Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Cuộc sống đó đây (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=288)
-   -   Ngược đãi tiếng Việt (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=4827)

Cồ Việt 10-10-2009 14:29

Ngược đãi tiếng Việt
 
Ngược đãi tiếng Việt


Trung Dũng

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn – sinh thời nhà văn hoá Phạm Quỳnh, một trong những người đi tiên phong quảng bá chữ quốc ngữ và chủ trương dùng tiếng Việt thay chữ Nho, tiếng Pháp đã nói như vậy. Câu nói đó vừa là sự tôn vinh tiếng Việt, vừa là lời cảnh tỉnh cho người sử dụng. Mới đây, lời cảnh tỉnh này đã được một số giáo sư, nhà giáo nhắc lại trong thư gởi uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khẩn cầu thực hiện một cuộc “giải cứu” tiếng Việt bằng luật, nhằm xác lập lại những giá trị thiêng liêng cho tiếng nói dân tộc.

Tiếng Việt là thế này sao?

Phát triển xã hội và quá trình hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng nhiều đến tiếng Việt. Bên cạnh những mặt tích cực, tiếng Việt đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng xấu.

“Đọc hiểu được, chết liền”

Giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt phải bắt đầu từ những nét chữ đầu tiên của học trò

“Thường xuyên tiếp cận với học sinh, tôi cảm thấy choáng trước sự sáng tạo của các em về ngôn ngữ. Thương và thông cảm lắm nhưng vẫn thấy giận. Giận bởi thái độ thiếu trách nhiệm của người viết đối với ngôn ngữ dân tộc, thiếu tôn trọng với đối tượng giao tiếp”. Cô Dương Thu Trang, giáo viên trường PTTH Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) đã thốt lên như vậy trước tình trạng tiếng Việt trong trường học đang bị học sinh “nỗ lực” sáng tạo những kiểu chữ, câu văn mà nói vui theo nhiều người là “đọc hiểu được, chết liền”. Cô Trang kể, trong một bài nghị luận về vấn đề “Học phương pháp học”, một học sinh lớp 12 đã tỉnh bơ viết: “em sẽ cố gắng thay đổi cách học bài, dù có pùn ngủ mún chit cũng phải giải quyết hết bài tập”; một học sinh khác thì viết: “dùng riết vik sai chính tả lun”…

Thầy Nguyễn Văn Thạch, giáo viên trường PTTH Trần Khai Nguyên (TP.HCM) cũng có lần ngỡ ngàng khi đọc được trong bài kiểm tra của học sinh những “từ…lạ”: lun mún (luôn muốn), làm shao (làm sao)… “Tôi không thành kiến với cái gọi là ngôn ngữ chat của các em. Nếu dùng giới hạn trong những cuộc tán gẫu trên mạng thì có thể chấp nhận được nhưng nếu đưa những ngôn ngữ dị dạng đó vào trường học là điều không nên. Chưa kể các em sử dụng thường xuyên sẽ dẫn đến quen tay, quen miệng và khó tự kiểm soát được khi nói hay viết. Từ đó dẫn đến lười suy nghĩ tìm từ hay, ý đẹp và không nhận biết được giá trị văn hoá của tiếng mẹ đẻ”, ông Thạch bức xúc.

“Ngay trong luật Thương mại được Quốc hội ban hành cũng có cả một chương về dịch vụ logistics, mặc dù nhiều đại biểu đã đề nghị dùng cụm từ “dịch vụ hậu cần thương mại” để chỉ khái niệm này”

