#1
|
||||
|
||||
Thế kỷ XI chưa có Văn Miếu?
Thế kỷ XI chưa có Văn Miếu-Quốc Tử Giám? Chủ Nhật, 22/11/2009 (GMT+7) http://vietnamnet.vn/vanhoa/200911/T...u-Giam-880176/ Chủ đề "nóng" trong hội thảo đến từ TS Alexey Polyakov, khi ông đưa ra nghi vấn rằng Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thành lập vào thế kỷ XI? 21/11/2009, Hội thảo "1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long" được tổ chức ở Hà Nội. Ngày này đúng 1000 năm trước (21/11/1009, tức 2/11 năm Kỷ Dậu), Lý Công Uẩn được triều thần suy tôn lên ngôi vua, lập ra vương triều Lý. Trong những vấn đề đặt ra của hội thảo, các học giả trong và ngoài nước dễ đạt được đồng thuận về nhân cách và trí tuệ hơn người của vua Lý Thái Tổ khi không chỉ sáng lập ra vương triều Lý mà còn sáng lập ra kinh đô Thăng Long, mở đầu kỷ nguyên văn minh mới, phục hưng toàn diện, phát triển vượt bậc của Đại Việt. PGS Vũ Văn Quân (ĐHQG Hà Nội) nhận định "việc Định đô Thăng Long là bước trưởng thành vượt bậc của người Việt về lực lượng, về nhận thức, về tư duy quản lý đất nước, về trách nhiệm trước vận hội đi lên của đất nước". Các học giả trong và ngoài nước cũng thống nhất đánh giá chính quyền nhà Lý thật sự là quân chủ tập quyền trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thế kỷ XI, XII, khi không chỉ kiểm soát chặt chẽ vùng đồng bằng Bắc bộ và trung du, mà còn quản lý được cả miền núi rộng lớn bằng chính sách "nhu viễn" mềm mỏng: thu phục, ràng buộc chặt chẽ các tù trưởng, biến họ thành đại diện dưới tầm kiểm soát của triều đình. Hội thảo cũng đã có những nghiên cứu về những thành tựu trên nhiều phương diện của vương triều Lý: thể chế chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hóa, nhưng có vẻ đều là những nghiên cứu "chuyên biệt", chủ yếu đề cao những đóng góp của vương triều Lý trên mọi lĩnh vực, nên ít tạo ra tranh luận. Chủ đề "nóng" trong hội thảo đến từ TS Alexey Polyakov (Trung tâm Việt Nam học, Viện Á Phi, ĐH Moskva, Liên bang Nga), khi ông đưa ra nghi vấn rằng Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thành lập vào thế kỷ XI. TS Polyakov nhận xét: chỉ đến Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên mới đề cập đến mốc thời gian này, còn chính Việt Sử lược (được chứng minh viết vào 2 giai đoạn khác nhau, giữa thời Lý, và cuối thời Lý - đầu thời Trần) không hề đề cập. Ông cũng lập luận rằng, thế kỷ XI là thời kỳ cực thịnh của triều Lý, đồng nghĩa với thời kỳ cực thịnh của Phật giáo, trí thức và quan lại trong triều rất ít người xuất thân Nho giáo, nên việc lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở thời gian này là không hợp lý. TS Polyakov cũng làm rõ thêm quan điểm về sự chuyển giao quyền lực bí mật vào năm 1127 (khi Lý Nhân Tông từ trần) và ông khẳng định Lý Thần Tông là con trai của nhà sư Từ Đạo Hạnh, chứ không phải hậu duệ của nhà Lý. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam không đồng tình với TS Polyakov, riêng GS Phan Huy Lê cho rằng, cả 2 quan điểm của TS Polyakov cần được tiếp nhận với thái độ cởi mở, còn để khẳng định đúng sai thì cần tiếp tục được nghiên cứu. Có một sự thật là lịch sử vương triều Lý có tính chất "mờ ảo", không chỉ do thiếu sử liệu, mà còn do vương triều Lý là thời toàn thịnh của Phật giáo, không chỉ Thiền tông mà còn kết hợp chặt chẽ với Mật tông, Tịnh độ tông nên sử phủ đầy sự "huyền bí". Gói gọn trong một ngày nên như GS Lê tổng kết, nhiều học giả cảm thấy "thòm thèm" vì chưa đủ thời gian thảo luận thêm để