Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Sinh hoạt BAN CỐ VẤN (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=483)
-   -   BỘ NGƯỜI CẦY CÓ RUỘNG (1970-1975) (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=9224)

The smaller dragon 15-11-2011 23:31

BỘ NGƯỜI CẦY CÓ RUỘNG (1970-1975)
 
25 File đính kèm
BỘ TEM NGƯỜI CẦY CÓ RUỘNG NCCR (1970-1975)

Từ ngàn xưa, Việt Nam là một nước nông nghiệp, nông dân bao giờ cũng chiếm đại đa số. Vì thế, ruộng đất luôn luôn là vấn đề lớn nhất của xã hội. Xã hội được ổn định và nhân dân sống trong cảnh thái hòa hay không là do chính sách phân chia ruộng đất của chính quyền. Trong các triều đại xa xưa trong lịch sử cho đến thời Pháp thuộc và VNCH, chúng ta thấy Việt Nam có ruộng công và đât công (công điền công thổ) bên cạnh ruộng tư và đất tư (tư điền tư thổ).

Hình 1: Cho đến thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam vẫn còn tư điền tư thổ (tức ruộng tư đất tư). Ðây là một văn khế bán đất tư năm 1931...

Hình 2: ... Và văn khế bán ruộng tư năm 1934

Trên Diễn Ðàn này, vốn là nơi trao đổi về thú sưu tầm, tôi sẽ không đi vào diễn tiến lịch sử về ruộng đất qua các thời đại. Tôi chỉ muốn chia sẻ với anh chị em Viet Stamp những sản phẩm bưu chính có gía trị sưu tập thời điểm 1970-75 tại VNCH về đề tài NCCR.

Luật NCCR gồm 6 Chương với 22 Ðiều được Thượng Viện VNCH thông qua ngày 6.3.1970 và Hạ Viện thông qua ngày 16.3. Ðến ngày 26.3, Luật được TT. Nguyễn Văn Thiệu ban hành trong một buổi lễ long trọng tại Cần Thơ. Nội dung chính của luật NCCR là chấm dứt nạn tá canh (thuê ruộng). Luật ấn định việc cấp quyền sở hữu ruộng vô thường cho tá điền hiện đang canh tác, và truất quyền sở hữu có bồi thường cho các điền chủ không trực tiếp canh tác. Giới hạn quyền sở hữu ruộng của nông dân là 1 mẫu tại miền Trung và 3 mẫu tại miền Nam. Mẫu đây là mẫu ta, tương đương 3.600m2.

Hình 3: Chứng Thư Cấp Quyền Sở Hữu là văn bản cấp cho cho nông dân. Mỗi nông dân được cấp không, tối đa 3 mẫu. Mặt sau Chứng Thư để trắng, không in tiếng Tầu tiếng Tây gì cả!

Nếu điền chủ thực sự canh tác ruộng của mình, họ được phép giữ lại 15 mẫu và có thể thêm 5 mẫu nữa làm ruộng hương hỏa. Nếu không, ruộng của điền chủ sẽ được chính phủ truất hữu, trả bằng Trái Phiếu Cải Cách Ðiền Ðịa. Khi bị truất hữu, điền chủ sẽ được bồi hoàn tính theo công thức 2.5 lần lợi tức hàng năm trung bình cộng trong 5 năm của thủa ruộng. Chính phủ trả ngay 20 %, số còn lại trả dưới hình thức trái phiếu hạn 5-7 năm, mỗi năm tiền lời là 10%.

Hình 4: Trái phiếu Cải Cách Ðiền Ðịa trị giá 1.584.320đ (một số tiền lớn hồi năm 1971) cho điền chủ với thời hạn 6 năm (17.12.1970-26.3.1977)

Hình 5: Tờ khai danh dự của một điền chủ về việc sở hữu ruộng, bước đầu trong việc chính phủ VNCH trưng mua ruộng tư nhân để cấp cho nông dân theo chương trình NCCR.


Khi Luật NCCR được ban hành, người chơi tem và người buôn tem đương thời đã nhanh nhậy thực hiện nhiều loại phong bì kỷ niệm.

Trước hết là phong bì kỷ niệm năm đầu tiên ban hành Luật với chữ ký của kỹ sư Cao Văn Thân, Tổng Trưởng Bộ Cải Cách Ðiền Ðịa và Phát Triển Nông Ngư Nghiệp. Phong bì này thuộc loại hiếm, vì có đầy đủ các dấu nhật ấn, cổ động, dấu chức vụ và chữ ký tay của người trực tiếp trách nhiệm thi hành Luật tại Trung Ương. Dịp này, Bưu Ðiện chưa kịp phát hành tem kỷ niệm, nên tem Cải Cách Ðiền Ðịa thời TT Ngô Ðình Diệm và tem nhãn “Người Cầy Có Ruộng” được sử dụng.

Hình 6: Phong bì kỷ niệm với chữ ký của người có trách nhiệm thi hành Luật NCCR ở cấp Trung Ương.

Mãi đến ngày 29.8 cùng năm, Bưu Ðiện mới phát hành tem NCCR. Ðó chính là tem nhãn hồi tháng 3 nay in thành tem chính thức.

Hình 7: FDSheet cùng FDC tem NCCR và tem nhãn thứ nhất năm 1970

Hình 8: Vé số Kiến Thiết đặc biệt NCCR xổ ngày 30.4.1970

Sau đó, từ 1971 cho đến 1975, năm nào Bưu Ðiện cũng phát hành tem đề tài NCCR vào đúng dịp 26.3.

Hình 9: FDCard cùng FDC tem NCCR và tem nhãn NCCR thứ nhì năm 1971

Sau hai năm thi hành, Luật NCCR đã đem lại một số thành qủa tốt đẹp. Một diện tích ruộng 1.003.325 mẫu ta đã được cấp phát vô thường cho 858.821 hồ sơ nông dân và 714.131 mẫu ta đã được truất hữu có bồi thường cho 84.901 hồ sơ điền chủ.

Do đó, năm 1972 việc kỷ niệm năm thứ ba ngày ban hành Luật được tổ chức rầm rộ dưới nhiều hình thức.