Sính ngoại ngữ, bóp méo tiếng mẹ đẻ

Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, giảng viên đại học Sư phạm TP.HCM cho biết tiếng Việt nổi tiếng đa dạng ngữ nghĩa và điều khiến âm điệu hay hơn các ngôn ngữ khác chính là vì có dấu. “Vậy mà hiện nay trong giới trẻ xuất hiện một tình trạng đáng buồn là không còn giữ được cái thuần Việt trong sử dụng tiếng Việt. Họ vô tư bóp méo, làm biến dạng tiếng mẹ đẻ, tự tạo ra những chữ không hề có trong từ điển tiếng Việt như rồi thì viết thành roài, không thành hông hoặc hem, biết thành bít…”, ông Thịnh nói. Ông Thịnh dẫn chứng thêm một số trường hợp khác tự chế ra những tiếng lóng chẳng giống ai và vô tư “bê” vào trong giao tiếp hàng ngày như: nộp tiền ngu (nộp lệ phí thi lại), đứt cước (hỏng việc hay thất bại), vitamin T (tiền); Trần Văn Chuồn (trốn, bỏ đi)…

“Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là văn hoá, là phẩm chất của người Việt. Anh không hiểu, không yêu tiếng mẹ đẻ, tiếng dân tộc thì anh không thể nói yêu nước, nói cái này cái nọ được”.

Văn bản nhà nước cũng “lai căng”

Sính ngoại ngữ một cách vô tội vạ, gây phản cảm, đánh mất tính thẩm mỹ của ngôn ngữ, trong khi hoàn toàn có thể dùng từ ngữ của tiếng Việt, không chỉ xảy ra phổ biến trong giao tiếp và trên văn bản của người dân mà ngay cả trong nhiều văn bản hành chính nhà nước cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những từ nước ngoài như: building, villa (nhà cao tầng, biệt thự), website (trang điện tử), festival (liên hoan)… “sự lạm dụng, “lai căng” như vậy chẳng những làm mờ đục tiếng Việt mà còn làm giảm hiệu quả các mệnh lệnh nhà nước bởi đại đa số người dân không biết tiếng nước ngoài nên dễ thực hiện sai”, ông Thịnh nói.

Cũng chung nỗi lo tiếng Việt đang ngày càng “lai căng”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, phó chủ nhiệm uỷ ban văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết ngay trong luật Thương mại được Quốc hội ban hành cũng có cả một chương về dịch vụ logistics, mặc dù nhiều đại biểu đã đề nghị dùng cụm từ “dịch vụ hậu cần thương mại” để chỉ khái niệm này. Bên cạnh đó, chỉ cần dạo quanh một vài góc phố ở bất kỳ đô thị nào cũng có thể thấy hàng loạt biển hiệu, biển quảng cáo hoàn toàn viết bằng tiếng Anh hoặc viết tên tiếng Anh ở bên trên và to hơn tên tiếng Việt rất nhiều. “Điều này rõ ràng vi phạm pháp lệnh Quảng cáo mà chẳng có ai quan tâm điều chỉnh. Thậm chí, đã có lúc hàng loạt tên đường ở một thành phố lớn viết toàn bằng tiếng Anh, đến mức lạc vào đó, người ta cứ ngỡ đang ở nước nào”, ông Thuyết nói.


Sai chính tả đang trầm kha

Không chỉ xảy ra trong trường học, tình trạng sai chính tả hiện đã xuất hiện rất phổ biến ngoài xã hội, trên các phương tiện truyền thông, internet… và lây lan cả vào các cơ quan hành chính nhà nước.

Đại học phải dạy lại ngữ pháp tiếng Việt!

Những cuộc thi thực hành tiếng Việt là dịp để xác lập lại những nguyên tắc chính tả cho học sinh.

Giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo, chủ tịch hội Cựu giáo chức Việt Nam cho biết, trong nhà trường hầu như giáo viên nào cũng thấy đau lòng trước vấn nạn học sinh viết sai chính tả ngày càng nghiêm trọng, “Học xong lớp 12 mà nhiều em viết một câu tiếng Việt không xong. Lên đại học còn phải dạy các em lại văn phạm tiếng Việt. Tôi tìm hiểu nền giáo dục nhiều nước trên thế giới đã hơn 50 năm rồi và thấy không có một nước nào mà sinh viên lại phải học lại văn phạm của tiếng mẹ đẻ cả”. Cô Nguyễn Ngọc Hà, giáo viên trường THPT Đa Phước (Bình Chánh) cho biết, không chỉ học sinh cấp ba mới: “Em không thích uống gụ (rượu – PV)…” mà trong một số cơ quan hành chính, bà từng đi liên hệ công việc cũng thường nghe: “Giấy tờ đã gồi (rồi – PV)”. “Lên đến cấp hai rồi mà nhiều em đọc chưa thông, viết chưa thạo, không phân biệt nổi chữ u và chữ n. Viết bản tự kiểm thành bản tự kỉm…”, bà Hà kể. Thầy Nguyễn Văn Hà, giảng viên trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết, mỗi lần chấm thi tuyển sinh, chấm khoảng 500 bài thì có 1/3 số bài viết sai chính tả trầm trọng. “Nhiều em viết chữ, viết câu còn tệ hơn cả học sinh cấp hai. Không viết hoa danh từ riêng, dùng dấu câu loạn xạ hoặc cả bài không có một dấu chấm…”

PGS.TS Lê Trung Hoa, giảng viên trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết, không ít lần tham quan các khu di tích, bảo tàng, triển lãm... nhìn vào các sổ ghi cảm tưởng, ông thấy ngỡ ngàng khi nhiều người, trong đó có cả những cán bộ quản lý có chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước, vô tư viết sai chính tả: xúc động viết thành súc động, chân thành viết thành trân thành, trân trọng viết là chân trọng, nhân dịp khai trương viết thành nhân dịp khai trươn... “Thậm chí có người sắp nhận bằng thạc sĩ ngôn ngữ học mà luận văn 132 trang thì có tới 138 lỗi chính tả”, ông Hoa kể.

Báo chí, cơ quan nhà nước cũng viết sai

PGS.TS Đặng Ngọc Lệ, phó chủ tịch hội Ngôn ngữ học Việt Nam, chủ tịch hội Ngôn ngữ học TP.HCM cho biết, những khảo sát thực trạng về lỗi chính tả của học sinh, sinh viên và những giáo viên đi học lớp tại chức cho thấy sự vi phạm quy tắc chính tả nhìn chung vẫn khá trầm trọng. “Tôi nghĩ, hổng kiến thức về tiếng Việt không phải là nguyên nhân của sai chính tả. Nếu hổng kiến thức về tiếng Việt thì tại sao có không ít giáo viên dạy văn THCS, THPT vẫn viết sai chính tả giữa n với ng; t với c; s với x; r với gi và d; dấu hỏi, dấu ngã… Trong khi giáo viên toán THCS, THPT không viết sai, trình bày bảng đẹp”, ông Lệ nói. Cũng theo ông Lệ, trên báo chí, băng rôn tuyên truyền các chủ trương, chính sách nhà nước gần đây tình trạng viết sai chính tả cũng rất nhiều: “Doanh nghiệp công nghệ thông tin TP.HCM: Nóng nòng (nóng lòng – PV) chờ hỗ trợ”, “Ngăn ngặn (ngăn chặn – PV) tham nhũng”…

Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, viết sai chính tả không phải mới xảy ra mà đã xuất hiện từ lâu. “Một người ít học nếu viết sai có thể chấp nhận được nhưng một cử nhân, thạc sĩ hay cán bộ nhà nước mà viết sai chính tả, ngay cả những lỗi chính tả cơ bản thì đúng là tình trạng đáng báo động”, ông Hoa nói. Trong thời gian TP.HCM thực hiện cao điểm tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không ít lần ông Hoa thấy hỡi ôi khi đọc được những băng rôn kiểu như: Sông sâu chớ nội (lội), sẽ chia (sẻ chia), lạn lách (lạng lách)…“Khi lỡ viết sai một câu tiếng Anh nhiều người mang nặng mặc cảm dốt nát. Trong khi viết sai tiếng Việt thì họ lại xem đó không có gì. Tiếng Việt là linh hồn dân tộc Việt, văn hoá Việt. Vì vậy viết đúng, nói chuẩn tiếng Việt là việc cần làm, phải làm ngay”.


