Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Phật giáo (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=690)
-   -   Tìm hiểu 18 vị La Hán trên 2 bộ tem bưu chính Việt Nam (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=11609)

Poetry 23-05-2013 08:42

Tìm hiểu 18 vị La Hán trên 2 bộ tem bưu chính Việt Nam
 
La Hán (Sanskrit: Arhat; Hán: A La Hán) là bậc Thánh trong đạo Phật đã giác ngộ lý vô ngã (không có cái tôi) và vĩnh viễn giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. La Hán có ba nghĩa:

a) Bất sinh: vĩnh viễn vào cõi niết bàn, giải thoát khỏi vòng sinh tử, luân hồi, không còn phải tái sinh nữa, vĩnh viễn trở thành bất tử.

b) Ứng cúng: xứng đáng được hưởng thụ sự cúng dâng.

c) Sát tặc: trừ bỏ được ba độc: tham, sân, si.

Trong mỹ thuật, các vị La Hán thường được thể hiện dưới 3 dạng: tượng, phù điêu và tranh vẽ để thờ ở các chùa. Ở chùa Việt Nam, các La Hán chỉ thể hiện ở 2 dạng tượng và phù điêu, như La Hán ở chùa Trăm Gian (Quảng Nghi Tự), Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), 3 chùa này đều ở Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Cách bài trí: tượng La Hán chia làm 2 dãy, mỗi bên 9 vị ở hai bên tiền đường (Miền Trung và Miền Nam), hay ở hai nhà giải vũ (Miền Bắc). Tượng La Hán ở Miền Bắc thường trong tư thế ngồi trên loại bệ tự nhiên như tảng đá, mô đất, gốc cây. Tượng La Hán ở Miền Nam trong tư thế cưỡi trên lưng các con thú. Hình hài, động tác, nét mặt mỗi vị một vẻ rất sinh động và gần gũi với con người đời thường.

Riêng chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự) ở huyện Thạch Thất thuộc Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, không bài trí tượng La Hán, mà thay vào đó là tượng 18 vị Tổ sư phái Thiền tông Tây Thiên nối tiếp nhau chủ trì, gìn giữ Phật pháp ở Ấn Độ sau Phật Thích Ca. 18 tượng này, kể từ vị Tổ thứ nhất Ca Diếp (Kacyapa) đến vị Tổ thứ 18 là Tăng Già Da Xá (Sainghayacas) là những pho tượng Tổ rất sinh động, biểu lộ nội tâm của nhân vật, có giá trị thẩm mỹ cao.

18 pho tượng Tổ chùa Tây Phương được coi là một bộ tượng hoàn thiện nhất của điêu khắc gỗ Việt Nam trong thế kỷ 18. Các pho tượng đã thoát ra ngoài các khuôn mẫu chuẩn mực của các tượng Phật, Bồ Tát, để mang lên mình những sáng tạo, cảm hứng sống động.

Nếu như các tượng Phật thường ở trong trạng thái tĩnh: ngồi vững chãi trên tòa sen, mắt nhắm hờ, bất động chìm trong cõi bất khả tư nghị, các nếp áo đều phủ xuống lặng lẽ; thì các tượng Tổ chùa Tây Phương ở trong trạng thái động: đứng, ngồi, nói, thuyết, quạt... rất sinh động phong phú, các tà áo bay tung, bước chân vững chãi... Có thể nói rằng, các nghệ nhân dân gian đã thổi hồn cuộc sống vào các tượng Tổ này.

Tuy 18 pho tượng chùa Tây Phương là 18 vị Tổ nhưng dân gian vẫn thường gọi đây là 18 vị La Hán chùa Tây Phương. Nhà thơ Huy Cận đã có một bài thơ hay về những pho tượng này nhan đề "Các vị La Hán chùa Tây Phương". Bài thơ ra đời năm 1960 và đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh bậc phổ thông.

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe từa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn….

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hóa gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.


(27-12-1960)

Bưu chính Việt Nam đã phát hành 2 bộ tem "Tượng chùa Tây Phương" (bộ 1) gồm 8 mẫu vào ngày 30-07-0971 và "Tượng chùa Tây Phương" (bộ 2) gồm 10 mẫu vào ngày 01-07-1978 để giới thiệu những pho tượng này.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu 18 pho tượng Tổ ở chùa Tây Phương theo thứ tự các vị Tổ trong lịch sử Phật giáo, không theo thứ tự trong bộ tem.

Poetry 23-05-2013 08:51

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ nhất: Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa)

Đồng thời đức Phật

Ngài dòng Bà-la-môn (Brahmana) ở nước Ma-Kiệt-Đà, cha tên Ẩm-Trạch, mẹ tên Hương-Chí. Ngài là một trong 10 đại đệ tử của đức Phật, tu hạnh đầu đà (khổ hạnh), là người được đức Phật trao tâm ấn, trở thành vị Tổ Thiền tông đầu tiên của Ấn Độ.

Một hôm, tại hội Linh Sơn, Phật cầm bông hoa bát-la sắc vàng nhìn đại chúng. Lúc ấy, mọi người đều lặng yên, duy một mình Ma Ha Ca Diếp thì nét mặt rạng lên mỉm cười.

Phật bảo: "Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, đặc biệt truyền ngoài giáo lý, giao phó cho Ma Ha Ca Diếp". Phật còn đưa áo Tăng-già-lê vàng cho Tôn giả mà dặn rằng: "Hãy chuyển lại cho đức Phật Từ Thị". Tôn giả đáp lễ nói: "Xin vâng lời Phật dạy".

Về sau, Tôn giả truyền pháp cho A Nan rồi mang tấm áo Tăng-già-lê đi vào núi Kê Túc nhập định, chờ ngày đức Phật Từ Thị hạ sanh.


Poetry 24-05-2013 09:44

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 2: A-Nan (Ananda)

Sanh sau Phật 30 năm

Ngài con vua Hộc-Phạn, dòng Sát-đế-lợi, ở thành Ca-tỳ-la-vệ, em ruột Đề-bà-đạt-đa, em con nhà chú của Phật Thích Ca. Thuở nhỏ, ngài có nhiều tướng tốt và thông minh tuyệt vời. Đến 25 tuổi xin theo Phật xuất gia.

Một hôm, Phật cần chọn người làm thị giả, tất cả hội chúng lần lượt đứng ra xin làm thị giả, mà Phật không bằng lòng. Sau cùng, Tôn-giả Mục-Kiền-Liên nhập định biết tôn ý Phật muốn A-Nan làm thị giả.

Đại chúng cử Tôn-giả Mục-Kiền-Liên, Xá-Lợi-Phất... đến yêu cầu A-Nan làm thị giả. Ngài nhiều lần từ chối, song các Tôn-giả một bề nài nỉ buộc lòng ngài phải xin Phật 3 điều, nếu Phật ưng cho, ngài mới dám làm thị giả. 3 điều đó là:

1. Không theo Phật thọ trai riêng, nếu thí chủ không mời ngài.
2. Không mặc y thừa của Phật.
3. Không đến Phật phi thời.

Thế-Tôn chẳng những chấp thuận lời xin của ngài, mà còn khen ngợi ngài thông minh, biết dự đoán trước những điều sẽ xảy ra. Thế là, ngài theo làm thị giả Phật ngót 25 năm.

Hôm nọ, ngài đi khất thực về đến tịnh-xá Phật, thấy Di mẫu Ma-ha Ba-Xà-Ba-Đề đang đứng tựa cửa khóc. Di mẫu quần áo bụi bặm, chân dính bùn nhơ, vẻ người bi thảm. Ngài đến gần hỏi duyên cớ. Biết bà từ xa tìm đến xin Phật xuất gia, đôi ba phen năn nỉ mà Phật quyết định không cho. Ngài cảm động, vào đảnh lễ Phật xin cho bà được xuất gia. Phật vẫn nhiều lần từ chối, ngài vẫn kiên chí xin kỳ được mới thôi. Thế là mở đầu cho phái nữ xuất gia, chính ngài là người tích cực khai đường vậy.

Chính đức Phật đã từng khen ngài: "Thị giả của các đức Phật đời quá khứ, không ai hơn A-Nan. Thị giả các đức Phật đời vị lai cũng không ai hơn A-Nan".

Và Phật khen A-Nan được tám điều chưa từng có...

Sau khi Phật Niết-bàn, Tổ Ca-Diếp triệu tập các đại Tỳ-kheo kiết tập kinh điển, ngài là người được toàn hội đề cử kiết tập tạng kinh... Khi sắp tụng lại lời Phật, ngài nhìn qua đại chúng nói kệ: "Tỳ-kheo các quyến thuộc; Vắng Phật chẳng trang nghiêm; Ví như trong hư-không; Nhiều sao mà không trăng".

Nói kệ xong, ngài đảnh lễ đại chúng, lên pháp tòa mở đầu: "Tôi nghe như vầy, một lúc nọ Phật ở tại xứ... nói kinh... cho đến trời, người... đều kính lễ vâng làm".

Ngài kiết tập kinh xong, Tổ Ca Diếp hỏi đại chúng: "Đại-Đức A-Nan tụng đọc lại có chỗ nào sai lầm chăng?".

Đại chúng đồng thanh đáp: "Chẳng khác những lời đức Thế-Tôn đã nói".

Một hôm ngài hỏi Tổ Ca-Diếp: "Khi Thế-Tôn phú chúc và truyền y kim-tuyến cho sư-huynh, còn có truyền pháp gì riêng nữa chăng?".

Tổ Ca-Diếp liền gọi: "A-Nan!".

Ngài ứng thanh: "Dạ!".

Tổ Ca-Diếp bảo: "Cây cột phướn trước chùa ngã. Ngài nhân đây tỏ ngộ".

Tổ Ca-Diếp bèn ấn chứng và đem chánh pháp nhãn-tạng truyền lại cho ngài. Tổ nói kệ: "Các pháp, pháp xưa nay; Không pháp, không phi pháp; Tại sao trong một pháp; Có pháp, có phi pháp?".

Ngài đảnh lễ thọ nhận. Môn đệ của ngài có 2 vị xuất sắc là Thương-Na-Hòa-Tu và Mạc-Điền-Để Ca (Mạc-Điền-Địa). Ngài chọn Thương Na Hòa Tu làm người kế thừa tổ vị và truyền trao y bát lại.

Cảm thấy thân bèo bọt đã đến thời kỳ hoại diệt, đã tìm được người kế thừa, ngài dự định vào Niết-bàn. Ngài đến từ giã vua A-Xà-Thế, song không gặp vua. Ngài liền đi thẳng đến bờ sông Hằng, lên một chiếc thuyền ngồi kiết-già thả trôi lơ lửng giữa dòng sông. Vua A-Xà-Thế hay tin ngài sắp vào Niết-bàn ở sông Hằng, liền cùng quan quân tùy tùng tìm đến bờ sông. Vua thấy ngài ngồi trên thuyền ở giữa dòng sông bèn đảnh lễ nói kệ: "Lạy đấng tôn tam giới; Bỏ con đến nơi này; Tạm nương sức bi nguyện; Xin chớ vội Niết-bàn".

Vua nước Tỳ-Xá-Ly nghe tin cũng đến bên bờ kia sông Hằng, đảnh lễ và nói kệ: "Tôn giả sao quá nhanh; Sớm vào nơi tịch diệt; Xin tạm dừng chốc lát; Để nhận con cúng dường".

Ngài thấy 2 vua đồng đến khuyến thỉnh, bèn nói kệ: "Hai vua ở an vui; Chớ vì thương buồn khổ; Niết-bàn tôi an tịnh; Vì không còn các nghiệp".

Ngài giữ tâm bình đẳng ở giữa dòng sông vào Niết-bàn. Hai vua họp nhau làm lễ thiêu thân ngài rồi phân chia xá-lợi để xây tháp cúng dường.

File Đính Kèm 185341
Tượng A-Nan ở chùa Tây Phương.

Trong bộ tem "Tượng chùa Tây Phương" (bộ 2) có 1 mẫu tem chú thích là tượng Ananda nhưng đúng ra là tượng Đề-Đa-Ca (Dhrtaka). Như vậy bộ tem này chỉ giới thiệu 16 vị Tổ, chưa đủ 18 vị.


vnmission 24-05-2013 22:51

Bài viết của Po rất xúc tích và hay! Mạn phép nhà thơ Thái Bá Tân, xin đăng lại bài thơ của bác (từ fb) ở đây:

TÔN GIẢ A NAN ĐÀ

1
Trong mười đại đệ tử
Của Đức Phật Thích Ca,
Trung thành, tận tụy nhất -
Tôn giả A Nan Đà.

Ông xuất thân quí tộc
Con vua A Mi Đà,
Tức ông là cháu ruột
Của Đức Phật Thích Ca.

Khi Ngài về La Vệ,
Ông vừa tròn hai mươi,
Xin được thành Phật tử,
Đi theo Ngài khắp nơi.

