Jenny in ngược - một huyền thoại tem Mỹ

 

Con tem Jenny in ngược thật

Con tem Jenny in ngược hay (Inverted Jenny hay Jenny Invert) là con tem được phát hành năm 1918 in hình một máy bay hai tầng cánh có tên Curtis JN-4 nhưng do vô tình hình ảnh máy bay trên tem đã bị in lật ngược lại. Vì thế nó đã trở thành con tem in lỗi nổi tiếng nhất trong lịch sử bưu chính Mỹ. Số phận của 100 con tem Inverted Jenny được kể lại vắn tắt là đã rơi vào tay một nhà sưu tập vào năm 1918 và được ông ta bán lại với giá 15.000 USD. Vài tuần sau đó, số tem này bị xé lẻ và được bán với giá vài trăm USD một tem nhưng block 4 đặc biệt với mã số của tờ tem bị in ngược đã được giữ lại cẩn thận. Năm 1954, block 4 đặc biệt này được bán với giá 18.250 USD và đến năm 1989 nhà đấu giá Christie đã đẩy nó lên tới giá 1.100.000 USD.

Block 4 đặc biệt với mã số tờ tem

Vào tháng 10-2005, block 4 đặc biệt này đã được đưa ra bán đấu giá với 2.970.000 USD. Lúc đó, Kerby Confer, một nhà sưu tập tem thượng hạng, chủ nhân của block 4 đặc biệt này, cũng đã xuất hiện sau 16 năm ẩn danh. Sau khi block tem được bán xong, trước 40 nhà sưu tập tham gia đấu giá, Kerby Confer hả hê tuyên bố: "Vậy là tôi đã trở thành một phần của lịch sử". Chỉ cần nghe thế thôi cũng đủ hiểu con tem kia có sức quyến rũ và có giá trị lịch sử cao đến như thế nào. Người mua, cũng là một nhà sưu tập ẩn danh, qua trung gian là nhà sưu tập nổi tiếng Charles Shreve. Vào ngày 26-12-2007, một nhà điều hành làm việc tại Wall Street đã mua 1 con tem này với giá 825.000 USD trong một cuộc bán đấu giá tại nhà đấu giá Heritage Auction Galleries (Mỹ) nhưng người này cũng từ chối tiết lộ danh tính. Người môi giới tại nhà bán đấu giá cho biết người mua chính là nhà sưu tập tem đã bỏ lỡ cơ hội mua một con tem Jenny in ngược khác được bán với giá 997.500 USD trước đó một tháng.

THẾ ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA ???

Trong thập niên mười của thế kỷ 20, Bưu điện Mỹ đã thực hiện hàng loạt cuộc thử nghiệm để vận chuyển thư từ bằng đường hàng không. Việc này đã được thực hiện chính thức vào ngày 15-05-1918, qua các chuyến bay giữa Washington - Philadelphia - New York. Để chuẩn bị cho những chuyến vận chuyển này, Bưu điện Mỹ đã quyết định cho in một con tem với giá mặt 24 cents, đắt hơn 3 cents so với thư first-class. Tem in hình máy bay Curtiss, loại máy bay hai tầng dùng cho việc vận chuyển thư từ.

Công việc thiết kế và in ấn được thực hiện với một tốc độ chóng mặt: lên bản thiết kế ngày 4-5-1918 và in ngay vào ngày 10-5-1918 với 100 tem trên một tờ, khác với trước đây chỉ in 1 tờ lớn 400 tem và cắt ra thành 4 tờ nhỏ 100 tem. Vì con tem được in hai màu nên giấy in phải được đưa qua máy in hai lần nên lỗi in ngược đã xảy ra ở những con tem 1869 và 1901. Ít nhất có 3 tờ tem in lỗi như thế đã được phát hiện và hủy ngay sau đó. Tuy nhiên, người ta tin rằng còn 1 tờ tem như thế không bị phát hiện và thế là các nhà sưu tập tem đổ xô đi săn lùng tờ tem in lỗi đặc biệt này.

Những con tem đầu tiên được đưa đến các bưu điện vào ngày 13-5-1918 để lưu hành. Ý thức được giá trị tiềm tàng của tờ tem in lỗi nói trên, rất nhiều nhà sưu tập tem đã đổ xô đi mua bộ tem mới và luôn tranh thủ để ý tìm tờ tem in lỗi đó. Nhà sưu tập W. T. Robey là một trong số đó. Trong bức thư ông viết gửi cho một người bạn vào ngày 10-5-1918 có đoạn "sẽ không vô ích nếu để ý tìm kiếm tờ tem có lỗi in ngược đó" và trong lá thư sau đó là "tim tôi như ngừng đập khi nhân viên bưu điện đưa cho tôi tờ tem in lỗi".  Robey mua được tờ tem in lỗi và hỏi mua thêm 3 tờ nữa nhưng 3 tờ tem này không bị in lỗi.

