Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Văn hóa - Giáo dục - Tri thức

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 10-04-2014, 22:48
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định Gánh Hát Xưa

Hàn : Khác với ngày nay : ông bà ta không thích cái gọi là Xướng Ca Vô Loài. Họ có cái nhìn không mấy thiện cảm về Nghệ Sỹ vì nghĩ rằng họ hay 'bậy bạ' thiếu đứng đắn trong con đường tình cảm, ông bà ta chỉ quý trọng 'Kỷ Nông Công Thương', xin hẹn một dịp khác để kể lại cho các bạn trẻ ngày nay ý nghĩa của câu nói trên. Tuy nhiên, nhiều người rất mê các gánh hát dạo hay về vùng quê trình diễn. Nhất là miệt Tiền Giang, Hậu Giang ngoài các gánh nghèo CL, còn có các gánh hát Tiều (Triều Châu) hay về các vùng sâu của miền Tây để trình diễn. Về gánh hát thì bà tôi đã kể rằng người dân miền Tây hay chắp tay sau đít. Các em nào dưới 18 xin miễn đọc câu chuyện dưới đây. Có mấy cô vừa đứng xem hát vừa chấp tay sau đít, thế rùi có mấy tên thanh niên 'mất dzậy' cứ trình thằng nhỏ của mình vào tay gái quê hy vọng các nàng sẽ nắm chơi. Những cô con nhà nghèo tuy đỏ mặt vì mắc cở nhưng không dám phản kháng gì, chỉ biết òa lên khóc. Theo bà tôi kể lại thì 'Đi Đêm Có Ngày Gặp Ma'. Có cô gái kia, con của một chủ điền giàu có mà tánh tình thì 'chằn lửa' số một. Cô ấy cũng bị thằng nhỏ của tên 'mất dzậy' nào đó đặt vào tay, thế là nàng nắm chặt không buông và bóp lia lịa như gặt lúa trước tiếng kêu đau đớn của tên thanh niên 'mất dzậy'! Đó là một chuyện vui nhưng có thật tại một làng quê khi xưa khi gánh hát Tiều về làng trình diễn...

Mời Ace xem để biết tình hình sinh hoạt của những gánh hát rong tại các miền quê xưa.

Lúc đất nước yên bình ở miền thôn quê có những gánh hát nhỏ dọn đến tận nơi phục vụ bà con, và ở đâu có gánh hát dọn tới thì ở đó vui như ngày hội từ chiều tối cho đến nửa đêm. Những gánh hát đi xuống tận xã ấp nầy tuy nhỏ nhưng cũng có phông màn, tranh cảnh, trang phục. Đào kép thì đầy đủ để đảm nhận các vai trò, cộng với giàn đờn và công nhân tính chung trên dưới 20 người. Địa điểm trình diễn thường là các đình làng, các nhà lồng chợ, và mỗi xuất hát có bán vé.




Một màn truyện Tiết Nhơn Quý trên màn ảnh hiện đại.

Những gánh hát nhỏ này thường thì dọn đến đâu là ở cả tháng hoặc hơn, có khi mỗi tuần chỉ hát 1, 2 ngày. Những ngày không hát thì đào kép tự mưu sinh với bất cứ nghề gì mà ở địa phương đó thuê mướn, kể cả gặt lúa, cày ruộng v.v..., và cũng có thể đi bắt cua bắt cá để sống.

Ngoài những gánh hát nhỏ có bán vé kể trên, lại còn có rất nhiều gánh hát nhỏ hơn, chẳng có phông màn trang phục gì hết, thông thường chỉ có khoảng từ 5 đến 7 người, mà thiên hạ gọi là gánh hát dạo bán thuốc, bởi hình thức cùng hoạt động nghệ thuật chẳng khác gì mấy gánh hát Sơn Đông mãi võ của người Tàu.

Khi dọn đến một xã ấp nào thì các gánh hát này thường hay chọn bãi đất trống nào đó, có thể là trước sân chợ, sân banh v.v..., và hát miễn phí chớ không có bán vé. Họ chỉ mong bà con thương tình mua giúp cho một vài chai thuốc, vài gói cao đơn hoàn tán.

