Người tự gửi thư cho mình vì những ngọn hải đăng!

Khi thấy tôi loay hoay cầm một phong bì khác lạ có in hình ngọn Hải đăng Vũng Tầu, thì anh Nguyễn Đức, bạn tôi nói: “Đây là chiếc phong bì tự tạo của ông Giám đốc Công ty Bảo đảm Hàng hải TP.HCM. Lạ lắm! ông ấy hay chơi cái trò tự gửi thư cho mình. Ông ấy còn có thú chơi tem toàn in hình đèn biển của Việt Nam và quốc tế…”. Tôi rất ngạc nhiên và cho đó là chuyện kỳ cục, nhưng càng tìm hiểu tôi càng thấy những điều bất ngờ thú vị về ông giám đốc Huy Khánh. Ông đồng thời cũng là thành viên của Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp.

Mới chỉ có 4/80 ngọn đèn biển Việt Nam lên tem

Có dịp vào TP. HCM, tôi tranh thủ diện kiến ông giám đốc Huy Khánh. Hay biết ý định của tôi, ngay lập tức ông bày ra những con tem đèn biển ra bàn. Những con tem xinh xắn được ông giữ ép cẩn thận trong ni lông trong suốt, mỏng tang. Mỗi con tem in hình một đèn biển nào đó và đều được ông ghi chú những tư liệu, thông số cần thiết ở bên cạnh. Với hơn 200 bộ tem Hải Đăng, ông đã sưu tầm coi như gần đủ số lượng tem phát hành về đèn biển trên thế giới.

Xuất thân từ một cán bộ kỹ thuật trong Công ty, ông Khánh có dịp đi tất cả hơn 80 đèn biển của nước ta và hàng chục đèn biển trên thế giới. Nhưng nói đến tem in hình đèn biển của Việt Nam, ông bần thần tâm sự: "Tiếc thế đấy, đèn biển ở nước mình có đến 80 cái nhưng ngành bưu điện mới chỉ phát hành có 4 con tem in các đèn ở Long Châu, Cù Lao Xanh, Vũng Tầu và Cần Giờ".

Ông Khánh (ngoài cùng bên phải) bên ngọn hải đăng Kê Gà

Tự gửi thư cho mình để lưu dấu các đèn biển

Ông đưa cho tôi xem bộ ảnh đèn biển rất đẹp ở một số trạm Hải đăng thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là các đèn Tiên Nữ, Song Tử Tây và An Bang. Hầu như đến trạm đèn nào ông cũng chụp ảnh để lưu lại. Ông còn sưu tầm nhiều ảnh đèn biển được chụp tại các thời gian khác nhau. Sau đó, mỗi bức ảnh đèn ông đều thuê in lên các phong bì tự tạo của mình, cùng với các tư liệu thông tin về đèn ở mặt giấy sau. Ông kể thêm rằng, trên mỗi phong bì đó ông lại dán một con tem cũng in hình đèn biển, rồi đến tất cả các trạm đèn lấy dấu xác nhận hoặc chữ ký của trưởng trạm đèn. Xong xuôi, ông đề tên người nhận là chính ông, sau đó ra trạm bưu điện gần nhất để gửi. Làm như vậy, ông có thêm dấu bưu điện địa phương đóng lên phong bì của mình để lưu giữ. Thậm chí có phong bì in tem đèn biển Đá Lát ở Trường Sa ông còn xin thêm chữ ký của một sĩ quan quân đội ở ngay đảo để làm kỷ niệm trong bộ tem. Vậy đó cứ mỗi dịp đi công tác tại các trạm đèn ông lại tự gửi thư cho mình để lấy dấu bưu điện ghi dấu thời gian.

Một mẫu thư tự gửi có in hình đèn biển của ông Khánh

Lật giở tiếp vài trang, ông chỉ thêm cho tôi xem bộ ảnh đèn biển ở ba địa chỉ các đỉnh cực địa đầu tổ quốc như đèn biển Vĩnh Thực ở Quảng Ninh, đèn ở Núi Nai tỉnh Kiên Giang, đèn Thổ Chu ở đảo ngoài biển xa. Lại nữa, ông còn cho xem một bộ đèn biển đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi được chụp ở ba thời kỳ xây dựng khác nhau sau những lần hư hỏng vì thời tiết và nước biển. Ông chỉ ước sau này những đèn biển đẹp như vậy sẽ được in lên con tem bưu chính, phát hành trên toàn quốc, để mọi người yêu thích nó và tìm đến trong các hành trình du lịch.

Những ngọn đèn mang ánh sáng tâm hồn con người

Khi hỏi đến bộ tem đèn biển thế giới, ông khoe có một cái tem in đèn biển Macqarie ở Sydney (Úc) được dựng năm 1818, vào loại cổ nhất thế giới còn lại. Con tem cũng thuộc loại cổ phát hành đầu tiên còn in cả các chi tiết trong lòng trụ đèn mà ông sưu tầm được. Có dịp ông đã đến tận đèn để chụp ảnh kỷ niệm. Ông lật giở vài trang rồi giới thiệu bộ tem in 15 đèn biển từ thời Liên Xô (cũ ) và cả bộ tem in của CHDC Đức trước đây. Chúng quý và hiếm bởi các hình thái đất nước ấy đã không còn tồn tại. Các con tem này càng ngày càng lên giá vì thế. Ông tâm đắc và tự hào với các thành viên CLB qua bộ sưu tầm đèn biển độc đáo không giống ai. Chơi tem như ông quả tốn công và đòi hỏi sự say mê và kiên nhẫn mới có được. Rất thú vị với hàng trăm con tem đèn biển của mình, ông nói: "Tất cả các đèn biển đều mang một thứ ánh sáng tâm hồn con người soi rọi trên các vùng biển để mọi con tầu tránh mọi hiểm nguy. Tôi sống với những ngọn đèn biển hàng chục năm qua với bao công việc gắn bó thân thiết. Những con tem này quả như cuốn nhật ký nhà nghề sinh động mà tôi muốn lưu giữ suốt cuộc đời như một báu vật vậy".

Ông Huy Khánh lấy kính lúp để xem con tem

Đột nhiên ông đưa một con tem nhỏ lên cao và lấy kính lúp cho tôi xem thật rõ ngọn đèn ở Thổ Chu ngoài đảo xa. Tôi ngỡ như mình thấy ánh sáng từ ngọn đèn lóa lên soi rọi một vùng biển xanh mênh mông. Và có thể lắm chứ, tôi còn nghe được tiếng sóng biển đang vỗ dào dạt trong tâm hồn ông với những ngọn Hải đăng kỳ ảo giữa trùng khơi...

Vương Tâm
Các bài khác
Người "nghiện" Tết qua những con tem
03/02/2014
Trần Văn Điểu - người mê chơi tem đất Bình Dương
25/11/2010
Người họa chân dung Bác bằng tem
16/05/2010
Tư tưởng của Bác qua những con tem
03/05/2010

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.