Đang có một thứ tiếng Việt khó hiểu


ThS Nguyễn Thanh Hương, khoa luật dân sự, đại học Luật TP.HCM

Hiện nay trong xã hội ta dường như đã hình thành nên một tầng lớp những người nói một thứ tiếng Việt khó hiểu với đại bộ phận dân chúng. Đó là một thứ tiếng Việt mà từ cách phát âm đến cách dùng từ, thậm chí cả kết cấu ngữ pháp đều mang dáng dấp của một ngôn ngữ pha trộn, đặc trưng cho thứ tiếng Việt chuyển tiếp của những người nước ngoài đang học tiếng Việt hay những Việt kiều rời Việt Nam từ nhỏ, khi tiếng Việt của họ chưa được định hình vững chắc hoặc do lâu năm sống ở nước ngoài nên quên một số quy tắc hoặc từ ngữ của tiếng Việt. Cái thứ tiếng Việt của họ nhiều khi nghe lơ lớ, nửa tây nửa ta nên thường gây khó hiểu cho người dân bình thường. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó là những người nước ngoài thực sự hoặc là những Việt kiều, vì người Việt ta vốn rất coi trọng những người nước ngoài biết nói tiếng Việt, một thứ tiếng mà ngay cả người Việt cũng cho là khó học. Nhưng đằng này, họ lại là người Việt chính hiệu. Không những thế, cái thứ tiếng Việt pha tạp đó lại được sử dụng ở những nơi mà lẽ ra, nó phải được thể hiện dưới dạng chuẩn mực nhất, trong sáng nhất, đó là trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngôn ngữ “của nhà làm”

Một cách không chính thức, tất cả chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng những ngôn ngữ pha tạp mà các nhà khoa học gọi là các thứ tiếng xã hội hay biệt ngữ. Tiếng xã hội hay biệt ngữ là một thứ ngôn ngữ được tạo ra và sử dụng trong một phạm vi hẹp, trong khuôn khổ của các nhóm hay tầng lớp xã hội, tức những người có quan hệ công việc hàng ngày với nhau, như trong các nhóm học sinh, sinh viên, giáo viên, lái xe, bộ đội, hoặc trong giới buôn lậu, trộm cắp... Trong các thứ tiếng xã hội đó, chúng ta có thể nhận thấy sự pha trộn những yếu tố chuẩn với những yếu tố lệch chuẩn.

Các yếu tố lệch chuẩn có thể là những từ ngữ bình thường, vẫn tồn tại trong ngôn ngữ toàn dân, nhưng được sử dụng với ý nghĩa khác, như: phao (tài liệu chuẩn bị sẵn đưa vào phòng thi để quay cóp); đứt cước (hỏng việc hay thất bại)... Hay những từ ngữ mới, do các nhóm xã hội đó tự tạo ra, ví dụ: xê (một chỉ vàng); xao li (nói dối, nói láo)... Đó còn là những từ hay tên gọi được làm biến dạng đi theo những quy ước của các nhóm xã hội, như: Cô Loan (Đài Loan); Vitamin E (đàn bà)… Nhưng đó cũng có thể là những yếu tố tiếng nước ngoài được đưa vào lời nói nhằm tạo nên những hiệu quả giao tiếp nào đó hoặc để che đậy những nội dung bí mật mà chỉ những người trong cuộc mới giải mã được. Một học sinh học tiếng Pháp, trong khi nói chuyện với bạn bè, có thể sử dụng một thứ tiếng Việt “bồi” kiểu như: chốn biu rô (chốn văn phòng), hay toa với moa kết nghĩa ami (mình với cậu kết bạn với nhau)… mà không bị phản đối vì trong nhóm bạn bè, đó là thứ ngôn ngữ “của nhà làm”, ai cũng hiểu được. Tuy nhiên, đối với những người ở ngoài thì cách nói pha trộn như vậy thường gây phản cảm vì người ta không hiểu, hoặc cho đó là thứ ngôn ngữ “lai căng” hay một thứ tiếng lóng bí mật và đáng ngờ. Vì vậy, một cách tự nhiên, trong ý thức của xã hội, tiếng Việt sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông thường phải là thứ tiếng Việt của toàn dân, một thứ tiếng Việt phổ thông, trong sáng để ai cũng có thể hiểu được.