Buổi chiều trước khi trời tối, việc trước tiên là đánh trống quy tụ bà con, và khi 2 chiếc đèn măng-xông được cháy sáng thì bắt đầu rao bán thuốc bằng cách ca các bài bản cổ nhạc. Lúc này thì ban đờn làm việc liên tục, đờn cho các nghệ sĩ vừa ca vừa cầm thuốc giới thiệu, lời ca cũng được sáng tác nói lên sự công hiệu của loại thuốc nào đó. Tóm lại đối với gánh hát này dù khán giả có mua thuốc hay không, cũng được nghe ca, nghe đờn, và xem trình diễn cải lương.

Thông thường thì diễn viên gồm 4 người: kép mùi, kép độc, một cô đào và một anh hề (có gánh 2 hề) là đủ cho buổi diễn. Nghệ sĩ của những gánh hát bán thuốc này là mấy người biết ca cổ nhạc, sau thời gian đi ca tài tử thì bầu gánh mời đi theo. Hoặc cũng có thể là đào kép của các gánh bầu tèo bị rã gánh, thất nghiệp nên tạm gia nhập các gánh bán thuốc để có cơm ăn thôi, khá hơn một chút là có tiền cà phê, chớ còn lương đêm thì hầu như chẳng có.

Về tuồng tích thì thường là sao chép lại của các gánh, rồi bỏ bớt đi để cho vừa với thời lượng 45 phút, hoặc nhiều hơn cũng một giờ đồng hồ là vãn hát. Bà con miền quê rất thích xem các gánh hát bán thuốc cao đơn hoàn tán này, bởi họ đi đến tận nơi nơi để hát mà lại coi không mất tiền. Do đó mà đêm nào khán giả cũng đông đảo bao quanh địa điểm bán thuốc cũng là sân khấu luôn.

Về phía gánh hát thì đêm nào bán được nhiều thuốc thì hầu hết đều vui vẻ, hăng say hát. Còn như đêm nào bán ế, thuốc còn chất đầy thì kể như đêm đó cả đoàn đều xuống tinh thần phải miễn cưỡng mà hát vậy.

Dù sao thì các gánh hát bán thuốc này cũng tạo nguồn vui cho bà con nông thôn được một thời gian vài năm. Cho đến năm 1961 thì hầu hết các gánh tự nhiên biến mất. Lý do chiến tranh bắt đầu nổi lên ở nông thôn. Từ đó bà con vùng quê kể như không còn được coi cải lương, muốn coi hát phải ra quận, ra tỉnh.

Tuy vậy ở vài nơi vùng nông thôn thỉnh thoảng cũng được coi hát cải lương. Tôi xin trình bày một trường hợp sau đây.
Mời quí vị theo dõi...

Ngày nọ vào năm 1962, một gánh hát bầu tèo đã chịu khó đi xe lôi dọn đến phục vụ bà con ở ấp Mương Vũ, một địa danh xa xôi hẻo lánh nằm sát biên giới Việt – Miên. Vùng đất này thuộc xã Khánh An, quận An Phú, tỉnh Châu Đốc, nhìn qua bên kia sông là đất Miên. Đây là nơi mà cái nghèo luôn bám lấy người dân quanh năm suốt tháng.

Gánh bầu tèo Huỳnh Long vừa mới đến là được tiếp đón một cách niềm nở với trọn vẹn cảm tình, khán giả ủng hộ nồng nhiệt nhưng phải hát ban ngày, bởi tình trạng không còn như những năm thái bình, tối đến là không ai ra khỏi nhà.

Đoàn hát gồm gần hai mươi người, tất cả chỉ cần chở ba xe lôi là hết... Có vài tấm đề co, một hai tấm màn đã phai màu, có nhiều chỗ đã dậm vá. Đào kép mỗi người mỗi va li nhỏ, hoặc túi xách tay. Vợ chồng ông bầu kiêm luôn cặp đào kép chánh. Một cô đào phụ kiêm luôn vũ nữ; anh kép độc kiêm luôn thầy đờn... Nói đúng hơn hết cái hình ảnh của đoàn Huỳnh Long nầy là mỗi người kiêm nhiều chức, kép hát, thầy đờn, thợ đèn, quảng cáo viên v.v...




