này cũng hay thay đổi chồng mấy bận, cả nước đều biết. Thứ ba, MLH không có ô dù nào đỡ đầu, đơn thuần là ca sĩ độc lập, MLH sẽ không dám đụng giới báo chí.
Đúng là nhân vật tờ báo đang cần, về mặt chiến lược đều thuận lợi. Còn chiến thuật tạo ra “sì-căn-đan”, làm sao để tránh bị thưa kiện, vì thế tôi tìm đến người thân cận (trông coi báo chí cho MLH) để bàn bạc trước những bài báo sẽ được in ra, và mong giữ “im lặng” trước cô ca sĩ về tin tức giật gân nói về cô ta.
Được người này chấp thuận, tôi lên phương án cho loạt bài như sau :
- Ngày đầu tiên : Tung tin “sì-căn-đan” ca sĩ Mai Lệ Huyền giựt chồng người, vợ một đại úy không quân kêu cứu với báo chí.
- Ngày thứ nhì, thứ ba : Viết về những mảnh đời tình ái “sôi nổi” của cô ca sĩ vừa “chảnh” vừa “hot” đó, khi lấy nhạc sĩ Trần Trịnh như thế nào, ai lăng xê cô ta thành “nữ hoàng nhạc sến”, tại sao MLH bỏ Trần Trịnh đi lấy đạo diễn Việt. làm ở đài truyền hình v.v…
- Bước qua ngày thứ ba, thứ tư : dự đoán có thể MLH đến tòa soạn kêu oan, lúc này phải chuẩn bị chụp hình, phỏng vấn để có những tấm ảnh “nóng sốt” đăng báo.

- Ngày thứ năm : Đăng tiếng kêu oan của MLH, cùng các hình ảnh chụp được tại tòa soạn.

- Kết thúc : vợ viên đại úy không quân lên tiếng đính chánh nguồn tin MLH giựt chồng bà ta…


Ghi chú cho kế hoạch :
Tìm một tấm ảnh của MLH, phía sau cho ghi mấy chữ “Tặng kỷ niệm”, soạn một bức thư mang danh nghĩa vợ của một đại uý không quân nào đó gửi bằng đường bưu điện cho báo, với lời lẽ khuyên can cô ca sĩ đừng đeo đuổi chồng bà ta, (phải lấy binh chủng không quân cho anh chàng, vì thời kỳ đó đang có phong trào nữ sinh yêu lính không quân), và một bức thư đính chánh chuyện hiểu lầm cô ca sĩ MLH giựt chồng, với lý do : vì chị ta đã mở từ trong bóp chồng mình thấy tấm ảnh MLH ghi mấy câu “Tặng kỷ niệm”, nên chị không có những suy nghĩ chính chắn đã nổi cơn ghen, viết thư nhờ báo chí kêu cứu, đến khi số báo ra mắt và đọc được bài MLH minh oan, lúc đó chồng chị vừa ở đơn vị về giải thích, anh ta vì mê tiếng hát của MLH nên đến CLB Huỳnh Hữu Bạc (dành cho giới không quân làm việc trong sân bay quân sự Tân Sơn Nhất đến giải trí) nơi MLH đến hát hàng đêm, anh ta có xin một tấm ảnh làm kỷ niệm, ngoài ra chẳng ai gặp nhau bao giờ.




Đó là toàn bộ kế hoạch, và đúng như dự liệu, tin giật gân về “nữ ca sĩ MLH giựt chồng” đăng độc quyền trên báo, báo đã bán rất chạy, hàng ngày số in cứ tăng dần. Trong giai đoạn có thêm đọc giả, chúng tôi cho cải tiến các trang trong, ngoài, thêm nhiều mục mới lạ nhằm giữ khách.
Chỉ tội cho cô ca sĩ bị bêu riếu bất ngờ, đã bị “sốc” và khóc hết nước mắt, đến tòa soạn báo kêu oan. Đọc giả là người bị bịp nhiều nhất, đâu nghi ngờ tờ báo viết láo tạo ra “sì-căn-đan” để bán báo.
Nghề làm báo chuyên nghiệp là như thế, nên đừng trách các tờ báo lá cải bên phương tây tại sao hay dựng đứng các mẫu chuyện của giới VIP, giới minh tinh màn bạc, làm “Sì-căn-đan”, thuê cả trực thăng chỉ để bay lên trời chụp xuống nơi “cung cấm”, để săn những tấm ảnh quý giá từ các bậc phu nhân !
Nghề làm báo là, luôn luôn có mặt thật và mặt trái của vấn đề.