Bốn ba năm theo Phật,
Luôn có mặt bên Ngài.
Sau đức Đại Ca Diếp,
Ông là Tổ thứ hai.

Hăm lăm năm phụ tá,
Giúp đỡ Ngài hàng ngày,
Ông là gương trung thực
Và tận tụy với Thầy.

A Nan Đà khám phá
Và ngăn chặn từ xa
Các âm mưu giết Phật
Của Đề Bà Đạt Đa.

Với trí nhớ tuyệt mỹ,
Thuộc hết lời Thầy mình,
Ông giúp đời ghi lại
Nhành nhiều bộ Phật Kinh.

Cũng nhờ ông mà có
Tịnh xá Tỳ Kheo Ni
Cho các nữ Phật tử
Muốn luyện tâm quy y.

Đắc đạo A La Hán,
Ông nhẫn nhục, trung thành,
Một trăm hai mươi tuổi,
Để tiếng tốt lưu danh.

2
Xuất thân một hoàng tử,
Ông đẹp trai khác thường,
Nên dẫu là Phật tử,
Nhiều cô bà yêu thương.

Lần nọ, đi khất thực,
Trên đường quay trở về
A Nan Đà khát nước,
Rẽ vào ngôi nhà tre.

Ông đến bên giếng nước.
Có cô Ma Đăng Già
Đang múc nước ở đấy,
Đẳng cấp Chiên Đà La,

Tức là hạng thấp nhất.
Nàng định chạy, vì nàng
Sợ mời, làm ô uế
Người của bậc cao sang.

Ông liền nói: “Tăng lữ
Không phân biệt nghèo giàu.”
Nàng yên tâm, mời nước,
Nhìn theo ông hồi lâu.

Nàng còn trẻ, xinh đẹp.
Tự nhiên cháy lửa tình
Trước vị sư tuấn tú,
Mình không hiểu nổi mình.

Hôm sau nàng bảo mẹ
Đi mời A Nan Đà,
Mời bằng được đến dự
Lễ thọ trai tại nhà.

Ông đến mấy lần nữa,
Rồi bắt đầu sinh nghi.
Và rồi sau từ chối,
Nghĩ đang có chuyện gì.

Suốt một tháng cô gái
Bỏ ăn, nằm ở nhà.
Mẹ gạn hỏi, bèn đáp
Nàng yêu A Nan Đà.

Bà mẹ sợ, hoảng hốt:
“Con yêu ngài? Đừng đùa!”
Cô con dọa tử tử.
Cuối cùng bà chịu thua.

Không còn cách nào khác,
Bà phải ra đón đường
Chờ nhà sư khất thực:
“Thầy hãy rũ lòng thương,

Con gái tôi ốm nặng,
Muốn gặp A Nan Đà.”
Do không thể từ chối,
Ông lại phải vào nhà.

Bà mẹ mời ông uống
Một thứ nước đáng ngờ.
Uống xong, thấy phấn khích,
Nhưng đôi mắt lờ mờ.

Và rồi ông chợt hiểu
Người ta bỏ bùa ông.
Ông thiền định, làm phép,
Giải nó bằng khí công.

Đang có việc, Đức Phật
Cho người gọi ông về.
A Nan Đà lúc ấy
Đã tỉnh hết bùa mê.

Ông bình tĩnh khuyên giải,
Ôn tồn mời bà già
Và cô con giả ốm
Cùng đến gặp Thích Ca.

Khi nghe hết mọi chuyện,
Đức Phật liền hỏi nàng:
“Đúng con yêu ông ấy?”
Cô gái đáp: “Thưa vâng.”

“Yêu không có gì xấu,
Nhưng trong vòng một năm,
Phải xuất gia, tu luyện
Chân thành và thiện tâm.

Sau đấy nếu còn muốn
Lấy ông ấy làm chồng,
Con sẽ được toại nguyện,
Mà ta cũng hài lòng.”

Cô gái kia mừng rỡ,
Liền đồng ý nghe theo.
Ngay hôm sau tự nguyện
Thành một nữ tỳ kheo.

Nàng chăm chỉ tu luyện,
Nhưng mới được nửa năm,
Nàng đã kịp giác ngộ
Tự mình thấy lỗi lầm.

Nàng hối hận, xấu hổ,
Tìm đến Phật xin tha,
Từ đấy thành môn đệ
Của Đức Phật Thích Ca.

3
Năm tròn tám mươi tuổi
Tôn giả A Nan Đà
Thay tôn giả Ca Diếp
Làm Thiền Tổ Thích Ca.

Một trăm hai mươi tuổi,
Đến lúc nhập Niết Bàn,
Ông băn khoăn không biết
Chọn nơi nào tốt hơn.

“Hiện đang có hai nước -
Xá Lợi, Ma Kiệt Đà,
Rất yêu ta, vì thế
Mà xẩy ra bất hòa.

Nếu ta chết nước nọ,
Chắc nước kia phật lòng.”
Cuối cùng, một buổi sáng,
Ông chèo thuyền ra sông.

Dân chúng hai nước ấy
Đứng hai bờ, kêu van.
Ai cũng muốn tôn giả
Đến họ nhập Niết Bàn.

A Nan Đà bảo họ:
“Ta phải làm cách này
Để hai nước xóa bỏ
Các oán thù xưa nay.”

Vừa nói xong, tôn giả
Từ từ bay lên không,
Rồi dùng lửa tam muội
Để tự thiêu xác ông.

Sau đó nhiều xá lỵ
Trôi dạt vào hai bờ.
Vua hai nước cho nhặt
Cung kính dựng miếu thờ.

Poetry 25-05-2013 09:15

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 3: Thương-Na-Hòa-Tu (Sanakavasa)

Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn

Ngài dòng Tỳ-Xá-Đa nước Ma-Đột-La, cha tên Lâm-Thắng, mẹ là Kiều-Xa-Da. Ngài ở trong thai mẹ 6 năm mới sanh. Tục truyền ở Ấn-Độ khi nào cỏ Thương-Nặc-Ca mọc là có một vị thánh nhân ra đời. Chính khi ngài lọt lòng mẹ thì thứ cỏ ấy cũng mọc lên. Vì thế cha mẹ ngài đặt tên là Thương-Na-Hòa-Tu.

Lúc đầu, ngài xuất gia làm đồ đệ vị tiên ở núi Tuyết. Chính ngài tu theo pháp tiên đã được thần thông. Sau gặp Tổ A-Nan, ngài hồi đầu trở về chánh pháp. Tổ A-Nan thấy Ngài đã thâm ngộ diệu tâm nên truyền pháp kệ rằng: "Xưa nay truyền có pháp; Truyền rồi nói không pháp; Mỗi mỗi cần tự ngộ; Ngộ rồi không không pháp". Tổ lại dặn: "Xưa Đức Như-Lai đem đại pháp nhãn này trao cho ngài Ca-Diếp, ngài Ca-Diếp trao lại cho ta, nay ta sắp vào Niết-bàn đem trao lại cho ngươi. Ngươi phải khéo gìn giữ truyền trao không để dứt mất".

Sau khi đắc pháp nơi Tổ A-Nan, ngài đi đến khu rừng Ưu-Lưu-Trà cất tịnh-xá hoằng hóa Phật-pháp rất hưng thịnh. Chính nơi đây, khi Phật còn tại thế có lần đi giáo hóa ngang khu rừng này, Phật nói với A-Nan: "Sau khi ta Niết-bàn, khoảng 100 năm, có một Tỳ-kheo tên Thương-Na-Hòa-Tu ở tại khu rừng này hoằng truyền chánh pháp".

Thấy cơ duyên hóa đạo đã viên mãn, ngài đem chánh pháp nhãn tạng truyền lại cho đệ tử là Ưu-Ba-Cúc-Đa. Ngài vào núi Bạch-Tượng phía Nam nước Kế-Tân sắp vào Niết-bàn. Nhân trong chánh định ngài thấy nhóm 500 người đệ tử của Ưu-Ba-Cúc-Đa thường hay lười biếng và khinh mạn, ngài liền đến cảnh tỉnh họ. Khi Ngài đến, Ưu-Ba-Cúc-Đa đi vắng, ngài lại tòa của Ưu-Ba-Cúc-Đa ngồi. Đệ tử của Ưu-Ba-Cúc-Đa không biết ngài là người gì, tất cả đều bực tức không phục. Họ chạy báo cho Ưu-Ba-Cúc-Đa hay. Ưu-Ba-Cúc-Đa về đến thấy thầy mình liền đảnh lễ, song đệ tử vẫn còn tâm khinh mạn chẳng kính. Ngài lấy tay mặt chỉ lên hư không liền có sữa thơm chảy xuống. Ngài bảo Ưu-Ba-Cúc-Đa: "Ngươi biết gì chăng?". Ưu-Ba-Cúc-Đa thưa: "Con chẳng biết". Ưu-Ba-Cúc-Đa bèn nhập chánh định để xem xét, cũng không thể hiểu. Ưu-Ba-Cúc-Đa thưa: "Điềm lành này do chánh định gì xuất hiện?". Ngài nói: "Đây là chánh định Long-Phấn-Tấn. Còn cả 500 thứ chánh định như thế mà ngươi chưa biết. Chánh định của Như-Lai, hàng Bích-Chi không thể biết. Chánh định của Bích-Chi, hàng La-Hán không thể biết. Chánh định thầy ta là A-Nan, ta cũng không biết. Nay chánh định của ta, ngươi đâu thể biết. Chánh định ấy là tâm không sanh diệt, trụ trong sức đại từ, cung kính lẫn nhau, được thế đó mới có thể biết".

Đệ tử của Ưu-Ba-Cúc-Đa trông thấy những kỳ-diệu ấy đều kính phục ngài, chí thành sám hối. Ngài lại nói kệ: "Thông suốt không kia đây; Chí thành không hay dở; Ngươi trừ tâm khinh mạn; Chóng được A-La-Hán".

Sau đó, ngài thị tịch bằng cách dùng hỏa quang tam muội thiêu thân. Thầy trò Ưu-Ba-Cúc-Đa thu nhặt xá-lợi ngài rồi xây tháp cúng dường.


Poetry 26-05-2013 13:52

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 4: Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)

Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn

Ngài dòng Thủ-Đà-La ở nước Sất-Lợi, cha tên Thiện-Ý. Trước khi sanh Ngài, thân phụ ngài nằm mộng thấy mặt trời vàng xuất hiện trong nhà. Thưở bé ngài mặt mũi khôi ngô, tánh tình thuần hậu, trí huệ minh mẫn. Khoảng 12 tuổi, ngài được gặp Tổ Thương-Na-Hòa-Tu đến tận nhà và dạy cho ngài phương pháp buộc niệm. Nghĩa là mỗi khi khởi nghĩ ác liền bỏ một hòn sỏi đen vào hũ, khi khởi nghĩ lành liền bỏ một hòn sỏi trắng vào hũ. Mỗi tháng đem ra xem xét coi đen nhiều hay trắng nhiều, nếu đen nhiều phải cố gắng sửa đổi. Ngài vâng làm như vậy, ban đầu sỏi đen nhiều, dần dần bằng nhau và sau này trắng nhiều.

Năm 17 tuổi, ngài xin Tổ Thương-Na-Hòa-Tu xuất gia. Tổ hỏi: "Ngươi được bao nhiêu tuổi?". Ngài thưa: "Bạch thầy, con được 17 tuổi". Tổ hỏi tiếp: "Thân ngươi 17 tuổi hay tánh ngươi 17 tuổi?". Ngài hỏi lại: "Đầu thầy tóc bạc, vậy tóc thầy bạc hay tâm thầy bạc?". Tổ bảo: "Tóc ta bạc không phải tâm ta bạc". Ngài liền đáp: "Con cũng thế, thân con được 17 tuổi, không phải tánh con 17 tuổi". Tổ bèn hoan-hỉ nhận ngài cho xuất gia làm thị giả. Đến 20 tuổi, ngài thọ giới cụ túc và ngộ đạo. Tổ bảo: "Xưa Đức Thế-Tôn đem chánh pháp vô thượng truyền cho Tổ Ca-Diếp. Tổ Ca-Diếp truyền lại cho thầy của thầy ta là đức A-Nan, thầy ta truyền cho ta và nay ta truyền lại cho ngươi chánh pháp này. Ngươi cố gắng hộ trì đừng để đoạn dứt. Hãy nghe bài kệ đây: Phi pháp cũng phi tâm; Không tâm cũng không pháp; Khi nói tâm pháp ấy; Pháp ấy phi tâm pháp".