Gánh hát rong nghèo ở miền Bắc, thập niên 1930s-1940s

Ảnh nuvuongcongly.net

Vừa đến, đoàn đã thu hút được một số khán giả con nít rất đông... và chẳng bao lâu, đoàn hát Huỳnh Long được khắp chợ xã, xóm đều hay biết.

Sự bỡ ngỡ của bầu gánh không lâu, bởi ngay khi ấy, có vài người lớn tuổi sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ những việc cần thiết.

Sân khấu được lập trên một khoảnh đất rộng, không có tường vách, chỉ có một ít lá buông làm khung để dựng rạp. Đào hát, kép hát quét dọn sân khấu đất cho sạch sẽ. Nhờ những tàn cây to nên khi nắng lớn không gây sự khó chịu nhiều. Chu vi rạp được che bằng lá buông đủ chứa vài trăm người, không có ghế, khán giả đứng. Hình ảnh rõ ràng nhứt để người ta so sánh khi đoàn diễn có khán giả.

Buổi hát đầu tiên với tuồng “Hiền Thần Cứu Giá” (tức Tiết Nhơn Quí chinh đông) khán giả hoan nghinh nhiệt liệt. Và nhờ thế mà thu hút khán giả mãnh liệt. Giá vé có ba hạng, hai hạng cho người lớn và hạng thứ ba dành cho trẻ em.

Khán giả cũng bày tỏ nhận xét, tức giận kép đóng vai Cáp Tô Văn, thương cảm Tiết Nhơn Quí, bởi cái tình cảm đó mà người ta ghi nhận một chuyện hết sức buồn cười. Đó là sau khi vãn hát, mấy chú trẻ em làm quen và dễ làm quen sớm nhất với Đường Thế Dân, Tiết Nhơn Quí. Những kép đóng vai trung thần thường bị hoạn nạn được các em “thông cảm” dẫn đi chơi... Trái lại những vai ác, dữ như Cáp Tô Văn, Bàng Hồng, Quách Hòe thì nhóm trẻ nầy coi bộ không thích và không chịu làm quen.

Một tuần qua, đoàn Huỳnh Long tươi tỉnh hẳn nếp sống, bởi ngoài sự có tiền họ còn được sự tiếp tế của đồng bào nữa. Nhưng rồi dần dần khán giả bắt đầu thưa thớt, bởi đến mùa cá. Đó là căn bản của sự sống người dân ở đây, và khi có những ghe cá đầy ắp về đậu ở dưới bến thì gánh hát bắt đầu bán vé hát bằng cá.

Khán giả không thích trả bằng tiền nữa, có phương tiện nào thì họ trả bằng phương tiện ấy, và dĩ nhiên bầu gánh phải chấp nhận hơn là để hát mà không có khán giả. Do vé hát đổi cá nên bầu gánh cũng trả lương đào kép bằng cá, và một sự mới lạ lan nhanh vào nếp sống nghệ sĩ: khi vãn hát đào kép bắt đầu xẻ cá phơi khô.

Chỉ một tuần thôi, mỗi nghệ sĩ đã có vài mươi ký lô khô. Có vài chị giữ việc xếp đồ hội, gác cửa cũng bắt đầu có một “kế hoạch” mới trong đầu họ. Họ mua thêm cá, hễ họ mua thì đồng bào bán với giá đặc biệt rẻ hơn bán cho lái cá, rồi mấy bà nầy đã xông xáo làm khô có cả vài trăm ký lô.

Tuy không còn thu hút được khán giả nhiều nữa, nhưng đoàn vẫn sống phây phây. Bây giờ vé hát được bán bằng cá, bằng khô và luôn cả bằng gạo nữa... Lúc này thì khán giả người lớn thưa, khán giả trẻ em lại nhiều hơn trước.

Mùa cá càng ngày càng đi mạnh vào nghề nghiệp, mấy cậu nhỏ bây giờ cũng không còn rảnh rang nữa, theo cha mẹ, anh em suốt ngày ở ngoài sông, ăn ngủ luôn ngoài đấy.