Hình 10: Tờ bướm mẫu 1

Hình 11: Tờ bướm mẫu 2

Hình 12: Tờ bướm mẫu 3

Hình 13: Tờ bướm mẫu khổ lớn

Hình 14: Tập nhỏ 8 trang gấp vào như đàn accordion, trang nào cũng có tem nhãn và dấu Bưu Ðiện

Hình 15: Tạp chí quảng cáo thành qủa của luật NCCR

Hình 16: Phong bì gửi TT Nguyễn Văn Thiệu với dấu cổ động cho Ngày Nông Dân 1972
File Đính Kèm 151540
(Tặng phẩm của MeTemViet)


Bộ NCCR năm 1973 rất đặc biệt vì đã tạo ra một trong những con tem được nhiều ngưoi nói tới. Nguyên Bưu Ðiện đã đặt in bộ NCCR năm 1973 với hai tem giá mặt 2đ và 5đ tại nhà in Thomas de la Rue ở Anh Quốc. Vào giờ chót, có sự thay đổi hay chỉ thị từ trên là phải có tem in hình TT Nguyễn Văn Thiệu. Nhà in Thomas de la Rue ở Anh không nhận in vì không đủ thì giờ. May mắn là một nhà in ở Hong Kong nhận đơn đặt hàng. Thế là tem NVT giá mặt 10đ khổ lớn khác hẳn hai con cùng bộ được in trong một thời gian kỷ lục và số lượng in chỉ được 90.000 tem mà thôi. Vì thế, trong ngày phát hành đầu tiên 26.3.1973, Bưu Ðiện Trung Ương Sài Gòn giới hạn chỉ bán mỗi người tối đa 5 con mà thôi. Nhân viên Bưu Ðiện đã xé sẵn từng dải 5 con theo hàng ngang trong tờ tem 25 tem (5 x 5).

FDC bộ NCCR 1973 thành ra khá hiếm. Bộ sưu tập NCCR 1973 của tôi hiện có 25 FDC khác nhau, nhưng con số tưởng là nhiều này chắc chắn chưa đầy đủ tất cả các mẫu trên thị trường thời bấy giờ. Ðó là điều hào hứng trong thú chơi tem, là lúc nào chúng ta cũng có thể thấy cái mới để thêm vào bộ sưu tập của mình.

Hình 17: Bìa tạp chí trở thành tờ kỷ niệm với dấu Ngày Ðầu Tiên.

Bộ NCCR 1973 cũng có một số tem in sai. Thứ nhất là tem có một vòng tròn trắng dưới chữ DÂN, thứ hai là dấu chấm dưới chữ VIỆT thành dấu chữ T, thứ ba là răng cưa hẹp lại theo chiều dọc khiến tem nhỏ lại, và thứ tư là răng cưa thưa ra theo chiều ngang khiến chiều cao tem lớn hơn tem thường. Nhưng đây chỉ là những tem in sai nho nhỏ mà thôi.

Cần lưu ý là bộ NCCR 1974 in lại tem 10đ năm trước, nhưng trên giấy mỏng hơn, mầu sắc không tươi thắm bằng, mẫu vẽ lại kém sắc sảo, với số phát hành lớn đến 2.000.000 tem. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy có người còn bị nhầm lẫn. Chúng ta nên cẩn thận.

Hình 18: Hai tem 10đ NCCR 1973 (bên trái) và 10đ NCCR 1974 (bên phải).

Một ấn phẩm khác lạ là ảnh ngày đầu tiên. Ðây là sáng kiến của một người dân chơi nào đó, khổ công chụp hình bộ tem mới, rửa thành ảnh, dán tem, rồi lấy dấu ngày phát hành đầu tiên. Trừ phi người ấy có tay trong biết được mẫu tem mới thì có thể chụp ảnh trước, còn không, phải đợi đến ngày phát hành mới làm được tất cả các công đoạn và di chuyển đi đi về về nội trong thời gian 12 giờ. (Theo trí nhớ của tôi, Bưu Ðiện Trung Ương Sài Gòn thường mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi khi phát hành tem mới.)

Hình 19: Ảnh ngày phát hành đầu tiên 26.3.1974 với dấu Bưu Ðiện Vũng Tàu (tạm gọi là First Day Picture, FDP)

Bộ NCCR năm 1975, phát hành ngày 26.3.1975 chính là bộ tem cuối cùng của chế độ VNCH.

Hình 20: FDC bộ tem cuối cùng của chế độ VNCH.

Dân chơi tem nhiều khi rất cầu kỳ. Sau đây là một tờ tem kỷ niệm chứa đựng tất cả 6 bộ tem NCCR 1970-75.

Hình 21:
(Tặng phẩm của MeTemViet)


Cuối cùng, để kết thúc bài này, tôi giới thiệu một vật phẩm đặc biệt ít người biết. Ðó là ấn phẩm chính thức của Bộ Viễn Thông và Bưu Ðiện VNCH để “Kỷ Niệm Ngày Nông Dân Việt Nam” với tem NCCR 1970-73. Ðây là một tấm thiệp gấp 6 trang khổ nhỏ 16.5cm x 10cm, giấy dầy trang trọng.

Hình 22:



TB. Tất cả những vật phẩm trong bài này là sở hữu trong bộ sưu tập TAT. Nhân dịp này, tôi đề nghị chúng ta chỉ nên chia sẻ những gì của chính chúng ta. Nếu phải lấy vật phẩm của người khác để minh hoạ cho bài viết, tôi yêu cầu nên ghi rõ xuất xứ. Quan trọng hơn nữa, tôi đề nghị bài viết trên mạng VietStamp cần có thông tin chính xác. Như thế, sự chia sẻ mới có giá trị và hữu ích! TAT

tem-truyen-thong 16-11-2011 05:40

Bài viết của Gs Trần Anh Tuấn rất hay và công phu. Chúng tôi là những người chuyên sưu tập về giai đoạn lịch sử thời 1951-1975. Chính vì vậy sẽ có những vật phẩm rất hay cho đề tài này. Chắc chắn trong nay mai tôi sẽ giới thiệu các bạn tem.
Về quan điểm cuối cùng tôi hoàn toàn nhất trí với Gs : khi đưa tin, hình ảnh lên mạng cần ghi rõ xuất xứ, nếu vật phẩm không phải của mình cần phải ghi rõ ràng. Ngay trong Diễn đàn này cách đây cũng khá lâu một vị cao nhân đã dẫn chứng Block Bác Hồ có dấu kỷ niệm ngày mất. Vật phẩm này là của tôi đăng trên Ebay. Giờ đây nó đã thuộc về Frank Dueirng. Thật đáng tiếc là xuất xứ vật phẩm đã không được ghi chú. Hy vọng đó chỉ là sai sót nhất thời.