Khi đến nước Ma-Đột-La, ngài cảm hóa rất đông dân chúng quy hướng Phật pháp, có nhiều người đã chứng đạo quả. Có những khi ngài thuyết pháp, chư thiên rải hoa, quả đất rúng động, khiến cung ma cũng bị chấn động. Vua Ma-Ba-Tuần sợ e Phật-giáo thịnh hành thì bè đảng của chúng bị tiêu diệt nên quyết dùng hết thần lực phá hoại Phật-pháp. Ma bèn hiện các ngọc nữ đến làm nhiễu loạn tâm thính giả. Ngài liền nhập định để quán sát nguyên do. Được cơ hội thuận tiện, ma đem vòng chuỗi anh-lạc quàng vào cổ ngài.

Xuất định, ngài dùng thần lực biến ba thây chết người, chó, rắn thành một tràng hoa đẹp. Ngài dùng lời diu ngọt bảo ma: "Ngươi sẵn lòng tốt đem chuỗi anh-lạc rất quý tặng ta, giờ ta biếu lại ngươi tràng hoa đẹp này, gọi là thù tạc nhau". Vua ma nghe rất mừng, đưa cổ nhận tràng hoa. Tràng hoa tròng vào cổ giây lát hóa thành thây thúi, giòi tửa ghê tởm. Vua ma kinh sợ gớm chán, muốn cởi ra mà cởi không được, dùng hết thần lực cũng không cởi nổi. Túng thế, vua ma chạy lên cõi Trời Dục cầu cứu với vua Trời, rốt cuộc không kết quả. Lần lượt vua ma cầu cứu đến Trời Phạm. Vua các Trời đều bảo: "Pháp ấy là do đệ tử Phật biến hóa ra, chúng ta còn phàm lậu làm sao trừ được". Vua ma nghe phán như vậy lại hỏi: "Thế thì làm thế nào gỡ ra?". Vua Trời nói kệ: "Nếu nhân đất ngã; Phải nhờ đất dậy; Lìa đất muốn dậy; Trọn không lý ấy".

Vua ma nhận lời dạy, rời khỏi cung Trời trở về chỗ ngài Ưu-Ba-Cúc-Đa chí thành lễ tạ sám hối. Ngài bảo: "Thánh trước dạy ta hàng phục ngươi. Tuy vậy, nếu ngươi biết cải thiện là được thờ phụng Phật, khỏi sa vào đường dữ". Vua ma nghe dạy vui vẻ thưa: "Tôn-giả vì con làm lợi ích lớn, cúi xin Tôn-giả cởi vòng thây thúi dùm con". Ngài dạy: "Vậy ngươi phải quỳ gối chấp tay tự xướng ba lần quy-y tam bảo đi". Vua ma quỳ gối, chấp tay xướng ba lần quy-y tam bảo xong thì vòng thây thúi biến mất. Vua ma vui mừng nhảy nhót đảnh lễ. Ngài nói kệ: "Cúi lạy chánh-định tột; Đủ mười lực đại từ; Nay con xin hồi hướng; Chớ còn tánh yếu hèn".

Sau khi vua ma quy-y tam bảo xong, ngài bảo vua ma: "Xưa ngươi thường thấy Như-Lai, giờ đây hiện thử cho ta xem". Vua ma thưa: "Hiện việc xưa không khó, chỉ xin Tôn-giả trông thấy đừng lễ". Vua ma liền vào rừng ẩn mất. Chốc lát bỗng thấy Phật từ mé rừng đi ra oai nghi nghiêm chỉnh, theo sau đoàn Tỳ-kheo 1250 vị. Ngài vừa trông thấy, bất giác cúi mình đảnh lễ. Vua ma hoảng kinh biến mất.

Lúc hóa đạo, mỗi khi giáo hóa một người thâm ngộ Phật-pháp, ngài để vào thất đá một thẻ tre. Ngôi thất ấy bề dài 18 thước tay bề ngang 12 thước tay, thế mà một thời gian thẻ tre đầy tràn cả thất. Sau cùng, ngài độ ông Hương-Chúng, con một vị trưởng giả, và truyền chánh pháp lại cho ông này. Nhân thân phụ ông Hương-Chúng mộng thấy mặt trời vàng xuất hiện trong nhà, nên ngài đổi hiệu cho Hương-Chúng thành Đề-Đa-Ca. Đã có người kế thế và nhân duyên hóa đạo đã xong. Ngài từ biệt đại chúng, ngồi kiết già thị-tịch. Đề-Đa-Ca và môn đệ mở cửa thất đá lấy thẻ tre làm vật liệu thiêu ngài. Thiêu xong, thầy trò
Đề-Đa-Ca lượm xá-lợi ngài rồi xây tháp cúng dường.


Poetry 27-05-2013 13:27

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 5: Đề-Đa-Ca (Dhrtaka)

Đầu thế kỷ thứ hai sau Phật Niết-bàn

Ngài tên Hương-chúng ở nước Ma-Già-Đà. Nhân thân phụ ngài nằm mộng thấy mặt trời vàng ánh xuất hiện trong nhà, chiếu sáng khắp cả, lại thấy phía trước hiện ra một hòn núi lớn, trang nghiêm bằng bảy báu, trên đỉnh núi có dòng suối, nước chảy trong veo, tràn khắp bốn phía. Sau đó, mẹ ngài sanh ra ngài.

Ngài gặp Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa bèn đem điềm mộng của cha thuật lại và nhờ giải hộ. Tổ giải: "Núi báu là thân ta, suối nước tuôn ra là pháp vô tận, mặt trời xuất hiện trong nhà là tướng ngươi vào đạo, ánh sáng chiếu khắp là trí tuệ siêu việt của ngươi". Ngài nghe giải xong, vui mừng khắp khởi xướng kệ rằng: "Vòi vọi núi bảy báu; Thường tuôn suối trí huệ; Chuyển thành vị chân pháp; Hay độ ngưòi có duyên". Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa cũng nói kệ đáp: "Pháp ta truyền cho ngươi; Sẽ hiện trí-huệ lớn; Mặt trời mọc trong nhà; Chiếu sáng khắp trời đất".

Ngài nghe kệ rồi, xin theo Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa xuất gia học đạo. Thấy ngài ứng đối lanh lẹ, trí-huệ minh đạt, Tổ hoan hỷ chấp nhận cho xuất gia làm đệ-tử. Một hôm, Tổ gọi ngài bảo: "Như-Lai đem đại pháp nhãn tạng trao cho Đại-Ca-Diếp, lần lượt trao truyền cho đến ta, nay ta trao lại cho ngươi. Hãy nghe kệ đây: Tâm tự xưa nay tâm; Bổn tâm chẳng có pháp; Có pháp có bổn tâm; Chẳng tâm chẳng bổn pháp".

Ngài thành kính nhận lãnh chánh pháp. Sau ngài sang Trung-Ấn giáo hóa. Nơi đây có tám ngàn vị đại tiên, dưới sự lãnh đạo của đại tiên Di-Dá-Ca. Nghe ngài đến đây, Di-Dá-Ca vân tập tiên chúng đến yết kiến ngài. Gặp ngài, Di-Dá-Ca thưa: "Xưa tôi cùng thầy đồng sanh cõi trời Phạm-Thiên. Tôi gặp tiên A-Tư-Đà truyền cho pháp tiên. Thầy gặp đệ tử Phật hướng dẫn tu tập thiền định. Từ đó, cách nhau đã đến sáu kiếp". Ngài bảo: "Lời tiên nhân đã nói đúng như vậy. Song, ông chuyên về pháp tiên tột cùng sẽ đến đâu?". Di-Dá-Ca thưa: "Tôi tuy chưa gặp bậc chí thánh, song tiên A-Tư-Đà thường thọ ký rằng: Sáu kiếp về sau, tôi sẽ nhờ bạn đồng học mà được chứng quả giải thoát. Nay gặp nhau đây đâu không đúng như vậy ư?". Ngài bảo: "Ông đã biết như vậy thì cần phải xuất gia, pháp tiên là đường nhỏ, không thể đưa người đến giải thoát. Ta hóa đạo đã lâu, cũng muốn dừng nghỉ. Nếu ông thật thú hướng về đại pháp thì không nên chậm trễ".

Di-Dá-Ca nghe nói vui mừng liền xin xuất gia. Ngài độ cho Di-Dá-Ca xuất gia thọ giới. Lúc đó, tiên chúng theo Di-Dá-Ca thấy vị tiên trưởng của mình làm như vậy rất bất mãn. Họ nói thầm với nhau rằng: "Đề-Đa-Ca đâu đủ sức làm thầy mình mà theo xuất gia". Ngài biết tâm họ, muốn gây cho họ có niềm tin, liền phóng quang sáng chiếu, chân đi trên hư không như người đi trên đất bằng, lại hóa cây dù báu che khắp chúng tiên, nơi ngón tay sữa thơm tuôn ra, trong sữa hiện lên một hoa sen, trong hoa sen hóa ra Đức Phật. Chúng tiên trông thấy thần biến phi thường, bèn cúi đầu cầu xin xuất gia. Ngài hoan hỷ chấp nhận.

Thấy cơ duyên hóa độ đã viên mãn, ngài truyền pháp lại cho Di-Dá-Ca, rồi thâu thần tịch diệt. Di-Dá-Ca và đồ chúng thiêu thân ngài, thâu lượm xá-lợi rồi xây tháp tại núi Ban-Trà thờ phụng cúng dường.

http://www.vietstamp.net.vn/data/200...oduct_2325.jpg File Đính Kèm 185576
Mẫu tem trên đã ghi nhầm tên Ananda thay vì Dhritaka.

Poetry 28-05-2013 10:03

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 6: Di Giá Ca (Miccaka)

Đầu thế kỷ thứ ba sau Phật Niết-bàn

Ngài người Trung-Ấn, không rõ họ gì. Ngài cùng chúng tiên thọ giáo xuất gia với Tổ Đề-Đa-Ca. Sau đó, ngài tu hành chứng được quả thánh. Khi sắp tịch, Tổ Đề-Đa-Ca gọi ngài lại bảo: "Xưa Như-Lai thầm trao đại pháp nhãn cho Đại-Ca-Diếp lần lượt truyền trao đến ta, nay ta trao cho ngươi, ngươi phải gìn giữ truyền trao chớ dứt. Nghe ta nói kệ: Thông đạt pháp bổn tâm; Không pháp không phi pháp; Ngộ rồi đồng chưa ngộ; Không tâm cũng không pháp".

Sau khi được pháp, ngài du hóa các nơi tùy căn cơ giáo hóa chúng sanh. Một hôm, ngài đến Bắc-Ấn chợt thấy trên thành có vầng mây màu vàng. Ngài ngó sang những người bên cạnh bảo: "Đây là vượng khí đại thừa. Trong thành này sẽ có bậc chí nhân nối pháp cho ta". Khi đi vào trong thành đến chợ, quả gặp người tay ôm bầu rượu, đón ngài hỏi: "Tôn-giả từ phương nào đến, muốn đi về đâu?". Ngài đáp: "Ta từ tâm mình đến, muốn đi không chỗ". Người kia lại hỏi: "Tôn-giả biết vật trong tay tôi chăng?". Ngài đáp: "Đây là đồ đựng vật làm mất thanh tịnh". Người kia hỏi tiếp: "Tôn-giả biết tôi chăng?". Ngài đáp: "Tôi thì chẳng biết, biết thì chẳng tôi". Ngài lại bảo: "Ngươi hãy nói tên họ ra, ta sẽ chỉ nhân đời trước cho ngươi". Người ấy bèn nói kệ: "Nay tôi sanh nước này; Lại nhớ ngày xa xưa; Dòng họ Phả-La-Đọa; Tên là Bà-Tu-Mật".

Ngài nghe rồi nhớ lại duyên trước, bèn bảo Bà-Tu-Mật:

- Thầy ta là Đề-Đa-Ca thường nói: Xưa kia Như-Lai du hóa Bắc-Ấn có báo A-Nan: "Sau khi ta diệt độ khoảng ba trăm năm, ở nước này sẽ có vị thánh nhân ra đời, họ Phả-La- Đọa tên Bà-Tu-Mật, làm vị Tổ thứ bảy của Thiền-Tông". Đây là Như-Lai thọ ký cho ngươi, ngươi nên xuất gia.

Bà-Tu-Mật liền để bầu rượu xuống, đảnh lễ Ngài. Đảnh lễ xong, đứng qua một bên thưa: "Con nhớ lại kiếp xưa thường làm thí chủ cúng dường Phật một bảo tòa. Như-Lai thọ ký cho con rằng: Ngươi ở hiền kiếp sẽ được Phật-pháp làm Tổ thứ bảy". Nay gặp gỡ đây là cái duyên trước vậy, cúi xin Tôn giả đại từ thương xót độ thoát cho con. Ngài liền vì Bà-Tu-Mật cho cạo tóc xuất gia và thọ đầy đủ giới pháp. Thấy tuổi đã già và cơ duyên hóa độ cũng xong, ngài truyền chánh pháp lại cho Bà-Tu-Mật. Truyền xong, ngài thâu thần tịch diệt. Bà-Tu-Mật và môn đồ lượm xá-lợi ngài để vào bình báu, xây tháp cao tôn thờ trên tầng chót để mọi người cúng dường.