Lỗi hệ thống trong tiếng Việt

“Nhiều trường hợp vay mượn tiếng nước ngoài vào tiếng Việt không có lý do chính đáng, không có tác dụng bổ sung những từ ngữ đang thiếu cho tiếng Việt, cũng không làm cho tiếng Việt sang trọng hơn”

Một điều rất dễ nhận thấy là nhiều tên gọi nước ngoài vốn đã được định hình bao nhiêu năm nay, đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong tiếng phổ thông, bỗng nhiên bị một số người sửa lại theo cách phát âm của một thứ tiếng nào đó mà chỉ họ biết. Và thế là những tên gọi này không còn chuẩn mực nữa, vì người biết tiếng Anh thì phát âm theo kiểu tiếng Anh, người biết tiếng Pháp thì phát âm theo kiểu tiếng Pháp. Điều đáng ngạc nhiên là những hiện tượng lệch chuẩn như vậy chẳng có ai thấy cần phải sửa đổi hay phê phán. Nếu như việc phát âm lệch chuẩn gây nên cảm giác về sự lai căng của ngôn ngữ thì việc sử dụng những từ ngữ nước ngoài được đưa vào một cách không chính thức lại tạo ra cảm giác về sự khó hiểu của ngôn ngữ. Hiện tượng vay mượn không chính thức nhưng lại sử dụng tràn lan các từ ngữ nước ngoài trong các lĩnh vực như âm nhạc, thể thao, giải trí... trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ta đang tạo ra những thứ tiếng xã hội khá lộn xộn và cũng đang gây nên những phản cảm như vậy. Người ta nói đến các emxi (người dẫn chương trình), cátxê (tiền mặt), sô (biểu diễn)… một cách tự nhiên như thể đó là những từ tiếng Việt mà ai cũng hiểu, cũng biết.

Mục đích của việc vay mượn các từ ngữ nước ngoài vào trong tiếng Việt hiện nay rất không rõ ràng. Người ta đang vay mượn những từ ngữ đã có các yếu tố tương đương trong tiếng Việt. Chính sự mù mờ về mục đích vay mượn từ ngữ ngoại lai đang tạo ra những cách nói dư thừa trong tiếng Việt như: các fan hâm mộ, các sô diễn, tiền cátxê, emxi dẫn chương trình... Bản thân việc đưa nguyên xi dạng chữ viết tiếng Anh vào tiếng Việt như: “Teen bây giờ khác quá” cũng là một điều cần phải lên án mạnh mẽ vì nó vi phạm trắng trợn hệ thống chữ viết của tiếng Việt. Như vậy có thể thấy, nhiều trường hợp vay mượn các yếu tố tiếng nước ngoài vào tiếng Việt không có lý do chính đáng. Chúng không có tác dụng bổ sung những từ ngữ đang thiếu cho tiếng Việt trở nên chính xác hơn hay phong phú hơn, cũng không làm cho tiếng Việt sang trọng hơn. Một điều chắc chắn rằng, sự vay mượn lộn xộn và cẩu thả các yếu tố nước ngoài đang tạo ra những biệt ngữ xã hội. Chỉ có điều những biệt ngữ xã hội đó lại đang hoạt động trong chức năng của ngôn ngữ toàn dân. Đó thật sự là một “lỗi hệ thống” trong tiếng Việt hiện nay của chúng ta.

http://www.sgtt.com.vn/Detail55.aspx...009/1008/57946

hat_de 10-10-2009 14:41

chài ... bài tổng hợp trên đa chiều thật

tiếng Việt hỏng từ trung ương tới địa phương
tiếng việt hỏng từ ngoài đường vào trong trường và cả giảng đường

ko rõ các quốc gia khác có gặp tình huống tương tự ko, chắc là có, nhưng ko nghiêm trọng như VN