nino huynh 16-11-2011 11:47

Trước tiên Nino Huỳnh xin cảm ơn chia sẽ của GS Trần Anh Tuấn.Về chứng thư người cày có ruộng có dấu xác nhận và trái phiếu cải cách điền địa đã đăng cháu xin nhận khuyết điểm đã không kiểm tra kỹ chủ sở hữu.chỉ nhớ là đã tải trên một mạng mua bán giấy tờ cũ.cũng không xác nhận được chủ nhân là ai.chỉ lấy làm đề tài tham khảo.Điều này cháu có nói trong topic. Mặc khác,đôi lúc trong diễn đàn- nơi bàn luận, chúng ta thiếu tài liệu tham khảo và hình ảnh chứng minh vấn đề cần nói thì việc tham khảo tài liệu từ nơi khác ngoài sở hữu của chúng ta là cần thiết để tìm ra sự thật.Thêm thông tin chính xác cho người chơi.Nhưng chắc rằng phải được ý kiến của người chủ.nhưng nếu hình ảnh lấy trên mạng mua bán(nơi người bán chấp nhận công khai hình ảnh) thì việc nêu rõ xuất xứ từ đâu là cần thiết,vì dù sao nó cũng không thuộc về mình.Cũng giống như nghiệp vụ làm báo vậy.Thì chúng ta mới thể hiện được sự chuyên nghiệp trong "cách chơi" và văn hóa trong cộng đồng,trong hành xử.Ý kiến của bác TAT cháu rất tôn trọng và mong rằng tất cả chúng ta,nhất là những người trẻ tuổi như chúng cháu tôn trọng điều này. Hình ảnh mấy bì thư của bác TAT thật đẹp và quý hiếm.Cháu thích nhất là bì thư gửi TT Thiệu.
Về chứng thư người cày có ruộng chưa điền tên và chưa dấu xác nhận của cháu,trước mắt cháu chỉ có vậy,mà cũng chẳng hiểu tại sao mặt sau lại có một mớ chữ tàu(hoặc nho cháu không rành).cháu sẽ cố gắng tìm kiếm thêm thông tin và nhờ người dịch xem mặt sau ghi nội dung gì mới nói được.Một lần nữa cháu cảm ơn bác TAT,cảm ơn bác về tất cả.

The smaller dragon 16-11-2011 15:26

Như bác đã nhận xét, cái chứng thư trống với những chữ Tàu phía sau chẳng qua là phế phẩm của nhà in mà thôi. Hai nội dung này không có gì liên hệ với nhau, cháu mất thì giờ tìm hiểu để làm gì vậy? Ðể thì giờ sưu tầm tem thích thú hơn nhiều đó cháu! Mà này, chữ Tàu hay chữ Nho là một thứ, chỉ khác tên thôi.

Cám ơn những nhận xét thuận lợi của cháu về bài bác chia sẻ trên Diễn Ðàn về bộ tem NCCR 1970-75.

nino huynh 16-11-2011 16:10

Dạ cảm ơn ý kiến của bác. Ý cháu là chữ Nôm mình đó bác.cháu nhầm.Dù sao cháu cũng tìm hiểu xem nó nói gì và tại sao người ta in vậy?!biết đâu tìm ra được cái gì nữa thì sao ah?:D

MeTemViet 17-11-2011 00:15

Xin cảm ơn bác Rồng và Tem-truyen-thong đã mang những vật phẩm quý giá của chương trình Người Cày Có Ruộng cho mọi người chiêm ngưỡng.

Riêng bộ sưu tầm của bác Rồng thật đồ sộ. Phần bác mang lên chỉ là một phần nhỏ của bộ sưu tầm. Được nhìn tận mắt bộ này mới thấy được công phu của người làm và người sưu tầm vật phẩm.

MTV rất mong các bác tiếp tục cho xem những vật phẩm quý giá như thế này nữa.

nam_hoa1 17-11-2011 14:52

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi tem-truyen-thong (Post 150115)
... vì vậy chúng ta chỉ gặp 2 cachet với các con dấu kỷ niệm hình chữ nhật và dấu kỷ niệm hình tròn lớn. Các con dấu này có 2 loại mực là đen và đỏ.

Nam_hoa1 xin phép bổ sung thêm 1 cachet màu xanh dương Người cầy có ruộng 1970
http://i1209.photobucket.com/albums/...1/IMG_0054.jpg

MeTemViet 19-11-2011 00:46

Xin trở lại với chủ đề NCCR.

Như mọi người đều biết, con tem 10 đồng 1973 là con tem hiếm thấy. Bác Rồng có nói là "chỉ 90.000 con được in và bưu điện hạn chế bán mỗi người 5 con."

Trên thực tế, MTV thấy tem sống và FDC của con tem này không hiếm. Chỉ có tem nguyên tờ hay block 4 mới hiếm, có lẽ vì bưu điện đã xé sẵn 5 con hàng dọc để bán. MTV chỉ mới thấy qua duy nhất 1 lần nguyên tờ NVT 1973 và 1 lần block 10 con.