Nguồn : Một Thời Saigon
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!

Bài được HanParis sửa đổi lần cuối vào ngày 18-06-2014, lúc 22:39
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
8 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
chienbinh (19-06-2014), Dat_stamp (19-06-2014), hoavienquanbl (20-06-2014), Mai Hoàng Huy (23-06-2014), manh thuong (19-06-2014), nam_hoa1 (20-06-2014), Poetry (19-06-2014), Tien (24-06-2014)
  #2  
Cũ 24-06-2014, 16:38
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Hàn : Báo chí thường đi đôi với sách vỡ, đúng không? Các bạn trẻ chắc không biết các nhà sách GP tại quốc nội được mọc lên trong thời bao cấp từ sau 30/04/75 đến thời kỳ kinh tế thị trường. Chỉ là tôi nhớ những nhà sách đó ít người lui tới vì bán toàn sách chính trị kho khan dịch từ tiếng Nga, Đức, Tiệp Khắc... Riêng tôi không thích loại phiên âm kiểu VN khi ấy, nghe buồn cười, có khi lại tục, nhất là mấy tác phẩm của Bulgary, Hungary. Vào những năm 90 thì VN ta chưa chủ trương tự do báo chí nhưng lại cho phép xuất bản nhiều sách báo được dịch từ báo chí hải ngoại. Là 'con mọt sách' từ thuở nhỏ, tôi nhớ khi còn sống tại quê nhà trước 75, tôi hay đến nhà sách Khai Trí để đọc miễn phí các sách báo cuối tuần. Sau đó đi ăn kem Givral trên đường Lê Lợi cách đó chỉ vài chục căn và vào rạp Eden để xem phim Pháp. Ngày xưa, tiệm sách nỗi tiếng nhất miền Nam là hiệu Khai Trí nằm tại số 62, ĐL Lê Lợi, Q1 - TPHCM. Tình cờ đọc qua một bài viết về nhà sách này và ông chủ tiệm có tên là Nguyễn Hùng Trương. Xin chia sẽ với Ace nào muốn biết về hiệu sách này.

Khi đồng bào miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 sau Hiệp định Geneve (2O/7/1954), nhà sách Khai Trí đã có mặt tại Sài Gòn từ hai năm trước đó. Tôi di cư sớm hơn, vào Đà Lạt năm 1953 và trong những chuyến về chơi thủ đô, nhà sách Khai Trí là một trong những địa điểm tôi thường lui tới để thỏa mãn tính tò mò, tìm hiểu về thế giới sách vở tại đây.

Dạo đó, mỗi chiều cuối tuần người Sài Gòn thường rủ nhau đi “bát phố” Bonard, hết đi lên rồi lại đi xuống suốt con đường từ Quốc Hội (sau này đổi là Nhà hát lớn) đến chợ Bến Thành. Kể từ thời Đệ nhất Cộng hòa Bonard được đổi tên thành Lê Lợi. Đặc biệt con đường này chỉ đông người phía bên phải theo hướng từ tòa nhà Quốc Hội đi đến cuối đường là chợ Bến Thành.

Đường Lê Lợi đông người “bát phố” vì trên suốt con đường có nhiều địa chỉ nổi tiếng… nhà hàng Givral nằm ngay góc đường đường Catinat (đường Tự Do, sau đổi là Đồng Khởi) và Bonard. Nơi này được mệnh danh là “Khu tứ giác Eden” gồm Passage Eden có rạp ciné Eden của gia đính họ Huỳnh Phú, đầu kia của tứ giác, nhà hàng Givral (góc đường Tự Do và Lê Lợi)…

Khu tứ giác này ngày nay đã biến mất để lại cho những người Sài Gòn xưa nhiều nuối tiếc. Kiến trúc “hiện đại” đã làm mất đi những đường nét cổ kính từ thời Pháp thuộc của Sài Gòn. Vẫn biết cuộc sống là luôn thay đổi nhưng ở một chừng mực nào đó vẫn còn đọng lại đâu đây những nuối tiếc, hoài cổ.