1 thế hệ trẻ, mầm đang sống trong môi trường hỗn loạn về ngôn ngữ, nắm lại chắc khó, thui thì cố cập nhật để kịp với 1 xu hướng ko hay, nhưng ko thể cưỡng lại này.

for teen ===> four teen ===> 4 teen === > 4 tin === > 40 <=== ha ha ... hum nọa chát với 1 đứa mình nói cái đó 40 thui ... họ lại tưởng là tiền, tưởng cái đó chỉ 40 nghìn thui, trong khi ý mình là cái đó chỉ dành cho bọn tủôi tin thôi :))

hậu quả của việc ko cập nhật với xu hướng bát nháo là vậy đó, ko hiểu sự kì quái của thế giới xung quanh sớm muộn cũng văng ra khỏi dòng chảy bát nháo hiện nay.

Mới chỉ là 1 hiện tượng tạo từ ở khía cạnh âm thui mà đã thế rùi, trong khi hệ thống ngôn ngữ mới có rất nhìu kỉu pín thái...hông cạp nhựt là chít =))

THE GUEST 10-10-2009 15:11

VS nên phát động & hưởng ứng KHÔNG VIẾT SAI CHÍNH TẢ & SỬ DỤNG CHỮ VIỆT KIỂU "CHAT HOÁ" CŨNG NHƯ TIẾNG VIỆT KHÔNG DẤU trong diễn dàn !

hat_de 10-10-2009 15:17

xin bổ sung: 1 số vấn đề như việc đọc âm Việt cho 1 số thuật ngữ nữa

trithuc_nguyen 10-10-2009 15:30

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi hat_de (Post 82118)
xin bổ sung: 1 số vấn đề như việc đọc âm Việt cho 1 số thuật ngữ nữa

Anh Dẻ ơi,nếu sử dụng thuật ngữ tiếng nước ngoài thì hoặc là dịch hẳn ra tiếng Việt hoặc để nguyên tiếng của người ta để giữ sự tôn trọng,còn hơn là phiên âm ra tiếng Việt kiểu nửa Tây nửa ta,còn chết dở nữa,phải không anh?!?
SGK lịch sử 11 phiên âm như sau:
Hô - xê Ri - đan = José Rizal
Bô - ni - pha xi -ô = Bonifacio
Đó là lý do tại sao em rất ghét ghi phiên âm!

hat_de 10-10-2009 15:47

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi trithuc_nguyen (Post 82123)
Anh Dẻ ơi,nếu sử dụng thuật ngữ tiếng nước ngoài thì hoặc là dịch hẳn ra tiếng Việt hoặc để nguyên tiếng của người ta để giữ sự tôn trọng,còn hơn là phiên âm ra tiếng Việt kiểu nửa Tây nửa ta,còn chết dở nữa,phải không anh?!?
SGK lịch sử 11 phiên âm như sau:
Hô - xê Ri - đan = José Rizal
Bô - ni - pha xi -ô = Bonifacio
Đó là lý do tại sao em rất ghét ghi phiên âm!

đúng rùi

anh lắm khi cũng phiên âm trẹo, giờ hoặt ghi đúng từ gốc, hoặc thế từ Việt

ví dụ: web-site thì hông ghi oép-sai, cũng ko cần phải ghi đủ, trang mạng, web-site là từ phổ thông rồi. Với những ai chưa tiếp cận từ đó thì trang mạng hay web-site đều khó hiểu như nhau, nếu cần giải thích thì giải thích trang mạng là gì, và nên dùng từ web-site từ đó trở đi. add nick thì nói là thêm níck chớ đừng ép níck, có ai ép à

đi ọp, đi off, ..ủa sao ỡm ờ vậy, đi gặp mặt ngoài đời, nói thế thì lại quê quá cái đó chưa biết chọn từ nào