Nhưng tem chết thực gởi đã rửa ra hay trên phong bì thì MTV vẫn chưa thấy. Tất cả những tem chết của bộ này đều là tem rửa ra từ FDC. Có thể đây là con hiếm gặp nhất trong dòng tem VNCH? Mong bác Rồng, Tem-truyen-thong hay các bác khác cho thể chia xẻ thêm về con tem 10 đ NVT 1973 thực gởi cho MTV và các bạn khác trên diễn đàn.

tem-truyen-thong 19-11-2011 06:19

Về con tem 10đ NVT 1973 thì như thế này. Hầu hết các bộ tem lúc đó đều được chuẩn bị in trước khoảng 1 năm. Toàn bộ tem trước 1975 của QGVN và VNCH đều được in tại nước ngoài (chỉ trừ các tem Quân bưu). Duy nhất có 1 mẫu được in tại VN là mẫu 20đ trong bộ 2 tem Hội nghị quốc tế Bảo vệ nhi đồng 1975.
Bộ tem NCCR 1973 đầu tiên dự tính có 2 mẫu : 2đ và 5đ, nhưng sau do phục vụ cho mục đích tuyên truyền nên Tổng Nha bưu điện quyết định in thêm mẫu tem 10đ. Lúc này thời gian chỉ còn khoảng 3 tháng đến ngày dự tính phát hành. Những người có trách nhiệm liên hệ với đủ các nhà in quen thuộc Pháp, Anh, Ý, Nhật nhưng không nơi nào nhận. Chính vì vậy họ đã liên hệ với một nhà in của người Hoa tại Hồng Công để in riêng mẫu tem 10đ này. 2 mẫu tem kia vẫn in bình thường, được gửi về trước. Còn mẫu tem 10đ chỉ in 90.000 tem và được gửi về Sài gòn cách ngày phát hành 1 tuần. Do số lượng khá ít nên Bưu điện áp dụng chính sách mỗi người chỉ được mua 4 con tem cho 1 lần xếp hàng. Chính vì lý do đó nên không thể có nguyên tờ cho việc mua từ Bưu điện được. Nhưng để phục vụ cho Hội chợ triển lãm nông nghiệp tại Cần Thơ, Tổng Nha BĐ cũng quyết định dành 50 tờ nguyên giao cho Philavina của cố CT Phạm Văn Trường. Số tờ nguyên mà chúng ta nhìn thấy được là từ nguồn này mà ra. Sau giải phóng, phó CT Hoàng Long còn lưu giữ 20 tờ tem nguyên. Nhưng do hoàn cảnh lúc mới giải phóng, rất nhiều người sợ lưu giữ những thứ được gọi là "văn hóa phẩm đồi trụy" nên ông đã thiêu hủy toàn bộ 20 tờ tem này.
Thực chất con tem 10đ NVT là mục đích tuyên truyền. Nó có khổ rất lớn (lớn nhất trong dòng tem VNCH). Rất bất tiện trong việc gửi thư. Chính vì vậy giá trị trong Bưu chính của con tem này rất thấp. Vô tình đã tạo ra sự quí hiếm tột đỉnh của bì thư thực gửi. Những người xếp hàng mua được 4 con tem đều rất thấy quí giá. Họ lưu giữ dưới dạng tem sống trong album hoặc làm FDC. Chỉ có những NST kỳ cựu có mối trao đổi tem với nước ngoài như Lưu Tất Nguyên, Đỗ Thành Kim mới thực hiện những bì thư Phitatelic cover trong 2-3 ngày đầu tiên. Những bì thư này có thể vẫn tìm được tại Hồng Công, Đài Loan. Nhưng nhũng bì thư comercial cover mới là đỉnh cao của sự quí hiếm trong dòng tem này. Đặc biệt là những bì thư nội địa.
Tôi nghiên cứu và sưu tập về chủ đề này. Có thể nói bộ sưu tập bì thực gửi là rất tâm huyết. Nếu có vấn đề gì khác tôi luôn sẵn lòng chia sẻ.

The smaller dragon 19-11-2011 12:47

1 File đính kèm
4 hay 5?


Những thông tin của Tem-truyen-thong về hoàn cảnh xuất hiện của con tem NCCR 10đ năm 1973 rất hào hứng qua đó chúng ta cảm nhận được công khó của một người say mê tem từ nhỏ.

Nhiều chi tiết do Tem-truyen-thong kể lại rất đặc biệt. Tôi chỉ muốn bàn về chi tiết 4 hay 5. Tức là khi tem này phát hành, thì Bưu Ðiện giới hạn bán ra mỗi người được 4 hay 5 tem. Theo Tem-truyen-thong, thì mỗi ngưoi xếp hàng đến lượt mua thì chỉ mua được 4 tem mà thôi.

Theo tôi, Bưu Ðiện ngày 26.3.1973 bán ra mỗi người một dải 5 tem vì những lý do sau đây:

1. Tờ tem in hàng ngang 5 con, hàng dọc 5 con thành tổng số 25 tem mỗi tờ. Dù hàng ngang hay hàng dọc gì thì nếu chỉ xé 4 con thì lúc nào cũng dư ra một con. Ðiều này là mua thêm việc khiến mất rất nhiều thì giờ, vì phải nhớ xé đến 4 là phải ngưng lại, xé ngang ra hay dọc xuống cho thành một dải 4 tem. Rồi một con lẻ để làm gì? Tôi không tin chỉ thị của Ban Giám Ðốc Bưu Ðiện lại nhiêu khê đến thế. Cứ xé ngang suốt chiều ngang tờ tem, hay xé dọc theo chiều dọc tờ tem thành 5 dải, mỗi dải 5 tem thì nhanh chóng đỡ tốn nhân công, sao không làm?!

2.Trong bài, Tem-truyen-thong nêu một số người mà tôi chắc là nhờ họ, Tem-truyen-thong đã có những thông tin về con tem này. Tôi không biết Ông Ðỗ Thành Kim, nhưng quí vị Phạm Văn Trường, Hoàng Long, Lữ Tích Nguyên (không phải Lưu) đều là những người buôn tem. Thông tin của họ có giới hạn của những người bên ngoài Bưu Ðiện!

3. Thông tin của tôi là từ một thành viên của Hội Ðồng Giám Khảo các kỳ thi bình chọn mẫu tem của Bưu Ðiện, tức là có những thông tin từ bên trong Bưu Ðiện. Người đó không ai khác là bác Nguyễn Bảo Tụng, trong tư cách là “đại diện những người sưu tập bưu hoa” duy nhất, ít nhất là từ năm 1955 cho mãi đến năm 1975 trong Ban Giám Khảo của Bưu Ðiện.

Thông tin của người trong cuộc, nhất là người trong cuộc lại là một mẫu người cẩn thận và chi ly như bác Tụng, tất nhiên đáng tin hơn những người bên ngoài.