Rồi sau này, năm 1962, có rạp Rex, “rạp cine đầu tiên có máy lạnh”, có “thang cuốn” của tỷ phú Ưng Thi được khai trương theo mô hình rạp Rex tại Paris. Rex nằm ngay ngã tư Lê Lợi-Nguyễn Huệ lúc nào cũng dập dìu “tài tử giai nhân” đi xem phim hoặc không tiền thì… nhìn người ta xem phim!

Xuống đến ngã tư Lê Lợi-Pasteur có tiệm kem Mai Hương, ngày nay là kem Bạch Đằng. Đây là địa chỉ dừng chân của những người trung lưu, không đủ tiền ngồi Givral vốn dành cho giai cấp thượng lưu, “quý tộc”, kể cả những trai thanh gái lịch con nhà giàu.


Tiệm kem Mai Hương góc Lê Lợi-Pasteur

Đi thêm vài bước là đến tiệm sách Khai Trí, giang sơn của giới “mọt sách” bình dân vì nếu “trí thức” hơn, người ta ghé vào nhà sách Xuân Thu trên đường Catinat (Tự Do). Xuân Thu có gắn máy lạnh và chuyên bán sách báo nhập từ nước ngoài với giá cao và dĩ nhiên chỉ dành cho giới “quý tộc”.

Lần đầu tiên nghe đến tên Khai Trí không hiểu sao tôi lại nghĩ ngay đến Hội Khai trí Tiến đức ngày xưa tại Hà Nội (1). Nhà sách ở Sài Gòn cũng như hội đoàn ngoài Hà Nội đã cùng một mục đích “khai tâm mở trí” cho người Việt thời Pháp thuộc cũng như thời VNCH.

Đường Lê Lợi cũng có thể gọi tên là con đường “văn hóa” vì ngay cạnh Khai Trí, tại số 60-62 Lê Lợi, còn có nhiều nhà sách khác như Dân trí, Thanh Tuân và Phúc Thành nằm chen vai thích cánh bên nhau. Tuy cùng cạnh tranh trên đường Lê Lợi nhưng Khai Trí vẫn nổi bật vì chiếm hẳn hai căn nhà bề thế, hơn nữa việc nổi tiếng còn do tài lèo lái và quản lý của người chủ. Đó là ông Nguyễn Hùng Trương nhưng người ta ít biết đến tên ông mà chỉ gọi là : “Ông Khai Trí”.



Nhà sách Khai Trí

Người ta nói ông Khai Trí khởi nghiệp buôn bán “sách vở” bằng 1 chiếc xe đẩy, hình như trước cổng trường Chasseloup Laubat đường Hồng Thập Tự, nay là trường Lê Quý Đôn, đường Nguyễn Thị Minh Khai. Trong cuộc phỏng vấn của Phan Hoàng tại Sài Gòn được đăng trên báo Tiền Phong năm 2001 mang tựa đề "Vua sách Khai Trí" trở lại TP Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Hùng Trương kể lại thời kỳ khởi nghiệp trên bước đường kinh doanh sách của mình :
“Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã mê sách hơn mọi thứ khác. Càng lớn lên thì niềm đam mê sách càng tăng. Tôi nhớ một ngày nọ có mấy anh bạn đồng môn đến nhờ tôi mua giùm năm cuốn sách về văn học Pháp. Tôi cũng đang cần một cuốn để lưu, nên gởi thư cho nhà xuất bản xin mua sáu cuốn. Ông giám đốc nhà xuất bản gởi thư hồi âm rằng, nếu tôi mua từ mười cuốn trở lên thì sẽ được trừ 30% giá bìa. Nhẩm tính tôi thấy nếu mua luôn mười cuốn thì số tiền chẳng hơn sáu cuốn chưa chiết khấu là bao, nên mượn tiền gởi mua đủ.
Nhận sách, tôi đưa mấy anh bạn năm cuốn, tôi lưu một cuốn, còn bốn cuốn đem ký gởi. Khoảng ba ngày sau tôi ra thăm chừng, không ngờ sách đã bán hết, ông chủ tiệm trả tiền và nói rằng nếu có sách gì cần bán thì cứ đem đến ký gởi.
Từ đó, tôi nảy ra ý định tìm các loại sách báo có giá trị, quý hiếm đặt mua ngay tại cơ sở rồi mang ra hiệu sách ký gởi. Rồi khi để dành được số tiền kha khá tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện mở nhà sách. Năm 1952, sau một thời gian chuẩn bị vốn liếng và mặt bằng, tôi đã khai trương nhà sách Khai Trí”.