Poetry 29-05-2013 10:03

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 7: Bà Tu Mật (Vasumitra)

Cuối thế kỷ thứ ba sau Phật Niết-bàn

Ngài họ Phả-La-Đọa sanh trưởng tại miền Bắc-Ấn. Khi còn tại gia, ngài thường mặc đồ sạch sẽ, tay cầm bầu rượu, đi dạo chơi trong xóm làng, có khi ngài ngâm thơ thổi sáo. Người thường không sao hiểu nổi, họ bảo ngài là người điên. Sau khi gặp Tổ Di-Dá-Ca nói lại lời huyền ký Như-Lai, ngài liền tỉnh ngộ tiền duyên, ném bầu rượu phát nguyện xuất gia. Theo Tổ tu hành, ngài ngộ được tâm tông. Một hôm,Tổ Di-Dá-Ca gọi ngài căn dặn: "Công hạnh của ta gần viên mãn,chánh pháp nhãn tạng này trao lại cho ngươi, ngươi phải ân cần gìn giữ chớ để đoạn diệt. Hãy nghe kệ đây: Không tâm không thể được; Nói được chẳng gọi pháp; Nếu rõ tâm phi tâm; Mới hiểu tâm tâm pháp".

Sau khi Tổ Di-Dá-Ca nhập Niết-bàn, ngài đi hoằng khắp nơi tuyên dương chánh pháp. Khi đến nước Ca-Ma-La, ngài lên pháp tòa giảng đạo. Có một trí sĩ đến dưới tòa lớn tiếng tự xưng: "Tôi là Phật-Đà-Nan-Đề, hôm nay quyết luận nghĩa với thầy". Ngài bảo: "Này nhân giả! Nếu luận thì chẳng phải nghĩa, nếu nghĩa thì chẳng phải luận. Nếu nghĩ luận nghĩa, trọn chẳng phải nghĩa luận". Phật-Đà-Nan-Đề biết đây là người nói nghĩa thù thắng, khởi tâm kính phục, thưa rằng: "Con nguyện cầu đạo, được thưởng thức vị cam lồ". Ngài thương xót liền cho Phật-Đà-Nan-Đề xuất gia thọ giới, không bao lâu truyền pháp cho Phật-Đà-Nan-Đề.

Đã có người thừa kế, ngài dự định vào Niết-bàn. Ngài liền nhập từ tam-muội để vào tịch định. Lúc đó, Đế-Thích, Phạm-Vương cùng chư thiên đồng đến đảnh lễ, nói kệ: "Hiền kiếp các thánh Tổ; Ngài là vị thứ bảy; Tôn giả thương xót con; Thỉnh vì nói Phật địa". Ngài xuất định nói với họ rằng: "Pháp ta đã được là không phải có. Nếu muốn biết Phật-địa phải lìa có và không". Nói xong, ngài vào tịch định thị hiện tướng Niết-bàn. Chư thiên nghe rồi hoan hỷ tán hoa trời, đảnh lễ. Phật-Đà-Nan-Đề cùng đồ chúng trà tỳ thân ngài rồi lượm xá-lợi xây tháp cúng dường


Poetry 30-05-2013 10:13

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 8: Phật-Đà-Nan-Đề (Buddhanandi)

Đầu thế kỷ thứ tư sau Phật Niết-bàn

Ngài họ Cù-Đàm, người nước Ca-Ma-La. Thuở nhỏ trên đảnh ngài có cục thịt nổi cao, thường phát ra hào quang năm sắc xen lẫn. Ngài thông minh tuyệt vời, chữ nghĩa một phen xem qua là ghi nhớ. Năm 14 tuổi, ngài phát tâm xuất gia chuyên dùng hạnh thanh tịnh để tự tu. Khi Tổ Bà-Tu-Mật đến nước Ca-Ma-La, ngài đến vấn nạn, nhân đó kính phục xin theo làm đệ tử. Tổ sắp Niết-bàn, gọi ngài đến phó chúc rằng: "Chánh pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao cho ngươi, ngươi phải truyền bá chớ để đoạn dứt. Nghe ta nói kệ: Tâm đồng hạn hư không; Chỉ pháp bằng thái hư; Khi chứng được hư không; Không pháp không phi pháp". Ngài vâng giữ phụng trì.

Sau khi đắc pháp, ngài thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi. Đến nước ĐềGià, ngàiđi qua cổng nhà họ Tỳ-Xá-La, chợt thấy trên nóc nhà có hào quang trắng xông lên hư không, ngài chỉ chúng xem và bảo: "Trong nhà này hiện có một vị thánh nhân, tuy miệng không nói một lời, chân không đi một bước, mà thật là bậc căn khí đại thừa. Dù không ra ngoài đường mà biết việc xúc uế. Quả là người nối pháp cho ta, khiến Phật-pháp hưng thịnh. Vị này, sau sẽ độ được năm trăm người chứng quả thánh". Ngài nói xong, có người trưởng giả trong nhà bước ra làm lễ thưa: "Tôn-giả cần điều gì dừng lại đây?". Ngài bảo: "Ta đến tìm người thị giả, chớ không cần gì". Trưởng giả thưa: "Nhà tôi đâu có người kỳ đặc mà ngài tìm, chỉ có đứa con trai tên Phục-Đà-Mật-Đa không biết nói, không biết đi, tuổi đã năm mươi, nếu ngài cần tôi cho, không tiếc". Ngài bảo: "Đứa con ông nói đó, chính là người tôi tìm. Trưởng giả thỉnh ngài vào nhà". Phục-Đà-Mật-Đa vừa trông thấy ngài liền trỗi dậy, chắp tay nói kệ: "Cha mẹ chẳng phải thân; Ai là người chí thân; Chư Phật phi đạo tôi; Cái gì là tột đạo". Ngài nói kệ đáp: "Lời ngươi cùng tâm thân; Cha mẹ không thể sánh; Hạnh ngươi cùng đạo hiệp; Chư Phật chính là tâm; Ngoài cầu Phật có tướng; Cùng ngươi không chút giống; Nếu biết bổn tâm ngươi; Chẳng hiệp cũng chẳng lìa".

Phục-Đà-Mật-Đa nghe bài kệ xong rất hoan hỷ, bước xuống đảnh lễ ngài và đi bảy bước, một lòng thành khẩn xin xuất gia. Ngài chấp nhận cho xuất gia, liền triệu tập chúng hiền thánh làm lễ truyền giới cụ túc. Sau đó, ngài lại dặn dò Phục-Đà-Mật-Đa: "Pháp nhãn của Như-Lai thầm truyền đến đời ta, nay ta trao lại cho ngươi, ngươi nên truyền trao chớ đoạn dứt. Nghe ta nói kệ: Hư không chẳng trong ngoài; Tâm pháp cũng như thế; Nếu hiểu rõ hư không; Là đạt lý chân như". Phục-Đà-Mật-Đa hân hạnh được truyền pháp vui mừng vô hạn, liền nói kệ khen ngợi: "Thầy tôi trong thiền Tổ; Hiện là vị thứ tám; Giáo hóa chúng không cùng; Thảy được quả La-Hán".

Ngài truyền pháp xong, sắp vào Niết-bàn. Hôm ấy đang ngồi trên bổn tòa, ngài an nhiên thị tịch. Số chúng ngài độ có đến năm trăm vị chứng nhị quả. Toàn chúng trà tỳ hài cốt ngài, lượm xá-lợi xây bảo tháp tôn thờ.


Poetry 31-05-2013 09:50

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 9: Phục-Đà-Mật-Đa (Buddhamitra)

Cuối thế kỷ thứ tư sau Phật Niết-bàn

Ngài họ Tỳ-Xá-La ở nước Đề-Già. Từ lọt lòng mẹ đến năm mươi tuổi chưa từng nói một lời, chưa từng đi một bước. Cha mẹ ngài nghi nhân duyên gì mà ngài thế ấy nên đến gặp Tổ Phật-Đà-Nan-Đề để hỏi. Tổ nói duyên đời trước rằng: "Đứa bé này đời trước thông minh lắm, ở trong Phật pháp do lòng đại bi muốn làm lợi ích lớn cho chúng sanh cho nên thường nguyện: Nếu tôi sanh chỗ nào không bị tình phụ tử ràng buộc, tùy duyên lành kia liền được giải thoát. Miệng nó không nói là tiêu biểu đạo không tịch. Chân nó không đi là tiêu biểu pháp không đến đi". Cha mẹ ngài nghe lời giải thích của Tổ liền sạch hết nghi ngờ, vui vẻ cho ngài theo Tổ xuất gia.

Sau khi đắc pháp, ngài du hóa khắp nơi, sang Trung-Ấn giáo hóa. Nơi đây có ông trưởng-giả tên là Hương-Cái. Ông này có người con trai tên Nan-Sanh. Ông trưởng-giả Hương-Cái dẫn con đến yết kiến ngài. Đảnh lễ xong, ông trưởng-giả thưa: "Thằng bé này ở trong thai mẹ ngót sáu mươi năm, do đó tôi đặt tên là Nan-Sanh. Có một tiên đến xem tướng nó rồi nói: Thằng nhỏ này hẳn là tướng phi phàm, sẽ làm pháp khí đại thừa, sau gặp Bồ-Tát hóa độ. Bởi có duyên lành nên nay được gặp ngài, tôi nguyện cho nó theo ngài xuất gia học đạo". Ngài hoan hỷ nhận cho Nan- Sanh xuất gia thọ giới. Trong buổi lễ xuất gia thọ giới, bỗng có ánh sáng mát chiếu khắp chỗ Nan-Sanh ngồi. Cơ duyên hóa độ sắp viên mãn, ngài kêu Nan-Sanh lại dặn dò: "Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao cho ngươi, ngươi phải gìn giữ truyền trao đừng cho đoạn dứt. Ngươi nhận lời ta dạy, hãy nghe kệ đây: Chân lý vốn không tên; Nhân tên bày chơn lý; Nhận được pháp chân thật; Chẳng chân cũng chẳng ngụy".

Nói kệ xong, ngài bèn vào chánh định hiện tướng Niết-bàn. Chư thiên trỗi nhạc cúng dường. Nan-Sanh cùng đồ chúng dùng dầu thơm gỗ chiên đàn làm lễ hỏa táng thân thể của ngài. Hỏa táng xong lượm xá-lợi ngài về tôn thờ nơi chùa Na-Lan-Đà.


Poetry 01-06-2013 10:10

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 10: Hiếp-Tôn-Giả (Parsvika)

Đầu thế kỷ thứ năm sau Phật Niết-bàn

Ngài tục danh là Nan-Sanh, người Trung-Ấn. Thân mẫu ngài mang thai đến 60 năm mới sanh ra ngài. Lúc ngài sắp sanh, thân phụ ngài nằm mộng thấy một con voi trắng to trên lưng có chở một bảo tọa, trong bảo tọa có hạt minh châu, từ ngoài cửa đi vào chiếu sáng khắp nhà. Ông giựt mình tỉnh giấc thì ngài ra đời.

Sau ngài gặp Tổ Phục-Đà-Mật-Đa độ cho xuất gia. Được xuất gia rồi, ngài cần mẫn tu học cho đến quên ăn bỏ ngủ, suốt ngày đêm chưa từng đặt lưng xuống chiếu, như thế mãi cả đời. Vì thế thời nhân gọi ngài là Hiếp-Tôn-Giả (Tôn-giả hông không dính chiếu). Khi Tổ Phục-Đà-Mật-Đa sắp Niết-bàn, ngài được Tổ truyền trao chánh pháp.

Lãnh thọ chánh pháp xong, ngài đi vân du các nơi tùy cơ giáo hóa. Đến nước Hoa-Thị, ngài tạm nghỉ dưới cây đại thọ. Khi ấy, ngài lấy tay chỉ xuống đất bảo chúng: "Khi nào đất này biến thành màu vàng, sẽ có một thánh nhân vào hội. Ngài vừa nói dứt lời, đất liền biến thành màu vàng. Chốc lát có một thanh niên con nhà giàu tên Phú-Na-Dạ-Xa đến trước ngài đứng chắp tay. Ngài hỏi: "Ngươi từ đâu đến?". Phú-Na-Dạ-Xa thưa: "Tâm con chẳng phải đến". Ngài lại hỏi: "Ngươi dừng chỗ nào?". Phú-Na-Dạ-Xa thưa: "Tâm con chẳng phải dừng". Ngài hỏi tiếp: "Ngươi chẳng định sao?". Phú-Na-Dạ-Xa thưa: "Chư Phật cũng thế". Ngài bảo: "Ngươi chẳng phải chư Phật". Phú-Na-Dạ-Xa đáp: "Chư Phật cũng chẳng phải".