Ai mua được dải tem thì cũng xé ra làm FDC, đôi ba con còn lại thì họ giữ trong album làm tem sống. Do đó, đúng như MeTemViet chia sẻ, số FDC NCCR 1973 có thể không hiếm lắm. Hiếm chăng là tem NCCR 10đ năm 1973 trên phong bì thực gửi.

Ðúng ra, 4 hay 5 thì không là điều quan trọng ghê gớm, nhưng thông tin là phải chính xác nên tôi mới phải bàn thêm cho rõ.

Cuối cùng, tôi cũng không tin cho đến năm 1975, có người còn giữ được tới 20 tờ tem NCCR 10đ năm 1973. Ngay năm 1973, tờ tem đã rất hiếm, dĩ nhiên ai mà biết tin thì tìm mua ngay vì giá nguyên tờ cũng chỉ 10đ x 25 = 250đ, một số tiền rất nhỏ thời bấy giờ. Bộ mấy người buôn tem có đồ tốt trong tay mà không rao bán được sao? Nghề của họ mà họ không biết?! Còn nếu số lượng 50 tờ tem là của Bưu Ðiện giao cho Hội FIP thì số dư sau khi Hội sử dụng phải trả lại cho Bưu Ðiện chứ?! Chuyện này nhìn cách nào cũng thấy vô lý.

Thử hỏi Bưu Ðiện dành cho Hội Bưu Hoa Việt Nam (F.I.P.) 50 tờ tem -nếu đây là sự thật!- để mấy tư nhân muốn làm gì thì làm sao? Theo tôi mường tượng, có thể đây là chuyện Hội F.I.P. do cụ Phạm Văn Trường làm Chủ Tịch xin với Bưu Ðiện đặc biệt để lại cho Hội một số tem làm FDC (đây cũng là một cách thay Bưu Ðiện quảng cáo cho Hội Chợ Triển Lãm Nông Nghiệp của Chính Phủ duới Cần Thơ.) Do được chấp thuận mà Hội làm được nhiều FDC. Mỗi FDC của Hội có một số thứ tự và con dấu riêng của Hội. FDC Hội của tôi có số thứ tự 001810 và 002795.


Mẫu FDC NCCR 1973 của Hội FIP có số thứ tự và cả dấu “4-4-73 NGÀY BẾ MẠC TRIỂN LÃM NÔNG NGHIỆP TẠI CẦN THƠ”



Vậy thử hỏi Hội cần bao nhiêu tem 10đ để làm FDC? Con số 50 tờ (50 x 25 = 1250 con) mà Bưu Ðiện giao cho Hội có đủ làm 2795 FDC (cứ cho FDC tôi có là cái FDC cuối cùng đi?!) không, mà Hội còn dư ra 20 tờ?

Tôi còn có thể phân tích thêm cho mọi người thấy cái vô lý của những con số đóng trên FDC, nhưng chính những con số này ngay tức thì cũng cho thấy Hội, hay đúng ra là qúi vị có trách nhiệm trong Hội, nói gì thì nói, mình cũng khó mà tin ngay được.

tem-truyen-thong 19-11-2011 13:12

Về vấn đề mỗi người xếp hàng chỉ được mua bao nhiêu tem thì Gs Trần Anh Tuấn đã rất có lý. Có lẽ con số chính xác là 5 tem thì hợp lý hơn. Vấn đề cốt yếu tôi muốn trình bày ở đây là việc mua tem 10đ này là bị hạn chế.
Thông tin về những con tem này tôi tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau. Bác Nguyễn Bảo Tụng cũng là một nguồn thông tin rất quí báu mà tôi đã tham khảo. Việc sau giải phóng còn đến 20 tờ tem nguyên là tôi được chính ông Nguyễn Văn Đại (tự Hoàng Long) kể lại. Nếu không chính xác thì có thể do tác giả. Thực ra, vấn đề này cũng không được kiểm chứng. Nhưng đúng là thời đầu giải phóng có nhiều người đã thiêu hủy tem của chế độ cũ !
Về vấn đề số thứ tự thì tôi có rất nhiều bì thư của Philavina. Theo tôi họ không đánh số từ 0001 mà có thể họ đánh số từ 1 con số nào đó. Việc các con số này nhiều khi cũng mang yếu tố tuyên truyền.
Gs Trần Anh Tuấn là người rất cẩn trọng trong việc thông tin. Điều này càng chứng tỏ sự sâu sắc trong nghề chơi lắm công phu này. Rất cảm ơn Gs đã có những tt rất bổ ích cho các bạn trẻ.

MeTemViet 19-11-2011 13:35

Thật cảm ơn bác Rồng và Tem-truyen-thong các ý kiến và tin tức về con tem 10 đ NCCR 1973 và những huyền thoại chung quanh nó. Chắc có lẽ vì thế nên con tem này đã hiếm càng thêm hiếm!

Bản thân MTV đã cầm qua con tem này nhiều lần, sống có, FDC có, block 4 có. Nhưng chỉ duy nhất có 1 lần có cơ hội xem được 1 sheet 25 con và 1 block 10 con. Còn tem chết thực gởi thì chưa bao giờ thấy.

Xin mạn phép hỏi các bác là các bác có hay đã từng thấy tem thực gởi chưa. MeTemViet chỉ muốn xác định là những vật phẩm đó thật sự tồn tại chứ không phải là huyền thoại...

Xin cảm ơn các bác nhiều.

tem-truyen-thong 19-11-2011 13:57

To bạn Mê Tem Việt : tôi theo đuổi bộ truyền thống bì thư thực gửi VN đã rất nhiều năm. Bì thư NVT 73 là một nỗi canh cánh trong lòng. Có thể nói đó là 1 trong những vật phẩm rất hiếm hoi mà tôi mơ ước có. Nhưng tôi có tem thực gửi (tem chết) đã được gỡ ra khỏi bì thư. Tôi tin chắc rằng nó tồn tại. Tin mãnh liệt rằng 1 lúc nào đó chúng ta sẽ tìm ra nó. Chính như vậy CHƠI TEM không bao giờ được gọi là hoàn hảo, được gọi là đỉnh. Lúc nào cũng có thứ để chúng ta phấn đấu, tìm kiếm.

huuhuetran 25-11-2011 05:01

Bì thực gửi có dấu cổ động
 
1 File đính kèm
Mời xem một bì thực gửi có dấu cổ động luật Người cày có ruộng 1970:




huuhuetran 30-11-2011 13:26

1 File đính kèm
Mời xem một bì thực gửi có dấu cổ động Người cày có ruộng:



nguyenthi 30-11-2011 14:15

Tuyệt vời! Một bài viết quá hay của các bận tiền bối.
Nhân đây, xin các bậc tiền bối cung cấp thêm thông tin và bằng chứng về số lượng in 90,000 của con "Ngày nông dân Việt Nam" Nguyễn Văn Thiệu?
Chân thành cám ơn.