Một “chiến dịch” quảng cáo miệng được tung ra: “Chỉ còn hai đêm nữa, với hai tuồng đặc sắc: “Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ” và tuồng “Tên Trộm Thành Bá Đa”. Đoàn sẽ dời đi nơi khác...

Tuy chiến dịch được quảng cáo hết mình khéo léo, nhưng cũng không thu hút được khán giả, bởi đời sống của dân ấp Mương Vũ đã gắn liền với sông, với nước, với cá... rồi. Họ dành thời giờ để lo cho cuộc sống, nên không còn thời giờ giải trí cải lương.



Cô Bảy Phùng Há, một đại danh lừng lẫy của nền cải lương từ thập niên 1940s
Ảnh chutluulai.net


Buổi chiều trước khi lên xe, một “kế hoạch” được đưa ra: Tất cả đào kép đều nói vài lời tri ân đồng bào đã giúp đỡ những ngày sống ở đây. Đồng bào cũng bùi ngùi đưa tiễn, mong sẽ còn gặp lại...

Đoàn hát bây giờ bỗng mập và lớn thêm, trước dọn đến chỉ có ba xe lôi, giờ dọn đi phải đến 6 xe mới hết (vùng nầy có nhiều xe lôi và là phương tiện thông dụng nhất). Đất nước đã nuôi nghệ sĩ bằng nhiều cách, và cho họ một niềm tin để sống vậy.
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!

Bài được HanParis sửa đổi lần cuối vào ngày 10-04-2014, lúc 22:53
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
hat_de (17-04-2014), lantham_0072005 (14-04-2014), Mai Hoàng Huy (18-04-2014), manh thuong (11-04-2014), temhp88 (12-04-2014)
  #2  
Cũ 15-04-2014, 16:39
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Hàn vừa tìm thấy một bài khá hay về gánh hát xưa. Gánh hát ngày xưa quen gọi vậy, hình như ngày nay gọi là Đoàn hát. Giống như một gánh xiếc đi lưu diễn khắp nơi. Ngày xưa các đoàn hát chỉ đi lưu diễn khắp nơi trong nước, ít khi ra nước ngoài, có lẻ vì phương tiện giao thông khi ấy còn hạn hẹp, và đi thật xa thì phí càng cao. Những gánh hát CL có khi đi lưu diễn nhưng vùng sâu xa xôi, dân lại nghèo, chưa chắc họ có tiền mua vé. Cho nên cảnh coi cọp (miễn phí) không phải là hiếm. Có nhiều khi dân coi riết rùi mê luôn đào kép và chạy theo họ. Vào thập niên 20-30, nghe nói Bạch Công Tử (Mỹ Tho), lúc đầu vì mê CL, xem riết ghiền và vì mê cô đào Phùng Há nên mở gánh cho cô ấy đi lưu diễn khắp nơi. May mà ông không đòi đóng vai chính! Ngày xưa các ông làng có chức quyền khi xem những vai độc cũng tức giận như khán giả, dám nhảy lên sân khấu đánh túi bụi tên vai ác cho bỏ ghét. Về gánh hát xưa, tôi có vài kỷ niệm vui do bà tôi kể lại. Bà vốn tinh nghịch nên có khi bôi ớt vào râu Đỗng Trác để khi trình diễn ông bị nóng mũi rùi văn tục chửi đỗng! Đổng Trác mà lị! Bị chơi trác phải chửi đỗng. Còn ban nhạc sống có khi cũng có ở những đoàn hát xịn. Bà tôi lại xúi vài người đến gần mấy ông thổi kèn mà ăn me chấm múi ớt, vừa ăn vừa hít hà, làm các nhạc công chảy nước miếng, thổi cha ra gì cả!


Hồi đó, người ta thường gọi “Gánh hát” chứ ít ai gọi “Đoàn hát”. Cách gọi đó có cái lý do của nó, bởi mỗi lần đi lưu diễn, ngoài cỗ xe bò chở phông màn và gia đình ông Bầu, còn các nhân viên, đào kép đều phải tự gồng gánh hành lý của mình lục đục theo sau.