Nói chung ngôn ngữ là 1 hiện tượng phức tạp, mà bản thân từ "làm trong sạch tiếng Viêt" cũng là 1 khái niệm rất vớ vẩn và vô nghĩa

trong 1 cuộc thi hát Thanh Lam có bình về 1 thí sinh, cô nói "em hát sạch"

dùng từ "sạch" như trong 2 trường hợp trên là lầm "bẩn" tiếng Việt :|

nói đúng phải là sự trong sáng của tiếng Việt

còn từ ngược đãi <== nó cũng đã được dùng ko đúng, bởi hiện tượng mà bài báo nói tới là hiện tượng mới nên tìm 1 từ thích hợp hơn

nhìu khi chúng ta ngấm những cái sai 1 cách rất êm

Đinh Đức Tâm 10-10-2009 15:59

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi trithuc_nguyen (Post 82123)
Anh Dẻ ơi,nếu sử dụng thuật ngữ tiếng nước ngoài thì hoặc là dịch hẳn ra tiếng Việt hoặc để nguyên tiếng của người ta để giữ sự tôn trọng,còn hơn là phiên âm ra tiếng Việt kiểu nửa Tây nửa ta,còn chết dở nữa,phải không anh?!?
SGK lịch sử 11 phiên âm như sau:
Hô - xê Ri - đan = José Rizal
Bô - ni - pha xi -ô = Bonifacio
Đó là lý do tại sao em rất ghét ghi phiên âm!

Cái này Báo Nhân dân là trùm luôn áh, đọc phát mệt, nhiều khi cái tên nhân vật, địa danh đó mình biết, đọc báo xong mình ko hiểu cái đó ở đâu, nhân vật đó là ai luôn :(

hat_de 10-10-2009 16:07

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi ecophila (Post 82132)
Cái này Báo Nhân dân là trùm luôn áh, đọc phát mệt, nhiều khi cái tên nhân vật, địa danh đó mình biết, đọc báo xong mình ko hiểu cái đó ở đâu, nhân vật đó là ai luôn :(

trên báo
trên đài
và rất nhiều kênh chính thống khác cũng sai

đặc biệt là bản tin chứng khoán của Truyền Hình VIệt Nam, dùng ngôn từ vô tội vạ,

ai đã từng nghe thì sẽ được cảm nhận 1 loạt nghĩa mới của những từ cũ

dám cá là không thể dịch nổi sang tiếng Anh khi bản tin đó sử dụng toàn ngôn từ "chợ búa", nó ko hẳn chợ búa nhưng được dùng rất kì lạ :(

caifincafe 10-10-2009 16:10

Dám cá là phần lớn các bạn teen sử dụng lối ngôn ngữ chat ấy ko biết từ chính xác của "kute" là gì 3:-O

hat_de 10-10-2009 16:19

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi caifincafe (Post 82136)
Dám cá là phần lớn các bạn teen sử dụng lối ngôn ngữ chat ấy ko biết từ chính xác của "kute" là gì 3:-O

chính xác
nó là cute, c chuyển thành k
mà từ cute của dân Việt cũng biến nghĩa rồi

bài toàn làm trong sáng tiếng VIệt là bài toàn ko lời giải

lý do:

- quan chức sai, kênh phát ngôn chính thống (đài báo, truyền hình, mạng) ... sai
- thế hệ trẻ ko còn tin vào SGK, cũng ko thể tin vào các kênh chính thống, thày sai trò sai, xã hội sai...
- sở thích thời thượng mang tính "bầy đàn"
- bản thân những người có ý thức đôi khi cũng bí từ và mượn tạm từ gọi là để "tăng cường ý cần diễn đạt" vậy là dần dần cái sai thành đúng

sai thành đúng <=== đây cũng là 1 hiện tượng của ngôn ngữ, và nó là chấp nhận được trong rất nhìu trường hợp ... hiện tượng ngôn ngữ phức tạp hơn toán nhìu :|


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 03:36.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.