The smaller dragon 30-11-2011 17:32

4 File đính kèm
Ðể trả lời câu hỏi rất hay của Nguyenthi, tôi chia sẻ thông tin vắn tắt như sau.

Hiện nay, chúng ta không có trong tay văn bản chính thức của Tổng Nha Bưu Ðiện thời VNCH về số lượng tem in của dòng tem này. Nhưng một thành viên của Ban Giám Khảo (BGK) bình chọn mẫu tem thời VNCH là bác Nguyễn Bảo Tụng (đã mất ngày 10.10.2004, thành viên BGK với tư cách đại diện cho các nhà sưu tập bưu hoa), căn cứ vào tài liệu chính thức của Tổng Nha mà bác có thể tham khảo, đã xuất bản tác phẩm Bưu Hoa Việt Nam 1951-1971 để giới thiệu dòng tem VNCH kèm theo số lượng mỗi mẫu tem.



Nhưng sách này chỉ giới thiệu đến bộ tem "Người Phu Trạm Việt Nam Thủa Xưa" phát hành ngày 6.6.1971 là hết, vì sách ấn hành năm 1971.



May mắn thay, bác Tụng đã chép tay lại số lượng từng con tem VNCH phát hành sau đó (chắc là để sửa soạn cho lần tái bản và cập nhật tác phẩm BHVN của bác, chuyện không còn xảy ra được nữa). Thông tin về số lượng con tem NCCR 10đ năm 1973 chỉ có 90.000 của tôi là từ nguồn tin đáng tin cậy này, khi bác Tụng tặng tôi một bản thảo. Ðây là những trang viết tay chia làm 4 cột, Denominations (Giá mặt), Quantity Issued (Số lượng phát hành), Scott’s numbers (Số tổng mục Scott), và Date of Issue (Ngày phát hành).



Hy vọng những chia sẻ này đã gíup giải tỏa được thắc mắc của Nguyenthi, và có thể của nhiều người khác nữa.

Red-Cross 01-12-2011 12:19

Ngày phát hành bộ tem NCCR năm 1973 tôi cũng cùng mọi người xếp hàng nhiều lượt để mua tem. Mua được bao nhiêu tôi đều đem đóng dấu ngày đầu tiên hết. Nghe bác phụ trách phòng bán tem sưu tập của Bưu điện SG nói là vì tem chưa đem về kịp nên phải bán hạn chế ngày hôm nay. Tôi nghĩ mai mốt tem về mình sẽ mua tem sống để dành, ai dè...May là sau đó tôi mua được 2 tờ tem nguyên, mỗi tờ 25 con.
Nhưng sau này tôi đã xé lẻ để chia sẻ với những bạn tâm huyết.
Mấy năm trước tôi còn nhường cho bác tem-truyen-thong 1 bloc 4. Hiện nay tôi chỉ còn giử lại 2 bloc 4 và 1 bloc 6.





Tôi xin góp với bác The smaller dragon một số FDC phát hành tại SÀI GÒN




FDC dấu CẦN THƠ





FDC dấu SÀI GÒN và CẦN THƠ



[CENTER]
MÔT SỐ DẤU CỔ ĐỘNG và DẤU BAN TỔ CHỨC







PHONG BÌ NGÀY BẾ MẠC TRIỂN LÃM NÔNG NGHIỆP TẠI CẦN THƠ


http://i745.photobucket.com/albums/x...0VN/NCCR13.jpg

nam_hoa1 01-12-2011 12:42

NCCR 1973
 
3 File đính kèm
File Đính Kèm 153167

File Đính Kèm 153168

File Đính Kèm 153169

MeTemViet 01-12-2011 22:59

1 File đính kèm
Trong một post trước đây của bác Tem-truyen-thong mà hiện giờ MTV chưa tìm ra, bác TTT có nói đại ý rằng con tem người cày có ruộng in sai ngày (26-3-1970 thay vì 26-3-1971), thực chất không phải sai ngày mà vì in sai chữ "CÀY" thành "CAY", do đó đã được in lại và đổi ngày phát hành từ 1970 sang 1971.


MTV xem lại con tem này và nghĩ rằng con tem này thực sự in sai ngày chứ không phải chỉ đơn thuần là in sai chữ "CÀY" thành "CAY". Theo tiêu đề của tem là "Kỷ Niệm Đệ Nhất Chu Niên ..." thì phải là năm 1971 chứ không thể nào là năm 1970 được, có thể khi in lại người ta đã sửa chữa lỗi chữ CÀY luôn.

Ngoài ra, một ấn phẩm quý giá và hiếm hoi của dòng tem này là deluxe sheet con tem in sai này. Có thể đây là deluxe sheet hiếm chỉ sau con tem "ba thanh kiếm" của dòng tem thời Bảo Đại.

Vài hàng chia sẻ, mong các bác, các bạn góp ý thêm.

nguyenthi 02-12-2011 11:41

Chân thành cám ơn Bác The smaller dragon đã cung cấp những tài liệu quý giá.
Chúc Bác sức khỏe.

Tien 02-12-2011 19:47

10 File đính kèm

Red-Cross 03-12-2011 12:54

Xin cám ơn bác The smaller dragon đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá, qua đó đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề có liên quan đến bộ tem NCCR, nhất là số liệu phát hành mẫu tem 10đ năm 1973. Tôi tiếp tục tham gia với bác một số vật phẩm liên quan.