không chỉ thống nhất những khác biệt, mà còn mở ra những vấn đề mới cần nghiên cứu tiếp. Khánh Linh Văn Miếu Hà Nội không phải là nơi đặt bia Tiến sĩ (1442-1779) http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8139 Tạ Ngọc Liễn Ngày 8 tháng 8 năm 2009, tại nhà Thái học ở Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học góp ý cho bản Dự thảo Hồ sơ để đăng ký đưa 82 tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội vào danh sách đề cử tham gia chương trình Ký ức Thế giới, khu vực châu á - Thái Bình Dương của UNESCO. Một phần nội dung của cuộc Hội thảo này đã được một số tờ báo xuất bản tại Hà Nội ngày 9 tháng 8 đưa tin khá chi tiết và được dư luận xã hội rất quan tâm, vì khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là một địa chỉ văn hóa quan trọng, nổi tiếng của nước ta, nếu được (và chắc chắn là được) UNESCO công nhận là Tư liệu ký ức Thế giới, sẽ là một sự kiện văn hóa thật sự có ý nghĩa đối với Thủ đô Hà Nội sắp tròn 1000 năm tuổi. Tuy nhiên, trong một số tờ báo khi cung cấp thông tin về việc đề cử 82 bia Tiến sĩ vào chương trình Ký ức Thế giới, đã viết với tiêu đề, thí dụ: "... Hoàn thiện hồ sơ về "pho sử đá" ở Văn Miếu . Hoặc: "Đề cử 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu là "Di sản tư liệu Thế giới". Trong nội dung các bài báo này có nhiều câu viết cụ thể: "Khoa thi đầu tiên năm 1442, đời vua Lê Thánh Tông, triều đình ban lệ khắc tên người đỗ đại khoa vào bia đá, được phép dựng trong Văn Miếu nhưng đến năm 1484, việc dựng bảng vàng, bia đá mới được thực hiện..." (xin lưu ý, khoa thi Tiến sĩ năm 1442 là dưới triều vua Lê Thái Tông (1434-1442). Còn Lê Thánh Tông năm 1460 mới lên ngôi). Hoặc: "Bia đá Tiến sĩ Văn Miếu đã được bảo vệ thử thành công trong chương tập huấn về Di sản ký ức khu vực châu á - Thái Bình Dương vào tháng 2-2009 tại Hàn Quốc do UNESCO tổ chức...". Qua đầu đề và nội dung các bài báo như vừa dẫn ở trên, khiến người đọc sẽ hiểu rằng hệ thống 82 tấm bia Tiến sĩ đã được dựng tại Văn Miếu, tức là nơi thờ Khổng Tử. Đưa ra thông tin như vậy là không đúng, vì Văn Miếu Hà Nội (tôi muốn nhấn mạnh Văn Miếu ở Hà Nội) không phải là nơi để đặt bia đề danh Tiến sĩ các khoa thi từ 1442 đến 1779. Trước khi làm rõ vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu đại thể về khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội,. Theo hai bộ quốc sử, Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì vào năm 1070, đời Lý Thánh Tông (1054-1072), "lập nhà Văn Miếu, tạc tượng Chu Công, Khổng Tử và phối thờ bốn vị Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử (Tứ phối), vẽ hình 72 người học trò giỏi của Khổng Từ, bày ở Văn Miếu, bốn mùa tế lễ, sai Hoàng Thái tử tới đó học tập". Và năm 1076, đời Lý Nhân Tông (1072-1128) dựng nhà Quốc Tử Giám, tuyển trong văn thần, lấy những người có văn học, bổ vào đó. Nhà Văn Miếu cũng như nhà Quốc Tử Giám từ triều Lý đến triều Nguyễn (thế kỷ XIX) đã trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tù... kể cả về tên gọi Quốc Tử Giám, cũng có những thời thay đổi khác nhau. Thí dụ vào đời Trần, khi gọi là Quốc Tử viện (1236), khi gọi Quốc Tử Giám (1272). Trong năm 1253 (Trần Thái Tông), sử lại ghi: "Lập Quốc học viện. Khi Quốc học viện làm xong, nhà vua sai đắp tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử và vẽ tượng bẩy mươi hai người hiền để thờ". Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những gì còn lại hiện nay sau hàng ngàn năm biến động, vốn là một quần thể kiến trúc gồm hai phần là Văn Miếu và Quốc Tử Giám (Nhưng dấu tích Quốc Tử Giám còn lại sau trận đại bác quân Pháp bắn phá năm 1946, theo mô tả của nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh thì chỉ thấy "nền điện, tường đổ..."(1) và gần đây, trên nền khu kiến trúc Quốc Tử Giám xưa, nhà Thái học đã được phục dựng công phu, đẹp đẽ). Về tên gọi Văn Miếu: Văn Miếu là tên gọi khác của Khổng Tử Miếu (gọi tắt là Khổng Miếu), nơi thờ Khổng Tử, ông Tổ của Nho học. Ở Trung Quốc, Khổng Miếu được dựng thờ Khổng Tử sau vài năm ngài qua đời và liên tục qua các triều đại được tôn tạo, mở mang ngày càng khang trang, lộng lẫy. Nhà Minh, từ đời Vĩnh Lạc (1403-1424), Khổng Miếu được gọi là Văn Miếu. Vì nhà Minh gọi Khổng Miếu là Văn Miếu, nên trong 20 năm nhà Minh xâm chiếm nước ta, Khổng Miếu ở Việt Nam cũng đổi gọi là Văn Miếu. Ngày nay ở ta, khi nói Văn Miếu, vẫn có người nghĩ Văn Miếu là "Miếu văn chương". Trong một tờ báo cuối tuần ra ngày 9-8-2009, khi nói về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tác giả của bài báo có lẽ cũng hiểu Văn Miếu là "Miếu văn chương" nên đã viết: "Đền thờ các bậc Thánh chữ ở Miếu Văn tiếp tục được tu sửa lại". Về Quốc Tử Giám: Là nhà Quốc học, ra đời đầu tiên ở Trung Quốc. Vào thời Tấn bắt đầu lập Quốc Tử học. Đời Bắc Tề đổi tên là Quốc Tử tự. Thời Tùy lại đổi thành Quốc Tử học, sau Tùy Dạng đế đổi làm Quốc Tử Giám. Thời Đường, Quốc Tử Giám đặt Quốc Tử học, Thái học, Tứ môn học (Luật học, Toán học...). Cơ cấu Quốc Tử Giám ở Việt Nam về cơ bản có lẽ là phỏng theo Quốc Tử Giám thời nhà Đường. Trở lại vấn đề 82 văn bia đề danh Tiến sĩ nếu không đặt ở Văn Miếu thì đặt ở đâu trong khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội? Trước hết cũng cần khẳng định tại Khổng Miếu, ở Khúc Phụ, Sơn Đông Trung Quốc có rất nhiều văn bia ca ngợi Khổng Tử. ở đây "Bi, kệ nhiều như rừng" (Khổng Tử đại từ điển). Ở Văn Miếu Hà Nội, vào thời Lê - Trịnh, triều đình có cho khắc tấm bia lớn ca tụng "đạo cao đức trọng" của Khổng Tử. Ngày khánh thành bia, chúa Trịnh Căn (1633-1709) đã tới thăm và làm một bài thơ Nôm vịnh bia Văn Miếu. Câu hỏi nơi đặt 82 tấm bia Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 đến năm 1779 đã được trả lời rõ trong nội dung những bài văn bia đó. Thí dụ: - Bia số 1: Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa thi Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) dựng năm 1484 do Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn, viết: "Nay Thánh thượng anh minh, lại nhận thấy rằng việc lớn tốt đẹp... nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ để lưu truyền lâu dài cho hậu thế. Vì vậy lại cho dựng đá, đề tên đặt ở cửa nhà Thái học, để cho kẻ sĩ chiêm ngưỡng, hâm mộ, phấn chấn, rèn luyện danh tiết...". - Bia số 2: Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Đại (Thái) Hòa năm thứ 6 (1448) do Hàn lâm viện Thị độc kiêm Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận soạn, viết: "Nhân Tông hoàng đế nối chí kế nghiệp, trọng võ, tôn văn, dùng kẻ sĩ, chọn hiền tài... nhưng riêng việc dựng bia ở nhà Thái học thì còn chưa kịp làm...". - Bia số 3: Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 4 (1463) do Hàn lâm viện Thị giảng Đông các Hiệu thư Đào Cử soạn, viết: "Nay Hoàng thượng luôn nghĩ nhân tài là nguyên khí của nước nhà, không thể không ra sức vun trồng, bồi đắp... Bèn sai bộ Công khắc đá đề tên dựng ở nhà Thái học. Lại sai bề tôi là Đào Cử soạn bài ký". và: "Đến nay chế độ văn vật rõ ràng, sáng suốt, khắc vào bia đá dựng ở nhà Quốc học...". - Bia số 39: Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Khánh Đức năm thứ 4 (1652), viết: "Thế thì bia đá này khắc ra đem dựng ở cửa nhà Thái học chẳng phải chỉ để tuyên dương...". - Bia số 82: Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779), do Phan Trọng Phiên soạn, viết: "Lại sai bộ Công khắc đá đề tên dựng tại nhà Thái học..."