Ngài nhân đó nói bài kệ: "Đất này hóa sắc vàng; Biết có thánh nhân sang; Ngồi dưới cây bồ-đề; Hoa giác nở hoàn toàn". Phú-Na-Dạ-Xa cũng đọc bài kệ: "Thầy ngồi đất sắc vàng; Thường nói nghĩa chân thật; Xoay ánh sáng chiếu con; Khiến vào nơi chánh định".

Ngài biết ý Phú-Na-Dạ-Xa lòng cầu đạo rất thiết tha nên độ cho xuất gia và truyền giới cụ túc. Một hôm, ngài gọi Phú-Na-Dạ-Xa bảo: "Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay trao cho ngươi, ngươi phải khéo lưu truyền chớ để dứt mất. Hãy nghe ta nói kệ: Chân thể đã sẵn chân; Bởi chân nói có lý; Hội được pháp chân nhân; Không đi cũng không dừng".

Truyền pháp xong, ngài thị hiện các tướng ngay nơi chỗ ngồi rồi vào Niết-bàn. Hỏa táng thân ngài xong có xá-lợi nhiều vô số, đồ chúng phải lấy y bọc đem về kính thờ cúng dường.


Poetry 02-06-2013 13:24

Vị Tổ thứ 11: Phú-Na-Dạ-Xa (Punyayasas)

Giữa thế kỷ thứ năm sau Phật Niết-bàn

Vị Tổ này không có mặt trong bộ tượng chùa Tây Phương nhưng phải nhắc tới vị này mới tiếp nối đến vị sau.

Ngài dòng Cù-Đàm ở nước Hoa-Thị, thân phụ là Bảo-Thân. Thân phụ ngài sanh được bảy người con trai, ngài là con út. Thuở nhỏ, ngài tâm tư bình thản, không tịnh không loạn. Ngài thường nói với các anh: "Nếu gặp bực đại-sĩ ngồi nơi đạo tràng thuyết pháp, em quyết đến đó gần gũi tùy hỷ".

Khi Tổ Hiếp-Tôn-Giả đến nước này chấn hưng Phật pháp, ngài liền đến dự trong hội ấy. Thấy ngài ứng đối mẫn tiệp, ngôn ngữ hợp lý, Tổ độ cho xuất gia. Sau khi đắc pháp nơi Tổ Hiếp-Tôn-Giả, ngài một lòng tinh tấn, lấy sự giáo hóa làm trọng trách. Đạo đức ngài vang khắp, số chúng quy ngưỡng đến ngàn vạn, những người được quả thánh tới năm trăm vị. Về sau, ngài đến nước Ba-La-Nại có một vị trưởng-giả vào hội. Ngài hỏi đồ chúng: "Các ngươi có biết người mới vào đây chăng? Xưa Phật huyền ký rằng: Sau khi ta diệt độ gần 600 năm, sẽ có một vị thánh nhân ra đời hiệu Mã-Minh, sanh trong nước Ba-La-Nại, nói pháp nơi thành Hoa-Thị, bẻ dẹp các đạo khác, độ người vô lượng". Mã-Minh nghe ngài nói trúng tên mình thì thầm khen, bước ra đảnh lễ ngài và hỏi: "Tôi muốn biết Phật, thế nào là Phật?". Ngài đáp: "Ông muốn biết Phật, chẳng biết ấy là phải". Mã-Minh lại hỏi: "Đã chẳng biết Phật thì đâu biết là phải?". Ngài hỏi lại: "Ông đã chẳng biết Phật, tại sao biết chẳng phải?". Mã-Minh nói: "Đây thật là nghĩa cưa". Ngài đáp: "Đó là nghĩa cây. Ông nói nghĩa cưa là thế nào?". Mã-Minh hỏi tiếp: "Tôi cùng thầy phân ra bằng nhau. Nghĩa cây của thầy nói là sao?". Ngài đáp: "Ngươi bị ta xẻ".

Mã-Minh liền ngộ được thắng nghĩa của ngài, vui thích cầu xin xuất gia. Ngài độ cho ông xuất gia và thọ giới cụ-túc. Số chúng được ngài độ có đến hai trăm vị chứng quả A-La-Hán, ngoài ra còn vô số người phát tâm quy kính Tam-bảo. Thấy cơ duyên giáo hóa sắp viên mãn, ngài kêu Mã-Minh lại dặn dò: "Ngươi nên chuyển bánh xe pháp làm vị Tổ thứ 12. Xưa đại pháp nhãn tạng của Như-Lai trao cho Tổ Ca-Diếp lần lượt truyền trao, nay ta trao cho ngươi, ngươi phải truyền tiếp. Nghe ta nói kệ: Mê ngộ như ẩn hiện; Tối sáng chẳng rời nhau; Nay trao pháp ẩn hiện; Chẳng một cũng chẳng hai".

Ngài truyền pháp cho Mã-Minh xong liền hiện thần biến rồi lặng lẽ viên tịch. Mã-Minh và đồ chúng xây tháp trùm trên chân thân thờ Ngài

Poetry 02-06-2013 15:28

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ mười hai: Bồ-Tát Mã-Minh (Asvaghosha)

Cuối thế kỷ thứ năm sau Phật Niết-bàn.

Ngài là người nước Ba-La-Nại, hiệu Mã-Minh cũng có hiệu Công-Thắng. Vì khi ngài sanh ra, các con ngựa đều ré lên, nên gọi là Mã-Minh. Lại cũng có thuyết nói, mỗi khi ngài thuyết pháp, các con ngựa trong chuồng ở gần đều lặng lẽ lóng nghe, khi thuyết xong chúng lại hí vang, nên gọi ngài là Mã-Minh. Lúc chưa xuất gia, ngài là một biện sĩ lỗi lạc, danh tiếng đồn đãi vang cả quốc nội và quốc ngoại.

Sau khi được Tổ Phú-Na-Dạ-Xa độ cho xuất gia và truyền tâm ấn, ngài lại nổi tiếng là một nhà thuyết pháp tài tình.

Bao nhiêu tà thuyết ngoại đạo đều bị ngài bẻ dẹp. Chính ngài là người thắp sáng ngọn đuốc Đại-Thừa ở đầu thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn. Ngài đi giáo hóa đến nước Hoa-Thị nơi đây ngọn đuốc pháp của ngài càng sáng rực hơn.

Một hôm, có một ông già gầy ốm vào trong hội nghe pháp, bỗng nhiên ngã xuống đất. Ngài bảo chúng: "Đây là việc phi thường, sẽ có tướng lạ". Ông già kia liền biến mất. Chợt thấy dưới đất vọt lên một người con gái nhan sắc đẹp đẽ thân như màu vàng, dùng tay chỉ ngài nói kệ: "Cúi đầu lễ trưởng lão; Hiện nhận lời Phật ghi; Nay ở nơi xứ này; Độ chúng khỏi sanh tử". Nói kệ xong, trong chớp mắt không thấy cô nữa. Ngài bảo chúng: "Giây lát đây sẽ có ngoại đạo đến đấu sức với ta".

Bỗng chốc gió mưa ầm ĩ xối xả kéo đến, khiến trời đất mịt mù. ngài bảo: "Đây là báo hiệu ngoại đạo sẽ đến. Ta sẽ trừ chúng". Nói xong, ngài chỉ tay lên hư không, hiện ra con rồng vàng to lớn, phấn khởi oai thần, khiến pháp ngoại đạo tan biến.

Sau 7 ngày, có một con sâu nằm nép dưới tòa của ngài. Ngài lấy tay nắm bắt con sâu ấy đưa cho đại chúng xem và nói: "Con sâu này là trá hình của ngoại đạo, đến ẩn núp nơi đây đặng nghe trộm pháp của ta". Nói xong, ngài ném con sâu ra bảo: "Đi ngay!", nhưng con sâu sợ hãi nằm im không động. Ngài an ủi: "Ta không có hại ngươi. Ngươi hãy hiện lại bổn hình". Ngoại đạo liền hiện bổn hình đảnh lễ xin sám hối. Ngài hỏi: "Ngươi tên gì? Có bao nhiêu đồ đệ?". Ngoại đạo thưa: "Con tên Ca-Tỳ-Ma-La, có đến ba ngàn đồ đệ". Ngài lại hỏi: "Tột thần lực của ngươi biến hóa thế nào?". Ngoại đạo thưa: "Con hóa biển cả là việc chẳng khó". Ngài hỏi tiếp: "Ngươi hóa tánh biển được chăng?". Ngoại đạo mờ mịt không biết, thưa: "Lời này con không thể biết". Ngài giải thích: "Tánh biển là núi sông quả đất đều y cứ nơi đó mà lập, tam muội lục thông do đây phát hiện".

Ngoại đạo nghe pháp ấy, liền khởi lòng tin mạnh mẽ, cùng ba ngàn đồ đệ đều cầu xin xuất gia. Ngài vì họ cho cạo đầu xuất gia, rồi triệu tập năm trăm vị thánh tăng đến làm lễ thọ giới cụ túc. Ngài bảo giới tử: "Các ngươi thú hướng Bồ-Đề sẽ thành đạo thánh". Ca-Tỳ-Ma-La quả nhiên được giới thể, phát hào quang sáng, có mùi hương lạ xông khắp.

Một hôm, ngài gọi Ca-Tỳ-Ma-La đến bảo: "Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay trao cho ngươi, truyền bá chớ để đoạn dứt. Nghe ta nói kệ: Ẩn hiện vốn pháp này; Sáng tối nguyên không hai; Nay truyền pháp liễu ngộ; Không lấy cũng chẳng bỏ".

Truyền pháp xong, ngài vào chánh định hiện tướng viên tịch. Ca-Tỳ-Ma-La và đồ chúng đem chân thể của ngài để vào khám thờ. Ngài là vị Tổ thứ 12 của Thiền-Tông, cũng là một vị pháp sư làm sáng tỏ giáo pháp Đại-Thừa. Ngài sáng tác ba bộ luận: 1. Đại-Thừa Khởi Tín Luận, 2. Đại Tông địa huyền văn bổn luận, 3.Sự sư pháp ngũ thập tụng. Nổi tiếng nhất là bộ Đại-Thừa Khởi Tín Luận, đến hiện giờ những nước Phật-giáo Đại-Thừa vẫn truyền dạy bộ luận này.


Poetry 03-06-2013 15:06

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ mười ba: Ca-Tỳ-Ma-La (Capimala)

Đầu thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn

Ngài người nước Hoa-Thị, ban đầu học theo ngoại đạo, giỏi các pháp huyễn thuật, đồ chúng có đến ba ngàn. Khi đến so tài với Tổ Mã-Minh, bị Tổ hàng phục, liền cùng đồ chúng phát tâm xuất gia. Tổ Mã-Minh độ cho ngài xuất gia, sau truyền tâm pháp.

Sau khi được truyền tâm pháp, ngài đi giáo hóa khắp nơi. Lần lượt đến nước Tây-Ấn, nơi đây có Thái-tử tên Vân-Tự-Tại rất ngưỡng mộ ngài. Thái-Tử thỉnh ngài và đại chúng vào cung cúng dường. Ngài từ chối bảo: "Phật cấm Sa-môn không được gần gũi vua quan những nhà có thế lực, nên tôi không dám nhận lời". Thái-tử bạch: "Thưa Tôn-giả! phía Bắc thành này có một hòn núi lớn, trong núi có hang đá yên lặng bặt người thế tục, có thể ở nơi đó thiền định được. Tuy nhiên, trong đó có nhiều rắn và thú dữ, song tin tưởng đức cao dày của Tôn-giả sẽ chuyển hóa chúng".

Ngài nhận lời, cùng đồ đệ tiến thẳng đến núi ấy. Vừa đến núi này quả gặp một con rắn lớn dài gần một dặm, trợn mắt nhìn ngài, Ngài vẫn đi thẳng không ngó đến nó. Ngài đi đến phía Nam chân núi dừng nghỉ chỗ đất bằng,con rắn ấy đến quấn chung quanh ngài, ngài cũng chẳng đoái hoài, giây lát con rắn bò đi. Ngài tìm lại chúng theo ngài thì họ đã chạy tán loạn hết. Ngài một mình đi thẳng đến hang đá. Bỗng thấy một ông già mặc toàn đồ trắng đi ra chắp tay kính lễ ngài. Ngài hỏi: "Ông ở đâu?". Ông già thưa: "Con xưa làm vị Tỳ-kheo rất thích vắng lặng, bực người mới học đến hỏi, nhân đó nổi sân; bởi duyên cớ ấy khi chết đọa làm thân rắn ở trong hang này, đến giờ đã ngàn năm. Vừa gặpTôn-giả là bực thánh đức nên ra kính lễ". Ngài hỏi: "Núi này còn có người nào ở nữa chăng và họ theo đạo nào? Ngươi chỉ cho ta biết!". Ông già thưa: "Cách đây mười dặm về phía Bắc có một tàng cây thật to, dưới tàng cây có năm trăm vị nhân tài ẩn dật. Vị lãnh tụ hiệu là Long-Thọ, thường vì chúng nói pháp, con cũng thường đến nghe".