Tài sản quý giá nhất của ông Khai Trí là sách báo. Sài Gòn khi đó có khoảng ba mươi tờ nhật báo, hàng chục tuần báo và nguyệt san, bán nguyệt san. Ông tìm mua hết và đóng bìa cứng để lưu trữ. Đặc biệt hơn cả, ông sưu tập được bộ Paris Match của Pháp từ số 1 cho đến ngày 30/4/1975, trong đó có nhiều hình ảnh, tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.

Ngoài ra, kho lưu trữ của ông còn 4.000 trang bản thảo từ điển tiếng Việt và gần 300 bản thảo sách nằm trong kế hoạch in thì bị “nửa đường đứt gánh”. Theo lời ông, thật đáng tiếc là kho sách báo ấy hiện bị thất lạc gần hết. Ông nói, tại Mỹ, bộ tạp chí Paris Match nếu còn giữ được thì giá không dưới nửa triệu đô-la.

Cũng từ trong nước, nhà văn quá cố Nguyễn Thụy Long, tác giả cuốn tiểu thuyết Loan mắt nhung, đã viết về ông Nguyễn Hùng Trương như sau :

“Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước quản lý, nay mang tên Phahasa của nhà nước. Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ.

Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954.

Nhiều vị học giả, nhiều nhà văn nhà thơ, tất cả đều quí mến ông. Có vị nói với tôi, "Ông Khai Trí không khen được thì thôi, chớ có gì đâu để mà nói xấu, để chê bai". Ðúng vậy, ông Khai Trí là người làm sách, làm văn hóa, kinh doanh mặt hàng ấy, nhưng không thể coi ông là hàng "đầu nậu" xuất bản sách, trái lại rất trân trọng, vì tư cách của ông, con người vừa khiêm nhượng vừa tốt lành của ông”.

Khai Trí là nhà sách bán lẻ nhưng cái tên Khai Trí còn xuất hiện như một nhà xuất bản, nhà phát hành và đồng thời là nhà xuất nhập cảng sách. Ngoài việc xuất bản sách, ông còn chủ trương in tuần báo Thiếu Nhi (Chủ nhiệm: Nguyễn Hùng Trương, Chủ biên: Nhật tiến) rồi tập san Sử Ðịa (2) do Nguyễn Nhã làm Chủ biên.

Ông tâm sự với Phan Hoàng: “Trong tất cả các loại sách, tôi đặc biệt nặng lòng với sách thiếu nhi. Từ năm 1971 tới 1975, tôi chọn lọc xuất bản 300 đầu sách trong bộ Tuổi thơ dành riêng cho các cháu nhỏ. Bên cạnh đó, tôi còn xuất bản tuần báo Thiếu nhi với sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo có uy tín và tâm huyết với trẻ em. Đây là công việc mà tôi thích thú nhất!”.


Nhà văn Nhật Tiến giới thiệu ông Nguyễn Hùng Trương

trong buổi ra mắt tuần báo Thiếu Nhi

Trên diễn đàn Talawas, tác giả Làng Đậu bày tỏ lòng tri ân và thành kính với người đã góp công không nhỏ giáo dục và đào tạo một thế hệ thiếu nhi tại miền Nam với “tuần báo giải trí và giáo dục Thiếu nhi” như đã ghi trên bìa mỗi số:

“Về hình thức, trang bià và trang cuối cuả tờ Thiếu Nhi lúc nào cũng được trình bày rất công phu, dùng kỹ thuật in offset, một kĩ thuật tiến bộ (và cũng đắt tiền) nhất thời bấy giờ. Trang bià thường in hình vẽ cuả hoạ sĩ Vi-Vi về các đề tài khác nhau. Có lẽ bức tranh tôi thích nhất là bức Ông đồ, bức tranh này sau đó cũng đã được lên khung trong một bộ tem dưới cái tên cúng cơm cuả hoạ sĩ Vi-Vi: Võ Hùng Kiệt.