Minh họa : Lê Duy

Gánh hát xưa có hai dạng. Dạng thứ nhất là hát bội. Với hát bội, dù gánh cũng có “tên” đàng hoàng nhưng không ai gọi cả, mà họ chỉ gọi tên ông Bầu của gánh đó mà thôi: Gánh bầu Bời, gánh bầu Trình… Dạng thứ hai là cải lương, với cải lương, không biết sao người ta lại gọi “tên” gánh hát đó mà không gọi tên ông Bầu: Gánh Kiếp Bướm, gánh Điền Viên… Có thể kể thêm một dạng nữa là “hát bội pha cải lương”, nhưng dạng nầy khán giả là các cụ có chính kiến rõ ràng. Các cụ bảo rằng: “Thà hát bội ra hát bội, cải lương ra cải lương, chứ vừa hát bội vừa cải lương nghe nó tréo ngoe!”.
Dù với dạng nào, tùy theo gánh hát nhỏ, lớn mà chọn nhà lồng chợ hay đình làng để trình diễn. Khi vừa tới điểm, một bộ phận lo việc thiết lập sân khấu, phông màn và lấy vải thô bao quanh nhà lồng (hay đình làng) để phân cách không gian “rạp hát” và bên ngoài để tiện việc kiểm soát, bán vé.
Bộ phận thứ hai không kém quan trọng, gọi là bộ phân “rao bảng”. “Rao bảng” nôm na có nghĩa là báo cho người trong làng biết hôm nay có gánh hát đến và đêm nay diễn tuồng gì. Bộ phận nầy mướn một cỗ xe ngựa. Hai bên hông và sau xe có vẽ hình ấn tượng nhất của nội dung tuồng hát diễn đêm đó. Trên xe để một trống chầu, trên đó có một hay hai người đánh liên tục từng ba dùi một (Thùng. Thùng. Thùng) suốt từ đầu làng đến cuối làng. Vì tốc độ ngựa chạy chậm nên sau xe là lũ con nít hò reo chạy theo mừng gánh hát… dzìa. Với gánh hát nhỏ như bầu Bời, bầu Trình thì chỉ cần để trống trước cửa “rạp”. Lũ trẻ tranh nhau mà đánh (cũng từng ba dùi một) và khoái chí lắm.
Mỗi lần gánh hát về làng thì y như ngày hội. Coi hát cũng nhiều mà đi chơi cũng không ít. Đó cũng là dịp nam nữ được hẹn hò nhau “hợp pháp”. Đội quân bán hàng theo thời vụ hoạt động cũng xôm trò, dù chỉ là mía chặt khúc, đậu phộng nấu… ; mà nước đá si rô, nước đá nhận là món hàng đặc biệt nhất, vì ngày thường không hề có, ngay cả lúc tiệc tùng.
Với những gánh cải lương thì có bán vé hẳn hoi, nhưng với hát bội thì không, mà là “bà bầu” và vài người thân tín đứng ở cửa thu tiền. Giá cũng không nhất định. Chỉ vì không bán vé mà thường xuyên xảy ra việc kèo cưa “trả giá” khá buồn cười: “Một đứa ba đồng, hai đứa “ăn” năm đồng thôi, được không?”. Lại có nhiều “trự” lợi dụng lúc chen lấn mà lẻn vào không trả tiền, đôi khi cũng được trót lọt, nhưng phần đông bị… nắm lổ tai, nắm tóc kéo ra. Tương tợ, cũng có “trự” giở vải lén chui vào, hậu quả cũng giống trường hợp trên.