Ngài chờ đồ chúng tụ hội, cùng họ tiến đến phía Bắc. Vừa đến cây to, quả nhiên Long-Thọ ra nghinh tiếp ngài. Long-Thọ vui vẻ đảnh lễ thưa ngài: "Chỗ núi sâu vắng vẻ, nơi hang ổ của thú dữ, đại đức chí tôn sao thương xót đến đây?". Ngài đáp: "Ta không phải chí tôn, đến để phỏng vấn hiền giả". Long-Thọ lặng thinh thầm nghĩ: "Tôn-giả này được tánh quyết định, đạo nhãn đã sáng chưa? Phải là người đại thánh, thừa kế chân tông chăng?". Ngài biết liền bảo: "Tuy tâm niệm của ngươi, ta đã biết rồi, chỉ cần xuất gia, lo gì ta chẳng phải thánh?". Bấy giờ Long-Thọ sám hối tạ tội. Ngài độ cho xuất gia.

Một hôm, ngài gọi Long-Thọ lại bảo: "Nay ta đem đại pháp nhãn tạng của Như-Lai trao cho ngươi, ngươi phải truyền nối chớ dứt. Nghe ta nói kệ: Pháp không ẩn không hiển; Nói là mé chân thật; Ngộ pháp ẩn hiển này; Chẳng ngu cũng chẳng trí". Truyền pháp xong, ngài trình thần biến rồi tịch diệt. Long-Thọ và đồ chúng hỏa táng thân ngài, lượm xá-lợi xây tháp cúng dường .


Poetry 04-06-2013 13:56

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ mười bốn: Bồ-Tát Long-Thọ (Nagarjuna)

Giữa thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn

Ngài cũng có tên là Long-Thắng, dòng Phạm-Chí ở miền Tây-Ấn. Thuở nhỏ, ngài bẩm tánh thông minh; vừa nghe Phạm-Chí tụng bốn kinh Phệ-Đà là ngài thuộc lòng văn nghĩa. Đến 20 tuổi, ngài đi chu du khắp các nước tìm học các môn thiên văn, địa lý, toán số, sấm ký và các học thuật của ngoại đạo. Môn nào ngài học đến đều xuất sắc hơn mọi người. Nhân một cơ duyên chẳng lành, ngài nhận thực được các pháp là vô thường đau khổ nên vào núi ở ẩn. Số người tìm đến cầu học với ngài rất đông.

Sau khi gặp Tổ Ca-Tỳ-Ma-La cảm hóa, ngài xin xuất gia được Tổ độ cho và truyền cả tâm ấn. Từ đó, ngài vân du thuyết pháp khắp nơi, lần lượt đến miền Nam-Ấn. Dân chúng xứ này chỉ sùng phước nghiệp. Từ khi ngài đến đem pháp yếu chỉ dạy, họ tự bảo nhau: "Chỉ phước nghiệp này là việc tôi thắng, nói về Phật tánh thì đâu thể thấy". Ngài nhân đó bảo họ: "Các ngươi nếu muốn thấy được Phật tánh thì trước hết phải bỏ tâm ngã mạn đi, mới có thể thấy được". Họ hỏi ngài: "Phật tánh lớn hay nhỏ?". Ngài đáp: "Chẳng nhỏ chẳng lớn, không rộng không hẹp, không phước không báo, chẳng chết chẳng sống". Dân chúng nghe ngài nói tột lý, vui mừng nguyện học pháp ấy. Ngài liền ngay trên tòa hóa thân như vầng mặt trăng. Dân chúng tuy nghe thuyết pháp mà không thấy có hình ngài. Trong ấy có con một ông nhà giàu tên là Ca-Na-Đề-Bà, khi thấy thế liền cảm ngộ.

Ca-Na-Đề-Bà bảo dân chúng: "Biết tướng này chăng?". Dân chúng thưa: "Chúng tôi không thể phân biệt được". Ca-Na-Đề-Bà nói: "Đây là Bồ-Tát thị hiện để biểu thị Phật tánh, muốn chúng ta hiểu rõ vậy. Vô tướng tam muội giống như mặt trăng tròn là nghĩa Phật tánh rỗng rang sáng suốt". Ca-Na-Đề-Bà nói dứt lời thì vầng trăng ẩn mất, ngài hiện ngồi an nhiên chỗ cũ, nói kệ: "Thân hiện tướng trăng tròn; Để nêu thể các Phật; Nói pháp không hình ấy; Dùng rõ phi thinh sắc". Toàn chúng nghe xong, đều cảm ngộ, cầu xin xuất gia. Ngài triệu tập các bậc thánh tăng đến truyền giới. Trong số xuất gia này, Ca-Na-Đề-Bà là người dẫn đầu.

Một quốc gia ở gần miền Nam-Ấn, có đến năm ngàn người tu theo ngoại đạo được nhiều phép lạ, vua và quốc dân đều thọ giáo nơi họ, khiến đạo Phật mờ tối. Ngài thấy thế cảm động, bèn đổi hình thức, mặc áo trắng đợi mỗi khi vua ra thành, ngài cầm cây cờ đi trước, hoặc ẩn hoặc hiện. Làm như thế đến bảy lần. Hôm nọ, vua lấy làm lạ kêu lại hỏi: "Ngươi là người gì dám đi trước ta, mà bắt không được, thả chẳng đi?". Ngài đáp: "Tôi là người trí, biết tất cả việc". Vua nghe ngạc nhiên, muốn thí nghiệm nói: "Chư thiên nay đang làm gì?". Ngài đáp: "Chư thiên đang đấu chiến với A-Tu-La". Vua hỏi: "Làm sao
biết được?". Ngài đáp: "Nếu bệ hạ muốn biết, chốc lát sẽ thấy chứng nghiệm". Quả nhiên, phút chốc thấy gươm giáo tay chân ở trên không rơi xuống. Vua và quốc dân rất kính phục ngài. Nhân đó, ngài chuyển họ trở lại quy y Tam-Bảo.

Một hôm, ngài gọi Ca-Na-Đề-Bà đến dặn dò: "Như-Lai lấy đại pháp nhãn tạng trao cho Tổ Ca-Diếp cho đến đời ta, nay ta trao cho ngươi. Hãy nghe kệ: Vì sáng pháp ẩn hiển; Mới nói lý giải thoát; Nơi pháp tâm chẳng chứng; Không sân cũng không hỷ". Dặn dò xong, ngài nhập nguyệt luân tam muội rồi hiện tướng thần biến vào Niết-bàn.

Ngài sáng tác rất nhiều bộ luận để xiển dương giáo pháp Đại-Thừa: 1. Trung luận, 2. Thuận trung luận, 3. Thập nhị môn luận, 4. Đại-Thừa phá hữu luận, 5. Lục thập tụng như lý luận, 6. Đại-Thừa nhị thập tụng luận, 7. Thập bát không luận, 8. Hồi tránh luận, 9. Bồ-đề tư lương luận, 10. Bồ-đề tâm ly tướng luận, 11. Bồ-đề hạnh kinh, 12. Thích ma ha diễn luận, 13. Khuyến phát chư vương yếu kệ, 14. Tán pháp giới tụng, 15. Quảng đại pháp nguyện tụng.

Bồ-Tát Mã-Minh là người khêu mồi ngọn đèn chánh pháp đại-thừa.
Chính Bồ-Tát Long-Thọ là người thắp sáng và truyền bá khắp nơi cho đến vô tận ngọn đuốc Đại-Thừa. Trong số những tác phẩm của ngài, bộ "Trung-Luận" có giá trị nhất, đến hiện nay đã dịch ra nhiều thứ tiếng để truyền bá khắp thế giới.


Poetry 05-06-2013 17:22

Vị Tổ thứ mười lăm: Bồ-Tát Ca-Na-Đề-Bà (Kanadeva)

Cuối thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn

Vị Tổ này không có mặt trong bộ tượng chùa Tây Phương nhưng phải nhắc tới vị này mới tiếp nối đến vị sau.

Ngài dòng Tỳ-Xá-Ly ở Nam-Ấn. Thuở nhỏ, ngài bẩm tánh thông minh, biện tài vô ngại. Ban sơ, ngài học phong tục trong nước, ưa làm việc phước thiện. Khi Tổ Long-Thọ đến nước này, ngài tìm đến yết kiến. Tổ Long-Thọ muốn thử ngài, sai đồ đệ múc một thau nước đầy để ở trước lối vào. Ngài đi qua lấy cây kim bỏ vào, rồi thẳng đến yết kiến Tổ. Thầy trò gặp nhau vui vẻ lãnh hội. Khi Tổ Long-Thọ thuyết pháp hiện tướng vầng trăng tròn, ngài thầm ngộ yếu chỉ. Ngài theo Tổ xuất gia và được truyền tâm ấn.

Sau khi đắc pháp, ngài vân du khắp nơi, lần lượt sang nước Ca-Tỳ-La để giáo hóa. Trong nước này có ông trưởng giả tên Tịnh-Đức sanh được hai người con trai, người cả tên La-Hầu-La-Điểm, người thứ tên La-Hầu-La-Đa. Ông hằng ngày chỉ săn sóc vườn tược. Hôm nọ, một cây trong vườn nẩy sanh thứ nấm lạ, ông nhổ về ăn thử, thực ngon lành. Song chỉ ông và người con thứ hằng ngày đều nhổ được nấm ăn, ngoài ra không ai nhổ được. Ông bảo con thứ: "Nấm cây này chỉ ta và con được ăn, ắt là việc phi thường. Ước gì có ai thông hiểu giải thích cho việc này". La-Hầu La-Đa nói kệ: "Cây này sanh nấm lạ; Con ăn rất ngon lành; Người trí giải nhân nầy; Con xin theo Phật đạo".

Chợt gặp Bồ-Tát Ca-Na-Đề-Bà đến nhà, cha con ông Tịnh Đức vui mừng đem việc này ra hỏi. Ngài dạy: "Khi xưa lúc ông hai mươi tuổi thường mời một vị Tỳ-kheo về nhà cúng dường. Vị Tỳ-kheo ấy tuy có chút ít giới hạnh mà con mắt pháp chưa sáng, tâm không thấu lý, luống nhận sự cúng dường của ông. Song vị Tỳ-kheo ấy có chút ít tu hành nên khỏi sa vào đường ác, vẫn phải làm cây sanh nấm này để trả nợ cho ông. Xưa khi vị Tỳ-kheo ấy đến nhà ông, trong nhà chỉ có ông và người con thứ này thành kính cúng dường, còn bao nhiêu người đều không vui. Vì thế chỉ hai cha con ông được hưởng
nấm". Ngài lại bảo: "Ông nay được bao nhiêu tuổi?". Trưởng giả thưa: "Tôi được 79 tuổi". Ngài nói kệ: "Vào đạo không thông lý; Hoàn thân đền tín thí; Trưởng giả tuổi tám mốt; Cây này không sanh nấm".

Ông trưởng giả nghe nói xong, biết rõ duyên trước càng thêm thán phục, thưa: "Tôi già yếu tuy muốn xuất gia e không kham theo thầy. Đứa con thứ của tôi hết lòng mộ đạo. Tôi xin cho nó theo làm thị giả cho thầy. Mong thầy dung nạp". Ngài hoan hỷ chấp nhận La-Hầu-La-Đa xuất gia và triệu tập các vị thánh tăng đến truyền giới.

Ngài du hóa đến nước Ba-Liên-Phất gặp lúc ngoại đạo hưng thịnh, Phật pháp lu mờ. Ngài đem hết khả năng chuyển hóa ngoại đạo trở về quy y Tam-Bảo, khiến xứ này Phật pháp hưng thịnh lại.

Khi già yếu, ngài gọi La-Hầu-La-Đa đến phó chúc pháp nhãn tạng và dặn dò đừng để đoạn diệt. Kế nói kệ: "Xưa đối người truyền pháp; Vì nói lý giải thoát; Nơi pháp thật không chứng; Không chung cũng không thủy". Dặn dò xong, ngài nhập định ngồi nghiêm chỉnh thị tịch. La-Hầu-La-Đa và đồ chúng xây tháp cúng dường.

Ngài là Bồ-Tát thứ ba làm nổi bật giáo lý Đại-Thừa. Những tác phẩm ngài trước thuật: 1. Bách luận, 2. Bách tự luận, 3. Đại trượng phu luận, 4. Đề-Bà Bồ-Tát phá Lăng-Già kinh trung ngoại đạo tiểu-thừa tứ tông luận, 5. Đề-Bà Bồ-Tát thích Lăng-Già kinh trung ngoại đạo tiểu-thừa Niết-bàn luận… Trong đó, nổi tiếng nhất là bộ "Bách-luận" và "Đại-Trượng-Phu luận".

