Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Nhân vật Việt Nam (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=694)
-   -   Kỷ niệm 100 năm sinh Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989) (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=11138)

Poetry 17-02-2013 16:38

Kỷ niệm 100 năm sinh Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989)
 
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trí thức yêu nước lớn, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng trong lịch sử hiện đại của nước ta. Con người và sự nghiệp của Huỳnh Tấn Phát luôn luôn gắn bó với vận mệnh đất nước. Từ thời còn trai trẻ, ông đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Từ những năm tháng nhân dân ta theo Đảng làm cách mạng giành độc lập vào Tháng Tám năm 1945 đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, và cả trong những năm đầu xây dựng đất nước, ông đã trọn vẹn tâm và lực cho đấu tranh giành tự do, bảo vệ độc lập và xây dựng Tổ quốc giàu đẹp.


Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-02-1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khi đến tuổi học trung học, ông lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký. Năm 1933, ông thi vào học khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938. Cuối năm 1938, khi vừa có tấm bằng kiến trúc sư hạng ưu, ông trở về Sài Gòn và làm việc tại văn phòng kiến trúc sư người Pháp là Chauchon tại số 68-70 đường Mayer.

Năm 1940, ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư ở Sài Gòn. Năm 1941, ông đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương do Toàn Quyền Đông Dương Jean Decoux tổ chức. Các biệt thự do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế trước năm 1943 ở Sài Gòn đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính rất phù hợp với khí hậu nóng, ẩm phương nam. Một số biệt thự vẫn còn đến ngày nay như biệt thự số 7 Lê Duẩn, biệt thự số 151 Nguyễn Đình Chiểu, biệt thự số 6 Nguyễn Huy Lượng...


Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông là chủ nhiệm báo Thanh Niên hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền Phong, truyền bá quốc ngữ, cứu tế nạn đói ở Nam Bộ. Ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 05-03-1945. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông cùng một số trí thức Nam Bộ tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông đã thiết kế và chỉ đạo thực hiện công trình kỳ đài cao 15 m ghi tên 11 vị trong Lâm ủy Nam Bộ tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi chỉ trong đêm 24-08-1945.

Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông công tác bí mật ở Sài Gòn, bị Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn. Năm 1949, ông ra chiến khu, giữ chức Ủy viên Ủy Ban kháng Chiến hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, trực tiếp phụ trách Đài phát Thanh tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do. Cũng từ đây, ông tạm giã từ chuyên môn, dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.


Sau Hiệp định Genève, ông ở lại Sài Gòn, làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Năm 1954, đồ án thiết kế của ông tham dự cuộc thi thiết kế nhà văn hóa dự kiến xây dựng ở Khám lớn Sài Gòn đã đoạt giải II (không có giải I) và Thư viện Sài Gòn (đồng tác giả với Nguyễn Hữu Thiện) là một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn được giới nghề và công chúng đánh giá cao.

Ông cũng tham gia các phong trào đòi hòa bình, tự do, dân chủ, thống nhất đất nước, đòi thi hành Hiệp định Genève. Năm 1960, ông bí mật thoát ly khỏi Sài Gòn, tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 06-1969, ông được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày Việt Nam thống nhất.


Sau ngày Việt Nam thống nhất, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông làm Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô và Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội, chỉ đạo và góp ý kiến các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang,Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh….

Ông còn đảm nhiệm các trọng trách: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, ông đã được Nhà nước ta tặng Huân chương Sao Vàng. Năm 1996, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt I với các tác phẩm : Quy hoạch thủ đô Hà Nội thiết kế năm 1981; chỉ đạo trực tiếp tham gia thiết kế các công trình: Sân bay Quốc tế Nội Bài, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Trung ương, thiết kế năm 1978; Bảo tàng Hồ Chí Minh, thiết kế năm 1979 - 1985.


Ông mất ngày 30-09-1989 tại TP.Hồ Chí Minh. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trí thức cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng cho các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam học tập. Đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân cả nước luôn luôn nhớ đến ông, con người có nụ cười không bao giờ tắt.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là dịp để chúng ta khẳng định công lao và những đóng góp của ông đối với đất nước. Nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Huỳnh Tấn Phát (1913-1989)” gồm 1 mẫu do họa sĩ Tô Minh Trang thiết kế. Bộ tem được thiết kế theo phong cách đồ họa với hình ảnh nổi bật là chân dung Huỳnh Tấn Phát trên nền lá cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tổ chức gắn liền với sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của ông.


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 12:25.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.