(2). Đọc từ bài văn bia thứ nhất đến bài văn bia cuối cùng (số 82), chúng ta thấy trong đó đều nói bia đề danh Tiến sĩ dựng ở nhà Thái học, nhà Quốc học, tức là Quốc Tử Giám, ngôi trường lớn, quan trọng nhất của quốc gia Đại Việt, nơi bồi dưỡng, đào tạo những người có trình độ học vấn cao để bổ dụng vào hàng ngũ quan chức các cấp của Nhà nước. Trong một số công trình nghiên cứu và dịch thuật về văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, tôi nhớ, hình như chỉ có PGS. TS khảo cổ học Đỗ Văn Ninh là người xác định đúng và rõ, nơi dựng 82 tấm bia Tiến sĩ này, khi ông đặt tên cuốn sách của mình là Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội(3). Văn bia Tiến sĩ là để dựng tại nhà Quốc học, còn Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử và các bậc Tiên nho. Theo truyền thống giáo dục Nho học xưa, ở đâu có trường dạy học thì ở liền đó có chỗ thờ Khổng Tử, vị Tổ sư Nho học. Quy mô lớn, nhỏ tùy theo các cấp khác nhau. Ở nước ta, khu Quốc Tử Giám - Văn Miếu ở Thăng Long - Hà Nội là có quy mô to, đẹp nhất, trang trọng nhất. Rất tiếc là qua bao biến động của lịch sử và thời gian, ở khu vực Quốc Tử Giám - Văn Miếu Hà Nội ngày nay chỉ còn giữ được một phần Văn Miếu đã qua nhiều lần sửa chữa, trong đó Khuê Văn Các là có niên đại dựng năm 1805, thời Gia Long. Riêng kiến trúc nhà Quốc học, tức Quốc Tử Giám thì không còn gì; ngoài 82 tấm bia đề danh Tiến sĩ từ 1442 đến 1779 dựng ở đây vẫn được bảo quản tốt và đầy đủ. 82 tấm bia Tiến sĩ này chính là linh hồn, là tinh hoa kết tụ của tinh thần văn hóa, giáo dục Đại Việt suốt hàng ngàn năm qua. Đó là nguồn tư liệu vững chắc, là ký ức vĩnh cửu về một truyền thống giáo dục khoa cử Nho học, truyền thống hiếu học, coi trọng học vấn, coi trọng trí thức của dân tộc Việt Nam. (1) Đỗ Văn Ninh biên soạn: Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội. Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 2000. (2) Theo Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, biên dịch và dịch chú). Nxb Giáo dục, 2006. (3) Như chú thích 1. Nguồn: VNT |
6 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vnmission vì đã gửi Bài viết hữu ích này: | ||
Đêm Đông (13-12-2009), hat_de (13-12-2009), Nguoitimduong (13-12-2009), Poetry (13-12-2009), Tien (13-12-2009), trithuc_nguyen (13-12-2009) |
|
|
Những Đề tài tương tự | ||||
Ðề Tài | Người Tạo Đề Tài | Trả Lời | Bài Mới Nhất | |
Ngày 23-01-2015, Bộ TT&TT phát hành đặc biệt bộ tem "Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới” | HUE STAMP | Tem Việt Nam mới phát hành | 1 | 23-01-2015 23:54 |
Hai kiến trúc tiêu biểu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội trên Tem bưu chính | Poetry | Kiến trúc | 1 | 04-05-2010 15:42 |
Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội - Di sản Tư liệu Thế giới | Poetry | Di sản Văn hóa | 0 | 04-05-2010 14:55 |
Bia Tiến sĩ Văn Miếu là Di sản tư liệu thế giới | caifincafe | Cuộc sống đó đây | 0 | 11-03-2010 16:21 |
Văn miếu Trấn Biên | trithuc_nguyen | Cuộc sống đó đây | 1 | 05-07-2008 14:45 |