Đêm cuối cùng thì đại hạ giá, vậy mà cũng ít người đi coi, vì không ai có tiền mà coi hoài, vả lại việc đồng áng họ cần phải được nghỉ ngơi dưỡng sức. Khi đó trong “rạp” toàn là khán giả “nhí” mà cũng chẳng được bao nhiêu. Chúng vào coi chủ yếu là coi đào kép, trang phục, đánh thương đánh kiếm, chứ hát bội thường dựa theo điển tích, điển cố làm sao chúng hiểu. Những câu thông dụng thì chúng dễ dàng thuộc và hát theo. Tỷ như: “Tróc mã đề thương, ứ ư ứ ư…” hay những câu tên quân trình báo: “Cấp báo! Cấp báo!”. “Điều chi?”. “Dạ, chí nguy! Giặc Hung Nô vượt khỏi biên thùy. Ta, dũng tướng thảy đều tử trận…”. “Lui!”. “Thôi rồi!... (ò e ó e)”…
Không có gánh nào có ghế cho khán giả ngồi, muốn ngồi ghế thì phải mang theo. Ánh sáng thì nhờ vào cái đèn măng - sông treo một bên sân khấu. Với gánh cải lương thì “sang” hơn, họ có máy đèn riêng, đến lúc hai đối thủ đánh phép: “Hô biến!”, đèn vụt tắt, lập tức bên sau phông màn trắng, khán giả thấy các bảo bối đấu nhau quyết liệt. Đây là màn ăn khách nhứt. Ngoài ra, nhờ có máy đèn mà có cảnh “phực đèn màu” sau khi đào kép xuống “hò” (câu 1, câu 5) làm giọng ca thêm muồi, thêm lâm ly tình tứ hơn, đã khiến nhiều tiếng vỗ tay, nhiều tiếng tắc lưỡi ngợi khen.
Về dàn nhạc, tùy theo cải lương hay hát bội mà có đờn nguyệt, đờn gáo, đờn cò, ghi ta và trống. Mọi thứ cũ mèm, được điều khiển bởi quý “thầy đờn”… “hình mai vóc liễu”, ốm tỏng ốm teo.
Về tuồng tích thì thường diễn trích đoạn của các truyện Tàu như: “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”, “Tôn Tẩn hạ san”, hoặc những chuyện cổ tích như: “Thạch Sanh Lý Thông”, “Phạm Công - Cúc Hoa”…
Về “kịch bản” (với hát bội) dường như có “khuôn mẫu” sẵn cho đào kép, nghĩa là có những bài bản riêng cho mọi tình huống. Như khi hai tướng xông trận thì hát thế nào, khi vua lâm triều thì phải hát ra sao…; thêm vào đó chút “hát cương” tùy theo tay nghề của đào kép. Ông Bầu vừa đạo diễn, vừa nhắc tuồng.
Có nhiều khán giả “nhí” khoái vào hậu trường để coi đào kép sắm tuồng hơn coi trên sân khấu. Chúng thường được dễ dãi nếu không phá phách hay ăn ổi chín, vì “sợ Tổ thích mùi thơm của ổi mà bỏ đi” - các anh chị đào kép bảo vậy!