Một số nguồn tin không chính thức về sự kiện này kể lại: Robey đã lập 3 tài khoản sau đó - dù ông đã liên hệ với các nhà buôn tem và báo chí để thông báo về phát hiện của ông. Sau đó một tuần, dù bị các thanh tra bưu điện viếng thăm, ông vẫn tìm cách giấu biến đi tờ tem và bán lại cho một nhà buôn tem nổi tiếng người Philadelphia là Eugene Klein với giá 15.000 USD. Klein sau đó đã nhanh chóng bán lại tờ tem này cho "Đại uý" H. R. Green, con trai của Hetty Green, với giá 20.000 USD.

Klein đã khuyên Green nên chia nhỏ tờ tem này ra sẽ bán được giá cao hơn và Green đã nghe theo. Ông ta đã chia nhỏ tờ tem này thành 1 khối 8 tem, vài khối 4 tem và còn lại là những con tem lẻ. Green giữ lại một số tem và để lại một tem trong két sắt của vợ ông ta. Chiếc két sắt này được đề nghị đưa ra bán đấu giá lần đầu tiên vào năm 2002 bởi nhà Siegel (Siegel Auction Galleries Rarity Sale), tổ chức vào ngày 18-5-2002. Tuy sau đó chiếc két sắt này không được đưa ra đấu giá nhưng theo giới báo chí bưu chính, nó đã được một quỹ bí mật sắp xếp mua lại với một giá đáng kể.

CUỘC TRAO ĐỔI TEM LỊCH SỬ
 
Con tem Z-GRILL của Donald Sundman
 
Vào cuối tháng 10-2005, một nhà sưu tập vô danh, mà người ta cho là nhà tài phiệt Bill Gross, đã mua block 4 đặc biệt có mã số của tờ tem Jenny in ngược với giá 2.970.000 USD. Chẳng bao lâu sau, ông ta đã tổ chức cuộc trao đổi tem với Donald Sundman, Chủ tịch Công ty tem Mystic, để đổi block 4 này lấy con tem USA 1c Z Grill. Hiện chỉ còn tồn tại 2 con tem Z Grill này, con tem còn lại đang nằm trong viện Thư viện công cộng của New York. Nhờ vào sự đổi chác này mà Gross trở thành người duy nhất sở hữu bộ tem hoàn chỉnh của nước Mỹ.
 
VÀ CÂU CHUYỆN GÂY XÔN XAO DƯ LUẬN
 
Con tem Jenny in ngược giả mạo
 
Vào năm 2006, trong cuộc bầu cử của công nhân ở quận Broward, Florida, người ta đã phát hiện ra một bì thư của cử tri có dán con tem này gửi đến nơi bỏ phiếu. Bì thư không ghi tên người gửi nên phiếu bầu này không hợp lệ. Câu chuyện trên lập tức gây xôn xao trong giới sưu tập tem Mỹ. Bì thư này ngay lập tức được gửi đến cho các chuyên gia giám định và Peter Mastrangelo, Giám đốc của APS tại Pennsylvania, đã xác nhận con tem này là giả dựa vào răng tem trên dưới và màu mực xanh dùng để in tem.
 
Ngày 13-11-2006, Dan Jacoby, một người đàn ông đứng tuổi ở Sarasota, Florida đã liên hệ với đài CNN để xác nhận rằng mình đã dùng 1 con tem chỉ đáng giá 50 xu để dán trên bì thư nói trên. Và cuối cùng, vào ngày 03-12-2006, con tem trên đã được chính thức xác nhận là 1 con tem Jenny in ngược giả mạo.

Câu chuyện này gợi nhớ tới một bộ phim Mỹ được sản xuất năm 1985 "Nhà triệu phú Brewster". Phim kể về một người đàn ông tên là Brewster đã được thách thức sử dụng cho hết số tiền 30 triệu USD trong 30 ngày và một trong những việc ông ta đã làm là dán 1 con tem Jenny in ngược lên bưu thiếp để gửi đi.
 
Charles Hack, một nhà buôn bán bất động sản và là một người yêu thích tem, sau khi mua 1 con tem Jenny in ngược với giá 297.000 USD, đã tuyên bố: "Con tem Jenny in ngược này ngoài việc đáng giá một gia tài thật sự, nó còn là một BIỂU TƯỢNG CỦA NƯỚC MỸ ".
Phong kỷ niệm về con tem Jenny in ngược (Hình ảnh được cung cấp bởi Nhà sưu tập Nguyễn Tiến - Diễn đàn www.vietstamp.net)
Và câu chuyện thú vị về con tem huyền thoại này vẫn còn dài... Hẹn gặp lại các bạn trong một dịp gần đây.
Nguoitimduong
Các bài khác
Tìm hiểu ngày thành lập Đảng qua một dấu FDC
03/02/2020 01:02
Hình tượng chuột trong tem Tết Canh Tý 2020
26/01/2020 17:58
Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga trên tem thế giới
07/11/2017 01:06
Người phi công Việt Nam đầu tiên
15/03/2017 01:17

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.