Năm Sửu bàn về bức tranh "Chăn trâu, thổi sáo" trên tem Tết Việt

Ngày 21-01-1985, Tổng cục Bưu điện phát hành bộ tem "Tết Ất Sửu" gồm 2 mẫu cùng khuôn khổ 30 x 35 mm, do họa sĩ Hoàng Thúy Liệu thiết kế. Hình ảnh trên tem là bức tranh “Chăn trâu, thổi sáo” trong bộ tranh "Em bé chăn trâu" nổi tiếng của làng tranh dân gian Ðông Hồ. Nguyên bản của bộ tranh dân gian này có hai bức: "Chăn trâu, thổi sáo" và "Chăn trâu, thả diều". Họa sĩ thiết kế tem chỉ mượn hình ảnh để đưa lên cho thích hợp với năm Sửu, nên chữ viết trên tranh được nhấn mạnh là "Tết Ất Sửu" trong các vòng tròn, thay thế cho hàng chữ của tranh nguyên bản là "Diệp cái hà thanh thanh" (một chiếc lá sen che trời xanh), cũng có bản khác đề dòng chữ "Thiên thanh lộng địch suy" (trời xanh trong tiếng sáo).



Tranh miêu tả một chú bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu. Trên đầu chú là một lá sen tỏa rộng. Dưới mặt đất là cỏ. Nhìn tranh ta thấy bố cục hài hòa, thuận mắt, vừa chặt chẽ lại vừa phóng khoáng. Hình vẽ và mầu sắc chỉ đơn giản với đen, xanh, hồng, đỏ, nâu, trắng có tính cách điệu cao vì đã đơn giản được các hình ảnh trâu, người, sáo, lá sen, cỏ. Đường nét to, chắc khỏe nhưng không bị khô cứng. Trong tranh, các khoảng trống không đều nhau nên đã tạo ra tính nhịp điệu cao. Chữ trong bức tranh vừa minh hoạ cho chủ đề vừa khiến cho bố cục tranh thêm hợp lý, sinh động.

Bức tranh này nổi bật hình ảnh chú bé thổi sáo và trâu. Người Việt Nam sống bằng nông nghiệp, xuất phát từ gốc nông nghiệp vì vậy có sự tôn trọng và ước mong cuộc sống hoà hợp, vui vẻ với thiên nhiên. Cậu bé ngồi trên lưng trâu, xung quanh đều là cỏ cây, đất trời rộng lớn. Sự tôn trọng trong văn hoá Việt xuất phát từ sự phụ thuộc nhiều của người nông dân vào thiên nhiên, mong hoà hợp với thiên nhiên để “thiên thời địa lợi nhân hoà” làm nông cho thuận.



Con trâu là con vật mà nhà nông không thể thiếu “Con trâu là đầu cơ nghiệp” giúp họ cày bừa, kéo vác. Trâu trong bức tranh này trông thật đáng yêu và ngộ nghĩnh. Đôi tai vểnh lên nghe ngóng, chân tung tăng như nhảy theo tiếng sáo, mặt vui vui nhìn cuộc đời, đuôi vây vẩy ngộ nghĩnh. Dường như trâu cũng đang thưởng thức âm nhạc và cảm thấy vui sướng. Điều đó có thể nói trâu không chỉ giúp cho nhà nông làm việc mà nó còn là một người bạn tinh thần của họ. Trâu khoẻ với gam màu nóng và đường viền chân tạo sự chắc, vững. Chú bé trên lưng trâu trông thật khôi ngô, khỏe đẹp. Khôi ngô biểu hiện qua ngũ quan trên khuôn mặt thật hài hòa, cân đối. Khỏe đẹp qua nước da hồng hào và thế ngồi vững chãi - khoanh hai chân vào nhau. Chú thật là một cậu bé tài năng: vừa biết chăn trâu lại vừa thổi được sáo.

Ngồi trên lưng trâu và thổi sáo, một lúc hai việc quả là có khả năng thích nghi cao. Không những thế chú còn là một đứa trẻ ngoan, biết chăn trâu giúp bố mẹ. Đây là hình ảnh ta thường thấy trong cuộc sống nông thôn Việt Nam. Khí hậu phương Đông nắng nóng lắm, mưa ẩm nhiều. Vì vậy cậu bé của chúng ta phải cởi trần, mặc quần cộc để cưỡi trâu, thổi sáo. Trên đầu, một lá sen được cậu ngắt kẹp giữa hai chân. Lá sen vươn lên trời xanh che nắng cho cậu. Đôi lúc ta thấy nó cũng như muốn ngả nghiêng, uốn éo theo điệu sáo. Sáo mà cậu bé thổi cũng được làm rất duyên dáng, chắc chắn, là sáo chứ không thể là một cành củi khô được bởi đầu sáo gắn một túm dây rất điệu.

Nếu để ý còn thấy cậu bé ấy không ngồi hẳn trên trâu mà là ngồi trên một thảm hoa đặt trên lưng trâu và được trang trí bằng những bông hoa gam trầm rất sắc nét. Ngoài ra, dưới chân cậu, trên tấm thảm còn có những búp sen, lá sen, hoa sen, cọng sen với cách sắp xếp khác nhau trông thật vui mắt. Cách sắp xếp rất hay và biểu cảm. Cỏ dưới chân trâu có ba bụi nhưng mỗi bụi một vẻ không bụi nào giống bụi nào, lối chuyển động của cỏ hết sức sinh động. Nền vàng kem đã làm nổi bật những hình tượng chính trong tranh.



Triết lý âm dương được biểu hiện rõ đó là: thấp - cao; đất - trời; cỏ - sen; tối - sáng; mầu đen - mầu đỏ. Mầu đỏ nâu thường là mầu của niềm vui nhẹ nhàng, sự tốt lành. Còn mầu xanh là mầu của sự sống. Mầu đen trong tranh không hề làm “thủng” bức tranh mà trái lại nó mang đến cho tranh sự khoẻ khoắn, khiến cho màu có độ chín. Mô hình ý nghĩa phồn thực cũng có trong bức tranh này. Dấu hiệu điển hình của nó là số nhiều: cỏ cây thể hiện được mùa, trời đất thuận hòa thì cây cối mới sinh sôi. Xem tranh ta có thể thấy được sự hài hòa giữa con người với môi trường tự nhiên do lối tư duy âm dương từ trong máu thịt của người Việt Nam. Đặc biệt hơn là dân tộc ta sống bằng tương lai với tinh thần lạc quan. Chỉ đứa trẻ chăn trâu đã yêu đời, yêu cuộc sống thiên nhiên đến vậy. Đó chính là khát vọng ngàn đời của người dân Việt Nam nói chung và làng tranh Đông Hồ nói riêng gửi vào bức tranh này.

Bức tranh có tính biểu cảm cao, nó mang đến cho người xem tính tư duy và sự thích thú. Nét văn hóa trong tranh cần được phát huy và bảo tồn để tranh Đông Hồ sống mãi về sau.

(Sưu tầm)
Các bài khác
Tìm Hiểu thêm về lịch sử tên gọi Quốc hiệu Việt Nam
02/09/2016 14:30
Bưu chính Mỹ in nhầm tượng Nữ thần Tự do trên tem
05/04/2014 00:40
Vovinam Việt Võ Đạo
01/03/2013
Nguồn gốc bí ẩn của phím @
12/09/2012

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.