Nếu như trang đầu cuả tờ báo là một sự trang trọng cần thiết thì trang cuối, ngược lại, đem lại cho độc giả vô vàn thú vị qua các câu chuyện bằng tranh màu nổi tiếng dịch lại từ tiếng nước ngoài, như truyện Tin-Tin, truyện Asterix Obelix, truyện cuả Walt Disney... Những truyện tranh này đã được chọn lọc rất kỹ trước khi đăng nên có chất lượng cao về nội dung giáo dục. Hoạ sĩ Vi-Vi cũng có góp phần vẽ minh hoạ một số truyện tranh Việt Nam.


Tuần báo Thiếu Nhi số ra mắt


Tờ Thiếu Nhi không bao giờ bị khô khan bởi vì nó luôn có các kì thi “đố vui có thưởng”, các chuyện cười do độc giả gửi tới cũng như các bài thơ, văn, nhạc, họa cuả nhiều tác giả, cả già lẫn trẻ. Mục “Truyện cổ tích” cũng thu hút người đọc bằng các truyện của Tô Hoài, Nhật Tiến và nhiều cây bút cừ khôi khác. Đặc biệt thú vị là hai mục: "Trả lời thắc mắc" và "Tay ngọc bên bếp hồng".

Cũng xin nhắc lại vài câu thuộc loại “hoa thơm cỏ lạ” được giới thiệu trong vô vàn danh ngôn mà tờ Thiếu Nhi đã cho phổ biến trên mặt báo: “Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan” (Đức Phật), “Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghiã thắng hung tàn” (Nguyễn Trãi) hay “Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi”...

Làng Đậu, “độc giả nhí ngày đó”, viết: “Tiền lời của nhà sách khi bán các mặt sách khác đã được đem qua để bù lỗ cho tờ Thiếu Nhi. Có lẽ riêng đối với tôi, một thằng bé đen đủi không quen biết, ông đã hành xử "bù lỗ nhiều hơn"; khi tôi hỏi mua 3 tờ Thiếu Nhi vì không đủ tiền mua nhiều, thì đã được ông cho thêm mấy tờ mà tôi muốn”.


Bìa báo Thiếu Nhi với bức tranh Ông Đồ của họa sĩ Vi Vi

nhân kỷ niệm lễ Khổng Tử “Đặc biệt nhớ ơn thầy”

Đối với độc giả người lớn, ông Khai Trí “bảo trợ” tập san Sử Địa của một nhóm giáo sư và sinh viên trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Số đầu tiên ra mắt bạn đọc năm 1966 và số cuối cùng năm 1975 mang chủ đề “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa”, một đề tài nóng bỏng sau sự kiện ngày 19/1/1974 hải quân TQ chiếm quần đảo Hoàng Sa (Paracells) khi ấy đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa.



Tập san Sử Địa số đầu tiên


Tập san Sử Địa phát hành 3 tháng một kỳ, ra được tổng cộng 29 số báo cho đến ngày Sài Gòn thất thủ năm 1975. Đây là nguồn tài liệu phong phú trong việc khảo cứu, sưu tầm về sử ký và địa lý Việt Nam. Tác giả những bài viết trên tập san Sử Địa là những nhân vật nổi tiếng của miền Nam như Hoàng Xuân Hãn, Phan Khoang, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu Í…


Tập san Sử Địa số cuối cùng


Khai Trí còn là một nhà xuất bản chuyên in tự điển của miền Nam. Nếu nhà xuất bản Thời Thế in cuốn Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị dầy 1069 trang thì Khai Trí đã phát hành một loạt từ điển như Pháp Việt Tự Điển của Đào Đăng Vỹ với độ dầy lên đến 1276 trang; Anh Việt-Việt Anh Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn…


Ông chủ nhà sách Khai Trí và nhà làm tự điển Nguyễn Văn Khôn

Thậm chí có những cuốn tự điển rất cần cho việc nghiên cứu nhưng lại khó tiêu thụ trên thị trường nhưng Khai Trí vẫn mạnh dạn xuất bản, chẳng hạn như bộ Hán Việt Từ Điển của Thiều Chửu hay Hán Việt Tân Từ Điển của Nguyễn Quốc Hùng.