The smaller dragon 03-12-2011 20:04

1 File đính kèm
Anh Red-Cross có đầy đủ các ấn bản hảo hạng của bộ NCCR, nhất là có cả ấn bản hảo hạng của con tem in sai năm kỷ niệm, thật tuyệt vời. Tôi đề nghị anh đưa ấn bản hảo hạng của bộ Cải Cách Ðiền Ðịa (CCÐÐ) vào nữa, vì ngày 26.3.1970 khi Bưu Ðiện chưa phát hành tem NCCR, thỉ tem CCÐÐ (7.7.1957) được sử dụng cho FDC NCCR năm ấy.

Tôi không sưu tầm ấn bản hảo hạng. Tôi quan niệm ấn bản hảo hạng là đặc quyền của Bưu Ðiện một nước lợi dụng chức chưởng để in ra làm quà tặng cho các viên chức cao cấp trong chính phủ và ngoại giao đoàn. Số lớn những người được tặng, tiếc thay, lại là những người không chơi tem bao giờ. Còn dân chơi tem thì tranh nhau dốc túi (nhất là học sinh sinh viên) tìm mua cũng không có. Ðó không phải là một điều bất công hay sao?! Dưới đây, tôi chia sẻ một tài liệu để làng tem có ý niệm cụ thể về số lượng ấn bản hảo hạng của dòng tem VNCH.



Chuyện anh Red-Cross xếp hàng nhiều lần mua tem NCCR 1973 cũng lý thú. Cám ơn sự chia sẻ của anh.

Red-Cross 04-12-2011 12:49

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi The smaller dragon (Post 151841)
Tôi đề nghị anh Red-Cross đưa ấn bản hảo hạng của bộ Cải Cách Ðiền Ðịa (CCÐÐ) vào nữa, vì ngày 26.3.1970 khi Bưu Ðiện chưa phát hành tem NCCR, thỉ tem CCÐÐ (7.7.1957) được sử dụng cho FDC NCCR năm ấy.


Luật NCCR ban hành ngày 26/03/1970, Bưu điện không kịp in tem. Để đáp ứng nhiệm vụ chính trị thời bấy giờ, Bưu điện sử dụng một số mẫu tem của bộ tem Cải Cách Điền Địa năm 1957 đóng dấu kỷ niệm ngày 26/03/1970




Một số Phong bì và Thiếp kỷ niệm



nam_hoa1 04-12-2011 19:01

2 File đính kèm
Xin góp vài FDC NCCR 1974

File Đính Kèm 153397

File Đính Kèm 153398

nam_hoa1 04-12-2011 19:06

2 File đính kèm
File Đính Kèm 153399

File Đính Kèm 153400

Red-Cross 05-12-2011 04:23

Cám ơn bác nam hoa1 đã chia sẻ một FDC NCCR 1974 với cachet rất hiếm phát hành ở Cần Thơ.
Tôi xin tham gia với bác nam hoa1 một số FDC NCCR 1974 phát hành ở tỉnh



Ng.H.Thanh 05-12-2011 09:41

2 File đính kèm
Góp vui với các bác 1 cái bì thực gửi với tem đổi giá in đè và con dấu kỷ niệm ngày nông dân. Ngày gửi gần ngày giải phóng với dấu địa phương ít thấy


nam_hoa1 06-12-2011 17:02

FDC NCCR 1974 cachet tự vẽ
 
2 File đính kèm
Trong một sự tình cờ mua được FDC này của một người bán tem , mình nghi là có vấn đề vì trong loạt FDC khi ấy , có những FDC phát hành năm 1963, 1964 ...mà cachet đều được vẽ bằng viết NỈ , ( Bút lông những năm 1963 chưa có ) Nhưng người bán bảo đảm dấu "ngày đầu tiên " của riêng FDC này là thật. Nếu cái này mà thật cũng hay lắm đây
Xin các bác , các anh chị xem và có ý kiến

File Đính Kèm 153432




Nhân đây chân thành cám ơn các bác và các bạn cho nhiều thành viên trong diễn đàn được thưởng lãm những vật phẩm độc đáo .
Hy vọng rằng , ngày càng có những chủ để về tem tuơng tự để trong chúng ta sẽ có dịp chiêm ngưỡng và tìm hiểu thêm về những con tem quý trong dòng tem Việt

nino huynh 06-12-2011 17:14

Theo cháu thì phong bì,tem và dấu là thật. Chỉ là hình vẻ cachet có thể được vẻ sau này.không khó khăn lắm để tô màu viền xung quanh con dấu nằm ngoài tem.
Có thể lúc đầu người chủ dán tem lên phong bì trắng,lấy dấu ngày đầy tiên của bưu điện.mãi sau này sang tay người khác hoặc họ vẽ thêm màu vào.Vì theo chú bút lông chỉ xuất hiện sau này.
Dù sao đây cũng là một sự sáng tạo làm tăng thêm phần thú vị và phong phú hơn trong bộ "Người cày có ruộng". Cảm ơn chú Hòa đã cho mọi người xem.

nam_hoa1 07-12-2011 08:04

so sanh dấu giưa3 2 cahet in và tự vẽ
 
2 File đính kèm
Cám ơn nino huynh đã có ý kiến

File Đính Kèm 153468

File Đính Kèm 153469
Hai dấu ngày đầu tiên góc trái là dấu của 2 FDC cachet in so sánh với FDC cachet tự vẽ

tem-truyen-thong 07-12-2011 14:53

FDC của bác Nam Hoa theo tôi không có vấn đề gì cả. Đây là 1 FDC trắng, được những "họa sĩ" nghiệp dư vẽ linh tinh thêm vào thôi. Có thể tôi cũng biết người vẽ này. Ngoài những FDC này thì người ta còn "tô màu" vào các loại tờ Ngày đầu tiên nữa. Nói tóm lại là những sản phẩm theo kiểu "chơi" mà họ mới sáng tác ra chỉ vài năm gần đây.

The smaller dragon 07-12-2011 16:53

4 File đính kèm
Rất đồng ý với Tem-truyen-thong. Cái FDC vẽ nguệch ngoạc không có vấn đề gì cả. Nó là một FDC trong bộ NCCR. Còn chuyện mẫu vẽ "mới sáng tác chỉ vài năm gần đây" thì tôi không tin, trừ phi người vẽ là người mà Tem-truyen-thong đã quen, và biết rõ nguyên ủy của cái FDC nay đã về tay Namhoa1. Chúc mừng Namhoa1.