Poetry 05-06-2013 17:35

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ mười sáu: La-Hầu-La-Đa (Rahulata)

Đầu thế kỷ thứ bảy sau Phật Niết-bàn

Ngài dòng Phạm-Ma ở nước Ca-Tỳ-La. Thuở nhỏ, ngài đã có sẵn lòng mộ đạo. Khi lớn do cơ duyên trong vườn có cây mọc nấm, Tổ Đề-Bà giải thích nhân do, mà ngài được xuất gia. Sau khi được truyền tâm ấn, ngài thống lãnh đồ chúng du hóa nhân gian, lần lượt đến phía Nam thành Thất-La-Phiệt gặp sông Kim-Thủy. Ngài bảo chúng: "Các ngươi biết chăng? Vừa thấy bóng năm đức Phật hiện dưới dòng sông, ta lấy bát múc nước nếm có mùi vị lạ, ngược dòng sông này chừng năm trăm dặm sẽ có bậc chí nhân ở, hiệu là Tăng-Già-Nan-Đề".

Ngài bèn dẫn chúng theo ven bờ sông trở lên, quả nhiên thấy
Tăng-Già-Nan-Đề đang ngồi thiền trong thất đá. Ngài và đồ chúng dừng lại xem, chờ đến bảy ngày Tăng-Già-Nan-Đề mới xuất định. Ngài hỏi Tăng-Già-Nan-Đề: "Thân ông định hay tâm ông định?". Tăng-Già-Nan-Đề đáp: "Thân tâm đều định". Ngài lại hỏi: "Thân tâm đều định sao có xuất nhập?". Tăng-Già-Nan-Đề đáp: "Tuy có xuất nhập mà không mất tướng định, như vàng ở trong giếng, vàng ra ngoài giếng, thể vàng vẫn yên lặng". Ngài và Tăng-Già-Nan-Đề tiếp tục đối đáp:

-
Nếu vàng ở trong giếng, vàng ra ngoài giếng, thể vàng không động tịnh, thì vật gì ra vào?.

- "
Nơi vàng không động tịnh thì vật gì ra vào?" Đã thừa nhận vàng ra vào mà thể vàng không động tịnh.

- Nếu vàng ở trong giếng thì ra là vật gì ?

- Vàng, nếu ra ngoài thì ở trong giếng không phải vàng. Vàng nếu ở trong giếng thì ra không phải vật.

- Nghĩa này không đúng.

- Lý kia chẳng nhằm.

- Nghĩa này đã ngã.

- Nghĩa kia chẳng thành.

- Nghĩa kia chẳng thành mà nghĩa của ta thành.

- Nghĩa ta tuy thành mà pháp không có ta.

- Nghĩa ta đã thành vì ta mà không ta.

- Ta mà không ta lại thành nghĩa gì?

- Vì ta không ta nên thành nghĩa của ngươi.

- Nhân giả thờ vị thánh nào mà được "không ta" ấy?

- Thầy ta là Bồ-Tát Ca-Na-Đề-Bà chứng được "không ta".

Tăng-Già-Nan-Đề tán thán: "Cúi đầu lễ Bồ-Tát Ca-Na-Đề-Bà, người tạo thành nhân giả. Vì nhân giả "không ta", tôi muốn thờ nhân giả". Ngài bảo: "Vì ta đã "không ta", ngươi cần thấy ta ta. Ngươi nếu thờ nơi ta, biết ta chẳng ta ta".

Tăng-Già-Nan-Đề tâm được rỗng rang liền đảnh lễ nói kệ: "Ba cõi một ngọn đèn; Ánh sáng soi chiếu con; Mười phương đều sáng lạng; Như mặt trời trong không". Tăng-Già-Nan-Đề nói kệ xong, lại đảnh lễ cầu xin thế độ. Ngài bảo: "Tâm ngươi tự tại chẳng lệ thuộc vào ta, cần gì nương nhờ mà cầu giải thoát".

Một hôm, ngài gọi
Tăng-Già-Nan-Đề đến bảo: "Nay ta đã già không còn ở đời bao lâu, đại pháp nhãn tạng của Như-Lai trao lại cho ngươi. Nghe ta nói kệ: Nơi pháp thật không chứng; Chẳng giữ cũng chẳng lìa; Pháp chẳng tướng có không; Trong ngoài do đâu khởi". Tăng-Già-Nan-Đề nghe kệ xong càng thêm cung kính, nói kệ tán thán: "Lành thay bậc đại thánh; Tâm sáng như nhật nguyệt; Ánh sáng chiếu thế giới; Ma tối diệt hết sạch". Ngài ngồi trên tòa lặng lẽ thị tịch. Bốn chúng xây tháp cúng dường .


Poetry 06-06-2013 13:26

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ mười bảy: Tăng-Già-Nan-Đề (Sanghanandi)

Giữa thế kỷ thứ bảy sau Phật Niết-bàn

Ngài là hoàng tử con vua Bảo-Trang-Nghiêm ở thành Thất-La-Phiệt. Ngài sanh chưa bao lâu đã biết nói, mà thường nói việc Phật pháp. Năm 7 tuổi, ngài chán thú vui ở đời,cầu xin xuất gia. Ngài nói kệ xin cha mẹ: "Cúi đầu lễ cha lành, Nép mình lạy mẹ hiền, Nay con muốn xuất gia, Xin thương xót nhận cho".

Cha mẹ cố khuyên giải không cho. Ngài phải nhịn ăn nài nỉ cho kỳ được. Cuối cùng cha mẹ thấy chí ngài quá mạnh không sao ngăn nổi nên cho xuất gia với điều kiện ở một ngôi nhà riêng trong hoàng cung. Vua thỉnh Sa-Môn Thiền-Lợi-Đa về dạy Phật pháp cho ngài. Từ đây ngài được pháp danh là Tăng-Già Nan-Đề. Ngài ở trong hoàng cung 9 năm tu hành, mới được thọ giới cụ túc. Một hôm, ngài tự cảnh tỉnh: "Ta đã thọ giới cụ túc mà còn ở trong nhà thế tục này sao?". Chợt một buổi chiều trời quang mây tạnh, ngài nhìn thấy một con đường bằng phẳng, ở xa đầu kia ló dạng một ngọn núi xanh. Ngài liền cất bước nhắm hòn núi thẳng tiến. Ngài đi đến dưới núi mà trời chưa tối. Tự ngài tìm được thất đá rồi ngồi thiền nơi ấy. Năm ấy ngài 26 tuổi.

Sáng hôm sau, vua nghe mất thái tử cho người tìm kiếm khắp nơi không được. Bực mình, vua đuổi Sa-Môn Thiền-Lợi-Đa ra khỏi thành. Ngài tu thiền ở đây ngót 10 mới có cơ duyên gặp Tổ La-Hầu-La-Đa rồi được truyền chánh pháp. Sau khi đắc pháp, ngài thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi làm lợi lạc quần sanh.

Một hôm, ngài bảo đồ chúng: "Thầy ta La-Hầu-La-Đa thường nói nước Ma-Đề sẽ ra đời một vị thánh tên Già-Da-Xá-Đa nối ta truyền pháp. Nay ta và các ngươi sang nước ấy tìm". Ngài liền dẫn đồ chúng du hóa nước Ma-Đề. Đang đi trong nước này, bỗng có một luồng gió mát lành từ phương tây thổi đến làm mát khỏe toàn chúng, ngài bảo chúng: "Đây là đạo đức phong, ba ngàn dặm về phía tây ắt gặp thánh nhân". Thầy trò đi đến một hòn núi nhìn lên đảnh có áng mây năm sắc. Ngài bảo chúng: "Trên đỉnh núi có mây tía như cái lọng ắt là chỗ thánh nhân ở". Lên đến đỉnh, quả nhiên thấy một mái nhà tranh nằm bên cạnh núi. Một đứa bé cầm gương tròn, đến trước bái ngài. Ngài hỏi: "Ngươi bao nhiêu tuổi?". Đứa bé thưa: "Trăm tuổi". Ngài và đứa bé đối đáp:

- Ngươi còn bé mà sao trăm tuổi ?

- Tôi chẳng hiểu sao, chính tôi một trăm tuổi.

- Ngươi có căn cơ lành chăng?

- Phật đâu không nói kệ: "Nếu người sanh trăm tuổi không hội được cơ duyên chư Phật, chẳng bằng sanh một ngày, mà được hiểu rành rõ".

- Ngươi cầm gương tròn ý muốn làm gì?

Đứa bé nói kệ: "Chư Phật gương tròn lớn; Trong ngoài không vết che; Hai người đồng được thấy; Tâm mắt đều giống nhau".

Cha mẹ thấy đứa bé đối đáp hợp đạo như thế, đồng ý cho theo ngài làm thị giả. Ngài nhận đứa bé dẫn về tịnh-xá cạo tóc thọ giới, cho hiệu là Già-Da-Xá-Đa. Một hôm, gió thổi cái linh treo trên điện Phật khua động, ngài hỏi Già-Da-Xá-Đa: "Linh kêu hay gió kêu?". Xá-Đa thưa: "Chẳng phải linh kêu, chẳng phải gió kêu, mà tâm con kêu". Ngài lại hỏi: "Tâm ngươi là cái gì?". Già-Da-Xá-Đa đáp: "Đều lặng lẽ". Ngài bảo: "Hay thay! Ngươi khéo hội lý Phật nên nói pháp yếu. Nối đạo cho ta, chẳng phải ngươi còn ai?". Ngài liền nói kệ: "Đất tâm vốn không sanh; Nhân đất từ duyên khởi; Duyên giống chẳng ngại nhau; Hoa trái cũng như thế". Nói kệ xong, ngài nắm cành cây mà hóa. Đồ chúng bàn nhau: "Thầy ta diệt độ ở dưới tàng cây, cũng là điềm che mát cho kẻ sau", liền làm lễ hỏa táng tại đây .


Poetry 08-06-2013 09:43

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ mười tám: Già-Da-Xá-Đa (Gayasata)

Cuối thế kỷ thứ bảy sau Phật Niết-bàn

Ngài họ Uất-Đầu-Lam ở nước Ma-Đề, cha hiệu Thiên-Cái, mẹ là Phương-Thánh. Bà Phương-Thánh thọ thai, một đêm mộng thấy có người cầm cái gương báu đến nói: "Tôi đến". Bà chợt tỉnh giấc, nghe toàn thân nhẹ nhàng thanh thản, khác hơn ngày thường. Trong nhà có mùi hương lạ, vài làn hào quang xuất hiện. 7 ngày sau, bà sanh ra ngài.

Thân ngài trong sáng giống như lưu-ly. Ngài thích chỗ vắng vẻ, nói ra những lời siêu việt. Nhà cha mẹ ngài ở trên núi Bảo-Lạc-Ca. Sau khi ngài ra đời, ngôi nhà này luôn luôn có áng mây tía che đậy trên không. Tổ Tăng-Già-Nan-Đề nhân thấy áng mây ấy, tìm đến gặp ngài. Từ đó, ngài theo làm đệ tử Tổ. Về sau, ngài được Tổ truyền tâm ấn và thống lãnh đồ chúng. Tùy duyên, ngài đi vân du khắp nơi để giáo hóa làm lợi ích cho quần sanh.

Khi tuổi đã già, ngài du hóa đến nước Nguyệt-Chí. Trong nước này có người dòng Bà-La-Môn tên Cưu-Ma-La-Đa tuổi được 30 tu theo ngoại đạo, chủ thuyết tự nhiên. Ông có nuôi một con chó,mỗi khi ăn xong, con chó ra hành lang dưới tấm rèm nằm. Có những khi mưa gió ướt cả mình,mà nó vẫn nằm đó. Người nhà sợ nó lạnh nên đuổi đi chỗ khác, nhưng rồi nó cũng trở lại chỗ đó nằm. Ông Cưu-Ma-La-Đa lấy làm lạ, đem việc đó hỏi thầy ông, nhưng không giải được điều gì. Ông mong có dịp gặp những bậc tu hành đạo đức cao cả để nhờ giải nghi.

Ngài cùng đồ chúng đi đến gần nhà người Bà-la-môn này, bỗng thấy khí đại thừa xông lên. Ngài dừng lại bảo chúng: "Khí này nếu vòng tròn như khoen đeo tai là có Bồ-Tát bên cạnh. Nay khí nầy tương tự vòng tròn ắt có thánh nhân gần đây". Thầy trò đi đến một đỗi, bỗng có người Bà-la-môn đến hỏi thị giả: "Thầy đây là người gì?". Thị giả đáp: "Là đệ tử Phật". Người ấy liền chạy thẳng vào nhà đóng cửa lại. Ngài đi theo đến nơi gõ cửa. Trong nhà nói vọng ra rằng: "Nhà này không có người". Ngài hỏi: "Đáp không người đó là ai?". Cưu-Ma-La-Đa nghe nói bèn có vẻ lạ, nghi là bậc đạo hạnh bèn mở cửa. Ra thấy ngài, ông chào và thỉnh ngồi ghế giữa, đoạn đem nghi vấn về con chó ra hỏi.