Nguyên tắc của kinh doanh nói chung là nhắm vào tiền lãi thu về nhưng một nhà kinh doanh có “tâm” hay có “đạo đức kinh doanh” là biết dung hòa giữa một bên là “lợi nhuận” và phía bên kia là “lợi ích” của xã hội. Ông Nguyễn Hùng Trương là nhà kinh doanh biết kết hợp cả hai cái “lợi” để đóng góp cho nền văn hóa của miền Nam.

Ông còn giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn bằng cách mua tác phẩm của họ, dù chưa in nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Ngoài ra, ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn, chẳng hạn như tờ nhật báo Sống của Chu Tử.


Nhật báo Sống của Chu Tử

Theo Kaviti, ông Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức nhưng cũng có người nói ông sinh tại Biên Hòa. Thời thơ ấu của ông rất cơ cực, thường nhịn ăn sáng và dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên trung học ông vào trường Petrus Ký với một chiếc xe đạp cũ.

Báo Thanh Niên viết về ông Khai Trí: “Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam”.

Trong những ngày đầu Sài Gòn đổi chủ, có người thấy ông chủ Khai Trí trải tấm nylon lớn trên vỉa hè ngay trước cửa Nhà sách Khai Trí để bán nốt các số báo Thiếu Nhi còn sót lại. Tờ Thiếu Nhi vốn là báo khổ to, nhưng đến gần 1975 thì nó đã co nhỏ và thu bé mình lại, chỉ còn như một cuốn sổ tay mỏng lét nhưng vẫn giữ nguyên tôn chỉ và mục đích.

Năm 1976, chính quyền mới mở đợt "cải tạo văn hóa" tiếp theo sau đợt cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền”. Nhà sách Khai Trí bị truất hữu và tịch thu, kho sách 60 tấn bị tiêu hủy. Chủ nhân Nguyễn Hùng Trương bị bắt trong chiến dịch tháng 4/1976 và đưa đi cải tạo tại trại Z30C Hàm Tân vì tội "biệt kích văn nghệ".

Một số nhân vật khác trong ngành phát hành sách báo như ông Nguyễn Văn Chà, chủ nhân nhà tổng phát hành Nam Cường, ông Tư Bôn (Paul) chủ nhân cơ sở phát hành Thống Nhất rồi ông chủ các nhà phát hành Ðồng Nai, Ðộc Lập cũng cùng chung số phận vì đã hoạt động trong lãnh vực sách báo “văn chương đồi trụy”…

Năm 1991 ông Khai Trí xuất cảnh sang Hoa Kỳ để đoàn tụ cùng gia đình. Theo nhà văn Nhật Tiến, ông Nguyễn Hùng Trương dự định mở lại nhà Khai Trí, nhưng điều trớ trêu là hầu hết các tác phẩm của Khai Trí đã “được” một số nhà xuất bản hải ngoại in lại mà không hề nghĩ đến chuyện... bản quyền!

Theo Phạm Phú Minh, một điểm khó khăn nữa là ông Khai Trí vừa thiếu vốn lại thiếu cả nhân lực để gây dựng lại nhà xuất bản tại Mỹ: “Ông Võ Thắng Tiết, Giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ ở Nam California, đã tiếp xúc nhiều với ông Khai Trí thời gian ông mới qua Mỹ, cho biết rằng các con của ông Khai Trí nói thẳng rằng họ có thể góp ít vốn cho ông theo khả năng của họ, nhưng hoàn toàn không thể giúp được gì ông, vì ai cũng có công việc cả rồi, không thể nào bỏ việc để cùng cha phiêu lưu theo giấc mộng của ông”.

Hình như ông Khai Trí có gặp ông Nguyễn Tấn Đời để bàn việc góp vốn cho chương trình văn hóa nhưng không đạt được kết quả. Ông Võ Thắng Tiết cho biết, trong số sách vở ông Khai Trí đã chuyển được sang Mỹ có rất nhiều thứ rất giá trị, như bộ sưu tập đầy đủ của báo Tri Tân và báo Nam Phong, tập san Sử Địa thời VNCH cũng không thiếu một số nào, tất cả sắp xếp rất ngăn nắp và khoa học.