Thời VNCH, dân chơi tem thường là học sinh, rồi đến sinh viên, người lớn rất ít. Mà trẻ thì thường hiếu động và nhiều sáng kiến. Mỗi khi Bưu Điện phát hành tem mới, khu vực trước Bưu Điện đầy những tay buôn tem chào mời dân chơi những phong bì đã in sẵn cachet. Nhiều người mua cho tiện. Nhưng có bạn trẻ, hoặc vì tiết kiệm tiền mua phong bì, hoặc thích tự mình làm mẫu FDC, đã có sáng kiến khác người.

Đây là hai mẫu FD đơn giản mà tôi nghĩ chủ nhân không ai khác hơn một học sinh trung học.


Và đây là một mẫu khác, cao cấp nhà nghề hơn, in lối ronéo, tức là vẽ trên giấy stencil rồi quay máy thành mẫu in trắng để tùy người chơi tô mầu theo ý riêng.


Tât cả những mẫu FD nói trên thường được làm ngay trong thời gian tem mới phát hành, chứ không phải đợi cả đôi ba chục năm sau mới đem ra tô vẽ.

tem-truyen-thong 07-12-2011 17:05

Đúng là có khá nhiều FD là sản phẩm ngay từ thời kỳ đầu tiên. Nhưng những loại này có thể phân biệt được. Còn FDC của bác Nam Hoa tôi vẫn nghĩ là sản phẩm của 1 người mà cả tôi và Gs TAT đều rất quen biết. Thậm chí có thể nói là người Gs TAT còn thân thuộc. Sản phẩm này tôi nhận ra qua nét vẽ, kiểu tô màu. Nó khác hẳn với những FD của Gs TAT đã đưa lên.

The smaller dragon 08-12-2011 09:56

Lạ nhỉ! Mong Tem-truyen-thong bật mí?!

nam_hoa1 18-12-2011 08:52

Trên fdc NCCR 74 có cahet hình vẽ là con dấu giả
 
5 File đính kèm
Trước tiên xin mạn phép Bác The smaller Dragon được chen ngang một lần nữa vào mục này .
Nhân có người bạn đến nhà , nên bàn về bộ sưu tập tem Việt nam vừa bán được 160.000 euro nhưng trong đó lại có quá nhiều vật phẩm giả và ngụy tạo, đồng thời người bạn cũng nhìn thấy FDC NCCR 1974 để trên bàn nên có nhận xét về phong bì này như sau :
Con dấu giả vì nét con dấu không sắc xảo ,không giống như 2 dấu bên cạnh . Từng nét chữ của con dấu lờ mờ , không rõ ràng
File Đính Kèm 154074
Lưu ý chữ N trên dòng chữ NGÀY NÔNG DÂN VN nằm trên vành tròn con dấu , chữ N ( phong bì giả ) có nét gấp lên phía trên .
File Đính Kèm 154077

Nét chữ N của FDC thật , ngược lại nằm theo phương ngang
File Đính Kèm 154076


Phong bì NCCR 74 cachet hình vẽ ( phong bì con dấu giả ) có kích thước to lớn hơn phong bì FDC bình thường , có thể để chuẩn bị cho viêc vẽ thêm hình và đưa ra thử nghiệm trên thị trường . Chắc hẳn , không ai có thể đoán được sau này mình sẽ vẽ thêm hình mà lại dùng phong bì lớn ,trống trài như thế
File Đính Kèm 154078
Vài ý kiến nhận xét trên đây , mong các Bác , các bạn góp ý thêm về vấn nạn này , để góp phần loại bơt vật phẩm giả trong bộ sưu tập của chúng ta .

The smaller dragon 18-12-2011 11:34

1 File đính kèm
Cám ơn Nam_hoai1 đã chia sẻ cụ thể về phong bì giả NCCR 1974 (?). Tôi cũng đã được Tem-truyen-thong cho biết tên người bán chiếc phong bì này là ai, người mà Tem-truyen-thong cho biết là... thân nhân của tôi. Hóa ra đó là một người hiện buôn bán tem tại Tp HCM mà tôi không có liên hệ gì cả.

Tôi phải giật mình vì không ngờ có sự bất thường về chiếc phong bì NCCR 1974 này. Thật cũng khó xác định điều gì khi không được cầm chiếc phong bì trong tay mà xem xét. Nhưng chủ nhân của nó đã thấy và lên tiếng về những sự bất thường của con dấu thì chúng ta phải tin, nhất là báo chí trong nước từng đưa tin về "Chợ con dấu giả" mà tôi tình cờ đọc được và lưu giữ.


Nếu quả thật đây là một phong bì dấu giả mà người bán không nói rõ cho Nam_hoa1 biết thì họ có chủ ý lừa Nam_hoa1 rồi. Trưong hợp này thật đáng tiếc và đáng buồn.

MeTemViet 18-12-2011 12:49

Rất cảm ơn bác Nam_hoa1 đã lên tiếng về phong bì này.

Thật không ngờ một phong bì trị giá vài chục ngàn mà cũng làm giả được.

Bản thân MTV đã thấy qua nhiều vật phẩm VNCH giả, làm rất tinh vi, nhưng phần lớn là vật phẩm đắt giá (khoảng vài triệu đồng), chứ chưa thấy vật phẩm rẻ tiền mà lại giả như thế này.

tem-truyen-thong 18-12-2011 18:45

Tem VNCH là chủ đề tôi nghiên cứu và theo đuổi. Một con dấu có thể không hoàn toàn giống nhau, đừng nên phân tích theo kiểu như vậy. Tôi đã cầm vật phẩm dạng như của bác Nam Hoa trên tay. Với kinh nghiệm bao nhiêu năm chơi tem, tôi xin khẳng định đó là thật. Đánh giá thật giả phụ thuộc nhiều thứ lắm. Theo tôi, có nhiều thứ chúng ta khi sưu tập đừng ngại ngùng. Đồ giả cũng không dễ tìm ra đâu !


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 16:19.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.