Ngài giải thích: "Con chó này là cha của ông, bởi có chút ít nghiệp nên đọa làm súc sanh. Xưa kia cha ông đem cả ngàn đính vàng để trong cái hũ lén chôn dưới rèm. Đến khi chết, chưa gặp ông để trối lại, vì còn tiếc của này nên sanh ra làm chó để gìn giữ. Nếu ông đào được, ắt nó sẽ bỏ đi". Cưu-Ma-La-Đa liền cho người đào chỗ con chó nằm, quả nhiên được hũ vàng đúng như lời ngài nói. Ông hết lòng kính phục phát nguyện xuất gia. Ngài hoan hỷ chấp nhận làm lễ xuất gia thọ giới và cho làm thị giả.

Thấy cơ duyên đã mãn, ngài kêu Cưu-Ma-La-Đa đến dặn dò: "Xưa Như-Lai đem đại pháp nhãn trao cho Tổ Ca-Diếp truyền lần đến ta, nay ta truyền lại cho ngươi. Ngươi nghe ta dạy: Có giống có đất tâm; Nhân duyên hay nẩy mầm; Đối duyên chẳng ngại nhau; Chính sanh, sanh chẳng sanh". Cưu-Ma-La-Đa cung kính vâng dạy, đảnh lễ thọ lãnh. Ngài dùng mười tám phép thần biến rồi vào viên tịch. Đồ chúng hỏa táng và lượm xá-lợi xây tháp cúng dường .

http://www.vietstamp.net.vn/data/200...oduct_1851.jpg File Đính Kèm 186153
Tượng Tổ Già-Da-Xá-Đa tay cầm chiếc gương báu.

Poetry 13-06-2013 13:16

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 19: Cưu-Ma-La-Đa (Kumarata)

Đầu thế kỷ thứ tám sau Phật Niết-bàn

Ngài dòng Bà-la-môn ở nước Nguyệt-Chí. Gia đình ngài trước kia giàu có, song cha ngài vì bịnh tham tiếc chỉ một bề bo bo giữ của. Nhân việc con chó nằm ngoài rèm, gặp Tổ Già-Da-Xá-Đa giải nghi, ngài phát tâm theo đạo Phật, xuất gia thọ giới. Sau khi được được Tố Già-Da-Xá-Đa phó chúc và truyền tâm pháp, ngài đi vân du khắp nơi để hoằng pháp lợi sanh.

Ngài đi giáo hóa đến miền Trung-Ấn. Trên đường gặp một du khách tên Xà-Dạ-Đa đến lễ bái ngài. Xà-Dạ-Đa hỏi: "Nhà con cha mẹ đều kính Tam-Bảo, tu hành đúng pháp mà sao nhiều bệnh hoạn, làm việc gì thất bại việc ấy. Hàng xóm gần nhà con, có người hung bạo giết hại làm ác càng ngày càng nhiều, mà thân thể khỏe mạnh, ra làm việc đều được như ý. Như vậy, nhân quả nghiệp báo đâu không phải nói suông ư? Con rất nghi lẽ này, mong ngài giải nghi".

Ngài bảo: "Phật nói nghiệp báo thông cả ba đời, bởi do đời trước tạo nghiệp lành nên đời này hưởng quả lành. Dù đời này có làm ác thì quả ác sẽ chịu ở đời sau. Cho nên, có người đời này tuy làm lành mà đời này không hưởng được quả lành vì nghiệp ác trước mạnh hơn. Có người đời này tuy làm ác mà không chịu quả ác vì nghiệp lành trước mạnh hơn. Nếu do đời này không được quả lành, rồi lại tạo ác, thì đời sau càng sa vào đường ác. Nếu do đời này được quả lành, rồi lại tạo lành, thì đời sau càng tiến trên đường lành. Lại có người đời trước làm lành được nửa đời, đổi sang làm ác, đến đời này nửa đời trước hưởng phước, nửa đời sau mắc họa. Hiện nay cha mẹ ông và người hàng xóm lẽ báo ứng thiện ác cũng giống như thế, bởi nghiệp đời trước chiêu cảm nên vậy. Đâu thể căn cứ trong hiện đời mà hiểu được?".

Xà-Dạ-Đa nghe giải liền tan hết nghi ngờ. Ngài dạy thêm: "Tuy ông đã tin nghiệp ba đời, mà chưa rõ nghiệp từ hoặc sanh, hoặc nhân thức có, thức y nơi bất giác, bất giác y nơi tâm. Song tâm vốn thanh tịnh, không sanh diệt, không tạo tác, không báo ứng, không hơn kém, lặng lẽ linh thông. Ông nếu vào pháp môn này có thể đồng với chư Phật, tất cả thiện, ác, hữu vi, vô vi đều như mộng huyễn".

Xà-Dạ-Đa nghe được lời này liền phát huệ đời trước, bèn xin xuất gia. Ngài hỏi: "Ông người xứ nào? Cha mẹ còn chăng? Nếu thật tâm cầu đạo, nên trở về nhà xin với cha mẹ, xin xong trở lại cũng chẳng muộn".

Xà-Dạ-Đa thưa: "Con là người Bắc-Ấn, cách đây hơn ba ngàn dặm, đâu thể trở lại được. Xin thỉnh ngài đến xứ con, cho gia đình con cúng dường và nhân đó con được xuất gia".

Ngài bằng lòng, thầy trò và đồ chúng đồng sang Bắc-Ấn. Đến nhà, Xà-Dạ-Đa xin phép cha mẹ được xuất gia. Ngài làm lễ xuất gia và truyền giới cụ túc cho Xà-Dạ-Đa tại một ngôi tháp cổ, nơi quê hương của Xà-Dạ-Đa.

Một hôm, ngài gọi Xà-Dạ-Đa đến dặn dò: "Xưa Phật ghi rằng ngươi sẽ làm Tổ thứ hai mươi, nay ta trao pháp nhãn tạng cho ngươi, ngươi khéo giữ gìn và truyền bá. Nghe ta nói kệ: Trên tánh vốn không sanh, Vì đối người cầu nói, Nơi pháp đã không được, Đâu cần giải chẳng giải". Ngài lại dặn: "Kệ này là lời diệu, do Như-Lai thấy tánh thanh tịnh nói ra, ngươi nên vâng giữ".

Xà-Dạ-Đa cung kính đảnh lễ vâng dạy. Ngài ngồi ngay trên tòa, chấp tay hở ra như hoa sen nở, phóng hào quang sáng suốt soi khắp trong chúng, rồi yên lặng thị tịch. Toàn chúng xây tháp phụng thờ ngài.


Poetry 15-06-2013 13:53

1 File đính kèm
Vị Tổ thứ 20: Xà-Dạ-Đa (Jayata)

Giữa thế kỷ thứ tám sau Phật Niết-bàn

Ngài người Bắc-Ấn, trước đã sẵn lòng mến đạo, thông hiểu đạo lý. Nhân du lịch miền Trung-Ấn gặp Tổ Cưu-Ma-La-Đa, ngài nhờ giải nghi, rồi phát tâm xuất gia. Sau ngài được Tổ Cưu-Ma-La-Đa truyền tâm ấn.

Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa các nước, lần lượt đến thành La-Duyệt. Trong thành này hiện có số đông chúng tăng học đạo. Nghe tin ngài đến,họ đua nhau đến yết kiến. Chúng đến trước nhất, người lãnh đạo là Bà-Tu-Bàn-Đầu. Ông nầy tu hành tinh tấn suốt ngày đêm không nằm và sáu thời lễ bái, mặc y vá, ăn một bữa, lòng đạm bạc không mong cầu. Đồ chúng nhân đó rất kính trọng ông.

Ngài gọi đồ chúng bảo: "Người khổ hạnh tu hành thanh tịnh này (Bà-Tu-Bàn-Đầu) có thể được Phật đạo chăng?".

Chúng đáp: "Thượng nhân này tu hành tinh tấn như thế, đâu không được đạo".

Ngài bảo: "Người này cùng đạo xa vậy. Dù khổ hạnh trải qua nhiều kiếp,chỉ giúp cho gốc vọng, đâu thể chứng đạo?".

Chúng hỏi: "Nhân giả chứa đựng được pháp gì mà chê thầy tôi?".

Ngài đáp: "Ta chẳng cầu đạo cũng chẳng điên đảo. Ta chẳng lễ Phật cũng chẳng khinh mạn. Ta chẳng ngồi mãi cũng chẳng lười biếng. Ta chẳng biết đủ cũng chẳng tham cầu".

Bà-Tu-Bàn-Đầu nghe lời này vui vẻ nói bài kệ tán thán: "Đảnh lễ tam muội lớn, Chẳng cầu được Phật đạo, Chẳng lễ cũng chẳng khinh, Tâm chẳng sanh điên đảo, Chẳng ngồi chẳng lười biếng, Chỉ ăn không cần ngon, Tuy hoãn mà không chậm, Tuy gấp mà chẳng thô, Nay con gặp chí tôn, Cúi đầu vâng Phật dạy".

Ngài bảo chúng: "Người tu hạnh đầu đà này, bọn ngươi không thể bì kịp. Vì ông ấy kiếp trước tu hạnh bất khinh nên mới được như vậy. Vừa rồi ta chê ông bởi thấy ông đạo tâm tha thiết, sợ e như sợi đàn thẳng quá phải đứt nên ta không khen ông, muốn ông tiến đến chỗ vô sở đắc và dừng trụ nơi đất An-Lạc".

Ngài lại gọi Bà-Tu-Bàn-Đầu hỏi: "Ta nói trái ý ông, tâm ông được chẳng động chăng?".

Bà-Tu-Bàn-Đầu thưa:

- Đâu dám động tâm. Tôi nhớ 7 đời về trước sanh cõi An-Lạc, vì mộ đạo nên thờ trí giả Nguyệt-Tịnh làm thầy. Thầy Nguyệt-Tịnh dạy tôi: "Không bao lâu nữa ngươi sẽ chứng quả Tư-Đà-Hàm, nên siêng năng tinh tiến. Phàm tu hành như trèo lên cao, phải cố gắng tiến lần lên, không cho sụt xuống. Nếu lỡ có sụt, muốn trèo lên lại càng khó". Lúc đó, tôi đã 80 tuổi, nương gậy mới có thể đi được. Khi ấy, gặp Bồ-Tát Đại-Quang-Minh ra đời, tôi muốn đến lễ ngài, bèn đi đến tịnh-xá, lễ bái xong trở về. Chợt gặp thầy Nguyệt-Tịnh quở trách tôi: "Dốt quá, tại sao ông lại khinh cha trọng con? Hôm trước, ta thấy ông sắp được chứng quả, hôm nay đã mất". Khi ấy, tôi tự cho là không có lỗi, nên không phục những lời quở ấy. Tôi cầu xin thầy Nguyệt-Tịnh chỉ lỗi cho tôi. Thầy Nguyệt-Tịnh dạy: "Vừa rồi, ngươi đến đảnh lễ Bồ-Tát Đại-Quang-Minh tại sao lại dựng cây gậy vào mặt Phật vẽ trên vách? Ngươi do lỗi này nên sụt quả vị". Tôi nhớ kỹ lại, thật đúng như lời thầy Nguyệt-Tịnh quở. Từ đó về sau, phàm có nghe lời nào, chẳng dám không tin. Dù bị những lời chửi mắng vẫn coi như gió thổi ngoài tai. Huống là, nay Tôn-giả dùng chánh pháp chỉ dạy thì đâu dám phiền buồn. Cúi xin đấng đại từ thương xót đem đạo mầu chỉ dạy cho con.

Ngài liền dạy: "Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao cho ngươi, ngươi nên truyền bá chớ để dứt mất. Nghe ta nói kệ: Nói ra hợp vô sanh, Đồng cùng tánh pháp giới, Nếu hay hiểu như thế, Suốt thông sự lý tột".

Bà-Tu-Bàn-Đầu lễ bái vâng lệnh. Ngài ngồi ngay trên tòa lặng lẽ quy tịch. Chúng hỏa táng thu xá-lợi xây tháp thờ.


Poetry 15-06-2013 14:19

Trong 18 mẫu tem Tượng chùa Tây Phương, có 1 mẫu tem trong bộ "Tượng chùa Tây Phương" (bộ 1) không phải là tượng các vị Tổ Thiền Tông mà là tượng Tuyết Sơn, miêu tả đức Phật Thích Ca trong thời kỳ tu khổ hạnh. Tượng khoác áo cà sa mỏng, tay chân gầy khẳng khiu, xương nổi lên trước ngực. Toàn bộ cơ thể chìm trong suy tưởng, mắt trũng sâu, hướng về nội tâm. Hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A-Nan và Ca-Diếp đứng hầu.



Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 18:09.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.