Nếu nghệ sĩ ngày nay là một trong những nghề có thu nhập cao nhứt, thì nghệ nhân hát bội (và cả cải lương gánh nhỏ) thời đó có thu nhập rất ít oi, nói khác đi, nếu chỉ dựa vào thù lao diễn xuất thì không thế nào đủ sống. Đó là với đào chánh, kép chánh; còn “kép cơm”, tức những người đóng vai lính, quân hầu thì càng thê thảm, bởi lâu lâu mới được chút ít tiền bồi dưỡng để… hớt tóc mà thôi.
Gánh hát thường về làng vào tháng mười một âm lịch cho đến trước khi sắp đổ mưa, vì thời gian nầy dân làng có thu nhập (chủ yếu là bán lúa) và rảnh rang nên đến coi đông, nhưng nhiều lắm gánh hát chỉ lưu lại một tuần thì rạp hát vắng hoe. Gánh không hát nữa, nhưng cũng chẳng dọn đi, ông Bầu cho ở lại để đào kép kiếm việc làm. Ai mướn gì làm nấy như gặt lúa, vác lúa; với những người yếu sức thì đi mót, đi câu, bắt cua, lưới cá. Đào kép đều xuất thân từ nông dân nên những việc làm đó họ chẳng thua gì dân bản xứ.
Với hát bội, không có thì coi đỡ ghiền, chứ thực tình khán giả cũng không “mặn” lắm. Cho nên từ khi cải lương về làng, hát bội không còn chỗ đứng nữa. Gánh bầu Bời và bầu Trình năm xưa thỉnh thoảng lại đến, chỉ diễn một vài đêm là gồng gánh buồn bã lên đường. Thấy tình cảnh nầy, không biết ai trong làng tôi đã ứng khẩu và truyền miệng câu “thơ” ác nhơn: “Bầu Trình hát dở đừng lo/ Sang năm hát khá được đi xe bò!/ Bầu Bời hát dở đừng rầu/ Sang năm hát khá được ngồi xe trâu!”.
Với gánh cải lương, thu nhập có khá hơn nhiều. Buổi trưa rỗi việc, mấy chú bác ở xóm Ngã Tư mời đào kép chánh và một hay vài ông “thầy đờn” đến nhà “làm” mấy bài vọng cổ hay mấy lớp xàng xê quanh bàn rượu, bữa cơm đơn sơ nhưng thắm tình… nghệ sĩ! Tất nhiên trước khi ra về, anh chị đào kép cũng được chút thù lao khá hậu hỉ.
Tuồng tích cũng không khác gì hát bội, nhưng nhờ trang phục bắt mắt và văn chương bóng bẩy khiến người coi thích thú; cũng như diễn xuất “thực” hơn, lời ca muồi hơn, nên có nhiều đoạn làm người xem xúc động, rơi nước mắt và không ngần ngại kẹp tiền vào quạt giấy phóng lên sân khấu (đây là hình thức thưởng tiền ở miền quê).
Và đào kép cũng không ngừng khai thác khía cạnh nầy: Mở đầu tuồng Phạm Công - Cúc Hoa là màn Phạm Công cõng mẹ mù lòa đi ăn xin. Hai mẹ con quần áo rách bươm. Phạm Công vẻ mặt thểu não, tay cầm thau nhôm móp méo, cõng mẹ chầm chậm quanh sân khấu, ca điệu Hoài Tình: “Bà con cô bác giùm thương/ Bố thí cho tôi một chén cơm thừa/… (nói dặm: Mẹ! Mẹ! Mẹ rán nhịn đói chút xíu nữa nghe mẹ! Chừng nào bà con cho cơm, con đút mẹ ăn nghe mẹ!...). Thế là nước mắt khán giả tuôn ra, tiếng hỉ mũi rồn rột, giọng nghẹn ngào: “Tui cho tiền nè!”. Và quạt giấy kẹp tiền “bay” lên tới tấp, người không có quạt thì tự đem lên.
Một ông “thầy đờn” thấy vậy nói với Phạm Công: “Được khá đó nghen mậy! Tiếp lớp 2 nghe!” (tức bảo ca lại lần nữa). Phạm Công ca tiếp tới lớp 4, khi mà khán giả lơi cho tiền mới thôi. Hồi còn trẻ con, chúng tôi chuyên “coi hát” trong hậu trường nên nghe thấy rõ cảnh nầy.
Một tuồng có hai màn, hết màn một là nghỉ giải lao. Trước khi qua màn hai thì một người đứng sau màn (thường là ông bầu hoặc anh kép chánh) nói lời tri ân khán giả và giới thiệu vở tuồng ngày mai với những lời lưu loát và không kém văn hoa. Gần cuối màn hai thì gánh hát cho “thả dàn”, tức mở cửa ai muốn coi cứ vào coi, việc làm nầy cũng không ngoài mục đích quảng cáo lời ca, điệu hát, trang phục, diễn viên của mình.
Đến năm 1960, quê tôi nằm trong vùng binh lửa. “Gánh nhà” bầu Trình, bầu Bời nghe nói đã “rã gánh”, đào kép “về quê cắm câu”, chỉ tụ tập lại hát trong những ngày lễ cúng đình thần. Những gánh cải lương cũng biệt tích, trong lúc ở thập niên nầy (60-70) là thời vàng son của cải lương: Ở Sài Gòn có nhiều đoàn hát lớn như Kim Chung, Thanh Minh, Hương Mùa Thu… và xuất hiện nhiều soạn giả lớn với nhiều tuồng hát để đời.
KHA TIỆM LY


Nguồn : http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thua...at-xua-322485/


__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!

Bài được HanParis sửa đổi lần cuối vào ngày 15-04-2014, lúc 17:08
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Mai Hoàng Huy (18-04-2014)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.