Sau năm năm sống tại Mỹ, ông Nguyễn Hùng Trương biết rõ là mình chẳng làm được những gì mong ước cho nên năm 1996 ông Khai Trí về lại Việt Nam để sống luôn tại đây. Nghe nói nhà nước Việt Nam có chủ trương trả lại nhà cửa đã tịch thu năm 1975, ông về nước với đề nghị nhà nước trả lại các cơ sở cho ông, và ông sẽ cùng nhà nước thực hiện các nhà sách tân tiến theo lối Mỹ, trong đó có gian uống cà phê xem sách, có gian thiếu nhi để các em thoải mái tìm tòi…

Con người có niềm đam mê mãnh liệt với sách báo ấy đã ra đi lúc 5 giờ 15 ngày 11/3/2005, linh cửu quàn tại nhà riêng số 237 Ðiện biên Phủ (đường Phan Thanh Giản cũ). Nguyện vọng của gia đình là tiền phúng điếu sẽ tặng cho quỹ từ thiện thành phố.

Lúc còn sinh thời ông Nguyễn Hùng Trương đã có lần chán nản khi được hỏi bao giờ người ta trả lại nhà sách Khai Trí cho ông. Câu trả lời của ông là… “năm 3000”! Chẳng khác nào khi diễn tả một chuyện không bao giờ có thể xảy ra, người Sài Gòn thường nói chờ đến… “Tết Congo”!

Ông "Khai Trí" Nguyễn Hùng Trương


Chú thích:

(1) Hội Khai Trí Tiến Đức, còn được gọi là hội AFIMA (viết tắt nguyên tên tiếng Pháp của hội l'Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) là một hiệp hội tư lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 (1919-1945).
Hội Khai Trí Tiến Đức được thành lập ngày 2/5/1919 với học giả Phạm Quỳnh làm Tổng thư ký, Cử nhân Hoàng Huân Trung làm Hội trưởng. Những nhân vật khác có tên tuổi cũng đứng tên trong hội là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (con trai của Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải) và Thượng thư Bộ binh kiêm Bộ học Thân Trọng Huề (người mà vua Bảo Đại gọi là cậu). Ngoài ra Louis Marty, chánh sở Liêm phóng và Nha Chính trị Đông Dương cũng đứng tên trong Hội.

Năm 1922, Hội mua được căn nhà ở phố Hàng Trống, Hà Nội, ngay phía tây bờ hồ Gươm để làm hội quán. Hoạt động của Hội có những mốc lịch sử đáng kể như "Giải thưởng văn chương năm 1925" (trao cho tác phẩm Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật), truy niệm thi hào Nguyễn Du (1924), truy điệu doanh gia Bạch Thái Bưởi (1932), diễn thuyết về các đề tài như Truyện Kiều, quốc học, v.v... Có những cuộc trao đổi không kém gay cấn về chính trị giữa giới trí thức người Việt và chính quyền Bảo hộ của người Pháp đã diễn ra tại hội quán tuy chủ ý của Hội là văn hóa chứ không phải chính trị. Sau khi Việt Minh nắm chính quyền năm 1945, Hội bị giải tán vì bị cho là "công cụ thống trị tinh thần và nô dịch văn hoá của thực dân".

Nhà Sách Khai Trí và Nguyễn Hùng Trương.
Trích đoạn Nguyễn Ngọc Chính - Hồi Ký Một Đời Người

Nguồn : http://chinhhoiuc.blogspot.fr/2013/0...sach-khai.html
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Dat_stamp (26-06-2014), manh thuong (25-06-2014), Poetry (24-06-2014), Tien (24-06-2014)
Trả lời


Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Ý Nghĩa Của Hai Chữ Cải Lương HanParis Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 0 25-05-2014 05:09
Ý Nghĩa Cây Cảnh Ngày Tết HanParis Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 0 26-01-2014 17:42
Vừa chộp đuoc vài hình ảnh từ Nghệ An hoavienquanbl Hoạt động offline 8 21-05-2010 16:03
Các bạn nghĩ sao ? Nguoitimduong Trong niềm Thân Ái 14 17-01-2009 12:56
Định nghĩa kon gái zodiac Vui ^_^ Vui 15 21-12-2008 19:05



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.